Thứ Hai, 31 tháng 10, 2005

Nhật Hành

Ngày: 31 tháng 10 năm 2005

Tri chúng/ điền khuyết: Anitya / Nhu Phuc

Môn học: Lớp Giảng Giải Nghi Thức Tụng Niệm

Bài học: PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ TRONG KINH ĐIỂN PÀLI


Giảng sư chính: Đại Đức Uyên Minh

Giảng sư điền khuyết: Su Truong


Vị Tăng hoặc Ni nói lời cầu nguyện đầu lớp học: DD minh hanh

Xướng ngôn viên: Nguồn Đức Hạnh, Hạt Cát, Nhi Do Mai, anitya, Nhu Phuc, Tieu Long Nu, Tinh Tan


http://baidocmc.blogspot.com/


Người mở room: Dieu Quang va mindvox


Người mở nhạc và kinh tụng: Diệu Quang ,Hạt Cát,mindvox


Người post bài cho Room: Nhu Phuc va mindvox


Người post và gửi bài riêng cho chư Tăng: Nhu Phuc

Trực room (op):


Thông báo (nếu có):
Lớp Giảng Giải Nghi Thức Tụng Niệm

Giảng Sư: Đại Đức Uyên Minh




PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ TRONG KINH ĐIỂN PÀLI



Dẫn nhập



Trong truyền thống Phật giáo Việt nam thì thời khoá Tịnh Độ hết sức quan trọng. Niệm Phật cầu nguyện vãng sanh là điều không thể thiếu trong các khoá công phu và cầu siêu. Bài biên khảo dưới đây là một tài liệu hiếm hoi trong sự trình bày giáo nghĩa nầy qua lăng kính của kinh điển Pali, tất nhiên là một nhận định y cứ trên các trích dẫn chánh tạng.





Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh Độ qua các kinh nói về Phật Di Đà ( Amitàbhasutra và Sukhavativyùhasutra ) từ Hán Tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh Độ hay Cực Lạc ( từ Phạn ngữ là Sukhavatì) được mô tả là một cảnh giới tuyệt vời với tất cả những thứ du dương, mát mẻ, thơm ngát và không có chuyện đói lạnh. Con đường dẫn đến cõi này có thể chỉ gói gọn trong công phu trì niệm hồng danh Phật Di Đà. Ngoài sự thanh tịnh có được từ việc nhất tâm trong lúc niệm Phật Di Đà, oai lực của Ngài cũng thừa sức tiếp dẫn vong linh đương sự ( tức người niệm Phật) vãng sinh về thế giới Tịnh Độ của Ngài để họ tiếp tục tu hành trong điều kiện thuận lợi hơn xưa gấp triệu lần. Trên ấy giữa người với người không hề biết tương tranh, thù hận vì ở đó không có chuyện chiếm hữu lợi danh như ở cõi Sa Bà nhiều kiếp nạn này.

Nhưng đó là theo Hán tạng, nguồn giáo lý chủ đạo của hệ Phật giáo Bắc truyền. Trong bài viết này ta thử tìm hiểu vấn đề qua kinh điển Pàli, nguồn giáo lý căn bản của Phật Giáo Nam phương, xem sao. Dĩ nhiên, trong Tam Tạng Pàli cũng có khái niệm Tịnh Độ ( nếu ta muốn gọi thế) với những những trình bày thật rõ ràng về cảnh giới này, những cư dân ở đó và con đường dẫn đến cảnh giới Tịnh Độ, tức phép cầu vãng sanh theo kinh điển Nam Truyền.



I- CÕI TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PÀLI



Trước hết, cõi Tịnh Độ được biết đến trong kinh điển Pàli qua danh từ Suddhàvàsa, còn được dịch là Tịnh Cư, theo lối chiết tự Suddha ( thanh tịnh) và Àvàsa ( chổ ở ). Vậy Suddhàvàsa cũng có thể được dịch là Tịnh Độ, Tịnh Thổ. Thậm chí chữ Pàli này còn gần gũi với chữ Tịnh Độ, Tịnh Thổ hơn là Sukhavati (Chốn An Lạc), một chữ chỉ có thể xem là tương đương với từ Sugati ( Lạc Cảnh, Thiện Thú) trong kinh điển Pàli, chỉ chung cho các cõi nhân thiên.

Theo các Chú Sớ A Tỳ Đàm, có tất cả 5 cõi Tịnh Độ, nằm trong 16 cõi Phạm thiên Hữu Sắc, và là chổ tái sanh của các bậc Thinh Văn Bất Lai hay còn gọi là A-Na-Hàm ( Anàgàmi, Người-Không-Còn-Trở-Lại-Các-Cõi-Dục-Giới). Tuy cảnh giới này chỉ gồm toàn các vị Bất Lai và La Hán ( chứng La Hán sau khi sanh về đây), nhưng trên căn bản vì vẫn là cõi Hữu Sắc nên ở 5 cõi Tịnh Độ này vẫn có những lâu đài, hoa viên rất trang nghiêm, dĩ nhiên không phải là nơi chốn hưởng thụ, mà đó chỉ là những dấu vết tối thiểu của một cõi Ngũ Uẩn (1). Về tuổi thọ, chư thánh Bất Lai ở cõi thấp nhất trong 5 cõi Tịnh Độ là cõi Vô Phiền ( Avihà) có thọ mạng 1000 đại kiếp, cõi kế đến là Vô Nhiệt (Àtappà) có thọ mạng 2000 đại kiếp, cõi thứ ba là Thiện Hiện ( Sudassà) có thọ mạng 4000 đại kiếp, cõi thứ tư là Thiện Kiến ( Sudassì) có thọ mạng 8000 đại kiếp và cõi Sắc Cứu Cánh ( Akanittha) có thọ mạng 16000 đại kiếp.

Do có những lúc trãi qua một thời gian quá dài không có chư Phật ra đời độ sinh, nhân số trên 5 cõi Tịnh Độ chỉ có giảm mà không được bổ sung nên cũng có những thời điểm 5 cõi này không tiếp tục tồn tại.




_______________________________________________________________




II -CƯ DÂN TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PÀLI

Trước tiên là vài hàng trình bày đại lược về 4 tầng Thánh Trí làm nên 4 bậc thánh nhân và chính đức Phật cũng được kể vào đó. Sơ Quả hay Tu Đà Huờn ( Sotàpatti, Dự Lưu ), còn được gọi là Thất Lai, người không thể tái sanh quá 7 lần, là vị đã chấm dứt hoàn toàn 3 thứ phiền não Thân Kiến ( nôm na là chấp kiến trong 5 Uẩn), Hoài Nghi ( nghi ngờ về Phật Pháp nói chung) và Giới Cấm Thủ ( chấp trước các tín điều mù quáng). Ở một số vị, thánh trí Sơ Quả chỉ là một giai đoạn thoáng qua trước khi hoàn tất các tầng thánh trí cao hơn. Như trường hợp đức Phật hoặc các vị Thinh Văn tốc chứng. Nhưng cũng có lúc giai đoạn này kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều năm hoặc vài kiếp sống ( dĩ nhiên không quá 7 kiếp). Sớ Giải Trường Bộ ghi rằng thiên vương Đế Thích hiện nay là một vi thánh Sơ Quả. Khi hết tuổi thọ, ngài sẽ sinh xuống nhân gian làm Chuyển Luân Vương và chứng đắc Nhị Quả Tư Đà Hàm. Sau đó sanh lên Đao Lợi Thiên chứng Tam Quả A Na Hàm và lần lượt tái sanh ở đủ 5 cõi Tịnh Độ, bắt đầu là cõi Vô Phiền. Cuối cùng ngài sẽ chứng quả La Hán và nhập diệt ở cõi Sắc Cứu Cánh.

Tầng thánh trí thứ hai là Nhị Quả Tư Đà Hàm. Ngoài 3 phiền não đã chấm dứt ở tầng thánh trước, quả vị này còn làm giảm nhẹ Dục Ái và Sân Hận. Do chỉ còn có thể tái sanh cõi Dục Giới một lần nữa thôi, nên quả vị này còn được gọi là Nhất Lai ( Sakadàgàmì)

Tầng thánh thứ ba là Tam Quả A na Hàm, chữ phiên âm từ tiếng Pàli là Anàgàmi, nghĩa là bậc Bất Lai, người không còn trở lui các cõi Dục Giới nữa ( có tất cả 11 cõi Dục Giới). Theo A Tỳ Đàm Tạng Pàli thì do đã chấm dứt Dục Ái ( niềm tham luyến trong ngũ trần) và Sân Hận nên vị thánh Tam Quả trong trường hợp không thể chứng La Hán rồi nhập diệt ngay đời này thì chỉ có hai con đường để đi :

A- Nếu đã chứng đắc Ngũ Thiền thì sẽ tùy theo khả năng mạnh yếu của Ngũ Quyền ( Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) mà sanh về cõi nào đó trong 5 cõi Tịnh Độ. Tín Quyền nổi trội thì sanh về cõi Vô Phiền, Tấn Quyền hùng hậu thì về cõi Vô Nhiệt, Niệm Quyền hùng hậu về cõi Thiện Hiện, Định Quyền hùng hậu thì về cõi Thiện Kiến, Tuệ Quyền thâm hậu thì sanh về cõi Sắc Cứu Cánh ( Pàli gọi là Akanittha, Không-Thứ-Gì-Yếu-Kém). Ở cõi Tịnh Độ thứ năm này toàn bộ Ngũ Quyền đều được sung mãn, vì đây là nơi chốn sau cùng để một vị Bất Lai chứng quả La Hán và nhập diệt.

B- Trong trường hợp vị thánh Bất Lai chưa chứng qua một tầng thiền định nào, tức chỉ có trí tuệ Thiền Quán ( Vipassanà) mà không từng tu tập thiền Chỉ ( Samatha) thì lúc mạng chung, vị này do khả năng ly dục vô sân tuyệt đối nên tối thiểu cũng thành tựu Sơ Thiền trước khi mạng chung ở cõi Dục giới và như vậy cũng đủ để sanh về cõi Phạm Thiên thấp nhất là Phạm Thiên Sơ Thiền.

Do túc duyên và trình độ tu chứng có khác nhau nên giữa các bậc thánh Tam Quả cũng có vài sai biệt, theo Manorathapurani, Chú Sớ Tăng Chi Bộ ( Phần Tika):

- Antaràparinibbàyì ( Tiền Bán Niết Bàn): vị Bất Lai chứng La Hán khi chưa sống hết phân nửa thọ mạng cõi Tịnh Độ nào đó trong 5 cõi.

-Upahaccaparinibbàyì ( Hậu Bán Niết Bàn): Chứng La Hán sau khi sống hơn nửa thọ mạng ở cõi Tịnh Độ nào đó.

- Uddhamsoto Akanitthagàmì ( Luân Lưu Niết Bàn): Do căn tánh không xuất sắc, có vị Bất Lai phải lần lượt sanh đủ 5 cõi Tịnh Độ mới chứng quả La Hán rồi nhập diệt ở cõi Tịnh Độ cao nhất.

- Asankhàraparinibbàyì( Bất Lao Niết Bàn): Vị Bất Lai có thể chứng La Hán mà không cần nhiều cố gắng.

- Sasankhàraparinibbàyì ( Cần Lao Niết Bàn) : Vị Bất Lai phải nhiều nổ lực mới có thể chứng La Hán.

Tầng thánh trí thứ tư chính là quả vị La Hán, người chấm dứt toàn bộ phiền não. Theo A Tỳ Đàm Pàli thì có 3 quả vị La Hán : Chư Phật Chánh Đẳng Giác ( sammàsambuddha hay Sabbannubuddha- Toàn Giác) cũng là những vị La Hán nhưng do tự mình chứng đắc và là đạo sư hướng dẫn cho những người hữu duyên chứng đắc La Hán. Những vị La Hán đệ tử này được gọi là Thinh Văn Giác ( Sàvakabuddha). Quả vị La Hán thứ ba là Độc Giác Phật ( Paccekabuddha), những vị tự mình chứng ngộ La Hán nhưng không thể hướng dẫn người khác chứng ngộ La Hán. Kinh điển Hán Tạng còn gọi Độc Giác Phật là Duyên Giác Phật vì cho rằng các ngài nhờ liễu ngộ nguyên lý Duyên Khởi mà giác ngộ ( cách nghĩ này bắt nguồn từ những giai thoại về chư Phật Độc Giác trong Chú Sớ Tiểu Bộ Kinh, một trong những bộ phận kinh điển từng làm nền tảng cho nhiểu kinh luận hậu tác, ai từng đọc kỹ các bộ A Hàm sẽ thấy rõ điều này). Kỳ thực, nếu đọc kinh Đại Duyên trong Trường Bộ Kinh, ta sẽ thấy lý Duyên Khởi và lý Tứ Đế ( vẫn bị hiểu lầm là dành riêng cho Thinh Văn) vốn dĩ chỉ là một. Trong Trung Bộ Kinh, đức Phật đã xác định ai thấy lý Duyên Khởi chính là thấy Pháp và ngược lại. Đồng thời, không hề có chuyện một người giác ngộ lý Tứ Đế mà lại mơ hồ về lý Duyên Khởi hay ngược lại. Tất cả quả vị La Hán vừa nêu trên đây luôn giống nhau về khiá cạnh giác ngộ các pháp cần yếu ( như Tứ Đế, Duyên Khởi,..), chỉ khác ở hai điểm chính : Tự mình hiểu ra hay phải nhờ thầy hướng dẫn, và điểm thứ hai là ngoài trí tuệ giác ngộ có còn khả năng hiểu biết sâu rộng những gì nằm ngoài lý tưởng giác ngộ hay không. Xét về khía cạnh này, chỉ có chư Phật Chánh Đẳng Giác là viên mãn. Trong bài viết này chúng ta chỉ đặc biệt nhấn mạnh quả vị Bất Lai, vì đề tài ở đây là các cõi Tịnh Độ.





_____________________________________________________________





III- PHÉP VÃNG SANH TỊNH ĐỘ THEO KINH ĐIỂN PÀLI

Vãng sanh vẫn được dùng song song với chữ siêu sanh, nhưng theo tinh thần A Tỳ Đàm Pàli mà nói thì Siêu Sanh còn có thể được hiểu là vượt thoát tái sanh, một điều chỉ thực hiện được bởi một vị La Hán. Như vậy trong trường hợp vị Bất Lai sanh về các cõi Tịnh Độ chỉ có thể gọi là Vãng Sanh. Và nếu phải trả lời câu hỏi về con đường vãng sanh Tịnh Độ, thì như tất cả những gì vừa nêu phần trên, ta hoàn toàn có thể nói rằng Vãng Sanh Tịnh Độ chỉ là một phần đường trên hành trình giải thoát của một vị Thinh Văn, và như thế cái gọi pháp môn Tịnh Độ hay con đường vãng sanh trong trường hợp này cũng đồng nghĩa với hành trình Tam Học, hành trình Tứ Niệm Xứ, Bát Chánh Đạo, nói chung là hành trình 37 Bồ Đề Phần. Các pháp trong 37 Bồ Đề Phần đối với nhau chỉ là mối quan hệ Tương Tức : Cái này chính là cái kia, trong cái kia có cái này.

