Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

HỌC ÍT NHƯNG KHÔNG ÍT HỌC


Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Ðại Lâm, chỗ giảng đường có góc nhọn. Rồi một Tỷ-kheo người Vajji đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo người Vajji bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, hơn 150 học pháp này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc, ở đây, con không có thể học nổi.

- Này Tỷ-kheo, Thầy có thể học ba học pháp không, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học?

- Bạch Thế Tôn, con có thể học ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học.

2. - Do vậy, này Tỷ-kheo, Thầy hãy học tập ba học pháp, tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Nếu Thầy học tập tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Này Tỷ-kheo, nhờ học tập ba học pháp này, tham sẽ đoạn tận, sân sẽ đoạn tận, si sẽ đoạn tận. Do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; điều bất thiện, Thầy sẽ không làm; điều ác, Thầy sẽ không theo.

3. - Tỷ-kheo ấy, sau một thời gian học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ; do học tập tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận. Vị ấy, do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; nên không làm điều bất thiện, không theo điều ác.

NHỮNG ĐIỂM LƯU Ý

1, Giáo pháp được trình bày qua nhiều cách. Có khi tổng thuyết có khi biệt thuyết.

2. Không thể nói thiếu và đủ đơn thuần bằng con số

3. Nắm đưọc căn bản thì làm gì cũng không sợ sai

THẢO LUẬN

1. Tại sao bát chánh đạo và giới định tuệ trên thực tế chỉ là một?

2. Phải chăng bài kinh nầy có hàm ý là một tỳ kheo có thể tu theo Kinh Tạng mà không cần Luật Tạng?

3. Phật Pháp đôi khi được hiểu như một ngôi nhà (pháp lâu), đôi khi được hiểu như chiếc xe (Pháp xa) những tượng hình ấy mang ý nghĩa tương đồng thế nào?

4. Nếu hiểu Phật pháp như toa thuốc trị bệnh tuỳ theo bệnh trạng thì có thể nói là "tuỳ tiện" chăng?

CÂU ĐỐ

Câu nào dưới đây KHÔNG tìm thấy trong kinh điển :Pali:

a. Chánh pháp như chiếc bè là phương tiện đưa sang bời giải thoát

b. Đức Phật là bậc lương y trị căn bệnh phiền não của chúng sanh

c. Chư tăng là ruộng phước vô thượng cho chúng sanh trong đời

d. Tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành