Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014


PARIS, ngày 3.12.2014 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin hân hạnh giới thiệu Bạn đọc Lá Thư Trong Tuần – Tuần thứ Tám, loan báo tin vui về lễ Nhập tự Ngôi Chùa Phật Quang, toạ lạc tại 17101 A Street – Thành phố Huntington Beach – California 92647 – USA / Hoa Kỳ. làm cơ sở sinh hoạt cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Một mong ước vừa thành tựu, nhưng hành trình chưa chấm dứt, vì món nợ ngắn hạn còn phải trả. Do tấm lòng của Phật tử từ Hoa Kỳ, năm châu đến Việt Nam đã đóng góp tiền bạc hoặc cho vay không lãi để mùa chùa. Kế tiếp trong những tuần lễ tới là thực hiện các buổi Gây Quỹ qua các thành phố Dallas, Houston, Denver, Atlanta, Tampa, Oregon, v.v… để trả ngay cho những đại thí chủ cho mượn tiền ngắn hạn (phải trả trong 2 tháng tới) hay dài hạn (từ 3 đến 5 năm). Đây là nội dung hoan lạc trong niềm thâm tạ của Lá Thư số 8. Xin mời Bạn đọc vào Trang Thư thứ Tám :
 bodhi1

Lá Thư Trong Tuần – Tuần 8 :
Lời Thâm Tạ Trong Ngày Lễ Tạ Ơn


Lễ Tạ Ơn – Thanks Giving – mang nhiều ý nghĩa đẹp. Năm nay đối với nhiều Phật tử ngày lễ nầy đặc biệt ấm cúng. Chiều thứ tư 26.11.2014 đại diện của chùa Phật giáo Đài Loan chính thức trao chìa khoá cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo. Cơ sở chính thức trở thành ngôi chùa chung của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sau nhiều tuần lễ băn khoăn, lo lắng của Phật tử xa gần. Cái lớn lao của ngôi chùa không phải ở diện tích hay cấu trúc mà là ở vòng tay rộng lớn của những người con Phật từ Âu Châu, Úc châu, Canada, Hoa kỳ và kể cả từ Việt Nam. Cái đẹp của ngôi chùa không phải ở hoa văn hoạ tiết, mà chính ý niệm về một ngôi chùa chung thật sự. Cái vui nhất của ngôi chùa là sự nở hoa trong bối cảnh đang có nhiều nghiệt ngã. Đúng là ngày 28.11, theo giao kèo, mới hoàn tất thủ tục giấy tờ, thế nhưng cả hai bên mua và bán đều mong sớm hơn, nên lễ nhập tự mới diễn ra vào tối thứ tư 26.11.2014. Nếu Thanks Giving cho chúng ta cơ hội để cảm ơn cuộc đời thì việc tạo mãi ngôi chùa Phật Quang, nam Cali, không biết có ngôn từ nào đủ để nói hết.

NHỚ ƠN PHẬT,
NGUYỆN THẮP SÁNG LỜI PHẬT DẠY
Nghĩ về một ngôi chùa hưng thịnh, nhiều người kỳ vọng một cơ sở tín ngưỡng thu hút đông đảo quần chúng Phật tử lui tới. Những hình thức sinh hoạt mang bản sắc tín ngưỡng dân gian thường được đại đa số ưa chuộng. Ở đây phải nói tới sự quân bình giữa khế cơ và khế lý. Ưu tiên của chúng ta vẫn là thắp sáng lời Phật dạy. Nói một cách giản dị thì toàn bộ sinh hoạt ngôi chùa và nếp sống tâm linh của người con Phật có thể tóm tắt qua bốn phương diện. Đối với tha nhân, Đức Phật dạy nên huân tập bốn đức: từ (thân thiện trong yêu thương), bi (trắc ẩn trước những khổ đau), hỷ (vui chung với hạnh phúc của người), xả (điềm đạm trước thuận nghịch). Đối với tự thân, thì Đức Phật dạy nên trau dồi năm pháp: tín (niềm tin chân chánh), tấn (nỗ lực một cách lợi lạc), niệm (sống tỉnh thức), định (tập trung một cách bền bỉ), tuệ (nhận thức hợp lý theo nhân quả). Đối với quan niệm về cứu cánh, thì người con Phật hướng cầu tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Nếu nói thêm về tôn chỉ hành hoạt của người Phật tử Việt mà Giáo Hội thường nêu rõ là hộ dân, hộ quốc và hộ pháp. Những giá trị căn bản giúp chúng ta không bị trôi dạt trước mọi phong ba bão tố và xây dựng được mái chùa đúng với lời Phật dạy.

