Một ông Bà La Môn mất trâu. Ông đi từ làng nầy sang làng kia tìm con trâu thất lạc. Băng qua ngang một đoạn đường với cây cao bóng mát ông nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới một gốc đại thọ. Hình ảnh siêu thoát, từ mẫn của Đức Phật không gợi sự ngưỡng kính ở vị ba la môn. Ông đến hỏi ngay một câu với vẻ nóng lòng: Ngài có thấy một con trâu đi lạc ngang đây không? Đức Phật trả lời bằng một câu hỏi: Đi tìm trâu hoặc đi tìm chính mình cái nào quan trọng hơn? Người mất trâu đã thay đổi cuộc sống hoàn toàn kể từ khi nghe câu hỏi đó.
NHỮNG ĐIỂM LƯU Ý
1. Quán chiếu tự thân là một khởi đầu nghiêm túc của người tu tập
2. Thấy rõ chân tướng của thân tâm là kết quả lớn của hành giả
3. Chúng sanh mãi miên man với muôn ngàn thứ tầm thường vì không tìm được cái chánh đáng để quan tâm.
THẢO LUẬN
1. Có người nói trong câu chuyện nầy "đi tìm chính mình" tức là "đi tìm chân ngã". Có đúng như vậy chăng?
2. Cùng thấy sự việc một ở nội tại, một ở ngoại giới có gì khác nhau?
3. Mất của mà không lo tìm lại hướng sang việc tu có phải là nặng triết lý đến độ xa rời thực tại?
4. Tu tập thế nào gọi là "đi tìm chính mình"?
CÂU ĐỐ
Tại sao con người thường hướng ngoại hơn là sống với chính mình?
a. Vì đó là thường thân y duyên nhiều đời
b. Vì đó là bản chất cố hữu chúng sanh cõi dục giới
c. Vì quá nặng ngã, ngã sở và mạn tuỳ miên
d. Cả ba câu trên đều đúng.