Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014
1. VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA LOÀI MỐI
“Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của loài mối nên được hành trì,’
một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như loài mối sau khi thực hiện mái che ở phía trên và canh giữ bản thân,
rồi di chuyển ở khu vực kiếm ăn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả
thiết tha tu tập sau khi thực hiện mái che là sự thu thúc về giới và canh giữ
tâm ý, rồi nên đi khất thực. Tâu đại vương, với mái che là sự thu thúc về giới,
vị hành giả thiết tha tu tập vượt qua tất cả sợ hãi. Tâu đại vương, điều này là
một tính chất của loài mối nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được
trưởng lão Upasena Vaṅgantaputta nói đến:
‘Vị hành giả,
sau khi làm cho tâm có mái che là sự thu thúc về giới, không bị lấm lem bởi thế
gian, và hoàn toàn thoát khỏi sự sợ hãi.’”
Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014
10.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA VỊ CHUYỂN LUÂN
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Bốn tính chất của vị Chuyển Luân nên được hành
trì,’ bốn tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như vị Chuyển Luân thu phục người bằng bốn việc thu phục. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thu phục, nên hỗ trợ, nên
làm hài lòng tâm của bốn tập thể.[12] Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ
nhất của vị Chuyển Luân nên được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, bọn trộm cướp không nổi dậy ở trong lãnh địa của vị
Chuyển Luân. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập
không nên để cho các ý nghĩ suy tầm về ái dục, oán hận, và hãm hại sanh khởi.
Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của vị Chuyển Luân nên được hành
trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị
Trời, nói đến:
‘Và người nào
thích thú trong sự yên tịnh của tư duy, tu tập về đề mục tử thi, luôn luôn có
niệm, quả vậy người ấy sẽ thủ tiêu, người ấy sẽ cắt đứt sự trói buộc của Ma
Vương.’
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, vị Chuyển Luân ngày ngày di chuyển dọc theo đại địa
cầu được bao bọc bởi biển cả, trong khi xem xét các việc thiện ác. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập ngày ngày nên quán xét
hành động của thân, hành động của khẩu, và hành động của ý rằng: ‘Có phải ngày
trôi qua mà ta sẽ không có lỗi lầm do ba chỗ (thân, khẩu, ý)?’ Tâu đại vương,
điều này là tính chất thứ ba của vị Chuyển Luân nên được hành trì. Tâu đại
vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến
ở Tăng Chi Bộ quý giá:
‘Bậc xuất gia
nên thường xuyên quán xét rằng: Ta đã như thế nào khi ngày và đêm trôi qua?’
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, vị Chuyển Luân có sự bảo vệ bên trong và bên ngoài
khéo được bố trí. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập
nên thiết lập người gác cổng là niệm nhằm sự bảo vệ đối với các phiền não bên
trong và bên ngoài. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của vị Chuyển
Luân nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời
vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Này các tỳ
khưu, có người gác cổng là niệm, vị Thánh đệ tử dứt bỏ bất thiện, phát triển
thiện, dứt bỏ điều lầm lỗi, phát triển điều không lầm lỗi, gìn giữ bản thân
trong sạch.’”
Thứ Ba, 28 tháng 1, 2014
9.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA VỊ SAKKA
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của vị Sakka[11] nên được hành
trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như vị Sakka đạt được sự an lạc toàn diện. Tâu đại vương, tương tợ y như
thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thích thú với sự an lạc toàn diện của cuộc
sống tách biệt. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của vị Sakka nên
được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, vị Sakka sau khi nhìn thấy chư Thiên thì tiếp đón
và tạo ra niềm vui (cho họ). Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết
tha tu tập nên tiếp đón cái tâm ý không trì trệ, không thụ động, được an tịnh ở
các thiện pháp, nên tạo ra niềm vui, nên khơi dậy, nên gắng sức, nên nỗ lực.
Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của vị Sakka nên được hành trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, sự bất mãn không sanh khởi ở vị Sakka. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, ở căn nhà trống vắng,
không nên làm sanh khởi sự bất mãn. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba
của vị Sakka nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão
Subhūti nói đến:
‘Bạch đấng Đại
Hùng, kể từ khi con đã được xuất gia trong Giáo Pháp của Ngài, con biết chắc chắn
là không có ý nghĩ nào có liên hệ đến dục lạc đã được sanh khởi.’”
Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014
8.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA MẶT TRỜI
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Bảy tính chất của mặt trời nên được hành trì,’
bảy tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như mặt trời khiến cho tất cả nước khô kiệt. Tâu đại vương, tương tợ y
như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên làm cho tất cả phiền não khô kiệt,
không còn dư sót. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của mặt trời
nên được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trời tiêu diệt bóng đêm. Tâu đại vương, tương
tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên tiêu diệt tất cả sự tối tăm của
ái luyến, sự tối tăm của sân hận, sự tối tăm của si mê, sự tối tăm của ngã mạn,
sự tối tăm của tà kiến, sự tối tăm của phiền não, tất cả sự tối tăm của các ác
hạnh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của mặt trời nên được hành
trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trời di chuyển một cách liên tục. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thực hiện sự tác ý
đúng đường lối một cách liên tục. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của
mặt trời nên được hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trời có vòng hoa ánh sáng. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có vòng hoa là các đối tượng
(của đề mục thiền). Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của mặt trời
nên được hành trì.
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trời di chuyển, trong khi sưởi ấm đám đông dân
chúng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sưởi ấm
thế gian luôn cả chư Thiên bằng tánh hạnh, giới đức, phận sự, và pháp hành, bằng
các thiền, các sự giải thoát, các tầng định, các sự chứng đạt, các quyền, các lực,
các chi phần đưa đến giác ngộ, các sự thiết lập niệm, các chánh tinh tấn, và
các nền tảng của thần thông. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của mặt
trời nên được hành trì.
6. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trời di chuyển, bị lo sợ vì nỗi sợ hãi thần
Rāhu (hiện tượng nhật thực). Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết
tha tu tập nên nhìn thấy các chúng sanh bị vướng víu vào các nết hạnh xấu xa,
khổ cảnh, sự thành tựu của nghiệp không giống nhau và khó tránh né, đọa xứ, và
mạng lưới phiền não, bị trói buộc vào sự chằng chịt của tà kiến, bị rơi vào đường
lối sai trái, đang thực hành đạo lộ xấu xa, và nên làm cho tâm ý bị kinh động với
nỗi kinh động và sợ hãi lớn lao. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ sáu của
mặt trời nên được hành trì.
7. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trời giúp cho nhìn thấy các sự việc tốt đẹp và
xấu xa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên giúp
cho nhìn thấy các quyền, các lực, các chi phần đưa đến giác ngộ, các sự thiết lập
niệm, các chánh tinh tấn, các nền tảng của thần thông, các pháp thuộc thế gian
và xuất thế gian. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ bảy của mặt trời nên
được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Vaṅgasa nói đến:
‘Cũng giống như
mặt trời, trong khi mọc lên, giúp cho nhìn thấy dáng vóc của các loài sinh vật,
sự trong sạch và luôn cả sự không trong sạch, sự tốt đẹp và luôn cả sự xấu xa.
Tương tợ như thế,
vị tỳ khưu có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, giống như mặt trời đang mọc lên, giúp
cho người bị vô minh che lấp nhìn thấy con đường có nhiều lối.’”
Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014
7.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA MẶT TRĂNG
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của mặt trăng nên được hành trì,’
năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như mặt trăng, trong khi mọc lên ở thượng huyền, phát triển thêm dần dần.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên phát triển
thêm dần dần về tánh hạnh, giới đức, phận sự, và pháp hành, về Kinh điển và sự
chứng đắc, về thiền tịnh, về việc thiết lập niệm, về các quyền, về trạng thái
các giác quan được canh phòng, về tính chất biết vừa đủ trong vật thực, về việc
gắn liền với sự tỉnh thức. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của mặt
trăng nên được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trăng có sự nổi bật vĩ đại. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có sự nổi bật vĩ đại về ước
muốn. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của mặt trăng nên được hành
trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trăng di chuyển vào ban đêm. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên ẩn dật. Tâu đại vương, điều
này là tính chất thứ ba của mặt trăng nên được hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trăng có cung điện là biểu hiện. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có giới là biểu hiện.
Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của mặt trăng nên được hành trì.
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, mặt trăng mọc lên, (là vật) được yêu cầu, được
mong mỏi. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, đã được
yêu cầu, đã được mong mỏi, nên đi đến các gia đình. Tâu đại vương, điều này là
tính chất thứ năm của mặt trăng nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng
đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Tương Ưng Bộ quý
báu:
‘Này các tỳ
khưu, giống như mặt trăng các người hãy đi đến các gia đình, hãy vô cùng dè dặt
về thân, hãy dè dặt về tâm, luôn luôn là người mới ở các gia đình, không được
thô tháo.’”
Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014
6.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA HƯ KHÔNG
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của hư không nên được hành trì,’
năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như hư không là hoàn toàn không thể nắm được. Tâu đại vương, tương tợ y
như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên là hoàn toàn không bị nắm được bởi các
phiền não. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của hư không nên được
hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, hư không được các vị ẩn sĩ, đạo sĩ khổ hạnh, chúng
sanh, và các bầy chim thường lui tới. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành
giả thiết tha tu tập nên để tâm thường lui tới ở các pháp tạo tác (nhận biết rằng):
‘Là vô thường, khổ não, vô ngã.’ Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của
hư không nên được hành trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, hư không sẽ gây ra sự run sợ. Tâu đại vương, tương
tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên làm cho tâm bị kinh động về sự tiếp
nối tái sanh ở tất cả các cõi, không nên tạo ra sự khoái lạc. Tâu đại vương, điều
này là tính chất thứ ba của hư không nên được hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, hư không là vô biên, vô lượng, không thể ước lượng.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên có giới hạnh
vô biên, có trí tuệ vô lượng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của
hư không nên được hành trì.
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, hư không là không dính mắc, không bị bám víu,
không bị dựa dẫm, không bị vướng bận. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành
giả thiết tha tu tập nên là không dính mắc trong mọi trường hợp: về gia đình, đồ
chúng, lợi lộc, chỗ ngụ, sự vướng bận, và tất cả các phiền não, nên là không bị
bám víu, không bị dựa dẫm, không bị vướng bận. Tâu đại vương, điều này là tính
chất thứ năm của hư không nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được
đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến trong khi giáo giới cho
Rāhula, người con trai của mình:
‘Này Rāhula,
cũng giống như hư không không trụ lại ở bất cứ chỗ nào. Này Rahula, tương tợ y
như thế con hãy phát triển sự tu tập tương tợ hư không. Này Rahula, bởi vì đối
với người đang phát triển sự tu tập tương tợ hư không, các xúc làm hài lòng,
làm thích ý đã được sanh đi sanh lại sẽ không chiếm cứ tâm và tồn tại.’”
Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014
5.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNHCỦA NÚI
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của núi nên được hành trì,’ năm
tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như núi không bị dao động, không thể bị lay động, không có sự rúng động.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập về việc kính nể
(hay) không kính nể, tôn vinh (hay) không tôn vinh, cung kính (hay) không cung
kính, có danh tiếng (hay) không có danh tiếng, sự chê trách hay khen ngợi, an lạc
hay khổ đau, được ưa thích hay không được ưa thích, trong mọi trường hợp, không
nên luyến ái ở các vật gây luyến ái là các sắc-thinh-hương-vị-xúc-pháp, không
nên sân ở các vật gây sân, không nên si mê ở các vật gây si mê, không bị lay động,
không bị dao động, tợ như núi là không dao động. Tâu đại vương, điều này là
tính chất thứ nhất của núi nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã
được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[8]
‘Giống như tảng
đá cứng rắn không lay chuyển bởi gió, tương tợ như thế các bậc trí không chao động
giữa những sự chê khen.’
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, núi là cứng rắn, không giao du với bất cứ cái gì.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên cứng cỏi,
không nên giao du, không nên thực hiện việc giao tiếp với bất cứ ai. Tâu đại
vương, điều này là tính chất thứ nhì của núi nên được hành trì. Tâu đại vương,
điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[9]
‘Không gần gũi
với cả hai hạng người tại gia và hạng người xuất gia, không lai vãng các gia
đình, ít ham muốn, ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.’
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, hạt giống không phát triển ở núi. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên để cho các phiền não
phát triển ở tâm của mình. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của núi
nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được trưởng lão Subhūti nói
đến:
‘Khi nào tâm
liên hệ dến ái luyến khởi lên ở tôi, sau khi tự bản thân quán xét, chỉ một mình
tôi thuần hóa nó.
Ngươi bị luyến
ái ở các vật gây luyến ái, bị sân ở các vật gây sân, bị si mê ở các vật gây si
mê, ngươi hãy lìa khỏi khu rừng.
