Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

HỌC ÍT NHƯNG KHÔNG ÍT HỌC


Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, chỗ giảng đường có góc nhọn. Rồi một Tỷ-kheo người Vajji đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo người Vajji bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, hơn 150 học pháp này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc, ở đây, con không có thể học nổi.

- Này Tỷ-kheo, Thầy có thể học ba học pháp không, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học?

- Bạch Thế Tôn, con có thể học ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học.

2. - Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy hãy học tập ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Nếu Thầy học tập tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Này Tỷ-kheo, nhờ học tập ba học pháp này, tham sẽ đoạn tận, sân sẽ đoạn tận, si sẽ đoạn tận. Do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; điều bất thiện, Thầy sẽ không làm; điều ác, Thầy sẽ không theo.

3. - Tỷ-kheo ấy, sau một thời gian học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ; do học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận. Vị ấy, do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; nên không làm điều bất thiện, không theo điều ác.

NHỮNG ĐIỂM LƯU Ý

1, Giáo pháp được trình bày qua nhiều cách. Có khi tổng thuyết có khi biệt thuyết.

2. Không thể nói thiếu và đủ đơn thuần bằng con số

3. Nắm đưọc căn bản thì làm gì cũng không sợ sai

THẢO LUẬN

1. Tại sao bát chánh đạo và giới định tuệ trên thực tế chỉ là một?

2. Phải chăng bài kinh nầy có hàm ý là một tỳ kheo có thể tu theo Kinh Tạng mà không cần Luật Tạng?

3. Phật Pháp đôi khi được hiểu như một ngôi nhà (pháp lâu), đôi khi được hiểu như chiếc xe (Pháp xa) những tượng hình ấy mang ý nghĩa tương đồng thế nào?

4. Nếu hiểu Phật pháp như toa thuốc trị bệnh tuỳ theo bệnh trạng thì có thể nói là "tuỳ tiện" chăng?

CÂU ĐỐ

Câu nào dưới đây KHÔNG tìm thấy trong kinh điển :Pali:

a. Chánh pháp như chiếc bè là phương tiện đưa sang bời giải thoát

b. Đức Phật là bậc lương y trị căn bệnh phiền não của chúng sanh

c. Chư tăng là ruộng phước vô thượng cho chúng sanh trong đời

d. Tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

KHÔNG PHẢI LO LẮNG NÀO CŨNG KHÔNG TỐT

1. - Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sự sợ hãi về tương lai này, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: "Nay ta còn trẻ, niên thiếu, còn thanh niên, tóc đen nhánh, trong buổi thanh xuân, trong sơ kỳ tuổi đời. Nhưng rồi đến thời già sẽ xúc chạm thân này. Khi đã già yếu, và bị già chinh phục, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị già, ta sẽ sống được thoải mái".

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ nhất này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát như sau: "Nay ta ít bệnh, ít não, sự tiêu hóa được điều hòa, không lạnh quá, không nóng quá, trung bình, hợp với tinh tấn, nhưng rồi đến thời bệnh sẽ xúc chạm thân này. Khi đã bị bệnh và bị bệnh chinh phục, thật không dễ gì tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, dầu có bị bệnh, ta sẽ sống được thoải mái".

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ hai này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát như sau: "Nay không có đói kém, được mùa, đồ ăn khất thực dễ kiếm được, thật dễ dàng để nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Nhưng rồi đến thời có nạn đói, mất mùa, đồ ăn khất thực nỗ lực được, không dễ gì nuôi sống bằng khất thực nỗ lực. Và những người bị nạn đói sẽ dời đến chỗ nào được nhiều đồ ăn; tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp. Khi phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có bị đói kém, ta sẽ sống được thoải mái".

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ ba này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

5. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: "Nay các loài Người sống với nhau thuận hòa, hoan hỷ với nhau, không cãi lộn nhau, hòa hợp như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt ái kính. Nhưng rồi đến thời có sự sợ hãi về nạn cướp rừng, dân chúng trong nước leo lên xe để đi trốn tại nơi nào có sự sợ hãi, dân chúng di động đến chỗ có sự an ổn. Tại đấy, phải sống với quần chúng, phải sống với hỗn tạp, thật không dễ với quần chúng, sống với hỗn tạp, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật, thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi cao nguyên xa vắng.. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta phải hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, có gặp sự sợ hãi, ta sẽ sống được thoải mái".

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ tư này về tương lai, như vậy là vừa đủ để Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát như sau: " Nay chúng Tăng hòa hợp, cùng nhau hoan hỷ, không tranh luận nhau, sống thoải mái cùng chung một lời dạy... nhưng rồi đến thời chúng Tăng chia rẽ. Khi chúng Tăng chia rẽ, thật không dễ gì để tác ý đến giáo pháp của các đức Phật. Thật không dễ gì để sống tại các trú xứ rừng núi, cao nguyên xa vắng. Trước khi trạng thái ấy đến với ta, không đáng ưa, không đáng thích, không khả ý, ta hãy hăng hái tinh cần trước khi thời ấy đến, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Và nếu thành tựu trạng thái ấy, chúng Tăng có chia rẽ, ta sẽ sống được thoải mái".

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy sợ hãi thứ năm này về tương lai, như vậy là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Này các Tỷ-kheo, do quán thấy năm sợ hãi này về tương lai, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, chứng đắc những gì chưa chứng đắc, chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Những điểm lưu ý

Sự lo lắng được gọi là chánh đáng và nên có nếu hội đủ các điều kiện như sau:

1. Chuyện lo là chuyện đúng sự thật

2. Do lo lắng về tương lai nên tận dụng thời gian hiện tại

3. Biến lo lắng thành sức mạnh của chuyên cần


Thảo luận

1. Lo lắng, sợ hãi có phải là một thứ phiền não?

2. Suy nghĩ về tương lai thế nào gọi là khéo tác ý hay ngược lại?

3.Phải chăng lúc còn trẻ, khoẻ, bình an dễ tu tập hơn?

4. Đời sống thanh thản có làm cho hành giả thụ động?


Câu đố

Người thường dùng "ngày tận thế" để "răn đe" những ai không chịu "tu hành", phương cách đó có những khuyết điểm nào đáng chê trách?

a. Không cần phải tận thế mới nên tu; cái chết đến dù thế gian có "tận hay không tận" cũng giống nhau

b. Tận thế mà người ta thường nói là một suy diễn thiếu tính xác thực trong khi sự vô thường là điều chắc chắn

c. Hù doạ để lo lắng chưa gọi là thoả đáng mà phải hỏi là nếu lo lắng trước sự vô thường thì nên làm gì

d. Cả ba câu trên đều đúng

Nhâm Thìn 2012

NĂM LẠC THÀNH CHÙA PHÁP LUÂN



Năm 2011 Chùa Pháp Luân hoàn tất công trình trùng tu. Năm 2012 tổ chức Lạc Thành. Không phải tổ chức trong một thời điểm mà trọn năm 2012 với 12 pháp hội.


Pháp Hội Tháng Giêng: TƯ LƯƠNG KHỞI HÀNH
Chủ Nhật 22 -1 đến Thứ Tư 25-1

Nguyên Đán là khởi đầu của tân niên. Nội dụng của pháp hội là giới thiệu những lời Phật dạy thiết yếu cho hành trình của đời sống. Những bài pháp đầu năm gồm ba đề tài: Biết Nhìn Về Quá Khứ (theo Kinh Thánh Cầu), Sống Với Hiện Tại (theo Kinh Nhất Dạ Hiền), Chuẩn Bị Cho Tương Lai (theo Kinh Kalama).

Pháp Hội Tháng Hai: HUYỀN NGHĨA HOA SEN
Chủ Nhật 26-2-2012 12 giờ trưa

Nội dung nói về những ý nghĩa hoa sen tìm thấy trong Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo được thể hiện qua 12 họa phẩm tuyệt đẹp của bốn họa sĩ tài hoa thuộc nền văn minh Lanna. Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và Chùa Pháp Luân phối hợp tổ chức.

Pháp Hội Tháng Ba: NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN
Hai tuần lễ từ 2-3 đến 16-3

Hành hương thăm viếng hai quốc gia Phật giáo Miến Điện và Tích Lan. Một quốc gia thịnh hành thiền tứ niệm xứ và A tỳ đàm; một quốc gia đóng vai trò quan yếu trong lịch sử truyền thừa Phật Pháp. Bốn cố đô Phật giáo ghi đậm nét thời hoàng kim của lịch sử Yangon, Pagan, Kandy, Anuradhapura là trọng điểm của chuyến hành hương.


