Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013


NIẾT BÀN KHÔNG DO DUYÊN TẠO THÀNH

1. “Thưa ngài Nāgasena, các vật sanh ra do nghiệp được thấy ở thế gian, sanh ra do nhân được thấy, sanh ra do mùa tiết được thấy. Ở thế gian vật gì không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết, xin ngài hãy nói về vật ấy cho trẫm.”

“Tâu đại vương, ở thế gian hai vật này không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Hai vật nào? Tâu đại vương, hư không không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Tâu đại vương, Niết Bàn không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Tâu đại vương, đây là hai vật không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết.”

“Thưa ngài Nāgasena, xin ngài chớ bôi nhọ lời dạy của đấng Chiến Thắng. Không biết thì xin ngài chớ trả lời câu hỏi.”

“Tâu đại vương, tôi nói điều gì mà đại vương lại nói với tôi như vầy: ‘Thưa ngài Nāgasena, xin đại vương chớ bôi nhọ lời dạy của đấng Chiến Thắng. Không biết thì xin đại vương chớ trả lời câu hỏi’?”

“Thưa ngài Nāgasena, cho đến điều này thì vẫn còn hợp lý để nói rằng: ‘Hư không không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết.’ Thưa ngài Nāgasena, trái lại đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn đã được đức Thế Tôn nói ra cho các đệ tử bằng hàng trăm cách thức. Vậy mà ngài lại nói như vầy: ‘Niết Bàn không sanh ra do nhân.’”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn đã được đức Thế Tôn nói ra cho các đệ tử bằng hàng trăm cách thức. Tuy nhiên, nhân làm sanh khởi Niết Bàn là không được nói đến.”

2. “Thưa ngài Nāgasena, ở đây chúng ta từ chỗ tối đi vào chỗ tối hơn, từ rừng đi vào rừng sâu hơn, từ bụi rậm đi vào bụi rậm hơn, chính là vì cái điều gọi là có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng nhân làm sanh khởi pháp ấy lại không có. Thưa ngài Nāgasena, nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.

Thưa ngài Nāgasena, hoặc là giống như có người cha của đứa con trai, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về người cha của người cha. Giống như có người thầy của người học trò, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về người thầy của người thầy. Giống như có hạt giống của cái mầm non, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về hạt giống của hạt giống. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.

Giống như khi có ngọn của thân cây hoặc của dây leo, vì lý do ấy cũng có phần thân, cũng có phần rễ. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.”

“Tâu đại vương, Niết Bàn là không thể làm cho sanh được. Do đó, nhân làm sanh khởi Niết Bàn không được nói đến.”

“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì sau khi đã chỉ cho thấy lý do, ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ theo đó trẫm có thể biết được rằng: ‘Có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, còn nhân làm sanh khởi Niết Bàn là không có.’”

3. “Tâu đại vương, như thế thì đại vương hãy nghiêm chỉnh lắng tai, và hãy lắng nghe một cách cẩn thận, tôi sẽ nói lý do trong trường hợp này. Tâu đại vương, có phải người nam, với sức mạnh bình thường, từ nơi đây có thể đi đến núi chúa Hi-mã-lạp?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, vậy có phải người nam ấy, với sức mạnh bình thường, có thể mang núi chúa Hi-mã-lạp đến đây?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể nói về đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng không thể chỉ cho thấy nhân làm sanh khởi Niết Bàn. Tâu đại vương, có phải người nam, với sức mạnh bình thường, có thể vượt qua đại dương bằng thuyền để đi đến bờ xa xa?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, vậy có phải người nam ấy, với sức mạnh bình thường, có thể mang bờ xa xa của đại dương đến đây?”

“Thưa ngài, không đúng.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể nói về đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng không thể chỉ cho thấy nhân làm sanh khởi Niết Bàn. Vì lý do gì? Vì tính chất không bị tạo tác của pháp.”

“Thưa ngài Nāgasena, có phải Niết Bàn là không bị tạo tác?”

