Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Câu chuyện trong ngày 5-5-2010
BẢY YẾU TỐ GIÁC NGỘ
"Sự giác ngộ của bậc thánh không phải là sự phong hàm mà là kết tinh những yếu tố"

14.IV. Bệnh (1) (S.v,79)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahà Kassapa trú ở hang Pipphalì, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahà Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Kassapa :

-- Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?

-- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.

5) -- Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

-- Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.

6) Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahà Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahà Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy.


Thảo luận:

1. Có gì khác biệt giữa thất giác chi và bát chánh đạo?
2. Bảy giác chi nên được hiểu là "công phu" hay "thành quả" của sự tu tập?
3. Trong đời sống hằng ngày của người cư sĩ, bảy giác chi có thể ứng dụng thế nào?
4. Phải chăng khi gọi là "giác chi" có nghĩa đồng thời sanh khởi hay theo tuần tự thứ lớp?

Đố vui:

Những điều nào dưới đây không có ảnh hưởng gì tới sự mẫn tiệp của trí giác:
a. Sự khinh an
b. Chánh niệm
c. Khả năng tập trung tư tưởng
d. Sự cường tráng của thể lực

Thứ Tư, 28 tháng 4, 2010

Câu chuyện trong ngày 4-5-2010
DỤ NGÔN VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO
"Bát chánh đạo là trung đạo, là đạo đế, là giải pháp của tất cả khổ đau, là trọng tâm của Phật Pháp"

Tất cả đều nhân duyên ở Sàvatthi.

149. I. Sức lực (S.v,45)

1) ...

2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hành động gì muốn làm cần phải có sức lực, tất cả những hành động ấy đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ trên giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành và làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

(Ðoạn này giống với đoạn "Hằng hà lược thuyết", được thuyết rộng thêm).

150.II. Các Hột Giống (1) (S.v,46)

1) ...

2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có những hột giống nào, những cây mạ nào (bhùtagàmà) tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại, tất cả đều y cứ vào đất, đều an trú vào đất. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được tăng trưởng, lớn mạnh, quảng đại trong các pháp?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành và đạt đến tăng trưởng, lớn mạnh và quảng đại trong các pháp.

151.III. Con Rắn (Nàga) (S.v,47)

1) ...

2) -- Y cứ vào vua núi Tuyết sơn, này các Tỷ-kheo, các loài rắn lớn tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh. Ở đấy, khi chúng tăng trưởng tự thân, thâu hoạch sức mạnh, chúng đi xuống các hồ nhỏ; sau khi xuống các hồ nhỏ, chúng đi xuống các hồ lớn, chúng đi xuống các sông nhỏ; sau khi đi xuống các sông nhỏ, chúng đi xuống các sông lớn; sau khi đi xuống các sông lớn, chúng đi ra biển, ra đại dương. Tại đấy thân của chúng được to lớn và quảng đại hơn.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt được sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú vào giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các thiện pháp?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo y cứ vào giới, an trú trên giới, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đạt đến sự to lớn, sự quảng đại trong các pháp...

152.IV. Cây (S.v,47)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có cây thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông, khi bị chặt từ gốc, cây ấy sẽ rơi về hướng nào?

-- Bạch Thế Tôn, về phía nó thiên về, về phía nó hướng về, về phía nó xuôi về.

3) -- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn.

153.V. Cái Ghè (S.v,48)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè, nếu bị nghiêng đổ, nước đã bị đổ ra không thể đổ vào lại được. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp đã được đổ ra, không thể đổ vào lại được?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly,... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các bất thiện pháp đã được đổ ra, không có thể đổ vào lại được.

154.VI. Râu Lúa Mì (Sukiya) (S.v,48)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sợi râu lúa mì, hay sợi râu lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay chân đè vào, có thể đâm thủng tay chân, hay có thể làm đổ máu. Sự tình này có xảy ra. Vì sao? Vì sợi râu được đặt hướng chân chánh.

3) Cũng vậy, Tỷ-kheo nhờ đặt hướng chân chánh, tu tập con đường chơn chánh, thời vô minh được cắt đoạn, minh sẽ được khởi lên, Niết-bàn sẽ được chứng đắc. Sự kiện như vậy có xảy ra. Vì sao? Vì tri kiến được đặt hướng một cách chân chánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo nhờ chân chánh đặt hướng tri kiến, nhờ chân chánh đặt hướng con đường tu tập nên đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chân chánh đặt hướng tri kiến, chân chánh đặt hướng con đường tu tập, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng ngộ được Niết-bàn.

155.VII. Hư Không (S.v,49)

1) ...

2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, trên không trung, có nhiều loại gió thổi, gió từ phương Ðông thổi, gió từ phương Tây thổi, gió từ phương Bắc thổi, gió từ phương Nam thổi, gió có bụi thổi, gió không bụi thổi, gió lạnh thổi, gió nóng thổi, gió nhỏ thổi, gió thật lớn thổi.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời bốn niệm xứ được tu tập, đi đến viên mãn, bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn... bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến viên mãn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, bốn niệm xứ được tu tập đi đến viên mãn, bốn chánh cần... bốn như ý túc... năm căn... năm lực... bảy giác chi được tu tập đi đến sung mãn.

156.VIII. Mây Mưa (1) (S.v,50)

1) ...

2)-- Ví như, này các Tỷ-kheo, vào cuối tháng mùa hạ, bụi mù bay lên, rồi có đám mây lớn trái mùa thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh thình lình làm chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh (uppannuppanne) lập tức làm cho chúng tiêu tan và tịnh chỉ.

157.IX. Mây Mưa (2) (S.v,50)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một ngọn gió lớn thỉnh thoảng làm cho đám mây mưa lớn khởi lên bị tiêu tan, tịnh chỉ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi, khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định... hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, đối với các ác, bất thiện pháp tiếp tục sanh khởi khiến chúng tiêu tan và tịnh chỉ.

158.X. Chiếc Thuyền (S.v,51)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển, đầy đủ cột buồm, và dây buồm (vettabandhanabandhàya), và bị mắc cạn trên bờ, trong sáu tháng bị nước làm cho hao mòn. Còn trong mùa khô, các dây buồm bị gió và mặt trời làm cho hư hại. Rồi trong mùa mưa, bị thấm ướt (abhippavutthàni) bởi cơn mưa giông, rất dễ (appakasiraneva) bị yếu, hư và mục nát. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly... hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, rất dễ làm cho các kiết sử yếu mòn và mục nát.

159.XI. Các Khách (S.v,51)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có một nhà khách, ở đấy có người từ phương Ðông tới ở, có người từ phương Tây tới ở, có người từ phương Bắc tới ở, có người từ phương Nam tới ở, có người Sát-đế-lị tới ở, có người Bà-la-môn tới ở, có người Phệ-xá tới ở, có người Thủ-đà tới ở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, họ nhờ thắng trí liễu tri các pháp ấy; với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; với các pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ các pháp ấy nhờ thắng trí; với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí? Cần phải được trả lời là năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là những pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí? Vô minh, hữu và ái (bhavatanhà), những pháp này cần phải đoạn tận nhờ thắng trí.

5) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí? Minh và giải thoát, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí.

6) Và này các Tỷ-kheo, những pháp nào cần phải tu tập nhờ thắng trí? Chỉ và quán, này các Tỷ-kheo, những pháp này cần phải tu tập nhờ thắng trí.

7) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri, họ liễu tri được các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với các pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, họ đoạn tận các pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, họ chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, họ tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí?