Pháp Hội Tháng Tư: THIỀN QUÁN
23-4 đến 29 -4

Khóa tu thiền quán 7 ngày. Bằng kinh nghiệm của nhiều năm hướng dẫn thiền tứ niệm xứ, Ngài Thiền Sư sẽ giới thiệu về phương pháp huân tu chánh niệm cho những hành giả muốn dành trọn tuần lễ sống tại chùa tu tập. Những thiền sinh sẽ khám pháp tại sao thiền quán chẳng những là tinh hoa của Phật Pháp mà còn có thể ứng dụng đa năng trong đời sống hằng ngày.

Pháp Hội Tháng Năm: BƯỚC CHÂN BẬC ĐẠI TỪ
Chủ Nhật 20-5

Chiêm nghiệm những bước chân kỳ vĩ của Đức Phật nhân mùa Khánh Đản Phật lịch 2556 qua 9 họa phẩm mô tả đấng Thiên Nhơn Chi Đạo Sư. Nghi thức cúng dường sẽ thể hiện bằng sự kết hợp năm truyền thống nghi lễ của Phật Giáo Á Châu.

Pháp Hội Tháng Sáu: HẠT GIỐNG HÒA BÌNH

Thứ Bảy và Chủ Nhật 23, 24-6

“Người Phật tử gieo trồng và trưởng dưỡng tinh thần hòa bình giữa thế giới hận thù bằng cách nào” Đó là nội dung được chia sẽ bởi nhà lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng. Một quốc gia bị ngoại xâm với hơn 120 ngàn dân tị nạn lưu vong khắp nơi trên thế giới, Phật giáo Tây Tạng chẳng những bảo lưu được truyền thống văn hóa đặc thù cho chính mình mà còn tích cực hoằng hóa Phật pháp và xã hội Tây Phương với những thành công đáng kể. Ngoài những bài nói chuyện còn có nhạc lễ và thiết lập mạn đà la.

Pháp Hội Tháng Bảy: TIN HỌC VÀ PHẬT HỌC

Thứ Bảy và Chủ Nhật 21,22 -7

Khoa học kỹ thuật ngày nay cho con người những phương tiện mà cách đây mấy mươi năm không ai có thể tượng tượng. Áp dụng những kỹ thuật đó vào việc học Phật là điều mang lại lợi ích lớn lao. Tổng Vụ Truyền Thông GHPGVNTN-HK phối hợp với chùa Pháp Luân giới thiệu những tận dụng kỹ thuật tin học cho việc đọc kinh sách, thiền tập và nghiên cứu Phật Pháp. Sáu chuyên gia sẽ trình bày những ứng dụng qua ba hệ thống IOS, Android, và Windows.

Pháp Hội Tháng Tám: HIẾU VÀ ĐẠO

Chủ Nhật 26-8

Đại lễ Vu Lan với ba bài thuyết trình về chữ Hiếu theo văn hóa, theo Phật Pháp và theo thực tế cuộc sống hôm nay. Nghi thức cầu thọ cho phụ mẫu hiện tiền và kỳ siêu cho cha mẹ quá vãng được hướng dẫn từng phần một. Chương trình thực hiện bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh cho những người nói tiếng Việt cũng như không hiểu tiếng Việt.

Pháp Hội Tháng Chín: TUỔI TRẺ VÀ ĐỜI SỐNG NỘI TÂM

Chủ Nhật 30-9

Tuổi trẻ hôm nay lớn lên với những hấp lực to lớn cuốn phăng khỏi những giá trị truyền thống gia đình. Hơn thế nữa những hướng dẫn về đời sống nội tâm ngày càng ít đi. Thay vào đó là những đam mê kỹ thuật khiến tâm hồn suy nghĩ một cách máy móc. Ba nhà giáo dục: một chuyên về sư phạm, một chuyên về thiền định, một chuyên về gia đình sẽ chủ trì chương trình hội thảo về đời sống tâm tinh của người trẻ hôm nay.

Pháp Hội Tháng Mười: ĐẠO PHẬT VÀ DÂN TỘC

Chủ Nhật 14-10

Dân tộc Việt Nam trãi qua nhiều giai đoạn thăng trầm của chiến tranh và ngoại xâm. Đạo Phật Việt Nam gắn bó mật thiết với dân tộc trong mọi thời đại. Lịch sử đương đại của đất nước và đạo Phật để lại nhiều bài học quan trọng. Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức buổi hội thảo về Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đức Đệ Tứ Tăng Thống và những viễn kiến về đất nước. Sẽ có lễ cầu nguyện cho những người đã hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Pháp Hội Tháng Mười Một: TRUYỀN THỐNG TĂNG GIÀ

Chủ Nhật 25-11

Giáo đoàn Tăng lữ được Đức Phật thiết lập 26 thế kỷ qua là tổ chức tồn tại miên tục lâu đời nhất của nhân loại. Cơ chế tổ chức không giống bất cứ hình thái khác trong xã hội loài người. 2 bài thuyết trình giới thiệu chủ đề trong đại lễ kiết giới Sima chánh điện và lễ Tăng y Kathina là hình ảnh cụ thể của truyền thống tổ chức đặt trên những giá trị thiêng liêng.

Pháp Hội Tháng Mười Hai: HƯỚNG NGUYỆN
Chủ Nhật 16-12

Phật Giáo sẽ đi về đâu trong 50 tới dự trên những bài học lịch sử. Đó là nội dụng được thảo luận bởi 5 học giả Phật Giáo. Năm chủ đề: Sự suy tàn của Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo và chế độ thuộc địa, Phật giáo và chế độ cộng sản, Phật giáo và sự phát triển khoa học kỷ thuật, Sự phổ biến của thiền học Phật giáo trong thế kỷ 20.


Thông Báo Tết Nguyên Đán và Lễ Thượng Nguyên Chùa Pháp Luân








Nhân dịp xuân về kính chúc quí đồng hương, đồng bào Phật tử tân niên cát tường, hanh thông an lạc.

Tết Nguyên Đán Nhâm Thìn khởi đầu với đêm giao thừa tối Chủ Nhật 22 -1-2012 lúc 11:30 tối gồm khóa lễ cúng Tam Bảo, ba hồi chuông giao thừa, nghi thức cầu quốc thái dân an, đạo từ tân xuân, múa lân, thỉnh lộc. Ngày mùng một tết, mùng hai, mùng ba nhằm các ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư 23-25 tháng 1 có chương trình tụng kinh Tam bảo buổi sáng 11:30; tuyên sớ cầu nguyện tân niên vào buổi tối 7:00 sau đó là pháp thoại. Những bài pháp đầu năm sẽ gồm ba đề tài: Biết Nhìn Về Quá Khứ (theo Kinh Thánh Cầu), Sống Với Hiện Tại (theo Kinh Nhất Dạ Hiền), Chuẩn Bị Cho Tương Lai (theo Kinh Kalama).
Đại lễ Thượng Nguyên Rằm Tháng Giêng năm nay được tổ chức vào Thứ Bảy 4-2-2012 với chương trình trọn đêm tu học. Vì là Rằm Magha đánh dấu hai sự kiện trọng đại: ngày Đức Thế Tôn tuyên thuyết tôn chỉ chánh pháp (ovadāpatimokkha) và cũng là ngày Đức Phật tuyên bố sự thiết lập ngôi nhà chánh pháp viên mãn nên đại lễ Rằm Tháng Giêng còn được gọi là Ngày Pháp Bảo (Dhamma Day). Đêm tu học bắt đầu lúc 7:30 tối với nghi thức cúng dường, tụng kinh lễ Tam Bảo, thắp nến nguyện cầu, nghi thức thọ trì hạnh đầu đà, hướng dẫn thiền tập tứ niệm xứ, sinh hoạt tu học chủ đề Truyền Thống Chánh Pháp. 5 giờ sáng hồi hướng hoàn mãn.

Pháp Hội Huyền Nghĩa Hoa Sen Trong Đạo Phật ngày Chủ Nhật 26-2-2012 là hoạt động kết hợp giữa Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và Chùa Pháp Luân.
Nội dung nói về những ý nghĩa hoa sen tìm thấy trong Tam Tạng Thánh Điển Phật giáo được thể hiện qua 12 họa phẩm tuyệt đẹp của bốn họa sĩ tài hoa thuộc nền văn minh Lanna. Ca sĩ Gia Huy sẽ cống hiến phần âm nhạc giữa những pháp thoại. Cơm trưa do ban trai soạn chùa khoản đãi. Giá ủng hộ 30 mỹ kim.

