Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 31-1-2011

THÍ DỤ TẤM VẢI
Cảnh giới tương ưng với tâm

7. Kinh Ví dụ tấm vải
(Vatthùpama sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo". --"Bạch Thế Tôn", các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác - hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía - vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế. Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác - hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía, vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những cấu uế của tâm? Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm, sân là cấu uế của tâm, phẫn là cấu uế của tâm, hận là cấu uế của tâm, hư ngụy, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, quá mạn, kiêu, phóng dật là cấu uế của tâm.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghĩ rằng: "Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm" và sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ tham dục, tà tham cấu uế của tâm; nghĩ rằng: "Sân là cấu uế của tâm", và sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ sân, cấu uế của tâm; phẫn... hận... hư ngụy... não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống... ngoan cố... cấp tháo... mạn... quá mạn... kiêu; nghĩ rằng: "Phóng dật là cấu uế của tâm" thì sau khi biết vậy, vị ấy đoạn trừ phóng dật, cấu uế của tâm.

Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo biết được: "Tham dục, tà tham là cấu uế của tâm", tham dục, tà tham cấu uế của tâm được diệt trừ, ... sân... phẫn... hận... hư ngụy... não hại... tật đố... xan tham... man trá... khi cuống... ngoan cố... cấp tháo... mạn... quá mạn... kiêu; khi nào Tỷ-kheo biết được: "Phóng dật là cấu uế của tâm", phóng dật, cấu uế của tâm được diệt trừ, Tỷ-kheo ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Phật: Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu.

Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: Diệu hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Như lý hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn; Chánh hạnh là chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng Tăng, đệ tử Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.

Ðến giai đoạn này, đối với vị ấy có sự từ bỏ, có sự diệt trừ, có sự giải thoát, có sự đoạn trừ, có sự xả ly. Vị ấy tự nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Thế Tôn", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan, hỷ sanh; từ hỷ, thân được khinh an; thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.

Vị ấy tự nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan, hỷ sanh; từ hỷ, thân được khinh an; thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.

Vị ấy tự nghĩ: "Ta thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Tăng", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan hỷ sanh; từ hỷ, thân được khinh an, thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.

Vị ấy tự nghĩ: "Ðến giai đoạn này, đối với Ta, có sự từ bỏ, có sự diệt trừ, có sự giải thoát, có sự đoạn trừ, có sự xả ly", và chứng được nghĩa tín thọ, chứng được pháp tín thọ, chứng được hân hoan liên hệ đến pháp; từ hân hoan, hỷ sanh; từ hỷ, thân khinh an; thân khinh an, cảm giác được lạc thọ; với lạc thọ, tâm được Thiền định.

Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo, giới như vậy, pháp như vậy, tuệ như vậy, - nếu có ăn đồ khất thực với gạo thơm, hạt đen được vất đi, với các món canh, với các món ăn khác cũng không vì vậy trở thành một chướng ngại cho vị ấy. Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, nếu bỏ trong nước sạch, trở thành thanh tịnh sạch sẽ, như bỏ vào lò lửa trở thành thanh tịnh sạch sẽ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, giới như vậy, pháp như vậy, tuệ như vậy, - nếu có ăn đồ khất thực với gạo thơm, hạt đen được vất đi, với các món canh, với các món ăn khác, cũng không vì vậy trở thành một chướng ngại cho vị ấy.

Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.

Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... (như trên)... với tâm câu hữu với hỷ... (như trên)... biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân.

Vị ấy biết: "Có cái này, có cái hạ liệt, có cái cao thượng, có sự giải thoát vượt qua các tưởng".

Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là Tỷ-kheo đã được tắm rửa với sự tắm rửa nội tâm.

Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja đang ngồi không xa Thế Tôn. Rồi Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja bạch Thế Tôn:

-- Tôn giả Gotama có đi đến sông Bahuka để tắm rửa không?

-- Này Bà-la-môn, sông Bahuka là gì? Sông Bahuka có làm được lợi ích gì?

-- Tôn giả Gotama, sông Bahuka được nhiều người xem là có khả năng giải thoát. Tôn giả Gotama, sông Bahuka được nhiều người xem là có khả năng đem lại công đức. Và nhiều người đã gội sạch các ác nghiệp trong sông Bahuka.

Rồi Thế Tôn nói lên những bài kệ sau đây cho Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja:

Trong sông Bàhukà
Tại Adhikakkà,
Tại cả sông Gayà
Và Sundarikà,
Tại Sarassatì
Và tại Payàna,
Tại Bàhumatì,
Kẻ ngu dầu thường tắm,
Ác nghiệp không rửa sạch.

Sông Sundarikà
Có thể làm được gì?
Payàga làm gì?
Cả sông Bàhukà?
Không thể rửa nghiệp đen
Của kẻ ác gây tội.

Ðối kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày tốt,
Với kẻ sống thanh tịnh,
Ngày nào cũng ngày lành,

Các tịnh nghiệp thanh tịnh,
Luôn thành tựu thiện hạnh.
Này vị Bà-la-môn,
Chỉ nên tắm ở đây,
Khiến mọi loài chúng sanh,
Ðược sống trong an ổn.
Nếu không nói dối trá,
Nếu không hại chúng sanh,
Không lấy của không cho,
Có lòng tín, không tham,
Ði Gayà làm gì,
Gayà một giếng nước?

Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tăng. Mong con được xuất gia với Tôn giả Gotama! Mong con được thọ đại giới!

Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Trong thời gian ngắn sau khi thọ đại giới, Tôn giả Bharadvaja sống độc cư, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần và không bao lâu sau khi tự thân chứng ngộ với thượng trí, chứng đắc và an trú ngay trong hiện tại, vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã thắng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Như vậy, Tôn giả Bharadvaja trở thành một vị A-la-hán nữa.

TRUNG BỘ. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 30-1-2011

ĐIỀU KHIỂN XE MỘT CÁCH THIỆN XẢO
Sự thuần thục trong tu tập dẫn đến tự tại


119. Kinh Thân hành niệm
(Kàyagatàsati sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Rồi một số đông Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong hội trường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng Tăng:

-- Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền giả! Thân hành niệm, khi được tu tập và làm cho sung mãn, có được quả lớn, có được công đức lớn, như đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố.

Và câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo ấy đã bị gián đoạn.

Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến ngồi lên chỗ soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

-- Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông hiện nay đang ngồi bàn vấn đề gì? Câu chuyện gì của các Ông bị gián đoạn?

-- Ở đây, bạch Thế Tôn, sau khi ăn xong, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại hội trường, và câu chuyện sau này được khởi lên: "Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền giả! Thân hành niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có công đức lớn, đã được Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác tuyên bố". Bạch Thế Tôn, câu chuyện này của chúng con chưa bàn xong thời Thế Tôn đến.

-- Và này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, có quả lớn, có công đức lớn?

(Quán niệm hơi thở)

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống và ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô. Chánh niệm, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: "Tôi thở vô dài". Hay thở ra dài, vị ấy biết: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra". An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

(Bốn oai nghi)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi, biết rằng: "Tôi đi". Hay đứng, biết rằng: "Tôi đứng". Hay ngồi, biết rằng: "Tôi ngồi". Hay nằm, biết rằng: "Tôi nằm". Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

(Ðầy đủ chánh niệm)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo tăng-già-lê (sanghati), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

(Quán thân bất tịnh)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: "Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu". Này các Tỷ-kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: "Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi". Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: 'Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu".

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

(Quán tứ đại)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán sát thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại, và phong đại". Này các Tỷ-kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: "Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại".

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

(Quán tử thi)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn là xương thối trở thành bột; Tỷ-kheo quán thân ấy như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy".

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

(Các bậc Thiền)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm và tứ. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử người hầu tắm; sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỷ-kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "Xả niệm lạc trú", chứng và an trú Thiền thứ ba. Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi, thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.

Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thân hành niệm.

(Sự phát triển qua thân hành niệm)

Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm (antogadha) đều thuộc về minh phần (vijjabhagiya). Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm, thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm đều thuộc về minh phần.

Này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, thời Ma vương có cơ hội với vị ấy, Ma vương có cơ duyên với vị ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người quăng một hòn đá nặng vào một đống đất sét ướt nhuyễn, này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Có phải hòn đá nặng ấy có cơ hội lún sâu vào đống đất sét ướt nhuyễn ấy?

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma vương có cơ hội với vị ấy, Ma vương có cơ duyên với vị ấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây khô không có nhựa, có người đến cầm phần phía trên của đồ quay lửa và nói: "Tôi sẽ làm cho ngọn lửa sanh ra, tôi sẽ làm cho sức nóng hiện lên". Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy mang đến phần phía trên của đồ quay lửa, quay với cành cây khô không có nhựa ấy, người ấy có làm cho ngọn lửa sanh ra, có làm cho sức nóng hiện lên không?

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma vương có cơ hội với người ấy, Ma vương có cơ duyên với người ấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình nước, trống rỗng, trống không, được đặt trên cái giá, có một người đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ nước vào bình không?

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma vương có cơ hội với vị ấy, Ma vương có cơ duyên với vị ấy.

Này các Tỷ-kheo, vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hội với vị ấy. Ma vương không có duyên với vị ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người quăng một trái banh dây nhẹ vào một cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Trái banh dây nhẹ ấy có cơ hội đối với cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hội đối với vị ấy, Ma vương không có cơ duyên đối với vị ấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây ướt có nhựa, rồi một người đi đến mang theo phần trên đồ quay lửa và nói: "Tôi sẽ làm cho lửa sinh ra, tôi sẽ làm cho hơi nóng hiện lên". Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy mang theo phần trên đồ quay lửa, quay với các cây ướt và có nhựa, có thể làm cho lửa sanh ra, làm cho hơi nóng hiện lên được không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hội đối với vị ấy, Ma vương không có cơ duyên đối với vị ấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình nước đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá, rồi có người đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ được nước vào bình ấy không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma vương không có cơ hộ đối với người ấy, Ma vương không có cơ duyên đối với người ấy.

