Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

3. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI SẾU CÁI

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Hai tính chất của loài sếu cái nên được hành trì,’ hai tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như loài sếu cái không nuôi dưỡng các chim con vì sự ghen ghét với chồng của mình (sếu đực). Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên ghen ghét các phiền não đã sanh lên ở tâm của mình, nên bỏ chúng vào cái hốc của sự thu thúc đúng đắn bằng sự thiết lập niệm, nên tu tập niệm đặt ở thân tại cánh cửa của ý (ý môn). Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài sếu cái nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài sếu cái sau khi đi lại vào ban ngày ở khu vực kiếm ăn trong rừng, buổi chiều đi đến với bầy chim nhằm sự bảo vệ cho bản thân. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên lui tới nơi thanh vắng mỗi một mình nhằm sự giải thoát hoàn toàn khỏi các sự trói buộc, khi không còn thích thú nơi ấy thì nên trở về hội chúng nhằm hộ trì nỗi sợ hãi vì sự chê trách, và nên sống với sự bảo vệ của hội chúng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài sếu cái nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được Phạm Thiên Sahampati nói đến trong sự hiện diện của đức Thế Tôn:[6]

‘Nên lui tới các chỗ trú ngụ xa vắng.

Nên thực hành việc thoát khỏi các sự trói buộc.

Nếu không đạt được sự thích thú tại nơi ấy,


thì nên sống ở hội chúng, bản thân được bảo vệ, có niệm.’”