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc chùa Pháp Luân (713)433-4364


Nguyện cầu Phật lực cao vời gia hộ tất cả chúng ta

Trụ Trì

Tỳ kheo Giác Đẳng


(Chi phiếu xin đề: CHUA PHAP LUAN, QUY XAY CAT)

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc:
Điện thoại: +1(713)433-4364
Email: phapluan@yahoo.com
Website: phapluan.net

Có thể cúng dường trực tiếp qua chương mục ngân hàng:

BANK OF AMERICA
SWIFT CODE NO. BOFAUS3N

PHAP LUAN BUDDHIST CUTURE CENTER
ACC. 005742968162

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

GIỐNG NHƯ CHIẾN SĨ..

1.- Thành tựu bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một chiến sĩ xứng đáng để cho vua sử dụng, thuộc sở hữu của vua, là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chiến sĩ thiện xảo về xạ trình, là người bắn xa, bắn như chớp nhoáng, và đâm thủng được vật lớn.

Thành tựu bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một chiến sĩ xứng đáng để cho vua sử dụng, thuộc sở hữu của vua, là biểu tượng của vua.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu bốn pháp này, Tỷ-kheo đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thiện xảo về xạ trình, là người bắn xa, bắn như chớp nhoáng, và đâm thủng được vật lớn.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thiện xảo về xạ trình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo là người có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, có uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ, chấp nhận và học tập các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo thiện xảo về xạ trình.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn xa?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phàm sắc gì thuộc về quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

Phàm có cảm thọ gì thuộc về quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả cảm thọ, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

Phàm có tưởng gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả tưởng, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

Phàm có các hành gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các hành, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

Phàm có thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các thức, vị ấy thấy như thật với chánh trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật quán tri: "Ðây là khổ", như thật quán tri: "Ðây là khổ tập"; như thật quán tri: "Ðây là khổ diệt", như thật quán tri "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo bắn như chớp nhoáng.

6. Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đâm thủng vô minh uẩn to lớn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đâm thủng vật to lớn.

Ðầy đủ bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

Những điểm lưu ý

1. Phấn đấu để chiến thắng tự thân là điều trọng đại nhất với người tu tập
2. Phiền não có muôn ngàn ngõ ngách để sanh khởi nhất là đối với quá khứ, hiện tại, vị lai
3. Thời gian tính có ý nghĩa lớn với hành giả

Thảo luận

1. Nếu quan niệm người tu như một chiến sĩ thì có "bạo động" lắm không?
2. Phái chăng sự dính mắc cũng mang khuynh hướng thời gian? (như có người nặng lòng với quá khứ)
3. Tứ đế là pháp cho người sắp tu tập hay đang tu tập hoặc đã tu tập?
4. Trí tuệ nào được là là trí choc0 thủng vô minh?

Câu đố

1. Câu nào dưới đây không đúng với tinh thần của Phật Pháp
a. Thời gian có thể tạo nên ảo giác trong sự nhận thức
b. Do ý thức thiếu mạch lạc nhân quả nên chúng sanh khó nhận rõ lý tứ đế
c. Có những bậc thánh giác ngộ nhưng không liên quan gì tới khổ, tập, diệt, đạo
d. Sự chiến thăng bản thân là chiến công hiển hách nhất.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

GIÀ RỒI NÊN LÀM GÌ?

- Có hai vị Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Những Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng chúng tôi không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Tôn giả Gotama hãy răn dạy chúng tôi, Tôn giả Gotama hãy giảng dạy chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

- Thật vậy, các ông là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng các Ông không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Thật vậy, này các Bà-la-môn, thế giới này đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn. Thế giới đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn như vậy, này các Bà-la-môn, thời chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý trong đời này, đối với kẻ đã đi đến cõi chết, phải là chỗ nương tựa, là hang trú ẩn, là hòn cù lao (hay ngọn đèn), là chỗ quy y và là đích xứ nó đến.

Ðời sống bị dắt dẫn
Mạng sống chẳng là bao
Bị già kéo dẫn đi
Không có nơi nương tựa
Hãy luôn luôn quán tưởng
Sợ hãi tử vong này
Hãy làm các công đức
Ðưa đến chơn an lạc.
Ở đây chế ngự thân,
Chế ngự lời và ý,
Kẻ ấy dầu có chết,
Cũng được hưởng an lạc,
Vì khi còn đang sống
Ðã làm các công đức.

Những điểm lưu ý:
1. Nếu sợ hãi khi nghĩ đến cái chết hãy làm các công đức
2. Tu tập thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, ý nghiệp thiện là điều phần lớn những vị cao niên có thể làm được.
3. Chính công đức là chỗ nương tựa tốt lành cho người lớn tuổi hơn là tài sản và con cháu

Thảo luận
1. Người ta thường nghĩ muốn tạo phưóc phải giàu (cho tài thí), hay khoẻ mạnh (để công quả) điều đó có đúng không?
2. Nếu chỉ tu tập cho ba nghiệp thân khẩu ý hiền thiện thì có quá ít và đơn giản cho sự tu tập?
3. Phải chăng đối diện với tử thần có người có nơi nương tựa, có người thì không?
4. Nghĩ nhiều về cái chết có làm tâm trí tiêu cực chăng?

Câu đố
Khi nói về sự tu tập tam nghiệp thiện (thân, khẩu, ý) thì hành giả có thể tìm thấy lợi điểm nào dưới đây:
a. Dễ nhớ (vì chỉ có ba chi pháp)
b. Trọn vẹn (vì không có sở hành nào khác ngoài ba nghiệp)
c. Khả thi (vì không đòi hỏi trình độ cao)
d. Cả ba câu trên đều đúng

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012


ĐIỀU PHỤC TÂM Ý


"Tâm phàm phu xoay vần theo ngũ dục, xao động không thể nắm bắt. Chỉ những người nào điều phục được tâm mìmh mới được yên vui". Câu thứ 35 ấy trong kinh Pháp cú có duyên khởi như sau:

Thuở Phật còn tại thế, trong xứ Kiều tất la có một khu làng nằm dưới chân núi gọi là Mã đề thôn. Tại đấy có một bà lão sống một mình với một gia tài phong phú. Bà được mệnh danh là Mã Lão Mẫu. Vào một ngày an cư, sau khi đức Phật chỉ dạy cho chúng tỳ kheo pháp quán 32 uế vật trong thân, có 60 vị đi đến Mã Ðề thôn để thực hành thiền quán. Bà lão cho xây cất một tu viện cho 60 vị ấy cư trú và cúng dường đầy đủ về y phục, thực phẩm dược phẩm, mền chiếu trong suốt mùa an cư. Những tỳ kheo ấy muốn tinh tiến tu hành nên cùng đặt ra một quy luật như sau: không được hai vị tỳ kheo cùng đứng hay ngồi tại một chỗ đồng thời với nhau. Ðại chúng chỉ nhóm họp hai lần trong ngày là sáng sớm trước khi vào rừng tọa thiền và chiều tối sau khi ở rừng về, để bái yết vị thượng tọa chúng trưởng. Tuy nhiên, nếu có tỳ kheo nào bị bệnh, thì hãy đánh lên một hồi kiểng. Khi nghe tiếng kiểng tất cả sẽ nhóm lại để cùng lo cho bệnh nhân. Sau khi thỏa thuận quy luật trên chúng tỳ kheo đi vào rừng mỗi ngày.

Một hôm bà lão đem thực phẩm tới chùa cúng dường, không thấy ai cả, bà bèn hỏi những người ở chung quanh, làm cách nào để gặp chúng tỳ kheo. Có người biết quy luật nói trên, bày cho bà lão đánh kiểng. Tức thì từ trong rừng các vị tỳ kheo lần lượt trở về. Bà lão lấy làm quái lạ thấy mỗi người đi từ một hướng, không ai đi chung với ai, nên nghĩ thầm: "Có lẽ các Ðại Ðức có chuyện cãi vã nhau chăng?" Khi họ đến gần bà hỏi ngay câu ấy, và được trả lời: "Không đâu lão mẫu ". Bà lão hỏi: - Nếu quý vị không xích mích thì tại sao khi tới đây quý vị đi chung, mà bây giờ mỗi người đi mỗi ngã như vậy? - Lão mẫu, chúng tôi mỗi người ngồi một gốc cây để thực hành phép thiền quán của Thế tôn chỉ dạy. - Thưa Ðại Ðức, phép quán gì thế? - Lão mẫu, chúng tôi quán 32 uế vật trong thân. - Thưa, phép quán ấy chỉ dành cho các vị tỳ kheo mà thôi, hay cư sĩ như lão cũng tập được?