Này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt đạt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào (sati sati ayatane). Ví như, này các Tỷ-kheo, một bình đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá và có người lực sĩ đến và lắc qua lắc lại cái bình ấy, như vậy nước có thể trào ra ngoài không?

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.

Ví như có một hồ nước trên một miếng đất bằng, bốn phía có đê đắp làm cho vững chắc, và tràn đầy nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi có người lực sĩ đến và phá một khúc đê, nước có thể tràn ra ngoài không?

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.

Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng tại chỗ ngã tư có một chiếc xe đậu, thắng với những con ngựa thuần thục, có roi ngựa đặt ngang sẵn sàng, có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui, tại chỗ nào và như thế nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo của pháp ấy dầu thuộc giới xứ nào.

(Công đức của thân hành niệm)

Này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như thành cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể được mong đợi. Thế nào là mười?

(1) Lạc bất lạc được nhiếp phục, và bất lạc không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên; (2) khiếp đảm sợ hãi được nhiếp phục, và khiếp đảm sợ hãi không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm sợ hãi được khởi lên. (3) Vị ấy kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận. Vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng. (4) Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức, vị ấy chứng được bốn Thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú. (5) Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện một thân; hiện hình biến đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể, thân có thần thông bay cho đến Phạm thiên; (6) với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài Người, ở xa hay ở gần. (7) Với tâm của vị ấy, vị ấy biết tâm của các chúng sanh, các loại người; tâm có tham, biết tâm có tham; tâm không tham, biết tâm không tham; tâm có sân, biết tâm có sân; tâm không sân, biết tâm không sân; tâm có si, biết tâm có si; tâm không si, biết tâm không si; tâm chuyên chú, biết tâm chuyên chú; tâm tán loạn, biết tâm tán loạn; tâm đại hành, biết tâm đại hành; tâm không đại hành, biết tâm không đại hành; tâm chưa vô thượng, biết tâm chưa vô thượng; tâm vô thượng, biết tâm vô thượng; tâm Thiền định, biết tâm Thiền định; tâm không Thiền định, biết tâm không Thiền định; tâm giải thoát, biết tâm giải thoát; tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát. (8) Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết. (9) Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. (10) Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc.

Này các Tỷ-kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười công đức này có thể mong đợi.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 29-1-2011

THÍ DỤ TRẠM XE
Chặng đường đi qua, chặng đường bỏ lại

24. Kinh Trạm xe
(Rathavinìta sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Rajagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), Kalandakanivapa.

Lúc ấy một số đông Tỷ-kheo người địa phương, sau khi an cư mùa mưa tại địa phương xong, liền đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

-- Này các Tỷ-kheo, ai ở tại địa phương được các Tỷ-kheo đồng phạm hạnh cùng một địa phương tán thán như sau: "Tự mình thiểu dục và giảng về thiểu dục cho các Tỷ-kheo; tự mình tri túc và giảng về tri túc cho các Tỷ-kheo; tự mình độc cư và giảng về độc cư cho các Tỷ-kheo; tự mình không ô nhiễm và giảng về không ô nhiễm cho các Tỷ-kheo; tự mình tinh cần, tinh tấn và giảng về tinh cần, tinh tấn cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giới hạnh và giảng về thành tựu giới hạnh cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu Thiền định và giảng về thành tựu Thiền định cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu trí tuệ và nói về thành tựu trí tuệ cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát và nói về thành tựu giải thoát cho các Tỷ-kheo; tự mình thành tựu giải thoát tri kiến và nói về thành tựu giải thoát tri kiến cho các Tỷ-kheo; vị giáo giới, vị khai thị, vị trình bày, vị khích lệ, vị làm cho phấn khởi, vị làm cho các vị đồng phạm hạnh hoan hỷ?".

-- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Punna Mantaniputta là Tỷ-kheo địa phương được các Tỷ-kheo đồng phạm hạnh cùng một địa phương tán thán như sau: "Tự mình thiểu dục và nói về thiểu dục cho các Tỷ-kheo... (như trên)... vị làm cho các vị đồng phạm hạnh hoan hỷ."

Lúc bấy giờ, Tôn giả Sariputta ngồi cách Thế Tôn không xa. Tôn giả Sariputta suy nghĩ như sau: "Hạnh phúc thay Tôn giả Punna Mantaniputta! Chơn hạnh phúc thay Tôn giả Punna Mantaniputta! Tôn giả đã được các vị đồng phạm hạnh có trí tán thán từng điểm một trước mặt bậc Ðạo Sư, và được bậc Ðạo Sư chấp nhận; có thể chúng ta sẽ gặp Tôn giả Punna Mantaniputta, tại một chỗ nào, trong một thời gian nào, có thể sẽ có một cuộc đàm luận với Tôn giả."

Thế Tôn trú tại Rajagaha (Vương Xá) lâu cho đến khi vừa ý, rồi khởi hành đi Savatthi; Ngài tuần tự đi và đến Savatthi. Ở đây, Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika.

Tôn giả Punna Mantaniputta được nghe: "Thế Tôn đã đến Savatthi, trú ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika". Rồi Tôn giả Punna Mantaniputta thâu dọn lại sàng tọa, cầm y bát, khởi hành đi Savatthi. Tôn giả tuần tự đi đến Savatthi, Jetavana, vườn ông Anathapindika, đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp cho Tôn giả Punna Mantaniputta đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Tôn giả Punna Mantaniputta, sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, từ tạ đi Andhavana để nghỉ trưa.

Rồi một Tỷ-kheo khác đến chỗ Tôn giả Sariputta ở, sau khi đến, thưa với Tôn giả Sariputta: "Hiền giả Sariputta, Hiền giả luôn luôn tán dương Tỷ-kheo Punna Mantaniputta; vị này được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, từ tạ đi đến Andhavana để nghỉ trưa".

Rồi Tôn giả Sariputta vội vã đem theo tọa cụ, đi theo sau lưng Tôn giả Punna Mantaniputta, đầu hướng về trước mặt (để theo dõi). Rồi Tôn giả Punna Mantaniputta đi sâu vào rừng Andhavana, và ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây. Tôn giả Sariputta, sau khi đi sâu vào rừng Andhavana, ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.

Rồi vào buổi chiều, Tôn giả Sariputta từ Thiền định độc cư đứng dậy, đến tại chỗ Tôn giả Punna Mantaniputta, sau khi đến nói lên với Tôn giả Punna Mantaniputta những lời chào đón, hỏi thăm, xã giao rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sariputta thưa với Tôn giả Punna Mantaniputta:

-- Hiền giả, có phải chúng ta sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?
-- Thật như vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tâm thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là mục đích kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đoạn nghi thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích đạo tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?
-- Không phải vậy, Hiền giả.

-- Hiền giả, khi hỏi "có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích giới thanh tịnh?", Hiền giả trả lời "Không phải vậy". Khi hỏi ... tâm thanh tịnh? ... kiến thanh tịnh?... đoạn nghi thanh tịnh? ... đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh? ... đạo tri kiến thanh tịnh? ... Khi hỏi "có phải sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn là vì mục đích tri kiến thanh tịnh?", Hiền giả trả lời "Không phải vậy". Như vậy, Hiền giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?

-- Hiền giả, với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn, nên sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn.

-- Hiền giả, có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải tâm thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đoạn nghi thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải đạo tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát-niết-bàn?
-- Hiền giả, không phải vậy.

-- Hiền giả, khi hỏi "có phải giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn?", Hiền giả trả lời: "Không phải vậy. Khi hỏi "có phải tâm thanh tịnh ...? ... có phải kiến thanh tịnh ...? ... có phải đoạn nghi thanh tịnh ...? ... có phải đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh ...? ... có phải đạo tri kiến thanh tịnh là ...? ... có phải tri kiến thanh tịnh ...? ... có phải cái gì ngoài các pháp này là vô thủ trước Bát-niết-bàn?", Hiền giả trả lời: "Không phải vậy." Hiền giả, vậy ý nghĩa lời nói này cần phải được hiểu như thế nào?

-- Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố giới thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát-niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát-niết-bàn. Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tâm thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố kiến thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đoạn nghi thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố đạo tri kiến thanh tịnh... Hiền giả, nếu Thế Tôn tuyên bố tri kiến thanh tịnh là vô thủ trước Bát-niết-bàn thì Ngài cũng tuyên bố vô thủ trước Bát-niết-bàn là đồng đẳng với hữu thủ trước Bát-niết-bàn. Hiền giả, và nếu Thế Tôn tuyên bố cái gì ngoài các pháp ấy là vô thủ trước Bát-niết-bàn, thì kẻ phàm phu có thể Bát-niết-bàn, vì này Hiền giả, phàm phu là ngoài các pháp ấy.

Hiền giả, tôi sẽ cho Hiền giả một ví dụ, ở đây, một số kẻ có trí, nhờ ví dụ để hiểu ý nghĩa của lời nói. Hiền giả, như vua Pasenadi xứ Kosala trong khi ở tại Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho vua giữa Savatthi và Saketa. Hiền giả, rồi vua Pasenadi xứ Kosala, từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm thứ nhất đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, leo lên trạm xe thứ hai, nhờ trạm xe thứ hai đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai... đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba... đến được trạm xe thứ năm, từ bỏ trạm xe thứ tư, leo lên trạm xe thứ năm, nhờ trạm xe thứ năm đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu, leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy đến được Saketa, tại cửa nội thành. Khi vua đến tại cửa nội thành, các bộ trưởng cận thần, các thân thích cùng huyết thống hỏi như sau:"-- Tâu Ðại vương có phải với trạm xe này, Bệ hạ đi từ Savatthi đến Saketa tại cửa nội thành?" Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế nào mới gọi là trả lời đúng đắn?

-- Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala phải trả lời như thế này mới trả lời đúng đắn: "-- Ở đây, trong khi ta ở Savatthi, có công việc khẩn cấp khởi lên ở Saketa, và bảy trạm xe được sắp đặt cho ta, giữa Savatthi và Saketa. Ta từ cửa nội thành ra khỏi Savatthi, leo lên trạm xe thứ nhất, và nhờ trạm xe thứ nhất, ta đến được trạm xe thứ hai; từ bỏ trạm xe thứ nhất, ta leo lên trạm xe thứ hai; và nhờ trạm xe thứ hai, ta đến được trạm xe thứ ba; từ bỏ trạm xe thứ hai... đến được trạm xe thứ tư; từ bỏ trạm xe thứ ba... đến được trạm xe thứ năm; từ bỏ trạm xe thứ tư... đến được trạm xe thứ sáu; từ bỏ trạm xe thứ năm, leo lên trạm xe thứ sáu, nhờ trạm xe thứ sáu, đến được trạm xe thứ bảy; từ bỏ trạm xe thứ sáu... leo lên trạm xe thứ bảy, nhờ trạm xe thứ bảy, Ta đến được Saketa, tại cửa nội thành". Hiền giả, vua Pasenadi nước Kosala trả lời như vậy mới trả lời một cách đúng đắn.

-- Cũng vậy, này Hiền giả, giới thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) kiến thanh tịnh; kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đoạn nghi thanh tịnh; đoạn nghi thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) đạo tri kiến thanh tịnh; đạo tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) tri kiến thanh tịnh; tri kiến thanh tịnh chỉ có mục đích (đạt cho được) vô thủ trước Bát-niết-bàn. Này Hiền giả, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn là với mục đích vô thủ trước Bát-niết-bàn.

Khi được nói vậy, Tôn giả Sariputta nói với Tôn giả Punna Mantaniputta:

-- Tôn giả tên là gì? Và các vị đồng phạm hạnh biết Tôn giả như thế nào?

-- Hiền giả, tên tôi là Punna và các vị đồng phạm hạnh biết tôi là Mantaniputta.

-- Thật hy hữu thay, Hiền giả! Thật kỳ diệu thay, Hiền giả! Những câu hỏi sâu kín đã được trả lời từng điểm một bởi một đệ tử nghe nhiều, đã biết rõ giáo lý của bậc Ðạo Sư, và vị đệ tử ấy là Tôn giả Punna Mantaniputta. Thật hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh! Thật chơn hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Punna Mantaniputta! Nếu các vị đồng phạm hạnh đội Tôn giả Punna Mantaniputta trên đầu với một cuộn vải làm khăn để được thăm viếng, để được thân cận, thì thật là hạnh phúc cho các vị ấy, thật là chơn hạnh phúc cho các vị ấy! Thật hạnh phúc cho chúng tôi, thật chơn hạnh phúc cho chúng tôi được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Punna Mantaniputta!

Khi được nói vậy, Tôn giả Punna Mantaniputta nói với Tôn giả Sariputta:

-- Tôn giả tên là gì, và các vị đồng phạm hạnh biết Tôn giả như thế nào?

-- Hiền giả, tôi tên là Upatissa, và các vị đồng phạm hạnh biết tôi là Sariputta.

-- Tôi đang luận bàn với bậc đệ tử được xem là ngang hàng với bậc Ðạo Sư mà không được biết là Tôn giả Sariputta. Nếu chúng tôi được biết là Tôn giả Sariputta, thì chúng tôi đã không nói nhiều như vậy. Thật hy hữu thay, Hiền giả! Thật kỳ diệu thay, Hiền giả! Những câu hỏi sâu kín đã được trả lời từng điểm một, bởi một đệ tử nghe nhiều, đã biết rõ giáo lý của bậc Ðạo Sư. Và vị đệ tử ấy là Tôn giả Sariputta. Thật hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh! Thật chơn hạnh phúc thay cho các vị đồng phạm hạnh... được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Sariputta! Nếu các vị đồng phạm hạnh đội Tôn giả Sariputta trên đầu với một cuộn vải làm khăn để được thăm viếng, được thân cận, thì thật hạnh phúc cho các vị ấy, thật chơn hạnh phúc cho các vị ấy! Thật hạnh phúc cho chúng tôi, thật chơn hạnh phúc cho chúng tôi được thăm viếng, được thân cận Tôn giả Sariputta!

Như vậy, hai bậc cao đức ấy cùng nhau thiện thuyết, cùng nhau tùy hỷ.

TRUNG BỘ. Hòa thượng Thích Minh Châu dịch

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 28-1-2011

THÍ DỤ NHỮNG ĐỨA TRẺ CHƠI ĐẤT, CÁT

Không chấp vào huyễn hóa sẽ không còn đau khổ


II. Chúng Sanh (Tạp 6, Ðại 2,40a) (S.iii,189)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràdha bạch Thế Tôn:

-- "Chúng sanh, chúng sanh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là chúng sanh?

4) -- Này Ràdha, dục nào (chanda), tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh (sattà).

5-7) ... thọ... tưởng... các hành...

8) Dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với thức, triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, do vậy gọi là chúng sanh.

9) Ví như, này Ràdha, các đứa con trai hay các đứa con gái chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với những nhà bằng đất ấy, lòng tham chưa thoát ly, lòng dục chưa thoát ly, lòng ái chưa thoát ly, lòng khát chưa thoát ly, lòng nhiệt tình chưa thoát ly, lòng khát ái chưa thoát ly, thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa, và đắm trước những nhà bằng đất ấy.

10) Nhưng khi nào các đứa con trai hay các đứa con gái ấy đối với những nhà bằng đất kia, lòng tham đã thoát ly, lòng dục đã thoát ly, lòng ái đã thoát ly, lòng khát đã thoát ly, lòng nhiệt tình đã thoát ly, lòng khát ái đã thoát ly, thời với tay và với chân, chúng phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với những căn nhà bằng đất ấy.

11) Cũng vậy, này Ràdha, Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với sắc, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với sắc.

12-14) ... thọ... tưởng... các hành...

15) ... Ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập và không chơi với thức, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với thức.

16) Ðoạn diệt khát ái, này Ràdha, là Niết-bàn.

KINH TƯƠNG ƯNG III. HT THÍCH MINH CHÂU dịch
NGHĨA DỤ PHÁP 27-1-2011

THÍ DỤ LONG XA

Pháp hành dù thô tế cuối cùng cũng tàn lụn


6. Hoàng Hậu Mallikà Và Con Chó

Xe vua đẹp cũng già...

Tại Kỳ Viên Phật đã dạy câu trên liên quan đến hoàng hậu Mallikà.

Ngày kia hoàng hậu Mallikà vào phòng tắm. Rửa mặt xong, bà cúi người xuống và rửa chân. Không dè con chó cưng của bà cũng vào theo. Nó thấy thế bèn làm hạnh bất tịnh với bà, và bà cứ để nó tiếp tục. Từ tầng trên cung điện nhà vua nhìn thấy hết, sau đó mắng nhiếc bà thậm tệ. Bà tìm cách chối quanh, nhưng nhà vua khẳng định:

- Chính mắt ta đã thấy. Chết tiệt đi, con tiện tỳ khốn kiếp!

Bà vẫn chống chế:

- Tâu đại vương, thật lạ kỳ! Ai bước vào phòng tắm ấy, người ở ngoài nhìn vào đều thấy thành hai.

- Mi nói dối.

- Nếu bệ hạ không tin , xin hãy vào phòng tắm, thiếp sẽ ở ngoài nhìn vào.

Vua quả là thật thà, cả tin nên làm theo lời bà. Ðột ngột bà ở ngoài la thất thanh:

- Nhà vua điên khùng kia! Sao làm điều ô uế với con dê cái?

- Ái khanh, ta có làm như thế đâu!

- Chính mắt thiếp thấy!

Vì thế nhà vua tin lời giải thích của hoàng hậu, là ai vào phòng tắm đều bị thấy thành hai.

Nhưng Mallikà cảm thấy bất an. Tuy đã dối gạt được nhà vua, vì ông đã là một tên ngu ngốc, nhưng bà đã phạm tội trọng, và còn sai quấy khi kết tội nhà vua. Thế Tôn sẽ biết tội của bà, cả hai Ðại đệ tử và tám mươi Trưởng lão cũng biết. Tội lỗi trầm trọng biết bao! (Trước đó bà và vua cúng dường rất nhiều của báu, số tiền lên đến một trăm bốn mươi triệu đồng. Riêng đức Như Lai được cúng dường bốn món vô giá: một chiếc lọng trắng, một chiếc giường, một ghế ngồi và một vật đỡ chân).

Mallikà lúc hấp hối lại quên hẳn sự cúng dường, chỉ nhớ đến hành động xấu ác mình đã phạm, do đó bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Vua Ba-tư-nặc rất yêu bà Mallikà nên buồn khổ vô cùng. Lễ tang xong, vua đến gặp Phật, ý muốn hỏi xem bà sanh ở đâu. Thế Tôn biết trước, nên khôn khéo không để vua nhớ lý do đi đến tinh xá. Phật cứ thuyết pháp, vua nghe xong hoan hỷ hồi cung. Như thế suốt bảy ngày vua không thể nào nhớ để hỏi.

