Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012


BỐ THÍ VÀ HÀNH TRÌNH TU TẬP


1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn của Anàthapindika. Rồi Sumanà, con gái vua, với năm trăm thiếu nữ hộ tống trên năm trăm cỗ xe, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Sumanà, con gái vua bạch Thế Tôn:

2. - Ở đây, bạch Thế Tôn, có hai đệ tử của Thế Tôn đồng đẳng về tín, đồng đẳng về giới, đồng đẳng về tuệ, một có bố thí, một không bố thí. Sau khi thân hoại mạng chung, cả hai được sanh lên cõi lành Thiên giới. Giữa hai vị thiên ấy, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

- Có sự sai biệt, này Sumanà.

3. Người có bố thí, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không có bố thí trên năm phương diện. Về thiên thọ mạng, về thiên sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về thiên tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện này.

4. - Bạch Thế Tôn, nếu họ từ đây mạng chung, trở lại trạng thái này, khi họ trở lại làm người, bạch Thế Tôn, có sự đặc thù gì, có sự sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

- Có sự sai biệt, này Sumanà.

5. Người có bố thí, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện: Về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng. Người có bố thí, này Sumanà, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện này

6. - Bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Giữa hai người xuất gia ấy, bạch Thế Tôn có thể có những đặc thù gì, những sai khác gì?

Thế Tôn đáp:

- Có sự sai biệt, này Sumanà.

7. Người có bố thí, khi được xuất gia, vượt qua vị xuất gia không có bố thí trên năm phương diện: Thường hay được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; thường hay được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái, với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái, với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái, giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Này Sumanà, người có bố thí khi được xuất gia, vượt qua người không có bố thí trên năm phương diện này.

8. - Nhưng bạch Thế Tôn, nếu cả hai đều chứng quả A-la-hán. Với hai vị chứng đạt A-la-hán ấy, bạch Thế Tôn có sự đặc thù nào, có sự sai khác nào?

9. - Ở đây, này Sumanà, Ta nói không có sự sai khác nào, tức là so sánh giải thoát với giải thoát.

10. - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Xa cho đến như vậy là vừa đủ để bố thí, là vừa đủ để làm cho các công đức. Vì rằng chúng là những giúp đỡ, những công đức cho chư Thiên, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho loài Người, chúng là những giúp đỡ, những công đức cho các người xuất gia.

- Sự việc là như vậy, này Sumanà, là vừa đủ, này Sumanà, để bố thí, là vừa đủ để làm các công đức. Chúng là những giúp ích, những công đức cho chư Thiên. Chúng là những giúp ích, những công đức cho loài Người. Chúng là những giúp ích, những công đức cho những người xuất gia.

11. Thế Tôn thuyết như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

Như mặt trăng không uế,
Ði giữa hư không giới,
Với ánh sáng bừng chói,
Giữa quần sao ở đời.
Cũng vậy, người đủ giới,
Hạng người có lòng tin,
Với bố thí, bừng chói,
Giữa xan tham ở đời.
Như mây mưa sấm sét,
Vòng hoa chóp trăm đầu,
Tràn đầy cả thung lũng,
Lan tràn cả đất bằng.
Cũng vậy, đầy tri kiến,
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Bậc trí vượt xan tham,
Trên cả năm phương diện,
Thọ mạng và danh xưng,
Dung sắc và an lạc,
Với tài sản sung mãn,
Chết hưởng hỷ lạc thiên.


NHỮNG ĐIỂM LƯU Ý
1. Pháp bố thí khiến cho đời sống trong cảnh, nhân thiên có nhiều ưu việt
2. Chính sự xả kỷ của pháp bố thí mang lại an lạc lớn cho nội tâm
3. Tất cả sự giải thoát đều giống nhau dù phước báu hữu lậu sai biệt

THẢO LUẬN
1. Phải chăng bài kinh nầy cho thấy có những vị chứng đạt giãi thoát không từng tu bố thí ba la mật?
2. Pháp thí có phúc quả tương tự như những gì được nói đến trong bài kinh nầy không?
3. Nếu tất cả sự giải thoát đều giống nhau thì tại sao có chư Phật toàn giác, độc giác và thinh văn?
4. Phải chăng sự trì giới không có phước nhiều như bố thí?

CÂU ĐỐ
Những pháp nào dưới đây là được xem là lợi lạc của pháp bố thí?

a. Khiến cho tâm người bố thí bớt xan tham, bỏn xẽn
b. Là cách thể hiện tâm từ, tâm bi tạo nên phước đức
c. Mang lại sự an lạc cho người thọ thí nên tạo nhiều phước báu hữu lậu
d. Cả ba điều trên