Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

PARIS, ngày 19.1.2015 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin hân hạnh giới thiệuLá Thư số 12 của Thượng toạ Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo thông báo cùng nói lên ý nghĩa của buổi Hội thảo nhân quyền dưới chủ đề “Khái nhiện Nhân quyền trong lịch sử Việt Nam” được tổ chức tại Chùa Phật Quang, thành phố Hungtinton Beach, Nam California, Hoa Kỳ, nhân dịp Lễ An vị Phật tại ngôi chùa vừa tạo mãi làm trụ sở hoạt động của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa kỳ.
Nhân quyền là gì ? Thực hiện cuộc đấu tranh đòi hỏi nhân quyền cần quan niệm ra sao ? Lâu nay nhân quyền được xem như cuộc đấu tranh Chống Cộng của đa số người Việt, sự việc ấy như thế nào ? Ý nghĩa và hành hoạt cho hai chữ nhân quyền thường bị trừu-tượng-hoá, nếu không nói mơ hồ, có đưa chúng ta vào trung tâm chuyển hoá việc bảo vệ con người cá thể trong một quốc gia ? Lá thư tuần thứ 12 kỳ này gợi ra những chất vấn nhằm nắm vững mạch ngầm của nền Văn hoá Nhân quyền từ Tây sang Đông. Xin mời Bạn đọc vào Trang thư thứ 12 :
bodhi1

Lá Thư Tuần thứ 12 :Hội Thảo Về Nhân Quyền

Ngày thứ bảy 7 tháng 2 năm 2015 sắp tới, chùa Phật Quang, ở thành phố Huntington Beach, tổ chức lễ An vị Phật. Ngoài phần chánh lễ, Giáo hội cũng tổ chức một buổi hội thảo và họp báo. Chủ đề của buổi hội thảo là : “Khái Niệm Nhân Quyền Trong Lịch Sử Việt Nam”. Ba diễn giả được mời là GS Võ Văn Ái – chủ tịch Uỷ Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris, Pháp Quốc, Luật sư Đỗ Thái Nhiên – tác giả biên khảo “Một Quan Niệm Chung Cho Nhân Quyền”, và nữ sĩ Ỷ Lan Penelope Faulkner – người lặn lội nhiều thập niên trong nỗ lực vận động nhân quyền cho Việt Nam. Cựu trung tá Võ Ý là người điều hợp. Lễ An Vị Phật là nghi thức xác lập một nơi trở thành Phật địa với sự tôn trí tượng Phật để phụng thờ. Tất nhiên là rất thiêng liêng đối với ngôi chùa chung vừa tạo lập. Trong phiên họp bàn về việc tổ chức lễ, tất cả thành viên Văn Phòng II Viện Hoá Đạo đều tán thành có một buổi hội thảo và chủ đề là Nhân Quyền Trong Lịch Sử Việt Nam. Đề tài nầy liên hệ tới đường hướng vận động nhiều thập niên qua của Giáo hội mà nhị vị Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Quang và Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ là hai bậc lãnh đạo tiêu biểu. Nhân quyền, dân chủ cũng là cơ sở hành động của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Ngôi chùa của Giáo hội tại thủ đô người Việt hải ngoại tổ chức buổi hội thảo với đề tài như vậy trong đại lễ đầu tiên là nội dung đáng hoan hỷ.