Đã nói rõ ràng như vậy thì lời đáp cho câu hỏi về con đường vãng sanh lúc này đã là toàn bộ những gì mà ta vẫn gọi là Phật Pháp và theo cách hiểu này, pháp môn Tịnh Độ cần thiết cho tất cả mọi người, chỉ trừ những vị nuôi hạnh Bồ Tát, muốn trở thành một đức Phật Chánh Đẳng Giác trong tương lai. Một khi đã chấp nhận ghé bến Tịnh Độ thì không thể đi xa hơn nữa. Bởi theo kinh điển Pàli chỉ có hàng Thinh Văn mới có thể rơi vào trường hợp kéo dài thời gian sau khi chứng ngộ một quả vị Hữu Học nào đó, chỉ vì khiếm khuyết túc duyên. Bởi rõ ràng 5 cọi Tịnh Độ chỉ là trạm trung chuyển cho những người chậm bước và điều này dĩ nhiên không thể xảy ra đối với chư Phật.

Đồng thời, chiếu theo tinh thần căn bản của Phật Giáo mà nói thì khi nhắc đến pháp môn Tịnh Độ, ta còn phải định nghĩa lại chữ CẦU trong CẦU VÃNG SANH vì Cầu Vãng Sanh không hề có nghĩa là chờ đợi sự tiếp dẫn của bất cứ ai, mà phải là sự lên đường bằng chính đôi chân của mình. Vì sao lại thế ? Xin thưa : Khi ta nói ai đó đã sáng thế có nghĩa là ta đang gián tiếp nguyền rủa kẻ đã tạo nên một thế giới khổ nhiều hơn vui, và khi ta cường điệu cái gọi là oai lực gia trì của chư Phật có nghĩa là ta đang thầm trách các Ngài khi Phật lực thì trùng trùng nhưng người khổ vẫn cứ điệp điệp. Mong thay !





(1) Theo A Tỳ Đàm Pàli, trong cái gọi là thế giới này gồm có 31 cõi với 11 cõi Dục giới ( có đủ 5 uẩn), 16 cõi Sắc giới ( trong đó có cõi Vô Tưởng, chỉ có Sắc uẩn mà thôi), và 4 cõi Vô Sắc ( chỉ có 4 uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức).



TÀI LIỆU THAM KHẢO



Xin xem thêm trong các sách Abhidhammatthasangaha ( Thắng Pháp Tập Yếu Luận, bản dịch của ngài Minh Châu), The Essence Of Buddha Abhidhamma của giáo sư Mehm Ti Mon ( sách miễn phí trên Internet), Chúng Sanh và Sinh Thú của ngài Jotikàcariya ( bản tiếng Việt của Toại Khanh)…



TIN TỨC

No. 0592 NEW(Hạt Cát dịch)

Bọn trộm đạo bị tóm cổ sau khi đã làm ăn trót lọt 145 trường hợp trong các chùa chiền đó đây ở Nhật Bản

Bản tin đăng tải trên trang Web Mainichi. Japan ngày 27 tháng 10, 2005

OSAKA -- Hai người đàn ông thất nghiệp đã bị bắt giam về tội trộm cắp khoảng 10 triệu đồng Yen từ các chùa Phật Giáo khắp nơi trong nước Nhật, các thẩm tra viên đã cho biết như trên hôm thứ Năm 27, tháng 10, 2005.

Hifumi Iriguchi, 59 và Takashi Ota, 52, cả hai đều cư ngụ tại Osaka, đã thú nhận rằng họ đã tham dự vào 145 trường hợp trộm cắp mục tiêu là các chùa chiền trong 17 quận ở vùng Tohoku phía bắc từ Honshu tới Kyushu.

“Trước kia khi đi công tác môi giới thương mãi đó đây trong nước, tôi phát hiện ra chùa chiền ở miền quê thường không khóa cửa, và tôi đã nghĩ rằng lẽn vào trộm cắp tiền bạc nơi chắc là sẽ dễ dàng” Ota dẫn chứng khi khai báo với viên chức thẩm tra như trên.

Cả hai thú nhận đã dùng số tiền trộm cắp đó vào việc đi du lịch đến Nam Hàn.

Một tu sĩ Phật Giáo đã lấy làm giận dữ với hai tên trộm này. Ông nói “ Chùa chiền đa số thường mở cửa suốt ngày cho quan khách. Chùa chiền cũng là nơi phục vụ cộng đồng và không phòng bị đối với khách ác tâm, những gì bọn thủ phạm đã làm thật là tệ hại quá đáng”.

Cả hai đã bị bắt trong trường hợp khi đánh vỡ cửa sổ một ngôi chùa ở Tokushima hôm 3 tháng 3, 2005, và lẻn vào trong để lấy trộm số tiền 250,000 D0ồng Yen và một số hiện vật khác.
Tuy nhiên, đây chỉ là điểm bắt đầu. Cả hai thú nhận đã tóm gọn khoảng 38 triệu Yen trong 145 trường hợp ở 17 tỉnh.

Sau khi được thả ra từ lao tù hồi tháng Giêng, Iruguchi và Ota bắt đầu đi du lịch đó đây trong nước và chọn lựa các ngôi chùa trong danh sách sổ niên giám điện thoại. Khi họ tới thăm một ngôi chùa nào, họ thường vận âu phục đen của nhà thương mại để trông giống như khách viếng mộ.
________________________________________________________________

No. 0571 NEW(Khánh Văn dịch)

Khoa học khám phá tác động của thiền quán lên não bộ.

Các nhà khoa học đang sử dụng kỹ thuật hiện đại để tìm hiểu một cách chính xác cái gì đang xảy ra trong não bộ của các vị sư Phật giáo cũng như của những người hành thiền một cách tích cực và đều đặn. Các chuyên gia thần kinh đã phát hiện rằng việc hành thiền đều đặn thật sự làm thay đổi cấu trúc của não bộ và những thay đổi này giải thích vì sao việc hành thiền có thể cải thiện sức khỏe và tâm thái.

Năm 1998, bác sĩ James Austin viết cuốn sách “Tìm hiểu Thiền và Tâm thức”. Nhiều người nghiên cứu thiền quán cho biết chính cuốn sách đó đã khiến cho họ quan tâm đến lãnh vực này. Austin quan sát tâm thức bằng phương pháp kết hợp kinh nghiệm cá nhân trong thiền quán với lối giải thích bằng khoa học. Khi ông diễn tả thiền quán có thể thay đổi cấu trúc của não bộ, ông nói theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trước Austin cũng đã có những người khác dạy thiền cho những người không có kinh nghiệm tu tập mà chỉ muốn có được những cải thiện trong sức khỏe và tinh thần. Năm 1975, Sharon Salzberg và Jack Kornfield đồng sáng lập Insight Meditation Society ở Hoa Kỳ, và hiện nay họ vẫn còn thực tập và dạy thiền.

Salzberg viết nhiều tác phẩm, trong đó có “Ðức tin và Tâm từ” (Faith and Loving-kindness), “Nghệ thuật sống hạnh phúc” (The Revolutionary Art of Happiness). Kornfield là Tiến sĩ Tâm lý học trị liệu, và đã từng xuất gia tu học ở Thái Lan, Miến Ðiện và Ấn Ðộ.

Tác dụng của thiền quán:

Trong nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu ở trường Ðại học Havard và trường Ðại học Wisconsin đã tìm đủ dữ liệu để chứng minh rằng thiền quán có thể nâng cao những đức tính mà xã hội đòi hỏi ở con người như trực giác bén nhạy, sự tập trung cao độ và sự quân bình, không căng thẳng.

Những khám phá gần đây cho thấy rằng khi người ta hành thiền thì hệ sinh hóa của não bộ được thay đổi. Với những thiết bị kỹ thuật tinh vi hiện đại các nhà khoa học có thể quan sat những biến đổi trong não bộ của những người hành thiền trên mức độ rất tinh vi, và phát hiện ra những khám phá hấp dẫn về tính dễ uốn nắn của não bộ và khả năng của thiền quán trong việc thay đổi cấu trúc của não bộ.

Những khám phá này được thực hiện trong phòng thí nghiệm của Richard Davidson, giáo sư Tâm lý học và Phân tâm học ở trường Ðại học Wisconsin ở Madison. Thắc mắc vì sao người ta phản ứng rất khác nhau trước những hoàn cảnh căng thẳng giống nhau, ông đã bỏ ra 20 năm thực nghiệm để tìm hiểu vấn đề này.

Davidson gắn các điện cực vào đầu các vị sư đang hành thiền khi họ ngồi trên sàn nhà phòng thí nghiệm, theo dõi những hình ảnh kích thích khác nhau, trong đó có cả những hình ảnh khủng khiếp của chiến tranh đượïc chiếu trên màn ảnh. Davidson và các cộng sự của ông theo dõi các nhà sư khi họ ngồi thiền trong một tư thế thoải mái trong những cái ống khá to, có hình dạng như cái quan tài của cái máy MRI.

Những nhà nghiên cứu thấy bộ não của những người này rất khác với những bộ não mà họ đã quan sát truóc đây. Vỏ não phía trước trán của các vị sư, bộ phận thường kết hợp với những cảm xúc tích cực, hoạt động mạnh hơn rất nhiều so với bộ não của những người không hành thiền.

Nói cách khác, việc hành thiền của các nhà sư làm thay đổi sinh lý thần kinh của họ và giúp họ có khả năng phản ứng một cách bình thản trước những tình huống căng thẳng.
Thiền quán không làm cho hành giả chậm chạp hay vô cảm mà chỉ giúp họ vượt lên những phản ứng có tính cảm xúc, để họ có thể ứng xử một cách thích hợp.

Davidson nhận xét: “Gần đây người ta rất quan tâm đến việc tập thể dục thể thao cho thân thể mạnh khỏe, và họ luyện tập mỗi tuần vài lần. Nhưng chúng ta lại không hề quan tâm đến tâm thức của mình. Khoa thần kinh học hiện đại cho thấy trí óc của chúng ta cũng dễ uốn nắn như là thân thể vậy. Thiền quán có thể giúp rèn luyện tâm trí tương tự như cách thể thao giúp cho thân thể khỏe mạnh”

Việc nghiên cứu của Davidson không chỉ dừng lại với các nhà sư. Ðể tìm hiểu xem thiền quán có thể có tác dụng lâu dài và lợi ích cho các công sở, ông đã thực hiện một công trình thực nghiệm với các nhân viên của Công Ty Madison Biotech. Bốn mươi tám nhân viên được hướng dẫn hành thiền quán mỗi tuần một lần, mỗi lần ba giờ đồng hồ, trong suốt 8 tuần liên tục.

Kết quả đăng trong tạp chí Y Học Bệnh Tâm Lý (Psychosomatic Medicine) cho thấy phần vỏ não phía trước trán của những nhân viên này cũng lớn rộng ra, y như trường hợp của các nhà sư (tuy không nhiều bằng). Ông Davidson cho biết những nhân viên được chọn lựa để làm thực nghiệm là những người Mỹ trung lưu đang bị khá căng thẳng trong việc cố gắng đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công ăn việc làm bề bộn và cuộc sống gia đình bận rộn. Và kết quả cho thấy chỉ sau một thời gian ngắn thực tập thiền quán, họ đã có những kết quả rất khả quan, không những trong cách họ cảm nhận cuộc sống mà còn thay đổi trực tiếp lên não bộ và thân thể của họ nữa.

Các bệnh nhân ung thư cũng tìm thấy những thay đổi đáng kể khi họ hành thiền. Munroe, một vận động viên thể thao cấp thế giới và là bệnh nhân ung thư cho biết thiền quán có tác dụng rất lớn, đến nỗi cô ta không cần dùng thuốc giảm đau. Cô ta xem thiền quán như là một phương pháp để làm co cuộc sống tốt đẹp hơn, bằng cách tập chú vào những gì quan trọng, và không quan tâm đến những tham muốn vô nghĩa thoáng qua. Đối với cô, một người đã học cách kiểm soát cuộc đời mình qua việc chế ngự cơn đau thì thiền quán đã trở thành một phần tự nhiên trong đời sống hàng ngày, và cô luôn khuyến khích mọi người nên hành thiền.


Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2005

Nhật Hành

Ngày: 30 Tháng 10 năm 2005

Tri chúng: Dieu Quang

Tri chúng điền khuyết: Khanh Van


Môn học: Đề án trong thángTruyền Thống Tăng Già


Bài học: VII. Đại lễ Tăng y Kathina và truyền thống Tăng Già


Giảng sư chính:

Giảng sư điền khuyết:


Vị Tăng hoặc Ni nói lời cầu nguyện đầu lớp học: DD Minh Hanh

Xướng ngôn viên: Hạt Cát, Nguonduchanh, Nhi Do Mai, anitya, Tieu Long Nu, Tinh Tan
, Khanh Van, Gioi Huong

http://baidocmc.blogspot.com/


Người mở room: mindvox, Dieu Quang

Người mở nhạc và kinh tụng: mindvox, Dieu Quang

Người post bài cho Room: Nguonduchanh va Hat Cat

Người post bài riêng cho chư Tăng: Hat Cat


Trực room (op):

Thông báo (nếu có):


Đề Án trong tháng: Truyền Thống Tăng Già



VII. Đại lễ Tăng y Kathina và truyền thống Tăng Già





Đại lễ Tăng y Kathina

Tỳ khưu Giác Đẳng
(Viết làm tài liệu thảo luận của Tuần Lễ Truyền Thống Tăng Già)



Đại lễ Tăng Y Kathina là đại lễ hằng năm duy nhất được chính Đức Phật và chư Phật quá khứ ban hành. Trong cung cách cúng dường một bộ y đặc biệt với một số luật định khiến đại lễ nầy trở thành một thắng duyên cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Để tìm hiểu về đại lễ nầy cần đi vào một số chi tiết quan trọng chứ không thể nhận định qua một vài khái niệm.



I. Vài điều cần biết tiên khởi

a. Nhập hạ (Vassà)

Thời Đức Phật tại thế, Ngài và chư Tăng có nếp sống du phương nghĩa là đi từ nơi nầy sang nơi khác để hoằng hoá. Thời tiết tại Ấn Độ từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm Tháng Chín Âm lịch là mùa mưa (Monsoon). Trong thời gian nầy côn trùng sanh nở, cây cối đâm chồi nẩy lộc, sự đi lại khó khăn. Đức Phật và chư Tăng an cư một nơi có máy che trong suốt thời gian nầy. Đây cũng là dịp để chư tăng trau giồi pháp học, pháp hành. Thông thường thì chư Tăng chính thức nhập hạ từ Rằm Tháng Sáu đến Rằm tháng Chín gọi là Tiền An Cư (Purimikavassa). Nếu có việc chẳng đặng đừng thì nhập hạ sau đó một tháng tức từ Rằm Tháng Bảy đến Rằm tháng Mười gọi là Hậu An Cư (Pacchimikàvassà). (Phật giáo Bắc Truyền an cư từ Rằm Tháng Tư đến Rằm Tháng Bảy và sau nầy tại Việt Nam dùng chữ kiết hạ có ý nghĩa tương đối khác với luật nghi)

b. Pháp phục của chư tăng

Pháp phục của một tỳ khưu gồm tam y ca sa. Tất cả đều may theo hình chữ nhật không giống như quần áo người cư sĩ (nên có câu người xuất gia đầu tròn áo vuông). Ba y gồm có y nội (Antaravasaka - an đà hội hay hạ trước y) , y vai trái (uttarasangha - Uất đà la tăng hay thượng trước y), y kép (sanghati - tăng già lê hay trùng phục y). Vì là hình chữ nhật nên dễ tự may cắt. Màu sắc thường là màu vàng, màu nghệ, màu nâu. Tăng y tiêu biểu cho hạnh xả ly. Trong kinh cũng gọi là lá cờ của bậc Ứng Cúng. Một lần Đức Thế Tôn đi ngang triền núi của xứ Magadha, ngài gợi ý cho tôn giả Ananda may y ca sa theo hình thức những thửa ruộng biểu trưng cho phước điền vô thượng của thế gian


c. Nghi luật Tăng sự (Sanghakamma)

Chư tăng truyền thống là một đoàn thể dân chủ đại nghị. Khi có bất cứ điều gì cần giải quyết hay thực hiện với sự thông qua tăng chúng thì cần có những thể thức rõ ràng được gọi là Tăng Sự (sanghakamma).
Trong những Tăng Sự như vậy thì điều quan trọng nhất là tác bạch tăng sự (kammavaca). Đây là một lời trình đúng theo luật nghi do một vị thông hiểu giới pháp thực hiện. Thường thì chư tăng thông qua bằng sự im lặng. Tác bạch tăng sự đó phải đúng việc, đúng thể thức, đúng thời, đúng tăng hội. Các dịch giả Trung Hoa không tìm được chữ dịch thoả đáng nên dùng Phạn âm là Yết ma (Kamma). Một số chư Tăng Nam Tông Việt Nam dùng chữ tuyên ngôn nhưng từ nầy không chuẩn vì mang nghĩa khác.



