Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Câu chuyện trong ngày 1-6-2010
SƯ PHẠM
Một trong những trọng điểm của nền giáo dục chân chính là nhận rằng tất cả mọi người không giống nhau.

(I) (111) Kesi

1. Rồi Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đi đến Thế tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế tôn nói với Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đang ngồi một bên:

2. - Này Kesi, Ông là người đánh xe điều phục ngựa, có chế ngự. Và này Kesi, Ông nhiếp phục ngựa như thế nào?

- Bạch Thế tôn, con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng và thô ác.

- Này Kesi, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác, thời Ông làm gì với con ngựa ấy?

- Bạch Thế tôn, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác của con, thời bạch Thế tôn, con giết nó. Vì sao? Vì mong rằng nó không làm mất danh dự cho gia đình thầy của con! Nhưng bạch Thế tôn, Thế tôn là bậc Vô thượng, đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự, như thế nào Thế tôn nhiếp phục những ai đáng được điều phục?

3 - Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện, Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn: Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là loại ngạ quỷ.

Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là ngạ quỷ.

- Bạch Thế tôn, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Thế tôn, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, thời Thế tôn làm gì với người ấy?

- Này Kesi, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Ta, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, này Kesi, thời Ta giết hại người ấy!

4. - Nhưng bạch Thế tôn, sát sanh không xứng đáng với Thế tôn. Tuy vậy, Thế tôn nói: "Này Kesi, Ta giết hại người ấy".

- Thấy vậy, này Kesi, sát sanh không xứng đáng với Như Lai. Nhưng người đáng được điều phục ấy không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, Như Lai nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Và các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Bị giết hại, này Kesi là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới.

- Bạch Thế tôn, người ấy bị bậc Thiện Thệ giết hại là người nào bị Như Lai nghĩ rằng không xứng đáng được nói đến, không xứng đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới. Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! ... bắt đầu từ nay, mong Thế tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Thảo luận

1. Có cách nào để chúng ta khẳng định là một người duyên hay vô duyên với Phật Pháp?
2. Sự phân biệt căn tánh có đi ngược lại sự đối xử bình đẳng không?
3. Phải chăng những người Phật tử ngày nay kém duyên lành so với người Phật tử thời Phật trụ thế?
4. Tâm đại bi có thể chấp nhận chúng sanh tới mức độ nào?

Đố vui

Điều nào dưới đây được xem là tất yếu cho một người tu học Phật Pháp:

a. Biết chấp nhận và tôn trọng sự thật
b. Có lòng từ với chúng sanh
c. Có niềm tin ở Phật Pháp Tăng
d. Cả ba câu trên

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2010

Câu chuyện trong ngày 31-5-2010
HAI ĐƯỜNG THẲNG SONG SONG GẶP NHAU Ở VÔ CỰC
Không có sự dị biệt trong cứu cánh giải thoát

(I) (31) Sumanà , Con Gái Vua

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cỗ xe, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Sumanà, con gái vua bạch Thế Tôn:

2. - Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai được sanh lên cõi lành Thiên giới. Giữa hai vị thiên ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

- Có sự sai biệt, này Sumanà.

3. Người có bố thí, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không có bố thí trên năm phương diện. Về thiên thọ mạng, về thiên sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về thiên tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện này.

4. - Bạch Thế Tôn, nếu họ từ đây mạng chung, trở lại trạng thái này, khi họ trở lại làm người, bạch Thế Tôn, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

- Có sự sai biệt, này Sumanà.

5. Người có bố thí, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện: Về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện này

6. - Bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Giữa hai người xuất gia ấy, bạch Thế Tôn có thể có những đặc thù gì, những sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

- Có sự sai biệt, này Sumanà.

7. Người có bố thí, khi được xuất gia, vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương diện: Thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Này Sumanà, người có bố thí khi được xuất gia, vượt qua người không có bố thí trên năm phương diện này.

8. - Nhưng bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều chứng quả A-la-hán. Với hai vị chứng đạt A-la-hán ấy, bạch Thế Tôn có sự đặc thù nào, có sự sai khác nào?

9. - Ở đây, này Sumanà, Ta nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát.

10. - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Xa cho đến như vậy là vừa đủ để bố thí, là vừa đủ để làm cho các công đức. Vì rằng chúng là những giúp đỡ, những công đức cho chư Thiên, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho loài Người, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho các người xuất gia.

- Sự việc là như vậy, này Sumanà, là vừa đủ, này Sumanà, để bố thí, là vừa đủ để làm các công đức. Chúng là những giúp ích, những công đức cho chư Thiên. Chúng là những giúp ích, những công đức cho loài Người. Chúng là những giúp ích, những công đức cho những người xuất gia.

11. Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Như mặt trăng không uế,
Ði giữa hư không giới,
Với ánh sáng bừng chói,
Giữa quần sao ở đời.
Cũng vậy, người đủ giới,
Hạng người có lòng tin,
Với bố thí, bừng chói,
Giữa xan tham ở đời.
Như mây mưa sấm sét,
Vòng hoa chóp trăm đầu,
Tràn đầy cả thung lũng,
Lan tràn cả đất bằng.
Cũng vậy, đầy tri kiến,
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Bậc trí vượt xan tham,
Trên cả năm phương diện,
Thọ mạng và danh xưng,
Dung sắc và an lạc,
Với tài sản sung mãn,
Chết hưởng hỷ lạc thiên.

Thảo luận

1. Nếu nói là sự giải thoát không khác nhau thì tại sao phải "tu nhiều cho mệt"?
2. Trong chánh kinh có câu "người có bố thí thì khi xuất gia thân nghiệp khả ái, khẩu nghiệp khả ái, ý nghiệp khả ái", vậy những nghiệp đó là quả chứ không phải là nhân?
3. Thường được hiểu là tất cả những vị đạt đến quả vị giải thoát đều viên mãn ba la mật hạnh, trong đó có hạnh bố thí, nhưng tại sao có những vị a la hán thiếu quả phúc của bố thí?
4. Tại sao chỉ riêng hạnh lành bố thí không những cho quả phúc giàu có mà còn thọ mạng, danh xưng, sự mến mộ ..v.v...

Đố vui

Những điều nào dưới đây không có liên hệ gì với quả của sự bố thí:

a. Trí tuệ
b. Sự an lạc
c. Sức mạnh kiện khang
d. Giải thoát phiền não
ĐẠI LỄ KHÁNH ĐẢN PL 2554
Chương trình trong room Phật Pháp Buddhadhamma gồm ba ngày

Ngày thứ hai 30-5-2010
ĐẠI BI TÂM CỦA ĐỨC TỪ PHỤ

3. Kinh thừa tự Pháp
(Dhammadàyàda sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo", --"Bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói:

-- Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?". Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự Pháp, thì không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự Pháp".

Và này các Tỷ-kheo, nếu các Ngươi là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các Ngươi trở thành những người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật", mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: "Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự Pháp, không phải là những người thừa tự tài vật". Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự Pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Ngươi và Ta nghĩ: "Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự Pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật?".