Chỗ trú ngụ này
dành cho các vị đạo sĩ khổ hạnh thanh tịnh, không bị ô nhiễm, ngươi chớ làm ô uế
sự thanh tịnh, ngươi hãy lìa khỏi khu rừng.’
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, núi thì vươn lên cao. Tâu đại vương, tương tợ y
như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên vươn lên cao nhờ vào trí tuệ. Tâu đại
vương, điều này là tính chất thứ tư của núi nên được hành trì. Tâu đại vương,
điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:[10]
‘Vào lúc bậc
sáng trí xua đi sự xao lãng bằng sự không xao lãng, sau khi leo lên tòa lâu đài
trí tuệ, không còn sầu muộn, nhìn xuống đám người bị sầu muộn, tợ như người
sáng suốt đứng ở ngọn núi nhìn xuống những người ngu si đứng ở trên mặt đất.’
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, núi không bị nhô lên không bị lõm xuống. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên thể hiện sự hứng
chí hay nản lòng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của núi nên được
hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được nữ cư sĩ Cullasubhaddā nói đến
trong lúc công bố về pháp Sa-môn của mình:
‘Thế gian hứng
chí vì lợi lộc, nản lòng vì không lợi lộc. Những vị đứng yên một chỗ dầu có lợi
lộc hay không có lợi lộc, những vị như thế ấy là những vị Sa-môn của tôi.’”
Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014
4.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA GIÓ
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của gió nên được hành trì,’ năm
tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như gió thổi vào bên trong cụm rừng đã khéo được trổ hoa. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thích thú ở bên trong khu rừng
các đối tượng (của đề mục thiền) đã được trổ bông hoa cao quý của sự giải
thoát. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của gió nên được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, gió làm lay động các lùm cây cối mọc ở trái đất.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập đã đi vào bên
trong khu rừng và trong khi đang suy xét về các pháp tạo tác thì nên làm lay động
các phiền não. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của gió nên được
hành trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, gió đi lại ở không trung. Tâu đại vương, tương tợ
y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên khiến cho tâm ý hoạt động ở các pháp
vượt trên thế gian. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của gió nên được
hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, gió thưởng thức mùi hương. Tâu đại vương, tương tợ
y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên thưởng thức hương thơm về giới của bản
thân. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của gió nên được hành trì.
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, gió là không chỗ ngụ, không nhà ở. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên được giải thoát ở mọi nơi,
không chỗ ngụ, không nhà ở, không thân thiết. Tâu đại vương, điều này là tính
chất thứ năm của gió nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức
Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở Kinh Tập:
‘Sợ hãi sanh ra
từ sự thân thiết, bụi bặm sanh ra từ nhà ở, không nhà ở không thân thiết, quả
thật điều ấy là quan điểm của bậc hiền trí.’”
Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014
3.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA LỬA
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của lửa nên được hành trì,’ năm
tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như lửa thiêu đốt cỏ, củi, cành, lá. Tâu đại vương, tương tợ y như thế với
vị hành giả thiết tha tu tập, những phiền não nào, ở bên trong hoặc bên ngoài,
do sự tiếp nhận (của giác quan) ở đối tượng được ưa thích hay không được ưa
thích, tất cả các phiền não ấy nên được thiêu đốt bằng ngọn lửa trí tuệ. Tâu đại
vương, điều này là tính chất thứ nhất của lửa nên được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, lửa không có lòng trắc ẩn, không có lòng thương
xót. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên
thể hiện lòng thương xót hay trắc ẩn đối với tất cả các phiền não. Tâu đại
vương, điều này là tính chất thứ nhì của lửa nên được hành trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, lửa hủy diệt sự mát lạnh. Tâu đại vương, tương tợ
y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên làm sanh lên ngọn lửa có sức nóng của
sự tinh tấn rồi nên hủy diệt các phiền não. Tâu đại vương, điều này là tính chất
thứ ba của lửa nên được hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, lửa tạo ra sự nóng nực, và được thoát ra khỏi sự
nuông chiều hay ghét bỏ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết
tha tu tập nên an trú với tâm ý tợ như lửa, được thoát ra khỏi sự nuông chiều
hay ghét bỏ. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của lửa nên được hành
trì.
