Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 1-1-11

DỤ NGÔN NHỮNG NGƯỜI MÙ RỜ VOI
Dù kinh qua nhưng phiến diện vẫn sai lầm

IV) (Ud 66)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: "Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".

Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi, để khất thực, Khất thực ở Sàvatthi xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực..."... như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".

- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh... như thế này là pháp. Này các Tỷ-kheo, thưở xưa tại thành Sàvatthi này, có một ông vua. Này các Tỷ-kheo, ông vua ấy bảo một người: "Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi hãy nhóm lại một chỗ tất cả " - "Thưa vâng, Ðại vương". Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi, người ấy giữ lại tất cả, rồi đi đến ông vua ấy, sau khi đến thưa với vị vua: "Thưa Ðại vương, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi đã được tụ tập lại".

- Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.

Thưa vâng, Ðại vương. Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, đưa ra một con voi cho những người mù: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! " Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? " - "Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi". - Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? " Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. " Những ai... được thấy cái vòi..."... như cái cày". Những ai... được thấy cái thân..."... như cái kho chứa. " Những ai... được thấy cái chân..."... như cái cột. " Những ai... được thấy cái lưng..."... như cái cối. " Những ai... được thấy cái đuôi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày". Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi " - "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi". Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay. Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt... như vậy là pháp.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

4. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.

KINH PHẬT TỰ THUYẾT. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 31-12-2010

THÍ DỤ CHUỖI NGƯỜI MÙ ÔM LƯNG NHAU
Chân lý không nằm ở giòng truyền thừa

Kinh Cankì
(Cankì sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn du hành trong nước Kosala cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo, và đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala, tên là Opasada.

Thế Tôn trú tại Opasada, tại rừng chư Thiên (Devavana), rừng cây sala (Salavana), phía Bắc làng Opasada. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Canki trú ở Opasada, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, lúa gạo phì nhiêu, một vương địa do vua Pasenadi, vua nước Kosala cấp, một ân tứ của vua, một tịnh ấp.

............

Rồi Bà-la-môn Canki, cùng với đại chúng Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những người chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi và nói lên với những Bà-la-môn trưởng thượng những lời thân hữu về vấn đề này, vấn đề khác. Khi ấy có thanh niên Bà-la-môn tên Kapathika, trẻ tuổi, đầu cạo trọc, mới có mười sáu tuổi, từ khi sanh, thông hiểu ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biệt tài về Thuận thế luận và Ðại nhân tướng, thanh niên này đang ngồi giữa hội chúng ấy. Thanh niên này thỉnh thoảng cắt đứt cuộc đàm luận giữa Thế Tôn và các vị Bà-la-môn trưởng thượng. Rồi Thế Tôn khiển trách thanh niên Bà-la-môn Kapathika:

-- Hiền giả Bharadvaja, chớ có cắt ngang cuộc đàm luận của các Bà-la-môn trưởng thượng. Hiền giả Bharadvaja hãy chờ cho đến khi câu chuyện chấm dứt.

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Canki bạch Thế Tôn:

-- Tôn giả Gotama, chớ có khiển trách thanh niên Bà-la-môn Kapathika. Thanh niên Bà-la-môn Kapathika là Thiện nam tử. Thanh niên Bà-la-môn Kapathipa là bậc đa văn. Thanh niên Bà-la-môn Kapathika phát ngôn thiện xảo. Và thanh niên Bà-la-môn Kapathia là bậc có trí. Và thanh niên Bà-la-môn Kapathika có thể đàm luận với Tôn giả Gotama trong vấn đề này.

Thế Tôn nghĩ như sau: "Thật sự thanh niên Bà-la-môn Kapathika này đã thông hiểu ba tập Veda, và các Bà-la-môn tôn trọng người này".

Và thanh niên Bà-la-môn Kapathika nghĩ như sau: "Khi nào Sa-môn Gotama lấy mắt nhìn con mắt ta, ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama".

Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư của thanh niên Bà-la-môn Kapathika liền lấy mắt nhìn thanh niên Bà-la-môn Kapathika. Thanh niên Bà-la-môn Kapathika suy nghĩ: "Sa-môn Gotama chăm chú nhìn ta, vậy ta hãy hỏi Sa-môn Gotama một câu hỏi". Rồi thanh niên Bà-la-môn Kapathika bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả Gotama, câu chú thuật (mantapadam) của các cổ Bà-la-môn y cứ tiếng đồn, truyền thống và Thánh tạng. Và ở đây, các vị Bà-la-môn chắc chắn đi đến kết luận: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Ở đây, Tôn giả Gotama đã nói gì?

-- Nhưng này Bharadvaja, có một Bà-la-môn nào giữa các vị Bà-la-môn đã nói như sau: "Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm"?

-- Thưa không, Tôn giả Gotama.

-- Nhưng này Bharadvaja, có một vị Tôn sư nào của các vị Bà-la-môn, cho đến vị Tôn sư của các vị Tôn sư trở lui cho đến bảy đời, các vị Ðại Tôn sư đã nói như sau: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm"?

-- Thưa không, Tôn giả Gotama.

-- Nhưng này Bharadvaja, thuở xưa những vị ẩn sĩ giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà-la-môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm. Như là Atthaka, Vamaka, Vamadeva, Vessamitta, Yamatagggi, Angirasa, Bharadvaja, Vasettha, Kassapa, Bhagu, những vị ấy đã nói như sau: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm"?

-- Thưa không, Tôn giả Gotama.

-- Như vậy này Bharadvaja, không có một Bà-la-môn nào nói như vậy với một Bà-la-môn: "Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Không có một vị Tôn sư nào của các vị Bà-la-môn, một vị Ðại Tôn sư, cho đến bảy đời, vị Ðại Tôn sư đã nói như sau: "Tôi biết việc này, tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Thuở xưa những vị ẩn sĩ, giữa các Bà-la-môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật, đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú và nay, những Bà-la-môn hiện tại cũng đã hát lên, nói lên giống như các vị trước đã làm. Như là Attaka, Vamaka, Vamadeva, Vessamitta, Yamataggi, Angirasa, Bharadvaja, Vasettha, Kassapa, Bhagu, những vị ấy không có nói như sau: "Chúng tôi biết việc này, chúng tôi thấy việc này. Chỉ có đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Ví như này, Bharadvaja, một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy; cũng vậy, này Bharadvaja, Ta nghĩ rằng, lời nói của các Bà-la-môn cũng giống như chuỗi người mù: người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Này Bharadvaja, Ông nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, có phải lòng tin của các vị Bà-la-môn trở thành không có căn cứ?

-- Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn không phải chỉ dựa trên lòng tin, các Bà-la-môn ở đây còn dựa trên điều nghe (tùy văn: anussava).

-- Trước hết, này Bharadvaja, Ông đi đến lòng tin, nay Ông nói đến tùy văn. Này Bharadvaja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? Tín, tùy hỷ, tùy văn, cân nhắc suy tư các lý do và chấp nhận quan điểm. Này Bharadvaja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Tuy vậy, này Bharadvaja, có điều được khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân, không thay đổi. Lại nữa này Bharadvaja, có điều được khéo tùy hỷ... được khéo tùy văn... được khéo cân nhắc suy tư... được khéo chấp nhận, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo chấp nhận, có thể là thật, chân, không thay đổi. Hộ trì chân lý, này Bharadvaja không đủ để một người có trí đi đến kết luận một chiều là: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm"

-- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là hộ trì chân lý? Cho đến mức độ nào, chân lý được hộ trì? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý.

-- Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: "Ðây là lòng tin của tôi", người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý. Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy hỷ, này Bharadvaja, nếu có người có lòng tùy văn; này Bharadvaja, nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do; này Bharadvaja, nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: "Ðây là sự chấp nhận quan điểm của tôi", người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: "Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm". Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trương hộ trì và cho đến như vậy, này Bharadvaja, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây chưa phải sự giác ngộ chân lý.

-- Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chân lý được hộ trì. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con nhìn thấy hộ trì chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được giác ngộ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý.

-- Ở đây, này Bharadvaja, Tỷ-kheo sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp, tức là tham pháp, sân pháp, si pháp. Người này nghĩ rằng: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có tham ái hay không, do những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy," hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: "Vị Tôn giả ấy không có những tham pháp, do những tham pháp này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy"; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng tham. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham khéo giảng".

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các sân pháp: "Không hiểu vị Tôn giả ấy có sân pháp hay không, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: "Tôn giả ấy không có những sân pháp, do những sân pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có những hành động, khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng sân. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng sân khéo giảng".

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những sân pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các si pháp: "Không hiểu tôn giả ấy có si pháp hay không, do những si pháp này, tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài". Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: "Tôn giả ấy không có những si pháp, do những si pháp này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: "Tôi biết", dầu không thấy, vẫn nói: "Tôi thấy", hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng si. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng".

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những si pháp, người này sanh lòng tin đối với vị ấy, với lòng tin sanh, người này đến gần, khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh, khi ước muốn sanh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bharadvaja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.

-- Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là giác ngộ chân lý, cho đến như vậy, chân lý được giác ngộ, và cho đến như vậy chúng con thấy giác ngộ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là chứng đạt được chân lý, cho đến mức độ nào chân lý được chứng đạt? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về sự chứng đạt chân lý.

-- Này Bharadvaja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý.

-- Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy chân lý được chứng đạt, và cho đến như vậy, chúng con thấy chứng đạt chân lý. Nhưng trong sự chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự chứng đạt chân lý, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự chứng đạt chân lý, này Bharadvaja, tinh cần được hành trì nhiều. Nếu không tinh cần theo đuổi chân lý thì không thể chứng đạt chân lý. Nhưng nếu tinh cần thì chứng đạt được chân lý. Do vậy, trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được hành trì nhiều.