Này các Tỷ-kheo, ở đây, một thời Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực của Ta đáng được quăng bỏ. Khi ấy có hai Tỷ-kheo đến, đói lả và kiệt sức. Ta có thể nói với hai vị ấy: "Này các Tỷ-kheo, Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực này của Ta đáng được quăng bỏ. Nếu các Ngươi muốn, hãy ăn đi. Nếu các Ngươi không muốn ăn, Ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy". Rồi một Tỷ-kheo có thể nghĩ như sau: "Nay Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Nhưng Thế Tôn có dạy như sau: "Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật". Ðây là loại tài vật; món đồ ăn này, ta hãy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày hôm nay, bị đói lả và kiệt sức". Rồi vị ấy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày ấy, đói lả và kiệt sức. Tỷ-kheo thứ hai nghĩ như sau: "Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm nay như vậy". Rồi vị ấy ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy. Này các Tỷ-kheo, dầu cho Tỷ-kheo này, sau khi ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy, nhưng đối với Ta, Tỷ-kheo đầu tiên đáng được kính nể hơn, và đáng được tán thán hơn. Vì sao vậy? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ-kheo ấy, trong một thời gian lâu ngày, ít dục, biết đủ, khổ hạnh, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự Pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nói xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tịnh xá. Lúc ấy, Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất), sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả Tỷ-kheo!" --"Thưa vâng Hiền giả", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói:

"Này các Hiền giả, như thế nào vị Ðạo sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Ðạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?" --"Này Hiền giả, chúng tôi từ xa lại để được hiểu nghĩa lý câu nói này từ Tôn giả Sariputta. Lành thay, nếu Tôn giả Sariputta thuyết giảng nghĩa lý câu nói ấy. Sau khi được nghe Tôn giả Sariputta thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì" --"Chư Hiền, vậy hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng" --"Thưa vâng, Hiền giả", những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:

-- Này chư Hiền, ở đây vị Ðạo Sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly. Những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ, và họ sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly.

Này chư Hiền, các Thượng Tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này đáng bị quở trách.

Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách, ... (như trên)...

Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng bị quở trách.

Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly.

Và như thế nào, vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly? Này chư Hiền, vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Những pháp nào, vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ; và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly.

Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các Thượng Tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.

Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. ... (như trên)...

Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Ðó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Ðạo Sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Ðó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về viễn ly. Ðó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán.

Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Ðạo Sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly.

Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền con đường Trung đạo ấy là gì - (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Ðó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Ở đây, này chư Hiền, phẫn nộ là ác pháp và hiềm hận cũng là ác pháp, giả dối là ác pháp và não hại cũng là ác pháp, tật đố là ác pháp và xan lẫn cũng là ác pháp, man trá là ác pháp và phản bội cũng là ác pháp, ngoan cố là ác pháp và bồng bột nông nổi cũng là ác pháp, mạn là ác pháp và tăng thượng mạn cũng là ác pháp, kiêu là ác pháp và phóng dật cũng là ác pháp. Có một con đường Trung đạo diệt trừ kiêu và diệt trừ phóng dật, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền, con đường Trung đạo ấy là gì - (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Ðó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời giảng của Tôn giả Sariputta.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt


Thảo luận

1. Người tu Phật có nên xem pháp bảo là tài sản không?
2. Ai là người hội đủ điều kiện để "thừa tự Pháp bảo"?
3. Gìn giữ chùa chiền, thánh tích có gọi là "thừa từ tài vật" không?
4. Chánh pháp ở đây là kinh điển sách vỡ hay còn thứ gì khác?

Đố vui

Đức Phật là bậc đại bi vô lượng. Điều nào dưới đây là tâm điểm của lòng đại bi của Đức Phật:

a. Xây dựng ngôi nhà giáo pháp cho nhiều thế hế thừa hưởng
b. Nêu cao gương lành đời sống theo chánh pháp
c. Làm nơi nương tựa, qui hướng cho những chúng tâm có tín tâm
d. Cả ba câu trên đều đúng

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

ĐẠI LỄ KHÁNH ĐẢN PL 2554
Chương trình trong room Phật Pháp Buddhadhamma gồm ba ngày

Ngày thứ hai 29-5-2010
NHƯ LAI LÀ ĐẤNG THẬP LỰC

12. Ðại kinh Sư tử hống
(Mahàsìhanàda sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú tại Vesali (Tỳ-xá-ly), ở phía ngoài thành, trong một khu rừng phía Tây.

Lúc bấy giờ, Sunakkhatta thuộc bộ lạc Licchavi, vừa mới từ bỏ Pháp và Luật này, nói lời nói như sau trong Hội chúng ở Vesali: "Sa-môn Gotama không có pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; Sa-môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tác thành, tùy thuận trắc nghiệm, và thuyết cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau".

Lúc ấy Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất) vào buổi sáng, đắp y, cầm bát, vào thành Vesali để khất thực. Tôn giả Sariputta nghe Sunakkhatta thuộc bộ lạc Licchavi nói như sau trong hội chúng ở Vesali: "Sa-môn Gotama không có pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh; Sa-môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tác thành, tùy thuận trắc nghiệm và thuyết pháp cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau".

Rồi Tôn giả Sariputta khất thực xong, sau khi ăn và đi khất thực trở về đến chỗ ở Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Sariputta bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Sunakkhatta thuộc bộ lạc Licchavi, vừa mới từ bỏ Pháp và Luật này, nói lời nói như sau trong hội chúng Vesali: "Sa-môn Gotama không có pháp thượng nhân... (như trên)... diệt tận khổ đau".

-- Này Sariputta, Sunakkhatta phẫn nộ và ngu si, do phẫn nộ nên nói lên lời ấy. Này Sariputta, Ông ta nghĩ: "Ta sẽ nói xấu". Thế mà kẻ ngu Sunakkhatta lại nói lời tán thán Như Lai. Này Sariputta, ai nói như sau là tán thán Như Lai: "Pháp ấy được thuyết giảng cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng dẫn người thực hành diệt tận khổ đau".

Này Sariputta, đối với Sunakkhatta ngu si kia, sẽ không có tùy pháp nào về Ta như sau: "Ðây là Như Lai, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

Này Sariputta, đối với Sunakkhatta ngu si kia, sẽ không có tùy pháp nào về Ta như sau: "Ðây là Thế Tôn, vị đã chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua thành, qua núi, như đi ngang hư không, độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như trên đất liền, ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên". Này Sariputta, đối với Sunakkhatta ngu si kia sẽ không có tùy pháp này về Ta như sau: "Ðây là Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân có thể nghe hai loại tiếng chư Thiên và loài Người, xa và gần".

Này Sariputta, đối với Sunakkhatta ngu si kia sẽ không có tùy pháp nào về Ta như sau: "Ðây là Thế Tôn, sau khi đi sâu vào tâm chúng sanh, tâm loài Người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau: "Tâm có tham biết là tâm có tham. Hay tâm không tham biết là tâm không tham... tâm chuyên chú... tâm tán loạn... đại hành tâm... không phải đại hành tâm... tâm chưa vô thượng... tâm vô thượng... Tâm Thiền định... Tâm không Thiền định... tâm giải thoát... tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát". Vị ấy biết như vậy.

(Mười lực của Như Lai)

Này Sariputta, Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực, chính nhờ thành tựu mười lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân. Thế nào là mười?

(1) Ở đây, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ (Tri thị xứ phi xứ lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ. Như vậy là Như Lai lực của Như Lai. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống lên tiếng rống con sư tử trong các hội chúng, và chuyển Phạm luân.

(2) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại (Tri tam thế nghiệp báo lực.) Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(3) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri con đường đưa đến tất cả cảnh giới (Tri nhứt thiết đạo trí lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(4) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều sai biệt (Tri thế gian chủng chủng tánh lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(5) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri chí hướng sai biệt của các loại hữu tình (Tri tha chúng sanh chưởng chưởng dục lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri ... chuyển Phạm luân.

