Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013


CHIA RẼ KHÁC VỚI BẤT ĐỒNG CHÁNH KIẾN

1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ.’ Và còn có nói rằng: ‘Năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ, như thế thì lời nói rằng: ‘Năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta’ là sai trái. Nếu năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ’ là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài, là thâm sâu, khó tháo gỡ, bị thắt lại còn hơn nút thắt. Ở đây, nhóm người này là bị ngăn cản, bị bưng bít, bị che đậy, bị bao trùm. Xin ngài hãy phô bày năng lực trí tuệ của ngài về các lời nói của những người khác.” 

2. “Tâu đại vương, đức Như Lai có hội chúng không bị chia rẽ. Và năm trăm tỳ khưu đã bị chia rẽ cùng một lúc bởi Devadatta. Tuy nhiên, việc ấy là do năng lực của người chia rẽ. Khi người chia rẽ đang hiện hữu, tâu đại vương, không có việc không bị chia rẽ. Khi có người chia rẽ, mẹ cũng bị chia rẽ với con, con cũng bị chia rẽ với mẹ, cha cũng bị chia rẽ với con, con cũng bị chia rẽ với cha, anh em trai cũng bị chia rẽ với chị em gái, chị em gái cũng bị chia rẽ với anh em trai, bạn bè cũng bị chia rẽ với bạn bè, thậm chí con thuyền được kết hợp bởi nhiều thanh gỗ cũng bị chia rẽ bởi tốc độ và sự đập vỗ của sóng nước, cây cối có trái đầy đủ chất mật ngọt bị va chạm với sức mạnh và tốc độ của gió cũng bị chia rẽ, vàng có phẩm chất tự nhiên cũng bị chia rẽ bởi đồng. 

3. Tâu đại vương, vả lại việc này không phải là ý định của những người hiểu biết, không phải là khuynh hướng của chư Phật, điều này không phải là ước muốn của các bậc sáng suốt, là việc ‘Đức Như Lai có hội chúng bị chia rẽ.’ Hơn nữa, ở đây còn có lý do, mà với lý do ấy đức Như Lai được gọi là ‘có hội chúng không bị chia rẽ.’ Lý do ở đây là thế nào? Tâu đại vương, ‘hội chúng bị chia rẽ’ do sự không bố thí đã làm, hoặc do lời nói không trìu mến, hoặc do việc thực hành điều không lợi ích, hoặc do tính cách không bình đẳng của đức Như Lai trong lúc Ngài đang thực hành đức hạnh về bất cứ việc nào ở bất cứ nơi đâu là điều chưa từng được nghe trước đây. Bởi lý do ấy, đức Như Lai được gọi là ‘có hội chúng không bị chia rẽ.’ Tâu đại vương, đại vương cũng nên biết điều này: Trong lời dạy của đức Phật gồm chín thể loại, có bài Kinh được truyền thừa nào gọi là với lý do này, (nghĩa là) với việc đã làm của Bồ Tát, mà hội chúng của đức Như Lai bị chia rẽ?” 

“Thưa ngài, không có. Điều ấy không được thấy, cũng không được nghe ở thế gian. Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”