Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI


15. Kinh Ðại duyên
(Mahànidàna sutta)


I.CHÚNG SANH LUÂN HỒI DO KHÔNG HIỂU LÝ DUYÊN KHỞI

1. Như vậy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trụ tại bộ lạc Kuru (Câu-lâu), ở ấp Kuru tên là Kammassadhamma (Kiếm-ma-sắt-đàm). Tôn giả Ananda (A Nan) đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

- Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy, và giáo pháp này đối với con hết sức minh bạch rõ ràng.

- Này Ananda, chớ có nói vậy! Này Ananda chớ có nói vậy! Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử.

2. Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Già và chết do duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Già và chết do duyên gì?" Hãy đáp: "Già và chết do duyên sanh".

Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Sanh có duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Sanh do duyên gì?" Hãy đáp: "Sanh do duyên hữu".

Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Hữu có do duyên nào không? Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Hữu do duyên gì?" Hãy đáp: "Hữu do duyên thủ".

Này Ananda, nếu có ai hỏi. "Thủ có do duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Thủ do duyên gì?" Hãy đáp: "Thủ do duyên ái".

Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Ái có duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Ái do duyên gì?" Hãy đáp: "Ái do duyên thọ".

Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Thọ có do duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Thọ do duyên gì?" Hãy đáp: "Thọ do duyên xúc".

Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Xúc có do duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Xúc do duyên gì?" Hãy đáp: "Xúc do duyên danh sắc".

Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Danh sắc có duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Danh sắc do duyên gì? Hãy đáp: "Danh sắc do duyên thức".

Này Ananda, nếu có ai hỏi: "Thức có do duyên nào không?" Hãy đáp: "Có". Nếu có hỏi: "Thức do duyên gì?" Hãy đáp: "Thức do duyên danh sắc".


II. MƯỜI TƯƠNG DUYÊN

3. Này Ananda, như vậy do duyên danh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh; do duyên danh sắc, xúc sanh; do duyên xúc, thọ sanh; do duyên thọ; ái sanh; do duyên ái, thủ sanh; do duyên thủ, hữu sanh; do duyên hữu, sanh sanh; do duyên sanh, lão tử sanh, do duyên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu não sanh. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi.

4. Trước đã nói: "Do duyên sanh; lão tử sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên sanh; lão tử sanh"? Này Ananda, nếu sanh không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như chư Thiên hay Thiên giới, Càn-thát-bà hay Càn-thát-bà-giới, Dạ-xoa hay Dạ Xoa giới. Quỷ thần hay Quỷ thần giới, loài Người hay Nhân giới, loại bốn chân hay tứ túc giới, loài chim hay điểu giới, loài trùng xà hay trùng xà giới. Này Ananda, nếu không có sanh cho tất cả, do sanh diệt thời lão tử có thể hiện hữu không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của lão tử, tức là sanh.

5. Trước đã nói: "Do duyên hữu, sanh sanh ra". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên hữu, sanh sanh ra"? Này Ananda, nếu hữu không có bất cứ loại nào giới nào, bất cứ chỗ nào xứ nào, như dục hữu, sắc hữu hay vô sắc hữu. Nếu không có hữu cho tất cả, do hữu diệt thời sanh có thể hiện hữu không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của sanh, tức là hữu.

6. Trước đã nói: "Do duyên thủ, hữu sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu hỏi: "Do duyên thủ, hữu sanh"? Này Ananda, nếu thủ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ hay ngã chấp thủ. Nếu không có thủ cho tất cả, do thủ diệt thời hữu có thể hiện hữu không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của hữu, tức là thủ.

7. Trước đã nói: "Do duyên ái, thủ sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên ái, thủ sanh"? Này Ananda, nếu ái không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái hay pháp ái. Nếu không có ái cho tất cả, do ái diệt thời thủ có thể hiện hữu không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thủ, tức là ái.

8. Trước đã nói: "Do duyên thọ, ái sanh". Này Ananda, nếu thọ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, thiệt xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, ý xúc sở sanh thọ. Nếu không có thọ cho tất cả, nếu thọ diệt thời ái có thể hiện hữu không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của ái, tức là thọ.

9. Này Ananda, như vậy do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định (sở dụng của lợi) sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đam trước sanh; do duyên đam trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ.

10. Trước đã nói: "Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ"? Này Ananda, nếu thủ hộ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có thủ hộ cho tất cả, nếu thủ hộ diệt thời một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ, tức là thủ hộ.

11. Trước đã nói: "Do duyên hà tiện, thủ hộ sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên hà tiện thủ hộ sanh"? Này Ananda, nếu hà tiện không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có hà tiện, cho tất cả, nếu hà tiện diệt thời thủ hộ có thể hiện hữu không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thủ hộ, tức là hà tiện.

12. Trước đã nói: "Do duyên chấp thủ, hà tiện sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên chấp thủ, hà tiện sanh"? Này Ananda, nếu chấp thủ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không chấp thủ cho tất cả, nếu chấp thủ diệt thời hà tiện có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của hà tiện, tức là chấp thủ.

13. Trước đã nói: "Do duyên đam trước, chấp thủ sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên đam trước, chấp thủ sanh"? Này Ananda, nếu đam trước không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có đam trước cho tất cả, nếu đam trước diệt thời chấp thủ có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của chấp thủ, tức là đam mê.

14. Trước đã nói: "Do duyên tham dục, đam trước sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên tham dục, đam trước sanh"? Này Ananda, nếu tham dục không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có tham dục cho tất cả, nếu tham dục diệt thời đam trước có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của đam trước, tức là tham dục.

15. Trước đã nói: "Do duyên quyết định, tham dục sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên quyết định tham dục sanh"? Này Ananda, nếu quyết định không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có quyết định cho tất cả, nếu quyết định diệt thời tham dục có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của tham dục tức là quyết định.

16. Trước đã nói: "Do duyên lợi, quyết định sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên lợi quyết định sanh"? Này Ananda, nếu lợi không có không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu lợi không có cho tất cả, nếu lợi diệt thời quyết định có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của quyết định, tức là lợi.

17. Trước đã nói: "Do duyên tầm cầu, lợi sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên tầm cầu, lợi sanh"? Này Ananda, nếu tầm cầu không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu tầm cầu không có cho tất cả, nếu tầm cầu diệt thời lợi có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của lợi, tức là tầm cầu.