NHỚ ƠN TIỀN NHÂN,
XIN BẢO LƯU NHỮNG GIÁ TRỊ NGÀN ĐỜI
Lịch sử một trăm năm qua của Phật giáo Việt Nam chứa đầy những trang bi tráng. Không phải chỉ có một Hoà thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, mà có nhiều, nhiều tăng ni Phật tử đã dùng mạng sống thắp sáng lương tri của nhân loại. Không phải chỉ có một Hoà thượng Thích Thiện Minh chết trong lao tù cộng sản, mà còn không biết bao nhiêu cái chết bất khuất trước bạo lực. Không phải chỉ một thiểu số thành viên Gia Đình Phật Tử hy sinh cả cuộc đời cho sự tồn tại của Giáo Hội, mà nhiều thế hệ đã tiếp nối trong muôn vàn khổ nạn. Không phải chỉ có một, hai bậc lãnh đạo Giáo Hội gần như cả nửa cuộc đời sống trong lưu đày quản thúc, mà có lúc tất cả sự tồn tại của Giáo Hội nằm sau song sắt của nhà tù. Thật khó để có thể nói hết những lao lung, nghiệt ngã mà người Phật tử Việt Nam đã gánh chịu trong một thế kỷ qua. Dù vậy có thể khẳng định một điều, là nhiều thành tựu hôm nay từ cơ sở vật chất đến giá trị phổ quát tinh thần đều là hoa trái của cây đại thụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, giáo hội dân lập hình thành trong lòng dân tộc giữa những điêu linh thăng trầm. Phải thấy được điều đó mới có thể hiểu được tại sao trong giai đoạn nhiều khó khăn mà Phật tử bốn phương vẫn có thể chung lòng tạo lập ngôi chùa Phật Quang để gìn giữ một điều, mà Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ thường nhắc nhở là sự tồn tại của Giáo Hội.

NHỚ ƠN NHỮNG NGƯỜI HY SINH,
XIN LÀM TỐT NHỮNG GÌ CÓ ĐƯỢC
Trong sự vận động tạo lập ngôi chùa chung có một phần thưởng rất lớn cho những ai có trách nhiệm trực tiếp, là hình ảnh của những hy sinh vô bờ. Có bắt tay thực hiện mới thấy được những tấm lòng đối với Giáo Hội. Có cụ già trên 80 tuổi ngày ngày ra các khu chợ để xin tiền mua chùa. Có một Phật tử cao niên cầm 500 Mỹ kim nói trong nước mắt là chỉ giữ cháu nên không có tiền nhiều chỉ xin góp chút nầy vì thương Giáo Hội quá. Có Phật tử gởi về một chi phiếu với lá thư dài bày tỏ sự lo lắng không biết mình có mua được chùa không. Có một Phật tử từ miền Tây Bắc Hoa Kỳ mặc dù đã đóng góp công, của thật nhiều vậy mà vẫn tiếp tục nhắn tin nhiều lần  cho tới ngày cuối trước khi thủ tục mua chùa hoàn tất với dòng chữ : nếu còn thiếu thì thầy phải cho biết sớm; vị đó có lẽ không hiểu rằng chỉ chừng ấy là liều thuốc an thần vô giá trước bao khó khăn. Tấm lòng của tất cả giản dị, trong sáng và chứa đầy những hy sinh. Ngôi chùa được tạo lập trong một phương cách rất “chung”, bây giờ tiếp tục là làm thế nào tinh thần chung đó tiếp tục trong sự duy trì. Quá nhiều Phật tử đau lòng về những thủ đắc chùa chiền mang tính tư hữu. Chúng ta không thể để những tấm lòng như vậy bị cô phụ trong sự ra đời của ngôi chùa chung nầy.

GIÂY PHÚT NGHỈ NGƠI
KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ HÀNH TRÌNH HOÀN TẤT
Trong số kinh phí tạo lập chùa một triệu ba trăm ngàn Mỹ kim thì có một phần ba là tiền cho mượn đoản kỳ. Số tiền nầy cần được hoàn lại trong vòng hai tháng sau khi tất cả tiệc gây quỹ hoàn tất. Mua được ngôi chùa là niềm hoan hỷ lớn. Chúng ta có thể thở phào thư giãn trong giây lát nhưng phải tiếp tục vận động. Không thể nói là hoàn tất thủ tục tạo mãi là không còn gì để khẩn trương. Cần phải tiếp tục vận động sự cúng dường để thanh thoả những khoản tiền mượn, tất cả đều không có lời. Ngay cả sự cho mượn dài hạn giúp trả hết số nợ ngắn hạn vẫn cực kỳ quan trọng. Sự phấn khởi khi đã mua được cơ sở làm chùa chung là niềm vui vô hạn nhưng điều đó chỉ thật sự viên mãn khi chúng ta hoàn trả hết tất cả tiền vay mượn của Phật tử xa gần vốn là những người đã lo lắng hy sinh rất nhiều. Một đoạn đường dài đã đi qua, chỉ cần cố gắng thêm chút nữa là tới đích điểm. Tấm lòng cao đẹp của bốn phương Phật tử chắc chắn sẽ trỗ hoa và cho chúng ta một mùa xuân đạo vị.
Hành trình trước mắt có nhiều chông gai, thử thách nhưng chúng ta biết rõ sẽ không cô đơn. Những chia sẽ lớn nhỏ xa gần quả thật cho chúng ta nhiều sức mạnh nội tại. Chúng ta vẫn còn đó Đức Tăng Thống, như tàng cao bóng cả che chở cho sự tồn tại của Giáo Hội, và vẫn còn đó những thiết tha không mệt mỏi của bao người Phật tử khắp nơi cho đại cuộc giải trừ quốc nạn, pháp nạn. Bất chợt vài dòng thơ ngắn trở thành vô cùng ý vị:
Cảm tạ cuộc đời cho tôi kỉnh lạy
Cảm tạ anh em bằng hữu chút tri lòng
Vẳng chuông sớm tôi thấy mình thức dậy
Gắng tu hoài dẫu thiên địa vô công

(Thi sĩ Minh Đức)
Xin thâm tạ tất cả những tấm lòng vì đạo, vì đời.
Minnesota, mùa lễ tạ ơn 2014
Tỳ kheo Thích Giác Đẳng