Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

PARIS, ngày 3.10.2014 (PTTPGQT) – Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin hân hạnh giới thiệu Bạn đọcLá Thư Trong Tuần – Tuần thứ Ba, trình bày về diễn tiến việc tạo mãi Ngôi Chùa Phật Quang, làm cơ sở sinh hoạt cho Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ. Giáo hội đã đặt cọc mua với số tiền 220 nghìn Mỹ kim. Chùa nằm trên đại lộ Beach, cách Bolsa năm phút lái xe. Từ đây đến 7 tuần lễ, Giáo hội phải chồng thêm Một Triệu Mỹ kim để kết thúc việc tạo mãi và có nơi sinh hoạt ngay. Đồng thời loan báo sơ khởi tiền đóng góp của đồng bào hảo tâm đến từ nhiều châu lục. Xin mời Bạn đọc vào Trang Thư thứ Ba :

bodhi1

Lá Thư Trong Tuần – Tuần 3 :

PHÁP LÝ CỦA GIÁO HỘI
VÀ NGÔI CHÙA CHUNG


Lại một tuần lễ vô cùng bận rộn. Từ câu hỏi có thể làm được gì quý Phật tử nhiều nơi đang bắt tay vào việc tổ chức gây quỹ. Những tấm lòng, những bàn tay không phải chỉ cho riêng một địa phương, một tổ chức mà cho ngôi chùa chung của Giáo Hội. Chữ chung đó nói lên cả hai phương diện trừu tượng và cụ thể.
Mạng mạch của Phật Pháp
Phật giáo được truyền đến Việt Nam trước Trung Quốc. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu ra đời trước ngôi chùa Bạch Mã ở Lạc Dương bên Tàu. Nhiều giai đoạn thăng trầm tạo nên những khúc quanh quan trọng của lịch sử Đạo Phật trong lòng dân tộc Việt. Sự tồn tại của Phật Pháp là sự hiện hữu của ba tạng kinh điển và bốn chúng đệ tử Phật. Từ một nền đạo được xây dựng hơn hai mươi thế kỷ tới phong trào chấn hưng ở tiền bán thế kỷ hai mươi làm cơ sở thành lập các tổ chức Phật giáo tại ba miền Bắc, Nam, Trung để rồi kết hợp thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Đó là tiền thân của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN). Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết từ vai trò hội chủ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam trở thành vị tăng thống đầu tiên của GHPGVNTN là một biểu tượng nối tiếp dòng mạng mạch. Bản Hiến chương của GHPGVNTN ra đời đầu năm 1964 trở thành văn kiện quan trọng về cơ cấu tổ chức cũng như về tính đặc thù của đạo Phật Việt.
Những hy sinh cho sự sống còn của Giáo Hội
Vận nước ngửa nghiêng hơn nửa thế kỷ qua đã ảnh hưởng không nhỏ sự tồn tại của GHPGVNTN. Từ nỗ lực bảo vệ Hiến chương năm 1966 tới bao nhiêu khổ nạn từ biến cố 1975. Khi nhà cầm quyền Cọng sản đưa ra chính sách gom tất cả tổ chức Phật giáo thành một cơ chế dưới sự quản trị của Ban Tôn Giáo nhà nước năm 1980 thì chư tôn giáo phẩm dưới sự lãnh đạo của HT Thích Huyền Quang và HT Thích Quảng Độ đã khẳng định sự tồn tại của một giáo hội dân lập không thuộc Mặt Trận Tổ Quốc. Thái độ đã đưa quý Ngài vào lao tù quản thúc hằng mấy mươi năm sau đó. Vị thế và đường hướng của Giáo Hội — đặc biệt là lập trường đối với tự do, dân chủ, nhân quyền cho dân tộc — đã tạo nên bao nghiệt ngã đánh phá từ trong ra ngoài. Đã có những giai đoạn đầy xáo trộn, nguy nan cho Giáo Hội trong lẫn ngoài nước. Chư tôn lãnh đạo tối cao kiên trì bảo vệ sự tồn tại một Giáo hội đồng hành với dân tộc nhưng không bị thế tục hoá ; độc lập với chế độ đương quyền nhưng không quay lưng với nỗi đau thương của dân tộc ; kêu gọi sự đồng tâm hợp lực của một liên minh dân tộc đồng thời duy trì một thực thể tôn giáo thiêng liêng không mang màu sắc đảng phái.
Trách nhiệm của chúng ta
