Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
TÀI THÍ VÀ PHÁP THÍ

(XCVIII) (Tik. V, 9) (It. 98)

Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai sự phân phát này: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Ðây là phân phát tối thượng trong hai loại phân phát này, tức là phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhiêu ích tối thượng trong hai loại nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp.


Ðiều được gọi bố thí,
Thù thắng và vô thượng,
Và sự phân phát nào,
Ðược Thế Tôn tán thán,
Với tâm tư tín thành,
Trong ruộng phước tối thượng,
Bậc trí rõ biết vậy,
Ai lại không cúng dường,
Ai làm được cả hai,
Nói lên và lắng nghe,
Với tâm tư tịnh tín,
Trong lời dạy Thiện Thệ,
Lợi ích ấy của họ,
Là tối thắng thanh tịnh,
Những ai không phóng dật,
Trong lời dạy Thiện Thệ
.

Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
CŨNG CÓ NGƯỜI HOÀN HẢO

(XCVII) (Tik. V,8) (It. 96)

Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật này là vị toàn hảo.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là Giới tốt lành? Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có giới tốt lành.

Và thế nào là có Pháp tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập Bảy pháp giác chi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị có pháp tốt lành. Như vậy là giới tốt lành và pháp tốt lành.

Và thế nào là Tuệ tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có tuệ tốt lành.

Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật là vị toàn hảo.


Ai với thân, với lời,
Với ý, không làm ác,
Vị ấy giới tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Có được lòng xấu hổ,
Ai, pháp khéo tu tập,
Những pháp giúp đạt đến,
Chứng được quả Bồ-đề,
Vị ấy pháp tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có dục trào ra.
Ai quán tri đau khổ,
Ở đây, diệt trừ khổ,
Vị ấy tuệ tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ những pháp ấy,
Thoát khỏi sự phiền muộn
Chặt đứt mọi nghi ngờ,
Không luyến ái tham đắm
Mọi sự vật ở đời,
Vị ấy được xưng gọi
Vị đoạn tận tất cả.

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014


Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
SIÊU ĐOẠ



(XCVI) (Tik. V, 7) (It. 95)

Này các Tỷ-kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các Tỷ-kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng Bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc.

Những ai bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của dục,
Bởi trói buộc của hữu,
Bởi trói buộc cả hai,
Chúng sanh ấy đi đến,
Luân chuyển trong luân hồi,
Họ đi đến sanh tử.
Những ai đoạn tận dục,
Nhưng chưa đạt thành được,
Sự diệt tận lậu hoặc,
Họ còn bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của hữu,
Họ được gọi Bất lai.
Những ai chặt đứt được,
Mọi nghi hoặc phân vân,
Ðoạn tận được kiêu mạn,
Ðoạn tận được tái sanh,
Chắc chắn trong đời này,
Họ đi đến bờ kia,
Vì họ đã đạt tới,
Sự đoạn diệt lậu hoặc.

 ĐẠI HỌC HÈ PHẬT GIÁO 2014


Bạn có bao giờ nghe đến ĐẠI HỌC HÈ PHẬT GIÁO ?

Đại Học Hè là một sinh hoạt học hỏi, trao đổi rất phổ biến tại nhiều quốc gia Âu Mỹ. Tận dụng kỳ nghĩ hè người ta tổ chức một cuộc hợp mặt trong nhiều ngày để học một số môn hoặc kỹ năng nào đó như chụp ảnh, dã ngoại …v.v. Ở tại Hoa Kỳ chương trình nầy thường được tổ chức bởi những tôn giáo hay đại học cộng đồng (community college). Rất nhiều người nghe từ “đại học” thấy dị ứng vì nghĩ rằng là chương trình giảng dạy chuyên ngành rất cao. Thật ra chữ đại học ở đây chỉ cho tinh thần tự học với sự giúp đở của những giảng sư thay vì sự giảng dạy trường lớp có tính “nhồi nhét”. Chính vì thế người tham dự không cần phải có bằng cấp hay trình độ nào đó. Học cắm hoa Ikebana chẳng hạn. Bạn không phải có bằng tú tài để học hỏi sở thích đó.

Tuy nhiên cần có một trình độ nào đó để dễ tiếp cận với Giáo lý của Đạo Phật trong vấn đề Giác ngộ bản thân và Cứu khổ người đồng loại, hoặc tiếp cận với các kỹ năng hiện đại của thế giới trên phương diện truyền thông, hoằng pháp hay trao truyền kiến thức về văn hóa, xã hội, lịch sử, khoa học, v.v…

Những môn học gồm có những gì ?

