Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm Hứng Ngữ)Udàna

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương Sáu:Phẩm Sanh Ra Ðã Mù-Jaccandhavaggo

 BÀI 3. KINH QUÁN XÉT LẠI - Paccavekkhaṇasuttaṃ

(III) (Ud 65)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi quán sát của pháp bất thiện của mình được trừ diệt, và các pháp thiện của mình được tu tập, làm cho tăng trưởng. Rồi Thế Tôn sau khi biết các pháp bất thiện của mình đã được trừ diệt và các pháp thiện của mình được tu tập, được làm cho sung mãn, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Trước có nay không có,
Trước không có nay có,
Ðã không và sẽ không,
Và nay hiện không có.

4. KINH NGOẠI ĐẠO - THỨ NHẤT

Paṭhamanānātitthiyasuttaṃ

(IV) (Ud 66)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: "Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi, để khất thực, Khất thực ở Sàvatthi xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực..."... như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh... như thế này là pháp. Này các Tỷ-kheo, thưở xưa tại thành Sàvatthi này, có một ông vua. Này các Tỷ-kheo, ông vua ấy bảo một người: "Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi hãy nhóm lại một chỗ tất cả " - "Thưa vâng, Ðại vương". Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi, người ấy giữ lại tất cả, rồi đi đến ông vua ấy, sau khi đến thưa với vị vua: "Thưa Ðại vương, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi đã được tụ tập lại".
- Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.
Thưa vâng, Ðại vương. Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, đưa ra một con voi cho những người mù: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! " Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? " - "Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi". - Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? " Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. " Những ai... được thấy cái vòi..."... như cái cày". Những ai... được thấy cái thân..."... như cái kho chứa. " Những ai... được thấy cái chân..."... như cái cột. " Những ai... được thấy cái lưng..."... như cái cối. " Những ai... được thấy cái đuôi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày". Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi " - "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi". Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay. Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt... như vậy là pháp.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
4. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.

5. KINH NGOẠI ĐẠO - THỨ NHÌ

Dutiyanānātitthiyasuttaṃ

(V) (Ud 69)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các di sĩ trú ở Sàvatthi. Họ có quan điểm khác nhau. Họ có kham nhẫn khác nhau. Họ có sở thích khác nhau. Họ y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Tự ngã và thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn... "Tự ngã và thế giới là vô thường"... "Tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường"... "Tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường... " "Tự ngã và thế giới do tự mình tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do người khác tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do tự mình và người khác tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do không tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, do vô nhân sanh, tự nhiên"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là vô thường"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường"... Có một số Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không tự mình tạo ra, không người khác tạo ra do vô nhân sanh". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau, bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, có nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ, trú ở Sàvatthi... họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết không phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đã thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này là pháp".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
5. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ bị chìm đắm xuống,
Khi đang còn giữa dòng,
Họ không đạt đến được,
Ðất cứng trên bờ kia.
(VI) (Ud 70)
(Giống như kinh VI, 5, tức là kinh trước, với đoạn kết luận khác nhau như sau:)
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Có người ở đời này,
Chấp người làm là ta,
Trói buộc với tư tưởng,
Người làm là người khác,
Họ không biết sự này,
Họ thấy là mũi tên,
Ai nhìn mũi tên này,
Với thận trọng cần thiết,
Người ấy không còn chấp,
"Người làm chính là ta",
Người ấy cũng không chấp,
"Người làm là người khác",
Loài người ở đời này,
Bị kiêu nạn khiếp phục,
Bị cột bởi kiêu mạn,
Bị trói bởi kiêu mạn,
Trong các loài chủ thuyết,
Họ cạnh tranh, luận tranh,
Họ không thể vượt qua,
Luân chuyển trong sanh tử.
(VII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Subhùti ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn thấy Tôn giả Subhùti ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nỗi lên lời cảm hứng:
7. Với ai, tầm quét sạch,
Nội tâm khéo cắt đứt,
Không còn chút dư tàn
Vượt qua ái nhiễm ấy,
Ðạt được tưởng vô sắc,
Vượt khỏi bốn ách nạn,
Không đi đến thọ sanh.
(VIII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, ở Vương xá, có hai nhóm say đắm một ngưòi kỹ nữ, tâm bị ám ảnh, họ cạnh tranh, đấu tranh nhau. Họ đi đến đánh nhau bằng nắm tay, đánh nhau bằng cục đất, đánh nhau bằng gậy gộc, đánh nhau bằng kiếm. Họ đi đến chết, đi đến đau khổ gần như chết. Rồi nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, ở Vương Xá có hai nhóm say đắm một người kỷ nữ... họ đi đến chết, đi đến đâu khổ gần như chết.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
8. Phàm cái gì đạt được,
Cái gì cần phải đạt,
Cả hai vướng bụi trần,
Với kẻ bị bệnh hoạn,
Học tập chưa thuần thục,
Kẻ tinh chuyên học tập,
Sống giữ gìn giới cấm,
Tinh chuyên chú Phạm hạnh,
Ðây là một cực đoan,
Ðây là một chủ thuyết,
Trong dục không lỗi lầm,
Là cực đoan thứ hai,
Cả hai cực đoan này,
Làm mộ phần tăng trưởng,
Chính do các tà kiến,
Làm tăng trưởng mộ phần.
Những ai không thắng tri,
Cả hai cực đoan này,
Có kẻ bị chìm đắm,
Có kẻ chạy quá mau,
Những ai thắng tri chúng,
Không có suy tư vậy,
Không có tự quá mạn,
Họ không có luân chuyển,
Ðể được tuyên bố lên.
(IX) (Ud 72)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàathapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi giữa trời, trong đêm tối mù mịt, với những cây đèn dầu đang chói sáng. Lúc bấy giờ, nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào trong những đèn dầu ấy và gặp phải tai nạn, gặp phải hoại diệt, gặp phải tai nạn hoại diệt. Thế Tôn thấy nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào...
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
9. Họ chạy gấp vượt qua,
Nhưng bỏ mất lối cây,
Họ làm cho tăng trưởng,
Các trói buộc mới mẻ,
Như các loại côn trùng,
Rơi vào trong ánh sáng,
Có người sống dựa vào
Ðiều được thấy được nghe.
(X) (Ud 73)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavena, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cho đến khi nào, các Như Lai không hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo được cung kính, được tôn trọng, được đảnh lễ, được cúng dường, được tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy, các du sĩ ngoại đạo, không được cung kính, không được tôn trọng, không được đảnh lễ, không được cúng dường, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn trọng, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; chúng Tỷ-kheo cũng như vậy.
- Ðúng như vậy, này Ananda. Cho đến khi nào, các Như Lai không xuất hiện ở đời... dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai xuất hiện ở đời... dược phẩm trị bệnh. Này Ananda nay Thế Tôn được cung kính... chúng Tỷ-kheo cũng vậy.
Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, Thế Tôn nói lên lời cảm hứng:

10. Con đôm đốm chiếu sáng,
Khi mặt trời chưa mọc,
Khi mặt trời mọc lên,
Ánh sáng đôm đốm diệt,
Cũng vậy là ánh sáng,
Của các nhà ngoại đạo,
Khi bậc Chánh Ðẳng Giác
Chưa xuất hiện ở đời,
Các nhà ưa biện luận.
Không có được ánh sáng,
Cũng vậy đệ tử chúng,
Còn các nhà tà kiến,
Họ không được giải thoát,
Khỏi các sự đau khổ.