Còn Mallikà, sau bảy ngày rên siết trong địa ngục, được giải thoát và tái sanh vào cõi trời Ðâu-suất.

(Sở dĩ Phật phải làm như thế vì Mallikà rất được sủng ái. Nếu biết bà, một người có niềm tin kiên cố, bố thí cúng dường rất nhiều mà rơi vào địa ngục, thì số phận của vua sau này sẽ ra sao? Nhà vua sẽ hiểu sai lạc sanh ra hoài nghi, không tiếp tục cúng dường năm trăm Tỳ-kheo nữa, và như thế vua sẽ đọa vào địa ngục).

Vào ngày thứ tám, Thế Tôn ra ngoài khất thực một mình. Ðến cổng hoàng cung vua nghe tin, cầm bát của Phật định mang lên sân thượng cung điện. Nhưng Phật muốn ngồi ngay nhà để xe, vua bèn dâng chỗ ngồi nơi đó và cúng dường thức ăn loại cứng loại mềm. Rồi nhà vua đảnh lễ Phật hỏi lại câu đã quên suốt bảy ngày qua. Phật đáp:

- Vào cung trời Ðâu-suất, đại vương ạ.

Vua vẫn còn buồn khổ nên than:

- Bạch Thế Tôn, từ khi nàng đi về cõi khác, con người tôi không còn sống nữa.

Phật an ủi:

- Ðại vương, chớ nên đau lòng. Ðó là quy luật bất biến cho mọi chúng sanh.

Rồi Phật hỏi tiếp:

- Ðại vương, xe này của ai?

- Bạch Thế Tôn, của ông tôi.

- Còn xe này?

- Của cha tôi, bạch Thế Tôn.

- Còn xe kia.

- Của tôi.

Ðức Phật bèn dạy:

- Ðại vương, xe của cha còn tốt hơn xe ông nội, cũng vậy xe của đại vương còn tốt hơn xe của cha. Sự suy tàn cũng sẽ làm hư hoại thân này. Ðại vương, chỉ có đức hạnh chân chánh mới không hư hoại.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(151) Xe vua đẹp cũng cũ,
Thân này rồi sẽ già,
Pháp bậc thiện không già.
Như vậy bậc chí thiện,
Nói lên cho bậc thiện.


TÍCH CHUYỆN PHÁP CÚ. TU VIỆN VIÊN CHIẾU dịch

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 26-1-2011

THÍ DỤ NGƯỜI ĐÁNH XE

Phẫn nộ khó dằn


2. Thọ Thần Và Thầy Tỳ Kheo

Ai chặn được phẫn nộ ...

Câu chuyện này được kể lại khi đức Thế Tôn ở tinh xá Aggàlava liên quan tới một vị Tỳ-kheo.

Từ sau khi đức Phật cho phép các Tỳ-kheo được sống ngoài tinh xá, các vị Trưởng giả thành Vương Xá bận rộn cất thất cho các thầy. Một Tỳ-kheo ở Alavi muốn cất thất riêng cho mình, thầy thấy một thân cây thích hợp, bèn bắt đầu đốn xuống. Trên cây ấy, có một nữ thọ thần, bà ẵm đứa con nhỏ của mình, hiện ra trước thầy năn nỉ:

- Thưa thầy, xin đừng phá nhà con, con sẽ phải lang thang không chỗ trú ẩn với đứa con dại.

- Ta không thể tìm ra cây nào khác giống như cây này.

Thầy không chú ý đến lời cầu xin của nữ thần. Bà nghĩ thầm: "Nếu thầy thấy con ta, chắc sẽ ngừng tay. Bà bèn đặt đứa bé lên nhánh cây. Tuy nhiên, thầy Tỳ-kheo đã vung rìu với đà quá mạnh, chặt mất cánh tay đứa bé. Nữ thần nổi giận vươn đôi tay định vặn chết thầy Tỳ-kheo, nhưng trong khoảnh khắc bà tự nghĩ: "Thầy Tỳ-kheo này là một bậc hiền thiện, nếu ta giết thầy, ta sẽ rơi xuống địa ngục. Hơn nữa, nếu các thần cây khác thấy các Sa-môn đốn cây của họ, sẽ bảo nhau: "Một thần cây đã giết Sa-môn trong trường hợp như thế..", họ sẽ theo gương ta giết các Sa-môn. Thầy Tỳ-kheo này còn có thầy, ta sẽ thuật chuyện cho bổn sư của thầy".

Bà bỏ tay xuống, vừa đi vừa khóc đến chỗ đức Phật, đảnh lễ và đứng qua một bên. Phật hỏi:

- Có chuyện gì thế, thọ thần?

- Bạch Thế Tôn, đệ tử của Ngài làm như thế, như thế. Con đã định giết thầy ấy, nhưng kịp nghĩ lại và đến đây.

Bà thuật lại câu chuyện cho Phật nghe, Phật dạy:

- Lành thay! Lành thay! Ngươi đã cư xử rất tốt khi kìm hãm cơn giận như thắng chiếc xe lao nhanh.

Ngài nói kệ:

(222) Ai chặn được phẫn nộ,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ.

Nghe xong, nữ thần chứng Sơ quả, hội chúng cũng được lợi ích.

Nhưng sau đó, nữ thần vẫn đứng khóc. Phật hỏi:

- Có chuyện gì thế?

- Bạch Thế Tôn, nhà ở của con bị phá, con phải làm sao bây giờ?

- Thôi đừng sầu khổ, Ta sẽ cho một chỗ ở.

Ngài chỉ một cây ở gần hương thất của Ngài tại Kỳ Viên, và bảo nữ thần đến ở. Vì cây ấy là quà tặng của Như Lai, nên dù vị thần nào có uy lực lớn lao cũng không thể lay chuyển được. Nhân chuyện này, Phật ra lệnh cho các Tỳ-kheo giữ giới "Không được chặt đốn cây cối".


TÍCH CHUYỆN PHÁP CÚ. TU VIỆN VIÊN CHIẾU dịch

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 25-1-2011

THÍ DỤ THÂN NHƯ MỘT NẮM RƠM KHÔ

Nhận thức được thực tướng sẽ không chấp thủ

69.VIl. Upasena (S.iv,40)

1) Một thời Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Upasena trú ở Ràjagaha (Vương Xá), rừng Sitavana (Hàn Lâm), tại hang Ðầu Con Rắn (Sappapon-dikapabbàra).

2) Lúc bấy giờ, một con rắn độc rơi trên thân Tôn giả Upasena.

3) Rồi Tôn giả Upasena gọi các Tỷ-kheo:

-- Chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với cái thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây phân tán như một nắm rơm.

4) Ðược nói vậy, Tôn giả Sàriputta nói với Tôn giả Upasena:

-- Nhưng chúng tôi không thấy thân Tôn giả Upasena đổi khác hay các căn bị biến hoại.

5) Nhưng Tôn giả Upasena nói như sau:

-- Này chư Hiền, hãy đến và nhắc cái giường cùng với cái thân này của tôi đưa ra ngoài, trước khi thân này ở đây bị phân tán như một nắm rơm...

6) Này Hiền giả Sàriputta, đối với ai nghĩ rằng: "Tôi là con mắt", hay: "Con mắt là của tôi"... "Tôi là cái lưỡi", hay: "Cái lưỡi là của tôi"... "Tôi là ý", hay: "Ý là của tôi", thời đối với các người ấy, này Hiền giả Sàriputta, thân có thể bị đổi khác, hay các căn bị biến hoại. Và này Hiền giả Sàriputta, tôi không nghĩ như sau: "Tôi là con mắt", hay: "Con mắt là của tôi"... "Tôi là cái lưỡi", hay: "Cái lưỡi là của tôi"... hay: "Tôi là ý", hay: "Ý là của tôi", thời này Hiền giả Sàriputta, làm sao thân ấy của tôi lại có thể đổi khác, hay các căn có thể biến hoại.

7) Vì rằng trong một thời gian dài, Tôn giả Upasena đã khéo nhổ tận gốc ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tùy miên, cho nên Tôn giả Upasena không có những tư tưởng như: "Tôi là con mắt", hay: "Con mắt là của tôi"... hay: "Tôi là cái lưỡi", hay: "Lưỡi là của tôi"... hay: "Tôi là ý", hay: "Ý là của tôi".

8) Rồi các Tỷ-kheo ấy nhắc cái giường cùng với Tôn giả Upasena ra ngoài.

9) Rồi thân của Tôn giả Upasena, ngay tại chỗ ấy phân tán như một nắm rơm.

TƯƠNG ƯNG BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 24-1-2011

THÍ DỤ HỐ RÁC LÂU NĂM KHÔNG DỄ LÀM SẠCH

Tập khí nhiều đời vốn khó thanh lọc


(VI) Kinh Hành Chánh Pháp (Sn 49)

274. Pháp hạnh và Phạm hạnh,
Ðược gọi là tối thượng hạnh,
Nếu là người xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà.

275. Nếu bản tánh lắm mồm,
Ưa làm hại như thú,
Ðời sống ấy ác độc,
Làm ngã tăng bụi trần.

276. Tỷ-kheo ưa cãi nhau,
Bị vô minh che đậy,
Không biết pháp luật dạy,
Pháp do Phật tuyên thuyết.

277. Bị vô minh lãnh đạo,
Hại bậc tu tập ngã,
Không biết đường ô nhiễm,
Ðưa đến cõi địa ngục.

278. Vị Tỷ-kheo như vậy,
Rơi vào chỗ đọa xứ,
Ði đầu thai chỗ này,
Ðến đầu thai chỗ khác,
Ði từ tối tăm này,
Ðến chỗ tối tăm khác.
Vị ấy sau khi chết,
Rơi vào chỗ khổ đau.