“Tâu đại vương, đúng vậy. Niết Bàn là không bị tạo tác, không bị tạo ra bởi bất cứ cái gì. Tâu đại vương, không nên nói Niết Bàn là ‘được sanh lên,’ hoặc là ‘không được sanh lên,’ hoặc là ‘sẽ được làm cho sanh lên,’ hoặc là ‘quá khứ,’ hoặc là ‘hiện tại,’ hoặc là ‘vị lai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mắt,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi tai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mũi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi lưỡi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi thân.’”

4. “Thưa ngài Nāgasena, nếu Niết Bàn không phải là được sanh lên, không phải là không được sanh lên, không phải là sẽ được làm cho sanh lên, không là quá khứ, không là hiện tại, không là vị lai, không được nhận thức bởi mắt, không được nhận thức bởi tai, không được nhận thức bởi mũi, không được nhận thức bởi lưỡi, không được nhận thức bởi thân. Thưa ngài Nāgasena, như thế thì ngài đã chỉ ra Niết Bàn là pháp không có, có phải là không có Niết Bàn?”

“Tâu đại vương, có Niết Bàn. Niết Bàn được nhận thức bởi ý. Vị đệ tử của bậc Thánh thực hành đúng đắn với tâm ý trong sạch, hướng thượng, ngay thẳng, không bị ngăn che, không liên hệ vật chất thì nhìn thấy Niết Bàn.”

“Thưa ngài, vậy Niết Bàn ấy giống cái gì? Cái ấy nên được làm sáng tỏ bằng các ví dụ. Xin ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng các lý lẽ theo đó pháp có thật là nên được làm sáng tỏ bằng các ví dụ.”

5. “Tâu đại vương, có phải có cái gọi là gió?”

“Thưa ngài, đúng vậy.”

“Tâu đại vương, vậy xin ngài hãy chỉ cho thấy gió qua màu sắc, hoặc qua vị trí, hoặc là vi tế, hay thô thiển, hoặc là dài, hay ngắn.”

“Thưa ngài Nāgasena, không thể chỉ cho thấy gió được. Gió ấy không đáp ứng việc nắm bắt bằng bàn tay hoặc sự đè nén. Tuy nhiên, gió ấy là có.”

“Tâu đại vương, nếu không thể chỉ cho thấy gió, như thế thì gió là không có.”

“Thưa ngài Nāgasena, trẫm biết rằng: ‘Gió là có.’ Nó đã đi vào trong tim của trẫm. Nhưng trẫm không có thể chỉ cho thấy gió được.”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Niết Bàn là có. Nhưng không thể chỉ cho thấy Niết Bàn qua màu sắc, hoặc qua vị trí.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Ví dụ đã khéo được phô bày. Lý lẽ đã khéo được giải thích. ‘Có Niết Bàn,’ trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013


NHỮNG THỨ KHÔNG THỂ CÓ TRÊN ĐỜI


1. “Thưa ngài Nāgasena, chư Phật được thấy ở thế gian, chư Phật Độc Giác được thấy, các đệ tử của đức Như Lai được thấy, các vị vua Chuyển Luân được thấy, các vị vua của các xứ sở được thấy, chư Thiên và loài người được thấy, những người có tài sản được thấy, những người không có tài sản được thấy, những người may mắn được thấy, những người bất hạnh được thấy, tướng trạng người nữ xuất hiện ở người nam được thấy, tướng trạng người nam xuất hiện ở người nữ được thấy, hành động khéo làm và vụng làm được thấy, các chúng sanh thọ hưởng quả thành tựu của các nghiệp thiện và ác được thấy. Có ở thế gian các chúng sanh hạng noãn sanh, hạng thai sanh, hạng thấp sanh, hạng hóa sanh; có các chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân. Có ở thế gian các hàng Dạ-xoa, quỷ sứ, người dạng quỷ, A-tu-la, người khổng lồ, Càn-thát-bà, ngạ quỷ, yêu tinh; có các hạng chim đầu người, rắn chúa, long vương, điểu vương, thầy phù thủy, thầy pháp; có các loài voi, ngựa, bò, trâu, lạc đà, lừa, dê, cừu, nai, heo rừng, sư tử, cọp, beo, gấu, chó sói, linh cẩu, chó hoang, chó rừng; có nhiều loại chim; có vàng, bạc, ngọc trai, ngọc ma-ni, vỏ sò, đá, san-hô, hồng ngọc, ngọc mắt mèo, ngọc bích, kim cương, pha-lê, đồng đen, đồng đỏ, đồng hỗn hợp, đồng thau; có sợi lanh, tơ lụa, bông vải, gai thô, chỉ bố, sợi len; có lúa gạo sāli, lúa gạo, lúa mạch, kê, bắp, đậu varaka, lúa mì, đậu tây, đậu māsa, mè, đậu tằm; có hương của rễ cây, hương của lõi cây, hương của giác cây, hương của vỏ cây, hương của lá cây, hương của bông hoa, hương của trái cây, hương thơm của tất cả các loại; có cỏ dại, dây leo, bụi rậm, cây cối, dược thảo, cổ thụ, sông, núi, biển, cá, rùa. Tất cả có ở thế gian. Thưa ngài, vật gì không có ở thế gian, xin ngài hãy nói về vật ấy cho trẫm.”