-- Trong sự tinh cần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tinh cần, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự tinh cần, này Bharadvaja, sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu không cân nhắc thì không thể tinh cần theo đuổi chân lý. Nếu có cân nhắc sẽ được tinh cần; do vậy, trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều.

-- Trong sự cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cân nhắc, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự cân nhắc, này Bharadvaja, cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không cố gắng thì không thể cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc; do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều.

-- Trong sự cố gắng, Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự cố gắng, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự cố gắng, này Bharadvaja, ước muốn được hành trì nhiều. Nếu ước muốn đối với chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì ước muốn có khởi lên nên có cố gắng, do vậy, trong sự cố gắng, ước muốn được hành trì nhiều.

-- Trong ước muốn, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con muốn hỏi Tôn giả Gotama, trong ước muốn, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong ước muốn, này Bharadvaja, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. Nếu không hoan hỷ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi lên. Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên; do vậy, trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều.

-- Nhưng trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, này Bharadvaja, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ chấp nhận pháp. Và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp; do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều.

-- Nhưng trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này Bharadvaja, thọ trì pháp được hành trì nhiều. Nếu không có thọ trì pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và vì có thọ trì pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa; do vậy, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thọ trì pháp được hành trì nhiều.

-- Trong sự thọ trì pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Trong sự thọ trì pháp, chúng con hỏi Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự thọ trì pháp, này Bharadvaja, nghe pháp được hành trì nhiều. Nếu không nghe pháp thì không có thọ trì pháp. Và do có nghe pháp nên có thọ trì pháp; do vậy, trong sự thọ trì pháp, nghe pháp được hành trì nhiều.

-- Trong sự nghe pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự nghe pháp, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự nghe pháp, này Bharadvaja, lóng tai được hành trì nhiều. Nếu không có lóng tai thì không có nghe pháp. Và vì có lóng tai nên có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe pháp, lóng tai được hành trì nhiều.

-- Trong sự lóng tai, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự lóng tai, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự lóng tai, này Bharadvaja, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều. Nếu không có thân cận giao thiệp thì không có lóng tai. Vì có thân cận giao thiệp nên có lóng tai; do vậy, trong sự lóng tai, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.

-- Trong sự thân cận giao thiệp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự thân cận giao thiệp, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự thân cận giao thiệp, này Bharadvaja, đi đến gần được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gần thì không có thân cận giao thiệp. Và vì có đi đến gần nên có thân cận giao thiệp; do vậy, trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều.

-- Trong sự đi đến gần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama, trong sự đi đến gần, pháp nào được hành trì nhiều.

-- Trong sự đi đến gần, này Bharadvaja, lòng tin được hành trì nhiều. Nếu lòng tin không sanh thì không đi đến gần. Và vì lòng tin sanh, nên có đi đến gần; do vậy, trong sự đi đến gần, lòng tin được hành trì nhiều.

-- Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về hộ trì chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận, và do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về giác ngộ chân lý. Chúng con đã tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về chứng đạt chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Trong sự chứng đạt chân lý, chúng con hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều. Trong sự chứng đạt chân lý, Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành trì nhiều. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ điều gì, Tôn giả Gotama đã trả lời các điều ấy. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con biết (sự phân biệt) như sau: "Và ai là những Sa-môn trọc đầu, tiện nô, hắc nô, sanh từ gót chân của Phạm thiên, và ai là những người hiểu biết Chánh Pháp". Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi con lòng ái kính Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng tin kính Sa-môn đối với các Sa-môn.

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.

TRUNG BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 30-12-2010

DỤ NGÔN NGƯỜI MÙ BỊ GẠT

Kinh Màgandiya
(Màgandiya sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Kuru, tại thị trấn của dân chúng Kuru tên là Kammasadhamma, trên thảm cỏ trong nhà lửa của một Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaji.

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Kammasadhamma để khất thực. Ði khất thực ở Kammasadhamma xong, sau bữa ăn, trên đường khi khất thực về, Thế Tôn đi đến một khu rừng để nghỉ trưa. Sau khi đi sâu vào khu rừng ấy, Thế Tôn đến ngồi dưới một gốc cây để nghỉ trưa.

Rồi du sĩ Magandiya, trong khi đi bộ ngao du cùng khắp, đến tại ngôi nhà lửa của Bà-la-môn thuộc họ Bharadvaja. Du sĩ Magandiya thấy thảm cỏ đã soạn sẵn trong nhà lửa của vị Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja, khi thấy vậy liền nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja:

-- Tấm thảm cỏ này trong nhà lửa của Tôn giả Bharadvaja đã được sửa soạn cho ai, hình như là chỗ nằm ngủ của một Sa-môn?

-- Thưa Tôn giả Magandiya, có Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya (Thích-ca). Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Chỗ nằm này được sửa soạn cho Tôn giả Gotama ấy.

-- Thật sự, này Tôn giả Bharadvaja, chúng tôi thấy một sự bất hạnh khi chúng tôi thấy chỗ ngủ của Tôn giả Gotama, một vị phá hoại sự sống (bhunahuno).

-- Này Magandiya, hãy thận trọng lời Ông nói. Này Magandiya, hãy thận trọng lời Ông nói. Nhiều vương tộc trí giả, nhiều Bà-la-môn trí giả, nhiều Cư sĩ trí giả, nhiều Sa-môn trí giả có lòng tin nơi Tôn giả Gotama ấy, và đã tu tập theo Thánh đạo, theo Pháp và theo (chí) Thiện.

-- Này Tôn giả Bharadvaja, nếu chúng tôi thấy mặt Tôn giả Gotama, chúng tôi sẽ nói như sau trước mặt vị ấy: "Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống". Vì sao vậy? Thánh điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy.

-- Nếu Tôn giả Magandiya hoan hỷ, tôi sẽ tin lại sự tình này cho Sa-môn Gotama biết.

-- Tôn giả Bharadvaja hãy yên lòng, và hãy nói lên những điều gì đã được nói.

Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe được câu chuyện giữa Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja và du sĩ Magandiya. Và Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến nhà lửa của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja, sau khi đến liền ngồi trên thảm cỏ đã soạn sẵn. Rồi Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja đang ngồi một bên:

-- Này Bharadvaja, có phải có cuộc nói chuyện giữa du sĩ Magandiya với Ông về vấn đề thảm cỏ này?

Khi nghe nói vậy, Bà-la-môn Bharadvaja hoảng hốt, lông tóc dựng ngược, bạch Thế Tôn:

-- Chính là điều chúng con muốn thưa với Tôn giả Gotama và Tôn giả Gotama đã đoán trước chúng con.

Nhưng cuộc nói chuyện này giữa Thế Tôn và Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja nói chưa xong, du sĩ Magandiya, khi đi bộ ngao du cùng khắp, đến tại ngôi nhà lửa của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvaja, đến tại chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với du sĩ Magandiya đang ngồi một bên:

-- Này Magandiya, con mắt ưa thích sắc, ái lạc sắc, hoan hỷ sắc, và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì con mắt và thuyết pháp để phòng hộ con mắt. Này Magandiya, có phải vì vậy mà Ông nói: "Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống?"

-- Chính vì vậy, Tôn giả Gotama, mà tôi nói: "Sa-môn Gotama phá hoại sự sống". Vì sao vậy? Thánh điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy.

-- Này Magandiya, tai ưa thích tiếng... Này Magandiya, mũi ưa thích hương... Này Magandiya, lưỡi ưa thích vị... Này Magandiya, thân ưa thích xúc... Này Magandiya, ý ưa thích pháp, ái lạc pháp, hoan hỷ pháp và Như Lai nhiếp phục, thủ hộ, hộ trì ý và thuyết pháp để phòng hộ ý. Này Magandiya, có phải vì vậy mà ông nói: "Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống?

-- Chính vì vậy, Tôn giả Gotama, mà tôi nói: "Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống". Vì sao vậy? Thánh điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy.

-- Ông nghĩ thế nào, này Magandiya? Ở đây, có người trước kia đam mê các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Người ấy sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các sắc pháp, sau khi đoạn tận sắc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với sắc pháp, người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Này Magandiya, Ông có nói gì về người này?

-- Không có gì, Tôn giả Gotama.

-- Ông nghĩ thế nào? Này Magandiya, ở đây, có người trước kia đam mê các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Người ấy sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các xúc, sau khi đoạn tận xúc ái, sau khi trừ diệt nhiệt não đối với các xúc, người này trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Này Magandiya, Ông có nói gì về người này?

-- Không có gì, Tôn giả Gotama.

-- Này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Magandiya, Ta có ba tòa lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, một cho mùa hạ. Này Magandiya, trong bốn tháng mùa mưa, Ta sống hưởng thụ trong lâu đài mùa mưa, được những nữ nhạc công giúp vui và không bước xuống khỏi lâu đài ấy.

Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt Thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích.

Ví như, này Magandiya, một gia chủ hay con một người gia chủ, giàu sang, tài vật nhiều, sở hữu nhiều, sống thọ hưởng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, năm dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Vị ấy, sau khi làm thiện thân hành, sau khi làm thiện khẩu hành, sau khi làm thiện ý hành, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, đời này, cọng trú với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Vị ấy ở đây, trong rừng Nandana, được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Vị ấy thấy người gia chủ hay con người gia chủ đang thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Thiên tử ấy, được chúng Thiên nữ vây quanh, thọ hưởng năm thiên dục trưởng dưỡng một cách đầy đủ, một cách sung mãn, vị ấy có ước vọng được như người gia chủ ấy, hay con người gia chủ ấy; hay năm dục trưởng dưỡng thuộc loài Người, hay trở lui về với các dục thuộc loài Người?

