Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
CHƯỚNG DUYÊN VÀ THUẬN DUYÊN CỦA SỰ TU TẬP

(LXXIX) (Tik. III, 10) (It. 71)

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học ưa thích công việc, thích thú công việc, đam mê ưa thích công việc; ưa thích nói chuyện, thích thú nói chuyện, đam mê ưa thích nói chuyện; ưa thích nằm ngủ, thích thú nằm ngủ, đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến sự tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.

Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học không ưa thích công việc, không thích thú công việc, không đam mê ưa thích công việc; không ưa thích nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không đam mê ưa thích nói chuyện; không ưa thích nằm ngủ, không thích thú nằm ngủ, không đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Tỷ-kheo thích công việc,
Thích thú trong nói chuyện,
Và ưa thích nằm ngủ,
Sống dao động trạo cử;
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không thể nào chứng ngộ,
Chứng Bồ-đề tối thượng,
Do vậy, đối vị ấy,
Cần phải ít công việc,
Phải ít sự nằm ngủ,
Không được có tháo động,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Mới có thể chứng được,
Chứng tối thượng Bồ-đề
.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.