2. “Tâu đại vương, ba vật này không có ở thế gian. Ba vật nào? Vật có tâm thức hoặc không có tâm thức mà không già hoặc không chết là không có, tính chất thường còn của các hành là không có, cái được thừa nhận là chúng sanh theo ý nghĩa rốt ráo là không có. Tâu đại vương, đây là ba vật không có ở thế gian.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.” 

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013


NHỮNG CƠ SỞ SAI BIỆT TRONG GIỚI LUẬT


1. “Thưa ngài Nāgasena, có sự thất niệm đối với vị A-la-hán?” “Tâu đại vương, các vị A-la-hán có các sự thất niệm đã được xa lìa. Đối với các vị A-la-hán không có sự thất niệm.”

“Thưa ngài, phải chăng vị A-la-hán có thể vi phạm tội?”

“Tâu đại vương, đúng vậy.”

“Về sự việc gì?”

“Tâu đại vương, về việc làm cốc liêu, về việc mai mối, vào lúc sái thời (lầm) tưởng là lúc đúng thời, về vị đã ngăn (lầm) tưởng là chưa ngăn (vật thực dâng thêm), không phải thức ăn thừa (lầm) tưởng là thức ăn thừa.”[9]

“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Những vị nào phạm tội, những vị ấy phạm bởi hai lý do: Vì không tôn trọng hoặc là do không biết.’ Thưa ngài, có phải việc vị A-la-hán phạm tội là vì vị A-la-hán có sự không tôn trọng?”

“Tâu đại vương, không đúng.”

“Thưa ngài Nāgasena, nếu vị A-la-hán phạm tội, và không có sự không tôn trọng ở vị A-la-hán, như thế thì có sự thất niệm ở vị A-la-hán?”

“Tâu đại vương, không có sự thất niệm ở vị A-la-hán, và có việc vị A-la-hán phạm tội.”

“Thưa ngài, như thế thì xin ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ. Ở đây, cái gì là lý do?”

2. “Tâu đại vương, đây là hai loại ô nhiễm: ‘Tội lỗi đối với thế gian và tội lỗi do sự quy định.’ Tâu đại vương, tội lỗi đối với thế gian là việc nào? Mười loại nghiệp bất thiện. Việc này được gọi là tội lỗi đối với thế gian. Tội lỗi do sự quy định là việc nào? Việc nào ở thế gian là không đúng đắn, không hợp lẽ đối với hàng Sa-môn, nhưng không phải là tội lỗi đối với hàng tại gia, trong trường hợp ấy đức Thế Tôn quy định điều học cho các đệ tử, cho đến trọn đời không được vượt qua. Tâu đại vương, vật thực sái giờ không là tội lỗi đối với thế gian, điều ấy là tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Việc làm tổn thương thảo mộc không là tội lỗi đối với thế gian, điều ấy là tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Việc chơi giỡn ở trong nước không là tội lỗi đối với thế gian, điều ấy là tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Tâu đại vương, các hình thức như thế và tương tợ là các tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Việc này được gọi là tội lỗi do sự quy định.

