Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013


ĐỨC PHẬT VÀ TĂNG CHÚNG


1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta.’ Và thêm nữa, trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài đã nói như vầy: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Thế Tôn là: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta,’ như thế thì trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài nói rằng: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm,’ lời nói ấy là sai trái.

Nếu trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài đã nói như vầy: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm,’ như thế thì lời nói rằng: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta’ là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: - Này Ānanda, Như Lai không khởi ý như vầy: ‘Ta sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu’ hoặc là: ‘Hội chúng tỳ khưu là thuộc sự chỉ đạo của Ta.’ Và trong khi làm sáng tỏ đức hạnh về bản thể của đức Thế Tôn Metteyya, Ngài đã nói như vầy: ‘Vị ấy sẽ quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều ngàn năm, cũng giống như Ta hiện nay quản trị hội chúng tỳ khưu nhiều trăm năm.’ Tâu đại vương, ở câu hỏi này, một ý nghĩa có sự thiếu sót, một ý nghĩa không có sự thiếu sót. Tâu đại vương, đức Như Lai không phụ thuộc vào tập thể, trái lại tập thể phụ thuộc vào đức Như Lai. Tâu đại vương, điều này là quan niệm chung: ‘tôi,’ ‘của tôi,’ điều này không phải là ý nghĩa tuyệt đối. Tâu đại vương, đối với đức Như Lai việc được lìa xa là điều ưa thích, việc được lìa xa là điều yêu mến. Đối với đức Như Lai không có sự nắm giữ như là ‘của tôi.’ Tuy nhiên, do sự bám víu mà có sự nương nhờ. Tâu đại vương, giống như địa cầu đất là nơi nâng đỡ cho các chúng sanh có sự cư ngụ ở mặt đất. Và các chúng sanh này cư ngụ ở địa cầu. Nhưng đại địa cầu không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai là nơi nâng đỡ cho tất cả chúng sanh, và ban cho chỗ ẩn náu. Và các chúng sanh này có đức Như Lai là chốn nâng đỡ. Nhưng đức Như Lai không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’

3. Tâu đại vương, hoặc là giống như đám mây to lớn khổng lồ trong khi đổ mưa thì ban cho sự tăng trưởng của cỏ, cây, thú vật, loài người, rồi duy trì sự tiếp nối. Và tất cả các chúng sanh này có sự sinh tồn nhờ vào mưa, nhưng đám mây lớn không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai làm sanh ra và duy trì các pháp thiện đối với tất cả các chúng sanh, và tất cả các chúng sanh này có sự sinh tồn nhờ có đấng Đạo Sư, nhưng đức Như Lai không có điều mong mỏi ở những người ấy rằng: ‘Họ thuộc về tôi.’ Điều ấy có nguyên nhân là gì? Sự dứt bỏ đối với tà kiến về bản thân (tùy ngã kiến).”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Câu hỏi đã khéo được tháo gỡ bằng nhiều cách thức với nhiều lý lẽ, điều thâm sâu đã được làm rõ, nút thắt đã được mở ra, bụi rậm đã được làm không còn bụi rậm, bóng tối đã được làm thành ánh sáng, lời tuyên thuyết của ngoại đạo đã bị đổ vỡ, (Pháp) nhãn đã được sanh khởi cho những người con trai của đấng Chiến Thắng.”