Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bài học ngày 23-07-2013



Bài học ngày 23-07-2013


MILINDAPAÑHAPĀḶI & MILINDA VẤN ĐẠO
Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda
IV. PHẨM NIẾT BÀN



TÍNH HỔN HỢP CỦA TÂM PHÁP CÓ THỂ BIẾT NHƯNG KHÔNG THỂ TÁCH RIÊNG


1. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, có thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ’?”

“Tâu đại vương, đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, không thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ.’”

“Xin ngài cho ví dụ.”

“Tâu đại vương, giống như người đầu bếp của đức vua thực hiện món súp hoặc nước chấm, người ấy nêm sữa, nêm muối, nêm gừng, nêm thìa là, nêm tiêu, nêm các gia vị khác vào trong món đó, đức vua nói với người ấy như vầy: ‘Hãy đem cho trẫm nước chấm vị sữa, hãy đem cho trẫm nước chấm vị muối, hãy đem cho trẫm nước chấm vị gừng, hãy đem cho trẫm nước chấm vị thìa là, hãy đem cho trẫm nước chấm vị tiêu, hãy đem cho trẫm nước chấm đã được nêm tất cả các thứ.’ Tâu đại vương, đối với các vị nếm được gom chung thành một bản thể ấy, có thể nào lần lượt tách rời và mang lại nước chấm có vị chua, hoặc có vị mặn, hoặc có vị đắng, hoặc có vị cay, hoặc có vị chát, hoặc có vị ngọt không?”

“Thưa ngài, đối với các vị nếm được gom chung thành một bản thể ấy, không thể nào lần lượt tách rời và mang lại nước chấm có vị chua, hoặc có vị mặn, hoặc có vị đắng, hoặc có vị cay, hoặc có vị chát, hoặc có vị ngọt được, mặc dầu chúng hiện diện với đặc điểm riêng của từng vị một.”



“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với các pháp được gom chung thành một bản thể này, không thể nào lần lượt tách rời và chỉ ra sự khác biệt của chúng: ‘cái này là xúc, cái này là thọ, cái này là tưởng, cái này là tư, cái này là thức, cái này là tầm, cái này là tứ,’ mặc dầu chúng hiện diện với đặc điểm riêng của từng pháp một.”

“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”



Thảo luận:

Thảo luận 1. Phải chăng tất cả tâm đều có đủ bốn thành phần: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn? Nếu đúng vậy thì Tạng Kinh cũng đề cập “sự kết cấu hổn hợp” của tâm pháp?

 Thảo luận 2. Tâm được nói trong Phật Pháp là “mổi lần sanh một tâm, biết một cảnh”. Tại sai sự đồng sanh của nhiều tâm sở hay thuộc tánh cho chúng ta thấy như một lúc biết nhiều cảnh?

Thảo luận 3. Tâm trong Phật Pháp có những đặc điểm gì khác biệt với quan niệm linh hồn theo thường thức?

Thảo luận 4. Có thể nào nào nói về duyên hệ (paccayo) trong Phật Pháp mà không cần biết về sự kết cấu hổn hợp của tâm?

Thảo luận 5. Tâm pháp và sắc pháp đều được xem “giả hợp”. Hiểu như thế nào gọi là chính xác theo Phật học?