(6) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri những căn thượng hạ của các loài hữu tình, loài Người (Tri tha chúng sanh chư căn thượng hạ lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(7) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền, chứng về Thiền, về giải thoát, về định (Tri chư Thiền tam muội lực). Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(8) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Ngài nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, Ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Như Lai nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(9) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Các chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Sariputta, Như Lai như thật tuệ tri... (như trên)... và chuyển Phạm luân.

(10) Lại nữa, này Sariputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc tự mình chứng tri, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Sariputta, Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ Như Lai lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân.

Này Sariputta, Như Lai có đầy đủ mười Như Lai lực. Chính nhờ thành tựu mười lực này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống sư tử trong các Hội chúng và chuyển Phạm luân.

Này Sariputta, nếu ai biết Ta như vậy, thấy Ta như vậy mà còn nói: "Sa-môn Gotama không có pháp Thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Sa-môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tác thành, tùy thuận trắc nghiệm, thuyết pháp cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng, có thể hướng dẫn người thực hành diệt tận khổ đau". Này Sariputta, nếu người ấy không từ bỏ lời nói ấy; không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy; người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên. Này Sariputta, như Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh, thành tựu Thiền định, thành tựu trí tuệ có thể chứng được chánh trí ngay trong hiện tại. Này Sariputta, Ta nói như vậy là sự thành tựu như vậy. Nếu người ấy không từ bỏ lời nói ấy không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy; người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.

(Bốn pháp vô sở úy)

Này Sariputta, có bốn pháp vô sở úy chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân. Thế nào là bốn?

Này Sariputta, Ta thấy không có lý do gì, một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Các pháp này chưa được chứng ngộ hoàn toàn, mà quý vị tự xưng đã chứng ngộ hoàn toàn". Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

Này Sariputta, Ta thấy không có lý do gì... có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Các lậu hoặc này chưa được đoạn trừ mà quý vị tự xưng đã đoạn trừ". Này Sariputta, vì Ta không thấy... đạt được vô úy.

Này Sariputta, Ta thấy không có lý do gì... có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Những pháp này được gọi là các chướng ngại pháp khi được thực hành thời không có gì gọi là chướng ngại pháp cả". Này Sariputta, vì Ta không thấy... đạt được vô úy.

Này Sariputta, Ta thấy không có lý do gì một Sa-môn Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chỉ trích Ta đúng pháp rằng: "Pháp do quý vị thuyết giảng không đưa đến mục tiêu đặc biệt, không có khả năng hướng thượng, không có thể dẫn người thực hành đến diệt tận khổ đau". Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

Này Sariputta, có bốn pháp vô sở úy, chính nhờ thành tựu bốn pháp này, Như Lai tự nhận cho mình địa vị Ngưu Vương, rống tiếng rống con sử tử trong các hội chúng và chuyển Phạm luân.

Này Sariputta, nếu ai biết Ta như vậy... người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.

(Tám hội chúng)

Này Sariputta, có tám Hội chúng này: Hội chúng Sát-đế-lị, Hội chúng Bà-la-môn, Hội chúng Gia chủ, Hội chúng Sa-môn, Hội chúng Tứ thiên vương, Hội chúng Tam thập tam thiên, Hội chúng Màra, Hội chúng Phạm thiên. Này Sariputta, có tám Hội chúng này. Này Sariputta, Như Lai thành tựu bốn pháp vô sở úy như vậy, đến gần và vào tám Hội chúng này.

Này Sariputta, Ta nhớ lại Ta đã đến hàng trăm Hội chúng Sát-đế-lị. Tuy vậy, trước khi Ta ngồi xuống tại chỗ ấy, trước khi Ta nói chuyện và trước khi Ta đàm luận; này Sariputta, ta thấy không có lý do gì để nghĩ rằng: "Chắc chắn sự sợ hãi và run sợ sẽ đến ám ảnh Ta". Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

Này Sariputta, Ta nhớ lại, Ta đã đến hàng trăm Hội chúng Bà-la-môn... (như trên)... Hội chúng Gia chủ... Hội chúng Sa-môn... Hội chúng Tứ thiên vương... Hội chúng Tam thập tam thiên... Hội chúng Màra... Hội chúng Phạm thiên. Tuy vậy, trước khi Ta ngồi xuống tại chỗ ấy, trước khi Ta nói chuyện và trước khi Ta đàm luận, này Sariputta, Ta thấy không có một lý do gì để nghĩ rằng: "Chắc chắn sự sợ hãi và run sợ sẽ đến ám ảnh Ta". Này Sariputta, vì Ta thấy không có lý do gì như vậy, nên Ta sống đạt được an ổn, đạt được không sợ hãi, đạt được vô úy.

Này Sariputta, nếu ai biết Ta như vậy... người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục, như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.

(Bốn loại sanh)

Này Sariputta, có bốn loại sanh. Thế nào là bốn? Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh.

Này Sariputta, thế nào là noãn sanh? Này Sariputta, những loại chúng sanh nào phá vỏ trứng, mà sanh, này Sariputta như vậy gọi là noãn sanh. Và này Sariputta, thế nào là thai sanh? Này Sariputta, những loại chúng sanh nào phá màn da mỏng che chỗ kín mà sanh, này Sariputta, như vậy gọi là thai sanh. Và này Sariputta, thế nào là thấp sanh? Này Sariputta, những loại chúng sanh nào sanh ra từ cá thúi, từ xác chết thúi, từ cháo cơm thúi, hay trong hồ nước dơ hay trong ao nước nhớp. Này Sariputta, như vậy gọi là thấp sanh. Và này Sariputta, thế nào là hóa sanh? Chư Thiên, các chúng sanh ở địa ngục, một số thuộc loài người và một số thuộc đọa xứ. Này Sariputta, như vậy gọi là hóa sanh.

Này Sariputta có bốn loại sanh như vậy. Này Sariputta, nếu ai biết Ta như vậy... người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục, như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.

(Năm sanh thú và Niết bàn)

Này Sariputta, có năm loại sanh thú này. Thế nào là năm? Ðịa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, loài Người, chư Thiên.

(1) Này Sariputta, Ta tuệ tri địa ngục, con đường đưa đến địa ngục và hành lộ đưa đến địa ngục. Tùy theo hạnh nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, sự việc này ta cũng tuệ tri.

(2) Và này Sariputta, Ta tuệ tri bàng sanh, con đường đưa đến bàng sanh và hành lộ đưa đến bàng sanh. Tùy theo hạnh nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào bàng sanh, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

(3) Và này Sariputta, Ta tuệ tri ngạ quỷ, con đường đưa đến ngạ quỷ và hành lộ đưa đến ngạ quỷ. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào ngạ quỷ, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

(4) Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri loài Người, con đường đưa đến thế giới loài Người và hành lộ đưa đến thế giới loài Người. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào loài Người, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

(5) Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri chư Thiên, con đường đưa đến Thiên giới và hành lộ đưa đến Thiên giới. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới, thế giới này, sự việc này Ta cũng tuệ tri.

Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri Niết-bàn, con đường đưa đến Niết-bàn và hành lộ đưa đến Niết-bàn. Tùy theo hành nghiệp, do đoạn trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, sự việc này, Ta cũng tuệ tri.

(1) Này Sariputta, ở đây, với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người. Do hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục như vậy. Sau một thời gian, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhân, Ta thấy người ấy, sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng như có một hố than sâu hơn thân người, đầy vun than hừng, không có lửa ngọn, không có khói, và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi khô cổ, đắng họng, khát nước, và đi thẳng đến hố than ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy, có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến hố than kia". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia rơi vào hố than ấy và phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục như vậy". Sau một thời gian, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt.