II. Đại lễ Tăng y Kathina

a. Ý nghĩa của chữ Kathina

Kathina có nghĩa là bền chặt, không dễ bị vỡ vụn. Gọi như vậy vì đại lễ nầy kết cấu nhiều qui định quan trọng dẫn đến thắng duyên. Một người làm phước sự gì quá đơn giản thì tâm của người cúng dường cũng như người thọ thí thường khó làm cho sự bố thí đạt đến chỗ viên mãn nếu thiếu những yếu tố thù thắng của tâm thí, thời thí, vật thí, người thọ thí, và cung cách thí. Đại lễ Kathina bao hàm tất cả những điều đó nên gọi là bền vững, viên mãn.

b. Dâng y

Có một số điều nhất định không thể khác đi được trong việc dâng y Kathina:
- Mỗi chùa một năm chỉ tổ chức một lần bất cứ ngày nào từ Rằm tháng Chín đến Rằm tháng Mười. Sau lễ nếu có người cúng một số tiền thật lớn để tổ chức thì cũng không làm được
- Chỉ có thể cúng dường nếu có chư tỳ khưu nhập hạ tại chùa.
- Chỉ cúng dường đến đại chúng Tăng già rồi chư Tăng giao y theo nghi luật chứ không cúng trực tiếp cá nhân tỳ khưu nào. Nên không tự tay trực tiếp dâng y mà đặt y trước mặt Đại Tăng. Chư tăng chỉ nhận bằng cách im lặng chứ không bằng tay.
- Chỉ một trong ba y được dùng để cử hành Tăng sự.
- Cả hai giới xuất gia và tại gia đều có thể tổ chức lễ Tăng y Kathina
- Có thể dâng y may sẳn hay vải để may y.

c. Thọ y

Chư Tăng phải thọ y theo nghi luật được Đức Phật ban hành:
- Phải có đủ túc số từ 5 vị tỳ khưu trở lên mới có thể cử hành tăng sự thọ y Kathina
- Tiêu chuẩn giao y ưu tiên theo nhu cầu (thí dụ như y quá rách), rồi hạ lạp, rồi sự am hiểu thể thức thọ y.
- Nếu là y kathina là vải thì phải cắt, may, nhuộm, và hoàn tất tăng sự trong ngày.
- Tăng sự được thành tựu sau ba lần tác pháp yết ma với sự im lặng đồng thuận của tăng chúng
- Vị tỳ khưu thọ y phải biết xả y cũ, làm dấu và chú nguyện y mới, và hoàn tất bằng lời trình
- Những vị tỳ khưu khác cùng nhập hạ nói lời tuỳ hỉ



III. Đại lễ Tăng y và truyền thống Tăng già

a. Tăng thể là đại thể

Tăng luôn được hiểu là đại thể của tất cả những vị tỳ khưu truyền thừa giáo pháp. Ngày nào người Phật tử cúng dường nghĩ đến đại thể thì Phật Pháp còn hưng thịnh và sự cúng dường vô phân biệt nói lên tinh thần chung vượt ngoài những quan niệm cá nhân. Chiếc y Kathina cho dù trong hình thức đơn giản nhất cũng nói lên ba điều quan trọng là người cúng dường không cá nhân tuyển thí, chư tăng giao y theo cách lợi hoà đồng quân và lễ phẩm được trang trọng vì chuyên chở giá trị truyền thống.

b. Quả phước của lễ Tăng y Kathina

Người cúng dường y Kathina gieo tạo phước duyên thù thắng vì làm được Tăng thí vô phân biệt, cúng dường đúng thời, cúng dường hợp đạo. Người làm được điều nầy đời sau có duyên lành xuất gia, tác thành tăng tướng nhanh chóng, và đầy đủ phước vật. Đại lễ tăng y mang lại an lạc cho Tăng già, do vậy, là một phước hạnh thù thắng.

c. Lễ Tăng Y và ảnh hưởng xã hội

Người đầu tiên tổ chức Tăng y trong giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là đại thí chủ Visakha. Tổ chức tại chùa Kỳ viên, thành Savatthi. Ngày nay tại các quốc gia Phật giáo Nam Truyền thì đây là lễ hội lớn làm nổi bật ba ý nghĩa: hộ trì Tăng Chúng để giáo pháp trường tồn, người cư sĩ tìm thấy niềm vui đạo vị của một mùa lễ hội và ngày đại lễ nầy cũng nhắc nhở cả hai giới xuất gia và tại gia phải trân trọng tấm lòng của đàn tín.


TIN TỨC

No. 0564 NEW (Tinh Tấn dịch)
Chúng ta phải phục hồi ngôn ngữ Pali trong trường học

Bản tin đăng tải trên trang Web Dailynews.lk, ngày 5 tháng 10, 2005.
Được viết bởi ông Lionel Wijesiri

Trong suốt đầu thập niên 1960, khi tôi là một học sinh trung học đệ nhị cấp, tôi có sự may mắn tốt lành là được học ngôn ngữ Pali như một đề án. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong những Chủ đề của chúng tôi. Chúng tôi được các thầy của chúng tôi khuyến khích để tham khảo sâu về Kinh Pháp Cú. Kết quả là một số rất lớn các học giả Phật giáo ra đời trong thế hệ của chúng tôi.

Một thanh thiếu niên Phật tử biết gì về ngôn ngữ Pali ngày nay - nguồn gốc, lịch sử, sự thích đáng của ngôn ngữ này đối với Phật giáo như thế nào? Chúng tôi nên giới thiệu ngôn ngữ Pali một cách chính xác từ giai đoạn đầu, và sự gia tăng cách dùng ngôn ngữ này nên được phát triển dần dần để sự hấp dẫn về ngôn ngữ của Đức Phật được tiến triển.

Các nguồn gốc của ngôn ngữ Pali, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, bị mất đi do vô thường của thời gian. Qua nhiều thế kỷ, Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) công nhận rằng ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để thuyết giảng, và do đó được đồng nghĩa với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà (Magadhi), là ngôn ngữ của vương quốc Bắc Ân của xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) nơi Đức Phật đã trú ngụ và giảng đạo. Sự đồng nhất ngôn ngữ Pali với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà xuất hiện rất sớm trong văn học Phật Giáo Nguyên Thủy – có thể sớm như Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Tam Tạng kinh điển, có lẽ được bảo tồn trong ngôn ngữ nguyên thủy của Đức Phật (cách nói người miền Đông Bắc Ấn), đương đầu với ngôn ngữ Pali ở vài điểm trong lịch sử - hầu như suốt thời kỳ ngôn ngữ Pali hiện diện khắp nơi ở Bắc Ấn – và đã được ghi chép bằng ngôn ngữ này.

Dù khởi nguyên như thế nào, ngôn ngữ Pali có vài quan điểm trở thành ngôn ngữ thường duy trì và đưa vào Tam Tạng. Ít nhất trong thế kỷ thứ nhất sau khi Đức Phật Niết Bàn, các lời dạy của Đức Phật không được viết xuống, và vẫn giữ một truyền thống khẩu truyền. Lời dạy này được ghi chép tại Tích Lan có lẽ đúng nhất suốt thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, vào triều đại của Vua Vattagamani. Văn bản Pali này đã được viết trên lá bối, như một sự cố gắng duy trì để đối lại sự đe dọa đến tầng lớp Phật giáo – gần nhất, một cuộc chiến tranh xâm lấn từ Nam Ấn.

Không rõ khi nào thì ngôn ngữ Pali không còn là nguồn gốc ngôn ngữ, và trở thành chuyển tiếp trong lãnh vực tôn giáo. Ngay cả sau khi ngôn ngữ Pali bị chết trong thành phần còn lại của xã hội, Pali lại tiếp tục được xử dụng trong chùa và tu viện, không những để bảo tồn văn bản, mà còn để sọan thảo lời diễn giải, và cho phép giao tiếp giữa Chư Tăng Nguyên Thủy từ các quốc gia khác nhau.

Trong các quốc gia Nguyên thủy khác nhau nơi mà ngôn ngữ Pali được nói, viết trong nguyên bản địa phương, và thường được phát âm hay ngâm kệ tùy theo sự khác nhau của ngôn ngữ địa phương.

Hai thời kỳ chính của văn học Pali được các nhà học giả Pali đồng nhất. Đầu tiên, sự nhất trí về việc ghi chép Tam tạng vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Thời kỳ thứ hai là thế kỷ thứ 5, sự tăng trưởng của nền văn học Sankrit gây nên sự phục hưng của ngôn ngữ Pali đầu tiên, bắt đầu hầu như đơn độc của vị Cao Tăng Buddhaghosa và chư đệ tử của Ngài tại tu viện Mahavihara.

Có lẽ thế kỷ thứ 20 nhìn thấy sự hồi sinh lần cuối của ngôn ngữ Pali, mặc dù nguồn gốc của sự biến động này nằm vào thế kỷ thứ 19. Sự quan tâm về ngôn ngữ Pali từ phía Tây, biểu hiện nhất do Hội Văn học Pali (Pali Text Society) vào năm 1881 để xúc tiến nền văn học Pali trong thế giới bên ngoài Châu Á.
Gia tăng đại chúng quan tâm đến Phật giáo về phía Tây giúp vài bản dịch mới đầu tiên của văn bản Pali một cách nhanh chóng, cũng như dịch thuật về các công trình chưa được khảo cứu trước đây.

(tinhtan luoc dich)
________________________________________________________________

No. 0591 NEW(Hạt Cát dịch)

Thống Ðốc Kashmir tán dương nét đặc thù vẻ vang liên quan đến Phật Giáo của Kashmir, Ấn Ðộ.

Bản tin đăng tải trên trang Web Greater Kashmir ngày 25 tháng 10, 2005

Patna, Oct 25: Thống đốc tiểu bang Jammu và Kasmir, Ấn Ðộ, Tướng hồi hưu SK Sinha ngày hôm nay đã diễn tả sự lạc quan về ánh bình minh của hòa bình tại Jammu và Kashmir trong thời gian không lâu sắp tới và tình trạng bình thường sẽ trở lại rất nhanh trong khu vực Thung Lũng từng là một đại trung tâm văn hóa và triết học Phật Giáo.

Trong bài diễn văn đọc trước các phái đoàn đại biểu Phật Giáo từ nhiều nơi trên thế giới tại Ratnagiri Hill, Rajgir ở gần đây sáng nay trong lễ kỷ niệm lần thứ 36 chu niên Tháp Wishwa Shanti, ngài Thống đốc đã nhắc lại bối cảnh lịch sử của thành phố Srinaga với sự quan hệ đến kỷ nguyên Phật Giáo.

Ông nói Thung Lũng Kashmir thấm đẫm lịch sử Phật Giáo với vô số tu viện phát triển nơi đây. Thung Lũng Kashmir, nổi danh là Thiên Ðường Ðịa Cầu đã trở thành Thung Lũng Tu Viện. Thành phố Srinaga được xây dựng bởi Ðại Ðế A Dục, và vào buổi sơ khai của kỷ nguyên Thiên Chúa, Ðức Vua Kanishka, một quân vương khác cai trị một vương quốc rộng lớn từ Peshawa, kể cả Kashmir.

Cũng trong bài diễn văn, Tướng Sinha đề cập đến một sự thật thú vị trong lịch sử, không được nhiều người biết đến, đó là chuyện Ðức Vua Kanishka muốn có được học giả Phật Giáo lừng danh nhất vào thời đại ấy, Ashwaghosh, tức là Ngài Mã Minh, đang sinh sống ở Pataliputra, trong triều đình của Ngài. Ashwaghost từ chối rời khỏi Pataliputra và Vua Kanishka yêu cầu Ðức Vua xứ Magadha phải gửi Ashwaghosh đến cho ông, Vua xứ Magadha từ chối, Vua Kanishka cử binh chinh phạt tiến đến Pataliputra dùng vũ lực mang Ashwaghosh về Peshawar.

Tướng Sinha nói rằng chiến tranh xâm lược từng xảy ra trong lịch sử vì cướp bóc, chiếm đọat, khủng bố, lợi dụng và ngay cả bàn tay của một mỹ nhân nhưng chưa từng có một ví dụ nào khác trong lịch sử về một cuộc chiến tranh xâm lược được thực hiện vì đòi hỏi một nhà thông thái.

Ông Thống Ðốc nói tiếp rằng học giả Ashwaghosh trở thành ngọn đuốc sáng chói trong triều đình của Ðức Vua Kanishka và đã tổ chức Cuộc Kết Tập Kinh Tạng nổi tiếng lần thứ tư tại Srinaga vào Thế Kỷ Thứ Nhất sau Tây Lịch. Ðây là một trong những cuộc tập hợp các học giả Phật Giáo lớn lao nhất vào thời kỳ ấy. Phật giáo đã lan truyền từ đó đến Trung Á, Trung Hoa và Tây Tạng. Ông nói dân số Phật Giáo và tu viện Phật Giáo đông đảo nhất tại Ấn Ðộ là ở vùng Ladakh. “Ðây là một đặc ân cho tôi khi được đến đây từ Kashmir và mang đến cho Hội Phật Giáo Rajgir hai bức phóng ảnh đóng khung và một bộ sưu tập ảnh”.

“Hai bức phóng ảnh là hình pho tượng Phật bằng đá tại Molbek thuộc Ladakh. Pho tượng Phật bằng đá này hiện nay là pho tượng lớn nhất thế giới sau khi các pho tượng ở Bamyan bị bọn quá khích Talilban phá hủy, và bức kia là hình ảnh mợt khu vực thuộc Srinaga nơi Ðức Vua A Dục xây dựng thành phố Srinaga. Một ngôi chùa cổ Phật giáo được xây dựng ở đó vẫn còn được bảo tồn tốt đẹp. Ðường nét ngôi chùa rất mỹ thuật. Bộ sưu tập ảnh gồm hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật tìm thấy tại Thung Lũng Kasmir”. Ông Thống Ðốc nói thêm như vậy.