-- Không có vậy, thưa Tôn giả Gotama! Vì sao vậy? Vì thiên dục, thưa Tôn giả Gotama, là kỳ diệu hơn, là vi diệu hơn nhân dục.

-- Cũng vậy, này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia. Ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn các dục trưởng dưỡng các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, các xúc này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sanh khác chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây, Ta không ham thích.

Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi; với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc, được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn. Người ấy thấy một người bị bệnh cùi khác, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị cái loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Người ấy có ước vọng được như người cùi kia, hố than hừng, hay sự thọ dụng dược liệu không?

-- Không, thưa Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Gotama, khi có bệnh thời cần thuốc trị bệnh, khi không bệnh, thời không cần thuốc trị bệnh.

-- Cũng vậy, này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn, các dục trưởng dưỡng, các sắc pháp do mắt nhận thức, các sắc pháp này là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức, các xúc ấy là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sanh khác chưa xả ly tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích. Vì sao vậy? Vì rằng, này Magandiya, có hỷ lạc này, ly dục, ly bất thiện pháp, sau khi chứng đạt thiên lạc, được an trú, hoan hỷ trong hỷ lạc ấy. Ta không ao ước cái gì thấp kém; ở đây Ta không ham thích.

Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối, nứt chảy, bị các loại trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy dùng thuốc được khỏi bệnh cùi, không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, có thể đi chỗ nào người ấy muốn. Rồi có hai lực sĩ, nắm chặt (hai) cánh tay người ấy và lôi kéo người ấy đến hố than hừng. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Người ấy có co rút thân, vật qua vật lại phía này phía kia không?

-- Thưa Tôn giả Gotama, có. Vì sao vậy? Vì sự xúc phạm với lửa, là đau khổ, thưa Tôn giả Gotama, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não.

-- Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, hay là trước đây, sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não?

-- Thưa Tôn giả Gotama, hiện tại sự xúc chạm với lửa ấy là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và xưa kia, sự xúc chạm với lửa ấy đã là đau khổ, rất là nồng cháy và rất là nhiệt não. Tuy vậy, thưa Tôn giả Gotama, kẻ bị bệnh cùi này, với thân (đầy) những lở lói, với thân hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, với các căn bị hư hoại do sự xúc chạm đau khổ với ngọn lửa, lại có phản tưởng là được lạc thọ.

-- Cũng vậy, này Magandiya, sự xúc chạm với các dục trong thời quá khứ cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời vị lai cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời hiện lại cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não. Và này Magandiya, những chúng sanh này chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, với các căn bị hư hoại, do sự xúc chạm đau khổ với các dục, lại có phản tưởng là được lạc thọ.

Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi thân (đầy) lở lói, thân bị hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, đang cào rách miệng các vết thương với móng tay, hơ đốt thân mình trên hố than hừng. Này Magandiya, người bị bệnh cùi với thân (đầy) lở lói, thân bị hư thối nứt chảy, bị các loài trùng đục khoét, càng cào rách miệng các vết thương với các móng tay, càng hơ đốt thân mình trên hố than hừng chừng nào thời miệng các vết thương ấy lại càng thêm bất tịnh, càng thêm hôi thối và càng thêm thối nát, và người ấy chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do nhân duyên gãi ngứa miệng các vết thương; cũng vậy, này Magandiya, các chúng sanh, chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, chạy theo các dục. Này Magandiya các chúng sanh, chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, càng chạy theo dục chừng nào, thời dục ái các chúng sanh ấy càng tăng trưởng, càng bị dục nhiệt não thiêu đốt, và họ chỉ có cảm giác dễ chịu, thỏa thích do duyên năm dục trưởng dưỡng.

Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Ông có thấy hay nghe một vị vua hay vị đại thần của vua hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh không?

-- Thưa không, Tôn giả Gotama.

-- Lành thay, này Magandiya! Này Magandiya, Ta cũng không thấy, cũng không nghe một vị vua hay vị đại thần của vua hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, dục ái chưa được đoạn tận, dục nhiệt não chưa được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Nhưng này Magandiya, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã sống, đang sống hay sẽ sống với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh, tất cả những vị này, sau khi như chơn biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục ấy, với dục ái được đoạn tận, với dục nhiệt não được trừ diệt, đã trú, đang trú hay sẽ trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm được an tịnh.

Rồi Thế Tôn, thời ấy nói lên cảm hứng ngữ như sau:

Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng,
Bát chánh là độc đạo,
An ổn và bất tử.

Khi được nghe vậy, du sĩ Magandiya bạch Thế Tôn:

-- Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Lời này được Tôn giả Gotama khéo nói:

Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Con cũng vậy, thưa Tôn giả Gotama, con cũng đã được nghe lời này, do các vị Tôn sư, đại Tôn sư các du sĩ đã nói:

Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Như vậy, thưa Tôn giả Gotama, lời nói này lời nói kia phù hợp nhau.

-- Nhưng này Magandiya, điều mà Ông đã được nghe do các vị Tôn sư, đại Tôn sư các du sĩ đã nói:

Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Thế nào là không bệnh? Thế nào là Niết-bàn?

Khi được nói vậy, du sĩ Magandiya, tự lấy tay xoa bóp chân tay của mình và nói:

-- Thế nào là không bệnh, thưa Tôn giả Gotama? Thế nào là Niết-bàn, thưa Tôn giả Gotama? Tôi nay không bệnh, an lạc, không có bệnh tật gì ở tôi.

-- Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh". Và người ấy tìm tấm vải trắng. Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: "Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn". Người ấy lấy tấm y ấy, sau khi lấy, đắp trên mình. Sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh". Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Kẻ sanh ra đã mù kia, do biết, do thấy, lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy để rồi sau khi lấy người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình; người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: "Thật tốt đẹp thay, tấm vải trắng xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh, hay là do lòng tin người có mắt?

-- Thưa Tôn giả Gotama, do không biết, không thấy, kẻ sanh ra đã mù kia lấy tấm y thô, dính dầu và đất ấy để rồi sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình, người ấy hoan hỷ thốt lên lời nói tự mãn: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh" là do lòng tin người có mắt.

-- Cũng vậy, này Magandiya, các du sĩ mù lòa, không có mắt, không biết không bệnh, không thấy Niết-bàn nhưng nói lên câu kệ này:

Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng.

Này Magandiya, câu kệ này trong thời quá khứ đã được các bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác nói lên:

Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết-bàn, lạc tối thắng.
Bát chánh là độc đạo,
An ổn và bất tử.

Và câu kệ ấy này được dần dần lan tràn đến dân chúng phàm phu. Nhưng này Magandiya, thân này trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng và với thân trở thành bệnh khổ, trở thành cục bướu, trở thành mũi tên, trở thành bất hạnh, trở thành bệnh chướng này, Ông nói: "Thưa Tôn giả Gotama, cái này là không bệnh ấy, cái này là Niết-bàn ấy". Như vậy, này Magandiya, Ông không có Thánh nhãn ấy, với Thánh nhãn ấy Ông có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn.

-- Con có lòng tin Tôn giả Gotama như sau: "Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn".

-- Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khoa mổ xẻ này cho người ấy thuốc. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt không khởi lên, mắt không được sáng tỏ. Này Magandiya, Ông nghĩ thế nào? Có phải vị thầy thuốc ấy cảm thấy mệt mỏi, phiền não không?

-- Thưa vâng, Tôn giả Gotama.

-- Cũng vậy, này Magandiya, nếu Ta thuyết pháp cho Ông: "Ðây là không bệnh ấy, đây là Niết-bàn ấy", và Ông không biết không bệnh, không biết Niết-bàn thời như vậy khiến ta vất vả.

-- Con có lòng tin Tôn giả Gotama như sau: "Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta để ta có thể biết không bệnh, có thể thấy Niết-bàn".

-- Này Magandiya, ví như người sanh ra đã mù, không thấy sắc đen hay sắc trắng, không thấy sắc xanh, không thấy sắc vàng, không thấy sắc đỏ, không thấy sắc đỏ tía, không thấy cái gì thăng bằng, không thăng bằng, không thấy các vì sao, không thấy mặt trăng, mặt trời. Người ấy nghe một người có mắt nói như sau: "Thật tốt đẹp thay tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh", và người ấy đi tìm tấm vải trắng. Rồi có một người khác đánh lừa người ấy với một tấm y thô, dính dầu và đất và nói: "Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn". Người ấy lấy tấm y ấy. Sau khi lấy, người ấy đắp trên mình, sau khi đắp trên mình người ấy, các bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ khoa mổ xẻ. Vị y sĩ khao mổ xẻ này cho người ấy thuốc bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, cho thuốc qua lỗ mũi. Người ấy sau khi dùng thuốc, mắt được khởi lên, mắt được sáng tỏ. Với mắt được khởi lên, người ấy đoạn trừ tham dục đối với tấm y thô, dính dầu và dính đất kia, và người ấy có thể xem người kia là không phải bạn, có thể xem người kia là thù địch và nghĩ đến sát hại sinh mạng (của người kia): "Thật sự trong một thời gian dài, Ta bị người này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt với tấm y thô, dính dầu và đất: "Này bạn, đây là tấm vải trắng, xinh đẹp, không cấu uế, thanh tịnh cho bạn".

Cũng vậy, này Magandiya, nếu Ta thuyết pháp cho Ông: "Ðây là không bệnh ấy, đây là Niết-bàn ấy", Ông có thể biết không bệnh, Ông có thể thấy Niết-bàn. Và với mắt được khởi lên cho Ông, lòng tham dục đối với năm thủ uẩn được đoạn trừ; và Ông có thể nghĩ như sau: "Thật sự trong một thời gian dài, ta bị tâm này lường gạt, lừa dối, phỉnh gạt, chấp thủ sắc, ta đã chấp thủ, chấp thủ thọ, ta đã chấp thủ, chấp thủ tưởng, ta đã chấp thủ, chấp thủ các hành, ta đã chấp thủ, chấp thủ thức, ta đã chấp thủ. Do duyên chấp thủ ấy nơi ta, nên có hữu; do duyên hữu, có sanh; do duyên sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ Khổ uẩn".