Tất nhiên Đại học Hè Phật giáo không thể thiếu Phật Pháp. Đặc biệt trong sinh hoạt của GHPGVNTN mọi người có cơ hội tìm hiểu cả hai truyền thống giáo lý Bắc Tông và Nam Tông. 

Bên cạnh việc học là việc tu. Chương trình thiền tập giới thiệu một số phương thức tu tập thiền quán. 

Giáo Hội cũng tạo cơ hội cho người tham dự tìm hiểu về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất qua hiến chương, cơ cấu tổ chức, lịch sử giáo hội, các nhân vật tiêu biểu và công cuộc Giải trừ quốc nạn, pháp nạn.

Truyền thông và vận động quốc tế là một ngành được chú trọng trong sinh hoạt giáo hội. Những hướng dẫn mang tính thực hành cụ thể giúp học viên có cơ hội làm quen và thực tập.

Nghi lễ là một lãnh vực cần sự hiểu biết và áp dụng thích hợp. Nghi thức cả hai truyền thống Nam và Bắc Tông đều được hướng dẫn.

Một số những kỹ năng như điều hành một tổ chức bất vụ lợi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sinh hoạt Gia Đình Phật tử, những gì nguời muốn đi tu cần biết, hành hương, tổ chức lễ hội cũng là một phần của chương trình giảng dạy.

Điều kiện nhập học ra sao ?

Ai cũng có thể tham dự. Quan trọng là bạn cảm thấy thích thú và muốn tìm hiểu.

Tiện nghi ăn ở, sinh hoạt thế nào ?

Chùa Pháp Luân tại thành phố Houston, tiểu bang Texas có giảng đường, chánh điện, thư viện và chỗ cư trú cho 65 học viên. Số còn lại có thể ở tại khách sạn. 

Thư viện tham khảo gồm có những gì ?

13 ngàn quyền sách trong thư viện chùa, tủ kinh Budsas, Access to Insight, 2000 ebook tiếng Việt, 25 văn kiện quan trọng của GHPGVNTN

Lệ phí ra sao ?

250 Mỹ kim mỗi người cho trọn tuần lễ

Đại Học Hè Phật Giáo được tổ chức lúc nào ? ở đâu ?

Thời gian : Từ 30-6-2014 tới 6-7-2014

Địa điểm : Chùa Pháp Luân 1391 South Post Oak Rd Houston TX 77045 USA

Ghi danh bằng cách nào

Xin điền đơn sau đây và gửi về địa chỉ Chùa Pháp Luân :

Form Đại Học Hè



Chương trình giảng dạy gồm có :

Giáo lý Bắc tông : Pháp môn Tịnh độ / Thế hiện Đại Bi tâm hay Bồ tát Hạnh / Con đường nhập thế hay Kinh Duy Ma Cật / Tư tưởng Bát Nhã hay Tính Không / Pháp môn Đốn Ngộ hay Pháp Bảo Đàn kinh.

Giáo lý Nam tông : Kinh Kalama hay Tuyên ngôn Tự do tư tưởng / Kinh Chuyển Pháp luân hay Tinh thần thực tiễn / Kinh Dấu hiệu Cát tường hay Hạnh phúc chân thật / Kinh Tứ Niệm xứ hay Sống tỉnh thức / Kinh Căn bản Pháp môn hay Chánh trí Giải thóat.

Thiền tập : Từ bi quán, Niệm hơi thở, Niệm oai nghi, Kinh hành, Quán tưởng.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam : Từ Khởi nguyên đến hiện đại / Những dấu mốc quan trọng trong lịch sử / Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) / Cơ cấu tổ chức GHPGVNTN / Các nhân vật GHPGVNTN / Công cuộc vận động Giải trừ quốc nạn và pháp nạn.

Truyền thông và Vận động quốc tế : Vận động công luận qua truyền thông / Vận động quốc tế qua các Trung tâm quyền lực thế giới, Quốc Hội, Chính Phủ, LHQ / Dịch thuật Anh Việt các thuật ngữ và trong sinh hoạt Phật giáo / Liên lạc qua Internet / Hướng dẫn các chương trình Vi tính cần thiết / Thiết lập các Trang nhà, Twitter, Facebook, Viber v.v…

Nghi lễ Phật giáo : Sử dụng chuông mõ, Thờ phượng và lễ bái, Tán tụng, Kinh văn các khóa lễ, Học kinh Phạn ngữ, 

Kỹ năng sinh hoạt : Điều hành một tổ chức bất vụ lợi (Non profit Org.) tại Hoa Kỳ , Sinh hoạt Gia Đình Phật tử, Tổ chức một Đại lễ tại chùa, Để trở thành một tu sĩ Phật giáo, Hành hương.