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2005

Nhật Hành

Ngày: 29 Tháng 10 năm 2005

Tri chúng: Gioi Huong

Tri chúng điền khuyết:


Môn học: Đề án trong thángTruyền Thống Tăng Già


Bài học: VI. Tăng già trong các truyền thống Phật giáo


Giảng sư chính:

Giảng sư điền khuyết:


Vị Tăng hoặc Ni nói lời cầu nguyện đầu lớp học: DD Minh Hanh

Xướng ngôn viên: Cô Diệu Tịnh, Hạt Cát, Nguonduchanh, Nhi Do Mai, anitya, Sangkhaly, Tieu Long Nu, Tinh Tan


http://baidocmc.blogspot.com/


Người mở room: mindvox, Dieu Quang

Người mở nhạc và kinh tụng: mindvox, Dieu Quang

Người post bài cho Room: Nguonduchanh va Hat Cat

Người post bài riêng cho chư Tăng: Hat Cat


Trực room (op):

Thông báo (nếu có):


Đề án trong tháng: Truyền Thống Tăng Già


VI. Tăng già trong các truyền thống Phật giáo



Chủ biên: Hạt Cát


Trích đoạn trong bài viết "Cây cổ thụ Phật Giáo"

- R.P. Hayes - Tâm Hòa dịch

Chúng ta có thể hình dung Đạo Phật như một cây cổ thụ to lớn với cành lá xum xuê. Có một thân cây lớn, với những nhánh chính, rồi đâm ra các cành nhỏ, và cuối cùng là những lá cây trên những cành nhỏ đó. Bên dưới mặt đất là một hệ thống rễ cây. Cũng như là phần trên mặt đất, hệ thống rễ nầy lại phân chia thành nhiều rễ con.

Bây giờ, ta hãy hình dung đến một thân cây to lớn vươn lên khỏi mặt đất và nâng đỡ, nuôi dưỡng các nhánh cây và lá cây. Thân cây nầy biểu tượng cho hành động tìm nơi nương tựa -- quy y -- của Phật tử. Đây là một hành động chung cho mọi Phật tử, và là một phương diện quan trọng nhất của mọi công tác nghiên cứu và hành trì Đạo Phật. Bất cứ luận thuyết, tông phái và pháp hành nào của Phật giáo đều xem như là phải bắt nguồn từ hành động quan yếu đó, mà mỗi Phật từ đều phải trì tụng thường xuyên, đó là việc quy y. Trong tiếng Pali, hành động đó gọi là "sarana-gamana" (quy y). "Gamana" nghĩa là đi đến, tìm về. "Sarana" nghĩa là nơi nương tựa, giúp đỡ, dưỡng nuôi, hướng dẫn. "Quy y" về một nơi nào có nghĩa là đến đó để xin giúp đỡ, hướng dẫn và dưỡng nuôi. Thông thường, đó là điều ta làm khi ta gặp phải một khủng hoảng nào đó trong đời sống, khi ta gặp phải một thực tế khó khăn mà tự chúng ta không thể đương đầu được. Do đó, ta tìm đến một nơi nào đó để xin giúp đỡ.

Điều làm cho một người theo đạo thành một Phật tử không phải chỉ đơn giản là đi tìm nơi nương tựa. Thông thường, đa số chúng ta đi tìm nơi nương tựa ở một cái gì khác, chẳng hạn nương tựa vào bạn bè, rượu chè, nghề nghiệp, ma túy, giải trí, gia đình, chuyên gia, thể thao, nhà phân tâm, tình dục, du lịch, v.v. Điều làm cho một người trở thành một Phật tử chân chính là người ấy tìm nơi nương tựa ở Đức Phật, Phật Pháp, và Tăng Đoàn -- gọi là Quy Y Tam Bảo.

Ba nhánh rễ chính nầy là để dưỡng nuôi thân cây, và từ một hành động quy y Tam Bảo, tạo ra điều kiện thành lập Phật Giáo như là một tôn giáo có tổ chức. Có nhiều phương thức khác nhau để quy y. Tối hậu, ta có thể nói rằng có nhiều cách quy y khác nhau vì có vô số cá nhân khác nhau, bởi trong lịch sử Đạo Phật, việc quy y tối hậu là một quyết định của từng cá nhân, và mỗi người phải tự mình tìm cách hành trì trong đời sống của riêng từng người. Ta có thể xem mỗi Phật tử là một chiếc lá gắn vào cây cổ thụ Phật giáo. Lá sống nhờ cành, cành gắn vào nhánh phụ, nhánh phụ bắt nguồn từ nhánh lớn vốn mọc ra từ thân cây chính. Từ đó, ta hãy xem xét đến các nhánh cây chính.

A. Nam Tông

Những nhánh cây chính có thể được xem như là dựa trên căn bản các kinh điển chứa đựng lời dạy của Đức Phật và các vị đại đệ tử. Một nhánh chính có tên gọi là nhánh Thanh Văn (Savaka). Những vị tu sĩ trong nhánh nầy hành trì theo các giáo pháp mà mọi người đều tin rằng đó là các lời dạy công khai của Đức Phật đến các tu sĩ và cư sĩ đệ tử. Ngày xưa, có rất nhiều nhánh con đâm ra từ nhánh Thanh Văn nầy, nhưng ngày nay chỉ còn lại một nhánh. Nhánh đó được gọi là Theravada (Trưởng Lão Thuyết) có nghĩa là lời thuyết giảng của các vị trưởng lão. Trưởng lão, hay thượng tọa, là tu sĩ đã thọ giới ít nhất là 10 năm và có tuệ giác minh. Tông phái Theravada dựa theo các pháp hành lưu truyền qua nhiều đời của các vị trưởng lão nầy. Giáo pháp của Đức Phật được viết lại trong một tập hợp kinh điển bằng tiếng Pali. Dù rằng các vị tu sĩ Theravada có nghiên cứu các loại kinh sách khác, nền tảng cơ bản của sự giảng dạy và hành trì là dựa vào kinh điển Pali. Tông phái Theravada (thường được gọi là Nam Tông, hay Phật Giáo Nguyên Thủy) ngày nay hiện diện tại Tích Lan, Miến Điện, Lào, Thái Lan, và Việt Nam.

B.Bắc Tông

Nhánh chính thứ hai lại chia chẻ ra rất nhiều nhánh con. Tất cả các nhánh con nầy đều có một đặc điểm chung là họ chấp nhận giá trị của các loại kinh điển khác mà nhánh Thanh Văn không thừa nhận vì cho rằng đó không phải là lời giảng của Đức Phật lịch sử. Nhánh nầy được gọi là nhánh Mahayana (Đại Thừa, Bắc Tông). Số lượng kinh điển Mahayana rất lớn và không ai có thể học hết trong một đời, và vì thế, các Phật tử Mahayana thường chỉ chuyên khảo vào một vài bộ kinh, hoặc chỉ một bộ kinh. Chẳng hạn như Thiền tông (Zen) thường được hiểu rằng chỉ dựa vào sự truyền tụng bộ kinh Lăng Già (tựa đề nguyên thủy "Lăng Già A Bạt Đa La" có nghĩa là truyền dạy chân pháp vào đảo Lăng Già - Tích Lan, một quốc gia có cả 2 nhánh Theravada và Mahayana vào thời đó). Các tông phái Tịnh độ thì dựa vào kinh điển mô tả các quốc độ thanh tịnh cực lạc để ta tái sinh vào đó, tiếp tục hành trì Phật Pháp dễ dàng hơn là trong thế giới khó khăn nầy. Còn nhiều nhánh nhỏ khác, chẳng hạn như nhánh Pháp Hoa, dựa theo kinh Diệu Pháp Liên Hoa -- một kinh điển nhằm thống nhất các tông phái -- trong đó có nhóm Nhật Liên (Nichiren) và Học Hội Sáng Giá (Soka Gakkai) hiện đang hoạt động tích cực tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, và các nơi khác. Thông thường, các nhánh nhỏ nầy lại đan kết với nhau, tạo ảnh hưởng lên nhau, rất khó phân biệt.

Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana) đã có thời phát triển sâu rộng tại Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam và In-đô-nê-si-a (Nam Dương), nhưng ngày nay đã có nhiều thay đổi. In-đô-nê-si-a giờ đây là một quốc gia Hồi Giáo. Phật Giáo đã tàn lụn tại lục địa Trung Hoa. Đa số dân chúng Triều Tiên theo đạo Ky-Tô, chỉ còn một phần ba là theo đạo Phật. Phật Giáo đang trên đà suy tàn ở Nhật Bản và đang bị thay thế bởi hằng trăm nhóm đạo giáo mới (có khi chỉ có vẻ là Phật Giáo bề ngoài). Phật Giáo ở Việt Nam cũng bị suy yếu vì chiến tranh trong quá khứ và hiện nay là các áp lực chính trị, kinh tế, mặc dù Việt Nam là nơi đã có những nỗ lực tốt để kết hợp hai nhánh Mahayana và Theravada. Có thể nói là đang có những nguy cơ khiến Phật Giáo Đại Thừa có thể sẽ suy tàn ở Á Châu trong 25 năm tới. Một điều buồn là nhánh cây nầy, một thời rất khỏe mạnh và tươi tốt, nay đang bị ung thối và có nguy cơ sẽ gẫy rụng vì sức nặng của nó.

C. Mật Tông.

Nhánh chính thứ ba là nhánh Kim Cương (Vajra). Thật ra, để chính xác, có thể nói nhánh nầy là mọc từ nhánh Đại Thừa, nhưng vì có những đặc thù riêng nên có thể xem như một nhánh chính. Kinh điển của nhánh nầy là dựa theo các mật chú, nên còn được gọi là Phật giáo Mật tông (Tantric Buddhism). Đây là những loại kinh điển viết bằng một văn từ đặc biệt, không rõ ràng cho những ai không được truyền thừa, gọi là mật nghĩa. Ta không thể nghiên cứu hoặc hành trì nếu không có đạo sư hướng dẫn, và những vị thầy có những lễ truyền thừa đặc biệt cho môn đệ có sức linh nào đó để hành trì. Mật tông là tông phái chính ở Tây Tạng và Mông Cổ (từ Tây Tạng truyền sang). Cũng có những hình thái Mật tông khác ở Trung Hoa, và từ đó truyền sang Việt Nam, Triều Tiên, và Nhật Bản. Ngay cả các tông phái Phật Giáo khác cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của Mật tông, trong phần lý luận cũng như trong cách hành trì. Thí dụ như tại Việt Nam ngày nay, thường thấy một sự hòa hợp rất tốt, rất đặc biệt của Nam Tông, nhiều nhánh Bắc Tông (Tịnh độ và Thiền) và Mật Tông. Phật Giáo Triều Tiên giờ đây cũng là một tổng hợp của Thiền, Tịnh và một vài dấu vết của Mật.



Vài điểm dị đồng trong tăng lữ thuộc các truyền thống Phật giáo

Tỳ khưu Giác Đẳng

Bài viết nằm trong khuôn khổ hội thảo của chủ đề Truyền Thống Tăng Già




Trên phương diện kinh điển thì các nhà học giả xem Phật giáo có hai giòng chủ lưu chính là Nam Tông và Bắc Tông. Cũng gọi là Nguyên Thuỷ và Đại thừa. Hai nhánh nầy tiêu biểu cho Phật giáo căn bản và phát triển. Nhưng trên thực tế thì mật tông Tây Tạng trên nhiều phương diện chứng tỏ là một phận có khác với Phật giáo Đại Thừa tại Trung Hoa, Đại Hàn và Nhật Bản. Mật tông vốn là một pháp môn được hành trình trong tất cả quốc gia theo Bắc Truyền thế nhưng Mật Tông ở đây phải được hiểu là Phật giáo Tây Tạng tại chính đất nước nầy và những vùng ảnh hưởng như Nga, Mông Cổ và một số quốc gia chung quanh Hi Mã Lạp Sơn.

I. Những Tương Đồng

1. Rất đáng ngạc nhiên là giới luật của hàng xuất gia, ít nhất là trên kinh điển của các tông phái, lại tương đồng nhiều hơn bất cứ bộ phận nào khác. Mặc dù trên phương diện hành trì thì phần lớn chỉ có Phật giáo Nam Tông là còn giữ đầy đủ nhưng trên lý thuyết thì các tông phái Phật giáo đều có tạng luật tương đối giống nhau.

2. Cho dù ở tông phái nào thì tinh thần tự do cá nhân trong sự tu tập tương đối giống nhau. Không có tông phái nào của Đạo Phật tin vào bạo động là phù hợp với Phật Pháp. Mặc dù một số kinh điển Phật Giáo Đại Thừa ghi rằng bồ tát có thể vì bảo vệ Pháp Đại Thừa mà sát hại sinh vật nhưng trên thực tế rất ít trường hợp trong lịch sử các tông phái sử dụng bạo lực để tồn tại. (...)

3. Tăng lữ ở tất cả tông phái đều mang tôn chỉ hướng cầu giải thoát và tu tập trong nếp sống thanh hạnh. Tông phái nào cũng xem sự cúng dường của tín thí là cơ sở chính cho kinh tế (tất nhiên có vài ngoại lệ không đáng kể).

4. Hầu hết các truyền thống đều có một ranh giới rõ ràng giữa nếp sống tu sĩ và thế tục. Con đường nội tâm phải nằm ngoài những tranh chấp lợi danh của thế gian.

5. Trên nguyên tắc thì tất cả các tông phái đều xem tăng thể tiêu biểu cho sự tồn tại của Đạo Phật.



II. Những dị biệt

1. Về hình thức thì pháp phục của chư Tăng Nam Tông gần với Luật tạng nhất. Tiếp theo là Phật giáo Mật Tông Tây Tạng. Xa nhất là Phật giáo Bắc Tông.

2. Về sự truyền thừa thì trong Phật giáo Nam Tông muốn trao truyền giới pháp tỳ khưu hay tỳ khưu ni phải có đủ túc số Tăng hội như đã ghi trong Luật Tạng; điều nầy tạo nên trở ngại trong sự phục hồi giáo đoàn tỳ khưu ni vì không còn ni chúng. Phật Giáo Bắc Tông và Mật Tông thì chấp nhận sự trao truyền của một vị cao Tăng có thể chấp nhận được mặc dù thường khi cũng có những giới đàn rất qui mô.

3. Phẩm trật lớn nhỏ theo Phật giáo Nam Tông hoàn toàn dựa trên hạ lạp; vị nào thọ đại giới trước là vị lớn. Phật giáo Bắc Tông có trường hợp người tu sau nhưng vai vế lớn vẫn lớn hơn như sư thúc đối với các sư điệt chẳng hạn. Phật giáo Mật Tông có trường hợp những hậu thân của các Lạt Ma hay Tulku những vị nầy mặc dầu chỉ là những bé trai nhưng nhận được sự kính trọng của những vị lớn hơn mình.

4. Phật Giáo Bắc Tông thì xem sự khai tông lập phái là một điểm son trong lịch sử tồn tại. Phật giáo Nam Tông thì xem đó là sự chia rẽ Tăng - một trọng tội. Phật Giáo Mật Tông thì chỉ chấp nhận như là một hoàn cảnh mang tính khác quan.

5. Phật giáo Nam Tông lấy ngôn ngữ Maghaghi (ngôn ngữ của Ma Kiệt Đà) là điển ngữ gọi là Pali và điều nầy đặc biệt quan trọng trong việc tác pháp yết ma. Phật giáo Bắc Tông và Mật Tông có cùng xuất xứ giáo hệ Bắc Phạn (Sanscrit) nhưng hiện thì một dùng Hoa Ngữ (....), một dùng Tạng ngữ và dùng ngôn ngữ điạ phương để tác pháp yết ma.



III. Những Hình Thái Tồn của các Tông phái.

1. Phật giáo Mật Tông không ăn chay. Ít hơn phân nữa Phật giáo Bắc Tông ăn chay nhưng đặt rất nặng điều nầy. Phật giáo Nam Tông có một số tại Tích Lan ăn chay, còn lại thì chủ trương khất thực thọ dụng những gì do tín thí cúng dường.