-- Con có lòng tin Tôn giả Gotama như sau: "Tôn giả Gotama có thể thuyết pháp cho ta khiến ta có thể từ chỗ ngồi này đứng dậy, không còn mù nữa".

-- Vậy này Magandiya, hãy thân cận các vị chân nhân. Này Magandiya, do Ông thân cận các vị chân nhân, thời này Magandiya, Ông sẽ được nghe diệu pháp. Này Magandiya, do Ông được nghe diệu pháp, thời này Magandiya, Ông sẽ sống đúng với Chánh pháp và tùy pháp. Này Magandiya, do Ông sống đúng với Chánh pháp và tùy pháp, thời này Magandiya, Ông sẽ tự mình biết, tự mình thấy: "Ðây là những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên. Ở đây, những bệnh chướng, những cục bướu, những mũi tên được trừ diệt, không có dư tàn. Do chấp thủ được diệt ở ta, nên hữu diệt; do hữu diệt, sanh diệt; do sanh diệt, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt trừ. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này".

Khi được nghe nói vậy, du sĩ Magandiya bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được các Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Con xin xuất gia với Tôn giả Gotama, con xin thọ đại giới.

-- Này Magandiya, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này phải sống bốn tháng biệt trú. Sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỷ-kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy các tánh con người sai biệt nhau.

-- Thưa Tôn giả Gotama, nếu những người xưa kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú, sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỷ-kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới; thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm, nếu các Tỷ-kheo đồng ý, hãy cho con xuất gia, hãy cho con thọ đại giới để thành Tỷ-kheo.

Và du sĩ Magandiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Magandiya ở một mình an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là mục đích của vô thượng Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa". Tôn giả Magandiya hiểu biết như vậy.

Và Tôn giả Magandiya trở thành một vị A-la-hán nữa.

TRUNG BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 29-12-2010

THÍ DỤ "NHẸ NHÀNG NHƯ CÁNH CHIM"
Khinh an là đặc tính của sa môn hạnh

53. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống bàn luận tranh chấp như nói: "Ngươi không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Sao ngươi có thể biết pháp và luật này? Ngươi đã phạm vào tà kiến, tôi nói mới thật đúng chánh kiến. Lời tôi nói mới tương ưng, lời nói của người không tương ưng. Những điều đáng nói trước, ngươi lại nói sau. Những điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Chủ kiến của ngươi đã bị bài bác, câu nói của ngươi đã bị thách đấu. Ngươi đã bị thuyết bại. Hãy đến mà giải vây lời nói ấy. Nếu có thể được, gắng thoát ra khỏi lối bí". Còn vị ấy thì từ bỏ những cuộc biện luận, tranh chấp kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

54. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống cho đưa các tin tức, hoặc tự đứng làm môi giới như cho các vua, các đại thần của vua, cho các vị Sát-đế-lỵ, cho các vị Bà-la-môn, cho các gia chủ cho các thanh niên và nói rằng: "Hãy đi đến chỗ ấy, hãy đi lại chỗ kia, mang cái này lại, đem cái này đến chỗ kia". Còn vị ấy thì từ bỏ đưa các tin tức và đứng làm môi giới. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

55. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn sống lừa đảo, nói lời siểm nịnh, gợi ý, dèm pha, cầu lợi. Còn vị ấy thì từ bỏ nói lời lừa đảo và siểm nịnh như trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

56. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà hạnh như xem tướng tay chân, chiêm tướng, triệu tướng, mộng tướng, thân tướng, dấu chuột cắn, tế lửa, tế muỗng, dùng miệng phun hạt cải v. v... vào lửa, tế vỏ lúa, tế tấm, tế gạo, tế thục tô, tế máu, khoa xem chi tiết, khoa xem địa lý, khoa xem mộng, khoa cầu thần ban phước, khoa cầu quỷ ma, khoa dùng bùa chú khi ở trong nhà bằng đất, khoa rắn, khoa thuốc độc, khoa bò cạp, khoa chim, khoa chim quạ, khoa đoán số mạng, khoa ngừa tên bắn, khoa biết tiếng nói của chim. Còn vị ấy thì tránh xa những tà hạnh kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

57. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng như xem tướng các hòn ngọc, tướng que gậy, tướng áo quần, tướng gươm kiếm, tướng mũi tên, tướng cây cung, tướng võ khí, tướng đàn bà, tướng đàn ông, tướng thiếu niên, tướng thiếu nữ, tướng đầy tớ nam, tướng đầy tớ nữ, tướng voi, tướng ngựa, tướng trâu, tướng bò đực, tướng bò cái, tướng dê, tướng cừu, tướng gia cầm, tướng chim cun cút, tướng con cắc kè, tướng vật tai dài, tướng ma, tướng thú vật. Còn vị ấy thì tránh xa những tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

58. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: "Vua sẽ tiến quân, vua sẽ lùi quân, vua bản xứ sẽ tấn công, vua ngoại bang sẽ triệt thối, vua bản xứ sẽ thắng trận, vua ngoại bang sẽ thắng trận, vua bản xứ sẽ bại trận. Như vậy sẽ có sự thắng trận cho phe bên này, sẽ có sự bại trận cho phe bên kia". Còn vị ấy thì từ bỏ những tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

59. Trong khi có một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn nuôi sống bằng những tà mạng, như đoán trước: "Sẽ có nguyệt thực, sẽ có nhật thực, sẽ có tinh thực, mặt trăng, mặt trời sẽ đi đúng chánh đạo, mặt trăng mặt trời sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao băng, các tinh tú sẽ đi đúng chánh đạo, các tinh tú sẽ đi ngoài chánh đạo, sẽ có sao bằng, sẽ có lửa cháy các phương hướng, sẽ có động, sẽ có sấm trời, mặt trăng mặt trời các sao sẽ mọc, sẽ lặn, sẽ mờ, sẽ sáng, nguyệt thực sẽ có kết quả như thế này, nhật thực sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi đúng chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, các tinh tú đi ngoài chánh đạo sẽ có kết quả như thế này, sao băng sẽ có kết quả như thế này, lửa cháy các phương sẽ có kết quả như thế này, động đất sẽ có kết quả như thế này, sấm trời sẽ có kết quả như thế này, mặt trăng mặt trời các sao mọc lặn sáng mờ sẽ có kết quả như thế này". Còn vị ấy thì tránh xa không tự nuôi sống bằng tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

60. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng tà mạng, như đoán trước: "Sẽ có nhiều mưa, sẽ có đại hạn, sẽ được mùa, sẽ mất mùa, sẽ được an ổn, sẽ bị hiểm họa, sẽ có bệnh, sẽ không có bệnh, hay làm các nghề như đếm trên ngón tay, kế toán, cộng số lớn, làm thư, làm theo thế tình". Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

61. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rễ về nhà, sắp đặt ngày lành để đưa dâu hay rễ, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùng bùa chú khiến người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi phù đồng thiếu nữ, hỏi thiên thần để biết họa phước, thờ mặt trời, thờ đại địa, phun ra lửa, cầu Siri thần tài. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

62. Trong khi một số Sa-môn, Bà-la-môn, dầu đã dùng các món ăn do tín thí cúng dường, vẫn còn tự nuôi sống bằng những tà mạng, như dùng các ảo thuật để được yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa, để được che chở khi ở trong nhà bằng đất, để dương được thịnh, để làm người liệt dương, để tìm đất tốt làm nhà, để cầu phước cho nhà mới, lễ rửa miệng, lễ tắm, lễ hy sinh, làm cho mửa, làm cho xổ, bài tiết các nhơ bẩn về phía trên, bài tiết các nhơ bẩn về phía dưới, tẩy tịnh trong đầu, thoa dầu trong tai, nhỏ thuốc mắt, cho thuốc qua lỗ mũi, xức thuốc mắt, thoa dầu cho mắt, chữa bệnh cho mắt, làm thầy thuốc, mổ xẻ chữa bệnh cho con nít, cho thuốc uống bằng các loại rễ cây, ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

63. Và như vậy, Ðại vương, vị Tỷ-kheo ấy, nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Ðại vương, như một vị Sát đế lỵ đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật, nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật.

64. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Này Ðại vương, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo hộ trì các căn.

65. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác? Ðại vương, ở đây, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác.

66. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo biết đủ? Ở đây Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Ðại vương, cũng như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, Ðại vương, vị Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Như vậy, này Ðại vương, là Tỷ-kheo biết đủ.

Trích Kinh Sa Môn Quả. Trường Bộ . HT Thích Minh Châu dịch

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 28-12-2010

THÍ DỤ CON CHIM TRỞ VỀ TÀU VÌ KHÔNG TÌM THẤY ĐẤT LIỀN
Có người tìm Phật nhưng không phải vì cầu Phật

(XII) (54) Dhammika

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại núi Gijihakùta (Linh Thứu).

Lúc bấy giờ, Tôn giả Dhammika trú tại chỗ sanh trưởng của mình và có tất cả bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng ấy. Tại đấy, Tôn giả Dhammika đối với các khách Tỷ-kheo, mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, khiến họ tức giận với những lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, khiến họ tức giận, liền bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng, suy nghĩ như sau: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo Tăng các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?" Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: "Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika đi chỗ khác." Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, thưa với Tôn giả Dhammika: "Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy từ bỏ trú xứ này. Tôn giả trú ở đây đã vừa đủ rồi."