(2) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào bàng sanh". Sau một thời gian, với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy kẻ ấy sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào bàng sanh, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng như có một hố phân, sâu hơn thân người, đầy những phẩn uế, và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến hố phân ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến hố phân ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia rơi vào hố phân ấy và phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây với tâm của Ta... (như trên)... thống khổ, khốc liệt.

(3) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy... sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào ngạ quỷ, phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt". Này Sariputta, cũng như có một cây sống trên miếng đất không bằng phẳng, với lá thưa thớt, với bóng che từng đám lưa thưa. Và một người đi đến bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến cây ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến cây ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia ngồi hay nằm dưới bóng cây ấy và phải cảm thọ những cảm giác cực khổ, thống khổ, khốc liệt. Này Sariputta, cũng vậy ở đây với tâm của Ta... (như trên)... thống khổ, khốc liệt.

(4) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta biết tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy... sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào loài người". Sau một thời gian... Ta thấy người ấy sanh vào loài người, và cảm thọ được nhiều cảm giác lạc thọ. Này Sariputta, cũng như có một cây sống trên miếng đất bằng phẳng với lá sum sê, với bóng cây rậm rạp. Và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến cây ấy chỉ bằng một con đường. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ của người này như vậy và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến cây ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia, ngồi hay nằm dưới bóng cây ấy và cảm thọ được nhiều cảm giác lạc thọ. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây, với tâm của Ta... được nhiều cảm giác lạc thọ.

(5) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy... sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này". Sau một thời gian... Ta thấy người ấy sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này và cảm thọ những cảm giác cực lạc. Này Sariputta, giống như một ngôi lầu, có gác nhọn, có tô vôi cả trong lẫn ngoài, được che gió, có then chốt đóng lại và có các cửa sổ khép kín. Tại đây có một sàng tọa, trải nệm lông dài, trải nệm màu trắng, trải nệm bông có thêu hoa, trải nệm bằng da sơn dương gọi là kadali, có nệm với khuôn màu treo phía trên, có gối dài màu đỏ cả hai đầu. Và một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến ngôi lầu ấy. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến ngôi lầu ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia ngồi hay nằm trong ngôi lầu ấy, trong gác nhọn ấy, trên sàng tọa ấy và cảm thọ được nhiều cảm thọ cực lạc. Này Sariputta, cũng vậy, ở đây với tâm của Ta... được nhiều cảm giác lạc thọ.

(6) Này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy". Sau một thời gian, Ta thấy vị ấy đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, cảm thọ những cảm giác cực lạc. Này Sariputta, giống như một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, có nước trong sáng, có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ, và không xa hồ ấy có khu rừng rậm rạp. Một người đi đến, bị nóng bức áp đảo, bị nóng bức hành hạ, mệt mỏi, khô cổ, đắng họng, khát nước và đi thẳng đến hồ sen ấy. Một người có mắt thấy người ấy có thể nói: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, và bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đi đến hồ sen ấy". Sau một thời gian, người ấy sẽ thấy người kia, sau khi tẩm mình vào hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước và làm cho dịu bớt mọi ưu tư, mệt mỏi, phiền não, sau khi ra khỏi hồ liền qua ngồi hay nằm trong rừng cây rậm rạp ấy và cảm thọ những cảm giác cực lạc. Cũng vậy, này Sariputta, ở đây với tâm của Ta, Ta tuệ tri tâm của một số người: "Hành nghiệp của người này như vậy, cử chỉ như vậy, bước vào đạo lộ như vậy, sẽ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát như vậy". Sau một thời gian, Ta thấy vị ấy đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, cảm thọ những cảm giác cực lạc.

Này Sariputta, năm loại này là năm sanh thú. Này Sariputta, có ai biết Ta như vậy, thấy Ta như vậy, và nói: "Sa-môn Gotama không có pháp Thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Sa-môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tác thành, tùy thuộc trắc nghiệm". Này Sariputta, nếu người ấy không từ bỏ lời nói ấy, không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy, thì người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên. Này Sariputta, Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, có thể chứng được chánh trí ngay trong hiện tại. Này Sariputta, Ta nói như vậy là sự thành tựu như vậy. Nếu người ấy không từ bỏ lời nói ấy, không từ bỏ tâm ấy, không đoạn trừ tà kiến ấy, thì người ấy sẽ bị rơi vào địa ngục như một gánh nặng bị quăng bỏ một bên.

(Khổ hạnh của Bồ-tát)

Này Sariputta, Ta thắng tri phạm hạnh, đầy đủ bốn hạnh: về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất.

Này Sariputta, ở đây, khổ hạnh của Ta như sau: Ta sống lõa thể, phóng túng, không theo khuôn phép, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. Ta chỉ nhận đồ ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay chỉ nhận ăn tại bảy nhà, chỉ nhận ăn bảy miếng. Ta nuôi sống chỉ với một chén, nuôi sống chỉ với hai chén, nuôi sống chỉ với bảy chén. Ta chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy Ta sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Ta chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, uống nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Ta mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc áo phấn tảo y, mặc vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Ta sống nhổ râu tóc, Ta theo tập tục sống nhổ râu tóc, Ta theo hạnh thường đứng không dùng chỗ ngồi, Ta là người ngồi chõ hỏ, sống tinh tấn theo hạnh ngồi chõ hỏ. Ta dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật, sống không uống nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm. Như vậy Ta sống theo hạnh hành hạ, dày vò thân thể theo nhiều cách. Này Sariputta, như vậy là khổ hạnh của Ta.

Này Sariputta, ở đây hạnh bần uế của Ta như sau: Trên thân Ta, bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng. Như gốc cây tinduka bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng; cũng vậy, này Sariputta, trên thân Ta bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng. Này Sariputta, Ta không nghĩ rằng: "Với tay của Ta, Ta hãy phủi sạch bụi bặm này đi, hay những người khác với tay của họ hãy phủi sạch bụi bặm này đi cho Ta". Này Sariputta, Ta không có nghĩ như vậy. Này Sariputta, như vậy là sự bần uế của Ta.

Này Sariputta, như thế này là sự yểm ly của Ta. Này Sariputta, tỉnh giác, Ta đi tới; tỉnh giác Ta đi lui, Ta an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm tư: "Mong rằng Ta không làm hại một chúng sanh nhỏ nào trong những ác đạo của họ!" Này Sariputta, như vậy là sự yểm ly của Ta.

Này Sariputta, như thế này là sự độc cư của Ta. Này Sariputta, Ta đi sâu vào một khu rừng và an trú tại chỗ ấy. Khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi hay người thợ rừng, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Ta nghĩ rằng: "Mong họ đừng thấy Ta, và mong Ta đừng thấy họ!" Này Sariputta, giống như một con thú rừng thấy người liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Cũng vậy, này Sariputta, khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi, hay người tiều phu, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Ta nghĩ rằng: "Mong họ đừng thấy Ta, và mong Ta đừng thấy họ!" Này Sariputta, như vậy là hạnh độc cư của Ta.

Này Sariputta, rồi Ta bò bốn chân đến các chuồng bò, khi các con bò cái đã bỏ đi, khi các người chăn bò không có mặt, rồi Ta ăn phân các con bò con, các con bò còn trẻ, các con bò còn bú. Khi nước tiểu và phân của Ta còn tồn tại, Ta tự nuôi sống với các loại ấy. Này Sariputta, như vậy là hạnh đại bất tịnh thực của Ta.

