Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014


III. PHẨM ĐẤT
1. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA ĐẤT

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của đất nên được hành trì,’ năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”

“Tâu đại vương, giống như đất là khi có kẻ đang vung vãi các vật được ưa thích hay không được ưa thích như là long não, gỗ tagara, gỗ trầm hương, nghệ, v.v... cũng như đang vung vãi mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, phân, v.v... thì cũng y như thế ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập trong mọi trường hợp về các việc được ưa thích hay không được ưa thích như là về có lợi lộc và không có lợi lộc, về có danh tiếng và không có danh tiếng, về chê trách và khen ngợi, về an lạc và khổ đau thì cũng nên là y như thế ấy. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của đất nên được hành trì.

2. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, đất lánh xa việc trang điểm, trang sức, và được bao phủ bằng mùi hương của chính nó. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên lánh xa việc trang sức, nên bao phủ bằng mùi hương giới hạnh của chính mình. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của đất nên được hành trì.

3. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, đất không có khoảng trống, không có chỗ nứt, không có lỗ hổng, dày, đặc, được trải rộng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có giới không có khoảng trống, không có mảnh bể, không có chỗ nứt, không có lỗ hổng, dày, đặc, được trải rộng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của đất nên được hành trì.

4. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, đất là không mệt nhọc trong khi nâng đỡ làng mạc, thị trấn, thành phố, xứ sở, cây cối, núi, sông, ao, hồ, thú rừng, chim, con người, đàn ông, đàn bà, tập thể. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập là không mệt nhọc trong những việc thuyết giảng Giáo Pháp, trong khi giáo giới, trong khi giáo hóa, trong khi giải thích, trong khi chỉ dạy, trong khi thức tỉnh, trong khi khuyến khích, trong khi tạo niềm phấn khởi. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của đất nên được hành trì.

5. Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, đất được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống với tâm ý tương tợ như trái đất, là được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của đất nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được nữ cư sĩ Cullasubhaddā nói đến trong lúc công bố về pháp Sa-môn của mình:

‘Với tâm ý bị nổi giận, nếu một tay có lưỡi búa thì có thể chém; khi được vui thích, nếu một tay có vật thơm thì có thể bôi thoa.

Không có sự ghét bỏ ở người ấy, thì sự luyến ái ở người này không được biết đến, những tâm ấy tương tợ như đất, các pháp Sa-môn của tôi là tương tợ như thế.’”