2. Rồi Tôn giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một trú xứ khác. Tại đấy, Tôn giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với các lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với các lời nói, liền bỏ đi, không an trú, và từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không an trú, từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?" Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: "Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika đi đến chỗ khác". Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, thưa với Tôn giả Dhammika: "Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy từ bỏ trú xứ này. Tôn giả trú ở đây đã vừa đủ rồi".

3. Rồi Tôn giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một xứ khác . Tại đấy, Tôn giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm tức giận với lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với lời nói, liền bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: "Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không an trú, từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ? ". Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: "Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng". Rồi các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, nói với Tôn giả Dhammika: "Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng".

4. Rồi Tôn giả Dhammika suy nghĩ: "Ta đã bị các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng. Nay ta sẽ đi tại chỗ nào? Ta hãy đi đến Thế Tôn". Rồi Tôn giả Dhammika cầm y bát, ra đi, hướng đến Ràjagaha (Vương Xá), dần dần đi đến núi Gijihakùta (Linh Thứu) tại Ràjagaha; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Dhammika đang ngồi xuống một bên:

- Này Bà-la-môn Dhammika, Ông đi từ đâu đến?

- Bạch Thế Tôn, con bị các cư sĩ tại chỗ đất sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ đất sanh trưởng!

- Thôi vừa rồi, này Bà-la-môn Dhammika! Sự việc này, đối với Ông có hề hấn gì! Dầu họ có mời Ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, Ông đã đi đến gần Ta!

5. Trong quá khứ, này Bà-la-môn Dhammika, các nhà buôn đường biển đem theo một con chim để tìm bờ, khi họ đi tàu ra biển. Khi chiếc tàu ra xa, không thấy bờ, họ thả con chim đi tìm bờ. Con chim bay về hướng Ðông, bay về hướng Tây, bay về hướng Bắc, bay về hướng Nam, bay về hướng Trên, bay về hướng Gió. Nếu nó thấy bờ xung quanh, nó liền bay luôn. Nếu nó không thấy bờ xung quanh, nó bay trở lui về tàu. Cũng vậy, này Bà-la-môn Dhammika, dầu họ có mời Ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, Ông đã đi đến gần Ta.

6. Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, vua Koravya có một cây bàng chúa tên là Suppatittha, cây này có năm cành, có bóng mát dịu, rất là khả ý. Này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatittha tỏa rộng ra đến mười hai do tuần, các rễ mọc lan rộng đến năm do tuần. Này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatittha có những trái cây to lớn, lớn như những cái nồi con; những trái cây ngọt lịm như vậy, trong sáng và ngọt như mật ong. Này Bà-la-môn Dhammika, vua với các cung nữ hưởng thụ một cành cây của cây bàng chúa Suppatittha; quân đội hưởng thụ một cành; các Sa-môn, Bà-la-môn hưởng thụ một cành; các loài thú, loài chim hưởng thụ một cành. Này Bà-la-môn Dhammika, không có ai phòng hộ các trái của cây bàng chúa Suppatittha, và không có ai hại nhau vì trái cây. Rồi này Bà-la-môn Dhammika, một người sau khi đã ăn hết cho đến thỏa thích những trái của cây bàng chúa Suppatittha, liền bẻ gãy một cành rồi bỏ đi. Rồi này Bà-la-môn Dhammika, vị Thiên trú ở cây bàng chúa Suppatittha suy nghĩ như sau: "Thật là vi diệu, thưa Tôn giả! Thật là hy hữu, thưa Tôn giả, con người lại ác cho đến như vậy! Sau khi ăn cho đến thỏa thích các trái của cây bàng chúa Suppatittha, lại bẻ một cành rồi bỏ đi! Vậy cây bàng chúa Suppatittha hãy đừng sanh trái nữa trong tương lai! "Rồi này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatittha không sanh trái nữa trong tương lai. Rồi này Bà-la-môn Dhammika, vua Koravya đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến, thưa với Thiên chủ Sakka: "Tôn giả có biết không? Cây bàng chúa Suppatittha không sanh trái nữa! "Rồi này Bà-la-môn Dhammika, Thiên chủ Sakka thực hiện thần thông, khiến cho mưa to gió lớn khởi lên, làm cây bàng chúa Suppatittha ngã xuống và bật gốc rễ. Này Bà-la-môn Dhammika, vị Thiên trú ở cây bàng chúa Suppatittha khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên. Này Bà-la-môn Dhammika, rồi Thiên chủ Suppatittha đi đến vị Thiên trú ở cây bàng chúa Suppatittha, sau khi đến, nói với vị Thiên trú ở cây bàng chúa Suppatittha như sau:

"- Vì sao, này vị Thiên kia, Ông lại khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên?

"- Thưa Tôn giả, có cơn mưa to gió lớn khởi lên, và làm cho chỗ trú xứ của con bị ngã xuống và bật gốc rễ lên.

"- Này vị Thiên kia, có phải Ông đang gìn giữ cây pháp, nhưng cơn mưa to lớn ấy khởi lên, làm trú xứ của Ông bị ngã xuống và bật gốc rễ lên?

"- Làm thế nào, thưa Tôn giả, một cây... được gìn giữ như một cây pháp?

"- Ở đây, này vị Thiên kia, những người cần rễ đến lấy rễ cây đi, những người cần vỏ đến lấy vỏ cây đi. Những người cần lá đến lấy lá đi. Những người cần bông đến lấy bông đi. Những người cần trái đến lấy trái đi. Như vậy, không có gì để khiến cho một vị Thiên phải không hoan hỷ, không vui vẻ. Như vậy, là một cây được gìn giữ như một cây pháp.

"- Thưa Tôn giả, con không gìn giữ một cây pháp, khi cơn mưa to lớn ấy khởi lên, làm chỗ trú xứ của con ngã xuống và bật gốc rễ lên!

"- Này vị Thiên kia, nếu Ông gìn giữ cây pháp, thời trú xứ của Ông sẽ trở lại như xưa.

Thưa Tôn giã, con sẽ gìn giữ cây pháp, mong rằng trú xứ cuả con trở lại như xưa.

Rồi Thiên chủ Sakka thực hiện thần thông khiến cho mưa to gió lớn đến dựng đứng lại cây bàng chúa và chữa lành những rễ cây.

Cũng vậy, này Bà-la-môn Dhammika, Ông có gìn giữ Sa-môn pháp, khi các người cư sĩ tại chỗ sanh trưởng mời Ông đi khỏi bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng không?

- Như thế nào, thưa Tôn giả, là một Sa-môn gìn giữ Sa-môn pháp?

- Như thế này, này Bà-la-môn Dhammika, ở đây, một Sa-môn không có mắng nhiếc lại người đã mắng nhiếc mình, không có tức giận người đã tức giận mình, không có quở trách người đã quở trách mình. Như vậy, này Bà-la-môn Dhammika, là vị Sa-môn gìn giữ Sa-môn pháp.

- Thưa Tôn giả, con không gìn giữ Sa-môn pháp khi những người cư sĩ ở tại chỗ sanh trưởng mời con đi khỏi hoàn toàn bảy trú xứ trong chỗ được sanh trưởng.

7. - Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, có một ngoại đạo sư tên là Sunettto (Diệu Nhãn) đã viễn ly các dục. Này Bà-la-môn Dhammika, ngoại đạo sư Sunetto có hàng trăm đệ tử. Ngoại đạo sư Sunetto thuyết pháp về cộng trú tại Phạm thiên giới cho các người đệ tử. Những ai nghe ngoại đạo sư Sunetto thuyết giảng về cộng trú tại Phạm thiên giới, này Bà-la-môn Dhammika, tâm không được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những ai, này Bà-la-môn Dhammika, nghe ngoại đạo sư Sunetto thuyết giảng về cọng trú tại Phạm thiên giới, tâm được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, có ngoại đạo sư tên là Mugapakkha... có ngoại đạo sư tên là Aranemi... có ngoại đạo sư tên là Kuddàlaka... có ngoại đạo sư tên là Hatthipàla... có ngoại đạo sư tên là Jotipàla đã viễn ly các dục... được sanh vào thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la-môn Dhammika, đối với sáu ngoại đạo sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy có sanh khởi ra nhiều vô phước không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

8. - Thật vậy, này Bà-la-môn Dhammika, đối với sáu ngoại đạo sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, có sanh khởi ra nhiều vô phước. Còn ai, đối với vị đầy đủ chánh kiến, với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy sanh khởi ra nhiều vô phước hơn nữa. Vì cớ sao? Ta tuyên bố rằng, này Bà-la-môn Dhammika, sự tổn hại đối với các ngoại đạo sư như vậy không bằng sự tổn hại nếu đối xử với các vị đồng Phạm hạnh. Do vậy, này các Bà-la-môn Dhammika, cần phải học tập như sau:

9. Chúng tôi sẽ không có tâm uế nhiễm đối với vị đồng Phạm hạnh". Này Bà-la-môn Dhammika, các Ông cần phải học tập như vậy.