Này Sariputta, Ta đi sâu vào một khu rừng rậm rạp kinh hoàng và an trú tại chỗ ấy. Này Sariputta, tại khu rừng rậm rạp kinh hoàng này, những ai còn tham ái đi vào khu rừng rậm rạp ấy, thời lông tóc người ấy dựng ngược. Này Sariputta, rồi Ta trong những đêm đông lạnh lẽo, giữa những ngày mồng tám, khi có tuyết rơi, trong những đêm như vậy, Ta sống giữa trời, và ban ngày sống trong khu rừng rậm rạp. Ta sống trong những ngày cuối tháng hè, ban ngày thì sống giữa trời, còn ban đêm trong khu rừng rậm rạp. Rồi này Sariputta, những bài kệ kỳ diệu từ trước chưa từng được nghe sau đây được khởi lên:

Nay bị thiêu đốt, bị buốt lạnh,
Cô độc sống trong rừng kinh hoàng,
Trần truồng, Ta ngồi không lửa ấm,
Ẩn sĩ, trong lý tưởng đăm chiêu.

Này Sariputta, Ta nằm ngủ trong bãi tha ma, dựa trên một bộ xương. Này Sariputta, những đứa mục đồng đến gần Ta, khạc nhổ trên Ta, tiểu tiện trên Ta, rắc bụi trên Ta và lấy que đâm vào lỗ tai. Này Sariputta, và Ta biết Ta không khởi ác tâm đối với chúng. Này Sariputta, như vậy là hạnh trú xả của Ta.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn". Họ nói: "Chúng ta sống nhờ trái táo", và họ ăn trái táo, họ ăn bột táo, họ uống nước trái táo dưới nhiều hình thức. Này Sariputta, Ta tự xưng Ta sống chỉ ăn một trái táo. Này Sariputta, có thể các Người nghĩ như sau: "Trái táo thời ấy to lớn". Này Sariputta, chớ có hiểu như vậy. Vì trái táo thời ấy giống với trái táo hiện tại. Này Sariputta, trong khi Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát. Vì ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ da bụng", chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện", thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn thoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn". Họ nói: "Chúng ta sống nhờ đậu xanh... (như trên)... chúng ta sống nhờ vừng mè... (như trên)... chúng ta sống nhờ hột gạo", và họ ăn hột gạo, họ ăn hột gạo nghiền thành bột, họ uống nước gạo, và họ ăn hột gạo dưới nhiều hình thức. Này Sariputta, Ta tự xưng Ta sống chỉ ăn một hột gạo. Này Sariputta, có thể các Người nghĩ như sau: "Hột gạo thời ấy to lớn". Này Sariputta, chớ có hiểu như vậy. Vì hột gạo thời ấy giống với hột gạo hiện tại. Này Sariputta, trong khi Ta chỉ sống ăn một hột gạo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột của một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo, khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện", thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thời này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.

Này Sariputta, dầu Ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ. Chính Thánh trí tuệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ luân hồi". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự luân hồi mà xưa kia Ta không trải qua trong một thời gian khá dài, trừ phi với các vị Tịnh cư thiên (Suddhavasa). Này Sariputta, nếu Ta luân hồi tại Tịnh cư thiên thì Ta đã không trở lại đời này nữa.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ sanh khởi". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự sanh khởi mà xưa kia Ta không trải qua trong một thời gian khá dài, trừ phi với các vị Tịnh cư thiên. Này Sariputta, nếu Ta sanh khởi tại Tịnh cư thiên, thì Ta đã không trở lại đời này nữa.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ an trú". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự an trú mà xưa kia Ta không trải qua trong một thời gian khá dài, trừ phi với các vị Tịnh cư thiên. Này Sariputta, nếu Ta an trú tại Tịnh cư thiên, thì Ta đã không trở lại đời này nữa.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ tế tự". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự tế tự mà xưa kia Ta không làm trong một thời gian khá dài, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị có làm lễ quán đảnh, hay làm vị Bà-la-môn giàu có.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh chứng đạt được nhờ thờ lửa". Này Sariputta, thật không dễ gì tìm được sự thờ lửa mà xưa kia Ta không làm trong một thời gian khá dài, khi Ta là vị vua Sát-đế-lị có làm lễ quán đảnh, hay làm vị Bà-la-môn giàu có.

Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Khi một thiếu niên còn trẻ tuổi, tóc đen nhánh, huyết khí sung mãn, trong tuổi thanh xuân, người ấy thành tựu trí tuệ biện tài tối thượng. Nhưng khi người ấy già cả, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi đến đoạn cuối cuộc đời, khi đã tám mươi, chín mươi hay một trăm tuổi, khi ấy trí tuệ biện tài tối thượng ấy bị đoạn trừ". Này Sariputta, chớ có quan niệm như vậy. Này Sariputta, nay Ta đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi dến đoạn cuối cuộc đời, tuổi Ta nay đã đến tám mươi. Này Sariputta, ở đây Ta có bốn vị đệ tử, tuổi thọ đến một trăm, đã sống một trăm tuổi, thành tựu chánh niệm đệ nhất, thành tựu chuyên tâm đệ nhất, thành tựu tinh cần đệ nhất và đầy đủ trí tuệ biện tài tối thượng. Này Sariputta, ví như một người bắn cung thiện xảo, có huấn luyện, khéo tay, thuần thục, với một mũi tên nhẹ, có thể dễ dàng bắn ngang qua bóng một cây ta-la. Cũng vậy, những vị này với chánh niệm đệ nhất như vậy, được thành tựu trí tuệ biện tài tối thượng như vậy, nếu những vị này hỏi Ta nhiều lần một câu hỏi về Bốn Niệm xứ, và nếu Ta, được hỏi nhiều lần như vậy, phải giải thích cho họ hiểu và nếu họ được Ta giải thích như vậy, có thể hiểu như đã giải thích, và nếu họ không hỏi Ta về những vấn đề phụ thuộc và các vấn đề khác, trừ khi ăn, uống, nhai, nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ để lấy lại sức. Này Sariputta, dầu vậy, sự thuyết pháp của Như Lai cũng chưa hoàn tất, sự giải thích cú pháp của Như Lai cũng chưa hoàn tất, sự trả lời các câu hỏi của Như Lai cũng chưa hoàn tất, khi mà bốn đệ tử của Ta, tuổi thọ đến một trăm tuổi, đã sống một trăm tuổi, đã từ trần sau một trăm tuổi. Này Sariputta, nếu Ông có gánh Ta trên giường đi chỗ này chỗ kia, thật sự trí tuệ biện tài của Như Lai không có gì thay đổi.

Này Sariputta, những ai nói một cách chân chánh sẽ nói như sau: "Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người". Vị ấy sẽ nói về Ta một cách chân chánh như sau: "Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người".

Lúc bấy giờ Tôn giả Nagasamala đứng sau lưng Thế Tôn và quạt cho Ngài! Tôn giả Nagasamala bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Sau khi nghe pháp môn này, lông tóc con dựng ngược. Bạch Thế Tôn, pháp môn này tên gọi là gì?

-- Này Nagasamala, do vậy pháp môn này gọi là "Pháp môn Lông tóc dựng ngược". Ông hãy như vậy thọ trì.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Nagasamala hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

ĐẠI LỄ KHÁNH ĐẢN PL 2554
Chương trình trong room Phật Pháp Buddhadhamma gồm ba ngày

Ngày thứ nhất 28-5-2010
PHONG THÁI CAO ĐẸP CỦA ĐỨC THẾ TÔN

91. Kinh Brahmàyu
(Brahmàyu sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Brahmayu trú tại Mithila (Di-tát-la) già yếu, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, tuổi đã đến một trăm hai mươi, một vị đọc tụng Thánh điển, chấp trì chú thuật, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng.