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành; đối với các pháp cần phải liễu tri nhờ thắng trí, vị ấy liễu tri những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải đoạn tận nhờ thắng trí, vị ấy đoạn tận những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy chứng ngộ những pháp ấy nhờ thắng trí; đối với những pháp cần phải tu tập nhờ thắng trí, vị ấy tu tập những pháp ấy nhờ thắng trí.

160.XII. Con Sông (S.v,53)

1) ...

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông. Rồi có một quần chúng lớn đến cầm cuốc và giỏ nói rằng: "Chúng ta sẽ làm cho sông Hằng này thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây". Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, quần chúng lớn ấy có thể làm cho sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Vì sao? Vì rằng sông Hằng thiên về hướng Ðông, hướng về hướng Ðông, xuôi về hướng Ðông, không dễ gì có thể làm sông Hằng thiên về hướng Tây, hướng về hướng Tây, xuôi về hướng Tây. Quần chúng lớn ấy chỉ phải khổ nhọc, phiền não mà thôi.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành, thời các vua, đại thần của vua, bằng hữu, đồng nghiệp, thân thích hay quyến thuộc cùng một huyết thống, đem tài sản đến mời mọc: "Hãy đến, này Bạn ! Sao để những cà-sa này làm phiền não Bạn? Sao lại bộ hành với đầu trọc và y bát? Hãy hoàn tục, hưởng các tài sản và làm các công đức". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành từ bỏ học pháp và hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, tâm của vị ấy đã lâu ngày thiên về viễn ly, hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly, không thể nào có thể trở lại hoàn tục; sự kiện như vậy không xảy ra. Và thế nào là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.

Câu chuyện trong ngày 3-5-2010
CÓ LÚC CHỈ CÓ SỰ IM LẶNG LÀ TỐT NHẤT
"Nếu lời nói, dù hợp lý, nhưng chỉ mang lại sự lầm lẫn thì tốt hơn giữ im lặng

X. Ananda (hay Sự có mặt của ngã) (S.iv,400)

1). ..

2) Rồi du sĩ Vacchagotta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, du sĩ Vacchagotta thưa với Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?

Khi được hỏi vậy, Thế Tôn im lặng.

-- Thưa Tôn giả Gotama, có tự ngã không?

Lần thứ hai, Tôn giả Gotama giữ im lặng.

Rồi du sĩ Vacchagotta từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

4) Rồi Tôn giả Ananda, sau khi du sĩ Vacchagotta ra đi không bao lâu, liền bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời câu hỏi của du sĩ Vacchagotta?

5) -- Này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?", và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã", như vậy, này Ananda, thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp thường kiến.

6) Và này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?"Và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã", như vậy, này Ananda, là thuộc về phái các Sa-môn, Bà-la-môn chấp đoạn kiến.

7) Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có tự ngã không?" và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Có tự ngã", như vậy, câu trả lời của Ta có phù hợp với trí khởi lên rằng: "Tất cả các pháp là vô ngã"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

8) -- Lại nữa, này Ananda, nếu được hỏi: "Có phải không có tự ngã?" và Ta trả lời cho du sĩ Vacchagotta là: "Không có tự ngã", như vậy, này Ananda, lại làm cho du sĩ Vacchagotta càng ngơ ngác bối rối hơn nữa: "Trước đây ta có tự ngã, nay không có tự ngã nữa".


Thảo Luận:
1. Xin giảng về 4 cách trả lời được đề cập trong kinh điển
2. Thế nào là ý nghĩa của câu: không phải là hai cũng chẳng là một?
3. Thiên kiến và biên kiến giống nhau hay khác nhau?
4. Phải chăng đôi khi khách quan không đủ mà còn ở khả năng lãnh hội nữa?

Đố vui:
Có một tác phẩm nỗi tiếng trong Phật giáo ghi lại sự đối thoại giữa một vị vua biện tài và một tôn giả đại trí. Tác phẩm đó có tên là:

a. Thanh Tịnh Đạo
b. Mi Lan Đà Vấn Đạo
c. Thắng Pháp Tập Yếu Luận
d. Vô Ngại Giải Đạo


Câu chuyện trong ngày 2-5-2010
NHỮNG KẺ THÙ NỘI TUYẾN
"Đa số những nguy hiểm của đời sống tiềm ẩn bên trong"


197. I. Rắn Ðộc (S.iv,172)

1-2) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi... gọi các Tỷ-kheo... Thế Tôn nói như sau:

3) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, có bốn con rắn độc, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt. Rồi có người đến, muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, có bốn con rắn độc này, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt. Thỉnh thoảng hãy thức chúng dậy, thỉnh thoảng hãy tắm cho chúng, thỉnh thoảng hãy cho chúng ăn, thỉnh thoảng hãy cho chúng vào huyệt (để ngủ). Này Bạn, nếu một trong bốn con rắn độc này, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, tức giận, thời này Bạn, Bạn sẽ đi đến chết, hay đau khổ gần như chết. Vậy này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ cần phải làm".

4) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, chạy trốn chỗ này, chỗ kia. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, có năm kẻ sát nhân thù địch này, đang đi theo sau lưng Bạn. Chúng nói: 'Khi nào chúng ta thấy nó, chúng ta sẽ giết nó'. Này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ là phải làm".

5) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc ấy, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, quá sợ hãi năm tên sát nhân thù địch ấy, chạy đi trốn chỗ này, chỗ kia. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, có một tên thứ sáu cướp nhà, giết người, với ngọn kiếm dơ lên, đang đi theo sau lưng Bạn. Nó nói: 'Khi nào ta thấy nó, ta sẽ chém đầu nó'. Này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ là phải làm".

6) Rồi, này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc, với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, quá sợ hãi năm tên sát nhân thù địch, quá sợ hãi tên thứ sáu cướp nhà, giết người với ngọn kiếm dơ lên, chạy đi trốn chỗ này, chỗ kia. Rồi người ấy thấy một ngôi làng trống không. Nhà nào người ấy đi vào, người ấy vào chỗ trống không, vào chỗ rỗng không, vào chỗ tuyệt không. Người ấy sờ đến đồ dùng nào, người ấy sờ chỗ trống không, người ấy sờ chỗ rỗng không, người ấy sờ chỗ tuyệt không. Người ta nói với người ấy: "Này Bạn, bọn cướp phá hoại làng, sẽ đánh cướp ngôi làng trống không này. Này Bạn, hãy làm những gì Bạn nghĩ là phải làm".

7) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy quá sợ hãi bốn con rắn độc với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, quá sợ hãi năm tên giết người thù địch, quá sợ hãi tên thứ sáu cướp nhà, giết người với ngọn kiếm dơ lên, quá sợ hãi các tên cướp làng, liền chạy đi trốn chỗ này, chỗ kia. Rồi người ấy thấy một đầm nước lớn, bờ bên này đầy những sợ hãi nguy hiểm, bờ bên kia được an ổn, không có sợ hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua, không có cầu để đi qua đi lại.

8) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy suy nghĩ như sau: "Ðây là vùng nước đọng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn, không kinh hãi, nhưng không có thuyền để vượt qua, cũng không có cầu bắc qua từ bờ bên này đến bờ bên kia. Nay ta hãy thâu góp cỏ cây, nhành lá, cột lại thành chiếc bè, nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, ta có thể vượt qua bờ bên kia một cách an toàn".

9) Rồi này các Tỷ-kheo, người ấy thâu góp cỏ cây, nhành lá, cột lại thành chiếc bè, nhờ chiếc bè này, tinh tấn dùng tay chân, người ấy vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Vị Bà-la-môn vượt qua bờ bên kia, đứng trên đất liền.

