Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm Hứng Ngữ)Udàna

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương Tám: PHẨM DÂN LÀNG PĀṬALI -  Pāṭaligāmiyavaggo

5. KINH CUNDA-Cundasuttaṃ

(V) (Ud 84)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành đi giữa dân chúng Mallà, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến Pàvà. Rồi Thế Tôn trú ở Pàvà, tại rừng xoài của thợ rèn Cunda. Thợ rèn Cunda được nghe: "Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà, đã đến Pàvà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và trú ở Pàvà, trong rừng xoài của ta". Thợ rèn Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp thoại cho thợ rèn Cunda đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Thợ rèn Cunda sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Thợ rèn Cunda, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Thợ rèn Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà của mình các món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm và nhiều thứ mộc nhĩ và báo tin cho Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ rèn Cunda, khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
- Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho Ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm. Rồi Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
- Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại, hãy đem chôn. Này Cunda, Ta không thấy một ai, ở cõi trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng đáp Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ rèn Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ rồi từ chỗ đứng dậy và ra đi.
Sau khi dùng cơm của thợ rèn Cunda. Thế Tôn bị nhiễm bịnh nặng, bệnh ly huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh.
Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàra. Xin vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn:
2. Dùng cơm Cunda xong,
Như vậy tôi được nghe,
Bậc trí cảm bệnh nặng,
Bạo bệnh, gần như chết,
Khi ăn loại mộc nhĩ
Ðạo Sư bị bệnh nặng,
Khi bệnh được lắng dịu,
Thế Tôn nói như sau:
"Ta nay sẽ đi đến,
Ðến Kusinàra".
Rồi Thế Tôn bước xuống đường, đến một góc cây và nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm thấy mệt mỏi và muốn ngồi nghỉ, này Ananda.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn và xếp áo Sanghàti lại. Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước cho Ta. Này Ananda. Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khấy lên nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục, khi Tôn giả Ananda đến, liền chảy trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục.
Tôn giả Ananda tự nghĩ: "Thật kỳ diệu thay! Thật hi hữu thay! Thần lực và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục". Sau khi dùng bát lấy nước,Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch với Ngài:
- Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn, thật là hy hữu! Bạch Thế Tôn, con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước, xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước và Thế Tôn uống nước.
Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến con sông Kakutthà, xuống sông tắm và uống nước, rồi lội qua bờ bên kia, đi đến rừng xoài và tại đây, nói với Tôn giả Cundaka:
- Này Cundaka, hãy xếp áo Sanghati làm bốn cho Ta, này Cundaka, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Cundaka vâng lời Thế Tôn và xếp áo Sanghati làm bốn. Rồi Thế Tôn nằm xuống phía hông bên mặt như dáng điệu con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác, tác ý đến tưởng ngồi dậy, Tôn giả Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.
3. Ðức Phật tự đi đến,
Con sông Kakutthà,
Con sông chảy trong sáng,
Mát lạnh và thanh tịnh,
Vị Ðạo Sư mỏi mệt,
Ði dần xuống mé sông,
Như Lai đấng vô thượng
Ngự trị ở trên đời.
Tắm xong uống nước xong,
Lội qua bên kia sông,
Bậc Ðạo sư đi trước,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Vừa đi vừa diễn giảng,
Chánh pháp thật vi diệu,
Rồi bậc Ðại Sĩ đến,
Tại khu vực rừng xoài,
Cho gọi vị Tỷ-kheo,
Tên họ Cundaka;
"Hãy gấp tư áo lại,
Trải áo cho Ta nằm"
Nghe dạy, Cundaka,
Lập tức vâng lời dạy,
Gấp tư và trải áo,
Một cách thật mau lẹ,
Bậc Ðạo Sư nằm xuống,
Thân mình thật mệt mỏi.
Tại đây Cundaka,
Ngồi ngay ngắn trước mặt.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ rèn Cunda hối hận: "Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ông, thật là tai hại cho Ông, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ông cúng dường, và nhập diệt". Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ rèn Cunda: "Này Hiền giả, thật lợi ích cho bạn, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Nay Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tôi tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: "Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một di thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Thế nào là hai? Một là, bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Ðẳng Giác; hai là, bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử". Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưỏng tuổi thọ; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng cõi Trời; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng uy quyền".