18. Trước đã nói: "Do duyên ái, tầm cầu sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên ái, tầm cầu sanh"? Này Ananda, nếu không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu ái không có cho tất cả, nếu ái diệt thời tầm cầu có thể hiện hữu được không?- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của tầm cầu, tức là ái.

Này Ananda, như vậy hai phương diện (của ái) tuy hai nhưng hòa hợp thành một, nhờ thọ (làm duyên sanh).

19. Trước đã nói: "Do duyên xúc, thọ sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên xúc, thọ sanh"? Này Ananda, nếu xúc không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc, nếu xúc không có cho tất cả, nếu xúc diệt thời thọ có thể hiện hữu không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thọ, tức là xúc.

20. Trước đã nói: "Do duyên danh sắc, xúc sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên danh sắc, xúc sanh"? Này Ananda, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo, nhờ đó mà danh thân và sắc thân thi thiết; nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc trong sắc thân có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy nhờ đó mà sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời hữu đối xúc trong danh thân có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh thân và sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc hay hữu đối xúc có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh sắc được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có thì xúc có thể hiện hữu được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

Do vậy, này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của xúc, tức là danh sắc.

21. Trước đã nói: "Do duyên thức, danh sắc sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên thức, danh sắc sanh"? Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, nếu thức đi vào trong bụng bà mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc có thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con nít, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc có thể lớn hơn, trưởng thành và thành mãn được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Do vậy, này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của danh sắc, tức là thức.

22. Trước đã nói: "Do duyên danh sắc, thức sanh". Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: "Do duyên sanh sắc thức sanh "? Này Ananda, nếu thức không an trú được trong danh sắc, thời trong tương lai, có thể hiện hữu sự hình thành của sanh, lão, tử, khổ, tập không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Do vậy, này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thức, tức là danh sắc.

- Này Ananda, trong giới hạn con người được sanh, con người được già, con người được chết, con người được diệt, hay con người được tái sanh, trong giới hạn ấy là danh mục đạo, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ đạo, trong giới hạn ấy là thi thiết đạo, trong giới hạn ấy là tuệ giới, trong giới hạn ấy là lưu chuyển luân hồi hiện hữu trạng thái này trạng thái khác nghĩa là danh sắc và thức.


III. THẾ GIỚI CHỦ QUAN

23. Này Ananda, có bao nhiêu lời tuyên bố về ngã? Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là có sắc và hạn lượng trong câu: "Ngã của tôi có sắc và hạn lượng". Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là có sắc và vô lượng trong câu: "Ngã của tôi có sắc và vô lượng". Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là không có sắc và có hạn lượng trong câu: "Ngã của tôi không có sắc và có hạn lượng". Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là không có sắc và vô lượng trong câu: "Ngã của tôi không có sắc và vô lượng".

24. Này Ananda, có người tuyên bố ngã có sắc và có hạn lượng trong hiện tại, người này tuyên bố hoặc ngã có sắc và có hạn lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: "Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy". Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và có hạn lượng như vậy là quá đủ rồi.

Này Ananda, có người tuyên bố ngã có sắc và vô lượng người này tuyên bố hoặc ngã có sắc và vô lượng trong hiện tại, hoặc ngã có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: "Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy". Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi.

Này Ananda, có người tuyên bố ngã không có sắc và có hạn lượng, người này tuyên bố hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong hiện tại hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong tương lai... hoặc ngã không có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: "Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy". Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi. Này Ananda, như vậy, là có bấy nhiêu lời tuyên bố về ngã.

25. Này Ananda, có bao nhiêu lời không tuyên bố về ngã? Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là có sắc và có hạn lượng trong câu: "Ngã của tôi có sắc và có hạn lượng". Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là có sắc và vô lượng trong câu: "Ngã của tôi có sắc và vô lượng". Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là không có sắc và có hạn lượng trong câu: "Ngã của tôi không có sắc và có hạn lượng". Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là không có sắc và vô lượng trong câu: "Ngã của tôi không có sắc và vô lượng".

26. Này Ananda, có người không tuyên bố ngã có sắc và có hạn lượng, người này không tuyên bố, hoặc ngã có sắc và có hạn lượng trong hiện tại, hoặc ngã có sắc và có hạn lượng trong tương lai. Hoặc không như thế này: "Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy". Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và có hạn lượng như vậy là quá đủ rồi.

Này Ananda, có người không tuyên bố ngã có sắc và vô lượng, người này không tuyên bố hoặc ngã có sắc và vô lượng trong hiện tại, hoặc ngã có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc không như thế này. "Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy". Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi.

Này Ananda, có người không tuyên bố ngã không có sắc và có hạn lượng, người này tuyên bố, hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong hiện tại, hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong tương lai. Hoặc không như thế này: "Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy". Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã không có sắc và có hạn lượng như vậy là quá đủ rồi.

Này Ananda, có người không tuyên bố ngã không có sắc và vô lượng, người này không tuyên bố ngã không có sắc và vô lượng trong hiện tại, hoặc ngã không có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc không như thế này: "Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy". Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời không tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi.

Này Ananda, như vậy là có bấy nhiêu lời không tuyên bố về ngã.

27. Này Ananda, dưới bao nhiêu hình thức, ngã được quan niệm? Này Ananda, ngã được quan niệm như thọ trong câu: "Ngã của tôi là thọ". Hay trái lại: "Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không có cảm thọ". Này Ananda, hoặc ngã được quan niệm như trong câu: "Ngã của tôi không phải là thọ, cũng không phải là không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ". Như vậy, này Ananda, ngã được quan niệm.

28. Này Ananda, ai nói: "ngã của tôi là thọ". Người ấy cần được trả lời: "Này Hiền giả, có ba loại cảm thọ, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Trong ba loại thọ này, loại nào ông xem là ngã?"

Này Ananda, khi cảm giác một lạc thọ, chúng ta không cảm giác một khổ thọ, không cảm giác một bất khổ bất lạc thọ, khi ấy chỉ cảm giác một lạc thọ thôi. Này Ananda, khi cảm giác một khổ thọ, chúng ta không cảm giác một lạc thọ, không cảm giác một bất khổ bất lạc thọ, khi ấy chỉ cảm giác một khổ thọ thôi. Này Ananda, khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ, chúng ta không cảm giác một lạc thọ, không cảm giác một khổ thọ, khi ấy chỉ cảm giác một bất khổ bất lạc thọ thôi.