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, lửa tiêu diệt bóng tối, phô bày ánh sáng. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập sau khi tiêu diệt bóng tối
vô minh rồi nên phô bày ánh sáng của trí tuệ. Tâu đại vương, điều này là tính
chất thứ năm của lửa nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức
Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến trong khi giáo giới cho Rāhula,
người con trai của mình:
‘Này Rāhula,
con hãy phát triển sự tu tập tương tợ lửa. Này Rāhula, bởi vì đối với người
đang phát triển sự tu tập tương tợ lửa thì các pháp bất thiện chưa sanh khởi (sẽ)
không sanh khởi, và các bất thiện pháp đã sanh khởi sẽ không chiếm cứ tâm và tồn
tại.’”
Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014
2.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA NƯỚC
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của nước nên được hành trì,’ năm
tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như nước khéo được ổn định, không bị lay chuyển, không bị khuấy động, được
hoàn toàn trong sạch từ bản thể. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả
thiết tha tu tập nên loại trừ sự gạt gẫm, tán phét, gợi ý, lừa bịp, nên khéo được
ổn định, không bị lay chuyển, không bị khuấy động, được hoàn toàn trong sạch từ
bản thể. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của nước nên được hành
trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, nước là được ổn định với bản thể mát lạnh. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên đầy đủ lòng nhẫn nại,
từ ái, và thương xót, có sự tầm cầu việc lợi ích, nên là người có lòng bi mẫn đối
với tất cả chúng sanh. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của nước
nên được hành trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, nước làm vật không trong sạch trở thành trong sạch.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập dầu là ở làng
hay ở rừng, không nên có sự tranh tụng, không tạo cơ hội, trong mọi trường hợp,
đối với thầy tế độ, đối với thầy dạy học, đối với các vị tương đương thầy dạy học.
Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ ba của nước nên được hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, nước được nhiều người mong mỏi. Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên là vị ít ham muốn, tự biết
đủ, sống tách ly, có sự thiền tịnh, thường xuyên được tất cả thế gian mong mỏi.
Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ tư của nước nên được hành trì.
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, nước không đem lại sự bất lợi cho bất cứ người
nào. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên
làm điều ác bằng thân, khẩu, ý, là nhân gây ra sự xung đột, sự cãi cọ, sự tranh
luận, sự tranh cãi, sự tham thiền bị bỏ bê, sự không thích thú đối với các người
khác. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của nước nên được hành trì.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời,
nói đến ở Bổn Sanh Kaṇha:[7]
‘Này Sakka, vị
chúa tể của tất cả chúng sinh, ngài đã ban cho ta đặc ân. Này Sakka, mong rằng
việc đã làm bởi ta bằng tâm hoặc thân không gây hại đến bất cứ người nào, vào bất
cứ lúc nào. Này Sakka cao quý, điều này là đặc ân.’”
Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014
III.
PHẨM ĐẤT
1.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA ĐẤT
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của đất nên được hành trì,’ năm
tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như đất là khi có kẻ đang vung vãi các vật được ưa thích hay không được
ưa thích như là long não, gỗ tagara, gỗ trầm hương, nghệ, v.v... cũng như đang
vung vãi mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp
xương, nước tiểu, phân, v.v... thì cũng y như thế ấy. Tâu đại vương, tương tợ y
như thế vị hành giả thiết tha tu tập trong mọi trường hợp về các việc được ưa
thích hay không được ưa thích như là về có lợi lộc và không có lợi lộc, về có
danh tiếng và không có danh tiếng, về chê trách và khen ngợi, về an lạc và khổ
đau thì cũng nên là y như thế ấy. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất
của đất nên được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, đất lánh xa việc trang điểm, trang sức, và được
bao phủ bằng mùi hương của chính nó. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành
giả thiết tha tu tập nên lánh xa việc trang sức, nên bao phủ bằng mùi hương giới
hạnh của chính mình. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của đất nên
được hành trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, đất không có khoảng trống, không có chỗ nứt, không
có lỗ hổng, dày, đặc, được trải rộng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành
giả thiết tha tu tập nên có giới không có khoảng trống, không có mảnh bể, không
có chỗ nứt, không có lỗ hổng, dày, đặc, được trải rộng. Tâu đại vương, điều này
là tính chất thứ ba của đất nên được hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, đất là không mệt nhọc trong khi nâng đỡ làng mạc,
thị trấn, thành phố, xứ sở, cây cối, núi, sông, ao, hồ, thú rừng, chim, con người,
đàn ông, đàn bà, tập thể. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết
tha tu tập là không mệt nhọc trong những việc thuyết giảng Giáo Pháp, trong khi
giáo giới, trong khi giáo hóa, trong khi giải thích, trong khi chỉ dạy, trong
khi thức tỉnh, trong khi khuyến khích, trong khi tạo niềm phấn khởi. Tâu đại
vương, điều này là tính chất thứ tư của đất nên được hành trì.