- Ồ, lão mẫu, phép quán ấy ai muốn học cũng được cả, không ai cấm. - Vậy thì xin chư Ðại Ðức dạy cho lão với. - Ðược, lão mẫu hãy nghe cho kỹ. Rồi một vị tỳ kheo đằm trách dạy cho bà lão phép quán 32 uế vật trong thân, để đi đến nhận thức rõ ràng về hoại diệt, chết chóc luôn ẩn tàng trong thân mình. Bà lão thuộc lòng ngay phép quán và tinh cần tu tập đến nỗi bà đắc quả vị thứ ba (Bất lai) trong bốn Thánh quả, trước cả các vị tỳ kheo.

Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, bà quán thấy tất cả những vị tỳ kheo chưa ai đắc gì cả, và sau khi quán sát kỹ, bà thấy họ đều có khả năng chứng quả A La Hán. Khi nhận thấy điều này, bà lão quyết định hỗ trịï cho chúng tỳ kheo đầy đủ về mọi mặt, để họ có thể mau chứng quả. Vị nào thích hợp với món ăn nào, thức uống nào, bà cung cấp đúng như nhu cầu của họ. Bà thận trọng không cúng dường những thực phẩm có vị chua cho những người nào yếu bao tử. Vị nào ưa ngủ gục trong lúc tọa thiền, bà lão cúng cà phê. Vị nào yếu phổi, bà cúng thêm mền và áo lạnh. Trong tâm vị nào tưởng đến món ăn gì, bà lão biết ngay và đáp ứng.

Nhờ sự chăm sóc chu đáo ấy, sau khi giải hạ, 60 vị tỳ kheo trở về bên Phật với sắc diện hồng hào tươi nhuấn, và tiến bộ khá hơn trên đường tu. Phật âu yếm nhìn đàn con trở về và bảo: - Này các tỳ kheo, chắc hẳn các con được an vui, sức khỏe, thực phẩm đầy đủ trong mùa an cư? - Dạ thưa vâng, Bạch Thế Tôn. Chúng con được an vui, sức khỏe, và khỏi lo gì đến chuyện ăn uống. Bởi vì có một bà lão ở Mã Ðề thôn biết được ý nghĩ chúng con, đến nỗi chúng con vừa ước món gì, là có ngay món ấy. Các vị tỳ kheo thi nhau kể chuyện về bà lão dị kỳ cho Phật và chúng Tăng ở Xá vệ nghe.

Một vị tỳ kheo nghe xong, quyết đi đến Mã Ðề thôn để thiền định, và xin Phật: - Bạch Thế tôn, cho con tới đó. Phật bằng lòng, sau khi ra đề tài cho vị ấy thiền quán. Vị tỳ kheo lên đường đi dến Mã Ðề thôn. Khi đến ngôi chùa của bà lão bỏ vắng, vị ấy nghĩ: "Mình nghe bà lão dường như biết được tâm kẻ khác. Vậy nay mình vừa mới tới, quá mệt vì đường xa không thể quét dọn chùa. Mong sao bà lão cho người tới quét dùm". Bà lão đang ở nhà riêng, biết được ý ấy, bèn cho người tới quét chùa. Vị tỳ kheo lại ao ước trong lòng "ước chi mình có được một ly cô ca mát lạnh mà giải khát". Bà lão cho người đem ly cô ca lạnh cho vị tỳ kheo. Hôm sau, vừa thức dậy, vị t? kheo ước: "Mong sao bà lão dọn cho mình một bữa điểm tâm nhiều bị và thức ăn ngon lành". Bà lão cho người đem bữa điểm tâm đúng như vị ấy muốn. Vị tỳ kheo suy nghĩ: "Bà lão đã cho ta mọi thứ ta ao ước. Bấy giờ ta muốn gặp mặt bà. Mong sao bà hãy đích thân đến, mang cho ta thật nhiều thức ăn loại cứng loại mềm. Bà lão liền đi đến chùa cùng với thức ăn cúng dường đúng sở thích của vị tỳ kheo. Vị tỳ kheo nói: - Lão mẫu, có phải bà là Mã lão mẫu không? - Thưa vâng. - Bà có tha tâm thông à? - Tại sao Ðại Ðức hỏi vậy? - Vì bà đã cho tôi mọi thứ tôi nghĩ đến. - Nhiều vị tỳ kheo cũng có tha tâm thông. -Tôi không nói các tỳ kheo, tôi muốn hỏi bà. Bà lão tránh né trả lời bằng cách nói: - Thưa Ðại Ðức đâu cần phải có tha tâm thông mới có thể cúng dường các thứ ấy?

Khi ấy vị tỳ kheo bắt đầu hoằng sợ, nghĩ: " Khốn thay, kẻ chưa chứng đắc như ta thì có khi nghĩ tốt nhưng cũng lắm khi nghĩ bấy. Nếu lỡ có một ý nghĩ bậy bạkhởi lên, bà lão sẽ tóm cổ ta như tóm bắt một kẻ trộm, và liếng hành lý ta ra khỏi chùa. Ta sẽ bị khốn đốn với bà lão. Chi bằng ta hãy thoát khỏi chốn này. Nghị vậy xong, vị tỳ kheo nói với bà lão: - Này lão bà, tôi muốn rời khỏi nơi đây. - Ðại Ðức đi đâu? - Trở về Thế tôn. - Ðại Ðức ở lại ít lâu đã. - Không tôi không thể ở lại. Tôi phải đi ngay.

Thế là vị đại đức của chúng ta thu xếp hành lý thoát ra khỏi ngôi chùa bà lão, vừa đi vừa thở phào nhẹ nhõm cả người, như vừa thoát khỏi tử nạn. Khi trở về vườn Cấp cô độc, đến đãnh lễ Phật, Phật hỏi: - Sao, sao con không ở Mã Ðề thôn nữa à? - Bạch Thế tôn, bà lão biết hết mọi ý nghĩ trong tâm con. Và con nghĩ rằng, kẻ chưa chứng đạo như con thì có khi nghĩ tốt, nhưng cũng nhiều khi nghĩ bấy. Lỡ mà con có ý nghĩ xấu, bà lão ấy sẽ túm lấy đầu con, và sẽ làm con khốn đốn. - Con đi, chính nơi ấy con cần nên cư trú. - Bạch Thế tôn, con không thể nào ở chỗ ấy được nữa. - Này tỳ kheo, con có thể giữ một điều này thôi không? - Ðiều gì, Bạch Thế tôn, con chưa hiểu.

- Chỉ giữ cái tâm của con, không làm việc gì khác.

Sau khi nghe lời Phật dạy, vị tỳ kheo trở lại làng bà lão. Với thiên nhãn bà lão biết được vị tỳ kheo sắp đắc quả nên càng chu đáo cúng dường để hỗ trịï cho ông mau chóng đạt mục đích. Do đó, chỉ trong vài ngày vị ấy đắc quả A La Hán. Sau khi đắc quả, vị ấy suy nghĩ: "Bà ấy quả thực đã giúp đỡ ta rất nhiều. Nhờ bà lão ấy mà ta thoát ly được vòng sống chết. Không biết chỉ trong kiếp này bà ấy giúp ta, hay nhiều kiếp trước cũng vậy?" Vị La hán nhập định quán sát các tiền kiếp thì biết rằng trong 99 kiếp trước, bà lão đã làm vợ mình và đã ngoại tình với những người đàn ông khác, và làm cho mình phải thật điên bát đảo. Bà lão lại còn âm mưu giết mạng sống của mình. Khi biết được điều ấy, vị La hán nghĩ: "Ồ tín nữ này đã phạm biết bao tội ác!" Bà lão ngồi trong ngôi nhà riêng, biết được tâm niệm của vị A La Hán, và nghĩ: "Vị ấy đang nghĩ về tội lỗi 99 kiếp trước của ta. Nhưng trong vòng luân hồi đã qua, có lần nào ta giúp vị ấy không? Bà lão nhập định thấy ở kiếp thứ 100 về trước, bà đã cứu mạng sống của vị A La Hán khi vị ấy là chồng bà. Do đó, bà dùng thần giao cách cảm bảo vị La hán: - Hãy quán sát tiếp, đi sâu hơn nữa vào quá khứ. Bằng thiên nhị thông, vị La hán nghe được hiệu lệnh trên, và tiếp tục quán sát đến kiếp thứ 100 về trước của mình, thì thấy quả nhiên bà lão cứu mạng mình. Vị La hán nghĩ: "Tín nữ này quả đã giúp ta rất nhiều". Sau khi nghĩ như vậy, ngay tại chỗ vị ấy nhập Niết bàn vô dư y.

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Lá Thư Xuân

Xuân lại về. Năm nay Tết Nguyên Đán đến sớm. Chỉ ba tuần lễ sau tết Dương Lịch. Có nhiều dấu hiệu cho thấy năm 2012 đến với viễn ảnh hứa hẹn sau thời gian kinh tế toàn cầu suy thoái. Xuân dưới mái chùa gợi nhắc ý nghĩa thạnh suy là thường sự. Cũng như thời tiết, tất cả thăng trầm vốn là luật tuần hoàn.....Xem Tiếp.