29. Lại nữa, này Ananda, lạc thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, là pháp đoạn hoại, là pháp đoạn diệt, là pháp ly dục, là pháp diệt tận. Này Ananda, khổ thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, là pháp đoạn hoại, là pháp đoạn diệt, là pháp ly dục, là pháp diệt tận. Này Ananda, bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi, là pháp duyên khởi, là pháp đoạn hoại, là pháp đoạn diệt, là pháp ly dục, là pháp diệt tận. Khi cảm giác một lạc thọ mà nói rằng: "Ðó là ngã của tôi", thời khi lạc thọ ấy diệt mất người ấy cũng nghĩ rằng: "Ngã của tôi cũng diệt". Khi cảm giác một khổ thọ mà nói rằng: "Ðó là ngã của tôi", thời khi khổ thọ ấy diệt mất người ấy cũng nghĩ rằng: "Ngã của tôi cũng diệt". Khi cảm giác một bất khổ bất lạc thọ mà nói rằng: "Ðó là ngã của tôi", thời khi bất khổ bất lạc thọ ấy diệt mất, người ấy cũng nghĩ rằng: "Ngã của tôi cũng diệt".

Vậy những ai nói rằng: "Ngã của tôi là thọ", người ấy sẽ xem ngã của mình như một cái gì trong hiện tại, cái gì ấy là vô thường, lạc khổ xen lẫn, là pháp sanh diệt. Do vậy, này Ananda, không thể chấp nhận quan niệm "Ngã của tôi là thọ".

30. Này Ananda, ai nói như sau: "Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không có cảm thọ", người ấy cần được trả lời: "Này Hiền giả, chỗ nào không có một cảm thọ gì cả, chỗ ấy có thể xem là "Tôi có" được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Do vậy, này Ananda, không thể chấp nhận quan niệm "Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không có cảm thọ".

31. Này Ananda, ai nói như sau: "Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không phải không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ", người ấy cần được trả lời: "Này Hiền giả nếu tất cả mọi loại cảm thọ đều đoạn diệt hoàn toàn, khi không còn một loại cảm thọ nào cả, khi thọ đã tận diệt, thời ở tại chỗ ấy, có thể nói: "Tôi là như vậy" chăng?"

- Bạch Thế Tôn, không!

- Do vậy, này Ananda, không thể chấp nhận quan niệm "Ngã của tôi không phải là thọ, ngã của tôi không phải không có cảm thọ; ngã của tôi có cảm thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ".

32. Này Ananda, khi có một vị Tỷ-kheo không quan niệm ngã là thọ, không quan niệm ngã không phải thọ, không quan niệm: "Ngã của tôi là thọ, ngã của tôi có khả năng cảm thọ", khi ấy vị này sẽ không chấp trước một điều gì ở trên đời, vì không chấp trước nên không sợ hãi; vì không sợ hãi nên hoàn toàn tự mình tịch diệt. Vị ấy biết sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, sau đời này không còn đời nào khác nữa.

Này Ananda, với vị Tỷ-kheo có tâm giải thoát như vậy, nếu có ai nói vị Tỷ-kheo ấy có tà kiến như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết" thời thật hoàn toàn phi lý. Hoặc có tà kiến như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", thời thật hoàn toàn phi lý. Hoặc có tà kiến như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết", thời thật hoàn toàn phi lý. Hoặc có tà kiến như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không có tồn tại sau khi chết", thời thật hoàn toàn phi lý. Tại sao vậy? Này Ananda, ví dầu có bao nhiêu danh mục, bao nhiêu danh mục đạo, dầu có bao nhiêu ngôn ngữ, bao nhiêu ngôn ngữ đạo, dầu có bao nhiêu thi thiết, bao nhiêu thi thiết đạo, dầu có bao nhiêu trí tuệ, bao nhiêu trí tuệ giới, dầu có bao nhiêu luân chuyển, bao nhiêu vận hành, với thắng trí hiểu biết tất cả, vị Tỷ-kheo được giải thoát. Với vị Tỷ-kheo thắng trí giải thoát như vậy mà nói rằng vị Tỷ-kheo ấy không biết, không thấy, thời thật là một sự phi lý.


IV. THẾ GIỚI KHÁCH QUAN

33. Này Ananda, có bảy trú xứ của thức và hai xứ. Thế nào là bảy? Này Ananda, có những loại hữu tình, thân dị loại và tưởng dị loại, như loài Người, một số chư Thiên và một số trong địa ngục. Ðó là trú xứ thứ nhất của thức.

Này Ananda, có những loại hữu tình, thân dị loại nhưng tưởng nhất loại, như các vị Phạm Chúng thiên được sanh vào cõi ấy, nhờ sơ Thiền. Ðó là trú xứ thứ hai của thức.

Này Ananda, có những loại hữu tình, thân nhất loại nhưng tưởng dị loại, như các vị Quang Âm thiên (Abhassarà). Ðó là trú xứ thứ ba của thức.

Này Ananda, có những loại hữu tình, thân nhất loại và tưởng cũng nhất loại, như các vị Biến Tịnh thiên (Subhakinna). Ðó là trú xứ thứ tư của thức. Này Ananda, có những loại hữu tình, vượt ra khỏi tất cả sắc tưởng, đoạn trừ tất cả hữu đối tưởng, không suy tư đến mọi dị loại tưởng, chỉ có tưởng "Hư không là vô biên", được sanh vào cõi Hư không vô biên xứ. Ðó là trú xứ thứ năm của thức. Này Ananda, có những loại hữu tình hoàn toàn vượt ra khỏi Không vô biên xứ, chỉ có tưởng "Thức là vô biên", được sanh vào cõi Thức vô biên xứ. Ðó là trú xứ thứ sáu của thức.

Này Ananda, có những loại hữu tình, hoàn toàn vượt ra khỏi Thức vô biên xứ, chỉ có tưởng "Vô sở hữu", được sanh vào cõi Vô sở hữu xứ. Ðó là trú xứ thứ bảy của thức.