Các vị Bà-la-môn,
Như Sư Sunetto,
Sư Mugapakkha,
Và Aranemi,
Sư Kuddalaka,
Và Hatthipàla,
Sư Jotipàla,
Và Sư Govinda,
Là quốc sư thứ bảy.
Sáu Sư bạn vị này,
Là những vị danh tiếng,
Quá khứ không hại ai,
Thoát hôi hám, từ bi,
Giải thoát dục kiết sử,
Thoát ly tham ái dục,
Ðạt được Phạm thiên giới.
Và các hàng đệ tử,
Con số lên hàng trăm,
Thoát hôi hám, từ bi,
Giải thoát dục kiết sử,
Thoát ly tham ái dục,
Ðạt được Phạm thiên giới.
Ẩn sĩ ngoại đạo ấy,
Ly tham, tâm Thiền định,
Nếu với tâm uế nhiễm,
Có ai mắng nhiếc họ,
Người như vậy tạo ra,
Rất nhiều sự vô phước.
Ðối một đệ tử Phật,
Tỷ-kheo có chánh kiến,
Nếu với tâm uế nhiễm,
Có ai mắng vị ấy,
Người như vậy tạo ra,
Nhiều vô phước hơn nữa
Chớ phật lòng bậc thiện,
Hãy từ bỏ kiến xứ,
Tối thượng trong Thánh chúng,
Vị ấy được gọi vậy.
Ai chưa ly các dục,
Năm căn còn mềm dịu,
Tín, niệm và tinh tấn,
Với chỉ và với quán,
Nếu phật ý vị ấy,
Trước hết tự hại mình,
Sau khi tự hại mình,
Lại hại đến người khác,
Ai tự bảo vệ mình,
Bề ngoài cũng bảo vệ,
Do vậy, bảo vệ mình,
Bậc trí không tổn hại.

TĂNG CHI BỘ KINH. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 27-12-2010

NHƯ CÁNH BẰNG PHI
Hành tướng bậc giải thoát như chim bay giữa hư không

3. Một Tỳ Kheo Trữ Thức Ăn

Tài sản không chất chứa ...

Khi ngụ ở Kỳ Viên, Thế Tôn đã dạy như trên, liên quan đến Tôn giả Belatthisìsa.

Tôn giả Trưởng lão này thấy việc khất thực hằng ngày phiền toái. Sau khi đi một vòng khất thực trong làng, ông thọ thực, rồi lại đi khất thực tiếp qua con đường khác, nhận cơm không có nước xốt hay cà-ri, mang về tinh xá cất để dành. Các Tỳ-kheo biết được phàn nàn với Thế Tôn. Phật bèn công bố luật cấm chư tăng tích trữ thức ăn. Nhưng vì Trưởng lão đã phạm lỗi trước khi chế luật nên vô tội. Nhân đó Phật đọc Pháp Cú:

(92) Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xứ,
"Không, vô tướng, giải thoát,
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi khó tìm".



4. Tỳ Kheo Và Nữ Thần

Ai lậu hoặc đoạn sạch ...

Nhân chuyện Trưởng lão Anuruddha, Thế Tôn đã dạy câu trên tại Trúc Lâm.

Ba kiếp trước Trưởng lão có người vợ nay tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba là nữ thần Jàlinì. Khi thấy Trưởng lão bới đống rác tìm vải để thay chiếc y rách, nữ thần lấy ba tấm vải trời dài mười ba cubit, rộng bốn cubit, vùi vào đống rác, chỉ để lộ ra mép vải viền mà thôi. Trưởng lão thấy được, lôi ra và thầm nhủ đây là một đống rác đặc biệt.

Vào ngày may y, Thế Tôn đến tinh xá với năm trăm Tỳ-kheo. Ngài ngồi xuống và tám mươi đệ tử cùng ngồi tiến hành việc may y. Ca-diếp ngồi may phần chân, Xá-lợi-phất ở giữa, A-nan phần đầu. Tăng chúng kéo chỉ, Thế Tôn xỏ kim và Mục-kiền-liên tới lui cung cấp mọi thứ cần dùng.

Nữ thần vào làng khuyến khích dân cư cúng dường cháo và các thức ăn khác. Trong bữa ăn Mục-kiền-liên dâng những miếng táo hồng thật to, nhưng năm trăm Tỳ-kheo không ai ăn nổi. Ðế Thích vẽ một vòng quanh chỗ may y, mặt đất như nhuộm sữa, các Tỳ-kheo dùng xong mà thức ăn vẫn còn hằng đống. Họ phàn nàn với nhau:

- Tăng chúng chẳng bao nhiêu mà sao thức ăn quá nhiều? Chắc là Anuruddha muốn phô trương thân thuộc và thí chủ của mình!

Thế Tôn hỏi, và được họ kể lại, bèn dạy:

- Các Tỳ-kheo! Anuruddha đệ tử Ta không làm vậy đâu. Người thoát khỏi tham dục không phí thì giờ bàn về lợi dưỡng, thực phẩm cúng dường này đều do thần lực của thiên nữ.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(93) Ai lậu hoặc đoạn sạch,
Ăn uống không tham đắm,
Tự tại trong hành xứ,
Không, vô tướng, giải thoát,
Như chim giữa hư không,
Dấu chân thật khó tìm.

TÍCH CHUYỆN PHÁP CÚ. THIỀN VIỆN VIÊN CHIẾU dịch

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 26-12-20

THÍ DỤ "RẤT ÍT CHIM MẮC BẪY THOÁT ĐƯỢC LƯỚI"
Đạo lộ giải thoát không dễ dàng

Cô bé dệt vải.
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở tinh xá Aggàlava liên quan đến một cô bé thợ dệt.

Một hôm, đức phật đi đến Alavi. Dân chúng Alavi thỉnh phật thọ trai. Thọ trai xong, đức Phật dạy một bài pháp ngắn:

"Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Ðời sống không cố định, cố định là cái chết. Ai không quán niệm về sự chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rầy dường nào. Còn người có quán niệm về sự chết, sẽ không sợ hãi trong giây phút cuối của cuộc đời, và như một người gan dạ thấy rắn từ xa, đã cầm gẫy hất nó đi. Vì thế, hãy quán niệm về sự chết".

Mọi người nghe xong lại trở về đời sống bình thường. Chỉ có một cô bé thợ dệt mười sáu tuổi tự nhủ "Lời dạy của đức Phật thật kỳ diệu, phần ta, ta sẽ quán niệm về sự chết". Và cô bé quán niệm suốt cả ngày đêm. Ðức Thế Tôn rời Alavi đến Kỳ Viên. Cô bé cũng tiếp tục quán niệm về sự chết trong ba năm.

Vào một ngày, sáng sớm Thế Tôn quán sán thế gian, Ngài nhìn thấy cô bé xuất hiện trong tầm quan sát của Ngài. Ngài tự hỏi "Những gì sẽ xảy ra?" Ngài chú ý đến sữ diễn tiến tiếp theo: "Từ ngày cô bé này nghe Ta nói Pháp, đã thực hành quán niệm về sự chết troing ba năm. Bây giờ, Ta sẽ đế Alavi và hỏi cô bé ấy bốn câu, Ta sẽ khen cô bé, và Ta sẽ nói Pháp Cú: Ðời này thật mù quáng. Nghe xong cô bé ấy sẽ chứng quả. Nhờ vậy, thính chúng sẽ thâm hiểu lời dạy của Ta. Thế là Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ-kheo lên đường đến tinh xá Aggàlava.

Dân chúng Alavi nghe tin Thế Tôn đến, họ vào tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Cô bé con người thợ dệt cũng nghe tin ấy, tràn đầy hân hoan. Cô nghĩ: "Thế Tôn đã đến, bậc từ phục của ta, bậc đạo sư, bậc thầy quý kính dung mạo như trăng rằm, đức Cồ-đàm Phật-đà". Cô tự nhủ "Bây giờ, lần đầu trong ba năm nay, ta mới gặp Thế Tôn, người thân sắc vàng chói, giờ đây ta được đảnh lễ thân kim sắc của Ngài, và nghe Ngài giảng pháp vi diệu thấm đầy mật ngọt".

Nhưng cha cô trước khi đến xưởng dệt, đã dặn cô:

- Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, cha phải dệt xong hôm nay. Con hãy quấn chỉ vào thoi cho đầy và mang gấp đến cha.

Cô gái nghĩ thầm: "Ta rất mong được nghe đức Phật thuyết pháp, nhưng cha ta đã căn dặn như thế. Ta sẽ đi nghe pháp hay đánh sợi cho cha ta?" Cô nghĩ tiếp: "Nếu ta không mang thoi đến, cha ta sẽ đánh ta. Vậy thì phải đánh sợi cho đầy mấy con thoi, đem đến cho ông, đợi dịp khác đi nghe pháp". Cô ngồi vào ghế và đánh sợi.

Dân chúng Alavi đợi chờ Thế Tôn, cúng dường thức ăn, sau khi ăn xong họ dọn bát và nghe Ngài chỉ dạy. Ðức Thế Tôn tự nhủ: "Ta đến đây qua một khoảng đường ba mươi dặm chỉ vì một cô bé, cô ấy chưa có mặt. Khi cô ấy đến, Ta sẽ giảng pháp". Vì thế, Ngài ngồi im, thính chúng cũng lặng yên đợi chờ (Khi đức Phật làm thinh, không có người hay trời nào dám thốt ra một câu).

Cô bé đã đánh thoi xong, bỏ vào giỏ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi, cô đứng lại ngoài vòng thính chúng và chăm chú nhìn Ðức Phật. Thế Tôn cũng nhìn thấy cô, và cô hiểu ý Ngài: "Ðức Bổn sư ngồi trong pháp hội, tỏ dấu nhìn ta với ý muốn ta đến gần, Ngài muốn ta đến nghe pháp vào ngay lúc này".

(Vì sao đức Thế Tôn chú ý cô bé? Vì Ngài biết rằng nếu cô bé đi tiếp cô sẽ chết khi chưa xong việc, kiếp sau của cô sẽ không biết ra sao. Nhưng nếu cô bé đến nghe pháp, cô sẽ chứng quả Dự lưu và chắc chắn sẽ tái sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Ngài biết cô bé phải chết ngày hôm nay).

Với dấu hiệu của cái nhìn đức Phật, cô đến gần Thế Tôn chiêm ngưỡng vầng hào quang sáu sắc chung quanh thân Phật, cung kính đảnh lễ và kính cẩn đến gần Thế Tôn, cô ngồi vào chỗ một cách im lặng với thính chúng chung quanh. Ðức Thế Tôn hỏi cô:

- Con từ đâu đến đây?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

- Con sẽ đi đến đâu?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

- Con biết hay không biết?