279. Như hố phân đầy tràn,
Sau nhiều năm chất chứa,
Cũng vậy, kẻ uế nhiễm,
Thật khó lòng gột sạch.

280. Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy biết người như vậy,
Hệ lụy với gia đình,
Ác dục, ác tư duy,
Ác uy nghi cử chi,
Ác sở hành, hành xứ.

281. Tất cả đều đồng tình,
Tránh xa ngưòi như vậy,
Hãy thổi nó như bụi,
Hãy quăng nó như rác.

282. Hãy đuổi kẻ nói nhiều,
Kẻ Sa-môn giả hiệu,
Sau khi đuổi ác dục,
Ác uy nghi hành xứ.

283. Hãy giữ mình trong sạch,
Chung sống kẻ trong sạch,
Sống thích đáng, chánh niệm,
Rồi hòa hợp, sáng suốt,
Hãy chấm dứt khổ đau
.

KINH TẬP. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 23-1-2011

THÍ DỤ HANG SÂU TĂM TỐI
Ít người hiểu được minh đang sống trong vô minh


(II) Kinh Hang Ðộng tám kệ (Sn 151)

772. Chúng sanh vào trong hang,
Chấp chặt bị bao trùm,
Người có thái độ vậy,
Chìm sâu trong si mê.
Hạnh viễn ly với nó,
Như vậy thật xa vời,
Các dục ở trong đời,
Không dễ gì đoạn tận.

773. Dục cầu làm nhân duyên,
Bị lạc hữu trói buộc,
Họ rất khó giải thoát,
Không thể có người khác,
Ðến giải thoát cho mình,
Họ cầu việc đã qua,
Họ mong việc chưa lại;
Họ tham đắm các dục,
Những dục này hiện tại,
Và những dục quá khứ.

774. Ai tham đắm các dục,
Bị trí buộc si mê,
Họ xan tham keo kiết.
An trú trên bất chánh,
Khi rơi vào đau khổ,
Họ sầu muộn than khóc,
Ở đây sau khi chết,
Tương lai sẽ thế nào?

775. Do vậy ở tại đây,
Con người cần học tập,
Những gì mình biết được,
Là bất chánh ở đời.
Do nhân duyên như vậy,
Mà sống không bất chánh,
Vì rằng bậc Thánh nói:
Ngắn thay, sanh mạng này.

776. Ta thấy ở trên đời,
Loài Người run, sợ hãi,
Ði đến khát ái này,
Trong những loại sanh hữu.
Phàm những người thấp kém,
Than van trước miệng chết,
Chưa viễn ly khát ái,
Ðối với hữu, phi hữu.

777. Hãy nhìn những người ấy,
Run sợ trong tự ngã,
Như cá chỗ ít nước,
Trong dòng sông khô cạn,
Thấy được sự kiện này,
Hãy sống không của ta,
Không làm sự việc gì,
Khiến tham đắm các hữu.

778. Hãy nhiếp phục ước muốn,
Ðối với hai cực đoan,
Nhờ liễu tri các xúc,
Không còn có tham đắm,
Cái gì tự ngã trách,
Cái ấy không có làm,
Bậc trí không bị nhớp,
Bởi những gì thấy nghe.

779. Do liễu tri các tưởng,
Vượt qua khỏi bộc lưu,
Bậc Mâu-ni không nhiễm,
Ðối với mọi chấp thủ,
Với mũi tên rút ra,
Sở hành không phóng dật,
Không cầu mong đời này,
Không mong ước đời sau.

KINH TẬP. HT THÍCH MINH CHÂU dịch
NGHĨA DỤ PHÁP 22-1-2011

THÍ DỤ NGƯỜI NẮM BẮT MŨI TÊN ĐÃ BẮN ĐI
Đời người chỉ là một thoáng, hãy tinh tấn tu tập


VI. Người Bắn Cung (Tạp 24.9, Cung, Ðại 2, 171c) (S.ii,265)

1) ... Trú ở Sàvatthi.

2) -- Ví như, này các Tỷ-kheo, bốn người bắn cung dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật, đứng tại bốn phương.

3) Rồi một người đến và nói rằng: "Ta sẽ nắm bắt và đem lại những mũi tên được bắn đi bốn phương, trước khi chúng rơi xuống đất, do bốn người bắn cung này bắn đi, những người dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật".

4) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Như vậy có vừa đủ chăng để gọi người nhanh nhẹn ấy đầy đủ với sự nhanh nhẹn tối thượng?

5) -- Bạch Thế Tôn, nếu chỉ từ một người bắn cung dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật, có thể nắm bắt và đem lại một mũi tên được bắn đi, như vậy là vừa đủ để gọi người nhanh nhẹn ấy, đầy đủ với sự nhanh nhẹn tối thượng. Còn nói gì từ bốn người bắn tên, dõng mãnh, lão luyện, thuần tay, thiện xảo về cung thuật!

6) -- Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự nhanh nhẹn của người ấy. Và như vậy là sự nhanh nhẹn của mặt trăng, mặt trời, còn nhanh hơn sự nhanh nhẹn trước. Và như vậy, này các Tỷ-kheo là sự nhanh nhẹn của người ấy, và như vậy là sự nhanh nhẹn của mặt trăng, mặt trời, và như vậy là sự nhanh nhẹn của các chư Thiên chạy trước mặt trăng, mặt trời. Còn nhanh nhẹn hơn là sự biến diệt của thọ hành (thọ mạng của các sự vật).

7) Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Chúng tôi sẽ sống không phóng dật".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.

TƯƠNG ƯNG BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 21-1-2011

THÍ DỤ THỢ MỘC UỐN GỖ


Giang sơn có thể đổi, tâm ý có thể dời

5B. Pandita, Sa Di Bẩy Tuổi

Khi mang thai ông hoàng nghèo, bà mẹ mơ ước được dâng cúng năm trăm Tỳ-kheo do Trưởng lão Xá-lợi-phất dẫn đầu, đồng thời đắp y vàng, ngồi vòng ngoài hội chúng và nhận thức ăn thừa của Tỳ-kheo. Ước mơ được thành tựu, bà chiêu đãi Tăng chúng bảy lần nữa. (Tương tự như truyện Tissa).

Ðến ngày đặt tên, bà xin Trưởng lão truyền giới cho đứa bé. Ðược bà cho biết trong nhà này ai khờ khạo, điếc câm đều trở nên khôn ngoan từ ngày bà mang thai đứa bé, do đó Ngài đặt tên là Pandita Dàraka, nhà hiền trí.

Lên bảy chú muốn đi tu. Và y hệt Tissa chú được mẹ xin Trưởng lão dẫn đến tinh xá, rồi được Trưởng lão cạo tóc dạy thiền quán trên năm yếu tố đầu tiên của thân, đồng thời chú cũng được thu nhận vào Tăng đoàn. Cha mẹ Tissa ở lại bảy ngày cúng dường trong tinh xá rồi mới đi về.

Ngày thứ tám Trưởng lão dẫn chú vào làng, trễ hơn các Tỳ-kheo, vì Trưởng lão còn phải đi quanh khắp tinh xá dọn dẹp, quét tước, đổ đầy nước uống và nước rửa mặt, sửa lại giường ghế cho đúng chỗ, cũng như đồ đạc vứt ném bừa bãi mất trật tự. Vì Ngài không muốn cho ngoại đạo vào tinh xá co dịp chê bai: "Hãy xem thói tật của đệ tử ẩn sĩ Cồ-đàm kìa!" Chú bé chưa biết cách đắp y ôm bát nên phải theo sát thầy, sau khi đã được thầy chỉ dạy.

Trên đường đi, chú thấy một rãnh nước dẫn vào ruộng, thắc mắc hỏi thầy. Thầy giải thích đó là vật vô tri nhưng con người có thể điều khiển, dẫn dắt đến bất cứ nơi nào theo ý muốn. Chú lại băn khoăn: Thế sao con người có trí lại không kiểm soát, điều phục tâm mình để chứng quả A-la-hán?

Ði thêm một quãng nữa, chú thấy người làm tên đang hơ mũi tên và gậy trên lửa và nheo mắt để uốn thẳng. Chú lại hỏi thầy và cũng băn khoăn sao những mũi tên vô tri có thể uốn thẳng được bằng cách hơ lửa, trong khi con người có trí lại không thể kiểm soát và điều phục tâm mình để đạt quả A-la-hán?

Ði xa thêm một chút, chú thấy thợ mộc đang đeo căm, vành trục và những phần khác của bánh xe. Chú cũng thắc mắc y như trước: Nếu ta có thể lấy những mãnh gỗ vô tình này làm thành bánh xe chạy theo ý mình, thì tại sao ta cũng có trí nhưng không điều phục tâm ý để đạt đến quả vị A-la-hán.

Do đó chú thưa với Trưởng lão xin Ngài nhận lại y bát của Ngài vì chú muốn trở về. Trưởng lão không cho phép mình tự nghĩ "Chú nhỏ Sa-di này mới vào tăng đoàn mà đã nói năng như thể ta là ông Phật nhỏ hơn". Ngược lại, Ngài tùy thuận nhận lại y bát của mình, và còn đưa chìa khóa thất vì sợ chú ở ngoài trời nguy hiểm. Chú còn dặn thầy nếu mang thức ăn về cho chú, chỉ xin thứ chú ưa thích, nếu do công đức của Ngài không được thì sẽ nhờ công đức của chú.