Hai xứ là Vô tưởng hữu tình xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

34. Này Ananda, trong thức trú xứ thứ nhất có thân dị loại và tưởng dị loại này, như loài Người, một số chư Thiên và một số hữu tình trong địa ngục. Này Ananda nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, trong thức trú xứ thứ hai ... thứ ba ... thứ tư ... thứ năm ... thứ sáu ... Này Ananda, trong thức trú xứ thứ bảy, hoàn toàn vượt ra khỏi Thức vô biên xứ, chỉ có tưởng "Vô sở hữu", được sanh vào cõi Vô sở hữu xứ. Này Ananda nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, với Vô tưởng hữu tình xứ này, này Ananda, nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, với Phi tưởng phi phi tưởng xứ này, này Ananda nếu có ai hiểu được trú xứ này, hiểu được sự tập khởi, hiểu được sự đoạn diệt, hiểu được vị ngọt, hiểu được sự nguy hiểm và hiểu được sự xuất ly của trú xứ này, một vị như vậy có thể còn hoan hỷ ưa thích trú xứ này không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, bởi bảy thức trú xứ và hai xứ này, nếu có vị Tỷ-kheo đã như chơn hiểu được tập khởi, đoạn trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm, xuất ly của chúng, nhờ không còn chấp thủ, vị này được giải thoát. Này Ananda, vị Tỷ-kheo như vậy được gọi là Tuệ giải thoát.


V. GIẢI THOÁT

35. Này Ananda, có tám giải thoát. Thế nào là tám?

Tự mình có sắc, thấy các sắc; đó là sự giải thoát thứ nhất.

Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; đó là sự giải thoát thứ hai.

Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy; đó là sự giải thoát thứ ba.

Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không tác ý đến những tưởng khác biệt, với suy tư "hư không là vô biên", chứng và trú Không vô biên xứ; đó là sự giải thoát thứ tư.

Vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư "thức là vô biên", chứng và trú Thức vô biên xứ; đó là giải thoát thứ năm.

Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư "không có vật gì", chứng và trú Vô sở hữu xứ; đó là sự giải thoát thứ sáu.

Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; đó là sự giải thoát thứ bảy.

Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng; đó là sự giải thoát thứ tám.

Này Ananda, như vậy là tám giải thoát.

36. Này Ananda, khi một vị Tỷ-kheo thuận thứ thể nhập tám giải thoát này, có thể nhập và có thể xuất khỏi bất cứ giải thoát nào khi nào mình muốn, chỗ nào mình muốn và dài bao lâu mình muốn - và với các lậu hoặc được đoạn trừ, vị Tỷ-kheo chứng và an trú trong tám giải thoát và tuệ giải thoát, không còn lậu hoặc ngay trong thời hiện tại, tự mình thấu đạt và chứng ngộ. Này Ananda, không còn có một Câu giải thoát nào khác cao hơn và thù thắng hơn Câu giải thoát này.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI


DUYÊN KHỞI VÀ SỰ SINH TỒN CỦA VẠN HỮU


XII. Moliya Phagguna (Tạp 15,10. Ðại 2,102) (S.ii,12).

1)...Trú Tại Sàvatthi.

2) -- Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế, hai là xúc thực, ba là tư niệm thực, bốn là thức thực. Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay khiến cho các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh.

3) Khi được nói vậy, Tôn giả Moliya-Phagguna bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, ai ăn thức thực?

Thế Tôn đáp:

-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có ai ăn". Nếu Ta nói: "Có kẻ ăn", thời câu hỏi: "Có ai ăn" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, thức thực là cho ai?", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: "Thức thực là duyên cho sự sanh thành, cho sự tái sanh trong tương lai. Khi cái ấy hiện hữu, có mặt thời sáu xứ có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc có mặt".

4) -- Bạch Thế Tôn, ai cảm xúc?

Thế Tôn đáp:

-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có kẻ cảm xúc". Nếu Ta nói: "Có kẻ cảm xúc", thời câu hỏi: "Ai cảm xúc" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, xúc sanh khởi?", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi".

5) -- Bạch Thế Tôn, ai cảm thọ?

Thế Tôn đáp:

-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có người cảm thọ". Nếu ta có nói: "Có người cảm thọ", thời câu hỏi: "Ai cảm thọ?" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thọ sanh khởi?", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên thọ, ái sanh khởi".

6) -- Bạch Thế Tôn, ai khát ái?

Thế Tôn đáp:

-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có kẻ khát ái". Nếu Ta nói: "Có kẻ khát ái", thời câu hỏi: "Ai khát ái" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, ái sanh khởi", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên ái, thủ sanh khởi".

7) --Bạch Thế Tôn, ai chấp thủ?

Thế Tôn đáp:

-- Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: "Có kẻ chấp thủ". Nếu Ta nói: "Có kẻ chấp thủ", thời câu hỏi: "Ai chấp thủ" là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: "Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thủ sanh khởi", thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau: "Do duyên ái, thủ sanh khởi. Do duyên thủ, hữu sanh khởi". Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

8) Nhưng này Phagguna, do ly tham, đoạn diệt một cách hoàn toàn sáu xứ nên xúc diệt. Do xúc diệt, nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI


TUỆ GIÁC VÀ DUYÊN KHỞI


III. Những Căn Bản Của Trí (Tạp 14.15 Chủng Trí, Ðại 2, 99c) (S.ii,56)

1)... Ở Sàvatthi.

2). .. Này các Tỷ-kheo. Ta sẽ thuyết về bốn mươi bốn căn bản của trí cho các Ông. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bốn mươi bốn căn bản của trí?

4) Già chết trí, già chết tập trí, già chết diệt trí, trí về con đường đưa đến già chết diệt.

5) Sanh trí, sanh tập trí, sanh diệt trí, trí về con đường đưa đến sanh diệt.

6) Hữu trí, hữu tập trí, hữu diệt trí, trí về con đường đưa đến hữu diệt.

7) Thủ trí, thủ tập trí, thủ diệt trí, trí về con đường đưa đến thủ diệt.

8) Ái trí, ái tập trí, ái diệt trí, trí về con đường đưa đến ái diệt.

9) Thọ trí, thọ tập trí, thọ diệt trí, trí về con đường đưa đến thọ diệt.

10) Xúc trí...

11) Sáu xứ trí...

12) Danh sắc trí...

13) Thức trí...

14) Hành trí, hành tập trí, hành diệt trí, trí về con đường đưa đến hành diệt.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bốn mươi bốn căn bản của trí.