- Bạch Thế Tôn! Con biết.

- Con không biết phải chăng?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Sau bốn câu hỏi của Phật, thính chúng nổi giận xì xào: "Coi kìa! Con bé, con lão thợ dệt nói như đùa với Thế Tôn. Khi Ngài hỏi từ đâu đến nó phải đáp: "Từ nhà thợ dệt" chứ. Và khi Ngài hỏi đi đâu, nói phải thưa là: "Ði đến xưởng dệt, mới phải chứ".

Thế Tôn bảo thính chúng im lặng, Ngài hỏi cô bé:

- Này con! Khi Ta hỏi con từ đâu đến, vì sao con trả lời không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con là người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi con từ đâu đến, con hiểu rằng ý của câu ấy là con từ đâu sinh ra đây. Nhưng con chẳng biết con từ đâu sinh đến nơi này.

Phật khen ngợi:

- Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.

Ngài hỏi tiếp:

- Khi Ta hỏi con đi về đâu, vì sao con trả lời không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết con đến xưởng dệt với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi con đi đâu, con hiểu ý của câu ấy là khi rời nơi đây con tái sinh về đâu. Nhưng với con, sau khi chết con chưa biết sinh về đâu.

- Con trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ðức Phật khen cô lần thứ hai, và hỏi tiếp:

- Khi Ta hỏi, con biết hay không, vì sao con trả lời con biết?

- Bạch Thế Tôn! Vì con biết rằng chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp như thế.

- Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ðức Phật khen cô lần thứ ba, hỏi tiếp:

- Vì sao khi Ta hỏi con không biết hay chăng, con trả lời rằng không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ðiều con biết chắc là con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, vào buổi sáng hay bất cứ khi nào, con không thể biết, nên con trả lời không biết.

Ðức Phật khen ngợi lần thứ tư.

- Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ngài dạy thính chúng:

- Các người không hiểu ý câu nói của cô bé, nên nổi giận. Với người không có tuệ nhãn, họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.

Ngài nói kệ:

(174) Ðời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng.
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới.

Cuối thời pháp cô bé chứng quả Dự lưu. Cô cầm giỏ thoi đi đến chỗ cha mình. Ông đang ngồi ngủ bên khung cửi. Không biết cha đang ngủ cô đưa giỏ thoi vào. Giỏ thoi chạm nhằm đầu khung cửi gây nên tiếng động, cha cô choàng dậy tiếp tục kéo cửi, đầu khung văng mạnh vào ngực cô bé cô ngã ra chết, sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Cha cô giật mình thấy con gái mình nằm sóng sượt, đầy máu và đã chết. Ông kinh hoàng than khóc:

- Không có ai cứu khổ cho ta.

Ông đi đến chỗ Phật kể lại mọi việc và nói:

- Bạch Thế Tôn, xin cứu con.

Ðức Phật an ủi:

- Chớ ưu sầu, này thiện nam tử! Trong vòng luân hồi vô tận, người đã từng khóc con nước mắt nhiều hơn nước bốn bể.

Ðức Phật nói về vòng luân hồi vô tận, người thợ dệt nghe xong, bớt đau buồn, xin Phật được xuất gia.

Ông làm tròn bổn phận của một tu sĩ và chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán.

TÍCH CHUYỆN PHÁP CÚ. TU VIỆN VIÊN CHIẾU dịch
NGHIA DU PHAP 25-12-2010

THI DU LOAI ONG HUT MAT
Hanh hoa vo hai


Kosiya Keo Kiệt

Như ong đến với hoa ...

Khi ngụ tại Xá-vệ, Thế Tôn dạy câu này, liên quan đến chưởng khố Niggardly Kosiya.

Tại thành phố Jaggery, gần Vương Xá có chưởng khố Niggardly Kosiya tài sản lên đến tám trăm triệu đồng, nhưng chẳng bao giờ bố thí, dù chỉ một giọt dầu nhỏ xíu đủ đọng trên đầu ngọn cỏ, thậm chí còn không dám ăn. Của cải nhiều như thế mà con trai, con gái và cả Tỳ-kheo, Bà-la-môn đều không được hưởng cứ còn nguyên vẹn, giống như một hồ nước bị ma ám.

Sáng sớm đức Phật xuất định Ðại bi Tam-muội, dùng Phật nhãn quán sát hàng tín hữu của Ngài trong khắp vũ trụ, và thấy cách Ngài bốn mươi lăm dặm có vị chưởng khố và bà vợ đủ duyên lành được hóa độ.

Ngày trước đó, chưởng khố đến hoàng cung chầu vua. Trên đường về ông thấy một người nhà quê gần chết đói, đang ăn cái bánh tròn đầy cháo chua. Ông phát đói bụng. Khi về nhà, ông nghĩ nếu nói ra chuyện mình đói người khác cũng đói ăn theo, thì sẽ tốn biết bao, nào mè, mật mía, đường thô và nhiều thứ khác, chi bằng im đi. Ông đi bách bộ, chịu đựng cơn đói. Hàng giờ trôi qua, mặt ông tái mét, càng lúc càng xanh xao vàng vọt, gân nổi khắp người. Cuối cùng hết chịu nổi, ông về phòng, nằm vật xuống ôm chặt thanh giường. Tuy quá đau đớn vì đói, nhưng nghĩ đến của cải bị tốn kém hao phí, ông chẳng dám hé môi.

Vợ ông đến thăm ông, xoa lưng hỏi han:

- Phu chủ, có việc gì vậy?

- Không.

- Nhà vua làm ông buồn bực?

- Không.

- Nếu thế thì ... hay là ông cần gì, thèm gì?

Ông nhảy nhổm vì đúng ngay vết thương lòng. Nhưng lòng tiếc của cũng bừng dậy khiến ông một lần nữa ôm bụng im lặng chịu trận.

Bà vợ, chắc nghĩ rằng mình đoán gần đúng nên năn nỉ tiếp:

- Phu chủ, nói cho tôi nghe đi! Ông thèm món gì?

Chưởng khố chịu hết nổi, thều thào chữ còn chữ mất:

- Ừ, tôi thèm một thứ.

- Thèm gì nào, phu chủ?

- Tôi muốn ăn một cái bánh chiên!

- Ồ! sao không nói sớm? Ông có nghèo túng gì đâu! Tôi đủ sức bao ăn hết cả thành Jaggery.

- Trời! Ai bảo bà lo cho thiên hạ vậy? Họ muốn ăn thì ráng làm ra tiền mà mua chứ?

- Thế thì, tôi chỉ đãi bà con dọc đường này.

- Bà lại phung phí quá!

- Nếu thế thì mình mời trong nhà thôi!

- Tốn kém lắm!

- Ðể tôi nướng đủ cho vợ chồng con cái mính ăn thôi.

- Sao bà tính chi nhiều dữ vậy?

- Ðược rồi, chỉ có tôi với ông ăn nhe!

- Bà cũng cần ăn sao?

- Ðược lắm, một mình ông thôi.

Ðể tránh cặp mắt nhiều người, ông dặn vợ để lại hạt gạo nguyên, chỉ dùng hạt bể, lấy lò than, khuôn nướng bánh, một chút sữa với mật mía, mật ong và đướng thô, rồi leo lên tầng chót tòa nhà bảy tầng nướng bánh, và ông sẽ ngồi ăn tại chỗ. Bà vợ chỉ biết vâng theo.

Sáng sớm, Thế Tôn bảo Trưởng lão Mục-kiều-liên đến thành Jaggery trên tầng thứ bảy nhà chưởng khố để độ ông ta, dạy cho ông biết xả bỏ, rồi đem cả hai ông bà về Kỳ Viên cùng với bánh, sữa, mật, đường bằng thần thông. Phật sẽ cùng năm trăm Tỳ-kheo ngồi trong tinh xá thọ thực bánh chiên.

Chỉ trong khoảnh khắc, Trưởng lão đã đứng lơ lửng giữa trời, trước cửa sổ lầu bảy, hào quang rực rỡ. Chưởng khố trông thấy Ngài, run như cầy sấy. Ông đã trốn lên tận đây cũng vì sợ có người đến khất thực. Vậy mà ông bạn này lại lù lù hiện ra. Không biết rằng Trưởng lão muốn là được, chưởng khố thở phì phò giận dữ, nghe như muối và đường ném vào lửa. Ông quát lên:

- Ông Tỳ-kheo! Ông muốn gì mà đứng lơ lửng trên không vậy? Ông có tới tới lui lui cho đến khi vạch thành một con đường trên trời cũng chẳng được gì đâu!

Trưởng lão vẫn thản nhiên đi tới đi lui trước cửa sổ như trước. Chưởng khố quát tiếp:

- Ông chờ đợi gì mà đi tới đi lui hoài vậy? Ông có ngồi kiết già đi nữa cũng chẳng được gì.

Trưởng lão bắt chân ngồi kiết già.

- Dù ông có đứng trên thành cửa sổ cũng thế thôi.

- Dù ông phun ra khói cũng thế thôi.

Chưởng khố nói thế nào là Trưởng lão làm đúng y. Cho nên, cuối cùng toàn bộ ngôi nhà khói phủ mù mịt. Chưởng khố cảm thấy như mắt bị kim đâm. Sợ cháy nhà, ông ráng nén không dám nói: "Dù ông có phun ra lửa cũng thế thôi." Ông nghĩ thầm: "Ông thầy này bám dai như keo. Nếu không cho cái gì, ổng không chịu đi đâu." Ông đành bảo vợ làm một cái bánh nhỏ để tống khứ trưởng lão. Bà lấy cục bột nhỏ bỏ vào nồi. Bột phồng lên thành cái bánh to đầy tràn cả chảo. Ông vò đầu bứt tai:

- Trời! Bà lấy cục bột lớn quá!