2. Phật giáo Mật Tông có nền giáo dục dựa trên những tu viện lớn (như Sera chẳng hạn) giống như những đại học Phật giáo. Phật giáo Nam Tông chú trọng các bộ kinh. Phật Giáo Bắc Tông chú trọng sự hành trì các pháp môn.

3. Phật Giáo Nam Tông xem sự thọ trì Tam Tạng kinh điển mang tính toàn diện trong lúc Phật giáo Bắc Tông và Mật Tông thì chú trọng vào pháp môn và sự truyền thừa.

4. Phật giáo Mật Tông quan niệm rằng con đường tu tập phải đi qua cả ba giai đoạn tiểu thừa, đại thừa và tối thượng thừa. Phật Giáo Bắc Tông xem tiểu thừa là con đường phải tránh thậm chính trong Bồ Tát Giới xem sự tiếp xúc với thinh văn thừa là một trọng tội mặc dù nói rằng tiểu thừa cũng do Phật thuyết. Phật Giáo Nam Tông không có đề gì đến các tông phái vì kinh điển Pàli không đề cập bất cứ quan niệm tông phái nào.

5. Trong lịch sử thì Phật giáo Nam Tông thường bị suy vong là do thiếu người học hiểu Tam Tạng. Phật Giáo Bắc Tông suy vong do sự phân hoá tông phái. Phật giáo Mật Tông bị suy vong do ngoại xâm.


Thơ

Nào Phải


Ta bỏ đi, mà chưa từng bỏ cuộc
Về Tây Thiên đâu chỉ một lối mòn
Quên phố xá, ta lên ngàn hái thuốc
Gióng chuông chiều trên đỉnh đá chon von

Hỏi mượn nhau một chút tình rêu cỏ
Về làm thơ tiêu sái những đêm khuya
Và đâu đấy những buồn vui nho nhỏ
Đã hóa thân từng chiếc lá chia lìa

Mai ta đi, với chốn về mù mịt
Nẻo tà dương, đời mạt pháp lâu rồi
Nhớ người xưa, ta về ngồi diện bích
Trăng trên đầu...theo tuế nguyệt đầy vơi

Thơ Toại Khanh


TIN TỨC

No. 0564 NEW (Tinh Tấn dịch)
Chúng ta phải phục hồi ngôn ngữ Pali trong trường học

Bản tin đăng tải trên trang Web Dailynews.lk, ngày 5 tháng 10, 2005.
Được viết bởi ông Lionel Wijesiri

Trong suốt đầu thập niên 1960, khi tôi là một học sinh trung học đệ nhị cấp, tôi có sự may mắn tốt lành là được học ngôn ngữ Pali như một đề án. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong những Chủ đề của chúng tôi. Chúng tôi được các thầy của chúng tôi khuyến khích để tham khảo sâu về Kinh Pháp Cú. Kết quả là một số rất lớn các học giả Phật giáo ra đời trong thế hệ của chúng tôi.

Một thanh thiếu niên Phật tử biết gì về ngôn ngữ Pali ngày nay - nguồn gốc, lịch sử, sự thích đáng của ngôn ngữ này đối với Phật giáo như thế nào? Chúng tôi nên giới thiệu ngôn ngữ Pali một cách chính xác từ giai đoạn đầu, và sự gia tăng cách dùng ngôn ngữ này nên được phát triển dần dần để sự hấp dẫn về ngôn ngữ của Đức Phật được tiến triển.

Các nguồn gốc của ngôn ngữ Pali, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, bị mất đi do vô thường của thời gian. Qua nhiều thế kỷ, Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) công nhận rằng ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để thuyết giảng, và do đó được đồng nghĩa với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà (Magadhi), là ngôn ngữ của vương quốc Bắc Ân của xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) nơi Đức Phật đã trú ngụ và giảng đạo. Sự đồng nhất ngôn ngữ Pali với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà xuất hiện rất sớm trong văn học Phật Giáo Nguyên Thủy – có thể sớm như Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Tam Tạng kinh điển, có lẽ được bảo tồn trong ngôn ngữ nguyên thủy của Đức Phật (cách nói người miền Đông Bắc Ấn), đương đầu với ngôn ngữ Pali ở vài điểm trong lịch sử - hầu như suốt thời kỳ ngôn ngữ Pali hiện diện khắp nơi ở Bắc Ấn – và đã được ghi chép bằng ngôn ngữ này.

Dù khởi nguyên như thế nào, ngôn ngữ Pali có vài quan điểm trở thành ngôn ngữ thường duy trì và đưa vào Tam Tạng. Ít nhất trong thế kỷ thứ nhất sau khi Đức Phật Niết Bàn, các lời dạy của Đức Phật không được viết xuống, và vẫn giữ một truyền thống khẩu truyền. Lời dạy này được ghi chép tại Tích Lan có lẽ đúng nhất suốt thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, vào triều đại của Vua Vattagamani. Văn bản Pali này đã được viết trên lá bối, như một sự cố gắng duy trì để đối lại sự đe dọa đến tầng lớp Phật giáo – gần nhất, một cuộc chiến tranh xâm lấn từ Nam Ấn.

Không rõ khi nào thì ngôn ngữ Pali không còn là nguồn gốc ngôn ngữ, và trở thành chuyển tiếp trong lãnh vực tôn giáo. Ngay cả sau khi ngôn ngữ Pali bị chết trong thành phần còn lại của xã hội, Pali lại tiếp tục được xử dụng trong chùa và tu viện, không những để bảo tồn văn bản, mà còn để sọan thảo lời diễn giải, và cho phép giao tiếp giữa Chư Tăng Nguyên Thủy từ các quốc gia khác nhau.

Trong các quốc gia Nguyên thủy khác nhau nơi mà ngôn ngữ Pali được nói, viết trong nguyên bản địa phương, và thường được phát âm hay ngâm kệ tùy theo sự khác nhau của ngôn ngữ địa phương.

Hai thời kỳ chính của văn học Pali được các nhà học giả Pali đồng nhất. Đầu tiên, sự nhất trí về việc ghi chép Tam tạng vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Thời kỳ thứ hai là thế kỷ thứ 5, sự tăng trưởng của nền văn học Sankrit gây nên sự phục hưng của ngôn ngữ Pali đầu tiên, bắt đầu hầu như đơn độc của vị Cao Tăng Buddhaghosa và chư đệ tử của Ngài tại tu viện Mahavihara.

Có lẽ thế kỷ thứ 20 nhìn thấy sự hồi sinh lần cuối của ngôn ngữ Pali, mặc dù nguồn gốc của sự biến động này nằm vào thế kỷ thứ 19. Sự quan tâm về ngôn ngữ Pali từ phía Tây, biểu hiện nhất do Hội Văn học Pali (Pali Text Society) vào năm 1881 để xúc tiến nền văn học Pali trong thế giới bên ngoài Châu Á.
Gia tăng đại chúng quan tâm đến Phật giáo về phía Tây giúp vài bản dịch mới đầu tiên của văn bản Pali một cách nhanh chóng, cũng như dịch thuật về các công trình chưa được khảo cứu trước đây.

(tinhtan luoc dich)
___________________________________________________________

No. 0591 NEW(Hạt Cát dịch)

Thống Ðốc Kashmir tán dương nét đặc thù vẻ vang liên quan đến Phật Giáo của Kashmir, Ấn Ðộ.

Bản tin đăng tải trên trang Web Greater Kashmir ngày 25 tháng 10, 2005

Patna, Oct 25: Thống đốc tiểu bang Jammu và Kasmir, Ấn Ðộ, Tướng hồi hưu SK Sinha ngày hôm nay đã diễn tả sự lạc quan về ánh bình minh của hòa bình tại Jammu và Kashmir trong thời gian không lâu sắp tới và tình trạng bình thường sẽ trở lại rất nhanh trong khu vực Thung Lũng từng là một đại trung tâm văn hóa và triết học Phật Giáo.

Trong bài diễn văn đọc trước các phái đoàn đại biểu Phật Giáo từ nhiều nơi trên thế giới tại Ratnagiri Hill, Rajgir ở gần đây sáng nay trong lễ kỷ niệm lần thứ 36 chu niên Tháp Wishwa Shanti, ngài Thống đốc đã nhắc lại bối cảnh lịch sử của thành phố Srinaga với sự quan hệ đến kỷ nguyên Phật Giáo.

Ông nói Thung Lũng Kashmir thấm đẫm lịch sử Phật Giáo với vô số tu viện phát triển nơi đây. Thung Lũng Kashmir, nổi danh là Thiên Ðường Ðịa Cầu đã trở thành Thung Lũng Tu Viện. Thành phố Srinaga được xây dựng bởi Ðại Ðế A Dục, và vào buổi sơ khai của kỷ nguyên Thiên Chúa, Ðức Vua Kanishka, một quân vương khác cai trị một vương quốc rộng lớn từ Peshawa, kể cả Kashmir.

Cũng trong bài diễn văn, Tướng Sinha đề cập đến một sự thật thú vị trong lịch sử, không được nhiều người biết đến, đó là chuyện Ðức Vua Kanishka muốn có được học giả Phật Giáo lừng danh nhất vào thời đại ấy, Ashwaghosh, tức là Ngài Mã Minh, đang sinh sống ở Pataliputra, trong triều đình của Ngài. Ashwaghost từ chối rời khỏi Pataliputra và Vua Kanishka yêu cầu Ðức Vua xứ Magadha phải gửi Ashwaghosh đến cho ông, Vua xứ Magadha từ chối, Vua Kanishka cử binh chinh phạt tiến đến Pataliputra dùng vũ lực mang Ashwaghosh về Peshawar.

Tướng Sinha nói rằng chiến tranh xâm lược từng xảy ra trong lịch sử vì cướp bóc, chiếm đọat, khủng bố, lợi dụng và ngay cả bàn tay của một mỹ nhân nhưng chưa từng có một ví dụ nào khác trong lịch sử về một cuộc chiến tranh xâm lược được thực hiện vì đòi hỏi một nhà thông thái.

Ông Thống Ðốc nói tiếp rằng học giả Ashwaghosh trở thành ngọn đuốc sáng chói trong triều đình của Ðức Vua Kanishka và đã tổ chức Cuộc Kết Tập Kinh Tạng nổi tiếng lần thứ tư tại Srinaga vào Thế Kỷ Thứ Nhất sau Tây Lịch. Ðây là một trong những cuộc tập hợp các học giả Phật Giáo lớn lao nhất vào thời kỳ ấy. Phật giáo đã lan truyền từ đó đến Trung Á, Trung Hoa và Tây Tạng. Ông nói dân số Phật Giáo và tu viện Phật Giáo đông đảo nhất tại Ấn Ðộ là ở vùng Ladakh. “Ðây là một đặc ân cho tôi khi được đến đây từ Kashmir và mang đến cho Hội Phật Giáo Rajgir hai bức phóng ảnh đóng khung và một bộ sưu tập ảnh”.

“Hai bức phóng ảnh là hình pho tượng Phật bằng đá tại Molbek thuộc Ladakh. Pho tượng Phật bằng đá này hiện nay là pho tượng lớn nhất thế giới sau khi các pho tượng ở Bamyan bị bọn quá khích Talilban phá hủy, và bức kia là hình ảnh mợt khu vực thuộc Srinaga nơi Ðức Vua A Dục xây dựng thành phố Srinaga. Một ngôi chùa cổ Phật giáo được xây dựng ở đó vẫn còn được bảo tồn tốt đẹp. Ðường nét ngôi chùa rất mỹ thuật. Bộ sưu tập ảnh gồm hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật tìm thấy tại Thung Lũng Kasmir”. Ông Thống Ðốc nói thêm như vậy.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2005

Nhật Hành

Ngày: 28 Tháng 10 năm 2005

Tri chúng: Khanh Van

Tri chúng điền khuyết:


Môn học: Đề án trong thángTruyền Thống Tăng Già


Bài học: Phần V. Tu sĩ và thế giới hôm hay


Giảng sư chính:

Giảng sư điền khuyết:


Vị Tăng hoặc Ni nói lời cầu nguyện đầu lớp học: DD Minh Hanh

Xướng ngôn viên: Cô Diệu Tịnh, Hạt Cát, Nguonduchanh, Nhi Do Mai, anitya, Sangkhaly, Tieu Long Nu, Tinh Tan


http://baidocmc.blogspot.com/


Người mở room: mindvox, Dieu Quang

Người mở nhạc và kinh tụng: mindvox, Dieu Quang

Người post bài cho Room: Nguonduchanh va Hat Cat

Người post bài riêng cho chư Tăng: Hat Cat


Trực room (op):

Thông báo (nếu có):


Thứ Năm, 27 tháng 10, 2005

Đề án trong tháng: Truyền Thống Tăng Già


Phần V. Tu sĩ và thế giới hôm hay



A. Những đổi thay của thế giới hôm nay và ảnh hưởng đối với đời sống tu sĩ


Sự thiếu hụt các linh mục trong thời hiện đại.

Minh Hạnh dịch

có phải tôn giáo trong sự suy tàn?

Dựa theo Viện Đại Học Catholic University of America, thi` cứ 100 vị tu sĩ chết hay rời bỏ nhà thờ, thi` chỉ vào khoảng 30 hay 40 được thay thế. Trừ khi nhà thờ thay đổi chính sách, những vị linh mục ở thành phố Milwaukee đã tranh luận, chỉ trong vài năm nữa các linh mục Thiên chúa giáo sẽ trở lên rất khan hiếm.

"Những vi tân linh mục thi` bị thiếu hụt trong toàn quốc.....

Tuần trước, những tín đồ Thiên Chúa giáo tại Brooklyn và Queens nhận được lời cảnh cáo thảm khốc rằng sự thiếu hụt các linh mục trong giáo phận đã tới ti`nh trạng khủng khoảng. Sự thiếu hụt thi` rất khốc liệt, đức Giám Mục Thomas V. Daily đã nói trong một một bức thư đăng trong một tờ báo của giáo xứ, rằng ở mỗi xứ đạo phải báo cáo số con chiên và cần chuẩn bị cho sự gộp lại và sự cắt giảm.

.....dựa theo sự nghiên cứu trong năm 1997 bởi cơ quan Center for Applied Research tại Apostolate.......con số cha mẹ cho phép con trai và con gái của họ theo học các ngành liên quan đến giáo đường bị giảm xuống 25% từ năm 1964 tới năm 1974.....

Trong vo`ng 20 năm qua, sự thụ chức của các linh mục trong giáo khu của Brooklyn giảm 92%, theo hồ sơ của nhà thờ ghi nhận. Nhưng ti`nh trạng ở đó thi` gần như không sinh sản trong những giáo xứ ở trong nước. Trong những giáo phận của miền Tây, miền Nam và phía trên Trung Tây, những vị linh mục được chỉ định chăm lo cho những giáo xứ, họ luân phiên nhau giống như trong đoàn xiệc.

Thời đại ngày nay, người thanh niên trẻ cương quyết ước muốn xóa bỏ sự giáo dục và liều mạng cho sự phản đối của gia đi`nh, để trở thành vị linh mục.

"Nếu bạn đi sum họp gia đi`nh" linh mục Burns (Edward J. Burns, vị giám đốc hành chánh của giáo hội Catholic quốc gia trường dậy làm linh mục) nói rằng," một ti`nh nhân trẻ chưa cưới nhau vào trong nhà thờ và nói rằng, Chúng tôi đã sống chung với nhau một năm rưỡi rồi nhưng không ai trong gia đi`nh có lời nói gi`. Họ có thể xi` xầm to nhỏ về chuyện đó, nhưng họ đã không nói những lời gi` phản đối.