15) Này các Tỷ-kheo, thế nào là già chết? Cái gì thuộc về chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị một diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vất bỏ; đây gọi là chết. Như vậy là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già chết.

16) Do sanh tập khởi nên già chết tập khởi. Do sanh diệt nên già chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già chết diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.

17) Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già chết tập khởi như vậy, biết già chết diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy.

18) Ðây là pháp trí của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập (pariyogathena) hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ và tương lai.

19) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã hiểu rõ già chết, đã hiểu rõ già chết tập khởi, đã hiểu rõ già chết diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy đều hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy.

20) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ (abhijanissanti) già chết, sẽ hiểu rõ già chết tập khởi, sẽ hiểu rõ già chết diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy. Ðây tức là tùy trí (anvaye nànam) của vị ấy.

21) Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh và thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là Thánh đệ tử đạt tri kiến, (dithisampanno) đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã thấy diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ (nibbedhi kapanno), đã đứng gõ vào cửa bất tử.

22) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh?...

23) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu?...

24) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ?...

25) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái?...

26) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ?...

27) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc?...

28) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ?...

29) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc?...

30) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức?...

31) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Có ba hành này, này các Tỷ-kheo, thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.

32) Do vô minh tập khởi, hành tập khởi. Do vô minh diệt, hành diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến hành diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.

33) Vì rằng này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử biết hành như vậy, biết hành tập khởi như vậy, biết hành diệt như vậy, biết con đường đưa đến hành diệt như vậy. Ðây là pháp trí của vị ấy, vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập, hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ, tương lai.

34) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã hiểu rõ các hành, đã hiểu rõ hành tập khởi, đã hiểu rõ hành diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến hành diệt; tất cả những vị ấy đều hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy.

35) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ các hành, sẽ hiểu rõ hành tập khởi, sẽ hiểu rõ hành diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến hành diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy; như vậy, như hiện nay Ta vậy. Ðây tức là tùy trí của vị ấy.

36) Này các Tỷ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh, thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Thánh đệ tử đạt tri kiến, đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, thấy diệu pháp này, đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ, đã đứng gõ vào cửa bất tử.


HT Thích Minh Châu dịch

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI


QUÁN CHIẾU DUYÊN KHỞI


I. Tư Lường (Tạp 12.10, Ðại 2,82c) (S.ii,80)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tư lường, phải tư lường như thế nào để chơn chánh diệt khổ một cách trọn vẹn?

-- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm điểm tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

4) -- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

5) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đang tư lường, tư lường như sau: "Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết; sự đau khổ này lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì không có mặt, già chết không hiện hữu?"

6) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết, sự đau khổ này lấy sanh làm nhân, lấy sanh làm tập khởi, lấy sanh làm tác sanh, lấy sanh làm hiện hữu. Do sanh có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh không có mặt, già chết không hiện hữu".

7) Và vị ấy biết già chết, biết già chết tập khởi, biết già chết đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành.

8) Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt già chết.

9) Tư lường thêm nữa, vị ấy tư lường như sau: "Còn hữu này, do cái gì làm nhân? Còn thủ này, do cái gì làm nhân? Còn ái này, do cái gì làm nhân? Còn thọ này, do cái gì làm nhân? Còn xúc này... Còn sáu xứ này... Còn danh sắc này... Còn thức này... Còn các hành này, do cái gì làm nhân, cái gì tập khởi, cái gì tác sanh, cái gì làm hiện hữu? Do cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì không có mặt các hành không hiện hữu?"

10) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Các hành lấy vô minh làm nhân, lấy vô minh làm tập khởi, lấy vô minh làm tác sanh, lấy vô minh làm hiện hữu. Do vô minh có mặt, các hành hiện hữu. Do vô minh không có mặt, các hành không hiện hữu".

11) Và vị ấy biết các hành, biết các hành tập khởi, biết các hành đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng đưa đến các hành đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành vị Tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận khổ đau và đoạn diệt các hành.

12) Này các Tỷ-kheo, nếu người nào bị vô minh chi phối, dự tính làm phước hành, thức (của người ấy) đi đến phước. Nếu người ấy dự tính làm phi phước hành, thức (của người ấy) đi đến phi phước. Nếu người ấy dự tính làm bất động hành, thức (của người ấy) đi đến bất động.

13) Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Tỷ-kheo đoạn tận vô minh, minh được sanh khởi. Vị ấy do vô minh đoạn tận, minh sanh khởi, không dự tính làm phước hành, không dự tính làm phi phước hành, không dự tính làm bất động hành.

14) Không có dự tính, không có dụng ý, vị ấy không chấp thủ một sự gì ở đời. Không chấp thủ, vị ấy không sợ hãi. Không sợ hãi, vị ấy hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

15) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy biết lạc thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy biết khổ thọ vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy biết thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết không nên hoan hỷ.

16) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly (visannutto).

17) Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng". Vị ấy biết: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên".

18) Này các Tỷ-kheo, ví như một người từ trong lò nung của người thợ gốm lấy ra một cái ghè nóng và đặt trên một khoảng đất bằng phẳng để sức nóng ở đấy được nguội dần, và các miếng sành vụn được gạt bỏ một bên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng". Vị ấy biết: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một bên".

19) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Vị Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc có dự tính làm các phước hành, hay có dự tính làm các phi phước hành, hay có dự tính làm các bất động hành?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

20) -- Hay nếu các hành không có mặt một cách trọn vẹn, do các hành đoạn diệt, thời thức có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

21) -- Hay nếu thức không có mặt một cách trọn vẹn, do thức đoạn diệt, thời danh sắc có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

22) -- Hay nếu danh sắc không có mặt một cách trọn vẹn, do danh sắc đoạn diệt, thời sáu xứ có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

23) -- Hay nếu sáu xứ không có mặt một cách trọn vẹn, do sáu xứ đoạn diệt, thời xúc có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

24) -- Hay nếu xúc không có mặt một cách trọn vẹn, do xúc đoạn diệt, thời thọ có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

25) -- Hay nếu thọ không có mặt một cách trọn vẹn, do thọ đoạn diệt, thời ái có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

26) -- Hay nếu ái không có mặt một cách trọn vẹn, do ái đoạn diệt, thời thủ có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

27) -- Hay nếu thủ không có mặt một cách trọn vẹn, do thủ đoạn diệt, thời hữu có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

28) -- Hay nếu hữu không có mặt một cách trọn vẹn, do hữu đoạn diệt, thời sanh có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

29) -- Hay nếu sanh không có mặt một cách trọn vẹn, do sanh đoạn diệt, thời già chết có hiện hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

30) -- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Phải là như vậy, này các Tỷ-kheo! Không thể khác vậy. Hãy tin ở Ta, này các Tỷ-kheo! Hãy quyết định, chớ có nghi ngờ, chớ có phân vân! Ðây là khổ được đoạn tận.


HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI

KHÔNG LÀ MỘT CŨNG CHẲNG LÀ HAI




XVII. Loã Thể (Tạp 12.20, Ðại 2,86a Ðại 14,768) (S.ii,18)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Ràjagaha để khất thực.

3) Lõa thể Kassapa thấy Thế Tôn từ xa đi đến. Sau khi thấy, lõa thể Kassapa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên.

4) Ðứng một bên, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

-- Chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama về một vấn đề. Nếu Tôn giả Gotama cho phép, chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi.

-- Này Kassapa, nay không phải thời để hỏi. Chúng ta đã vào trong làng.

5) Lần thứ hai, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

-- Chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama về một vấn đề. Nếu Tôn giả Gotama cho phép, chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi.

-- Này Kassapa, nay không phải thời để hỏi. Chúng ta đã vào trong làng.

6) Lần thứ ba, lõa thể Kassapa... (như trên)... Chúng ta đã vào trong làng.

Khi được nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

-- Nhưng không phải chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama nhiều chuyện.

-- Vậy hãy hỏi đi, này Kassapa, như Ông muốn.

7) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra?

Thế Tôn đáp:

-- Không phải vậy, này Kassapa.

8) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra?

Thế Tôn đáp:

-- Không phải vậy, này Kassapa.

9) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do mình làm ra và do người khác làm ra?

Thế Tôn đáp:

-- Không phải vậy, này Kassapa.

10) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?

Thế Tôn đáp:

-- Không phải vậy, này Kassapa.

11) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?

-- Này Kassapa, không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa.

12) -- Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.

-- Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ.

13) -- Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?", Ngài trả lời: "Không phải vậy, này Kassapa". Ðược hỏi: "Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?", Ngài trả lời: "Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa". Ðược hỏi: "Như vậy Tôn giả Gotama, không biết, không thấy khổ?", Ngài trả lời: "Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ". Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.

14) -- Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu "khổ do tự mình làm ra", như vậy có nghĩa là thường kiến.

Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: "Khổ do người khác làm ra", như vậy có nghĩa là đoạn kiến.

15) Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

16) Khi được nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.

17) -- Này Kassapa, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, nếu chúng Tăng đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.

18) -- Bạch Thế Tôn, nếu những người xưa kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, chúng Tăng nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm nếu chúng Tăng đồng ý, mong chúng Tăng cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo.

19) Và lõa thể Kassapa được xuất gia với Thế Tôn và được thọ đại giới.

20) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Kassapa ở một mình, an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, tinh cần. Và không bao lâu vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến; đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong đời sống hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị này chứng tri: "Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa".

21) Và Tôn giả Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa.

HT Thích Minh Châu dịch

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI
Tỳ kheo Giác Đẳng

GIÁO LÝ DUYÊN KHỞI ĐOẠN TRỪ HỮU KIẾN VÀ PHI HỮU KIẾN


VIII. Channa (Tạp 10, Ðại 2,66b) (S.iii,132)

1) Một thời, nhiều Tỷ-kheo Trưởng lão trú ở Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển.

2) Rồi Tôn giả Channa, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, cầm chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác và nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão:

-- Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy được pháp.

3) Ðược nói vậy, các vị Tỷ-kheo Trưởng lão nói với Tôn giả Channa:

-- Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ là vô thường ; tưởng là vô thường; các hành là vô thường; thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã.

4) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy nghĩ như vầy: 'Sắc là vô thường; thọ... tưởng... các hành... thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả pháp là vô ngã.’

5) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự tham luyến (paritassanà), chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng: 'Có phải tự ngã của ta sinh hoạt?’ Như vậy thời ta không thể thấy pháp. Ai có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"

6) Rồi Tôn giả Channa suy nghĩ: "Ðây là Tôn giả Ananda, hiện trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư tán thán và các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp. Và cho đến như vậy, ta có lòng tin tưởng đối với Tôn giả Ananda. Vậy ta hãy đi đến Tôn giả Ananda!"

7) Rồi Tôn giả Channa, sau khi dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát đi đến Kosambi, vườn Ghosita, chỗ Tôn giả Ananda ở, sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

8) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Channa nói với Tôn giả Ananda:

-- Một thời, này Hiền giả Ananda, tôi ở Bàrànasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi vào buổi chiều, này Hiền giả, tôi từ chỗ tịnh cư đứng dậy, cầm chiếc chìa khóa, đi từ tịnh xá này đến tịnh xá khác, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo Trưởng lão: "Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giáo giới cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy giảng dạy cho tôi! Chư Tôn giả Trưởng lão, hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy pháp".

9) Ðược nghe nói vậy, này Hiền giả, các Tỷ-kheo Trưởng lão nói với tôi: "Sắc, này Hiền giả Channa, là vô thường; thọ... tưởng... các hành... thức là vô thường. Sắc là vô ngã; thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã".

10) Về vấn đề ấy, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ta cũng suy nghĩ như vầy: 'Sắc là vô thường... thức là vô thường. Sắc là vô ngã, thọ... tưởng... các hành... thức là vô ngã. Tất cả các hành là vô thường; tất cả các pháp là vô ngã’.

11) Nhưng tâm của ta không hướng tiến đến sự chỉ tịnh tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự đoạn diệt khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn, không có thoải mái, không có an trú, không có hướng về. Do sự tham luyến, chấp thủ khởi lên. Tâm ý trở lui lại tư tưởng: 'Có phải tự ngã của ta sinh hoạt?’ Như vậy thời ta không thể thấy pháp. Ai có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp?"

