Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Bài học ngày 27-07-2013



Bài học ngày 27-07-2013

MILINDAPAÑHAPĀḶI & MILINDA VẤN ĐẠO
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
IV. PHẨM NIẾT BÀN

SA MÔN QUẢ KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG NHÃN TIỀN
  
5. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Làm cách nào để cho khổ này diệt và khổ khác không thể sanh lên? Tâu đại vương, sự xuất gia của chúng tôi là với mục đích ấy.’ Có lợi ích gì với việc đã tinh tấn trước đây? Chẳng phải là nên tinh tấn trong thời hiện tại hay sao?”

Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương bị khát thì khi ấy đại vương mới bảo đào giếng nước, mới bảo đào hồ nước (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ uống nước’?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương thèm ăn thì khi ấy đại vương mới bảo cày ruộng, mới bảo trồng lúa sāli, mới bảo đem thóc lại (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ thọ dụng bữa ăn’?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc.”

“Xin ngài cho thêm ví dụ.”

“Tâu đại vương, đại vương nghĩ gì về điều này? Phải chăng khi nào đại vương lâm trận thì khi ấy đại vương mới bảo đào hào, mới bảo đắp lũy, mới bảo xây cổng thành, mới bảo làm vọng gác, mới bảo đem lại thóc, khi ấy đại vương mới rèn luyện về voi, mới rèn luyện về ngựa, mới rèn luyện về xe, mới rèn luyện về cung, mới rèn luyện về gươm?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự tinh tấn trong thời hiện tại thì chưa làm được việc, sự tinh tấn trước đây thì đã làm được việc. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: 

‘Người biết việc nào lợi ích cho mình thì nên làm việc ấy trước. Không có ý nghĩ như kẻ đánh xe bò, bậc thông minh sáng trí nên cố gắng.

Giống như kẻ đánh xe bò từ bỏ con đường lớn bằng phẳng đi vào con đường gồ ghề, bị gãy trục xe rồi bực bội.

Như vậy, sau khi xa lìa Chánh Pháp, xu hướng theo phi pháp, kẻ ngu bị rơi vào miệng thần chết, sầu muộn như kẻ bị gãy trục xe vậy.’”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”’’