Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014
GIÁO TRÌNH KINH TẬP SUTTANIPÀTA
(XII) Kinh Hai Pháp Tuỳ Quán (Sn 139)
Này các Tỷ-kheo, có thể
các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Ai có nương tựa, thì bị dao
động", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Ai không có nương tựa, không
bị dao động", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo
chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
752. Không nương tựa, không động,
Nương tựa có chấp thủ,
Chấp hữu này, hữu khác,
Không chinh phục luân chuyển.
753. Sau khi rõ biết được,
Nguy hiểm tai hại nầy,
Trong các sự nương tựa,
Có sợ hãi lớn lao,
Không nương tựa y chỉ,
Không chấp thủ, chánh niệm,
Vị Tỷ-kheo bộ hành,
Khắp tất cả chân trời.
Này các Tỷ-kheo, có thể
các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các
Tỷ-kheo "Các pháp vô sắc an tịnh hơn các sắc pháp", đây là pháp tùy quán
thứ nhất. "Sự đoạn diệt an tinh hơn các pháp vô sắc", đây là pháp tùy
quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
754. Chúng sanh thuộc sắc giới,
Chúng sanh trú vô sắc,
Không tuệ tri đoạn diệt,
Chúng đi đến tái sanh.
755. Những ai liễu tri sắc,
Khéo an trú vô sắc,
Giải thoát trong đoạn diệt,
Họ từ bỏ sự chết.
Này các Tỷ-kheo, có thể
các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các
Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên,
được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và
loài Người suy tưởng: "Ðây là sự thật", cái ấy được các vị Thánh khéo
thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là hư vọng", đây là pháp
tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên,
các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và
Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là hư vọng", cái
ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này
là chân thật", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo
chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
756. Hãy xem thế giới nầy,
Với thế giới chư Thiên,
Hoan hỷ với phi ngã,
An trú trên danh sắc,
Nghĩ rằng danh sắc này
Là chân thật không ngụy.
757. Dầu họ nghĩ thế nào,
Khi danh sắc đổi khác,
Danh sắc là hư vọng,
Giả dối sống tạm bợ,
758. Niết-bàn không hư ngụy,
Bậc Thánh chân thật biết,
Họ thắng tri chân thật,
Không ái dục, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể
các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các
Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên,
được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và
loài Người suy tưởng: "Ðây là an lạc", cái ấy được các vị Thánh khéo
thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là khổ", đây là pháp tùy
quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các
Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và
Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là khổ", cái ấy
được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là
lạc", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn
chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
759. Sắc, tiếng, hương, vị, xúc,
Tất cả những pháp này,
Khả lạc, hỷ, khả ý,
Khi nào chúng hiện hữu.
760. Thế giới với chư Thiên
Xem chúng là khả lạc,
Khi chúng bị hoại diệt,
Mới thấy chúng là khổ.
761. Bậc Thánh thấy là lạc,
Khi có thân đoạn diệt,
Ðây hoàn toàn trái ngược,
Ðiều mọi giới được thấy.
762. Ðiều người khác gọi lạc,
Bậc Thánh gọi là khổ,
Ðiều người khác gọi khổ,
Bậc Thánh biết là lạc,
Hãy xem pháp khó biết,
Kẻ không thấy mê mờ.
763. Kẻ bị che, tối tăm,
Kẻ không thấy, tối mù,
Bậc thiện, được rộng mở,
Bậc thấy, được ánh sáng,
Kẻ ngu dầu có gần,
Cũng không biết con đường,
Cũng không có thiện xảo,
Ðối Chánh pháp Phật dạy.
764. Bị hữu tham chiến bại,
Bị trôi theo dòng hữu,
Rơi vào Ma chi phối,
Pháp này khó chánh giác.
765. Ai ngoài các bậc Thánh,
Xứng đáng đạo chánh giác.
Do chánh trí đạo ấy
Chứng vô lậu Niết-bàn.
Thế Tôn thuyết như vậy.
Các Tỷ-kheo ấy hoan hỉ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi pháp này được
giảng, tâm của hơn sáu mươi Tỷ-kheo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không
có chấp thủ.