12) Rồi về vấn đề này, này Hiền giả, tôi suy nghĩ như sau: "Ðây là Tôn giả Ananda, hiện trú ở Kosambi, tại vườn Ghosita, được bậc Ðạo Sư tán thán và các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Ananda có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể thấy pháp! Và cho đến như vậy, ta có lòng tin tưởng đối với Tôn giả Ananda! Vậy ta hãy đi đến Tôn giả Ananda".

13) Tôn giả Ananda hãy giáo giới cho tôi! Tôn giả Ananda hãy giảng dạy cho tôi! Tôn giả Ananda hãy thuyết pháp cho tôi để tôi có thể thấy pháp.

14) -- Cho đến như vậy, thật sự tôi rất hoan hỷ đối với Tôn giả Channa. Tôn giả Channa đã làm cho sự việc rõ ràng. Tôn giả Channa đã phá vỡ chướng ngại. Hãy lóng tai, này Hiền giả Channa! Hiền giả có thể hiểu được Chánh pháp.

15) Ngay lúc ấy, Tôn giả Channa khởi lên hoan hỷ, hân hoan thù thắng khi nghe đến: "Ta có thể hiểu được pháp".

16) -- Này Hiền giả Channa, tôi tận mặt nghe Thế Tôn, tận mặt nhận lãnh từ Thế Tôn lời giáo giới này cho Kaccànaghotta: "Thế giới này dựa trên hai (quan điểm), này Kaccàna, hiện hữu và không hiện hữu. Ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự tập khởi của thế giới, thì không chấp nhận là thế giới không hiện hữu! Nhưng này Kaccàna, ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự đoạn diệt của thế giới, thì cũng không chấp nhận là thế giới có hiện hữu. Thế giới này phần lớn, này Kaccàna, là chấp thủ các phương tiện và bị trói buộc bởi thành kiến. Với ai không đi đến, không chấp thủ, không an trú vào chấp thủ các phương tiện, tâm không an trú vào thiên kiến tùy miên, vị ấy không nói: 'Ðây là tự ngã của tôi". Với ai nghĩ rằng: 'Cái gì khởi lên là đau khổ, cái gì diệt là đau khổ’, vị ấy không có phân vân, nghi hoặc. Trí ở đây không mượn nhờ người khác. Cho đến như vậy, này Kaccàna, là chánh trí".

17) "'Tất cả đều có’, này Kaccàna, là một cực đoan. 'Tất cả đều không có’ là một cực đoan. Không chấp nhận hai cực đoan ấy, này Kaccàna, Như Lai thuyết pháp một cách trung đạo. Do duyên vô minh, nên hành khởi. Do duyên hành, nên thức khởi... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn nên các hành diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này".

18) -- Như vậy, này Hiền giả Ananda, là điều sẽ đến với các bậc Tôn giả nào có được những đồng Phạm hạnh như vậy, những vị có lòng từ mẫn, những vị muốn sự lợi ích, những vị giáo giới, những vị giảng dạy, nghe được lời thuyết pháp này từ Tôn giả Ananda, tôi được an trú vững chắc trong Chánh pháp.

VII. Jànussoni (S.ii,76)

1) ... Trú ở Sàvatthi.

2) Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm...

Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

3) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?

-- Này Bà-la-môn, tất cả đều có, ấy là một cực đoan.

4) -- Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?

-- Này Bà-la-môn tất cả đều không có, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.

5) Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức... (như trên)... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh ấy một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

6) Khi được nói vậy, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

-- Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!...




Bản dịch của HT Thích Minh Châu

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI
Tỳ kheo Giác Đẳng

Hành do duyên vô minh
Đa số nghĩ rằng mình làm điều gì do mình biết cái cần làm. Thực tế thì trái ngược.


VĂN TỤNG

Bởi không tường diệu đế
Hữu tình tạo nghiệp duyên
Chính vô minh nguồn cội
Là nhân tạo nên hành

CHÁNH KINH

15) Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ-kheo, không rõ biết Khổ, không rõ biết Khổ tập, không rõ biết Khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến Khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh.

LÝ GIẢI

Vô minh – avijja – chỉ cho sự thiếu hiểu biết về nhân quả của khổ đau và hạnh phúc. Không biết đích xác phải làm gì là động lực tạo tác muôn ngàn thứ.
Người ta thường nói huyền cơ là bí ẩn lớn nhất của đời sống. Phật Pháp dạy chính vô minh là cội nguồn của tất cả sở hành – từ đó – tạo ra sự sống.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI
Tỳ kheo Giác Đẳng

Thức do duyên hành
Chính hành vi tạo nên con người.

VĂN TỤNG

Từ hành vi thiện ác
Gieo chủng thức tái sanh
Như vậy chính do hành
Kiết sanh thức tập khởi

CHÁNH KINH

14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.

LÝ GIẢI

Hành – sankhara – chỉ cho sự tạo tác. Chính đây là nhân tạo ra tất cả quả.
Tâm thể hiện hành động nhưng hành động cũng tạo ra tâm thức. Thí dụ cương lĩnh hành động của một tổ chức quyết định nhân tuyển nào được lựa chọn các chức vụ. Chính vì thế gọi thức do duyên hành.

THẢO LUẬN

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI
Tỳ kheo Giác Đẳng

Danh sắc do duyên thức

Tâm dẫn đầu các pháp.

VĂN TỤNG

Thức chủng tử đầu đời
Tạo hiện hữu thân tâm
Bởi do ý nghĩa nầy
Gọi thức duyên danh sắc

KINH VĂN

13) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức.

LÝ GIẢI


Thức – vinnana – chỉ cho tâm. Tâm thức là phần hoạt dụng, chỉ huy cuộc sống.

Danh sắc được hiểu như guồng máy. Thức có thể thí dụ vai trò của các nhân sự. Hệ thống tổ chức hoàn toàn chịu chi phối bởi nhân sự điều hành. Vì vậy gọi danh sắc do duyên thức.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI
Tỳ kheo Giác Đẳng

Danh sắc do duyên thức
Tâm dẫn đầu các pháp.


VĂN TỤNG

Thức chủng tử đầu đời
Tạo hiện hữu thân tâm
Bởi do ý nghĩa nầy
Gọi thức duyên danh sắc

KINH VĂN

13) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức.

LÝ GIẢI


Thức – vinnana – chỉ cho tâm. Tâm thức là phần hoạt dụng, chỉ huy cuộc sống.