Văn Nghệ : Cách tổ chức một tờ báo và viết báo, Sinh hoạt Văn nghệ.


Hết lòng mong mỏi các bạn trẻ và các Huynh trưởng cùng Đoàn sinh Gia Đình Phật tử tham dự đông đảo, và các Học viên tham dự Năm học thứ 2 năm 2012 trước kia trở về tham dự khóa học mới.

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
BA ĐỐI TƯỢNG ĐAM MÊ


(XCV) (Tik. V, 6) (It. 94)

Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi của dục. Thế nào là ba? Dục đối với sự vật hiện tại, sự thích thú đối với sự vật mình tạo ra, sự chấp nhận sự vật do người khác tạo ra. Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi này của dục.

Những ai có lòng dục,
Ðối sự vật hiện tại,
Và các loại chư Thiên,
Chi phối các sự vật
Do người khác tạo ra,
Chư thiên ưa thích thú,
Ðối sự vật mình tạo,
Cùng các chúng sanh khác,
Thọ dụng các loại dục.
Thái độ người Hiền trí,
Ðối thọ dụng các dục,
Trong đời này đời khác,
Từ bỏ tất cả dục,
Dầu thuộc về chư Thiên
Và dục thuộc loài Người.
Những ai được chặt đứt
Dòng nước khó vượt qua,
Sự say đắm sự vật,
Thân ái và tốt đẹp,
Họ làm cho lắng dịu,
Không có vật dư thừa,
Họ vượt qua đau khổ,
Không còn chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy.
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí.
Do họ thắng tri được
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.
Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
RỜI XA ĐIÊN ĐẢO VỌNG TƯỞNG

(XCIV) (Tik. V, 5) (It. 93)

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào, như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không chấp thủ, không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh khởi, sự tập khởi của khổ về sanh gìa, chết, trong tương lai.

Tỷ-kheo đã đoạn tận,
Cả bảy loại trói buộc,
Ðã chấm dứt sợi dây,
Vòng sanh tử luân chuyển,
Ðã đoạn tận chặn đứng,
Vị ấy không tái sanh.

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
THIÊU ĐỐT THẾ GIAN


(XCIII) (Tik. V, 4) (It. 92)

Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này. Thế nào là ba? Lửa tham, lửa sân, lửa si. Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này.

Lửa tham đốt cháy người,
Say mê trong các dục,
Còn lửa sân đốt cháy,
Những người có sân hận,
Những người giết, sát hại,
Các loại có sanh mạng.
Còn lửa si đốt cháy,
Những kẻ bị mê muội,
Những kẻ không tinh luyện,
Trong giáo pháp bậc Thánh,
Do không được biết rõ
Các loại lửa như vậy,
Nên loài Người ưa thích,
Vui thích với có thân.
Họ làm cảnh dịa ngục,
Ðược lớn mạnh tăng trưởng,
Kể cả giới bàng sanh,
Chỗ sanh xứ súc vật,
Cùng với A-tu-la,
Với cảnh giới quỷ đói,
Họ không được thoát khỏi,
Trói buộc của Ác ma.
Nhưng ai ngày và đêm,
Chú tâm vào, chuyên học,
Học những lời giảng dạy,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Họ làm cho lắng dịu
Ngọn lửa của lòng tham,
Luôn luôn ý thức được,
Tánh bất tịnh sự vật.
Với lòng thương, từ mẫn,
Những hạng người tối thượng,
Làm lắng dịu, chỉ tịnh,
Ngọn lửa của sân hận.
Còn ngọn lửa si mê,
Với trí tuệ dập tắt,
Trí tuệ này đưa đến
Thể nhập vào chân lý,
Bậc thận trọng sáng suốt,
Ngày đêm làm lắng dịu
Các loại lửa như vậy,
Không có biết mệt mỏi,
Họ làm cho lắng dịu,
Không một chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy,
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí
Do họ thắng tri được,
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.

Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
GẦN PHẬT XA PHẬT



(XCII) (Tik. V, 3) (It. 90)
Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo nắm lấy viền áo Tăng-già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao?

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên không thấy Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống xa đến một trăm do-tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta.

Nếu có thể bước theo,
Nhưng nhiều dục bực phiền.
Hãy xem người như vậy,
Thật là xa, rất xa,
Xa giữa người ái dục
Và người không ái dục,
Xa giữa người lắng dịu
Và người không lắng dịu,
Xa giữa người tham ái
Và người đã trừ ái.
Sau khi thắng tri Pháp,
Bậc Hiền trí biết Pháp,
Như ao không gió thổi,
Không dao động, tịnh chỉ.
Hãy xem người như vậy,
Thật là gần, rất gần,
Gần giữa người không ái,
Và người không có ái,
Gần giữa người lắng dịu,
Và người được lắng dịu,
Gần giữa người không tham,
Và người trừ tham ái.