"Nhưng nếu người trẻ vào và nói,"Tôi đang nghĩ về việc tôi vào trường đạo và trở thành vị linh mục; bạn có thể chắc chắn rằng một vài người trong gia đi`nh sẽ đẩy anh ta qua một bên và nói "con (cháu) có chắc rằng con (cháu) biết đang làm gi` không".

-The New York Times, November 19, 2000

Nhà thời Catholic đóng cửa trường đạo tại Ireland

Nhà thờ Roman Catholic tại Ireland, là nơi sản xuất những vị linh mục cho toàn thế giới, đã đóng cửa cơ sở thần học khác. Nhà thờ chỉ co`n lại một trường đạo phần lớn là trong quốc gia. Vị giám đốc của đại học St. Patrick tại Thurles, miền Tây Nam Ireland nói rằng những trường đạo của họ có thể chuyển tới trường đạo hải ngoại. Trường đại học Maynơoth gần Dublin. St. Patrick có một thích ứng trong việc đưa các vị linh mục tới Châu Mỹ và Châu Úc. Vào khoảng 180 thi` vẫn hành đạo trong nước Hoa Ky`.

-USA Today, Friday, August 30th, 2002




B. Nếp sống tu viện ngày nay

Cư sĩ Bình Anson

1. Tu viện Bodhinyana

Hội Phật Giáo Tây Úc được thành lập năm 1974 bởi Giáo sư Jayasuriya và một số Phật tử tại Perth. Giáo sư là người phụ trách môn Tâm lý học tại Ðại học Tây Úc và là người sinh ra ở Tích Lan, thấm nhuần đạo Phật. Các hội viên đầu tiên gồm một số người Úc, người Hoa và người Thái lan theo truyền thống Phật giáo Nam Tông (Theravada). Hiện nay, tổng số hội viên chính thức là 300 người, gồm có người Úc gốc Âu Mỹ và các Phật tử gốc Đông Nam Á như Thái lan, Lào, Cam-pu-chia, Hoa, Miến điện, Tích Lan, Mã Lai, Singapore, và Việt Nam.

Lúc ban đầu, Hội mua được một ngôi nhà nhỏ ở vùng North Perth để làm nơi thờ phượng và sinh hoạt giáo lý. Thỉnh thoảng Hội cũng có mời thỉnh các danh tăng đến từ Thái Lan, Miến Ðiện, và Tích Lan để giảng pháp và hướng dẫn các khóa tu thiền.

Ðến năm 1981 thì Hội thỉnh được hai tu sĩ Phật Giáo người Úc - nhưng tu học ở Thái Lan trong nhiều năm, đến hoằng pháp tại Perth. Ðó là Tỳ khưu Jagaro và Purisso, thuộc truyền thống ẩn lâm của ngài thiền sư Ajahn Chah, một vị thiền sư danh tiếng ở Thái Lan. "Ajahn" (A-chàn) là tiếng Thái, có nghĩa là Thầy, bắt nguồn từ tiếng Phạn "Acarya" (A-xà-lê).

Sự có mặt của hai vị Tỳ khưu nầy đã lôi cuốn được rất nhiều người Úc đến nghe giảng pháp và thực tập hành thiền. Năm 1983, Hội mua được một thửa đãt rừng nguyên sinh trong huyện Serpentine, cách thành phố Perth khoảng 70 kílômét về hướng Nam để thành lập một Tu viện. Tu viện nầy rộng khoảng 40 hécta, nằm trên một ngọn đồi cao, có suối chảy ngang, với nhiều loại cây nguyên sinh, chưa khai phá. Vị trụ trì hiện nay, và cũng là vị lãnh đạo tinh thần của Hội Phật Giáo Tây Úc, là ngài Tỳ khưu Brahmavamso, người Anh, nhưng rất thông thạo tiếng Thái và Pali.

Xem hình ảnh Tu viện tại trang web:

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/z-photos/bodhinyana/bodhinyana.htm

Tu viện có tên là Bodhinyana (Giác Minh), được dành làm nơi tu học cho các vị Tỳ khưu. Trong khuôn viên của tu viện có một chính điện lớn để các vị Tỳ khưu tụ hội tham thiền, học kinh điển và giới luật. Phía sau là một thư viện chứa các bộ Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali, Thái, và Anh, và các kinh sách quan trọng khác.

Ở gần chính điện có một trai đường, gồm 2 tầng. Tầng trên dành cho quý Tăng Ni thọ trai và tầng dưới dành cho các sinh hoạt của cư sĩ đến làm công quả. Rãi rác trong rừng là từng tịnh thất nhỏ dành cho các Tỳ khưu, mỗi vị một tịnh thất, với kích thước khoảng 3 x 3 mét, vừa đủ để một giường ngủ và một bàn viết nhỏ. Bên ngoài mỗi tịnh thất là có một đường đi ngắn khoảng 30 mét, có mái che để các Tỳ khưu đi kinh hành.

Ngoài ra, còn có một khu nhà 4 phòng dành cho các giới tử tu học dài hạn, một nhà 3 phòng dành cho nam cư sĩ và một nhà 3 phòng dành cho nữ cư sĩ đến tu học ngắn hạn.

Hiện nay, có nhiều Phật tử tại Tây Úc cũng như từ các nơi khác trên thế giới đến xin ở lại tại tu viện để thọ tám giới, hành thiền, và giúp điều hành tu viện, có thể xem như đó là các cư sĩ hộ tăng, những ưu-bà-di (upasika) và u-bà-tắc (upasaka). Thông thường, đây là những Phật tử thuần thành, có sinh hoạt thường xuyên với Hội Phật giáo Tây Úc và từng tham gia nhiều khóa tu thiền ẩn cư do Hội tổ chức. Sau đó, nếu phát tâm xuất gia thì các vị đó xin trở thành giới tử (anagarika), mặc y phục trắng, cạo tóc, và tuân giữ 8 giới căn bản. Ngoài công phu hành thiền và học tập Phật Pháp căn bản, các vị giới tử nầy cũng được hướng dẫn các nghi thức căn bản và căn bản giới luật.

Sau một năm, vị giới tử xin thọ giới Sa-di (samanera), giữ 10 giới căn bản. Điểm căn bản khác với hàng giới tử là ngoài việc đắp y vàng nâu, các vị Sa-di không được phép cất giữ tiền bạc, không được phép tự lái xe, nhưng vẫn có thể phụ với các giới tử để sửa soạn thức ăn nếu cần thiết. Tuy nhiên, cũng như hàng Tỳ khưu, mỗi vị Sa-di được cấp cho một tịnh thất riêng biệt.

Sau đó một năm, nếu thích hợp, vị Sa-di có thể xin thọ đại giới để trở thành Tỳ khưu (Bhikkhu). Lễ xuất gia Sa-di thường được tổ chức tại Trung tâm Phật giáo Dhammaloka (Pháp Quang) ở thành phố Perth. Tuy nhiên, lễ thọ Đại giới Tỳ khưu thì được tổ chức trong chánh điện của Tu viện Bodhinyana, nơi đã có kết giới Sima, theo đúng nghi thức truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy.

Các vị Tỳ khưu tại tu viện không cất giữ tiền bạc hay sở hữu bất kỳ một hình thức tài sản riêng tư nào, hoàn toàn sống nhờ vào sự cúng dường tứ vật dụng của hàng cư sĩ. Tất cả mọi việc có liên quan đến chi thu tài chánh đều do các cư sĩ trong Ban Trị Sự của Hội Phật Giáo Tây Úc quản lý. Trong bối cảnh hiện đại của nước Úc, các vị có giữ thêm một thẻ Medicare do chính phủ cấp để được khám bệnh miễn phí mỗi khi đau bệnh. Cũng xin ghi nhận thêm là mặc dù ở Úc có quy chế bắt buộc mọi công dân phải đi bầu phiếu mỗi khi có các cuộc tuyển cử Quốc hội Liên bang và Tiểu bang, các vị Tỳ khưu đã xin đặc miễn, để không tham gia vào các hoạt động đó.

Thông thường, vị Tỳ khưu thức giấc khoảng 4 giờ sáng và hành thiền trong tịnh thất của mình. Điểm tâm tại trai đường lúc 6:30 giờ, nhưng cũng có vị không dùng điểm tâm. Sau đó là các công tác bảo quản và điều hành tu viện. Bửa ăn chính vào khoảng 10:30 giờ sáng, thức ăn do các cư sĩ mang đến cúng dường hay cho các giới tử nấu. Các vị đều ăn trong bình bát riêng của mình, cùng ngồi chung tại trai đường, hoặc ăn riêng tại tịnh thất.

Phần thời gian còn lại trong ngày là ẩn cư tịnh tu. Hành thiền tại tịnh thất, tự học thêm Phật Pháp tại thư viện, hoặc có những giờ tham vấn riêng với Sư Cả hay các vị sư cao hạ khác. Vào buổi chiều, khoảng 6 giờ, các vị tụ hội tại chánh điện, tụng đọc khóa lễ buổi chiều, sau đó là uống trà, và bàn luận về các vấn đề liên quan đến sự tu học. Mỗi tháng 2 lần, vào buổi tối, các vị Tỳ khưu tụ hội tại chánh điện để đọc tụng giới bổn của tu sĩ, Patimokkha (Ba-la-đề Mộc-xoa).

Thỉnh thoảng, mỗi vị lại tự nhập thất tịnh tu biệt cư, trong khoảng từ 2 tuần lễ đến 1 tháng, không giao tiếp với một người nào khác.

Đôi khi các vị Tỳ khưu cũng được phép tháp tùng theo Sư Cả hoặc các vị niên trưởng về thành phố Perth vào cuối tuần để thuyết pháp, hoặc tham dự các khóa lễ cầu siêu, cầu an tại nhà của cư sĩ nếu có thỉnh mời, hoặc tham dự hướng dẫn các khóa tu thiền dành cho cư sĩ, để quan sát và học tập kinh nghiệm về cách thức thuyết giảng giáo pháp, các khóa nghi lễ phổ thông, cũng như cách giao tiếp với hàng cư sĩ.

Sau khi tu học ở đây được 5 năm, các vị Tỳ khưu được gửi đến các tu viện khác, thường là đến các tu viện trong cùng truyền thống của Ngài Ajahn Chah ở Thái Lan để tu học thêm. Ngoài ra, các vị đó có thể đến tu học ở Miến Điện, Sri Lanka, Tân Tây Lan, và Anh quốc. Mỗi năm vào mùa an cư kiết hạ, có thêm một số Tỳ khưu ở các nơi khác đến tu viện để nhập hạ tịnh tu. Hiện nay, có tất cả là 20 vị Tỳ khưu đang tu học tại tu viện, gồm nhiều thành phần sắc tộc khác nhau: Úc, Anh, Mỹ, Đức, Na Uy, Thái, và kể cả 2 vị Tỳ-khưu gốc Việt. Với nhu cầu tu học ngày càng phát triển, Ngài Ajahn Brahm đã mở thêm một tu viện chi nhánh ở tiểu bang New South Wales, miền đông nước Úc, có tên là Tu viện Santi, cũng tọa lạc trong khung cảnh núi rừng để các Tỳ khưu tịnh tu.


2. Ni viện Dhammasara

Để cung ứng nhu cầu tu học của các nữ Phật tử, vào năm 1999, Hội Phật Giáo Tây Úc mua thêm một thửa đất rừng nguyên sinh, rộng khoảng 250 hécta, trong huyện Gidgeganup, 60 kilômét về hướng Đông Bắc thành phố Perth, để thành lập Ni viện Dhammasara (Tinh Pháp). Viện chủ hiện nay là Ni sư Vayama, người Úc, đã từng tu học 10 năm với cố Ni sư Ayya Khema ở Sri Lanka.

Tu viện Dhammasara được thành lập để tạo một môi trường thuận lợi cho việc tu học ẩn cư cho các vị nữ Phật tử, với những điều kiện tương tự như Tu viện Bodhinyana dành cho các nam Phật tử.

Tu viện gồm có một nhà đa dụng, trong đó có một trai đường rộng lớn, một phòng khách, nhà bếp, và 2 phòng ngủ dành cho giới tử. Trong rừng sâu, có 5 tịnh thất biệt lập dành cho các vị Tu nữ tịnh tu. Kiến trúc tịnh thất cũng tương tự như tịnh thất ở Tu viện Bodhinyana: một phòng 3m x 3 m, và một lối đi kinh hành dài 30 m có mái che.

Có thể xem hình ảnh của tu viện tại:

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/z-photos/dhammasara/dhammasara.htm

Những nữ Phật tử cư sĩ có thiện tâm muốn tu học thì có thể xin đến thử tu học một thời gian từ 3 đến 6 tháng, mặc y phục trắng, giữ 8 giới. Sau đó, nếu thích hợp, có thể xin làm giới tử, quấn y trắng, giữ 8 giới và cạo tóc. Sau 2 năm, vị nữ giới tử có thể xin xuất gia thành Tu nữ, tuân giữ 10 giới, và đắp y màu nâu. Ngoài 10 giới căn bản, còn có một số điều lệ học giới, dựa theo giới bổn của Tỳ khưu ni. Cũng như các vị Tỳ khưu, các vị Tu nữ ăn cơm trong bình bát, không cất giữ tiền bạc hay sở hữu bất kỳ một hình thức tài sản riêng tư nào, hoàn toàn sống nhờ vào sự cúng dường tứ vật dụng của hàng cư sĩ. Tất cả mọi việc có liên quan đến chi thu tài chánh để điều hành Ni viện đều do các cư sĩ trong Ban Trị Sự của Hội Phật Giáo Tây Úc quản lý.

Chương trình sinh hoạt hằng ngày tại Ni viện Dhammasara cũng tương tự như lịch sinh hoạt của các vị Tỳ khưu tại Tu viện Bodhinyana.

Hiện nay, Tu viện có 3 vị Tu nữ: Ni sư Vayama, Sư cô Nirodha người Úc, và Sư cô Seri người Malaysia, và hai vị giới tử. Mỗi tháng, Ni sư Vayama về thành phố Perth để giảng pháp và hướng dẫn hành thiền cho các cư sĩ hội viên. Theo nội qui của Hội Phật Giáo Tây Úc, Ni sư Vayama cùng với Ngài Ajahn Branhmavamso là hai vị Cố vấn Tinh thần (Spiritual Directors) của Hội.

Ngoài tu viện Bodhinyana và ni viện Dhammasara ở Úc, còn có một số tu viện khác của tăng sĩ Tây phương trong truyền thống Ẩn Lâm của ngài Ajahn Chah, như: tu viện Abhayagiri ở Hoa Kỳ; ở Anh quốc có các tu viện Amaravati, Ratanagiri, Cittaviveka, Santidhamma; ở Thụy Sĩ có tu viện Dhammapala; ở Ý có tu viện Santacittarama; và ở Tân Tây Lan có tu viện Bodhinyanarama. Nguyên tắc sinh hoạt tại các tu viện này cũng tương tự như tu viện tại Tây Úc.