Danh sắc được hiểu như guồng máy. Thức có thể thí dụ vai trò của các nhân sự. Hệ thống tổ chức hoàn toàn chịu chi phối bởi nhân sự điều hành. Vì vậy gọi danh sắc do duyên thức.

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI
Tỳ kheo Giác Đẳng

Lục nhập do duyên danh sắc
Cùng là thấy nhưng mỗi sanh loại có cách thấy khác nhau

VĂN TỤNG

Vật chất và tâm thức
Biến hiện sáu giác quan
Như vậy do danh sắc
Lục nhập được hiện thành

KINH VĂN

12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy, đây là danh, đây là sắc. Ðây gọi là danh sắc.

LÝ GIẢI

Danh sắc – namarupa – chỉ cho tâm và thân. Ở đây chỉ cho sanh chủng. Sự hiện hữu của chúng sanh đồng nghĩa với sự hiện hữu của danh sắc. Mỗi loại chúng sanh do nghiệp lực cá biệt nên các căn không giống nhau. Các căn sai biệt nên thị dục cũng sai biệt.
Do sanh loại nên giác quan dị biệt vì thế gọi danh sắc duyên lục nhập.

THẢO LUẬN

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI

Xúc do duyên lục nhập

Sanh sự thì sự sanh

VĂN TỤNG

Sáu giác quan năng động
Tiếp xúc sáu cảnh trần
Như vậy do lục nhập
Hiện tượng xúc khởi sanh

CHÁNH KINH

11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu xứ.

LÝ GIẢI

Lục nhập – salayatana – nghĩa là sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đó là sáu cửa để nội giới tiếp xúc ngoại giới.
Có mắt thì phải thấy, có tai thì phải nghe … nên gọi xúc sanh do duyên lục nhập.

THẢO LUÂN

1. Tại sao sáu giác quan được gọi là lục xứ hay lục nhập?
2. Thiếu các căn là có phước hay không có phước? (so sánh trường hợp phạm thiên sắc giới không có tỷ thức và một người trong cõi nhân loại mất khứu giác)
3. Sự phòng hộ các căn được đánh giá thế nào trong sự tu tập của người Phật tử?
4. Sáu căn có thể phân theo tế thô không?

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI
Thọ do duyên xúc
Tâm, cảnh gặp nhau sanh cảm th


VĂN TỤNG
Sáu căn gặp sáu cảnh
Khổ lạc xả phát sanh
Như vậy do duyên xúc
Cảm thọ được tạo thành


KINH VĂN
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc này: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xúc.

LÝ GIẢI
Xúc – phassa – là sự giao thoa giữa căn, cảnh và thức thí dụ con mắt, cảnh sắc và thị giác gặp nhau gọi là nhãn xúc.
Có cảm nhận sanh ra cảm xúc nên gọi thọ sanh do duyên xúc.

THẢO LUẬN
1. Phải chăng sự vui buồn đối với ngoại cảnh là điều không ai tự chủ được vì là quả của nghiệp quá khứ?

2. Căn, cảnh, thức đồng sanh thì có nên nói rằng "do có mắt, có cảnh sắc nên nhãn thức phát sanh? (nếu đồng sanh thì không thể nói là do cái nầy nên sanh cái kia)

3. Theo Tạng Diệu Pháp thì ngoại trừ thân thức thọ khổ và tâm quan sát thọ hỷ thì tất cả tâm quả vô nhân đều thọ xã như vậy "có quá ít" để nói về cảm thọ do nghiệp quá khứ chăng? (nếu nhìn từ phương diện "khổ vui do nghiệp lực")

4. Trong phần "thọ do duyên xúc", một hành giả tu tập có thể tự chủ phẩn nào chăng? (thí dụ tâm tiếp xúc với trần cảnh nhưng không để vui buồn thái quá"

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Giao trinh THAP NHI DUYEN KHOI
18-09-2011

Ái do duyên thọ

Cảm thọ tạo nên khát vọng


VAN TUNG

Khổ lạc ưu hỷ xả
Nhân sanh mọi chấp trước
Phật dạy chính cảm thọ
Duyên tạo nên ái dục


KINH VAN

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ này: thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ.


LY GIAI

Cảm thọ - vedana – là những cảm xúc khổ, lạc, ưu, hỷ, xã. Đối với chúng sanh thì cảm thọ là cây thước đo hạnh phúc.
Dù là vui hay khổ hoặc bình thản thì tất cả đều có lý do để truy cầu cái mình thích hay ngược lại với cái mình ghét nên gọi ái sanh do duyên thọ.
Giao trinh THAP NHI DUYEN KHOI

Thủ do duyên ái
Khát vọng khiến chúng sanh phải đi tới cho dù chẳng biết đi đâu

VAN TUNG

Tham muốn nên dính mắc
Dục lạc cột mê tâm
Nên gọi nhân ái dục
Là duyên sanh chấp thủ


KINH VĂN
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ-kheo, có sáu ái này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là ái.

LY GIAI

Ái – tanha – có nghĩa là khao khát. Truy cầu cái toàn hảo dù cuộc sống bất toàn, khao khát để có được cái mình thích hay được cái ngược lại điều mình ghét. Khát ái là mãnh lực đưa chúng sanh đi tới, không bao giờ có thể bằng lòng với nguyên vị dù “núi kia chưa hẳn tốt hơn núi nầy”

Do ưa thích tạo thành chấp thủ nêu gọi thủ sanh do duyên ái.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Giáo trình THẬP NHỊ DUYÊN KHỞI

Hữu duyên Thủ

Ý muốn không đủ mạnh thì không thể thể hiện



VĂN TỤNG

Khi tâm trần hệ lụy
Biến hiện muôn sở hành
Như vậy do duyên thủ
Tác động hữu khởi sanh



CHÁNH KINH

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ-kheo, có bốn thủ này: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là thủ.



LÝ GIẢI

Thủ - upadana – có nghĩa là sự chấp chặt đủ mạnh để biến ý muốn thành hành động. Thí dụ như người ta thường đưa ra lý do hợp lý để làm bất cứ chuyện gì.

Bốn sở chấp là thị hiếu (dục thủ), quan điểm (kiến thủ), tín ngưỡng (giới cấm thủ) và “cái tôi” (ngã chấp thủ) là những lý giải đằng sau những nghiệp hữu nên gọi hữu do duyên thủ.