KHI NGÔN NGỮ TRỞ THÀNH SÁO NGỮ
Không có thời nào ngôn ngữ bị lạm dụng như ngày nay. Ngay cả những nước độc tài toàn trị cộng sản như Bắc Triều Tiên vẫn dùng danh nghĩa là Cộng Hoà Dân Chủ. Người ta dùng những mỹ từ cao đẹp như một thứ thương hiệu không hơn không kém. Loài người tự cổ chí kim vẫn thường rơi vào tình trạng gạt người lâu ngày rồi gạt chính mình không hay. Nhân quyền là một trong những từ vựng được dùng để tuyên truyền đôi khi trở thành vô nghĩa. Trong Đại Học Hè Phật Giáo năm 2014 tại chùa Pháp Luân Houston, Texas, chị Ỷ Lan có sáng kiến chiếu một đoạn phim nói về khái niệm nhân quyền. Đoạn phim ngắn nhưng nhiều người thích thú nói rằng đoạn phim đó đề cập đến những điều mình nghĩ, là đã biết nhưng thực ra chưa bao giờ nghĩ tới. Cũng giống như chúng ta thường nghĩ luật pháp có bổn phận trừng trị tội phạm nhưng thực ra cũng có bổn phận bảo vệ không để phạm nhân bị hành hạ quá đáng. Vấn đề muôn thuở là có những giá trị cao đẹp lẽ ra có ảnh hưởng lớn đến tư duy con người, nhưng vì lạm bàn, thậm xưng hoá thành vô nghĩa, rỗng tuếch. Đức Phật từng khuyên : “Chớ đi quá xa giá trị tương đối của ngôn ngữ” (Kinh Tăng Chi II). Có vô số trường hợp người ta nhân danh tôn giáo thiêng liêng để thảm sát người vô tội, buôn bán phụ nữ như nô lệ mà ISIS là một thí dụ. Ngay trong cộng đồng chúng ta đôi khi một người dùng chủ trương dân chủ, nhân quyền để mạ lị, phỉ báng người khác không tiếc lời. Người ta nhân danh sự thật để rao truyền những điều lừa mị. Chính vì vậy rất cần thiết để chúng ta ngồi lại định nghĩa và xác lập được giá trị chân thật đối với những điều thường được nói bây giờ trở thành khuôn sáo. Nhân quyền thật ra không thể hiểu đơn giản là quyền làm người theo định nghĩa của từ điển.
ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG
Ngày xửa ngày xưa có một cõi thênh thang. Thời mà những danh từ hiến pháp, tự do, dân chủ, nhân quyền chưa được biết tới. Thế mà đã có một thái hậu nhà Đinh đặt một bên ngai vàng của dòng tộc để trao cẩm bào cho một anh tài lên ngôi giữ nước ; một vị vua nhà Lý thấy xót xa khi nhìn những tù nhân trong ngục thất lạnh lẽo khi đông về rồi ra lệnh ban cho chăn ấm ; một vị vua nhà Trần đã ra lệnh tiêu huỷ sớ biểu có danh tánh những người a tòng theo giặc khi Mông Cổ chiếm Thăng Long ; giữa thời quân chủ mà có những hội nghị Bình Than, Diên Hồng để người người lên tiếng góp phần cho đại cuộc.
Ông bà chúng ta quả có những thời văn minh, thịnh trị. Thời đại hoàng kim đó không phải chỉ để lại những trang sử vẽ vang cho giống nòi mà còn là nguồn minh triết chứa đựng bao thứ tinh hoa. Tìm lại dấu xưa để thấy rằng kim cổ, đông tây tuy khác hoàn cảnh, khác ngôn ngữ nhưng thời nào cũng vậy, sự yêu thương, tha thứ, tôn trọng để lại biết bao hình ảnh đẹp. Vận dụng được trí lực của tiền nhân sẽ cho chúng ta cơ hội nhận ra khái niệm nhân quyền phù hợp với quê hương và dân tộc Việt Nam. Tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên đã là sự dung hợp khôn ngoan mà tổ tiên chúng ta tìm sự cộng sinh giữa các nền đạo giáo.
Buổi hội luận về nhân quyền tại chùa Phật Quang 7-2-2015 sắp tới sẽ không giống như nhiều buổi hội luận khác về đề tài nầy. Chúng ta sẽ đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu tổ tiên Việt Nam đã quan niệm thế nào về nhân quyền và điều đó có giá trị gì đối với thế giới hôm nay.
CHO CUỘC ĐỜI CŨNG LÀ CHO CHÍNH MÌNH
Những pháp tu trong Phật Pháp như ngũ giới, tứ vô lượng tâm… thường mang đặc tính thương chúng sanh chính là thương mình. Năm giới không sát hại mạng sống, không lấy của không cho, không tà hạnh, không nói sai sự thật, không say sưa mê loạn, đều liên hệ bản thân và tha nhân. Hành trình giác ngộ giải thoát cũng y cứ trên sự cảm nhận sâu sắc nỗi khổ đau của vạn loài chứ không phải chỉ riêng bản thân. Như vậy nhân quyền trong Phật Pháp không phải là có người ban bố và kẻ được ban bố mà là ý thức sự liên hệ mật thiết giữa con người và thế giới chung quanh.