Hiện tình đất nước và hoàn cảnh của Giáo Hội bắt buộc người Phật tử Việt Nam hải ngoại phải đặt rõ vai trò và trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Giáo Hội. Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và giáo hội các châu, đặc biệt tại Hoa Kỳ, phải theo đuổi những nguyên tắc quan trọng trong hoạt động chung. Trước hết là tuân thủ sự chỉ đạo của Hội Đồng Lưỡng Viện trong nước dưới lãnh đạo tối cao của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ. Một tổ chức mang danh nghĩa của giáo hội mà không thừa hành sự lãnh đạo của Giáo Hội trong nước là hữu danh vô thực. Thứ đến là nuôi dưỡng một nhận thức rõ ràng về những giá trị của Phật Pháp, của tinh thần dân tộc chân chính và thế nào là quyền làm người trong ý nghĩa phổ quát. Không có sự hiểu biết đầy đủ những trọng điểm đó rất dễ bị sai lạc. Sau cùng, chúng ta cần ý thức sự tồn tại của Giáo Hội phải vượt lên trên những quan niệm cá nhân và lấy cái chung làm nền tảng. Khả năng tồn tại miên tục của Giáo Hội cho nhiều thế hệ mai hậu chỉ có thể có khi chúng ta xây dựng được một cơ cấu mà nhân sự có thể thỉnh cử, hoán chuyển theo các nhiệm kỳ.
Pháp lý giáo hội và Ngôi chùa chung
Trước Phật Đản năm 2014, Hoà thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo trong một chỉ thị đã nêu ra hai Phật sự trọng yếu là kiến tạo một ngôi chùa chung của Giáo Hội và xác lập cơ sở pháp lý của Giáo Hội đối với luật pháp địa phương. Hai điều đó tuy khác nhau hoàn toàn nhưng lại liên hệ mật thiết. Không có pháp lý rõ ràng thì không thể nói cái gì thật sự thuộc chủ quyền chung của Giáo Hội. Nỗ lực kiến tạo cơ sở chung – chùa Phật Quang – là sự cụ thể hoá chủ quyền chung của giáo hội. Chính vì điểm nầy mà Tăng Ni, Phật tử nhiều nơi đồng thanh hưởng ứng lời kêu gọi tài chánh tạo mãi cơ sở Giáo hội tại miền nam Cali. Sự nhiệt tình của các chùa viện, quý Phật tử xa gần cho thấy niềm tin tưởng vào pháp lý, vào nguyên tắc, vào tinh thần chung chứ không phải ở cá nhân nào. Điều đó tự nó đã nói lên quan niệm rõ ràng của các thành viên Giáo Hội và những Phật tử hữu tâm. Chúng ta phải học được bài học quá khứ và quyết tâm cải thiện những gì cần thay đổi.
Sự tạo lập ngôi chùa Phật Quang tại miền nam Cali không còn là một công trình xây chùa bình thường mà là một khẳng định rõ về nguyên tắc chung, tinh thần chung và trách nhiệm chung của Văn Phòng II Viện Hoá Đạo và Phật tử Việt Nam khắp năm châu.
Con số tuần nầy
Chiều chủ nhật vừa qua cùng lúc Văn Phòng II nhận hai khoản tiền cúng dường. Đầu tiên là 2000 Mỹ kim do Phật tử từ Việt Nam cúng dường và do HT Thích Nguyên Lý chuyển giao. Số tiền thứ hai 50,000 Mỹ kim của một Phật tử ẩn danh ở Houston cúng dường. Hai con số rất sai biệt nhưng khó so sánh giá trị. Tất cả là ở tấm lòng và đều mang ý nghĩa quan trọng. Một Phật tử tại Pháp gởi cho mượn 10,000 Euro với một bức thư ngắn cảm động. Một ngôi chùa ở miền đông bắc Hoa Kỳ không có trong danh sách liên lạc của Giáo Hội đứng ra vận động gởi về số tiền 4750 Mỹ kim. Một gia đình Phật tử ở Montreal, Canada đứng ra vận động người thân gởi về cúng dường 1200 Gia kim. Và nhiều nơi nữa. Tất cả không vì quen biết cá nhân mà vì giáo hội, vì ngôi chùa chung.
Chúng ta còn một quãng đường dài để đi. Nhưng cần nhắc nhở nhau rằng nếu có một cố gắng nào đó vượt ngoài sự vị kỷ cá nhân và nói lên được tinh thần trách chung với đạo với đời thì đây là cơ hội để thể hiện. Nguyện cầu những tấm lòng cao đẹp của Phật tử bốn phương sẽ là nhân tố chính để ngôi chùa chung của Giáo Hội được sớm hoàn thành.
Dallas 2.10.2014
Tỳ kheo Thích Giác Đẳng