Tháp chuông chùa Pháp Luân

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012


Điềm Báo Cát Tường

Băn khoăn và mơ ước về tương lai khiến chúng sanh trong đời ra sức tìm hiểu những tín hiệu báo trước sự may mắn tốt lành. Khi Đức Thế Tôn ở ngự tại chùa Kỳ Viên, Xá Vệ, một vị thiên hiện đến trong đêm khuya bạch hỏi: Cái gì là điềm lành tối thượng. Câu trả lời của Đức Phật khiến nhiều người ngạc nhiên dù trải qua bao thế hệ. Ngay đến hôm nay cũng vậy.

Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Cúng dường bậc tôn đức
Là điềm lành tối thượng

Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm
Là điềm lành tối thượng

Ða văn nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện học tập
Nói những lời chơn chất
Là điềm lành tối thượng

Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương thiện
Là điềm lành tối thượng

Bố thí hành đúng Pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Hành vi không lổi lầm
Là phúc lành cao thượng

Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp
Là điềm lành tối thượng

Biết cung kính khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Ðúng thời nghe chánh pháp
Là điềm lành tối thượng
Nhẫn nhục tánh thuần hoá
Thường yết kiến sa môn
Tùy thời đàm luận pháp
Là điềm lành tối thượng
Thiền định sống phạm hạnh
Thấy được lý thánh đế
Chứng ngộ quả niết bàn
Là điềm lành tối thượng
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là điềm lành tối thượng
Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất
Khắp nơi được an toàn
Là điềm lành tối thượng

Những điểm lưu ý

1. Mangala có nghĩa là điềm lành, dấu hiệu cát tường. Thí dụ người ta nói chó đến nhà là hên. Nhiều người dịch là hạnh phúc, phúc đức, phúc lành là cách dịch thoát.

2. Mangalamuttaman - điềm lành tối thượng - chỉ cho cái đáng hoan hỷ, mong đợi nhất

3. Điềm lành tối thượng không phải chỉ có một mà được tính có đến 38 pháp trong bài kinh nầy

4. Tất cả điềm lành ở đây đều là những pháp liên hệ thiện tâm, thiện hạnh và thiện xão.

5. Điềm lành theo lời Phật dạy không nằm ở "hên xui" mà chính ở sự thể hiện thiện pháp

6. 38 pháp nằm trong 10 bài kệ. Không có một bản sớ giải nào giải thích tại sao những pháp đó được phân ra nằm chung trong một bài kệ. Tuy vậy có thể suy diễn là mỗi bài kệ có một chủ đề riêng.

7. Nói về nhân cách tốt đẹp:
Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Cúng dường bậc tôn đức

8. Nói về điều kiện thuận lợi :
Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm

9. Nói về sở đắc cá nhân:
Ða văn nghề nghiệp giỏi
Có đào luyện học tập
Khéo sử dụng ngôn từ

10. Nói về phương diện gia đình
Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương thiện

11. Nói về phương diện xã hội
Bố thí hành đúng Pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Hành vi không lổi lầm

12. Nói về phương diện tu thân
Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp

13. Nói về sự học hỏi
Biết cung kính khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Ðúng thời nghe chánh pháp

14. Nói về sự tu tập
Nhẫn nhục không bướng bĩnh
Thường yết kiến sa môn
Tùy thời đàm luận pháp

15. Nói về sự tu chứng
Thiền định sống phạm hạnh
Thấy được lý thánh đế
Chứng ngộ quả niết bàn

16. Nói về đời sống an lạc Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm


Thảo luận kệ ngôn 2

1. Chữ trú xứ thích hợp ở đây nên được hiểu là chỗ ở, môi trường, quốc độ ? (thí dụ ngôi chùa mình ở, láng giềng, quốc độ..)

2. Pháp thứ hai nên hiểu là "đời trước đã tạo thiện nghiệp" hay "bây giờ tạo phước để dành"?

3. Tại sao chúng sanh không lựa chọn con đường tốt đẹp mà đi?

4. Phải chăng chỉ có người "có nhiều điều kiện" mới có khả năng lựa chọn cái gì tốt cho mình?


Câu đố cho bài giảng kệ ngôn 2

Câu nào dưới đây không có ý nghĩa liên hệ tới kệ ngôn hôm nay:

a. Sanh trong thời có chiến tranh, hận thù là nguyên nhân bất lợi cho sự tăng trưởng trí tuệ

b. Nếu người ta ý thức được sự tranh chấp dẫn đến suy tàn thì mọi sự hơn thua sẽ lắng dịu

c. Tạo phước tức là cách cất giữ tài sản tốt nhất

d. Ở đời mạnh được yếu thua

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012


Chướng Duyên Thuận Duyên


Sirivaddka Thera

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong nhà một Bà-la-môn giàu có. Khi vua Bimbisàra gặp bậc Ðạo Sư, do nghiệp duyên đời trước, ngài xuất gia, đi đến một ngọn núi gần Vebhàra và Pandava, và trú tại chỗ ấy, chuyên hành tu tập.

Một hôm, một cơn giông tố lớn nổi lên và sét đánh vào hang, nhưng nhờ gió lớn của các đám mây, làm nhẹ bớt sức nóng đang đè nặng trên ngài, nhờ vậy với một nhiệt độ thích hợp, ngài có thể thiền định, thiền quán và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Với bài kệ nói lên chánh trí của mình, ngài thốt lên những lời như sau:

Giữa đồi Vebhara, Giữa đồi Pandava, Sét đánh vào cửa hang, Ðứa con bậc Vô tỷ, Như vậy, vẫn ngồi thiền.


Những điểm lưu ý

1. Sự tu tập thường khi đối diện với cả thuân duyên lẫn nghịch duyên
2. Những tiện nghi thích hợp đôi khi rất cần thiết để bừng khai tuệ giác
3. Biết kham nhẫn với nghịch cảnh, biết tận dụng thuận duyên là những "cái khéo" của hành giả.

Thảo luận

1. Những tu viện có nên xây cất thật tiện nghi để trợ duyên cho các tu sĩ không?
2. Mức độ "vừa phải" trong sự tu tập có giống nhau đối với tất cả người tu tập không?
3. Sự "giật mình" có phải là một thứ phiền não không?
4. cơ duyên giác ngộ có phải là một sự may mắn với người tu tập không?

Câu đố

Người tu tập khi gặp nghịch cảnh thì nên làm gi?
a. Bỏ đi nơi khác
b. Kham nhẫn chấp nhận
c. Kham nhẫn nhưng cùng lúc tìm cách thay đổi
d.Nên hoan hỷ vì có là cơ hội thử thách để chứng tỏ bản lãnh


Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012


Đúng Là Con Phật Thì Không Sợ Ma



Dhajaggam: Ðầu Lá Cờ
(S.i,218)

1) Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "-- Này các Tỷ-kheo." "-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn." Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

3) Thế Tôn nói như sau:

4) -- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, một cuộc chiến dữ dội khởi lên giữa chư Thiên và các Asùra.

5) Rồi này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

" -- Này thân hữu, khi các Ông lâm chiến, nếu sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên; lúc ấy, các Ông hãy nhìn nơi đầu ngọn cờ của ta. Khi các Ông nhìn lên đầu ngọn cờ của ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược sẽ tiêu diệt.

6) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của ta, thời hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, cũng sẽ tiêu diệt.

7) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên cũng sẽ tiêu diệt.

8) Nếu các Ông không ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, hãy ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna. Khi các Ông ngó lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, cũng sẽ tiêu diệt."

9) Này các Tỷ-kheo, khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên chủ Sakka, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Pajàpati, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Varuna, hay khi họ nhìn lên đầu ngọn cờ của Thiên vương Isàna, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược được khởi lên, có thể sẽ biến diệt và sẽ không biến diệt.

10) Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì Thiên chủ Sakka chưa đoạn diệt tham, chưa đoạn diệt sân, chưa đoạn diệt si, còn nhát gan, hoảng hốt, hoảng sợ, hoảng chạy.

11) Và này các Tỷ-kheo, Ta nói như sau: Này các Tỷ-kheo, khi các Ông đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: "Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn".

12) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

13) Nếu các Ông không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu."

14) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

15) Nếu các Ông không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời."

16) Này các Tỷ-kheo, khi các Ông niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

17) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.

18) Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói vậy xong, bậc Ðạo Sư nói tiếp:

Này các vị Tỷ-kheo,
Trong rừng hay gốc cây,
Hay tại căn nhà trống,
Hãy niệm bậc Chánh Giác.
Các Ông có sợ hãi,
Sợ hãi sẽ tiêu diệt.
Nếu không tư niệm Phật,
Tối thượng chủ ở đời,
Và cũng là Ngưu vương,
Trong thế giới loài Người,
Vậy hãy tư niệm Pháp,
Hướng thượng, khéo tuyên thuyết.
Nếu không tư niệm Pháp,
Hướng thượng, khéo tuyên thuyết,
Vậy hãy tư niệm Tăng,
Là phước điền vô thượng.
Vậy này các Tỷ-kheo,
Như vậy tư niệm Phật,
Tư niệm Pháp và Tăng,
Sợ hãi hay hoảng hốt,
Hay lông tóc dựng ngược,
Không bao giờ khởi lên.


Kinh Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Những điểm lưu ý

  1. Sợ hãi thường là hiện tượng cảm xúc của tâm lý
  2. Nếu tâm tưởng nghĩ hướng đến đối tượng tích cực thì sẽ vượt qua sự yếu đuối
  3. Muốn không sợ thì phải nương tựa chỗ vô úy. Phật, Pháp, Tăng là sự thể hiện của đại hùng, đại lực.

Thảo luận

  1. Ma được biết thế nào trong kinh điển Phật pháp
  2. Ma có đáng sợ không?
  3. Tâm trạng sợ ma là cảm xúc chủ quan hay khách quan?
  4. Làm sao để bớt sợ ma hay hết sợ ma?


Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

Hóa Độ Con Người Tội Lỗi


Khi đức Thế tôn ở thành Xá vệ, trong vườn Cấp cô độc, có tin đồn trong dân chúng về một tên cướp hung hãn biệt hiệu "Chuỗi Ngón Tay". Vì tên này hễ giết xong một mạng người thì chặt lấy một ngón tay xâu lại để sưu tập, như ngày nay ta sưu tập tem cò. Nhìn xâu chuỗi ngón tay ấy có bao nhiêu ngón tay là tên cướp biết ngay thành tích mình đã giết được bấy nhiêu mạng người, và lấy làm hãnh diện. Ước nguyện đặc biệt của Chuỗi Ngón Tay là phải giết cho được 1000 người để đắc đạo... thành Phật! Trải qua một thời gian, Chuỗi Ngón Tay đã giết được 999 mạng. Y phấn khởi vô cùng, chỉ còn một mạng nữa là tròn ước nguyện. Nhưng mọi người càng khôn ngoan, tránh đi lẻ tẻ qua các rừng vắng và làng mạc hẻo lánh. Bởi vậy Chuỗi Ngón Tay khởi lên một ý định ghê gớm là nếu trên đường không gặp ai để giết, thì y sẽ về giết mẹ.

Từ tịnh thất của Ngài trong vườn Cấp cô độc, đức Thế tôn đọc được tâm ý tội lỗi của Chuỗi Ngón Tay, động từ tâm và quán thấy Chuỗi Ngón Tay đã đến thời được giáo hóa, Ngài đắp y ôm bát tiến về hướng sẽ gặp Chuỗi Ngón Tay. Những người chăn bò can ngăn Ngài, nhưng Thế tôn vẫn im lặng tiến bước. Khi trông thấy Ngài, Chuỗi Ngón Tay mừng rỡ đuổi theo để giết cho đủ số một ngàn sinh mạng. Nhưng Phật dùng thần thông khiến cho Chuỗi Ngón Tay không tài nào đuổi kịp, luôn luôn cách Ngài vài thước. Ngài vẫn đi khoan thai trong lúc Chuỗi Ngón Tay chạy "hộc xì dầu" mà vẫn không bao giờ đến gần Ngài được. Tức giận, y la lên:

- Này Sa môn kia, dừng lại.

Ðức Phật trả lời :

- Ta đã dừng từ lâu. Còn ngươi, sao chưa dừng?

- Ô hay sa môn sao lại nói dối?

- Chuỗi Ngón Tay, ta nói dừng là dừng dục vọng từ bỏ gươm giáo, không còn ý hướng làm hại chúng sinh. Còn ngươi chưa dừng lại trên con đường ác.

Do từ lực của Phật, Chuỗi Ngón Tay được giáo hóa tức khắc, buông bỏ khí giới, quỳ mọp dưới chân Thế tôn để xin Ngài xuất gia. Ðức Thế tôn phán rằng: "Thiện lai, tỳ kheo", thì Chuỗi Ngón Tay liền trở thành một sa môn đường đường tăng tướng. Tỳ kheo Chuỗi Ngón Tay bắt đầu cuộc đời tu sĩ, theo hầu Phật trở về tinh xá Cấp cô độc ở thành Xá vệ.

Một hôm Phật đang ngự tại tinh xá cùng với chúng tỳ kheo vây quanh, thì có tin báo vua Ba-Tư-Nặc đến ra mắt. Vua mới quy y Phật chưa bao lâu. Ðức Thế tôn hỏi vua khi ông mới đến:

- Ðại vương có chuyện gì, mà thấy sắc diện đầy vẻ lo âu?

- Bạch Thế tôn, trong xứ con có một tên cướp khét tiếng giết người mệnh danh Chuỗi Ngón Tay. Vì chưa trừ được nó, nên con buồn rầu lo ngại.

- Ðại vương, nếu bây giờ đại vương thấy Chuỗi Ngón Tay đắp ca sa, cạo bỏ râu tóc, xuất gia từ bỏ gia đình, từ bỏ sát sinh, giữ gìn giới cấm, sống phạm hạnh thanh tịnh và hành trì thiền pháp, thì đại vương sẽ đối xử như thế nào với Chuỗi Ngón Tay?

- Bạch Thế tôn, Dĩ nhiên con sẽ cung kính đảnh lễ cúng dường các thứ cần dùng. Nhưng làm sao một kẻ cực kỳ hung ác như vậy mà lại hồi tâm, trở thành người thánh thiện được.

Khi ấy đức Thế tôn duỗi tay chỉ cho vua Ba Tư Nặc tỳ kheo Chuỗi Ngón Tay đang ngồi cách Thế tôn không xa. Vua thật kinh hồn vía, lông tóc dựng ngược, mặt mày biến sắc. Phật trấn an vua:

- Ðại vương đừng sợ. Chuỗi Ngón Tay quả thật đã xuất gia tu phạm hạnh rồi.

Vua mới hoàng hồn tới gần tỳ kheo Chuỗi Ngón Tay thưa:

- Thưa tôn giả, xin tôn giả hoan hỉ. Tôi muốn cúng dường y phục, ẩm thực, mền gối và thuốc thang cho tôn giả.

Nhưng tôn giả Chuỗi Ngón Tay lập nguyện tu hạnh đầu đà, khất thực để sống, ngày chỉ ăn một bữa, ngủ gốc cây, nên tôn giả trả lời:

- Thưa Ðại vương, tôi đã đủ ba y.

Vua Ba Tư Nặc khi ấy tiến bên Phật, hân hoan thốt lên:

- Thật hi hữu bạch Thế tôn! Ngài đã hàng phục một con người mà tất cả binh hùng tướng mạnh của con không hàng phục được.

Sau khi tán thán công đức Thế tôn, vua từ giã ra về.

Hôm ấy, tôn giả Chuỗi Ngón Tay đắp y mang bát vào thành khất thực. Giữa đường tôn giả gặp một phụ nữ đang chuyển bụng đẻ, vô cùng đau đớn. Trông thấy cảnh tượng ấy, động mối từ tâm, tôn giả không ngớt kêu thầm: "Ôi đau khổ thay cho chúng sinh! Thật đau khổ thay!" Tôn giả trở về bên Phật thuật lại sự tình. Ðức Thế tôn dạy:

- Này Chuỗi Ngón Tay, nếu ngươi muốn cho người đàn bà kia hết đau đớn, thì hãy đến nói với bà ấy như sau: "Này chị, từ khi cha sanh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ cố ý giết người. Mong rằng mãnh lực của sự thật này sẽ làn chị sinh đẻ an toàn, mẹ tròn con vuông!"

Tôn giả Chuỗi Ngón Tay buồn bã thưa:

- Bạch Thé Tôn nếu con nói như vậy thì hóa ra là một lời nói láo trắng trợn, đâu phải sự thật! Tại vì con đã cố ý giết rất nhiều mạng rồi.

- Vậy thì ngươi hãy nói rằng: "Này chị, từ khi được thánh sanh, tôi chưa bao giờ cố ý giết mạng chúng sanh. Mong rằng mãnh lực của sự thật này sẽ làm cho chị sinh nở an toàn".

- Thưa vâng bạch Thế tôn.