10) Ví dụ này, này các Tỷ-kheo, Ta làm để giải thích ý nghĩa. Và đây là ý nghĩa:

11) Bốn con rắn độc với sức nóng tột độ, với nọc độc mãnh liệt, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bốn đại chủng: địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại.

12) Năm tên giết người thù địch, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm thủ uẩn: sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

13) Tên thứ sáu cướp nhà, giết người với cây kiếm giơ lên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với dục tham.

14) Ngôi làng trống không, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Này các Tỷ-kheo, nếu một người hiền, kinh nghiệm, có trí, tìm hiểu nó với con mắt; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không... Nếu tìm hiểu nó với ý; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không.

15) Bọn cướp phá làng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ. Này các Tỷ-kheo, mắt bị tàn hại trong các sắc khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, tai bị tàn hại trong các tiếng khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, mũi bị tàn hại trong các hương khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, lưỡi bị tàn hại trong các vị khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, thân bị tàn hại trong các xúc khả ái và không khả ái. Này các Tỷ-kheo, ý bị tàn hại trong các pháp khả ái và không khả ái.

16) Vùng nước lớn, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bốn bộc lưu: dục bộc lưu, hữu bộc lưu, kiến bộc lưu và vô minh bộc lưu.

17) Bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân kiến này.

18) Bờ bên kia an ổn và không kinh hãi, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Niết-bàn.

19) Cái bè, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành.

20) Tinh tấn dùng tay và dùng chân, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với tinh tấn, tinh cần.

21) Vị Bà-la-môn vượt qua bờ bên kia và đứng trên đất liền, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với bậc A-la-hán.

Thảo luận:

1. Phải chăng Đức Phật dùng nhiều thí dụ trong sự giảng dạy Phật Pháp?
2. Theo Phật Pháp thì "ai" là người làm khổ mình nhiều nhất?
3. Có đúng chăng với người tu tập thì "mỗi chúng sanh là một thế giới" cần được liễu ngộ?
4. Trong bài kinh nầy điều nào nằm trong định lý "duyên khởi"?

Đố vui:

Trong ngụ ngôn của bài kinh hôm nay cái gì là sự nguy hiểm được Đức Phật đề cập:

a. Bốn con rắn
b. Năm người thù địch
c. Sáu tên cướp
d. Cả ba điều trên
Câu chuyện trong ngày 1-5-2010
KHẢ NĂNG LÃNH HỘI CỦA CHÚNG SANH
"Hiệu năng của chánh pháp một phần nằm ở căn tánh người nghe"

VII. Thuyết Pháp (S.iv,314)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.

2) Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn sống vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sanh và loài hữu tình?

-- Ðúng vậy, này Thôn trưởng, Như Lai sống vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sanh và loài hữu tình.

4) -- Nhưng vì sao, bạch Thế Tôn, đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp một cách hoàn toàn trọn vẹn; đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp không hoàn toàn trọn vẹn như vậy?

-- Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông, Ông kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.

5) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, ở đây, một người cày ruộng có ba thửa ruộng, một loại tốt, một loại bậc trung, một loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Người cày ruộng ấy muốn gieo hột giống, thời gieo ở thuở ruộng nào trước, ruộng tốt, hay ruộng bậc trung, hay ruộng loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc?

-- Bạch Thế Tôn, người gia chủ cày ruộng muốn gieo hột giống, gieo vào thửa ruộng tốt; sau khi gieo ở đấy xong, lại gieo vào thửa ruộng loại trung; sau khi gieo ở đấy xong, vị ấy có thể gieo hay không gieo hạt giống vào thửa ruộng loại xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc. Vì sao? Tối thiểu cũng có thể làm món ăn cho các trâu bò.

6) -- Ví như thửa ruộng tốt, này Thôn trưởng, là các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni của Ta. Ðối với họ, Ta thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

7) Ví như thửa ruộng loại trung, này Thôn trưởng, là các vị nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Ta nói lên cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

8) Ví như thửa ruộng xấu, đất cứng, có chất muối, đất độc, này Thôn trưởng, là các ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ. Ta thuyết pháp cho họ sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Vì rằng, nếu họ hiểu được chỉ một câu, như vậy là họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

9) Ví như, này Thôn trưởng, một người có ba bình nước, một bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước; một bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước; một bình nước nứt rạn, chảy nước, thấm nước. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Nếu có người muốn chứa nước, người ấy sẽ chứa nước ở đâu trước, người ấy chứa bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước, hay bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước, hay bình nước nứt rạn, chảy nước và thấm nước?

-- Bạch Thế Tôn, người ấy muốn chứa nước, người ấy sẽ chứa vào bình nước không có nứt rạn, không có chảy nước, không có thấm nước. Sau khi chứa nước vào đấy rồi, người ấy mới chứa nước vào bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước. Sau khi chứa nước vào đấy rồi, người ấy mới chứa nước hay không chứa nước vào bình nước bị nứt rạn, bị chảy nước, bị thấm nước. Vì sao? Vì ít nhứt cũng có thể dùng để rửa vật dụng.

10) -- Ví dụ với bình nước không nứt rạn, không chảy nước, không thấm nước, này Thôn trưởng, là các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ sống lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

11) Ví dụ với cái bình nước không nứt rạn, nhưng chảy nước và thấm nước, này Thôn trưởng, là các nam cư sĩ, nữ cư sĩ của Ta. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn,thanh tịnh. Vì sao? Này Thôn trưởng, vì họ lấy Ta làm ngọn đèn, lấy Ta làm hang ẩn, lấy Ta làm chỗ che chở, lấy Ta làm chỗ nương tựa.

12) Ví dụ với cái bình nước bị nứt rạn, bị chảy nước, bị thấm nước, này Thôn trưởng, là các ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ. Ta thuyết pháp cho họ, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày cho họ biết đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, thanh tịnh. Vì sao? Vì rằng, nếu họ chỉ hiểu được một câu, như vậy là họ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

13) Khi được nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Thảo luận:

1. Sự mê muội hay mẫn tiệp của một số chúng sanh có tánh giai đọan (như một vài kiếp) hay là căn tính lâu đời nhiều kiếp?
2. Tại sao chư Phật với năng lực vi diệu và đại bi tâm vô lượng mà vẫn không độ tận được tất cả chúng sanh?
3. Tam Tạng Pali nói gì về "căn tánh"?
4. Những yếu tố gì khiến sự thính pháp mang lại nhiều lợi lạc?

Đố vui:

Từ vựng "thinh văn" trong kinh điển Pali có ý nghĩa nào dưới dây:
a. Là người được khai thị nhờ nghe pháp của bậc toàn giác
b. Là người chỉ tu cho mình mà không cứu độ tha nhân
c. Là hàng Tăng bảo trong Phật giáo
d. Câu a va c đúng

Thứ Ba, 27 tháng 4, 2010

Câu chuyện trong ngày 30-4-2010
NHƯ LAI CHỈ DẠY VỀ SỰ KHỔ VÀ SỰ DIỆT KHỔ
"Một đặc điểm của Phật Pháp chính là sự thiết thực"

II. Anuràdha. (S.iv380)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, ở Trùng Các giảng đường.

2) Lúc bấy giờ Tôn giả Anuràdha đang ở một ngôi chòi trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu.

3) Rồi rất nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến Tôn giả Anuràdha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuràdha những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

4) Ngồi một bên, các ngoại đạo du sĩ ấy thưa với Tôn giả Anuràdha:

-- Này Hiền giả Anuràdha, Như Lai là bậc Thượng Nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

-- Thưa chư Hiền, Như Lai ấy là bậc Thượng nhân, bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp sau đây: "Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

Khi được nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Tôn giả Anuràdha:

-- Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia không bao lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh.

5) Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách (apasàdetvà) Tôn giả Anuràdha là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

6) Rồi Tôn giả Anuràdha, sau khi các du sĩ ngoại đạo ấy ra đi không bao lâu, liền suy nghĩ: "Nếu các du sĩ ngoại đạo ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu ta trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta không có xuyên tạc Thế tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai nói lời tương ứng đúng pháp, không có cơ hội để chỉ trích".

7) Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

8) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuràdha bạch Thế Tôn:

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, con trú trong một ngôi chòi trong rừng, không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi, bạch Thế Tôn, rất nhiều du sĩ ngoại đạo đi đến con, sau khi đến, nói lên với con những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: "Này Hiền giả Anuràdha, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy đã được trình bày dưới bốn trường hợp: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’". Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, con nói với các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thắng. Bậc Như Lai ấy được trình bày ngoài bốn trường hợp như sau: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"". Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với con: "Tỷ-kheo này có lẽ là mới tu, xuất gia chưa bao lâu. Hay nếu là vị trưởng lão, thời vị này là ngu si, không có thông minh". Các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi chê trách con là người mới tu và ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

9) Bạch Thế Tôn, khi các vị du sĩ ngoại đạo ấy đi không bao lâu con suy nghĩ như sau: "Nếu các vị du sĩ ngoại đạo ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để câu trả lời của ta cho các du sĩ ngoại đạo ấy là đúng với lời Thế Tôn, ta không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật. Ta trả lời đúng pháp, thuận pháp và những ai nói lời tương ưng đúng pháp, không có cơ hội để chỉ trích".

10)-- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Thọ là thường hay vô thường?. .. Tưởng là thường hay vô thường?... Các hành là thường hay vô thường?. .. Thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

11) -- Do vậy, này Anuràdha, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì, quá khứ, vị lai, hiện tại... Phàm có tưởng gì... Phàm có các hành gì... Phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi".

12) Thấy vậy, này Anuràdha, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với các hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí biết rằng: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

13) Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán sắc là Như Lai không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán thọ là Như Lai không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán tưởng là Như Lai không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán các hành là Như Lai không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán thức là Như Lai không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

14-18) -- Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán Như Lai ở trong sắc không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở ngoài sắc không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở trong thọ không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở ngoài thọ không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở trong tưởng không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở ngoài tưởng không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở trong các hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở ngoài các hành không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở trong thức không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai ở ngoài thức không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

19-20) -- Ông nghĩ như thế nào, này Anuràdha, Ông có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Ông có quán Như Lai là không có sắc, không có thọ, không có tưởng, không có các hành, không có thức hay không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

21) -- Ở đây, này Anuràdha, Ông ngay trong hiện tại không có nắm được Như Lai một cách chân thật, một cách xác chứng, thời có hợp lý chăng khi Ông tuyên bố về Như Lai rằng:

"Thưa chư Hiền, Như Lai là bậc Thượng nhân, là bậc Tối thắng nhân, là bậc đã đạt được địa vị tối thượng. Bậc Như Lai ấy được biết đến ngoài bốn trường hợp sau đây: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không có tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Hay Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"".

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

22) -- Lành thay, lành thay! Này Anuràdha. Trước đây và hiện nay, này Anuràdha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.


Thảo luận

Một nhận định từ góc cạnh của Phật giáo Đại Thừa
Trích từ Tổng quan Pháp cú Nam tông - HT Thích Trí Quang

Nhưng Phật nói cho ai, ai đã đến với Phật ? Phật không khước từ ai cả. Trên lý thuyết, kẻ nào trong đời này mà sát hại cha mẹ sinh ra thân mình, thì kẻ đó đời này không được xuất gia, không thành La hán. Ngoài ra, không ai bị hạn chế. Ðó là nói xuất gia. Còn tại gia cũng không loại trừ kẻ này. Pháp cú và truyện tích của Pháp cú Pali cho thấy Phật đã hóa độ cho kẻ chiến thắng, kẻ chiến bại, kẻ khổ đến nỗi khó sống nổi, thậm chí sát thủ, đao phủ thủ, trộm cướp, thông minh xuất sắc, đần độn đặc biệt, nam giới, nữ giới, lão niên, đồng ấu, Tăng của Phật có đủ. Và cách tiếp độ của Phật dĩ nhiên kỳ lạ. Không lạ gì khi Ngài đích thân đến hòa giải trận chiến sắp khai hỏa, cũng không lạ gì khi Phật biết trước ai và những ai sắp đến lúc chết, chết thảm, Phật đã lo tạo cho họ một cái chết không tồi tệ, nhiều trường hợp Phật đã đến thật đúng lúc, thật sát lúc, làm cho chứng ngộ trước khi chết ngay - Và Ngài, dĩ nhiên, đã nhận đủ hoài nghi, trách cứ. Nhưng Ngài vẫn làm những gì còn làm được. Nên những điều này không lạ gì. Kỳ lạ là Ngài đã dùng ngay cá tính tự trọng của một vương tử mê vợ, sự chậm lụt của một người đần độn, sự thất vọng của một kẻ ham gần Phật, sự ỷ có công với Phật mà kiêu binh, ngoan cố, Phật nói rõ Ngài nhập diệt thì kẻ ấy chứng ngộ - Nói to tuồng một chút, sự nhập diệt của Phật cũng là cách hóa độ của Ngài. Ðại thừa nói các pháp là chánh mà cũng là tà, tùy ở sự thiện dụng mà tà thành chánh, thành tác dụng hóa độ cả. Phật tin tưởng tuyệt đối vào khả năng của chúng sinh, nhất là loài người. Loài người, và cả chúng sinh, vô lượng kiếp đi nữa mầm mống thiện căn (tín tiến niệm định tuệ) không mất trong họ, nói cách khác, chúng sinh là « tánh tịnh », tánh ấy không có cái nghĩa biến chất, hủy diệt. Vấn đề chỉ còn một, giúp cho thiện căn ấy phát triển ; hai, lúc thiện căn ấy thuần thục thì giúp cho chứng ngộ. Người giúp là Phật - Trong đại thừa, Phật là « đại thiện tri thức ». Người giúp, như vậy, là quan trọng, nhưng chủ yếu vẫn là người được giúp có tiếp nhận và cố gắng hay không. Pc Pali đề cao phần tự lực như vậy là để cảnh cáo, khuyến khích. Còn Phật, với đại trí và đại bi, thì làm 2 cái việc giúp trên đây. Người được giúp, ngoài tại gia là cơ sở, có xuất gia là tiêu biểu - là Tăng.