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, đất được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống với tâm
ý tương tợ như trái đất, là được thoát ra khỏi sự nuông chiều hay ghét bỏ. Tâu
đại vương, điều này là tính chất thứ năm của đất nên được hành trì. Tâu đại
vương, điều này cũng đã được nữ cư sĩ Cullasubhaddā nói đến trong lúc công bố về
pháp Sa-môn của mình:
‘Với tâm ý bị nổi
giận, nếu một tay có lưỡi búa thì có thể chém; khi được vui thích, nếu một tay
có vật thơm thì có thể bôi thoa.
Không có sự
ghét bỏ ở người ấy, thì sự luyến ái ở người này không được biết đến, những tâm ấy
tương tợ như đất, các pháp Sa-môn của tôi là tương tợ như thế.’”
Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014
10.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA BIỂN CẢ
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Năm tính chất của biển cả nên được hành trì,’
năm tính chất nên được hành trì ấy là các điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như biển cả không sống chung với xác chết. Tâu đại vương, tương tợ y như
thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên sống chung với luyến ái, sân hận, si
mê, ngã mạn, tà kiến, gièm pha, thù oán, ganh tỵ, bỏn xẻn, gian trá, xảo quyệt,
lừa đảo, không hài hòa, hạnh kiểm xấu, và các bợn nhơ phiền não. Tâu đại vương,
điều này là tính chất thứ nhất của biển cả nên được hành trì.
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa, biển cả, trong khi cất giữ sự tích lũy nhiều loại
châu báu là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, pha-lê, bạc,
vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo, thì che đậy lại, không vung vãi ở bên ngoài.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập, sau khi chứng đắc
nhiều loại châu báu đức hạnh là Đạo, Quả, thiền, sự Giải Thoát, định và sự chứng
đạt, Minh Sát và sáu Thắng Trí thì nên che giấu, không nên đưa ra bên ngoài.
Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của biển cả nên được hành trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa biển cả sống chung với các chúng sanh to lớn vĩ đại.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên sống nương tựa
vào vị đồng Phạm hạnh, là người bạn tốt lành, ít ham muốn, tự biết đủ, nói về
pháp từ khước, có lối sống giảm thiểu, hội đủ tánh hạnh, có liêm sỉ, khéo cư xử,
đáng kính, đáng trọng, vị tuyên thuyết, có sự nhẫn nại với lời nói, vị la rầy,
có sự chê trách điều xấu, vị giáo giới, vị giáo hóa, vị giải thích, vị chỉ dạy,
vị thức tỉnh, vị khuyến khích, vị tạo niềm phấn khởi. Tâu đại vương, điều này
là tính chất thứ ba của biển cả nên được hành trì.
4. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa biển cả mặc dầu được làm đầy bởi trăm ngàn con sông
như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī, v.v... chứa đựng nước nguồn, và
bởi các cơn mưa ở không trung, cũng không tràn qua khỏi bờ của nó. Tâu đại
vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên thực hiện việc
vi phạm các điều học một cách cố ý vì lý do lợi lộc, tôn vinh, danh tiếng, đảnh
lễ, kính nể, cúng dường, thậm chí có nguyên nhân là mạng sống. Tâu đại vương,
điều này là tính chất thứ tư của biển cả nên được hành trì. Tâu đại vương, điều
này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến:
‘Này Pahārāda,
cũng giống như đại dương có pháp bền vững không tràn qua khỏi bờ, này Pahārāda,
tương tợ y như thế điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử, các đệ tử của
Ta, dầu có nguyên nhân là mạng sống, cũng không vi phạm điều ấy.’
5. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa biển cả không bị tràn đầy bởi tất cả các dòng sông
Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī, và bởi các cơn mưa ở không trung. Tâu
đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập không nên được thỏa
mãn với việc đọc tụng, việc vấn hỏi, việc nghe, việc xác định, việc nhận thức,
việc đã được chuyên sâu về Luật và Vi Diệu Pháp, việc tranh luận về Kinh, sự
quy định từ, sự liên kết từ, sự phân tích từ, và Giáo Pháp cao quý của đấng Chiến
Thắng gồm chín thể loại. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ năm của biển
cả nên được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời
vượt trội các vị Trời, nói đến ở Bổn Sanh Sutasoma:[6]
‘Giống như ngọn
lửa đang thiêu đốt cỏ và củi, hoặc là biển cả không được thỏa mãn với những
dòng sông, này vị vua hạng nhất, y theo như vậy những bậc sáng trí này, sau khi
lắng nghe, không được thỏa mãn với điều đã được khéo nói.’”
Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014
9.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG
“Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Một tính chất của người làm công nên được hành
trì,’ một tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như người làm công suy nghĩ như vầy: ‘Là người làm thuê, ta làm công việc
ở chiếc thuyền này, nhờ vào chiếc thuyền này mà ta đạt được thức ăn và tiền
công, ta không nên tạo ra sự xao lãng, chiếc thuyền này sẽ được chuyển vận nhờ
vào ta có sự không xao lãng.’
Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên suy nghĩ như vầy: ‘Trong
khi quán sát về thân tứ đại này, ta thường xuyên, liên tục không xao lãng, có
niệm được thiết lập, có niệm, có sự nhận biết rõ, được định tĩnh, có tâm chuyên
nhất, ta nên thực hiện sự không xao lãng (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ được hoàn toàn tự
do đối với các sự sanh-già-bệnh-chết-sầu-bi-khổ-ưu-não.’ Tâu đại vương, điều
này là một tính chất của người làm công nên được hành trì. Tâu đại vương, điều
này cũng đã được trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, nói đến:
‘Ngươi hãy quán
sát về thân này, hãy biết toàn diện (về nó) lần này lần khác. Sau khi nhìn thấy
bản thể thật ở thân, ngươi sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ đau.’”
Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014
8.
VÍ DỤ VỀ ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI THUYỀN TRƯỞNG
1. “Thưa ngài
Nāgasena, điều mà ngài nói là: ‘Ba tính chất của người thuyền trưởng nên được
hành trì,’ ba tính chất nên được hành trì ấy là điều nào?”
“Tâu đại vương,
giống như người thuyền trưởng, ngày đêm, thường xuyên, liên tục, không xao
lãng, gắng sức, ra sức, điều khiển con tàu di chuyển. Tâu đại vương, tương tợ y
như thế vị hành giả thiết tha tu tập, trong khi kiểm soát tâm, nên kiểm soát
tâm bằng sự tác ý đúng đường lối, ngày đêm, thường xuyên, liên tục, không xao
lãng. Tâu đại vương, điều này là tính chất thứ nhất của người thuyền trưởng nên
được hành trì. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt
trội các vị Trời, nói đến ở Pháp Cú:[5]
‘Các ngươi hãy
thích thú trong sự không phóng dật, hãy phòng hộ tâm của mình, hãy đưa bản thân
ra khỏi chốn khổ đau, tợ như con voi bị vướng trong vũng bùn (cố gắng lê thân
ra khỏi bãi lầy).’
2. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa đối với người thuyền trưởng bất cứ việc gì ở biển cả
là tốt hay là xấu, tất cả các điều ấy đều được biết đến. Tâu đại vương, tương tợ
y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên nhận biết thiện hay bất thiện, có tội
lỗi hay không tội lỗi, hạ liệt hay cao quý, tối hay sáng hay có sự xen lẫn. Tâu
đại vương, điều này là tính chất thứ nhì của người thuyền trưởng nên được hành
trì.
3. Tâu đại
vương, còn có điều khác nữa người thuyền trưởng đánh dấu ở bộ phận điều khiển
(nói rằng): ‘Chớ có người nào chạm đến bộ phận điều khiển.’ Tâu đại vương,
tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên làm dấu ấn về sự thu thúc ở
tâm rằng: ‘Chớ suy tư về bất cứ suy tư nào ác và bất thiện.’ Tâu đại vương, điều
này là tính chất thứ ba của người thuyền trưởng nên được hành trì. Tâu đại
vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến
ở Tương Ưng Bộ cao quý:
‘Này các tỳ
khưu, các ngươi chớ suy tư về các điều suy tư ác và bất thiện, như là sự suy tư
về ái dục, sự suy tư về oán hận, sự suy tư về hãm hại.’”
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)