Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

2. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI NGỖNG ĐỎ

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của loài ngỗng đỏ nên được hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như loài ngỗng đỏ cho đến lúc chấm dứt mạng sống không lìa bỏ bạn tình. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập cho đến lúc chấm dứt mạng sống không nên lìa bỏ sự tác ý đúng đường lối. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của loài ngỗng đỏ nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài ngỗng đỏ có vật thực là rong rêu ở nước, và đạt được sự vừa lòng với điều ấy. Và nhờ vào sự vừa lòng ấy nó không suy giảm về sức lực và sắc đẹp. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thể hiện sự hài lòng với lợi lộc có được. Tâu đại vương, được hài lòng với lợi lộc có được, vị hành giả thiết tha tu tập không suy giảm về giới, không suy giảm về định, không suy giảm về tuệ, không suy giảm về giải thoát, không suy giảm sự nhận thức về giải thoát, không suy giảm tất cả các thiện pháp. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của loài ngỗng đỏ nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, loài ngỗng đỏ không hãm hại các sinh mạng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập có gậy đã được bỏ xuống, có dao đã được bỏ xuống, có liêm sỉ, đã đạt được lòng trắc ẩn, có lòng thương tưởng đến sự lợi ích của tất cả các chủng loại có sinh mạng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của loài ngỗng đỏ nên được hành trì.

Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Bổn Sanh Cakkavāka:[5]


‘Người nào không giết hại, không bảo giết hại, không thống trị, không bảo thống trị, do sự không hãm hại đối với tất cả chúng sanh, người ấy không có oán thù với bất cứ ai.’”