Này Ananda, cần phải làm cho thợ rèn tiêu tan hối hận.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu ý nghĩa này, liền thốt lời cảm khái như sau:
4. Công đức người bố thí,
Luôn luôn được tăng trưởng,
Trừ được tâm hận thù,
Không chất chứa chế ngự,
Kẻ chí thiện từ bỏ,
Mọi ác hạnh bất thiện,
Diệt trừ tham, sân, si.
Tâm giải thoát thanh tịnh.
(VI) (Ud 85)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali. Các nam cư sĩ ở làng Pàtali được nghe: "Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali". Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các nam cư sĩ làng Pàtali bạch Thế Tôn:
- Mong Thế Tôn trú ở giảng đường chúng con.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali, sau khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi đi đến giảng đường, sau khi đến chúng cho trải thảm toàn bộ giảng đường, sửa soạn các chỗ ngồi, đặt một ghè nước, cho treo đèn dầu, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các nam cư sĩ ở làng Pàtali, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, giảng đường đã được trải thảm, các chỗ ngồi đã sửa soạn, ghè nước đã đặt xong, đèn dầu đã được treo, Thế Tôn hãy làm những gì Thế Tôn nghĩ là hợp thời.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát, cùng với chúng Tỷ-kheo, đi đến giảng đường, sau khi đến rửa chân, bước vào giảng đường, dựa nơi cây cột ở giữa, ngồi hướng mặt về phía đông. Chúng Tỷ-kheo, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, ngồi xuống dựa vào tường giữa, mặt hướng về phía đông có đức Phật trước mặt. Các nam cư sĩ ở làng Pàtalli, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, dựa vào tường phía đông, mặt hướng về phía Tây, và ngồi xuống, với đức Phật ở trước mặt.
Rồi Thế Tôn bảo các nam cư sĩ ở làng Pàtali:
- Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, người phạm giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, do nhân duyên phóng dật, nên hao mất tài sản lớn. Ðây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, tiếng xấu đồn xa. Ðây là nguy hiểm thứ hai cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới khi đến hội chúng nào, hoặc là hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc là hội chúng Bà-la-môn, hoặc là hội chúng gia chủ, hoặc là hội chúng Sa-môn, vị ấy đến với sự sợ hãi, với sự ngỡ ngàng. Ðây là nguy hiểm thứ ba cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, khi chết bị si ám. Ðây là nguy hiểm thứ tư cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới, khi thân hoại mạng chung bị sanh vào ác xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðây là nguy hiểm thứ năm của người ác giới, của người phạm giới. Này các Gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, cho người phạm giới.
Này các Gia chủ, có năm điều lợi ích này cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ người giữ giới, người đầy đủ giới, do nhân duyên không phóng dật được tài sản lớn. Ðây là lợi ích thứ nhất cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, với người giữ giới, người đầy đủ giới, tiếng tốt lành được đồn xa. Ðây là lợi ích thứ hai cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi đi đến hội chúng nào, hoặc là Sát-đế-lỵ hoặc là Bà-la-môn, hoặc là gia-chủ, hoặc là Sa-môn, người ấy đi đến không có sợ hãi, không có ngỡ ngàng. Ðây là lợi ích thứ ba cho người giữ giới cho người có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới, khi chết không có si ám. Ðây là lợi ích thứ tư cho người giữ giới, cho ngưòi có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi thân hoại mạng chung được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ðây là lợi ích thứ năm cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Này các Gia chủ, có năm lợi ích này cho người giữ giới, cho ngưòi đầy đủ giới.
Rồi Thế Tôn, sau khi thuyết giảng pháp thoại cho đến đêm khuya cho các cư sĩ ở làng Pàtali, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền giải tán chúng, nói rằng:
- Ðêm đã khuya, này các Gia chủ, hãy làm những gì các vị nghĩ là hợp thời!.