Chú Sa-di Pandita vâng lời thầy mở cửa thất thầy vào tọa thiền, quán về thân, điều phục tâm ý. Ngai Ðế Thích bỗng nói lên, Ngài hiểu rõ mọi chuyện, bèn muốn đến đó giúp đỡ nên ra lệnh:

- Tứ thiên vương, hãy đuổi chim đang làm tổ trong vườn tinh xá, và gác bốn góc!

- Thần mặt trăng hãy giữ mặt trăng lại!

- Thần mặt trời hãy giữ mặt trời lại!

Rồi Ðế Thích hiện hình người đi đến chỗ treo sợi dây mở và đóng cửa, đứng gác. Không một tiếng động nào trong tinh xá trừ tiếng lá rơi. Tâm chú Sa-di an tĩnh, và chỉ trong khoảng bữa ăn, chú điều phục được tâm ý và chứng Tam quả.

Trong lúc đó, Trưởng lão đến nhà thí chủ Ngài biết rõ là rất kính mến Ngài để khất thực. Họ dâng thức ăn đúng món chú Sa-di thích và xin Ngài thọ thực xong sẽ mang thức ăn về cho Sa-di. Trưởng lão nghĩ đệ tử mình chắc đói lắm, nên độ xong vội vàng về tinh xá.

Sáng sớm, Thế Tôn dùng điểm tâm xong đến tinh xá. Ngài thấy hết diễn biến về Sa-di Pandita, và cũng biết là chú sẽ chứng A-la-hán trước bữa ăn. Như thế, nếu Trưởng lão về đến tinh xá đưa thức ăn, sẽ gây trở ngại trong lúc chú đang thiền quán. Vì vậy, Thế Tôn đến chờ Trưởng lão tại thất, và hỏi Ngài bốn câu:

- Xá-lợi-phất, ông mang gì thế?

- Bạch Thế Tôn, thức ăn.

- Thức ăn mang lại cái gì?

- Bạch Thế Tôn cảm thọ.

- Cảm thọ mang lại cái gì?

- Sắc chất, bạch Thế Tôn.

- Sắc chất mang lại cái gì?

- Bạch Thế Tôn, xúc.

Ý nghĩa như thế này: Một người đói được ăn, thức ăn sẽ làm hết đói và mang thọ lạc. Từ thọ lạc thân sẽ đẹp, tốt thêm, nên nói rằng từ thọ sinh sắc. Ðược sắc thân như thế, người đó sanh tâm hoan hỉ, do đó khi ngồi hoặc nằm đều được xúc hoan hỉ.

Trong thời gian bốn câu hỏi và đáp liên tục thì chú Sa-di chứng A-la-hán cùng các thần thông. Thế Tôn lúc đó mới bảo Trưởng lão đưa thức ăn cho Sa-di. Trưởng lão vâng lệnh đến thất gõ cửa. Chú bước ra bưng lấy bình bát để qua một bên, cầm quạt lá cọ quạt cho Trưởng lão. Ðược thầy bảo ăn, chú mới ăn. Thế là chú bé bảy tuổi, đã là Sa-môn vào ngày thứ tám, như một bông huệ nở tươi mát, ngồi xuống thực hành các pháp quán chiếu tự tâm, rồi thọ thực.

Rửa và cất bát xong, hai vị thần trả tự do cho mặt trời và mặt trăng. Tứ thiên vương thôi không gác bốn góc, Ðế Thích cũng ngưng gác cửa, và mặt trời đang giữa trưa bỗng lặn mất.

Các Tỳ-kheo bàn tán:

- Bóng đêm bất thường trùm xuống, mặt trời lặn giữa trưa, chú Sa-di mới vừa ăn sáng xong, vậy là sao nhỉ?

Phật đến, nghe họ kể lại, đáp rằng:

- Ðúng vậy, các Tỳ-kheo! Khi chú Sa-di cố gắng đạt quả A-la-hán thì các vị thần giữ mặt trời, mặt trăng lại, đứng gác bốn góc tinh xá hay gác tại cửa; chính Ta, dù là Phật cũng không thể nghỉ ngơi, nên phải đến với đệ tử của Ta; người trí thấy người trị thủy dẫn nước, thợ làm tên uốn tên, thợ mộc đẽo gỗ, đã thiền quán trên các đề mục đó, và tự thắng mình chứng A-la-hán.

Và Phật đọc Pháp Cú:

(80) Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.


TÍCH CHUYỆN PHÁP CÚ. TU VIỆN VIÊN CHIẾU dịch
NGHĨA DỤ PHÁP 20-1-2011

THÍ DỤ BÁNH XE THEO CHÂN BÒ KÉO

Quả khổ nặng nề theo sau ác hạnh


1-A. Người Ðàn Bà Và Ông Thầy Thuốc Ðộc Ác.

Thuở xưa, khi vua Kàsi lên ngôi ở Ba-la-nại, có một thầy thuốc đi dạo xóm làng chữa bệnh. Gặp một người đàn bà đau mắt, ông hỏi:

- Bà sao vậy?

- Tôi không thấy rõ.

- Tôi sẽ chữa cho bà.

- Xin thầy làm ơn chữa giùm.

- Bà sẽ trả công cho tôi thế nào?

- Nếu thầy chữa được cho tôi mắt sáng và khỏe mạnh lại như xưa, tôi và luôn cả con trai con gái tôi sẽ hầu hạ thầy.

- Tốt lắm.

Rồi ông kê toa cho thuốc. Chỉ sau một lần dùng thuốc, đôi mắt của người đàn bà sáng lại. Hạnh phúc vừa đến nhưng lại kèm theo nỗi lo âu mãi lởn vởn trong đầu: "Mình hứa làm nô lệ cho ông thầy, cả các con mình cũng phải làm. Nhưng xem ra lão ấy chẳng tử tế đâu. Chà! Làm sao bây giờ đây? Phải tìm cách để gạt lão mới được". Kịp đến lúc thầy thuốc trở lại hỏi thăm bệnh tình, bà làm ra vẻ khổ sở:

- Trước đây mắt tôi đau ít, nay lại đau dữ dội hơn bao giờ.

Ông thầy đoán ngay là bà ta muốn lừa mình để quỵt tiền công chữa bệnh. Ông tức giận lầm bầm: "Ðược rồi, ta chẳng cần mụ trả công, ta sẽ cho mụ mù luôn". Và ông bỏ đi ngay không nói một lời, trước cặp mắt ngơ ngác của người đàn bà thất hứa.

Ông thầy thuốc về nhà, kể lại cho bà vợ nghe cho hả tức. Vợ ông lặng thinh, còn ông thì tức tốc bào chế một thứ thuốc mỡ khác, mang đến cho người đàn bà và dặn thoa vào mắt. Người đàn bà làm theo chẳng chút nghi ngờ và ánh sáng đôi mắt vụt tắt.

Ông thầy thuốc đó chính là Cakkhupàla.

(Hết Chuyện Quá Khứ)

- Này các Tỳ-kheo! Ðệ tử ta làm ác nên bị ác nghiệp theo đuổi mãi mãi, vì việc ác đi theo người làm ác như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe.

Kể chuyện xong, đấng Pháp Vương, như một vị vua đóng dấu ấn bằng con triện hoàng gia lên sắc dụ đã được niêm phong, tuyên đọc bài kệ sau:

(1) Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo.
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo.


TÍCH CHUYỆN PHÁP CÚ. TU VIỆN VIÊN CHIẾU dịch

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 19-1-2011

THÍ DỤ CÁN BÚA BỊ MÒN
Có những cách biết do tự thân thực nghiệm

IX. Cán Búa (Hay Chiếc Thuyền) (Tạp 10, Ðại 2,67a) (S.iii,152)

1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...

3) -- Do biết, do thấy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố sự đoạn tận các lậu hoặc, không phải do không biết, do không thấy.

4) Do biết cái gì, thấy cái gì, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận? Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt. Ðây là thọ... Ðây là tưởng... Ðây là các hành... Ðây là thức. Ðây là thức tập khởi. Ðây là thức đoạn diệt. Do biết như vậy, do thấy như vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận.

5) Này các Tỷ-kheo, như có Tỷ-kheo sống không chí tâm trong sự tu tập, khởi lên ước muốn như sau: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ!" Tuy vậy, tâm của vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, có chấp thủ.

6) Vì sao? Phải nói rằng vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ. Không có tu tập Bốn chánh cần. Không có tu tập Bốn như ý túc. Không có tu tập Năm căn. Không có tu tập Năm lực. Không có tu tập Bảy giác chi. Không có tu tập Thánh đạo Tám ngành.

7) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà, không được con gà mái ấp nằm đúng cách, không được ấp nóng đúng cách, không được ấp dưỡng đúng cách.

8) Dầu cho con gà mái ấy khởi lên ý muốn: "Mong rằng những con gà con của ta, với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn"; tuy vậy các con gà con ấy không có thể, với chân, móng, đỉnh đầu hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn.

9) Vì sao? Này các Tỷ-kheo, tám, mười hay mười hai trứng gà ấy không được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.

10) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị ấy có khởi lên ý muốn: "Mong rằng tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy cũng không giải thoát khỏi các lậu hoặc, có chấp thủ.

11) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy không có tu tập. Không có tu tập cái gì? Không có tu tập Bốn niệm xứ... Không có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.

12) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập. Dầu cho vị ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm vị ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

13) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Có tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ, có tu tập Bốn chánh cần. Có tu tập Bốn như ý túc. Có tu tập Năm căn. Có tu tập Năm lực. Có tu tập Bảy giác chi. Có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.

14) Ví như, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà. Các trứng ấy được con gà mái ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn. Dầu cho con gà mái ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng các con gà con của ta, với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn"; tuy vậy, các con gà con ấy có thể với chân, móng và đỉnh đầu, hay với miệng và mỏ, sau khi làm bể vỏ trứng, được xuất sanh một cách an toàn.

15) Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có tám, mười hay mười hai trứng gà được con gà mái ấy ấp nằm một cách đúng đắn, ấp nóng một cách đúng đắn, ấp dưỡng một cách đúng đắn.

16) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy sống chí tâm tu tập. Dầu cho vị ấy không khởi lên ước muốn: "Mong rằng tâm của ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ"; tuy vậy, tâm của vị ấy vẫn được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

17) Vì sao? Phải nói rằng, vì vị ấy có tu tập. Tu tập cái gì? Có tu tập Bốn niệm xứ... có tu tập con đường Thánh đạo Tám ngành.

18) Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ đá hay đệ tử người thợ đá, khi nhìn vào cán búa thấy dấu các ngón tay và dấu các ngón tay cái. Vị ấy không có thể biết được như sau: "Hôm nay, từng ấy cán búa của ta bị hao mòn; hôm nay từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được cán búa bị hao mòn trên sự hao mòn của cán búa.

19) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo chí tâm trong sự tu tập không có biết như sau: "Hôm nay, từng ấy lậu hoặc của ta được hao mòn, hôm qua từng ấy, các ngày khác từng ấy". Nhưng vị ấy biết được các lậu hoặc được hao mòn trên sự hao mòn các lậu hoặc.

20) Ví như, này các Tỷ-kheo, một chiếc thuyền đi biển có đầy đủ cột buồm và dây buồm, bị mắc cạn sáu tháng do thiếu nước trong mùa khô; các cột buồm và dây buồm bị gió và mặt trời làm hư hỏng, rồi bị nước mưa đổ xuống trong mùa mưa, chúng trở thành yếu và hư nát.

21) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống chí tâm trong sự tu tập, các kiết sử rất dễ bị yếu dần và hư nát.

TƯƠNG ƯNG BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 18-1-2011

THÍ DỤ CON BÊ XA BÒ MẸ
Tất cả những gì Đức Phật làm cho đời đều vì bi mẫn


VIII. Người Khất Thực (Tạp 10, Ðại 2,71c) (Trung 34, Ðại 1,647a) (S.iii,91)

1) Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở vườn Cây Bàng (Nigrodhàràma)

2) Rồi Thế Tôn nhân một lỗi lầm, sau khi quở trách chúng Tỷ-kheo Tăng, đắp y vào buổi sáng, cầm y bát, đi vào thành Kapilavatthu để khất thực.

3) Ði khất thực ở Kapilavatthu xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến Mahàvana (Ðại Lâm) để nghỉ buổi trưa. Sau khi đi sâu vào rừng Mahàvana, Ngài ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây veluvalatthikà.

4) Trong khi Thế Tôn độc cư Thiền tịnh, tư tưởng như sau được khởi lên:

5) "Chúng Tỷ-kheo đã được Ta làm cho vững mạnh. Nhưng ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể thay đổi, đổi khác.

6) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hột giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi.

7) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không được bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Ta, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như trước đây chúng Tỷ-kheo đã được Ta giúp đỡ, cũng vậy, nay Ta hãy giúp đỡ cho chúng Tỷ-kheo!"

8) Rồi Phạm thiên Sahampati, với tâm của mình biết được tư niệm của Thế Tôn, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay duỗi ra, cũng vậy, biến mất từ Phạm thiên giới, hiện ra trước mặt Thế Tôn.

9) Rồi Phạm thiên Sahampati, đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

-- Như vậy là phải, bạch Thế Tôn! Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ! Bạch Thế Tôn, chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn làm cho vững mạnh.

10) Nhưng ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Như con bê, nếu không thấy bò mẹ, có thể đổi khác, biến đổi.

11) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi. Ví như những hạt giống non, nếu không có nước, có thể đổi khác, biến đổi.

12) Cũng vậy, ở đây có một số tân Tỷ-kheo, xuất gia không bao lâu, mới đến trong Pháp và Luật này. Nếu họ không thấy Thế Tôn, họ có thể đổi khác, biến đổi.

13) Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy làm cho chúng Tỷ-kheo hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giảng cho chúng Tỷ-kheo như trước đây chúng Tỷ-kheo đã được Thế Tôn giúp đỡ, cũng vậy, nay Thế Tôn hãy giúp đỡ cho chúng Tỷ-kheo!

14) Thế Tôn im lặng nhận lời.

15) Rồi Phạm thiên Sahampati, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.

16) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến vườn Cây Bàng, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ ngồi đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nghĩ rằng: "Ta hãy thị hiện thần thông một cách khiến cho các vị Tỷ-kheo ấy đến Ta từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi".

17) Và các Tỷ-kheo ấy đến Thế Tôn, từng nhóm một hay hai người, với tâm có tội lỗi; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

18) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo đang ngồi một bên:

-- Này các Tỷ-kheo, đây là nghề sinh sống hèn hạ nhất, tức là nghề khất thực. Ðây là một lời nguyền rủa trong đời, này các Tỷ-kheo, khi nói: "Ông, kẻ khất thực với bát trên bàn tay, Ông đi chỗ này, chỗ kia và đấy là nghề sinh sống". Này các Tỷ-kheo, điều mà các thiện gia nam tử chấp nhận là những vị sống vì lý tưởng mục đích, duyên với lý tưởng mục đích; không phải vì ma cưỡng ép, không phải vì trộm cướp cưỡng ép, không phải vì thiếu nợ, không phải vì sợ hãi, không phải vì không có nguồn sinh sống, mà với ý nghĩ: "Ta bị chìm đắm trong sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; bị chìm đắm trong đau khổ, bị đoanh vây bởi đau khổ. Rất có thể, sự chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này được tìm ra".

19) Và như vậy, này các Tỷ-kheo, là thiện gia nam tử xuất gia. Vị ấy có tham dục đối với các dục vọng, tham ái cuồng nhiệt, tâm tư sân hận, tư niệm ô nhiễm, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn không chế ngự. Ví như, này các Tỷ-kheo, một que củi từ chỗ hỏa táng, cả hai đầu đều cháy, ở giữa lại dính phân, không được dùng làm củi trong làng, không được dùng làm củi trong rừng. Dùng ví dụ ấy, Ta tả cho các Ông con người ấy, đã mất cả nhà và tài sản, lại không làm viên mãn mục đích của Sa-môn hạnh.

20) Này các Tỷ-kheo, có ba bất thiện tầm này: dục tầm, sân tầm, hại tầm. Và này các Tỷ-kheo, ba bất thiện tầm này được đoạn diệt không có dư tàn, đối với vị nào tâm đã khéo an trú vào bốn Niệm xứ hay tu tập vô tướng Thiền định.

21) Này các Tỷ-kheo, hãy khéo tu tập vô tướng Thiền định. Này các Tỷ-kheo, vô tướng Thiền định được tu tập, làm cho tăng thịnh, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.

22) Này các Tỷ-kheo, có hai kiến này: hữu kiến, phi hữu kiến. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Có cái gì ở trong đời, ta chấp trước mà không có phạm tội?"

23) Và vị ấy biết: "Không có cái gì ở trong đời ta chấp trước mà không có phạm tội". Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ sắc... thọ... tưởng... các hành... Nếu ta chấp thủ sự chấp thủ thức, do duyên chấp thủ, hữu trở thành của ta. Do duyên hữu, có sanh. Do sanh, có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

24) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

25-28) -- Thọ... Tưởng... Hành... Thức.... Do vậy, này các Tỷ-kheo, thấy vậy... Vị ấy biết: "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

TƯƠNG ƯNG BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dịch

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

NGHĨA DỤ PHÁP 17-1-2011

THÍ DỤ NƯỚC LÃ KHÔNG THỂ KHUẤY NÊN HỒ
Không làm đúng cách thì không có kết quả


126. Kinh Phù-di
(Bhùmija sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng sóc.

Rồi Tôn giả Bhumija (Phù-di) vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của vương tử Jayasena, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi vương tử Jayasena đi đến Tôn giả Bhumija, sau khi đến nói lên với Tôn giả Bhumija những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vương tử Jayasena thưa với Tôn giả Bhumija:

-- Thưa Tôn giả Bhumija, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Nếu có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị". Ở đây, bậc Ðạo sư của Tôn giả Bhumija có nói gì, và có lập luận gì?

-- Thưa Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Và sự việc này xảy ra, Thế Tôn có giải thích như sau: "Nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng (ayoni so), thời không đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh không chánh đáng, thời không đạt được quả vị. Còn nếu có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị; nếu không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh một cách chánh đáng, thời đạt được quả vị". Thưa Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn được nghe như vậy, được ghi nhớ như vậy. Sự việc xảy ra, Thế Tôn có giải thích như vậy.

-- Nếu Ðạo sư của Tôn giả Bhumija thuyết lý như vậy, lập luận như vậy, thời tôi nghĩ rằng chắc chắn vị Ðạo sư của Tôn giả Bhumija, đứng cao hơn trên đầu tất cả Sa-môn, Bà-la-môn tầm thường.

Rồi vương tử Jayasena mời Tôn giả Bhumija, dùng với bát ăn (thalipaka) của mình.