Bà-la-môn Brahmayu có nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya (Thích-ca) đang du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị". Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa đầy đủ, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch. Tốt đẹp thay sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!".

Lúc bấy giờ đệ tử của Bà-la-môn Brahmayu là thanh niên Uttara, một vị đọc tụng Thánh điển, chấp trì chú thuật, tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Rồi Bà-la-môn Brahmayu bảo thanh niên Uttara:

-- Này Uttara thân mến, Sa-môn Gotama này là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya (Thích-ca) đang du hành ở Videha, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị"... Tốt đẹp thay được yết kiến một vị A-la-hán như vậy. Uttara thân mến, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy tìm hiểu Sa-môn Gotama, có phải là Tôn giả Gotama như tiếng đã đồn, hay là không phải, hay là Tôn giả Gotama như thế này, hay là không phải như thế này. Chính nhờ Ông mà chúng ta sẽ biết về Tôn giả Gotama.

-- Thưa Tôn giả, làm sao tôi biết Tôn giả Gotama có phải là Tôn giả Gotama như tiếng đã đồn, hay là không phải, hay là Tôn giả Gotama như thế này, hay là không phải như thế này?

-- Này Uttara thân mến, theo Thánh điển của chúng ta được truyền lại về ba mươi hai Ðại nhân tướng, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không có con đường nào khác: nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Bảy món báu này là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai, là những vị anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với Chánh pháp, không dùng gậy, không dùng đao. Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác quét sạch mê lầm ở đời. Này Uttara thân mến, ta đã cho con chú thuật, con đã nhận những chú thuật ấy.

-- Thưa vâng, Tôn giả.

Thanh niên Uttara vâng đáp Bà-la-môn Brahmayu, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Bà-la-môn Brahmayu, giữ thân hướng về phía hữu, rồi ra đi du hành đến Thế Tôn ở Videha, tuần tự du hành đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Uttara tìm xem ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn. Thanh niên Uttara thấy trên thân Thế Tôn phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng. Ðối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài.

Rồi Thế Tôn nghĩ rằng: "Thanh niên Uttara này thấy ở nơi Ta phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng. Ðối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài".

Thế Tôn liền dùng thần thông khiến thanh niên Uttara thấy được tướng mã âm tàng của Thế Tôn. Và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai; rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi che khắp cả vùng trán.

Rồi thanh niên Uttara suy nghĩ: "Sa-môn Gotama có đầy đủ ba mươi hai Ðại nhân tướng. Vậy ta hãy theo sát Sa-môn Gotama để dò xem các uy nghi (của Ngài)". Rồi thanh niên Uttara trong bảy tháng theo sát Thế Tôn như bóng không bao giờ rời hình.

Rồi thanh niên Uttara, sau bảy tháng, khởi hành đi đến Mithila ở Videha, tuần tự du hành đi đến Mithila, rồi đi đến Bà-la-môn Brahmayu, sau khi đến, đảnh lễ Bà-la-môn Brahmayu rồi ngồi xuống một bên. Bà-la-môn Brahmayu nói với thanh niên Uttara đang ngồi một bên:

-- Này Uttara thân mến, có phải tiếng đồn về Tôn giả Gotama là đúng như vậy, không phải khác, có phải Tôn giả Gotama là như vậy, không phải khác ?

-- Tiếng đồn về Tôn giả Gotama là đúng như vậy, không phải khác, Tôn giả Gotama là như vậy, không phải khác. Và Tôn giả Gotama ấy có đầy đủ ba mươi hai Ðại nhân tướng. Tôn giả Gotama có lòng bàn chân bằng phẳng. Ðây là Ðại nhân tướng của Ðại nhân Tôn giả Gotama. Dưới hai bàn chân Tôn giả Gotama, có hiện ra hình bánh xe, với ngàn tăm xe, với trục xe vành xe, với các bộ phận hoàn toàn đầy đủ. Tôn giả Gotama có gót chân thon dài. Tôn giả Gotama có ngón tay, ngón chân dài. Tôn giả Gotama có tay chân mềm mại. Tôn giả Gotama tay chân có màn da lưới. Tôn giả Gotama có mắt cá tròn như con sò. Tôn giả Gotama có ống chân to như con dê rừng. Tôn giả Gotama đứng thẳng, không cong lưng xuống có thể rờ đầu gối với hai bàn tay. Tôn giả Gotama có tướng mã âm tàng. Tôn giả Gotama có màu da như đồng, màu sắc như vàng. Tôn giả Gotama có da trơn mướt khiến bụi không có thể bám dính vào. Tôn giả Gotama có lông da mọc từng lỗ lông một, mỗi lỗ chân lông có một lông. Tôn giả Gotama có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông đều vậy, màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ, và xoáy về hướng mặt. Tôn giả Gotama có thân hình cao thẳng. Tôn giả Gotama có bảy chỗ tròn đầy. Tôn giả Gotama có nửa thân trước như thân con sư tử. Tôn giả Gotama không có lõm khuyết xuống giữa hai vai. Tôn giả Gotama có thân thể cân đối như cây bàng. Bề cao thân ngang bằng bề dài hai tay sải rộng, bề dài hai tay sải rộng ngang bằng bề cao của thân. Tôn giả Gotama có bán thân trên vuông tròn. Tôn giả Gotama có vị giác hết sức sắc bén. Tôn giả Gotama có quai hàm như con sư tử. Tôn giả Gotama có bốn mươi răng. Tôn giả Gotama có răng đều đặn. Tôn giả Gotama có răng không khuyết hở. Tôn giả Gotama có răng cửa trơn láng. Tôn giả Gotama có tướng lưỡi rộng dài. Tôn giả Gotama có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim ca-lăng- tần-già (karavika). Tôn giả Gotama có hai mắt màu xanh đậm. Tôn giả Gotama có lông mi con bò cái. Tôn giả Gotama, giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên mịn màng như bông nhẹ. Tôn giả Gotama có nhục kế trên đầu. Ðây là Ðại nhân tướng của Ðại nhân Tôn giả Gotama.

Khi Tôn giả Gotama đi, Ngài bước chân mặt trước, không đặt chân xuống quá xa, không rút chân lên quá gần, không bước quá mau, không bước quá chậm, khi đi đầu gối không va chạm đầu gối, khi đi mắt cá không va chạm mắt cá; Ngài đi không co bắp vế lên, không duỗi bắp vế xuống, không đưa bắp vế vào trong, không đưa bắp vế ra ngoài. Khi đi Tôn giả Gotama chỉ di động phần thân ở dưới, và không dùng toàn thân lực. Khi ngó quanh, Tôn giả Gotama ngó quanh với toàn thân. Khi đi không có ngưỡng mặt lên, không cúi mặt xuống, không có ngó quanh, và chỉ ngó xuống khoảng một tầm (yugamattam, bề dài một cái cày). Xa hơn, tri kiến được mở rộng (anavatam: không bị che đậy).

Khi đi vào nhà, (Tôn giả Gotama) không ngửa thân về phía sau, không cúi thân về phía trước, không đưa thân về phía trong, không đưa thân về phía ngoài; vị ấy quay lưng không quá xa ghế ngồi, không quá gần ghế ngồi; ngồi trên ghế, không nắm chặt thành ghế, không gieo thân ngồi xuống ghế.