2/4.- Pc Pali cho thấy hiện tại của Phật là như vậy, cái hiện tại đã có thể nói xứng đáng gọi là đức Phật. Nhưng từ cái hiện tại ấy ta phải thấy cái quá khứ của Phật đã làm gì mới có cái hiện tại như vậy, và cái hiện tại như vậy không thể nào không có cái tác dụng ở vị lai mà Pc Pali chưa thể nói rõ. Ðại thừa thì nói rõ. Phật đã làm Bồ tát mới có cái làm Phật « 8 hình thức » ; và nhập diệt chỉ là cái thân người 32 tướng mà thôi. Không thể nói Phật để lại cái Pháp « thiện nhân truyền dạy cho thiện nhân » mà gọi đó là cả cái vị lai của Phật. Ðừng đẩy cái hiện tại vĩ đại, càng đầy công hạnh như vậy, vào trạng huống không có gì, nhất là không có gì đối chúng sinh. Mà phải thấy Phật không bao giờ bỏ chúng sinh. Khi làm Bồ tát thì làm cha mẹ, thầy bạn, tôi tớ cho chúng sinh mới có cái hiện tại làm Phật cho chúng sinh, từ cái hiện tại này Phật đi vào cái vị lai không những làm cha mẹ, thầy bạn, tôi tớ cho chúng sinh, mà còn tiếp tục làm Phật cho chúng sinh, trong cái vị lai bất tận. Không thể nói hiện tại Phật nhập vô dư niết bàn là rồi. Rồi như thế, dầu được nói như thế nào, cũng đích thật là đoạn kiến đối với chúng sinh. Trong khi đọc Pháp cú Nam tông, tôi có gặp được vài chỗ, của Narada và Dhammananda, đều có, nói Niết bàn là siêu thể, là trạng huống không thể nghĩ bàn. Có nghĩa Phật, hay La hán, nhập vô dư niết bàn rồi, sau đó thì Phật không nói tới, ta càng không thể ước lượng. Lối nói này chỉ là lấy không chính xác tư tưởng đại thừa mà tránh cái đoạn kiến khó tránh khi đã bài bác đại thừa. Phải thấy là cái lỗi thật sự, thật lớn lao, khi đẩy công hạnh lớn lao, bất khả tư nghị của Phật, hay vài vị La hán, vào cái vị lai hoàn toàn mơ hồ. Như thế thì thành Phật, thành La hán để làm gì ? để có gì hơn ngoài cái việc không cái “hữu” trong 12 chi duyên khởi ? Nói Phật không nói gì thì ngay Pc Pali đã cho thấy sai, rất sai. Hãy đọc cho kỹ 2 pháp cú 254-255, và phải biết đó là 2 pháp cú Phật nói vào giờ phút sắp nhập diệt, nói với một đệ tử cuối cùng cũng sắp cuối cùng cuộc đời. « Như lai thì không phải giả dối, vô thường » là nói gì ? chắc chắn không phải để nói như tiểu thừa cố nói.

Câu chuyện trong ngày 29-4-2010
NHƯ LAI CÓ TỒN TẠI SAU KHI VIÊN TỊCH?
"Tất cả câu trả lời đều nằm trong hạn cuộc của ngôn từ và khái niệm"

I. Trưởng Lão Ni Khemà (S.iv,374)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo-ni Khemà đang đi du hành giữa dân chúng Kosala và trú ở tại Toranavatthu, giữa Sàvatthi và Sàketà.

3) Vua Pasenadi nước Kosala cũng đang đi từ Sàketa đến Sàvatthi và trú một đêm ở Toranavatthu, giữa Sàketa và Sàvatthi.

4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi một người và nói:

-- Hãy đến, này Người kia. Ông có biết vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào ở tại Toranavatthu để hôm nay ta có thể đến yết kiến vị ấy?

-- Thưa vâng, tâu Ðại vương.

Người ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, đi tìm khắp Toranavatthu không thấy có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để vua Pasenadi nước Kosala có thể đến yết kiến.

5) Rồi người ấy thấy Tỷ-kheo-ni Khemà đến trú ở Toranavatthu; sau khi thấy, người ấy đi đến vua Pasenadi nước Kosala và thưa:

-- Tâu Ðại vương, tại Toranavatthu không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để Ðại vương có thể yết kiến. Nhưng tâu Ðại vương, có Tỷ-kheo-ni Khemà là đệ tử của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về bậc nữ Tôn giả ấy: "Nữ Tôn giả là bậc hiền trí, thông minh, có trí, nghe nhiều, lời nói đến tâm, ứng đáp lanh lợi". Ðại vương có thể đến yết kiến vị ấy.

6) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà; sau khi đến, đảnh lễ vị ấy rồi ngồi xuống một bên.

7) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tỷ-kheo-ni Khemà:

-- Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?

-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".

8) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại sau khi chết?

-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết".

9) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?

-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết".

10) -- Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

-- Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết".

11) -- Ðược hỏi: "Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết"". Ðược hỏi: "Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?", Nữ Tôn giả trả lời: "Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết"". Thưa Nữ Tôn giả, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại không trả lời?

12)-- Vậy thưa Ðại vương, ở đây, tôi sẽ hỏi Ðại vương. Ðại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.

13) Ðại vương nghĩ thế nào, thưa Ðại vương, Ðại vương có người kế toán nào, chưởng ấn nào (muddiko), toán số nào có thể đếm được cát sông Hằng có số hột cát như vậy, có số trăm hột cát như vậy, có số ngàn hột cát như vậy, có số trăm ngàn hột cát như vậy?

-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.

14) -- Ðại vương có người kế toán nào, có người chưởng ấn nào, có người toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn có số đấu nước như vậy, có số trăm đấu nước như vậy, có số ngàn đấu nước như vậy, có số trăm ngàn đấu nước như vậy?

-- Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.

-- Vì sao?

-- Thưa Nữ Tôn giả, vì rằng biển lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.

15) -- Cũng vậy, thưa Ðại vương, nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân (rupeena), nhưng sắc thân ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.

16) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua cảm thọ, nhưng cảm thọ ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của cảm thọ. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận... Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.

17-19) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai qua các tưởng... qua các hành... qua các thức; nhưng thức ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của thức. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại sau khi chết", không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: "Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết", cũng không thể chấp nhận.

20) Rồi vua Pasanadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời của Tỷ-kheo-ni Khemà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo-ni Khemà, thân phía hữu hướng về Nữ Tôn giả rồi ra đi.

21) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau một thời gian, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

22) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?

-- Thưa Ðại vương, Ta không trả lời: "Như Lai có tồn tại sau khi chết".

23) Thế là, thưa Thế Tôn, Như Lai không có tồn tại sau khi chết?

-- Thưa Ðại vương, Ta cũng không trả lời: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết".

24-25)... (Như trên)...

26-34... (Như trên, từ số 11 đến số 19, với những thay đổi cần thiết)...

35) -- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.

36) Một thời, bạch Thế Tôn, con đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà và hỏi về ý nghĩa này. Nữ Tôn giả ấy đã trả lời cho con về ý nghĩa này với những câu này, với những lời này, giống như Thế Tôn. Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú. Bạch Thế Tôn, nay con phải đi, con có nhiều công vụ, nhiều việc phải làm.

-- Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.

37) Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Thảo luận

1. Xin cho biết thêm chi tiết về Nữ tôn giả Khemà
2. Xin định nghĩa từ "Như Lai" ở đây
3. Chủ trương tam thân (trikaya)gồm báo thân, ứng thân và pháp thân có gì khác biệt với tinh thần của bài kinh nầy?
4. Bài kinh nầy có nhấn mạnh sự "bất khả tư nghì" thường thấy trong giáo lý Bắc Truyền không?

Đố vui

Thử đọc câu chuyện nầy: Thuở xưa có một con cá. Cá chỉ biết trong nước và không biết gì ngoại trừ nước. Một hôm, cá mải mê bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi hôm thì gặp lại chị Rùa. Hỏi ra thì hèn lâu rùa đi dạo trên đất liền. Cá hỏi: "Chào chị rùa, chị đi đâu mà hèn lâu tôi không gặp?"

- Này chị cá, chào chị. Hôm rày tôi đi một vòng lên trên đất khô. Rùa trả lời.

- Đất khô à! Cá lấy làm ngạc nhiên. Chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất làm sao khô được? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.

Bẩm tánh ôn hòa, Rùa nhỏ nhẹ đáp:

- Được, tốt lắm, nếu chị muốn nghĩ như vậy cũng tốt. Không ai ngăn cản chị đâu. Tuy nhiên, chỗ mà tôi đi mấy hôm rày đất khô thật.