Rồi Tôn giả Bhumija, sau bữa ăn khất thực trở về đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Bhumija bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, ở đây, vào buổi sáng con đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của vương tử Jayasena, sau khi đến con ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, bạch Thế Tôn, vương tử Jayasena đến chỗ con, sau khi đến nói lên với con những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, vương tử Jayasena nói với con như sau: "Thưa Tôn giả Bhumija, một số Sa-môn, Bà-la-môn, .... bậc Ðạo sư của Tôn giả có nói gì, có lập luận gì?" Khi được nghe nói vậy, bạch Thế Tôn, con có nói với vương tử Jayasena, như sau: "Này Vương tử, tôi không tận mặt Thế Tôn, được nghe như sau, được ghi nhớ như sau:... ". -- "Nếu Ðạo sư của Tôn giả Bhumija... Tôi nghĩ rằng chắc chắn Ðạo sư của Tôn giả Bhumija, đứng cao hơn trên đầu tất cả Sa-môn, Bà-la-môn tầm thường". Bạch Thế Tôn, không hiểu hỏi như vậy, trả lời như vậy, con có nói đúng lời Thế Tôn nói, con không xuyên tạc lời Thế Tôn với điều không đúng sự thực, nhưng con đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp sẽ không có lý do để chỉ trích?

-- Thật vậy, này Bhumija, được hỏi vậy, được trả lời vậy, Ông nói đúng lời Thế Tôn nói, Ông không xuyên tạc Thế Tôn với điều không đúng sự thực, Ông đã giải thích đúng pháp, tùy pháp, và một vị đồng Phạm hạnh nói đúng pháp, tùy pháp không có lý do gì để chỉ trích.

Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, nếu họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ có và không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần dầu, tìm cầu dầu, đi chỗ này chỗ kia để tìm dầu. Sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu). Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Nếu người ấy không có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Nếu người ấy có và không có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, sau khi đổ cát vào thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cát cho ra dầu), người ấy không lấy được dầu. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để lấy được dầu. Cũng vậy, này Bhumija, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà tư duy... tà định, nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ không đạt được quả vị; nếu họ không ước nguyện... có và không có ước nguyện... không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp này Bhumija, để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần sữa, tìm cầu sữa, đi chỗ này chỗ kia để tìm sữa, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa. Nếu người ấy có ước nguyện, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa, người ấy không lấy được sữa. Nếu người ấy không có ước nguyện... Nếu người ấy có và không có ước nguyện... Nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, nắm sừng con bò cái trẻ để vắt sữa, người ấy không lấy được sữa. Vì sao vậy? Này Bhumija, đây không phải là phương pháp để lấy sữa. Cũng vậy, này Bhumija, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn, có tà kiến... có tà định, nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện ... ; nếu họ có và không có ước nguyện ...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần sanh tô, tìm cầu sanh tô, đi chỗ này chỗ kia để tìm cầu sanh tô, sau khi đổ nước vào một cái ghè, rồi lấy que khuấy đánh. Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ nước vào một cái ghè, lấy que khuấy đánh, người ấy không lấy được sanh tô. Nếu người ấy không có ước nguyện...; nếu người ấy có và không có ước nguyện...; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, đổ nước vào một cái ghè, lấy que khuấy đánh, người ấy không lấy được sanh tô. Vì sao vậy? Này Bhumija, đây không phải là phương pháp để lấy sanh tô. Cũng vậy, này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến... có tà định, nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện...; nếu họ có và không có ước nguyện...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ không đạt được quả vị. Vì sao vậy? Này Bhumija, đây không phải là phương pháp để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần lửa, tìm cầu lửa, đi chỗ này chỗ kia để tìm lửa. Người ấy đem phần phía trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa. Nếu người ấy có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa, thời người ấy không lấy được lửa; nếu người ấy không có ước nguyện...; nếu người ấy có và không có ước nguyện ...; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, đem phần trên đồ quay lửa, rồi cọ xát với một khúc que ướt và có nhựa, thời người ấy không lấy được lửa. Vì sao vậy? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để lấy được lửa. Cũng vậy, này Bhumija, có những Sa-môn, hay Bà-la-môn có tà kiến... có tà định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ không đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện...; nếu họ có và không có ước nguyện...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ không thể đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây không phải là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.

Này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện ...; nếu họ có và không có ước nguyện ...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Ðây là phương pháp, này Bhumija, để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần dầu, cầu tìm dầu, đi chỗ này chỗ kia để tìm dầu, sau khi đổ những hột giống dầu vào cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu). Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ những giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Nếu người ấy không có ước nguyện ...; nếu người ấy có và không có ước nguyện ...; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, sau khi đổ những hột giống dầu vào trong cái thùng, tiếp tục rưới nước rồi ép (cho ra dầu), thời người ấy lấy được dầu. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được dầu. Cũng vậy, này Bhumija, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... có chánh định. Nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện ...; nếu họ có và không có ước nguyện ...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần sữa, tìm cầu sữa, đi chỗ này chỗ kia để tìm sữa. Và người ấy vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ. Nếu người ấy có ước nguyện, vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Nếu người ấy không có ước nguyện ...; nếu người ấy có và không có ước nguyện ...; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, người ấy vắt sữa từ nơi vú con bò cái còn trẻ, thời người ấy lấy được sữa. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được sữa. Cũng vậy, này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... có chánh định, nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Nếu họ không có ước nguyện ...; nếu họ có và không có ước nguyện ...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, một người cần sanh tô, tìm cầu sanh tô, đi chỗ này chỗ kia tìm cầu sanh tô; sau khi đổ lạc (dadhi) vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh. Nếu người ấy có ước nguyện, sau khi đổ lạc (dadhi) vào trong một cái ghè, rồi lấy cây que khuấy, đánh, thời người ấy lấy được sanh tô. Nếu người ấy không có ước nguyện ...; nếu người ấy có và không có ước nguyện ...; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, thời sau khi đổ lạc (dadhi) vào trong một cái ghè, rồi lấy que khuấy, đánh, người ấy lấy được sanh tô. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được sanh tô. Cũng vậy, này Bhumija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... có chánh định; nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Nếu họ không có ước nguyện ...; nếu họ có và không có ước nguyện ...; nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.

Ví như, này Bhumija, có một người cần lửa, tìm cầu lửa, đi chỗ này chỗ kia để tìm lửa, sau khi mang phần trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa. Nếu người ấy có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Nếu người ấy không có ước nguyện ...; nếu người ấy có và không có ước nguyện ...; nếu người ấy không có và không không có ước nguyện, đem phần phía trên đồ quay lửa rồi cọ xát với một khúc cây khô không có nhựa, thời người ấy lấy được lửa. Vì cớ sao? Này Bhumija, đây là phương pháp để lấy được lửa. Cũng vậy, này Bhumija, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến... chánh định. Nếu họ có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị; nếu họ không có ước nguyện ...; nếu họ có và không có ước nguyện ..., nếu họ không có và không không có ước nguyện, hành Phạm hạnh, thời họ đạt được quả vị. Vì sao vậy? Này Bhumija, đây là phương pháp để đạt được quả vị.

Nếu bốn ví dụ này, này Bhumija, khởi đến từ nơi Ông cho vương tử Jayasena, thời vương tử Jayasena tự nhiên tin tưởng Ông, và khi đã tin tưởng, sẽ hành động đúng theo cung cách một người đã tin tưởng Ông.

-- Nhưng làm sao, bạch Thế Tôn, bốn ví dụ này khởi đến từ nơi con cho vương tử Jayasena, khởi lên một cách tự nhiên, từ trước chưa từng được nghe, như Thế Tôn được?

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Bhumja hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy:

TRUNG BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dich
NGHĨA DỤ PHÁP 16-1-2011

THÍ DỤ KẺ CẮP DÊ

Nghiệp trổ quả không đơn thuần

99.- Hạt Muối.

1. - Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.

2. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?

- Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.

- Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành mặn và không uống được.

- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.

4. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, nói gì là nhiều.

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Như thế nào, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu, ít tài sản. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, bị tù tội vì nửa đồng tiền, bị tù tội vì một đồng tiền, bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Như thế nào, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người giàu có, có tiền của lớn, có tài sản lớn. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, không bị tù tội vì nửa đồng tiền, không bị tù tội vì một đồng tiền, không bị tù tội vì một trăm đồng tiền.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

6. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

7. Ví dụ một người đồ tể hay người giết dê, này các Tỷ-kheo, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết hay trói, hay tịch thu tài sản, hay làm như ý muốn. Ðối với một số người cũng đánh cắp dê, không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn.

Như thế nào, này các Tỷ-kheo, người đồ tể hay người giết dê, đối với một số người đánh cắp dê, có thể giết, có thể trói, có thể tịch thu tài sản, hay có thể làm như ý người ấy muốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người nghèo khổ, ít sở hữu tài sản. Kẻ đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy có thể giết, hay trói, hay có thể tịch thu tài sản, hay có thể làm như ý người ấy muốn.

Như thế nào, này các Tỷ-kheo, người đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý muốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người giàu có, có sở hữu lớn, có tài sản lớn, hay nhà vua, hay đại thần của nhà vua. Người đồ tể hay người giết dê, đối với kẻ đánh cắp dê như vậy không có thể giết, không có thể trói, không có thể tịch thu tài sản, hay không có thể làm như ý người ấy muốn. Không có gì phải làm khác hơn là chắp tay và cầu xin như sau: "Thưa ngài, hãy cho con lại con dê hay giá tiền con dê".

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, đối với một số người có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với một số người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

8. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục.

Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, không có hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tự, nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, còn nói gì là nhiều.

Ai nói như sau, này các Tỷ-kheo: "Người này làm nghiệp như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ (quả) như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời không có đời sống Phạm hạnh, không có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt. Và này các Tỷ-kheo, có ai nói như sau: "Người này làm nghiệp được cảm thọ như thế nào, như thế nào, người ấy sẽ cảm thọ quả dị thục như vậy, như vậy". Nếu sự kiện là vậy, này các Tỷ-kheo, thời có đời sống Phạm hạnh, có cơ hội để nêu rõ đau khổ được chơn chánh đoạn diệt.



TĂNG CHI BỘ. HT THÍCH MINH CHÂU dịch