Rồi các Gia chủ ở làng Pàtali hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi Thế Tôn, sau khi các nam cư sĩ ở làng Pàtali ra đi không bao lâu, đi vào căn nhà trống. Lúc bấy giờ, Sunìdha Vassakàra đại thần ở Magadha đang cho xây dựng một thành phố ở Pàtaligàma để ngăn chận các người Vajjì. Lúc bấy giờ, rất nhiều chư Thiên có đến con số ngàn, đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lực trú ở tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có đại uy lực thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên có uy lực trung bình trú ở, tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các vị đại thần có uy lực trung bình thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên thấp kém trú ở, tại chỗ ấy, chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lục trú ở... Họ làm cho tâm các vua, các đại thần uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Rồi Thế Tôn, vào lúc tảng sáng đêm ấy, thức dậy và bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, ai cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali?
- Bạch Thế Tôn, các đại thần Sunìdha và Vassa-kàra cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
- Này Ananda, ví như họ làm như vậy sau khi đã hỏi chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Cũng vậy, SunìdhaVasakàra đại thần ở Magadha, đang cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
Ở đây, này Ananda, với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali... hướng về xây dựng các trú xứ. Này Ananda, xa cho đến thánh xứ, xa cho đến con người buôn bán đây sẽ trở thành một thành phố tối thượng, một chỗ mà các kiện hàng được mở ra. Này Ananda, ba tai nạn sẽ đến với Pàtaliuputta, nạn lửa, nạn lụt và nạn phản bội.
Rồi Sunìdha Vassakàra đại thần ở Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các SunìdhaVassakàra, đại thần xứ Magadha, bạch Thế Tôn:
- Mong Tôn giả Gotama hôm nay nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo!
Thế Tôn im lặng nhận lời.;
Rồi Sunìdha Vassakara đại thần Magadha, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đi đến chỗ của mình, sau khi đến sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và báo thời giờ cho Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, nay đã đến thời. Cơm đã sẵn sàng.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến trú xứ của SunìdhaVassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Sunìdha Vassakara, đại thần xứ Magadha tự tay thân mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị Thượng thủ và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi SunìdhaVassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi Thế Tôn ăn đã xong, tay đã rời khỏi bát, lấy một ghế ngồi thấp khác. Thế Tôn với những bài kệ này, nói lên lời tuỳ hỷ công đức với Sunìdha Vassakara, đại thần xứ Magadha:
5. Tại chỗ nào bậc trí,
Làm thành chỗ an trú,
Hãy cúng các món ăn,
Cho những người giữ giới,
Cho người biết chế ngự,
Sống đời sống Phạm hạnh,
Ở đấy chư Thiên trú,
Hãy cúng dường chư Thiên
Ðược cúng dường, chư Thiên,
Cúng dường lại vị ấy,
Ðược cung kính, chư Thiên,
Cung kính lại vị ấy,
Họ từ mẫn vị ấy
Như mẹ thương con mình,
Người được chư Thiên thương,
Luôn luôn thấy hiền thiện.
Rồi Thế Tôn sau khi nói lời tuỳ hỷ công đức với những bài kệ này cho Sunìdha Vasakara, đại thần xứ Magadha, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Lúc bấy giờ Sunìdha Vassakara, đại thần xứ Magadha đi theo sau lưng Thế Tôn và nghĩ rằng: "Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra cửa nào, cửa ấy sẽ đặt tên là cửa thành Gotama. Tại bến nước nào Sa-môn Gotama sẽ đi qua sông Hằng, bến nước ấy sẽ đặt tên là bến nước Gotama". Và cửa nào Thế Tôn đã đi ra khỏi, các vị ấy đặt tên là cửa thành Gotama. Và Thế Tôn đi đến sông Hằng, nước sông tràn đầy đến bờ, con quạ có thể uống được, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột chiếc bè để đi qua sông. Rồi như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy Thế Tôn biến mất từ bờ bên này sông Hằng và đứng qua bờ bên kia với chúng Tỷ-kheo. Thế Tôn thấy các người ấy, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột lại chiếc bè để qua sông, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:
6. Sau khi làm cái cầu,
Họ vượt qua thác nước,
Họ vượt qua hồ nước,
Họ vượt qua đầm lầy,
Có người cột chiếc bè,
Bậc trí đã qua sông.