Loại ô nhiễm nào là tội lỗi đối với thế gian, bậc Lậu Tận không thể vi phạm việc ấy; còn loại ô nhiễm nào là tội lỗi do sự quy định, trong khi không biết, có thể vi phạm việc ấy. Tâu đại vương, đối với một vị A-la-hán thì không có trình độ để biết tất cả, bởi vì đối với vị ấy không có năng lực để biết tất cả.

Tâu đại vương, đối với vị A-la-hán tên họ của những người nữ người nam là không được biết; đối với vị ấy đường xá ở trái đất là không được biết. Tâu đại vương, một vị A-la-hán có thể chỉ biết về sự giải thoát. Vị A-la-hán có sáu Thắng Trí có thể biết về lãnh vực của mình. Tâu đại vương, chỉ có đức Như Lai, đấng Toàn Tri, là biết tất cả.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.” 

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013


QUẢ VỊ VÔ LẬU GIẢI THOÁT VÀ ĐỜI SỐNG CƯ SĨ


1. “Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Người tại gia nào đạt đến phẩm vị A-la-hán, đối với vị này chỉ có hai lối đi không có lối khác: xuất gia nội trong ngày ấy, hoặc viên tịch Niết Bàn; ngày ấy là không thể vượt qua.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu vị ấy, trong ngày hôm ấy, không có được thầy tuyên ngôn, hoặc thầy tế độ, hoặc y và bình bát, có phải vị A-la-hán ấy có thể tự mình xuất gia, hoặc có thể để cho ngày ấy trôi qua? Hoặc có vị nào khác, là A-la-hán, có thần thông, đi đến rồi cho vị ấy xuất gia? Hoặc có thể viên tịch Niết Bàn?”

“Tâu đại vương, vị A-la-hán ấy không thể tự mình xuất gia, trong khi tự mình xuất gia thì phạm vào việc trộm cắp (hình tướng). Và không thể để cho ngày ấy trôi qua. Nếu có thể hoặc không thể có việc đi đến của vị A-la-hán khác, thì sẽ viên tịch Niết Bàn nội trong ngày ấy.”

2. “Thưa ngài Nāgasena, như thế thì bản thể an tịnh của vị A-la-hán là bị bỏ đi, bởi vì có sự lấy đi mạng sống của vị đã chứng đắc.”

“Tâu đại vương, hình tướng tại gia là không tương xứng. Khi hình tướng là không tương xứng, do tính chất yếu ớt của hình tướng, người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán (phải) xuất gia, hoặc viên tịch Niết Bàn nội trong ngày ấy. Tâu đại vương, điều ấy không phải là sự sai trái của phẩm vị A-la-hán, điều ấy là sự sai trái của hình tướng tại gia, tức là tính chất yếu ớt của hình tướng.

Tâu đại vương, giống như vật thực là vật hộ trì tuổi thọ, là vật duy trì mạng sống của tất cả chúng sanh, nhưng lại lấy đi mạng sống của người có bao tử không điều hòa, có sự hấp thụ trì trệ yếu đuối, vì không tiêu hóa được. Tâu đại vương, điều ấy không phải là sự sai trái của vật thực, điều ấy là sự sai trái của bao tử, tức là tính chất yếu ớt của lửa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi hình tướng là không tương xứng, do tính chất yếu ớt của hình tướng, người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán (phải) xuất gia, hoặc viên tịch Niết Bàn nội trong ngày ấy. Tâu đại vương, điều ấy không phải là sự sai trái của phẩm vị A-la-hán, điều ấy là sự sai trái của hình tướng tại gia, tức là tính chất yếu ớt của hình tướng.

3. Tâu đại vương, hoặc là giống như cọng cỏ nhỏ nhoi khi bị tảng đá nặng đặt lên trên, thì bị dập nát, đổ xuống vì tính chất yếu ớt. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán, vì hình tướng ấy không thể nâng đỡ phẩm vị A-la-hán, nên (phải) xuất gia nội trong ngày ấy, hoặc viên tịch Niết Bàn.

Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam không có sức mạnh, yếu đuối, có dòng dõi thấp kém, phước báu nhỏ nhoi, sau khi đạt được vương quốc to lớn khổng lồ, trong khoảnh khắc sẽ sụp đổ, tiêu hoại, thối lui, không thể duy trì vương quyền. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán, vì hình tướng ấy không thể nâng đỡ phẩm vị A-la-hán, nên (phải) xuất gia nội trong ngày ấy, hoặc viên tịch Niết Bàn.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.” 


Thảo luận:

1. Một vị đạo sĩ trong rừng sâu có tương đương với một tỳ kheo chăng?
2. Phải chăng những ai mong cầu quả vị giáo ngộ hoàn toàn đều nên hướng nguyện xuất gia?
3. Xuất gia theo cách "ehi bhikkhu" là thế nào? làm sao có được phúc quả đó?
4. Sự chứng đắc đạo quả dễ hay khó do duyên nào?
5. Phải chăng hạnh tu cư sĩ dễ nhập thế độ đời hơn đời xuất gia?

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013



KHÔNG PHẢI TẠI NỖ LỰC MÀ TẠI CỐ GẮNG KHÔNG ĐÚNG CHỖ

 
1. “Thưa ngài Nāgasena, khi đức Bồ Tát thực hiện hành động khó thực hành (khổ hạnh), không nơi nào khác đã có sự nỗ lực, sự cố gắng, sự chiến đấu với phiền não, sự làm tiêu tan đạo binh của Thần Chết, sự kiêng vật thực, các hành động khó thực hành như thế này. Ở sự gắng sức có hình thức như thế, đức Bồ Tát đã không đạt được bất cứ sự khoái lạc nào, đã bỏ rơi chính tâm ý ấy, và đã nói như vầy: ‘Tuy nhiên, với việc khổ hạnh dữ dội này Ta không chứng đắc các pháp thượng nhân, là pháp đặc biệt thuộc về trí tuệ và sự thấy biết xứng đáng bậc Thánh. Có thể có chăng đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?’ Sau khi nhàm chán với việc ấy, bằng một đạo lộ khác Ngài đã đạt đến bản thể Toàn Tri, rồi cũng vẫn chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về đường lối thực hành ấy rằng:

‘Các ngươi hãy nỗ lực, hãy cố gắng, hãy gắn bó vào lời dạy của đức Phật. Các ngươi hãy dẹp bỏ đạo binh của Thần Chết, tợ như con voi phá bỏ căn chòi bằng lau sậy.’[3]

Thưa ngài Nāgasena, bởi vì lý do gì đức Thế Tôn lại chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về đường lối thực hành mà bản thân Ngài đã nhàm chán, có vẻ không còn quyến luyến về việc ấy?”

2. “Tâu đại vương, lúc ấy cũng như hiện nay việc ấy vẫn là đường lối thực hành. Sau khi thực hành chính đường lối thực hành ấy, đức Bồ Tát đã đạt đến bản thể Toàn Tri. Tâu đại vương, thêm nữa đức Bồ Tát trong khi thực hành tinh tấn tột độ đã ngưng lại vật thực không còn chút gì, do việc buộc ngưng lại vật thực của vị ấy mà sự yếu đuối của tâm đã sanh khởi. Do sự yếu đuối ấy, vị ấy đã không thể đạt được bản thể Toàn Tri. Trong khi sử dụng lại từng chút từng chút vật thực đã được vắt thành nắm, rồi với chính đường lối thực hành ấy không bao lâu sau, vị ấy đã đạt được bản thể Toàn Tri. Tâu đại vương, chính đường lối thực hành ấy đưa đến sự đạt được Trí Toàn Tri của tất cả các đức Như Lai.

Tâu đại vương, giống như vật thực là sự nâng đỡ cho tất cả chúng sanh, được nương tựa vào vật thực mà tất cả chúng sanh nhận được sự an lạc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế chính đường lối thực hành ấy đưa đến sự đạt được Trí Toàn Tri của tất cả các đức Như Lai. Tâu đại vương, sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng.

Tâu đại vương, giống như người nam có thể đi rất nhanh đoạn đường dài, vì thế người ấy có thể bị tổn thương một bên (hông), hoặc có sự đi khập khiểng không tự đi lại được ở trên bề mặt trái đất. Tâu đại vương, chẳng lẽ đại địa cầu cũng có sự sai trái khiến cho người nam ấy đã bị tổn thương một bên (hông)?”