Ngày nay người ta cũng hô hào sự bình đẳng giữa con người. Nếu đọc kỹ kinh điển thì chúng ta thấy Đức Phật dạy vấn đề không đơn giản là san bằng tất cả sai biệt thì xã hội bình đẳng. “Không phải do giòng dõi thọ sanh, mà một người thấp hèn hay cao quý, mà chính do hành vi tạo tác khiến con người cao quý hay thấp hèn” (Kinh Pháp Cú, KHUD.) Như vậy sự tự do, bình đẳng không phải là một tặng vật từ người khác mà chính do sự hiểu biết và hành động của người đó. Chỉ hô hào khai phóng không đủ. Một người nô lệ sẽ không thể tự do nếu còn hành xử với tư duy nô lệ.
Những lần đi phi cơ, người tiếp viên hành không thường nhắc khi hữu sự cần mang mặc nạ dưỡng khí, thì mang cho mình trước rồi giúp cho người bên cạnh. Điều nầy tương tự như lời Phật dạy : “một người muốn kéo người khác ra khỏi vũng lầy thì mình phải ra khỏi trước” (Kinh Tương Ưng, SAM II). Những chiến sĩ của tự do, dân chủ, nhân quyền trước nhất là những người hiểu rõ những thứ đó từ hơi thở và cuộc sống của mình. Chúng ta hãy truyền đạt cho nhau giá trị nền tảng của nhân quyền vì thiếu điều đó sự dấn thân của chúng ta trở thành vô nghĩa.
CUỘC HÀNH TRÌNH ĐÒI HỎI SỰ KIÊN TRÌ
Có một nghịch lý của cuộc sống là đa số thứ chúng ta thích thú, hào hứng thường nhất thời. Những giá trị lâu dài thường làm nản lòng khiến người ta bỏ cuộc. Trong một lần gặp gỡ giữa Giáo Hội và Phật giáo Tây Tạng tại Paris Pháp Quốc, Đức Đa Lai La Ma đã nói với Hoà Thượng Thích Hộ Giác, lúc đó là Chủ tịch Văn Phòng II Viện Hoá Đạo, “ việc vận động cho nhân quyền đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn từ năm nầy sang năm khác. Có khi bỏ công sức rất nhiều mà kết quả rất mơ hồ. Nhưng không thể không làm”. Có làm việc với Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế mới thấy thương sự cố gắng trường kỳ. Chuẩn bị tài liệu, liên lạc tiếp xúc, tất bật ngược xuôi nhưng kết quả không phải là thấy liền mà là một nỗ lực năm nầy qua năm khác trong sự chật vật nhân sự, tài chánh trăm bề.
Có thể nhiều người nghĩ rằng nhân quyền là một đề tài chuyên môn cho người tranh đấu, kỳ thực điều nầy liên hệ trực tiếp đến tất cả chúng ta. Cũng có thể nghĩ rằng đề tài vốn quá quen thuộc vì thường được nói đến. Trên thực tế những gì chúng ta đòi hỏi cho mình chưa hẳn là điều chánh đáng trong lúc những quyền nên có thì đa số lại mơ hồ. Cũng có thể cho rằng trong ý hướng mưu cầu tương lai tươi sáng cho quê hương dân tộc nằm ở kinh tế, chính trị chứ không phải là nhân quyền, có chăng chỉ là một khẩu hiệu chống chế độ độc tài đảng trị mà thôi. Nếu xét kỹ thì nếu Việt Nam có được những quyền làm người căn bản thì đất nước đã khác hẳn.

Với Lễ An Vị Phật, chùa Phật Quang chính thức bắt đầu giai đoạn sinh hoạt tại cộng đồng đông đảo nhất của người Việt tại hải ngoại ở miền Nam California. Chúng ta hãy cầu nguyện và góp phần để sinh hoạt của ngôi chùa làm tròn được cả hai vai trò : sinh hoạt theo đường hướng của Giáo hội và phục vụ cộng đồng với tư thế một trung tâm tín ngưỡng tôn giáo, văn hoá, giáo dục, xã hội. Riêng với buổi hội thảo trong dịp lễ An Vị nầy chúng ta cầu mong là khái niệm về nhân quyền sẽ là mẫu số chung cho tất cả những ai ưu tư về tiền đồ của đạo pháp và dân tộc. Sự góp mặt của những diễn giả vốn là những người hoạt động lâu năm trong lãnh vực nầy chắc chắc sẽ có những chia sẻ và đề xuất quan trọng.
Thắp sáng nhận thức chân chánh tự nó là một đóng góp lợi ích cho cuộc đời.
Pháp Luân, 29.1.2015
Tỳ kheo Thích Giác Đẳng