Tôn giả vâng lời, đến bên người sản phụ đẻ khó nói lời như trên. Và nhiệm mầu thay, bà sanh được.(Tục lệ cầu an có lẽ bắt nguồn từ đó. Vì kinh là chân ngôn của Phật, nói lên chân lý cao cả và thật nhất trong các sự thật.)

Tôn giả Chuỗi Ngón Tay sống một mình tinh cần tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A La Hán. Một buổi sáng Tôn giả đắp y vào thành khất thực. Trên đường tôn giả bị một bọn trẻ chăn trâu hung dữ ném đá gạch, roi gậy tứ tung vào đầu, vào tai, vào thân mình. Tôn giả bị lỗ đầu chảy máu, bát bể, y rách, xơ rơ xác rác trở về tinh xá, máu me ràn rụa. Ðức Thế tôn thương xót băng bó những vết thương cho Tôn giả rồi an ủi:

- Này Chuỗi Ngón Tay! Hãy kham nhẫn. Con đang gặt hái ngay đời này, quả báo của những ác nghiệp mà đáng lẽ con phải gánh chịu trong chảo dầu sôi ở địa ngục nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm!

- Bạch Thế tôn, mong rằng những kẻ hại con sẽ được thọ lãnh chánh pháp, thân tâm an tịnh.


(Thích Nữ Trí Hải thuật theo kinh Angulimàla)

Những điểm lưu ý

  1. Tiềm năng giác ngộ không thể đánh giá đơn giản
  2. Lằn ranh giữa bờ mê bến giác đôi khi trong đường tơ kẻ tóc. Chỉ có bậc Vô Thượng Điều Ngư mới biết rõ căn tính của chúng sanh.
  3. Những gút mắt của nghiệp quả vốn trùng trùng quyện lấy nhau phải nhận thức bằng trí tuệ mới hiểu được.
Thảo luận

  1. Angulima hoàn lương là do thần thông của Đức Phật hay lời khai thị của Ngài?
  2. Quả của nghiệp có trả theo "oan có đầu nợ có chủ" chăng? (nghĩa là giết người nào thì sẽ bị chính người đó giết lại)
  3. Tại sao chân thật ngôn lại có những năng lực nhiệm mầu?
  4. Một con người bị án theo luật vua phép nước có được xuất gia chăng?

Câu đố

Câu nào dưới đây đúng với lời Phật dạy:

a. Ai cũng có Phật tính nên tất cả đều đáng kính trọng
b. Trả hết nghiệp thì sẽ thoát luân hồi
b. Tuệ giác có năng lực cắt đứt dòng luân chuyển phức tạp của nghiệp quả
c. Thiện ác phân minh là thưởng thiện phạt ác

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Dung Hơp Lý và Tình

Khi Đức Phật trở về quê nhà ở Kapilavatthu và khi Đức Vua Suddhodana thỉnh về cung điện trai tăng thì tất cả mọi người đều ra đảnh lễ, nhưng công chúa Yasodhara thì không. Bà nghĩ rằng: "Nếu vạn nhất ta còn giữ được trong sạch một đức hạnh nào, thì chính Đức Thế Tôn sẽ quang lâm đến đây. Chừng ấy ta sẽ đảnh lễ Ngài".

Sau khi độ thực xong, Đức Phật trao bát lại cho Đức Vua cầm, dắt theo hai vị đại đệ tử, bước vô phòng công chúa, ngồi trên chỗ đã dọn sẵn cho Ngài và dạy: "Hãy để công chúa tùy tiện đảnh lễ Như Lai theo ý thích. Không nên nói gì."

Lúc nghe Đức Phật về, công chúa truyền lệnh cho tất cả thị nữ đều mặc y phục màu vàng. Khi Đức Phật vào phòng và ngồi yên nơi, công chúa nhẹ nhàng bước đến, dụm hai chân lại, quỳ xuống, khấu đầu trên chân Ngài và đảnh lễ theo ý bà, rồi cung kính ngồi lại một bên.

Về sau, khi Đức vua Suddhodana băng hà, Hoàng Hậu Pajapati Gotami xuất gia Tỳ khưu ni (Bhikkhuni), Công Chúa Yasodhara cũng xuất gia và đắc Quả A La Hán.

Bà là người phụ nữ duy nhất được lễ Đức Phật như vậy.


Những điểm lưu ý

  1. Để khai thi chúng sanh Đức Phật có phương cách thích hợp cho từng người
  2. Lý trí tốt cho sự lãnh hội Phật pháp nhưng cũng phải nói đến yếu tố cảm xúc
  3. Lòng từ bi hóa giải được nhiều phức cảm của chúng sanh

Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Hơn Thua Rồi Được Gì?

2) -- Này các Tỷ-kheo, chớ có nói lời tranh luận nhau: "Ông không biết Pháp và Luật này. Tôi biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh. Tôi theo chánh hạnh. Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói tôi tương ưng. Lời nói Ông không tương ưng. Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được". Vì sao?

3) Những câu chuyện ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

4) Và này các Tỷ-kheo, nếu có nói, thời hãy nói: "Ðây là Khổ"... hãy nói: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt". Vì sao?

5) Các lời nói ấy, này các Tỷ-kheo, liên hệ đến mục đích, làm căn bản cho Phạm hạnh... một cố gắng cần phải làm...

Tương Ưng Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Những điểm lưu ý

  1. Đề tài thảo luận của quan trọng như phương pháp thảo luận
  2. Nếu đàm luận chỉ để hơn thua thì chẳng có giá trị gì
  3. Nhân quả của khổ đau, hạnh phúc (tứ đế) là điều đáng cho người có trí bàn thảo

Thảo Luận

  1. Bàn về khổ thế nào là theo tứ đế thế nào là theo phàm tình?
  2. Làm sao để giảm thiểu thói quen tranh hơn thua trong sự đàm luận?
  3. Nếu bị "khích tướng" thì nên làm gì để khỏi rơi vào luận chiến vô ích?
  4. Đức Phật có dạy "pháp tịnh khẩu (im lặng tuyệt đối) là pháp tu không?
Câu đố

Câu nào dưới đây không phải là Phật ngôn:
a. Im lặng như mê si không phải là ẩn sĩ
b. Nói ngàn lời vô ích không bằng nói một câu lợi lạc
c. Im lặng là vàng
d. Nếu nói thì nói chánh pháp; nếu im lặng thì hãy im lặng như bậc thánh




Ngộ Pháp Rồi Nhận Ra Phật


Ðối với người đi tìm chân lý, một tư tưởng do từ đâu đến là điều không quan hệ. Nguồn gốc và sự phát triển của một tư tưởng là vấn đề của học giả. Quả vậy, để hiểu sự thật, chúng ta không cần biết đến ngay cả lời dạy đến từ đức Phật hay từ một người nào khác. Ðiều thiết yếu là thấy rõ vấn đề, hiểu nó. Có một câu chuyện quan trọng trong Trung bộ kinh (Majjhima-nikàya) (kinh số 140) làm sáng tỏ điều này.

Một hôm, đức Phật ở lại đêm trong xưởng một người thợ làm đồ gốm. Cũng trong xưởng ấy có một ẩn sĩ trẻ đến đấy trước Ngài. Họ không biết nhau. Ðức Phật quan sát người ẩn sĩ và tự nhủ: "Thanh niên này có những cử chỉ đáng mến. Ta nên hỏi xem về người này." Bởi thế đức Phật hỏi người ấy: "Hỏi khất sĩ, nhân danh ai mà bạn đã từ bỏ gia đình? Ai là thầy của bạn? Bạn thích lý thuyết của ai?"

Chàng thanh niên đáp: "­ bạn ơi, có ẩn sĩ Cồ đàm dòng họ Thích ca, đã từ bỏ gia đình để trở thành một ẩn sĩ. Người ta đồn rằng đấy là một vị Arahant (A-la-hán), một bậc toàn giác. Chính nhân danh con người thánh thiện ấy mà tôi đã trở thành một ẩn sĩ. Người là Thầy tôi, và tôi thích lý thuyết của người."

- Vậy chớ con người Thánh thiện ấy, vị A-la-hán, đấng toàn giác ấy bây giờ ở đâu?

- Ở các xứ về phương Bắc, hỏi bạn, có một đô thị gọi là Sàvatthi (Xá vệ). Chính đấy là nơi đấng Thế Tôn, vị A-la-hán, đấng Toàn giác đang ở.

- Bạn đã có khi nào thấy vị ấy chưa, đấng Thế Tôn ấy? Nếu gặp Người, bạn có sẽ nhận ra Người hay không?

- Tôi chưa bao giờ thấy đức Thế Tôn ấy. Nếu gặp Người, tôi cũng sẽ không làm sao nhận ra được.