“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, đại địa cầu luôn luôn được sẵn sàng. Do đâu mà nó có sự sai trái? Sự sai trái ấy chính là ở sự ra sức, vì nó mà người nam ấy đã tổn thương một bên (hông).”

“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng.

Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam quấn vào tấm vải choàng bị lấm lem, người ấy không cho giặt sạch nó; sự sai trái ấy không phải là của nước; nước luôn luôn được sẵn sàng. Sự sai trái ấy là của chính người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng. Vì thế, đức Như Lai chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về chính đường lối thực hành ấy. Tâu đại vương, như vậy đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng, không có tội lỗi.”

“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.” 

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013


 
Chùa Pháp Luân
Buddhist Culture Center
13913 S. Post Oak Rd Houston TX 77045   Tel. (713)433-4364  Fax (713)456-2606  
Website: www.phapluan.net , email: phapluan@yahoo.com


Thơ Mời Đại Lễ Tăng Y Kathina
và Lễ Tiểu Tường Đại Lão Hoà Thượng Thích Hộ Giác

Thấm thoát đã gần một năm kể từ ngày Hoà Thượng Thích Hộ Giác ra đi. Chư tăng xa gần hiệp ý tổ chức giỗ đầu của Ngài cùng ngày với đại lễ Tăng Y Kathina tại chùa Pháp Luân. Năm vừa rồi chính Hoà thượng thọ y Kathina 9 ngày trước khi Ngài viên tịch. 

Lễ Tăng Y Kathina là đại lễ duy nhất trong Phật giáo được Đức Phật chính thức ban hành từ khi Ngài còn trụ thế  hợp theo truyền thống chư Phật quá khứ. Một y casa tiêu biểu được dâng cúng đến đại chúng tỳ kheo Tăng. Nghi thức cúng y, thọ y và giao y phải đúng theo luật nghi ghi trong Luật tạng. Đại lễ Tăng y là một thể hiện tinh thần “thống lý đại chúng” của Tăng bảo. Năm nay đại lễ Tăng y tổ chức tại chùa Pháp Luân vào ngày Chủ Nhật 17-11-2013. Chương trình khởi sự từ 10:30 sáng.

Lễ Tiểu Tường hay ngày giỗ đầu của Hoà Thượng Hộ Giác cũng được tổ chức cùng ngày. Ngoài nghi thức cầu nguyện theo hai truyền thống Nam và Bắc Tông còn có phần phát biểu của chư tôn đức và quí cư sĩ về hành trạng và di sản tinh thần của một bậc cao tăng Phật giáo Việt Nam đương đại. Lễ Tiểu Tường cũng chính thức đánh dấu chương trình hoạt động “Pháp Thí: Sự Bố Thí Tối Thắng”  kéo dài 12 tháng cho đến lễ Đại Tường.

Khoá tu học 7 ngày từ 11 -11 đến 17 - 11 mang hai mục đích: Giới thiệu cách tu tập bản thân y cứ trên Kinh Pháp Cú và cũng tạo phước cúng dường đến Hoà thượng Hộ Giác nhân giỗ đầu tiên của Ngài. Ngoài ra trong thời gian nầy cũng có phần hướng dẫn xuất gia gieo duyên cho những giới tử muốn làm quen với nếp sống thiền môn. Chương trình tập chú vào 5 trọng điểm: tìm hiểu và ứng dụng Kinh Pháp Cú, tụng đọc kinh Phạn ngữ, làm quen với tăng tướng, thực tập thiền tứ niệm xứ và sống trong tinh thần hoà hợp chúng.

Nguyện cầu Phật Pháp xương minh, pháp giới hữu tình đồng ân triêm lợi lạc.