(VII) (Ud 90)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn đang đi giữa đường cùng với Tôn giả Nàgasamàla là Sa-môn tuỳ tùng. Tôn giả Nàgasamàla giữa đường thấy một con đường rẽ, thấy vậy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta đi con đường này.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Nàgasamàla:
- Này Nàgasasmàla, đây là con đường. Chúng ta sẽ đi con đường này.
Lần thứ ba, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta hãy đi con đường này.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói:
- Này Nàgasamàla, đây là con đường. Chúng ta đi con đường này.
Rồi Tôn giả Nàgasamàla đặt xuống đất y và bát của Thế Tôn, bỏ đi và nói:
- Bạch Thế Tôn, đây là y bát của Thế Tôn.
Rồi Tôn giả Nàgassamàla đi theo con đường ấy, giữa đường bị các tên cướp xuất hiện đánh bằng tay hay chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y của Tôn giả. Rồi Tôn giả Nàgasamàla với bình bát bị vỡ, với thương y bị xé rách đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi con đường ấy các tên cướp xuất hiện, đánh con bằng tay hay bằng chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
7. Cùng đi với kẻ ngu,
Kẻ trí phải chen vai,
Khi biết nó là ác,
Lập tức từ bỏ nó,
Như con bò bỏ nước,
Ðược nuôi ăn với sữa.
(VIII) (Ud 91)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng đường. Lúc bấy giờ, người cháu trai của Visàkhà mẹ của Migàra khả ái và dễ thương bị mệnh chung. Và Visàkhà mẹ của Migàra, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, thật sáng sớm đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
- Này Visàkhà, Bà từ đâu đến, với áo ướt đẫm, với tóc đẫm ướt, đi đến đây quá sớm như vậy?
- Bạch Thế Tôn, đứa cháu khả ái dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, con đến đây sáng sớm như vậy.
- Này Visàkhà, Bà có muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và là cháu của Bà không?
- Bạch Thế Tôn, con muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và cháu của con.
- Nhưng này Visàkhà, có bao nhiêu người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày?
- Bạch Thế Tôn, có mười người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày, chín... tám... bảy.. sáu... năm... bốn... ba.. hai. Bạch Thế Tôn có một người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Bạch Thế Tôn, Sàvatthi không có thoát được số người bị chết!
- Bà nghĩ thế nào, này Visàkhà? Như vậy Bà có khi nào được khỏi vải bị ướt, hay tóc khỏi bị ướt không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con, bạch Thế Tôn, số nhiều như vậy về con và về cháu!
- Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi người thân yêu, những người ấy có chín mươi sự đau khổ! Những ai có tám mươi người thân yêu, những người ấy có tám mươi sự đau khổ! Những ai có bảy mươi.. có sáu mươi... có năm mươi... có bốn mươi... có ba mươi.. có hai mươi... có mười.. có chín... có tám... có bảy..có sáu.. có năm... có bốn... có ba... có hai... có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não.
8. Sầu, than và đau khổ,
Sai biệt có ở đời,
Duyên thân ái, chúng có,
Không thân ái, chúng không,
Do vậy, người an lạc,
Người không có sầu muộn,
Là những ai ở đời,
Không có người thân ái,
Do vậy ai tha thiết,
Ðược không sầu, không tham,
Chớ làm thân làm ái,
Với một ai ở đời.
(IX) (Ud 92)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Tôn giả Dabha Mallputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Dabha Mallaputta bạch Thế Tôn:
- Nay đã đến thời, con nhập Niết Bàn, bạch Thiện Thệ.
- Này Dabba, Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Dabha Mallaputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn. Khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu được cháy, được đốt, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Cũng vậy, khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
9. Thân bị hoại, tưởng diệt,
Mọi thọ được nguội lạnh,
Các hành được lắng dịu,
Thức đạt được mục đích.

 
(X) (Ud 93)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, Dabbha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn... hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu... hay có tro có thể thấy được... không còn có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

10. Như tia lửa cháy sáng,
Phát từ búa sắt đập,
Dần dần được nguội lạnh,
Sanh thú không biết được,
Cũng vậy là những bậc
Ðã chân chánh giải thoát,
Ðã vượt qua thác nước,
Trói buộc bởi các dục,
Họ đạt được an lạc,
Không có bị dao động,
Họ không có sanh thú,
Ðể có thể chỉ bày.