C. Xuất gia trong điều kiện nào là thích hợp nhất

Cư sĩ Bình Anson

Nhìn chung, mặc dù môi trường và hoàn cảnh hiện nay trong xã hội Tây Phương có phần khác biệt so với thời Đức Phật còn tại thế, nhưng trong 20 năm qua, Tăng đoàn tại Tây Úc đã nỗ lực gầy dựng một truyền thống tu học và gìn giữ giới luật theo đúng tinh thần của Phật giáo Nguyên thủy. Điều này tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng có lẽ có 2 yếu tố quan trọng nhất: Thứ nhất là sự quyết tâm tu học và hành trì giới luật nghiêm túc của vị lãnh đạo Tăng chúng và các thành viên Tăng đoàn; và thứ hai là sự quyết tâm hỗ trợ và thành tâm học tập, nhiệt tình đóng góp Phật sự tích cực của các vị cư sĩ hộ tăng, hộ tự.

Thêm vào đó, chúng tôi nghĩ rằng để Phật giáo được quảng bá và thật sự bám rễ tại môt quốc gia Âu Mỹ, các tu viện, tự viện phải được mở rộng, vượt qua các rào cản về văn hóa, sắc tộc, để đón nhận người dân bản địa. Hoạt động của Hội Phật giáo Tây Úc và hai Tu viện Bodhinyana và Dhammasara có thể xem như là một thí dụ điển hình. Đây không phải là một hội Phật giáo dành riêng cho cộng đồng người Việt, hay người Hoa, người Thái, người Miến, v.v... mà là hội Phật giáo của người Úc tại xứ Úc. Các thành viên có thể đến từ nhiều nguồn gốc văn hóa khác nhau, nhưng tất cả đều dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, và các hình thức văn hóa phong tục lễ nghi rườm rà không cần thiết cần phải được gạn lọc, để chỉ giữ lại phần gốc tinh túy nhất của đạo Phật. Các vị tu sĩ giảng sư hoặc là người bản địa, hoặc là người có thể thuyết giảng thông thạo bằng tiếng bản xứ (ở đây là tiếng Anh). Các vị này cũng cần phải qua một quá trình tu học nhiều năm tại một quốc gia Phật giáo ở châu Á (Thái Lan, Sri Lanka, Miến Điện) để có thể thấm nhuần và thông hiểu tường tận các sinh hoạt và nghi thức tinh yếu của Phật Giáo. Các sinh hoạt của Hội cũng cần có mục đích cung ứng nhu cầu tâm linh của giới trẻ, giảng giải Phật Pháp bằng những ngôn từ giản dị, hiện đại, thuận lý và mạch lạc, hướng dẫn các khóa thiền thư dãn tâm trí, và khuyến khích hội viên tích cực tham gia các công tác thiện nguyện, cứu trợ xã hội, v.v...

Đời sống xuất gia là một đời sống thanh cao, lý tưởng. Những người cư sĩ tại gia chúng ta cần phải có nhiều đóng góp - thì giờ, công sức, lẫn tiền bạc - để tạo điều kiện thuận lợi cho những vị nào thành tâm tu học, nam tu sĩ lẫn nữ tu sĩ. Qua những gì chúng tôi quan sát được tại Tây Úc, chúng ta cần khuyến khích các giới trẻ tham gia Phật sự, nghe thuyết pháp, và hành thiền. Nếu đạo hữu nào phát tâm xuất gia thì cũng cần phải kiên nhẫn, phải thử qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên là thường xuyên tham gia các khóa học Phật pháp phổ thông, các khóa thiền căn bản, và cũng nên cố gắng học tụng đọc các bài kinh căn bản. Đời sống riêng tư tại thế cũng cần giản dị hóa, giảm thiểu mọi ràng buộc, mọi nhu cầu không cần thiết. Sau đó, nên thu xếp thì giờ để đến tu học ngắn hạn tại tu viện, để làm quen với lối sống tại đó. Dần dần, nếu cảm thấy thích hợp thì có thể tiến đến giai đoạn lâu dài hơn, để tu học như là giới tử, rồi sa-di, và tỳ khưu hoặc là tu nữ.

Với những ai vì già yếu, hay bệnh tật, không thể sống được tại tu viện, hoặc không thể tiếp cận được một tu viện thích hợp, thì vẫn có thể tu ẩn cư tại nhà, giữ 8 giới. Tuy rằng phương cách nầy có nhiều hạn chế, nhưng theo thiển ý, cũng là một phương cách tốt, một phương cách tâm lý xuất gia, cũng có thể đưa đến nhiều kết quả tốt lành và cao quý cho đời sống tâm linh.


Thơ

Nào Phải

Ta bỏ đi, mà chưa từng bỏ cuộc
Về Tây Thiên đâu chỉ một lối mòn
Quên phố xá, ta lên ngàn hái thuốc
Gióng chuông chiều trên đỉnh đá chon von

Hỏi mượn nhau một chút tình rêu cỏ
Về làm thơ tiêu sái những đêm khuya
Và đâu đấy những buồn vui nho nhỏ
Đã hóa thân từng chiếc lá chia lìa

Mai ta đi, với chốn về mù mịt
Nẻo tà dương, đời mạt pháp lâu rồi
Nhớ người xưa, ta về ngồi diện bích
Trăng trên đầu...theo tuế nguyệt đầy vơi

Thơ Toại Khanh



TIN TỨC

No. 0564 NEW (Tinh Tấn dịch)
Chúng ta phải phục hồi ngôn ngữ Pali trong trường học

Bản tin đăng tải trên trang Web Dailynews.lk, ngày 5 tháng 10, 2005.
Được viết bởi ông Lionel Wijesiri

Trong suốt đầu thập niên 1960, khi tôi là một học sinh trung học đệ nhị cấp, tôi có sự may mắn tốt lành là được học ngôn ngữ Pali như một đề án. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong những Chủ đề của chúng tôi. Chúng tôi được các thầy của chúng tôi khuyến khích để tham khảo sâu về Kinh Pháp Cú. Kết quả là một số rất lớn các học giả Phật giáo ra đời trong thế hệ của chúng tôi.

Một thanh thiếu niên Phật tử biết gì về ngôn ngữ Pali ngày nay - nguồn gốc, lịch sử, sự thích đáng của ngôn ngữ này đối với Phật giáo như thế nào? Chúng tôi nên giới thiệu ngôn ngữ Pali một cách chính xác từ giai đoạn đầu, và sự gia tăng cách dùng ngôn ngữ này nên được phát triển dần dần để sự hấp dẫn về ngôn ngữ của Đức Phật được tiến triển.

Các nguồn gốc của ngôn ngữ Pali, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, bị mất đi do vô thường của thời gian. Qua nhiều thế kỷ, Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) công nhận rằng ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để thuyết giảng, và do đó được đồng nghĩa với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà (Magadhi), là ngôn ngữ của vương quốc Bắc Ân của xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) nơi Đức Phật đã trú ngụ và giảng đạo. Sự đồng nhất ngôn ngữ Pali với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà xuất hiện rất sớm trong văn học Phật Giáo Nguyên Thủy – có thể sớm như Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Tam Tạng kinh điển, có lẽ được bảo tồn trong ngôn ngữ nguyên thủy của Đức Phật (cách nói người miền Đông Bắc Ấn), đương đầu với ngôn ngữ Pali ở vài điểm trong lịch sử - hầu như suốt thời kỳ ngôn ngữ Pali hiện diện khắp nơi ở Bắc Ấn – và đã được ghi chép bằng ngôn ngữ này.

Dù khởi nguyên như thế nào, ngôn ngữ Pali có vài quan điểm trở thành ngôn ngữ thường duy trì và đưa vào Tam Tạng. Ít nhất trong thế kỷ thứ nhất sau khi Đức Phật Niết Bàn, các lời dạy của Đức Phật không được viết xuống, và vẫn giữ một truyền thống khẩu truyền. Lời dạy này được ghi chép tại Tích Lan có lẽ đúng nhất suốt thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, vào triều đại của Vua Vattagamani. Văn bản Pali này đã được viết trên lá bối, như một sự cố gắng duy trì để đối lại sự đe dọa đến tầng lớp Phật giáo – gần nhất, một cuộc chiến tranh xâm lấn từ Nam Ấn.

Không rõ khi nào thì ngôn ngữ Pali không còn là nguồn gốc ngôn ngữ, và trở thành chuyển tiếp trong lãnh vực tôn giáo. Ngay cả sau khi ngôn ngữ Pali bị chết trong thành phần còn lại của xã hội, Pali lại tiếp tục được xử dụng trong chùa và tu viện, không những để bảo tồn văn bản, mà còn để sọan thảo lời diễn giải, và cho phép giao tiếp giữa Chư Tăng Nguyên Thủy từ các quốc gia khác nhau.

Trong các quốc gia Nguyên thủy khác nhau nơi mà ngôn ngữ Pali được nói, viết trong nguyên bản địa phương, và thường được phát âm hay ngâm kệ tùy theo sự khác nhau của ngôn ngữ địa phương.

Hai thời kỳ chính của văn học Pali được các nhà học giả Pali đồng nhất. Đầu tiên, sự nhất trí về việc ghi chép Tam tạng vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Thời kỳ thứ hai là thế kỷ thứ 5, sự tăng trưởng của nền văn học Sankrit gây nên sự phục hưng của ngôn ngữ Pali đầu tiên, bắt đầu hầu như đơn độc của vị Cao Tăng Buddhaghosa và chư đệ tử của Ngài tại tu viện Mahavihara.

Có lẽ thế kỷ thứ 20 nhìn thấy sự hồi sinh lần cuối của ngôn ngữ Pali, mặc dù nguồn gốc của sự biến động này nằm vào thế kỷ thứ 19. Sự quan tâm về ngôn ngữ Pali từ phía Tây, biểu hiện nhất do Hội Văn học Pali (Pali Text Society) vào năm 1881 để xúc tiến nền văn học Pali trong thế giới bên ngoài Châu Á.
Gia tăng đại chúng quan tâm đến Phật giáo về phía Tây giúp vài bản dịch mới đầu tiên của văn bản Pali một cách nhanh chóng, cũng như dịch thuật về các công trình chưa được khảo cứu trước đây.

(tinhtan luoc dich)
___________________________________________________________

No. 0591 NEW(Hạt Cát dịch)

Thống Ðốc Kashmir tán dương nét đặc thù vẻ vang liên quan đến Phật Giáo của Kashmir, Ấn Ðộ.

Bản tin đăng tải trên trang Web Greater Kashmir ngày 25 tháng 10, 2005

Patna, Oct 25: Thống đốc tiểu bang Jammu và Kasmir, Ấn Ðộ, Tướng hồi hưu SK Sinha ngày hôm nay đã diễn tả sự lạc quan về ánh bình minh của hòa bình tại Jammu và Kashmir trong thời gian không lâu sắp tới và tình trạng bình thường sẽ trở lại rất nhanh trong khu vực Thung Lũng từng là một đại trung tâm văn hóa và triết học Phật Giáo.

Trong bài diễn văn đọc trước các phái đoàn đại biểu Phật Giáo từ nhiều nơi trên thế giới tại Ratnagiri Hill, Rajgir ở gần đây sáng nay trong lễ kỷ niệm lần thứ 36 chu niên Tháp Wishwa Shanti, ngài Thống đốc đã nhắc lại bối cảnh lịch sử của thành phố Srinaga với sự quan hệ đến kỷ nguyên Phật Giáo.

Ông nói Thung Lũng Kashmir thấm đẫm lịch sử Phật Giáo với vô số tu viện phát triển nơi đây. Thung Lũng Kashmir, nổi danh là Thiên Ðường Ðịa Cầu đã trở thành Thung Lũng Tu Viện. Thành phố Srinaga được xây dựng bởi Ðại Ðế A Dục, và vào buổi sơ khai của kỷ nguyên Thiên Chúa, Ðức Vua Kanishka, một quân vương khác cai trị một vương quốc rộng lớn từ Peshawa, kể cả Kashmir.

Cũng trong bài diễn văn, Tướng Sinha đề cập đến một sự thật thú vị trong lịch sử, không được nhiều người biết đến, đó là chuyện Ðức Vua Kanishka muốn có được học giả Phật Giáo lừng danh nhất vào thời đại ấy, Ashwaghosh, tức là Ngài Mã Minh, đang sinh sống ở Pataliputra, trong triều đình của Ngài. Ashwaghost từ chối rời khỏi Pataliputra và Vua Kanishka yêu cầu Ðức Vua xứ Magadha phải gửi Ashwaghosh đến cho ông, Vua xứ Magadha từ chối, Vua Kanishka cử binh chinh phạt tiến đến Pataliputra dùng vũ lực mang Ashwaghosh về Peshawar.

Tướng Sinha nói rằng chiến tranh xâm lược từng xảy ra trong lịch sử vì cướp bóc, chiếm đọat, khủng bố, lợi dụng và ngay cả bàn tay của một mỹ nhân nhưng chưa từng có một ví dụ nào khác trong lịch sử về một cuộc chiến tranh xâm lược được thực hiện vì đòi hỏi một nhà thông thái.

Ông Thống Ðốc nói tiếp rằng học giả Ashwaghosh trở thành ngọn đuốc sáng chói trong triều đình của Ðức Vua Kanishka và đã tổ chức Cuộc Kết Tập Kinh Tạng nổi tiếng lần thứ tư tại Srinaga vào Thế Kỷ Thứ Nhất sau Tây Lịch. Ðây là một trong những cuộc tập hợp các học giả Phật Giáo lớn lao nhất vào thời kỳ ấy. Phật giáo đã lan truyền từ đó đến Trung Á, Trung Hoa và Tây Tạng. Ông nói dân số Phật Giáo và tu viện Phật Giáo đông đảo nhất tại Ấn Ðộ là ở vùng Ladakh. “Ðây là một đặc ân cho tôi khi được đến đây từ Kashmir và mang đến cho Hội Phật Giáo Rajgir hai bức phóng ảnh đóng khung và một bộ sưu tập ảnh”.

