Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013



SỰ MỞ RỘNG VÀ HẠN CHẾ CỦA KINH VÀ LUẬT

 1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu.’ Và thêm nữa, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu. Thưa ngài Nāgasena, nếu ngài đạt được sự gắn bó, hoặc sự thành tựu, hoặc sự lãnh hội trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, thì sự quy định về Luật là được bộc lộ, có thể tỏa sáng. Vì lý do gì? Toàn bộ ở đây là sự thu thúc trong các điều học, sự kiềm chế, sự quy định về giới đức và tánh hạnh đều có hương vị của mục đích, hương vị của Giáo Pháp, hương vị của Giải Thoát. Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu’ là sai trái. Nếu việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai là bộc lộ, chói sáng, không bị che giấu.’ Và thêm nữa, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha và toàn bộ Tạng Luật là được đóng lại, được che giấu. Tuy nhiên, điều ấy không phải là đối với tất cả (mọi người), sau khi đã thực hiện ranh giới thì việc ấy được đóng lại.

Tâu đại vương, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại bởi đức Thế Tôn bởi vì ba tính chất: được đóng lại theo quy luật truyền thống của các đức Như Lai thời trước, được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp, được đóng lại vì sự cung kính đối với địa vị của các tỳ khưu.

Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại theo quy luật truyền thống của các đức Như Lai thời trước (nghĩa) là thế nào? Tâu đại vương, truyền thống này là của tất cả các đức Như Lai thời trước, tức là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa các vị tỳ khưu, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Tâu đại vương, giống như kiến thức Sát-đế-lỵ của dòng Sát-đế-lỵ lưu truyền chỉ trong số các vị Sát-đế-lỵ, việc như thế này là tập quán đối với thế gian của các vị Sát-đế-lỵ, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Tâu đại vương, tương tợ y như thế truyền thống này là của tất cả các đức Như Lai thời trước, tức là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa các vị tỳ khưu, và đóng lại đối với các thành phần còn lại.

Tâu đại vương, hoặc là giống như các nhóm người sinh sống ở trái đất gồm có: thợ đấu vật, làm xiếc, uốn dẻo, tài tử, diễn viên, kịch sĩ, vũ công, múa rối, ảo thuật, hạng thờ phụng các vị Trời Maibhaddā, Puṇṇabhaddā, Thần Mặt Trăng, Thần Mặt Trời, Thần May Mắn, Thần Rủi Ro, Thần Siva, Thần Visnu, Thần Mây, Thần Asipāsā, Thần Bhaddiputta. Điều bí mật của mỗi một nhóm lưu truyền chỉ trong từng nhóm người ấy, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Tâu đại vương, tương tợ y như thế truyền thống này là của tất cả các đức Như Lai thời trước, tức là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa các vị tỳ khưu, và đóng lại đối với các thành phần còn lại. Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại theo quy luật truyền thống của các đức Như Lai thời trước (nghĩa) là như vậy.

Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp (nghĩa) là thế nào? Tâu đại vương, Giáo Pháp là đáng được cung kính, đáng được tôn trọng. Ở đây, người có sự thực hành đúng đắn thì đạt được trí tuệ. Người đạt được điều ấy ở đây do sự thực hành đúng đắn theo sự truyền thừa, người không đạt được điều ấy ở đây do sự thực hành đúng đắn theo sự truyền thừa (nghĩ rằng): ‘Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có rơi vào tay của những người có sự thực hành sai trái, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách. Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có đến với những người xấu xa, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách.’ Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp (nghĩa) là như vậy.

Tâu đại vương, giống như vật gọi là trầm huyết có lõi, cao quý, ưu tú, chính cống, nguyên chất, màu đỏ được đem đến nơi thị tứ ở thôn quê thì bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách. Tâu đại vương, tương tợ y như thế có người (nghĩ rằng): ‘Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có rơi vào tay của những người có sự thực hành sai trái theo sự truyền thừa, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách. Giáo Pháp tinh túy, Giáo Pháp cao quý này chớ có đến với những người xấu xa, rồi bị chê bai, bị khinh thường, bị khi dễ, bị khinh miệt, bị chê trách.’ Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với Giáo Pháp (nghĩa) là như vậy.

Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với địa vị của các tỳ khưu (nghĩa) là thế nào? Tâu đại vương, bản thể tỳ khưu ở trên đời quả là không so sánh được, không đo lường được, không định giá được, không ai có thể đem ra đánh giá, đem ra so sánh, đem ra đo lường (nghĩ rằng): ‘Mong rằng người này đứng vững trong bản thể tỳ khưu như vầy và chớ trở thành đồng đẳng với thế gian,’ việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha lưu truyền ở giữa chỉ riêng các vị tỳ khưu.

Tâu đại vương, giống như loại hàng hóa cao quý và ưu tú ở trên đời là tấm vải hoặc là tấm thảm trải, hoặc là voi, ngựa, xe, vàng, bạc, ngọc ma-ni, ngọc trai, các châu báu của phụ nữ, v.v... hoặc là những việc làm và các vị anh hùng không bị đánh bại, tất cả các vật ấy đều đến với đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế hết thảy các điều học, các Kinh điển khéo được truyền thừa và pháp học, các đức tính của việc thu thúc trong hành xử và của sự phòng hộ các giới, tất cả các điều ấy đều đến với hội chúng tỳ khưu. Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha sau khi đã thực hiện ranh giới thì được đóng lại vì sự cung kính đối với địa vị của các tỳ khưu (nghĩa) là như vậy.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”