Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

PARIS, ngày 24.10.2014 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin hân hạnh giới thiệu Bạn đọc Lá Thư Trong Tuần – Tuần thứ Năm, trình bày về diễn tiến việc tạo mãi Ngôi Chùa Phật Quang,làm cơ sở sinh hoạt cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Giáo hội đã đặt cọc mua với số tiền 220 nghìn Mỹ kim. Chùa nằm trên đại lộ Beach, cách Bolsa năm phút lái xe. Từ đây đến 5 tuần lễ, Giáo hội phải chồng thêm Một Triệu Mỹ kim để kết thúc việc tạo mãi và có nơi sinh hoạt ngay. Đồng thời Lá Thư loan báo sơ khởi tiền đóng góp của đồng bào hảo tâm đến từ nhiều châu lục. Xin mời Bạn đọc vào Trang Thư thứ Năm :
bodhi1

Lá Thư Trong Tuần – Tuần 5 :QUÃNG ĐƯỜNG TRƯỚC MẮT


Chỉ còn 5 tuần lễ nữa là chúng ta đến thời điểm quyết định. Nói là năm tuần thực tế chỉ có ba tuần để vận động. Hai tuần còn lại là để chuẩn bị hoàn tất. Mỗi ngày chúng tôi đều nhận được những lá thư hỏi thăm về việc tạo lập ngôi chùa chung. Đã có một số hỏi về sinh hoạt của ngôi chùa Phật Quang trong tương lai thế nào. Ngôi chùa chung sẽ thể hiện được tôn chỉ và chủ trương của Giáo Hội. Và hơn thế nữa cũng được điều hành trong sự quan tâm của toàn thể thành viên Giáo Hội.
TÔN CHỈ CỦA SỰ THỐNG NHẤT
Lịch sử của tất cả tôn giáo lâu đời đều mang một điểm chung là phân hoá theo thời gian. Từ một khởi điểm hợp nhất ban đầu dần dà có những dị biệt nội tại đưa đến phân hoá. Nếu nói khách quan thì sự chia cách thành nhiều tông, nhiều phái vốn tự nhiên. Con người là vậy, thế tình là vậy. Tách ra thì dễ mà hợp lại thì khó. Phật giáo Việt Nam đã tạo thành một sự kiện đặc thù trong lịch sử Phật giáo là kết hợp hai tông phái chủ lưu thành một cơ cấu có tên là là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Nỗ lực nầy đã có những thành tựu nhất định. Dù vậy tinh thần thống nhất không dừng lại ở đó mà còn đòi hỏi những cố gắng xa hơn. Làm thế nào những người con Phật không phân tông phái, giới tính, tuổi tác, phe phái có thể cùng ngồi lại trong tinh thần chung, vì lợi ích chung, trong giá trị chung là thừa kế truyền thống ngàn đời của Phật Pháp. Đó không phải là chuyện đơn giản. Những bất đồng vốn thường do sự dị biệt cá nhân hơn là lý tưởng và tôn chỉ. Người ta thường đổ lỗi sự chia rẽ bắt nguồn từ bên ngoài. Thật ra trung thực mà nói thì cũng do chính mỗi chúng ta. Để phát huy tinh thần thống nhất trước hết phải thể hiện được sự kiên nhẫn chấp nhận trong hiểu biết cảm thông. Không nuôi dưỡng hiềm hận đả kích mà thay vào đó là sự ôn hoà, tự chế và thông cảm. Tinh thần chính của đại bi tâm là đặt mình vào vị trí của người.
ĐẠI BIỂU CHO MỌI THÀNH PHẦN
Nhân đại hội thường niên năm nay của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Hội Đồng Lưỡng Viện đã ủy nhiệm Văn Phòng II Viện Hoá Đạo tổ chức Đại Hội Khoáng Đại X trong và ngoài nước vào tháng 10 năm 2015. Đại hội sẽ thông qua bản tu chỉnh hiến chương, cơ cấu tổ chức, thành phần nhân sự và ngân sách cho nhiệm kỳ mới. Bản phác thảo tu chỉnh hiến chương và nội quy của Giáo Hội cần được góp ý của nhiều thành phần trước khi đệ trình Hội Đồng Lưỡng Viện duyệt y và phê chuẩn. Với trọng trách nầy Văn Phòng II Viện Hoá Đạo mong mỏi sự đóng góp sáng