- Nầy chị rùa, đâu chị nói rõ lại coi. Đất khô mà chị nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?

- Không, đất khô không ẩm ướt.

- Đất khô có mát mẻ và êm dịu, dễ chịu không?

- Không, đất khô không mát mẻ và êm dịu dễ chịu.

- Đất khô trong suốt và ánh sáng rọi xuyên qua được không?

- Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được.

- Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi lội trong ấy không?

- Không, đất khô không mềm mại dịu dàng, và mình không thể bơi lội trong lòng đất.

- Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?

- Không, đất không di chuyển và trôi chảy thành dòng.

- Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt kông? Cá rất bực mình với loạt câu trả lời "không, không, ..." của rùa.

- Không, đất không nổi sóng. Rùa thành thật trả lời.

Cá bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người đắc thắng và vang lên:

- Thấy chưa, thật quả như tôi đã nói chớ gì nữa! Tôi đã bảo rằng đất khô của chị là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi và chị đã xác nhận rằng đất khô và không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu và không trong suốt, và ánh sáng không rọi xuyên qua được, không mềm mại và dễ chịu để mình có hể bơi lội trong ấy, đất cũng không di chuyển và trôi thành dòng, cũng không nổi sóng và cũng không tan rã thành bọt. Không phải gì hết thì có phải là hư vô không?

Rùa đáp:

- Được, tốt lắm. Nầy chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất là hư vô, không có gì hết, thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thật ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi sẽ nói rằng chị chỉ là con cá dại dột, vì chị quả quyết rằng cái gì mà chị không biết là không có gì hết, hư vô. Nói là hư vô bởi vì chị không bao giờ biết.

Đến đây, rùa bỏ cá ở lại một mình với ao đầm nhỏ bé, quay đầu lội đi và suy tưởng đến một cuộc viễn du khác trên đất khô, nơi mà cá tưởng tượng là hư vô...


Vấn đề của con cá nằm chỗ nào:

a. Thiếu thiện chí học hỏi
b. Thiếu sự mô tả rõ ràng
c. Thiếu tinh thần khách quan
d. Cả ba câu trên đều sai

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2010

Câu chuyện trong ngày 28-4-2010
QUÊ CHA ĐẤT TỔ
"Sự an toàn tìm thấy ở chốn thân quen"

6. VI. Con Chim Ưng (Sakunagghi) (Tạp 24,15, Ðại 2,172c) (S.v,146)

1-2)...

3) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một con chim ưng cái thình lình vồ xuống và chụp lấy một con chim cút.

4) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút bị con chim ưng cái bắt, than khóc như sau:

"-- Như thế này, thật bất hạnh cho tôi! Thật thiếu công đức cho tôi! Vì rằng tôi đã đi không phải chỗ hành xứ của mình, đi vào cảnh giới của người khác. Nếu tôi đi trong chỗ hành xứ của tôi, trong cảnh giới của cha mẹ tôi, thời con chim ưng này không thể hơn tôi, nếu phải đánh nhau".

"-- Này Chim cút, thế nào là chỗ hành xứ của ngươi, thế nào là cảnh giới của cha mẹ ngươi?"

-- "Là vạt đất được lưỡi cày xới lên".

5) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái không có siết mạnh sức mạnh của mình, không có bóp chặt sức mạnh của mình, thả con chim cút rồi nói:

-- "Hãy đi, này Chim cút. Sau khi đi tại chỗ ấy, ta sẽ không thả cho ngươi".

6) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim cút đi đến vạt đất được lưỡi cày xới lên, leo lên một hòn đất lớn, đứng trên ấy và nói với con chim ưng:

"-- Này, hãy đến ta, Chim ưng! Này, hãy đến ta, này Chim ưng!"

7) Rồi này các Tỷ-kheo, con chim ưng cái siết mạnh sức mạnh của mình, bóp chặt sức mạnh của mình, xếp cả hai cánh, thình lình vồ lấy con chim cút. Này các Tỷ-kheo, khi con chim cút biết được: "Con chim ưng này đang vồ mạnh xuống ta", liền nấp sau hòn đất ấy. Này các Tỷ-kheo, ở đây, con chim ưng bị bể ngực.

8) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai đi tới chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác. Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác, thời Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng.

9) Này các Tỷ-kheo, chỗ nào không phải hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của người khác? Chính là năm dục công đức. Thế nào là năm?

10) Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Có các tiếng do tai nhận thức... Có các hương do mũi nhận thức... Có các vị do lưỡi nhận thức... Có các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ không phải hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của người khác.

11) Này các Tỷ-kheo, hãy đi đến chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ hành xứ của mình, đến cảnh giới của cha mẹ mình, thời Ác ma không nắm được cơ hội, không nắm được đối tượng.

12) Và này các Tỷ-kheo, chỗ nào là chỗ hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của cha mẹ? Chính là bốn niệm xứ. Thế nào là bốn?

13) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú, quán thọ trên các thọ...; trú, quán tâm trên tâm...; trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của cha mẹ mình.

Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Thảo luận
1. Phải chăng khi tâm hướng cầu dục lạc là đi vào cảnh giới có rất ít khả năng tự chủ?
2. Tại sao ngũ dục, trong bài kinh nầy, được Phật dạy là: cảnh giới của người khác?
3. Sự hướng nội và hướng ngoại có ảnh hưởng thế nào với đời sống nội tâm?
4. Phải chăng Đức Phật và chư thánh nhân giải thoát đêu sống với chánh niệm đối với thân, thọ, tâm, pháp?

Đố vui

Trong câu thơ:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
(Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ
Đừng gỉục cơn sầu nữa sóng ơi
Vũ Hoàng Chương dịch)

Cái gì khiến lữ khách bồn chồn trong dạ:
a. Cảnh lạ người xa
b. Trời sắp tối
c. Sóng nước trên sông
d. Niềm băn khoăn không biết sẽ dừng chân lại chốn nào

Câu chuyện trong ngày: 27-4-2010
CÓ LÀM VUA CŨNG VẬY THÔI
"Trong mắt của bậc thánh giá trị có khác với phàm phu"


X. Thăm Người Bệnh (S.iv,302)

1-2) Lúc bấy giờ, gia chủ Citta bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.

3) Rồi số đông chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng tụ hội lại và nói với gia chủ Citta:

-- Này Gia chủ hãy nguyện: "Trong tương lai, ta sẽ thành vua Chuyển luân Thánh vương!"

Khi được nghe nói vậy, gia chủ Citta nói với chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng:

-- Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua.

4) Khi được nghe nói vậy, các bạn bè thân hữu, các bà con huyết thống nói với gia chủ Ciita:

-- Này Thiện gia nam tử, hãy an trú chánh niệm, chớ có nói lung tung.

-- Tôi nói với các vị những gì khiến các vị nói với tôi: "Này Thiện gia nam tử, hãy an trú chánh niệm, chớ có nói lung tung"?

-- Này Thiện nam tử, vì Ông nói như sau: "Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua".

-- Vì rằng, chư Thiên các hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên trú ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng đã nói với tôi như sau: "Này Gia chủ, hãy nguyện: 'Trong tương lai, ta sẽ thành vua Chuyển luân Thánh vương'". Cho nên tôi mới trả lời với họ: 'Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua'".

5) -- Này Thiện gia nam tử, các chư Thiên ở hoa viên... các cây trong rừng đã quán thấy ý nghĩa gì mà nói với Ông: "Này Gia chủ hãy nguyện: 'Trong tương lai, ta sẽ thành vua Chuyển luân Thánh vương""?