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
 TỰ MÌNH PHẢN BỘI CHÍNH MÌNH


(XCI) (Tik. V, 2) (It. 89)

Này các Tỷ-kheo, nghĩa này là nghề tận cùng trong các nghề nuôi sống, tức là đi bát khất thực; Này các Tỷ-kheo, danh từ nhiếc mắng ở trong đời là nói rằng: "Ông là kẻ đi bát, với bát cầm tay, ông đi khắp mọi nơi". Tuy vậy chính nghề nuôi sống này được các thiện gia nam tử chấp nhận, những người sống vì lý tưởng, vì duyên sống với lý tưởng, không bị thúc đẩy làm nghề ấy vì sợ vua, vì sợ ăn trộm, vì mắc nợ, vì sợ hãi, không phải vì mất nghề nuôi sống; nhưng vì nghĩ rằng: "Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị khổ tràn đầy, bị khổ chinh phục. Rất có thể, một số phương pháp chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này có thể trình bày".

Này các Tỷ-kheo, thiện nam tử này xuất gia như vậy, tham ái trong các dục, với lòng tham sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại. Này các Tỷ-kheo, như một que lửa lấy từ chỗ thiêu xác, cả hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa lại lắm phân, không hoàn thành được mục đích làm que củi ở trong làng hay ở trong rừng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói người này như ví dụ như vậy, dầu cho bỏ tài sản gia đình nhưng không làm viên mãn mục đích Sa-môn hạnh.

Tài sản ở gia đình,
Ðược đoạn tận từ bỏ,
Nhưng khó dự phần được,
Mục đích Sa-môn hạnh,
Tự đưa đến tổn hại,
Và đưa đến tán loạn,
Giống que lửa thiêu xác,
Ði đến chỗ hoại vong.
Tốt hơn nuốt hòn sắt,
Chảy đỏ, một cục lửa,
Nếu kẻ hành ác giới,
Ăn đồ ăn quốc độ,
Không biết có chế ngự.

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Học Lời Phật Dạy theo Kinh Như Thị Thuyết (Itivuttaka)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
NGƯỜI TỐI THƯỢNG, PHÁP TỐI THƯỢNG, HỘI CHÚNG TỐI THƯỢNG

(XC) (Tik. V, 1) (It. 87)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
 
Này các Tỷ-kheo, có ba tín thành tối thượng này. Thế nào là ba?
 
Này các Tỷ-kheo, so sánh các chúng sanh, không chân, hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không có sắc, có tưởng, không có tưởng, hay không có tưởng không không có tưởng. Như Lai được xem là tối thượng đối với chúng, tức là bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tin thành với đức Phật, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
 
Này các Tỷ-kheo, so sánh các pháp hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng đối với họ, tức là kiêu mạn bị nhiếp phục, khát ái bị chế ngự, chấp nhận được nhổ lên, lưu chuyển bị cắt đứt, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi ly tham, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng; với những ai có lòng tin nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
 
Này các Tỷ-kheo, so sánh Tăng chúng hay hội chúng, Tăng chúng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi Tăng chúng, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, này các Tỷ-kheo có ba quả dị thục là quả tối thượng.
 
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.
 
Những ai có lòng tin,
Lòng tín nơi tối thượng,
Chính là sự rõ biết,
Biết Chánh pháp tối thượng.
Những ai có lòng tin,
Nơi đức Phật tối thượng,
Bậc Vô thượng xứng đáng,
Xứng đáng được cúng dường.
Những ai có lòng tin,
Nơi Chánh pháp tối thượng,
Những pháp rời bỏ tham,
An tịnh, thật tịnh lạc.
Những ai có lòng tin,
Nơi Tăng chúng tối thượng.
Những ruộng phước công đức,
Vô thượng không gì hơn.
Những ai đã bố thí,
Với đối tượng tối thượng,
Công đức được tăng trưởng,
Tăng trưởng đến tối thượng.
Thọ mạng được tối thượng,
Dung sắc cũng tối thượng,
Danh vọng, tiếng đồn tốt,
An lạc và sức mạnh.
Bậc trí có bố thí,
Bố thí vị tối thượng,
Vị định tĩnh, thiền định,
Trong Chánh pháp tối thượng,
Chư Thiên hay loài Người,
Ðạt được sự tối thượng,
Họ sung sướng hân hoan.
 
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.