kiến và đề nghị từ nhiều thành phần khác nhau đại biểu cho đại đa số Phật giáo đồ Việt Nam. Hành hoạt của Giáo Hội nên là sự kết tinh tâm huyết của đại đa số trong đó có hai giới xuất gia và tại gia, nam nữ, nhiều thế hệ trong tuổi tác, những người thuộc chuyên môn khác nhau từ luật pháp, kinh tế, hành chánh, giáo dục đến sự đại diện các địa phương với nhu cầu dị biệt. Sự đại diện cho mọi tầng lớp rất quan trọng. Đức Phật chưa bao giờ có chủ trương thiết lập ngôi nhà giáo pháp dành riêng cho một cá nhân, một thành phần. Tất cả chúng sanh đều có thể ân triêm lợi lạc.
SỨC MẠNH THẬT SỰ ĐẾN TỪ TỨ CHÚNG
Sự tồn tại vững mạnh của Giáo Hội chính ở khả năng kết hợp. Mỗi chúng ta đều có những dị biệt. Nếu khéo đóng góp thì sự sai khác tạo nên sự đa dạng, phong phú, và thế hỗ tương cần thiết. Ngôi chùa chung, chùa Phật Quang, không đơn giản là ngôi chùa theo nghĩa vật chất hay bất động sản mà còn nói lên tinh thần kết hợp của nhiều thành phần. Một điểm rất đáng hoan hỷ là ban đầu có nhiều người ngờ vực về việc tạo lập một ngôi chùa không mang bản sắc tông phái hay chủ quyền cá nhân mà là ngôi chùa chung. Bây giờ càng lúc càng thêm nhiều người tin tưởng một ngôi chùa chung có thể thực hiện. Việc chùa là vậy, việc Phật sự cũng thế. Nếu trong một tháng nữa chúng ta phải vận động đủ số tài chánh tạo mãi ngôi chùa chung thì trong vòng 12 tháng tới chúng ta phải làm thế nào có được sự góp ý của nhiều tầng lớp tăng, ni, nam nữ cư sĩ về hiến chương và đường hướng hoạt động của Giáo Hội. Những đề xuất hoạt động không nên chỉ một chiều từ chủ trương của trung ương mà cần có sự yêu cầu và đề nghị nhiều đại diện cho nhiều địa phương, nhiều tầng lớp, nhiều chuyên môn. Chúng ta cần nỗ lực thật nhiều hơn nữa để mời thỉnh sự chung vai góp sức của nhiều người. Điều rất đáng hoan hỷ là sau đại hội thường niên có nhiều chư vị tăng ni và Phật tử khắp nơi tiếp tục chia sẻ những thao thức và ý kiến về sinh hoạt Giáo Hội.
CON SỐ CỦA TUẦN NẦY
Cuối tuần qua, có hai bữa cơm gây quỹ ở California. Số tiền cúng dường và cho mượn tổng cộng là 149 ngàn Mỹ kim. Như vậy tổng cộng số tài chánh cúng dường và cho mượn tới nay là 619 ngàn. Lần đầu tiên con số vượt qua mức hơn nữa triệu. Mặc dù mới có nửa cuộc hành trình và chỉ mới có hai nơi trong số 11 nơi gây quỹ mà đã có hơn phân nữa số tiền thì cũng tạm gọi là khả quan nhưng thật ra chúng ta không có trọn 5 tuần lễ vì hai tuần sau cùng phải hoàn tất bằng mọi giá trước khi việc tạo mãi hoàn tất. Nói như vậy có nghĩa là trong ba tuần lễ tới phải đẩy mạnh việc vận động bằng nhiều phương cách. Xin khẩn thiết kêu gọi sự tiếp tục hỗ trợ và vận động cho việc mua chùa. Có rất nhiều người chưa biết được vì không theo dõi qua báo chí và internet. Xin hãy thay mặt Giáo Hội chuyển lời vận động đến thân nhân bạn bè. Sự cổ động từ nhiều cá nhân rất quan trọng. Mai hậu chúng ta sẽ hoan hỷ nhìn lại những tháng ngày hôm nay với một ngôi chùa chung được hình thành mà mỗi phiến ngói, mỗi viên gạch là do sự chung góp của bốn phương Phật tử trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần.
Ngưỡng nguyện Phật Pháp soi sáng cho mỗi bước đi trên đường tu tập và phụng sự của tất cả chúng ta.
Houston 23.10.2014
Tỳ Kheo Thích Giác Đẳng