“Hai bức phóng ảnh là hình pho tượng Phật bằng đá tại Molbek thuộc Ladakh. Pho tượng Phật bằng đá này hiện nay là pho tượng lớn nhất thế giới sau khi các pho tượng ở Bamyan bị bọn quá khích Talilban phá hủy, và bức kia là hình ảnh mợt khu vực thuộc Srinaga nơi Ðức Vua A Dục xây dựng thành phố Srinaga. Một ngôi chùa cổ Phật giáo được xây dựng ở đó vẫn còn được bảo tồn tốt đẹp. Ðường nét ngôi chùa rất mỹ thuật. Bộ sưu tập ảnh gồm hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật tìm thấy tại Thung Lũng Kasmir”. Ông Thống Ðốc nói thêm như vậy.
Nhật Hành

Ngày: 27 Tháng 10 năm 2005

Tri chúng: anitya


Tri chúng điền khuyết:


Môn học: Đề án trong tháng: Truyền Thống Tăng Già


Bài học: Phần IV: CON ĐƯỜNG THOÁT TỤC


Giảng sư chính:


Giảng sư điền khuyết:


Vị Tăng hoặc Ni nói lời cầu nguyện đầu lớp học: DD Minh Hanh

Xướng ngôn viên: Hat Cat, Khanh Van, Nguonduchanh, anitya, Nhi Do Mai, Sangkhaly, Tinh Tan, Tieu Long Nu, mindvox, Nhu Phuc

http://baidocmc.blogspot.com/

Người mở room: mindvox, Dieu Quang, Hat Cat

Người mở nhạc và kinh tụng: mindvox, Dieu Quang, Hat Cat


Người post bài cho Room: Nguonduchanh, mindvox va Hat Cat

Người post bài riêng cho chư Tăng: Nguonduchanh, mindvox va Hat Cat

Trực room (op):


Thông báo (nếu có):
Đề án trong tháng: Truyền Thống Tăng Già



Phần IV: CON ĐƯỜNG THOÁT TỤC



Chủ biên: TK Uyên Minh



A. Xuất Gia Là Gì ?


Cổ đức nói Tam Giới như hoả trạch, ba cõi chẵng khác nhà đang cháy, ở đâu cũng vậy, sang hèn ngu trí đều nằm trong biển lữa đó. Ngàn xưa, ngàn sau và đương thời Phật luôn có nhiều người tỉnh mộng tử sinh mà tìm đạo giải thoát, ta gọi đó là hạnh xuất gia. Khi Phật xuất hiện ở đời, ngài xác định rõ ràng hai lối xuất gia được xem là đồng nghĩa ( Xem bốn trường hợp viễn ly trong Tăng Chi Bộ): Một nội tâm vượt thoát thế tục trong hình thức thế tục và một nội tâm vượt thoát thế tục trong nếp sống thoát tục,tị thế. Nhàm chán sinh tử cũng là một cách xuất gia, thể hiện tâm lý ấy bằng một hình thức sinh hoạt chuyên biệt là một cách xuất gia khác. Dĩ nhiên một đời sống thoát tục luôn có nhiều điều kiện tu học hơn là nếp sống cư sĩ. Nhưng trước sau, một nội tâm ly trần vẫn là căn bản tiêu chuẩn cho cái gọi là hạnh Xuất Gia mà tiếng Pàli có hai chữ gọi : Nekkhamma ( bỏ đời mà đi) hoặc Abhikkamana ( dấn thân vào một hành trình mới). Từ đó kinh điển vẫn gọi cuộc lên đường của Bồ Tát Tất Đạt là Mahàbhikkamana ( cuộc lên đường vĩ đại). Ai đọc Phật Sử từ các Chú Sớ sẽ thường thấy chữ này. Nói vậy, ai cũng có thể là bậc xuất gia, dù trong nguyên tắc sinh hoạt của Tăng Đoàn thì kẻ còn mặc áo đời cứ được gọi là tục gia cư sĩ và trong giao tiếp với Tăng Chúng, họ cũng nên tự biết những giới hạn.



B. Những Thuận- Nghịch Duyên Trong Hạnh Xuất Gia


Ngài Ca Diếp ( trong Tăng Chi Bộ) từng thưa với Đức Phật rằng đời sống phạm hạnh quả thật quá nhiều hiểm nạn ( chữ dùng của ngài Minh Châu) và đức Thế Tôn cũng đã xác nhận điều đó. Trong cách riêng mà nói, lý tưởng xuất gia hay thoát tục chính là hành trình đi ngược dòng đời. Dù ngược gió, ngược nước, hay leo dốc, kẻ trên đường đều phải tận lực mới mong đi trọn hành trình. Cách xuất gia nào cũng thế, dù chỉ là Xuất Gia Tâm Lý hay Tâm Tướng Tương Dung đều có những ma chướng, trở lực. Hạnh xuất gia càng nghiêm cẩn, chướng khí nghịch duyên cũng càng lớn. Cả thử thách và cám dỗ đều là chướng duyên. Ngọt hay đắng đều có thể khiến người bỏ cuộc. Trở lực có thể là những cuồng phong mà mình và người đều thấy, nhưng cũng có thể là từng rạn vỡ âm thầm kín khuất nào đó mà ngoại nhân không sao chia sẽ với ta. Chân lý chỉ có một, nhưng cái tương tợ với nó thì muôn trùng. Người xuất gia phải có được cái kiên tâm của người lựa đậu hay nhặt thóc. Chữ Kiên Tâm này gói tròn muôn hạnh khác của kẻ xuất gia.



C. Xuất Gia Bằng Cách Nào ?


Nếu chỉ là xuất gia trên tâm lý thì đương sự chỉ việc tận dụng mọi điều kiện để sống thiện, ít hay nhiều không ai đòi hỏi thêm ở chúng ta. Nhưng nếu đã chọn hạnh xuất gia bằng cả tăng tướng thì vấn đề có khác. Vì lúc này đương sự ngoài mục đích tự độ, còn là mô phạm cho chúng sinh và làm phước điền cho thiên hạ, nên giữa đời quá câu nệ hình danh sắc tướng này, một hình thức mẩu mực cứ là điều cần thiết. Luật Tạng Pàli có nói đến nhiều nghi thức cần có cho một người muốn đắp áo xuất gia. Buổi sơ kỳ có thể chỉ là ba biến quy mạng Tam Bảo trước sự chứng minh của đức Phật, nhưng dần dần Tăng chúng phải cần đến những giới đàn ( dĩ nhiên không màu mè lượm thượm như không ít hậu nhân đã muốn thế). Tinh thần của Phật Giáo chỉ là Cần và Đủ. Các tuyên ngôn chỉ là nghi thức tối thiểu để đón nhận một thành viên mới trong tăng đoàn và đương sự ngay lúc ấy phải hiểu mình đã chính thức trở thành một trong những người truyền thừa chính thức của đức Phật.


Thơ

Vẫn Nhớ Từng Đêm Cổ Thư Ơi

Mai kia còn dịp về quê cũ
Hái sậy bờ sông kết thảo lư
Cuối năm chong mắt chờ nước lũ
Bên dòng thả hết chuyện tâm tư
Những bếp lửa chiều ngồi nấu thuốc
Nắng quái nhuộm vàng áo lão sư
Có con bìm bịp kêu nước lớn
Người gỏ ấm trà hát vô tư
Thiên hạ rằng ngoài sông có quỷ
Với những tràng cười suốt canh khuya
Những chiều mưa gió qua bãi sậy
Có bóng lêu khêu vẫn đi về
Ðôi lúc giữa trời nước mênh mông
Tiếng ai rờn rợn suốt bãi sông
"Ðời mạt pháp rồi, trời sắp tối
Ðò sang bờ Giác, ai đi không ?”

Toại Khanh


TIN TỨC

No. 0564 NEW (Tinh Tấn dịch)
Chúng ta phải phục hồi ngôn ngữ Pali trong trường học

Bản tin đăng tải trên trang Web Dailynews.lk, ngày 5 tháng 10, 2005.
Được viết bởi ông Lionel Wijesiri

Trong suốt đầu thập niên 1960, khi tôi là một học sinh trung học đệ nhị cấp, tôi có sự may mắn tốt lành là được học ngôn ngữ Pali như một đề án. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong những Chủ đề của chúng tôi. Chúng tôi được các thầy của chúng tôi khuyến khích để tham khảo sâu về Kinh Pháp Cú. Kết quả là một số rất lớn các học giả Phật giáo ra đời trong thế hệ của chúng tôi.

Một thanh thiếu niên Phật tử biết gì về ngôn ngữ Pali ngày nay - nguồn gốc, lịch sử, sự thích đáng của ngôn ngữ này đối với Phật giáo như thế nào? Chúng tôi nên giới thiệu ngôn ngữ Pali một cách chính xác từ giai đoạn đầu, và sự gia tăng cách dùng ngôn ngữ này nên được phát triển dần dần để sự hấp dẫn về ngôn ngữ của Đức Phật được tiến triển.

Các nguồn gốc của ngôn ngữ Pali, cũng như nhiều ngôn ngữ khác, bị mất đi do vô thường của thời gian. Qua nhiều thế kỷ, Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) công nhận rằng ngôn ngữ Pali là ngôn ngữ mà Đức Phật dùng để thuyết giảng, và do đó được đồng nghĩa với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà (Magadhi), là ngôn ngữ của vương quốc Bắc Ân của xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) nơi Đức Phật đã trú ngụ và giảng đạo. Sự đồng nhất ngôn ngữ Pali với ngôn ngữ Ma Kiệt Đà xuất hiện rất sớm trong văn học Phật Giáo Nguyên Thủy – có thể sớm như Thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Tam Tạng kinh điển, có lẽ được bảo tồn trong ngôn ngữ nguyên thủy của Đức Phật (cách nói người miền Đông Bắc Ấn), đương đầu với ngôn ngữ Pali ở vài điểm trong lịch sử - hầu như suốt thời kỳ ngôn ngữ Pali hiện diện khắp nơi ở Bắc Ấn – và đã được ghi chép bằng ngôn ngữ này.

Dù khởi nguyên như thế nào, ngôn ngữ Pali có vài quan điểm trở thành ngôn ngữ thường duy trì và đưa vào Tam Tạng. Ít nhất trong thế kỷ thứ nhất sau khi Đức Phật Niết Bàn, các lời dạy của Đức Phật không được viết xuống, và vẫn giữ một truyền thống khẩu truyền. Lời dạy này được ghi chép tại Tích Lan có lẽ đúng nhất suốt thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, vào triều đại của Vua Vattagamani. Văn bản Pali này đã được viết trên lá bối, như một sự cố gắng duy trì để đối lại sự đe dọa đến tầng lớp Phật giáo – gần nhất, một cuộc chiến tranh xâm lấn từ Nam Ấn.

Không rõ khi nào thì ngôn ngữ Pali không còn là nguồn gốc ngôn ngữ, và trở thành chuyển tiếp trong lãnh vực tôn giáo. Ngay cả sau khi ngôn ngữ Pali bị chết trong thành phần còn lại của xã hội, Pali lại tiếp tục được xử dụng trong chùa và tu viện, không những để bảo tồn văn bản, mà còn để sọan thảo lời diễn giải, và cho phép giao tiếp giữa Chư Tăng Nguyên Thủy từ các quốc gia khác nhau.

Trong các quốc gia Nguyên thủy khác nhau nơi mà ngôn ngữ Pali được nói, viết trong nguyên bản địa phương, và thường được phát âm hay ngâm kệ tùy theo sự khác nhau của ngôn ngữ địa phương.

Hai thời kỳ chính của văn học Pali được các nhà học giả Pali đồng nhất. Đầu tiên, sự nhất trí về việc ghi chép Tam tạng vào khoảng thế kỷ thứ nhất. Thời kỳ thứ hai là thế kỷ thứ 5, sự tăng trưởng của nền văn học Sankrit gây nên sự phục hưng của ngôn ngữ Pali đầu tiên, bắt đầu hầu như đơn độc của vị Cao Tăng Buddhaghosa và chư đệ tử của Ngài tại tu viện Mahavihara.

Có lẽ thế kỷ thứ 20 nhìn thấy sự hồi sinh lần cuối của ngôn ngữ Pali, mặc dù nguồn gốc của sự biến động này nằm vào thế kỷ thứ 19. Sự quan tâm về ngôn ngữ Pali từ phía Tây, biểu hiện nhất do Hội Văn học Pali (Pali Text Society) vào năm 1881 để xúc tiến nền văn học Pali trong thế giới bên ngoài Châu Á.
Gia tăng đại chúng quan tâm đến Phật giáo về phía Tây giúp vài bản dịch mới đầu tiên của văn bản Pali một cách nhanh chóng, cũng như dịch thuật về các công trình chưa được khảo cứu trước đây.

(tinhtan luoc dich)
__________________________________________________________

No. 0591 NEW(Hạt Cát dịch)

Thống Ðốc Kashmir tán dương nét đặc thù vẻ vang liên quan đến Phật Giáo của Kashmir, Ấn Ðộ.

Bản tin đăng tải trên trang Web Greater Kashmir ngày 25 tháng 10, 2005

Patna, Oct 25: Thống đốc tiểu bang Jammu và Kasmir, Ấn Ðộ, Tướng hồi hưu SK Sinha ngày hôm nay đã diễn tả sự lạc quan về ánh bình minh của hòa bình tại Jammu và Kashmir trong thời gian không lâu sắp tới và tình trạng bình thường sẽ trở lại rất nhanh trong khu vực Thung Lũng từng là một đại trung tâm văn hóa và triết học Phật Giáo.

Trong bài diễn văn đọc trước các phái đoàn đại biểu Phật Giáo từ nhiều nơi trên thế giới tại Ratnagiri Hill, Rajgir ở gần đây sáng nay trong lễ kỷ niệm lần thứ 36 chu niên Tháp Wishwa Shanti, ngài Thống đốc đã nhắc lại bối cảnh lịch sử của thành phố Srinaga với sự quan hệ đến kỷ nguyên Phật Giáo.

Ông nói Thung Lũng Kashmir thấm đẫm lịch sử Phật Giáo với vô số tu viện phát triển nơi đây. Thung Lũng Kashmir, nổi danh là Thiên Ðường Ðịa Cầu đã trở thành Thung Lũng Tu Viện. Thành phố Srinaga được xây dựng bởi Ðại Ðế A Dục, và vào buổi sơ khai của kỷ nguyên Thiên Chúa, Ðức Vua Kanishka, một quân vương khác cai trị một vương quốc rộng lớn từ Peshawa, kể cả Kashmir.

Cũng trong bài diễn văn, Tướng Sinha đề cập đến một sự thật thú vị trong lịch sử, không được nhiều người biết đến, đó là chuyện Ðức Vua Kanishka muốn có được học giả Phật Giáo lừng danh nhất vào thời đại ấy, Ashwaghosh, tức là Ngài Mã Minh, đang sinh sống ở Pataliputra, trong triều đình của Ngài. Ashwaghost từ chối rời khỏi Pataliputra và Vua Kanishka yêu cầu Ðức Vua xứ Magadha phải gửi Ashwaghosh đến cho ông, Vua xứ Magadha từ chối, Vua Kanishka cử binh chinh phạt tiến đến Pataliputra dùng vũ lực mang Ashwaghosh về Peshawar.

Tướng Sinha nói rằng chiến tranh xâm lược từng xảy ra trong lịch sử vì cướp bóc, chiếm đọat, khủng bố, lợi dụng và ngay cả bàn tay của một mỹ nhân nhưng chưa từng có một ví dụ nào khác trong lịch sử về một cuộc chiến tranh xâm lược được thực hiện vì đòi hỏi một nhà thông thái.

Ông Thống Ðốc nói tiếp rằng học giả Ashwaghosh trở thành ngọn đuốc sáng chói trong triều đình của Ðức Vua Kanishka và đã tổ chức Cuộc Kết Tập Kinh Tạng nổi tiếng lần thứ tư tại Srinaga vào Thế Kỷ Thứ Nhất sau Tây Lịch. Ðây là một trong những cuộc tập hợp các học giả Phật Giáo lớn lao nhất vào thời kỳ ấy. Phật giáo đã lan truyền từ đó đến Trung Á, Trung Hoa và Tây Tạng. Ông nói dân số Phật Giáo và tu viện Phật Giáo đông đảo nhất tại Ấn Ðộ là ở vùng Ladakh. “Ðây là một đặc ân cho tôi khi được đến đây từ Kashmir và mang đến cho Hội Phật Giáo Rajgir hai bức phóng ảnh đóng khung và một bộ sưu tập ảnh”.

“Hai bức phóng ảnh là hình pho tượng Phật bằng đá tại Molbek thuộc Ladakh. Pho tượng Phật bằng đá này hiện nay là pho tượng lớn nhất thế giới sau khi các pho tượng ở Bamyan bị bọn quá khích Talilban phá hủy, và bức kia là hình ảnh mợt khu vực thuộc Srinaga nơi Ðức Vua A Dục xây dựng thành phố Srinaga. Một ngôi chùa cổ Phật giáo được xây dựng ở đó vẫn còn được bảo tồn tốt đẹp. Ðường nét ngôi chùa rất mỹ thuật. Bộ sưu tập ảnh gồm hình ảnh các tác phẩm nghệ thuật tìm thấy tại Thung Lũng Kasmir”. Ông Thống Ðốc nói thêm như vậy.