-- Các chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên trú ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng ấy đã suy nghĩ như sau: "Gia chủ Citta này giữ giới, tánh thiện, nếu phát nguyện: 'Trong tương lai, ta sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương!" Tâm nguyện thanh tịnh, đúng pháp, sẽ làm cho thành công người trì giới, sẽ đem đến quả đúng pháp". Chư Thiên ở hoa viên, chư Thiên ở rừng, chư Thiên ở cây, chư Thiên ở rừng các dược thảo, các cây trong rừng ấy, do quán thấy ý nghĩa như vậy nên đã nói như sau: "Này Gia chủ, hãy phát nguyện: 'Trong tương lai ta làm vị Chuyển luân Thánh vương"". Do vậy, tôi nói với họ: "Cái ấy là vô thường, cái ấy là không thường hằng, cái ấy cần phải bỏ đi và vượt qua".

-- Này Thiện gia nam tử, hãy giáo giới cho chúng tôi.

-- Vậy các Ông cần phải học như sau: "Chúng tôi sẽ đầy đủ lòng tin bất động đối với đức Phật: 'Vị ấy là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn". Chúng tôi sẽ có đủ lòng tin bất động đối với Pháp: 'Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu'. Chúng tôi sẽ có đầy đủ lòng tin bất động đối với chúng Tăng: 'Thiện hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Như lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Thanh tịnh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng được tôn kính, đáng được cung kính, đáng được kính lễ, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời'. Tất cả những gì có thể đem cho trong gia tộc, tất cả phải đem cúng dường, phân phát cho những vị trì giới và có thiện tánh".

Như vậy, các Ông cần phải học tập.

7) Khi gia chủ Citta khiến cho các bạn bè thân hữu, các bà con huyết thống có tịnh tín đối với đức Phật, đối với Pháp, đối với chúng Tăng và khuyên họ bố thí, vị ấy liền mệnh chung.


Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Thảo luận
1. Mang lại hạnh phúc cho trăm họ không cao cả hơn sự giải thoát cá nhân sao?
2. Ngôi vị chuyển luân vương được hiểu thế nào trong kinh Phật?
3. Có thể chăng để nói chính sự vô thường thay đổi, trên phương diện nào đó, khiến cuộc sống thêm sinh thú?
4. Niềm tin Tam Bảo theo tín ngưỡng dân gian có gì khác với niềm tin chuẩn mực trong Phật pháp?

Đố vui
Cư sĩ citta trong bài kinh nầy gợi ý cho chúng ta nên tâm niệm điều gì khi kề cận cái chết:
a. An trú tâm vào niềm tin bất động
b. Hướng cầu quả vị ưu thắng đời sau
c. Chu tất bổn phận với người thân ở lại
d. Ba câu trên đều đúng

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2010


Câu chuyện trong ngày 26-4-2010
CẦU NGUYỆN VÃNG SANH
"Cầu nguyện không thay đổi tất cả, chính hạnh nghiệp của mỗi người mới là yếu tố quyết định"

VI. Người Ðất Phương Tây hay Người Ðã Chết (S.iv,311)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.

2) Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn trú đất phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ (sevàla), nhờ nước được thanh tịnh. Những người thờ lửa, khi một người đã chết, đã mệnh chung, họ nhắc bổng và mang vị ấy ra ngoài (uyyàpenti), kêu tên vị ấy lên, và dẫn vị ấy vào Thiên giới. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Thế Tôn có thể làm như thế nào cho toàn thể thế giới, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?

4) -- Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn hãy trả lời.

5) Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

6) -- Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này Thôn trưởng, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!" Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

7) Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của quần chúng đông đảo ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

8) -- Ví như, này Thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi) hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!". Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chấp tay đi cùng khắp của quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này Thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân, theo chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

9) Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-- Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch


Thảo luận:

1. Trong trường hơp nào lời nguyện có kết quả?
2. Phải chăng bài kinh nầy phủ nhận giá trị của tha lực?
3. Phải chăng người càng tạo nhiều ác nghiệp thì càng nặng tín ngưỡng đạo giáo?
4. Sự cầu nguyện và hồi hướng phước khác nhau thế nào?

Đố vui:

Sự trợ lực nào dưới đây được xem là phù hợp với nhân quả:
a. Tạo phước hồi hướng
b. Mang lại hình ảnh và âm thanh có khả năng tác động tâm lành
c. Gợi nhắc những nghĩa lý chánh pháp về thực tướng của đời sống
d. Cả ba câu trên đều đúng

Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2010


Câu chuyện trong ngày 25-4-2010
KHÔNG PHẢI NỤ CƯỜI NÀO CŨNG BẰNG MƯỜI THANG THUỐC BỔ
"Không phải sự ban bố lạc thú nào cũng giống nhau"

II. Puta (S.iv,306)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi Talaputa, nhà vũ kịch sư (natagàmani), đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:

-- Con được nghe, bạch Thế Tôn, các vị Ðạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười (pahàsadeve)". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.

4) Lần thứ hai, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Ðạo sư, Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cọng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này.

5) Lần thứ ba, vũ kịch sư Talaputa bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, con có nghe các vị Ðạo sư, các vị Tổ sư thuở xưa nói về các nhà vũ kịch, nói rằng: "Ai là nhà vũ kịch, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Ở đây, Thế Tôn nói như thế nào?

-- Thật sự, Ta đã không chấp nhận và nói rằng: "Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này". Tuy vậy, Ta sẽ trả lời cho Ông.

6) Này Thôn trưởng, đối với những loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng tham, còn bị lòng tham trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường, tập trung những pháp hấp dẫn, thời khiến lòng tham của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với những loại hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng sân, còn bị lòng sân trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến sân, thời khiến cho lòng sân của họ càng tăng thịnh. Này Thôn trưởng, đối với loài hữu tình thuở trước chưa đoạn trừ lòng si, còn bị lòng si trói buộc, nếu nhà vũ kịch trên sân khấu hay trong kịch trường tập trung những pháp liên hệ đến si, thời khiến cho lòng si của họ càng tăng thịnh.

7) Người ấy tự mình đắm say, phóng dật, làm người khác đắm say và phóng dật, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh trong địa ngục Hý tiếu (Pahàso). Nếu người ấy có (tà) kiến như sau: "Người vũ kịch nào, trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh cộng trú với chư Thiên hay cười". Như vậy là tà kiến. Ai rơi vào tà kiến, này Thôn trưởng, Ta nói rằng người ấy chỉ có một trong hai sanh thú: một là địa ngục, hai là súc sanh.

8) Khi được nói vậy, vũ kịch sư Talaputa phát khóc và rơi nước mắt.

-- Chính vì vậy, này Thôn trưởng, Ta đã không chấp nhận và nói: "Thôi vừa rồi, này Thôn trưởng. Hãy dừng ở đây. Chớ có hỏi Ta về điều này".

-- Bạch Thế Tôn, con khóc không phải vì Thế Tôn đã nói như vậy. Nhưng, bạch Thế Tôn, vì con đã bị các Ðạo sư, các Tổ sư vũ kịch thời trước đã lâu ngày lừa dối con, dối trá con, dắt dẫn lầm lạc con rằng: "Người vũ kịch nào trên sân khấu hay giữa kịch trường, với các điệu bộ giả sự thật, làm quần chúng vui cười, thích thú; người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên hay cười".

9) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới!

10) Vũ kịch sư Talaputa được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.

11) Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Talaputa... trở thành một vị A-la-hán nữa.

Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Thảo luận:
1. Niềm vui nào gọi là sự hoan hỷ không đi với phóng dật?
2. Phải chăng ngay cả trong niềm tin nhân quả vẫn có những sai lầm?
3. Tại sao chánh mạng là một trong nhân tố quan trọng trên đường tu tập?
4. Một người tặng người khác những sách báo giải trí thiếu lành mạnh có quả như thế nào theo nghiệp báo?

Đố vui:
Trong giáo lý nhân quả có câu "nhân nào quả nấy". Câu nào dưới đây được xem là chính xác với điều nầy:
a. Mình cho người cái gì sao nầy được cho lại cái đó
b. Nhân lành cho quả vui
c. Nhân ách cho quả khổ
d. Câu b và c

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2010

Câu chuyện trong ngày 24-4-2010
TÂM ĐỘNG HAY PHƯỚNG ĐỘNG
"Trong giáo lý duyên khởi không thể qui vào một nguyên nhân cho tất cả vấn đề"

I. Kiết Sử (S.iv,281)

1) Một thời, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão trú ở Macchikasanda, tại rừng Ambàtaka.

2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên:

-- Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?

3) Ở đây, một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời:

-- Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ.

Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời:

-- Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ.

4) Lúc bấy giờ, cư sĩ Citta đi đến Migapathaka để làm một số công việc phải làm.

5) Cư sĩ Citta được nghe có một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?" Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ". Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ".

6) Rồi cư sĩ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão ấy; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên.

7) Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

-- Bạch chư Thượng tọa, (chúng con) được nghe có một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa các vị này, khởi lên câu chuyện sau đây: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ". Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ".

-- Có vậy, này Cư sĩ.

8) -- Bạch chư Thượng tọa, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa và cũng khác ngôn từ. Bạch chư Thượng tọa, con sẽ nói lên một ví dụ cho quý vị. Ở đây, một số người có trí, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa lời nói.

9) Bạch chư Thượng tọa, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói: "Con bò đực đen là kiết sử cho con bò đực trắng, và con bò đực trắng là kiết sử cho con bò đực đen". Nói như vậy có phải là nói một cách chơn chánh không?

-- Thưa không, này Cư sĩ. Này Cư sĩ, con bò đực đen không phải là kiết sử của con bò đực trắng. Và con bò đực trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đực đen. Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử.

10) -- Cũng vậy, bạch chư Thượng tọa, con mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của con mắt. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. Cái tai không phải là trói buộc của các tiếng... Mũi không phải là trói buộc của các hương... Lưỡi không phải là trói buộc của các vị... Thân không phải là trói buộc của các xúc... Ý không phải là trói buộc của các pháp. Các pháp cũng không phải là trói buộc của ý. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc.

11) -- Lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ! Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục (kamati) lời dạy thâm sâu của đức Phật.

Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Thảo luận:
1. Có gì gọi là không thích đáng khi người cư sĩ giảng pháp cho chư tăng không?
2. Theo bài kinh nầy thì khi kiết sử sanh khởi lỗi thuộc về ai?
3. Hiểu được ý nghĩa bài kinh nầy có lợi ích gì cho người tu học?
4. Phải chăng người tu tập chỉ nên chú ý phần "tâm" chứ không cần quan tâm đến "cảnh"?

Đố vui:
Từ vựng nào dưới dây không đồng nghĩa với những từ còn lại:
a. Kiết sử
b. Thằng thúc
c. Kiết phược
d. Phiền não

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Câu chuyện trong ngày 23-4-2010
BA CÂU HỎI MỘT CÂU TRẢ LỜI
"Trong đạo học, tính cách trả lời quan trọng như chính câu trả lời"

I. Nibbàna (Niết-bàn) (S.iv,251)

1) Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở giữa dân chúng Magadha (Ma-kiệt-đà), làng Nàlaka.

2) Rồi du sĩ Jambukhàdaka đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, du sĩ Jambukhàdaka nói với Tôn giả Sàriputta:

-- "Niết-bàn, Niết-bàn", này Hiền giả Sàriputta, như vậy được nói đến. Này Hiền giả, thế nào là Niết-bàn?

-- Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn.

4) -- Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến chứng đắc Niết-bàn?

-- Này Hiền giả, có con đường có đạo lộ đưa đến chứng đắc Niết-bàn ấy.

5) -- Này Hiền giả, con đường ấy là gì, đạo lộ ấy là gì đưa đến chứng đắc Niết-bàn?

-- Này Hiền giả, đây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến chứng đắc Niết-bàn ấy, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này Hiền giả, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến chứng đắc Niết-bàn ấy.

6) -- Này Hiền giả, hiền thiện là con đường, hiền thiện là đạo lộ đưa đến chứng đắc Niết-bàn. Thật là vừa đủ, này Hiền giả, để không phóng dật.

II. A-La-Hán (S.iv,251)

1-2) ...

3) -- "A-la-hán, A-la-hán", này Hiền giả Sàriputta, được gọi là như vậy. Này Hiền giả, thế nào là A-la-hán?

-- Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là A-la-hán.

4) -- Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy?

-- Này Hiền giả, có con đường, có đạo lộ đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy.

5) -- Này Hiền giả, con đường ấy là gì, đạo lộ ấy là gì đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy?

-- Này Hiền giả, đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến... chánh định... Này Hiền giả, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến chứng đắc A-la-hán ấy.

6) -- Này Hiền giả, hiền thiện là con đường, hiền thiện là đạo lộ đưa đến chứng đắc A-la-hán. Thật là vừa đủ, này Hiền giả, để không phóng dật.

III. Vị Thuyết Pháp (S.iv,252)

1-2) ...

3) -- Thưa Hiền giả, những ai là những vị thuyết thuận pháp ở đời? Những ai là những vị khéo thực hành ở đời? Những ai là những vị khéo đến ở đời?

4) -- Này Hiền giả, những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, những ai thuyết pháp để đoạn tận sân, những ai thuyết pháp để đoạn tận si; những vị ấy là những vị thuyết thuận pháp ở đời.

5) Này Hiền giả, những ai thực hành đoạn tận tham, thực hành đoạn tận sân, thực hành đoạn tận si; những vị ấy là những vị khéo thực hành ở đời.

6) Những ai đoạn tận tham, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những ai đoạn tận sân, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những ai đoạn tận si, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; những vị ấy là những vị khéo đến ở đời.

7) -- Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến đoạn tận tham, sân và si ấy?

-- Này Hiền giả, có con đường, có đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân và si ấy.

8) -- Này Hiền giả, con đường ấy là gì, đạo lộ ấy là gì đưa đến đoạn tận tham, sân và si ấy?

-- Này Hiền giả, đây là Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn tận tham, sân và si ấy; tức là chánh tri kiến... chánh định. Này Hiền giả, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân và si ấy.

9) -- Này Hiền giả, hiền thiện là con đường, hiền thiện là đạo lộ đưa đến đoạn tận tham, sân và si ấy. Thật là vừa đủ, này Hiền giả Sàriputta, để không phóng dật.

Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Thảo luận:
1. Định nghĩa về niết bàn của Ngài Sàriputta có làm cứu cánh của người tu Phật trở nên hạn hẹp không?
2. Có thứ hạnh phúc nào đến từ phiền não không?
3. Từ "A La Hán" trong truyền thống Bắc Truyền và Nam truyền khác nhau thế nào?
4. Tại sao trong tứ đế thì "đạo đế" được hiểu là "con đường thoát khổ" chứ không phải là "nhân sanh chân hạnh phúc"?

Đố vui:
Trong ba điều dưới đây, điều nào khó làm nhất;
a. Làm việc lành
b. Tránh việc ác
c. Giữ tâm thanh tịnh
d. Tuỳ người