Trụ Trì

Tỳ Kheo Giác Đẳng




XÁ LỢI ĐỨC PHÓ TĂNG THỐNG 



 

- TÁM QUYẾT ĐỊNH TRONG CUỘC ĐỜI HOẰNG ĐẠO CỦA ĐỨC PHÓ TĂNG THỐNG
- QUỐC HỘI HOA KỲ TREO CỜ VINH DANH ĐỨC PHÓ TĂNG THỐNG
- Trên 5000 người tham dự Pháp hội “Hoa KhaiKiến Phật” và Tang lễ Đức Phó Tăng Thống Thích Hộ Giác 

- Hành trạng sơ lược Đại lão Hòa ThượngThích Hộ Giác

 

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013



CÓ THẦY NHƯ KHÔNG CÓ THẦY

1. “Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy. Ở thế gian luôn cả cõi trời, không có ai là đối thủ của ta.
Và thêm nữa, Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình, và đã tôn vinh Ta với sự tôn vinh tột bực.’
Thưa ngài Nāgasena, nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình’ là sai trái. Nếu điều đã được nói bởi đức Như Lai là: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình,’ như thế thì lời nói rằng: ‘Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy’ cũng là sai trái. Câu hỏi này cũng có cả hai khía cạnh, được dành cho ngài. Nó nên được giải quyết bởi ngài.”
2. “Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy. Ở thế gian luôn cả cõi trời, không có ai là đối thủ của ta.’  
Và Ngài đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, như vậy Āāra Kālāma, trong khi đang là thầy của Ta, đã đặt Ta, đang là người đệ tử, ngang hàng với mình, và đã tôn vinh Ta với sự tôn vinh tột bực.’ Tuy nhiên, lời nói ấy đã được nói liên quan đến bản thân vị thầy của chính đức Bồ Tát lúc chưa là bậc Chánh Đẳng Giác, trước khi giác ngộ.
Tâu đại vương, năm vị này là những người thầy của đức Bồ Tát lúc chưa là bậc Chánh Đẳng Giác, trước khi giác ngộ. Được chỉ dạy bởi những vị này, đức Bồ Tát đã trải qua ở nơi kia ở nơi nọ. Năm vị nào?
Tâu đại vương, khi đức Bồ Tát ở giai đoạn đã được sanh ra, các vị ấy là tám vị Bà-la-môn đã xét đoán các tướng tốt, tức là các vị Rāma, Dhaja, Lakkhaa, Mantī, Yañña, Suyāma, Subhoja, Sudatta. Các vị ấy đã tuyên bố về điềm lành của đức Bồ Tát và đã thực hiện công việc bảo hộ; các vị ấy là những vị thầy đầu tiên.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là vị Bà-la-môn tên Sabbamitta, được sanh ra ở nơi quý phái, cao thượng, có dòng dõi, biết về cú pháp, về văn phạm, có sáu chi phần (của kinh Vệ Đà). Vào lúc bấy giờ, người cha của đức Bồ Tát, đức vua Suddhodana, sau khi rước về đã rưới nước với chiếc bình vàng, rồi đã trao cho (nói rằng): ‘Hãy cho đứa bé trai này học tập;’ đây là vị thầy thứ nhì.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là vị Thiên nhân đã khiến cho đức Bồ Tát chấn động tâm. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, đức Bồ Tát đã bị chấn động, kinh hoàng, rồi vào chính thời khắc ấy đã ra đi xuất ly và đã xuất gia; đây là vị thầy thứ ba.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là Āāra Kālāma; đây là vị thầy thứ tư.
Tâu đại vương, còn có vị khác nữa là Uddaka Rāmaputta; đây là vị thầy thứ năm.
Tâu đại vương, đây là năm vị thầy của đức Bồ Tát lúc chưa là bậc Chánh Đẳng Giác, trước khi giác ngộ. Tuy nhiên, các vị này là những người thầy về pháp thế gian. Tâu đại vương, trái lại trong việc thấu triệt trí Toàn Tri về các pháp xuất thế gian này, thì không có vị hướng dẫn nào trội hơn đức Như Lai. Tâu đại vương, đức Như Lai là đấng Tự Chủ, bậc không có thầy.
Bởi lý do ấy, đức Như Lai đã nói rằng:
Không có ai là thầy của ta, người tương đương với ta không tìm thấy. Ở thế gian luôn cả cõi trời, không có ai là đối thủ của ta.’”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”