Rồi đích thân ông dích một cục bột nhỏ xíu trên đầu muỗng bỏ vào nồi. Bột lại phình to hơn cái trước. Cứ thế, cái bánh nướng sau to hơn cái trước. Cuối cùng rứt cái bánh ra khỏi rổ, nhưng tất cả dính lại với nhau. Bà cầu cứu ông, nhưng cố hết sức ông cũng không tách ra được. Mồ hôi tuôn khắp mình, ông hết thèm, liền bảo bà đưa hết rổ bánh cho Tỳ-kheo. Trưởng lão thuyết pháp cho hai ông bà, nêu công hạnh của Tam bảo, bắt đầu với câu "Sự bố thí là cách tế lễ chơn chánh nhất". Ngài giải thích phước báo của hạnh bố thí và các công đức khác, rõ ràng như mặt trăng trong bầu trời.

Nghe xong ông phát tín tâm, mời Trưởng lão đến gần, ngồi xuống giướng thọ thực. Mục-kiền-liên bảo ông bà mang bánh đến chỗ Thế Tôn cúng dường. Ngài sẽ mang cả hai đi bằng thần thông. Ðầu cầu thang trong lâu đài sẽ vẫn ở chỗ cũ nhưng chân cầu thang sẽ nằm ngay cổng tinh xá kỳ Viên. Ngài sẽ mang hai ông bà đến Kỳ viên nhanh hơn là đi từ tầng lầu trên xuống tầng lầu dưới.

Chưởng khố đồng ý đề nghị ấy. Trưởng lão bèn để đầu cầu thang yên chỗ cũ và ra lệnh:

- Chân thang hãy nằm tại cổng Kỳ Viên.

Thang hiện ra y như thế. Hai vợ chồng Chưởng khố đến Kỳ Viên bèn đến trước Thế Tôn thưa đã đến giờ thọ trai. Thế Tôn vào phòng ăn, ngồi trên Phật tòa soạn sẵn cùng với Tăng đoàn vây quanh. Chưởng khố dâng nước khai mạc buổi cúng dường Phật và chư Tăng. Bà vợ đặt bánh vào bình bát Như Lai. Thế Tôn lấy vừa đủ dùng, các Tỳ-kheo dùng xong, cả hai ông bà cũng ăn no, nhưng bánh vẫn còn. Sau khi chia bánh cho toàn thể Tỳ-kheo trong tinh xá và cho những người xin ăn đồ thừa, bánh vẫn không giảm. Phật dạy đem bánh ra đổ ngoài cổng Kỳ Viên. Ðến ngày nay chỗ đó có tên là Hang Bánh.

Hai ông bà đến chỗ Thế Tôn, đứng kính cẩn một bên. Thế Tôn hồi hướng công đức, dứt lời cả hai chứng quả Dự lưu. Rồi họ chào Phật, lên cầu thang ở cổng Kỳ Viên và về nhà. Từ đó về sau Chưởng khố dùng gia sản tám trăm triệu đồng dành riêng phục vụ cho Giáo đoàn của Phật.

Chiều hôm sau, các Tỳ-kheo đến pháp đường bàn tán thần thông cùng oai lực của Mục-kiền-liên đã chiêu phục chưởng khố. Phật nghe qua dạy:

- Này các Tỳ-kheo! Một Tỳ-kheo muốn giáo hóa một gia chủ không làm hại đức tin, không làm hao của cải, không áp chế cũng không làm họ để giảng cho họ hiểu công hạnh của Phật, như con ong đậu trên hoa hút mật. Con ta, Mục-kiên-liên, đúng là một Tỳ-kheo như thế.

Ðể tán thán Trưởng lão Mục-kiền-liên, Phật nói Pháp cú:

(49) Như ong đến với hoa,
Không hại sắc và hương,
Che chở hoa, lấy nhụy,
Bậc thánh đi vào làng.

TICH CHUYEN PHAP CU. TU VIEN VIEN CHIEU dich

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

NGHĨA DỤ PHÁP 24-12-2010

DỤ NGÔN THẤY MỸ NHÂN CHẲNG DÁM NHÌN
Làm được vì ý thức cao độ


Quốc Ðộ (hay Ekantaka) (Tạp 24,21, Ðại 2,174b) (S.v,169)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sumbha, tại một thị trấn của dân chúng Sumbha tên là Sedaka.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo...

3) -- Ví như một số đông quần chúng, này các Tỷ-kheo, tụ họp lại và nói: "Cô gái hoa hậu của quốc độ. Cô gái hoa hậu của quốc độ!". Và người con gái hoa hậu quốc độ ấy với tất cả sự quyến rủ của mình, múa cho họ xem, với tất cả sự quyến rủ của mình, hát cho họ nghe. Và một số quần chúng còn đông hơn tụ họp lại và nói: "Cô gái hoa hậu của quốc độ múa và hát". Rồi một người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, họ nói với người ấy như sau: "Này Ông, hãy xem đây. Ðây là cái bát đầy dầu. Ông hãy mang bát dầu ấy và đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu của quốc độ. Và một người với cây kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng Ông. Tại chỗ nào làm đổ một ít dầu, tại chỗ ấy, đầu Ông bị rơi xuống". Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, người ấy có thể không tác ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

4) -- Ví dụ này, này các Tỷ-kheo, Ta nói ra để nêu rõ ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa của nó. Này các Tỷ-kheo, cái bát đầy dầu là đồng nghĩa với thân hành niệm.

5) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành đất nền, làm cho tiếp tục an trú, làm cho tích tập, làm cho khéo có hiệu năng (susamàraddhà)". Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

KINH TƯƠNG ƯNG. HT THÍCH MINH CHÂU dịch
NGHĨA DỤ PHÁP 23-12-2010

DỤ NGÔN NHÀ NÔNG
Sự tu tập là một huân tập có phương pháp


Kinh Người Cày Ruộng - Kasi Bharadvaja Sutta
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại núi Dakkhinàgini, trong một làng Bà-la-môn tên Ekanàlà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasibhàradvàja có khoảng năm trăm lưỡi cày sẵn sàng, vì là thời gieo mạ. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến chỗ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang làm việc. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang phân phát đồ ăn. Rồi Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, sau khi đến, Ngài đứng một bên, Bà-la-môn Kasibhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, liền nói với Thế Tôn: - Này Sa-môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa-môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!

- Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn.


- Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày, hay lưỡi cày, hay gậy thúc trâu bò, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Vậy mà Tôn giả Gotama nói: "Này Bà-la-môn, Ta có cày và Ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn ".

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja nói lên với Thế Tôn bài kệ:

Người tự nhận Người cày,
Ta không thấy Người cày,
Hãy trả lời chúng tôi,
Ðã hỏi về Người cày,
Chúng tôi muốn rõ biết,
Người cày như thế nào?
[The Buddha:]


Thế Tôn:
Lòng tin là hột giống,
Khổ hạnh là cơn mưa,
Trí tuệ đối với Ta
Là ách và lưỡi cày,
Xấu hổ là cán cày,
Ý là sợi dây buộc,
Và niệm đối với Ta
Là lưỡi cày, gậy thúc.

Với thân khéo phòng hộ,
Với lời khéo phòng hộ,
Với món ăn trong bụng,
Biết tiết độ, chế ngự,
Ta tác thành chơn thực,
Ðể cắt dọn cỏ rác,
Sự giải thoát của Ta
Thật hiền lành nhu thuận.

Với tinh cần tinh tấn,
Ta gánh chịu trách nhiệm,
Ta tự mình đem lại
An ổn khỏi khổ ách.
Như vậy, Ta đi tới,
Không trở ngại thối lui,
Chỗ nào Ta đi tới,
Chỗ ấy không sầu muộn.

Cày bừa là như vậy,
Ðược quả là bất tử,
Sau cày bừa như vậy,
Mọi khổ được giải thoát.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja lấy một bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy với cháo sữa dâng Đức Phật và thưa: - Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!


Ta không hưởng vật dụng,
Do tụng kệ đem lại,
Ðây không phải là pháp,
Của bậc có chánh kiến
Chư Phật đều bác bỏ,
Tụng hát các bài kệ,
Khi pháp có hiện hữu,
Truyền thống là như vậy.

Hỡi này Bà-la-môn,
Người cần phải cúng dường,
Ðồ ăn vật uống khác,
Bậc đại sĩ toàn diện,
Ðã đoạn các lậu hoặc,
Ðã lắng dịu dao động,
Ta chính là thửa ruộng,
Cho những ai cầu phước.
- Vậy, thưa Tôn giả Gotama, con sẽ cho ai cháo sữa này?

- Này Bà-la-môn, Ta không thấy ai ở thế giới, với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, hay trên đời này với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sau khi ăn, tiêu hóa được món cháo sữa này, trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Vậy, này Bà-la-môn, Ông hãy đổ cháo sữa này trên chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước không có sinh vật.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja đem nhận chìm cháo sữa ấy vào nước không có sinh vật. Cháo sữa ấy khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Ví như một lưỡi cày, phơi cả ngày dưới ánh nắng, được đem quăng xuống nước, lưỡi cày ấy sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Cũng vậy, cháo sữa ấy, khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja hoảng hốt, rợn tóc gáy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn: - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con xin qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp, qui y chúng Tỷ-kheo. Mong rằng con được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja được xuất gia với Sa-môn Gotama, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu, do vì mục đích gì, bậc thiên nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú cứu cánh Phạm hạnh ấy. Vị ấy thắng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa ". Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán.

KINH TẬP. HT THÍCH MINH CHÂU dịch