Ðức Phật nhận ra rằng chính nhân danh Ngài mà người thanh niên xa lạ này đã từ bỏ gia đình và trở thành một khất sĩ. Nhưng vẫn không để lộ tông tích. Ngài bảo:

- Hỏi khất sĩ, tôi sẽ dạy cho bạn lý thuyết. Hãy chú ý lắng nghe. Tôi sẽ nói.

- Ðược, bạn nói đi. Người trẻ tuổi chấp thuận.

Khi ấy đức Phật giảng dạy cho thanh niên một bài thuyết pháp đặc sắc nhất về chân lý (mà ta sẽ trình bày những điểm tinh yếu về sau).

Chỉ sau khi nghe Ngài thuyết pháp xong, ẩn sĩ tên Pukkusàti mới nhận ra rằng người nói với mình chính là đức Phật. Anh cúi thấp mình dưới chân đức Ðạo sư, và xin lỗi Ngài vì đã không biết mà gọi Ngài là "bạn". Rồi người ấy cầu xin đức Phật truyền giới pháp và nhận mình vào đoàn thể Tăng già.

Walpola Rahula. Thích Nữ Trí Hải dịch

Những điểm lưu ý


1. Thấy được chánh pháp tức là thấy được Phật, cũng có thể hiểu ngược lại.
2. Bậc trí có thể hiểu lẽ thật mà không cần đặt vấn đề là ai nói điều đó
3. Người học Phật Pháp ngày nay nếu khéo tác ý cũng có thể lãnh hội dù không trược tiếp nghe từ Đức Phật


Thảo luận


1. Tại sao Đức Phật không cho Pukkusati biết từ ban đầu Ngài chính là người vị ấy đang tìm?
2. Một bài pháp hay có thể được giảng bởi nhiều người tại sao Pukkusati nhận ra Đức Phật?
3. Phải chăng những sự sùng bái cá nhân thường làm người ta quên đi giá trị của chánh pháp?
4. Sự thật trong Phật Pháp khác biệt gì với sự thật của thế gian?


Câu đố


Trong câu chuyện được kể thì Pukkusati đã
a. Nhận ra chánh pháp
b. Nhận ra Đức Phật
c. Nhận ra sự thật về bản thân
d. Ba câu trên đều đúng

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

Những Yếu tố của Thành Công


1. Có bốn bánh xe này, này các Tỷ-kheo, thành tựu với chúng, bốn bánh xe được vận chuyển giữa chư Thiên và loài Người thành tựu với chúng, chư Thiên và loài nguời không bao lâu đạt đến sự lớn mạnh, tăng thịnh trong các tài sản. Thế nào là bốn? Trú xứ thích hợp, thân cận các bậc Chân nhân, tự nguyện chân chánh, trước đã làm phước.

Có bốn bánh xe này, này các Tỷ-kheo, thành tựu với chúng, bốn bánh xe được vận chuyển giữa chư Thiên và loài Người, thành tựu với chúng, chư Thiên và loài Người không bao lâu đạt đến sự lớn mạnh, tăng thịnh trong các tài sản.

2.


Sống địa phương thích hợp,
Làm bạn với bậc Thánh,
Tự nguyện được chân chánh,
Trước đã làm phước đức
Người ấy về lúa gạo,
Tài sản và danh xưng,
Danh tiếng cùng an lạc,
Ðược đưa đến đầy đủ.


Những điểm lưu ý

1. Sự thành công trong cuộc sống đòi hỏi nhiều yếu tố như xe chạy với nhiều bánh xe.
2. Nơi sinh sống thích hợp, thân cận bạn lành, khuynh hướng chân chánh, phước lành đã tạo là những yếu tố bảo đảm thành công
3. Người đời hoặc chỉ tin số mạng hoặc chỉ tin vào nổ lực hiện tại. Cả hai cái nhìn đó đều phiến diện

Thảo luận

1. Phước báu do túc nghiệp có khiến một người sống với hoài bão chơn chánh không?
2. Người ta thường nói thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba pháp nầy có liên hệ những gì Phật dạy trong bài kinh?
3. Nếu cảm thấy như "mình thiếu phước" thì nên làm gì?
4. Phải chăng Phật Pháp dạy rằng nếu không có được bạn lành thì tốt hơn sống một mình?

Câu đố

Người xưa nói: Tâm hảo mạng hựu hảo pháp đạt vinh hoa tảo; tâm hảo mạng bất hảo nhất sanh dã ôn bão; mạng hảo tâm bất hảo tiền trình khủng nan bảo; tâm mạng đô bất hảo cùng khổ trực đáo lão. (Tâm tốt mạng cũng tốt thì sớm phát đạt vinh hoa; tâm tốt mà mạng không tốt thì một đời ấm no; mạng tốt mà tâm không tốt thì khó giữ tiền đồ; tâm và mạng không tốt thì cả đời khốn khó)

Nếu phải tìm ý nghĩa tương đương thì người Phật tử có thể nói là:

a. Mạng chính là túc nghiệp
b. Tâm chính là khuynh hướng
c. Hai câu a và b đều sai
d. Hai câu a và b đều đúng


Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

Hãy là người bảo lưu truyền thống


Kinh Makhàdeva 83, Trung bộ kinh II trang 75 đề cập đến truyền thống của vua Makhadeva, vị vua này khi sợi tóc bạc đầu tiên hiện ra trên đầu của Ngài, liền giao ngôi báu cho hoàng tử, tự mình xuất gia tu đạo. Vua Makhedeva lại dặn hoàng tử lên ngôi trị vì cho đến khi sợi tóc bạc đầu tiên mọc lên thời liền trao ngôi báu cho hoàng tử của mình, còn mình thời xuất gia tu đạo. Vua Makhedeva lại dặn hàng tử lên ngôi trì vì cho đến khi sợi tóc bạc đầu tiên mọc lên thời liền trao ngôi báu cho hoàng tửi của mình, còn mình thời xuất gia tu đạo. Vua Makhedeva dặn dò phải giữ gìn truyền thống này đừng cho gián đoạn. Tuy vậy, truyền thống của vua Makhadeva được truyền cho đến khi vua Nemi là vị vua cuối cùng gìn giữ truyền thống này, con của vua Nemi là Kalàrajanaka lại không tiếp tục truyền thống này, không chịu xuất gia khi sợi tóc đầu tiên mọc trên đầu của mình và do vậy truyền thống của Makhàdeva bị chấm dứt.

Nhưng truyền thống của Đức Phật của chúng ta lại khác. Chính Đức Phật xác nhận như sau trong Trung bộ I trang 82A:

"Này Ananda, truyền thống ấy của Makhàdeva không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn. Và này Ananda, thế nào là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập và truyền thống ấy đưa đến yểm ly ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết bàn? Chính là Thánh đạo tám Ngành này, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này Ananda, đây là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập, và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết bàn. Này Ananda, về vấn đề này, Ta nói như sau: "Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, hãy tiếp tục duy trì. Các người chớ có thành tối hậu sau Ta". Này Anada, khi hai người còn tồn tại, và có sự dứt đoạn, người ấy là người tối hậu vậy. Này Ananda, Ta nói với người: "Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, các người hãy tiếp tục duy trì, Các người chớ có thành người tối hậu sau ta" (Trung bộ II, 82 A).


HT Thích Minh Châu


Những điểm lưu ý

1. Bát chánh đạo là truyền thống tu tập được Đức Phật truyền dạy
2. Người con Phật không phải chỉ tu tập mà còn làm thế nào để chánh pháp được tồn tại.
3. Pháp bảo không phải là một tư hữu mà nên được phổ cập

Thảo luận

1. Trong tam tạng Pali có chỗ nào dạy chỉ nên tu cho mình mà không nên hoằng pháp độ sinh?
2. Với nhiều người thì bát chánh đạo chỉ là "một trong nhiều pháp môn", ở đây Đức Phật dạy truyền thống do Ngài khởi xướng là bát chánh đạo vậy phải chăng bát chánh đạo là nội dung chủ đạo của sự tu tập?
3. Chữ truyền thống trong bài kinh nầy nên được hiểu thế nào?
4. Một người Phật tử bình thường có thể làm được gì để bảo lưu truyền thống chánh pháp?

Câu đố

Câu nào dưới đây khế hợp với ý nghĩa của bài học hôm nay:
a. Truyền thống Đức Phật truyền dạy có nghĩa tôn chỉ hay tinh hoa truyền thừa
b. Bát chánh đạo được nêu lên là truyền thống Phật Pháp
c. Sự "xem nhẹ" bát chánh đạo là sự thiếu hiểu biết của người học Phật
d. ba câu trên đều đúng