Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013


NGHIỆP LỰC, THẦN LỰC VÀ PHẬT LỰC

1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh.’ Và thêm nữa, ‘Đức Thế Tôn sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế.’

Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Thế Tôn sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā, đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế’ là sai trái. Nếu đức Thế Tôn sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā, đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế, như thế thì lời nói rằng: ‘Đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, vô cùng quan trọng, khó tháo gỡ, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”

2. “Tâu đại vương, đức Thế Tôn có được sự thọ nhận về các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ nằm ngồi, và thuốc chữa bệnh. Ngài sau khi đi vào khất thực ở ngôi làng Bà-la-môn Pañcasālā đã không nhận được bất cứ vật gì, rồi đã trở ra với bình bát đã được rửa sạch như thế. Tuy nhiên việc làm ấy có lý do là bởi Ma Vương ác độc.”

“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì thiện pháp của đức Thế Tôn, được tạo lập theo cách thức tính toán bằng kiếp sống đã trải qua, đã được hoàn tất như thế nào? Sự triển khai về tốc độ và năng lực của thiện pháp ấy đã bị Ma Vương ác độc, kẻ mới xuất hiện vào lúc này, đóng lại như thế nào? Thưa ngài Nāgasena, như thế thì trong việc này sự chỉ trích tiếp cận dựa trên hai cơ sở: Bất thiện pháp có sức mạnh hơn cả thiện pháp, năng lực của Ma Vương có sức mạnh hơn cả năng lực của đức Phật. Vì lý do gì mà cây cối lại có ngọn mang nặng hơn cả rễ? Và điều ác lại có sức mạnh hơn cả đức hạnh đã được tích tụ?”

3. “Tâu đại vương, đương nhiên chỉ với chừng ấy thì không thể nói là bất thiện pháp có sức mạnh hơn cả thiện pháp, năng lực của Ma Vương có sức mạnh hơn cả năng lực của đức Phật. Vậy thì lý do ở trường hợp này là được mong mỏi. Tâu đại vương, giống như có người đàn ông đem mật ong, hoặc bánh mật ong, hoặc tặng phẩm dâng lên đức Chuyển Luân Vương, người gác cổng của đức vua nói với người ấy như vầy: ‘Này ông, nay không phải là thời điểm để diện kiến đức vua. Này ông, như thế thì ông hãy cầm lấy tặng phẩm của ông và mau mau đi trở lui. Chớ để đức vua giáng hình phạt đến ông.’ Do đó, người đàn ông ấy bị run rẩy, bị chấn động do nỗi sợ hãi về hình phạt, liền cầm lấy tặng phẩm ấy và mau mau đi trở lui. Tâu đại vương, phải chăng chỉ với từng ấy sự việc không đúng thời điểm của tặng phẩm mà gọi là đức Chuyển Luân ấy có năng lực kém hơn người gác cổng, hay là đức Chuyển Luân còn có thể nhận bất cứ tặng phẩm nào khác nữa?”

4. “Thưa ngài, không đúng. Do bản chất ganh ghét mà người gác cổng ấy ngăn chặn tặng phẩm. Tuy nhiên tặng phẩm của đức vua, thậm chí có phẩm chất cả trăm ngàn lần, đi đến bằng cánh cửa khác.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do bản chất ganh ghét mà Ma Vương ác độc đã nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Trái lại, hàng trăm ngàn Thiên nhân mang theo thuốc bất tử, là dưỡng chất của cõi trời, đến gần lễ bái đức Thế Tôn rồi đứng chắp tay (thưa rằng): ‘Chúng tôi sẽ đặt dưỡng chất vào cơ thể của đức Thế Tôn.’”

“Thưa ngài Nāgasena, hãy là vậy. Đối với đức Thế Tôn, bậc Tối Thượng Nhân ở thế gian, bốn món vật dụng là dễ dàng nhận được, chừng ấy thức ăn được thọ nhận theo như ước muốn. Được thỉnh cầu bởi chư Thiên và nhân loại mà đức Thế Tôn thọ dụng bốn món vật dụng. Tuy nhiên, ý định của Ma Vương có sự thành tựu liền tức thời, là việc Ma Vương đã tạo ra sự chướng ngại về vật thực đến đức Thế Tôn. Thưa ngài, trong việc này nỗi hoài nghi của trẫm không được cắt đứt. Trẫm bị sanh khởi nỗi phân vân, bị rơi vào sự nghi ngờ. Về việc ấy, tâm ý của trẫm không chấp nhận việc Ma Vương, là thây ma, hèn hạ, nhỏ nhoi, độc ác, không cao thượng, tội lỗi, đã tạo ra sự chướng ngại trong việc thọ nhận của đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, nhân vật cao quý tối cao ở thế gian có cả chư Thiên, cội nguồn của những phước báu cao quý về thiện pháp, không ai sánh bằng, không kẻ tương đương, không người tương xứng.”

5. “Tâu đại vương, quả là có bốn sự chướng ngại: Chướng ngại do chưa được nhìn thấy, chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng. Ở đây chướng ngại do chưa được nhìn thấy nghĩa là khi vật được làm xong còn chưa chỉ định (người nhận) do việc chưa nhìn thấy thì có người nào đó tạo ra sự chướng ngại rằng: ‘Có điều gì với việc cho đến người khác?’ Đây gọi là chướng ngại do chưa được nhìn thấy. Chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận) là thế nào? Ở đây, vật thực là được chuẩn bị dành cho, được chỉ định cho một cá nhân, rồi có người nào đó tạo ra sự chướng ngại cho người ấy. Đây gọi là chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận). Chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong là thế nào? Ở đây, bất cứ vật gì đã được chuẩn bị xong còn chưa được thọ nhận. Tại nơi ấy, có người nào đó tạo ra sự chướng ngại. Đây gọi là chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong. Chướng ngại về sự thọ dụng là thế nào? Ở đây là bất kỳ sự thọ dụng nào, tại nơi ấy có người nào đó tạo ra sự chướng ngại. Đây gọi là chướng ngại về sự thọ dụng. Tâu đại vương, đây là bốn sự chướng ngại.

Hơn nữa, việc Ma Vương ác độc đã nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā là vật thọ dụng còn chưa thuộc về đức Thế Tôn, chưa được đem đến gần, chưa được chỉ định (người nhận), và Ngài còn chưa đi đến, chưa ngự đến; chướng ngại đã được tạo ra đối với Ngài là do việc chưa được nhìn thấy. Hơn nữa, việc ấy không phải chỉ riêng một mình đức Thế Tôn. Vào thời điểm ấy, thậm chí tất cả những người đã rời khỏi, đã đi đến vào ngày hôm ấy cũng đã không nhận được vật thực. Tâu đại vương, tôi không nhìn thấy người nào ở thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, có thể tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng đối với đức Thế Tôn ấy được. Nếu có kẻ nào đó do ganh ghét rồi tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng (đối với đức Thế Tôn) thì sẽ khiến cho đầu của kẻ ấy vỡ ra thành trăm mảnh hoặc ngàn mảnh.

6. Tâu đại vương, đây là bốn đức tính không thể bị che lấp bởi bất cứ người nào của đức Như Lai. Bốn đức tính gì? Tâu đại vương, lợi lộc đã được chỉ định dành cho đức Thế Tôn, đã được chuẩn bị xong, thì không người nào có thể tạo ra chướng ngại cho Ngài. Tâu đại vương, ánh sáng hào quang của đức Thế Tôn là di chuyển dọc theo thân, không người nào có thể tạo ra chướng ngại. Tâu đại vương, bản thể Toàn Tri là vật báu trí tuệ của đức Thế Tôn, không người nào có thể tạo ra chướng ngại cho Ngài. Tâu đại vương, không người nào có thể tạo ra chướng ngại đến mạng sống của đức Thế Tôn. Tâu đại vương, đây là bốn đức tính không thể bị che lấp bởi bất cứ người nào của đức Như Lai. Tâu đại vương, tất cả các đức tính này chỉ có một phẩm chất, không bị bệnh, không bị chuyển dịch, không có sự sánh kịp bởi những người khác, là những sự việc không bị đụng chạm. Tâu đại vương, nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, giống như ở các vùng biên địa không bằng phẳng của đức vua, nhờ vào việc không nhìn thấy, các kẻ cướp đã ẩn nấp rồi làm hư hỏng con đường. Tuy nhiên, nếu đức vua nhìn thấy các kẻ cướp ấy, phải chăng những kẻ cướp ấy có thể đạt được sự bình yên?”

“Thưa ngài, không đúng. Đức vua có thể ra lệnh phanh thây bằng búa thành trăm mảnh hay ngàn mảnh.”

7. “Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, hoặc là giống như người đàn bà có chồng nhờ vào việc không nhìn thấy, ẩn núp rồi gần gũi người đàn ông khác. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, nếu người đàn bà gần gũi người đàn ông khác trước mặt chồng, phải chăng người đàn bà ấy có thể đạt được sự bình yên?”

“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, người chồng có thể giết chết, hành hạ, giam cầm cô ấy, hoặc đem đi làm nô lệ.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nhờ vào việc không nhìn thấy, Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Tâu đại vương, nếu Ma Vương ác độc tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng đối với đức Thế Tôn thì có thể khiến cho đầu của Ma Vương bị vỡ ra thành trăm mảnh hoặc ngàn mảnh.”

“Thưa ngài Nāgasena, Ma Vương ác độc đã làm điều ấy tương tợ như kẻ cướp. Ma Vương ác độc đã ẩn núp rồi nhập hồn vào gia chủ Bà-la-môn ở Pañcasālā. Thưa ngài, nếu Ma Vương ác độc tạo ra chướng ngại khi đã chỉ định (người nhận), chướng ngại khi đã được chuẩn bị xong, chướng ngại về sự thọ dụng đối với đức Thế Tôn thì có thể khiến cho đầu của Ma Vương bị vỡ ra thành trăm mảnh hoặc ngàn mảnh, hoặc thân thể của Ma Vương có thể tan tác như là nắm trấu.

Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”