Khi ngồi trong nhà. Ngài không rung tay, không rung chân, không ngồi tréo đầu gối với nhau, tréo mắt cá với nhau, không ngồi tay chống cằm. Khi ngồi trong nhà, không có sợ hãi, không có run rẩy, không có dao động, không có hoảng hốt. Như vậy Tôn giả Gotama ngồi, không sợ hãi, không run sợ, không dao động, không hoảng hốt, lông tóc không dựng ngược, Thiền tịnh độc cư.

Khi nhận nước để rửa bát, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận nước không quá ít, không quá nhiều. Ngài rửa bát, không sanh tiếng động, rửa bát không xoay tròn bình bát, không đặt bình bát xuống đất rồi rửa tay, khi hai tay rửa xong, bát cũng rửa xong, khi bát rửa xong, tay cũng rửa xong. Ngài đổ nước bình bát không quá xa, không quá gần, và không vẩy nước cùng khắp.

Khi Ngài nhận cơm, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận cơm không quá ít, không quá nhiều. Ngài ăn đồ ăn vừa phải (với cơm), không có bỏ miếng cơm, chỉ lựa miếng thức ăn. Tôn giả Gotama đưa miếng cơm quanh miệng hai ba lần rồi mới nuốt, không hột cơm nào được vào trong thân không bị nghiến nát, và không một hột cơm nào còn lại trong miệng trước khi ăn miếng cơm khác. Tôn giả Gotama không thưởng thức vị ăn khi ăn đồ ăn, không thưởng thức lòng tham vị. Tôn giả Gotama ăn đồ ăn có đầy đủ tám đức tánh, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: "Như vậy, Ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và Ta sẽ không lỗi lầm, sống được an ổn".

Ngài ăn xong lấy nước rửa bát, không chúc bình bát lên, không chúc bình bát xuống, không xoay bình bát vào phía trong, không xoay bình bát ra phía ngoài, nhận nước không quá ít, không quá nhiều. Ngài rửa bát không sanh tiếng động, rửa bát không xoay tròn bình bát, không có đặt bình bát xuống đất rồi rửa tay, khi hai tay rửa xong, bình bát cũng rửa xong, khi bình bát rửa xong, hai tay cũng rửa xong. Ngài đổ nước bình bát, không quá xa, không quá gần, không vẩy nước cùng khắp.

Khi ăn xong, Ngài đặt bình bát xuống đất, không quá xa, không quá gần, không phải không nghĩ đến bình bát, cũng không quá lo cho bình bát.

Khi ăn xong, Ngài ngồi im lặng một lát nhưng không để quá thì giờ nói lời tùy hỷ (công đức). Ngài nói lời tùy hỷ (công đức), không chỉ trích bữa ăn ấy, không mong bữa ăn khác; trái lại, Ngài với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Ngài sau khi với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Ngài đi không quá mau, không quá chậm. Ngài đi không phải (như muốn) lánh xa hội chúng ấy.

Tôn giả Gotama đắp y không kéo lên quá cao trên thân, không kéo xuống quá thấp, không dính sát vào thân, không có lơi ra khỏi thân, gió thổi không thoát y khỏi thân Tôn giả Gotama; bụi nhớp không dính trên thân Tôn giả Gotama.

Ði đến tu viện, Ngài ngồi trên ghế đã soạn sẵn, sau khi ngồi liền rửa chân, và Tôn giả Gotama không sống chú tâm vào công việc làm đẹp hai chân. Ngài ngồi kiết già, lưng thẳng, và đặt niệm trước mặt. Ngài không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai. Tôn giả Gotama ngồi, tâm hướng đến lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thế giới.

Ði đến tu viện, Ngài thuyết pháp cho hội chúng, không tán dương hội chúng ấy, không chỉ trích hội chúng ấy, trái lại với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Tiếng nói thoát ra từ miệng Tôn giả Gotama có tám đức tánh; lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động. Khi Tôn giả Gotama giải thích cho hội chúng với tiếng nói của mình, tiếng nói không vượt ra khỏi hội chúng. Hội chúng sau khi được Tôn giả Gotama khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi vẫn quay nhìn lại, không muốn rời bỏ.

Chúng con thấy Tôn giả Gotama đi. Chúng con thấy (Tôn giả) đứng. Chúng con thấy (Tôn giả) ngồi im lặng trong nhà. Chúng con thấy (Tôn giả) ăn trong nhà. Chúng con thấy (Tôn giả) sau khi ăn xong, ngồi im lặng. Chúng con thấy (Tôn giả) sau khi ăn xong, nói lời tùy hỷ (công đức). Chúng con thấy (Tôn giả) đi trở về tu viện. Chúng con thấy (Tôn giả) đi đến tu viện ngồi im lặng. Chúng con thấy (Tôn giả) đi đến tu viện thuyết pháp cho hội chúng. Như vậy, và như vậy là Tôn giả Gotama ấy và lại còn nhiều hơn như vậy nữa.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Brahmayu từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và ba lần nói lời cảm hứng sau đây:

-- Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác! Ðảnh lễ Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác! Có thể tại một chỗ nào, thời gian nào, chúng tôi sẽ đi đến gặp Tôn giả Gotama ấy. Có lẽ sẽ có một cuộc nói chuyện.

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Câu chuyện trong ngày 27-5-2010

LẮNG NGHE, LÃNH HỘI VÀ THẨM THẤU
Biết nghe là một nghệ thuật trong đời sống

30.- Lộn Ngược

- Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo, các vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá). Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu, có tác ý đến đoạn giữa, có tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng dậy, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn được chồng lên như hạt mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... Người ấy, tại chỗ ngồi ấy ... có tác ý đoạn cuối. Nhưng khi người ấy tại chỗ ngồi ấy đứng dậy ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ bắp vế.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có trí tuệ rộng lớn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) ... trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè được dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ở đây, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) ... trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có trí tuệ rộng lớn.

Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.

Hạng trí tuệ lộn ngược
Không thông minh, không mắt
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Họ không học được gì,
Họ không có trí tuệ

Hạng trí tuệ bắp vế
Ðược gọi là tốt hơn
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Ðứng dậy không hiểu rõ
Quên mất điều đã nắm

Bậc trí tuệ rộng lớn
Ðược gọi tốt hơn cả
Họ thường thường đi đến
Ðến gần các Tỷ-kheo
Ðoạn đầu của bài giảng
Ðoạn giữa và đoạn cuối
Ngồi trên chỗ mình ngồi
Nắm giữ được lời văn
Thọ trì điều được nghe
Suy tư điều tối thắng
Với ý không dao động
Là hạng người như vậy
Thực hành pháp, tùy pháp
Có thể đoạn khổ đau.

Thảo luận

1. Khả năng lãnh hội khi nghe pháp tùy thuộc ở căn cơ hay thái độ lắng nghe?
2. Phải chăng gười học nhiều Phật Pháp khi nghe pháp thường trở ngại hơn người biết ít Phật Pháp?
3. Thế nào là thái độ cởi mở trong sự nghe pháp?
4. Có nên khuyến khích sự "học thuộc lòng" trong sự học Phật Pháp không?

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

Câu chuyện trong ngày 26-5-2010
NHÂN NGÃ BỈ THỬ
Ngã mạn là sự biểu thị của không hiểu biết về thực tướng vô thường, khổ, vô ngã.

(V) (185) Các Sự Thật Bà La Môn

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), núi Gijjhakùta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, nhiều vị du sĩ có danh tiếng, có danh tiếng sống ở khu vườn của các du sĩ trên bờ sông Sappini như Annabhàra, Varadhara, Sakuludàyi, và những vị du sĩ có danh tiếng, có danh tiếng khác.

Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền Tịnh đứng dậy, đi đến khu vườn của các du sĩ trên bờ sông Sappini. Lúc bấy giờ, giữa các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tập họp, câu chuyện này được khởi lên: "Ðây là những sự thật Bà-la-môn, đây là những sự thật Bà-la-môn".

2. Rồi Thế Tôn đi đến các du sĩ ấy, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xong, Thế Tôn nói với các du sĩ ấy:

- Nay câu chuyện gì được khởi lên, này các du sĩ, khi các Ông đang ngồi họp ở đây? Câu chuyện gì chưa được nói xong giữa các Ông?

- Ở đây, thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi đang ngồi họp, câu chuyện sau này khởi lên giữa chúng tôi: "Ðây là những sự thật Bà-la-môn, đây là những sự thật Bà-la-môn".

3.- Bốn sự thật Bà La Môn này, này các du sĩ, sau khi tự mình chứng ngộ với thắng trí, đã được ta tuyên bố lên. Thế nào là bốn?

- Ở đây, này các du sĩ, Bà-la-môn nói như sau: "Tất cả loài hữu tình không được làm hại". Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến "Sa-môn", không nghĩ đến "Bà-la-môn", không nghĩ đến: "Ta hơn (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta bằng (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta là hạ liệt". Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, người ấy thực hành lòng thương tưởng, lòng từ mẫn đối với các loài hữu tình.

4. Lại nữa, này các du sĩ, Bà-la-môn nói như sau: "Mọi dục là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại". Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến "Sa-môn", không nghĩ đến "Bà-la-môn", không nghĩ đến: "Ta hơn (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta bằng (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta là hạ liệt". Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, (trong lời nói ấy), người ấy thực hành nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với các dục.

5. Lại nữa, này các du sĩ, Bà-la-môn nói như sau: "Tất cả hữu là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại". Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến "Sa-môn", không nghĩ đến "Bà-la-môn", không nghĩ đến: "Ta hơn (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta bằng (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta là hạ liệt". Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, người ấy thực hiện nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với các hữu.

6. Lại nữa, này các du sĩ, người Bà-la-môn nói như sau: "Ta không là bất cứ ai, bất cứ thuộc ai, bất cứ là gì. Trong ấy, không có cái gì được gọi là của ta, bất cứ ở đâu, bất cứ là gì". Người Bà-la-môn nói như vậy là nói sự thật, không nói láo. Do vậy, vị ấy không nghĩ đến "Sa-môn", không nghĩ đến "Bà-la-môn", không nghĩ đến: "Ta hơn (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta bằng (các người khác)", không nghĩ đến: "Ta là hạ liệt". Lại nữa do thắng tri sự thật hàm chứa ở đấy, (trong lời nói ấy) người ấy thực hành con đường không có sự vật gì.

Này các du sĩ, có bốn sự thật Bà-la-môn này, Ta đã tự mình chứng ngộ với thắng trí và tuyên bố lên.

Thảo luận

1. Tại sao nghĩ rằng "mình kém hơn người khác" cũng là một cách ngã mạn?
2. Sự khiêm tốn có được xem là một phần của sự ngã mạn không?
3. Xin cho một định nghĩa về mạn tuỳ miên
4. Tại sao mạn tùy miên khiến chúng sanh đau khổ?

Đố vui

Hai câu nào dưới đây được xem là đồng nghĩa:

a. Ngã, ngã sở, mạn tuỳ miên
b. Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ
c. Đây là ta, lả của ta, là tự ngã của ta
d. Tham lam, sân hận, si mê

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Câu chuyện trong ngày 25-5-2010
NGUYÊN NHÂN CỦA TRANH CHẤP
Nếu nhìn vào cội rễ của tranh chấp một cách thành thật thì chúng ta sẽ không muốn tranh chấp nữa.


(VI) (36) Gốc Rễ Của Ðấu Tranh

1. - Có sáu gốc rễ đấu tranh này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là sáu?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo phẫn nộ và hiềm hận.

Này các Tỷ-kheo, ở đây, vị Tỷ-kheo phẫn nộ, hiềm hận. Này các Tỷ-kheo, ai phẫn nộ, hiềm hận, vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư, sống không cung kính, không tùy thuận Pháp, sống không cung kính, không tùy thuận Tăng, không thành tựu đầy đủ các Học pháp. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư, không cung kính, không tùy thuận Pháp, không cung kính, không tùy thuận Tăng, không thành tựu đầy đủ các Học pháp, vị ấy khởi lên tranh luận giữa chư Tăng. Tranh luận như vậy khiến nhiều người không hạnh phúc, khiến nhiều người không an lạc, khiến nhiều người không lợi ích, khiến chư Thiên và loài Người không hạnh phúc và đau khổ. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy thấy ác tranh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thầy, này các Tỷ-kheo, các Thầy phải cố gắng đoạn trừ ác tranh căn ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy không thấy ác tranh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thấy, này các Tỷ kheo, các Thầy hãy tác động đừng cho ác tranh căn ấy có cơ hội làm hại trong tương lai. Như vậy là đoạn tận ác tranh căn ấy. Như vậy là ngăn chận nguy hại ác tránh căn ấy trong tương lai.

3. Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vị Tỷ-kheo giả dối và não hại... tật đố và xan tham... lừa đảo và man trá... ác dục và tà kiến... chấp trước sở kiến, kiên trì gìn giữ, rất khó rời bỏ. Này các Hiền giả, Tỷ-kheo chấp trước sở kiến, kiên trì gìn giữ, rất khó rời bỏ, vị ấy sống không cung kính, không tùy thuận bậc đạo Sư, không cung kính, không tùy thuận Pháp, không cung kính, không tùy thuận Tăng, không thành tựu đầy đủ các Học pháp. Này các Hiền giả, Tỷ-kheo không cung kính, không tùy thuận bậc Ðạo Sư... Pháp... Tăng... không thành tựu đầy đủ các Học pháp, vị ấy khởi lên tranh luận giữa chư Tăng. Tranh luận như vậy khiến nhiều người không hạnh phúc, khiến nhiều người không an lạc, khiến nhiều người không ích lợi, khiến chư Thiên và loài Người không hạnh phúc và đau khổ. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy thấy được ác tranh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thầy, các Thầy phải cố gắng đoạn trừ ác tranh căn ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy không thấy ác tranh căn ấy giữa các Thầy hay ngoài các Thầy, các Thầy hãy gìn giữ đừng cho ác tranh căn ấy có cơ hội làm hại trong tương lai. Như vậy là sự đoạn tận ác tránh căn ấy. Như vậy là ngăn chặn nguy hại ác tranh căn ấy trong tương lai.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu tranh căn.

Thảo luận

1. Phải chăng Đức Phật khuyến khích sự đàm luận nhưng không tán thán tranh luận?
2. Làm sao để phân biệt một cuộc đối thoại hữu ích với sự tranh luận vô ích?
3. Xin cho một đề nghị làm thế nào để lắng yên sự tranh luận
4. Phải chăng đức cung kính làm một trong những pháp quan trọng với người tu tập?

Đố vui

Thời Đức Phật còn tại thế có một tranh chấp giữa các thầy tỳ kheo. Câu chuyện bắt đầu từ điều nào dưới đây:

a. Sự bất đồng chánh kiến
b. Chút ít nước trong gáo
c. Sự khó khăn trong việc khất thực
d. Sự quản trị ngôi đại tự