Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

TÁM QUYẾT ĐỊNH TRONG CUỘC ĐỜI HOẰNG ĐẠO

CỦA ĐỨC PHÓ TĂNG THỐNG

 
 
Sau đấy, Thượng tọa Thích Giác Đẳng, người được Đức Phó Tăng Thống chỉ định kế thừa các Phật sự còn dang dở, cung tuyên hành trạng Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác. Bài nói ứng khẩu dài trên 20 phút, chúng tôi xin tóm gọn những nét tổng quan chính yếu. Thượng tọa phát biểu :

« Khi nhắc tới tiểu sử thông thường người ta ghi lại niên lịch, biến cố trong đời người. Nhưng hôm nay xin phép nói về một khía cạnh trong cuộc đời Ngài : Đó là một con người đã sống với sự lựa chọn nhiều khi chẳng dễ dàng chút nào.

« Ngài sinh ngày 14 tháng Giêng Mậu Thìn, tức ngày 5.2.1928 dương lịch, tại Sa Đéc, Nam Việt. Rồi theo gia đình lên Kamphuchia sinh sống, với một tuổi thơ không mấy bình thường. Mẹ mất sớm, năm 5 tuổi Ngài theo thân phụ vào chùa tu, học tiếng Kampuchia, tụng kinh Phạn ngữ và Pali. Từ tuổi 13, 14 còn là Sa di nhưng Ngài đã có tài thuyết pháp, tụng kinh hay, thân còn nhỏ nên mỗi lần chư Tăng phải bồng Ngài đưa lên Pháp tòa ngồi giảng. Ai nấy xem Ngài như viên ngọc qúy, một pháp bảo.

« Nhưng năm 17, 18 tuổi, Ngài tự nghĩ không thể sống mãi hoài với sự hâm mộ. Muốn phục vụ đời phải tiến xa hơn. Trong khi thân phụ Ngài mà cũng là Sư phụ chỉ mong Ngài trở thành một Pháp sư, hành đạo với tín đồ.

« Đây là lần lựa chọn ray rức đầu đời, Ngài đành đảnh lễ và ra đi lên Nam Vang ghi tên vào trường Cao Đẳng Phạn ngữ. Tứ cố vô thân giữa hàng trăm Tăng sinh xa lạ.

« Năm 1954, một biến cố hy hữu khi Miến Điện thỉnh mời chư Tăng trong thế giới vể thủ đô Rangoon kiết tập kinh điển tại Chùa Hòa bình. Gần ba nghìn năm qua, từ cuộc kiết tập lần thứ nhất một trăm ngày sau khi Phật Niết Bàn. Nay là lần Kiết tập thứ 6 dưới sự chủ trì của hai vị Cao tăng Miến Mahasi Sayadaw và Mingun Sayadaw. Tăng hoàng Kampuchia tức Vua Sải Choonat tuyển chọn 10 Tăng sĩ xuất sắc nhất, trong số này Ngài là một, sang Rangoon tham gia. Tại đây, Hòa thượng Bửu Chơn là vị Tăng duy nhất đại diện cho Việt Nam. Do Hòa thượng Bửu Chơn không rành rẽ ngoại ngữ Phạn và Pali, nên đến gặp Ngài mời tháp tùng trợ tá Phái đoàn Việt Nam.

« Ngài về đảnh lễ Vua Sải nói lên ước nguyện giúp phái đoàn Việt Nam. Ngài Choonat xưa nay hiền từ, thương qúy người học trò sáng rạng tương lai, nhưng nay bỗng buồn giận khi nghĩ đến sự chia tay người học trò yếu dấu.

« Thế nhưng với sự khẩn khoản thiết tha giúp Việt Nam. Vua Sải đành khứng nhận. Đây là lần lựa chọn đau xót thứ hai trong đời Ngài Hộ Giác mà Ngài tự xem như sự cất bước sang ngang.

« Sau đó Ngài sang Tích Lan cầu học với Đạo sư Sumangala là một học giả uyên thâm mà cũng là một trong những người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc Tích Lan thoát khỏi đế chế Anh. Ngài thông thạo thêm tiếng Pali, tiếng Anh, và ngày sắp ra trường thì một biến cố mới xẩy ra. Quốc trưởng Norodom Sihanouk đến công du và cần một thông dịch viên. Do Ngài thông thạo tiếng Kampuchia nên Ngài được giới thiệu. Sau nhiều ngày làm việc, Quốc trưởng Sihanouk hết lòng ưu ái với vị Tăng trẻ thông minh, linh lợi, ăn nói hoạt bát. Quốc trưởng khẩn khoản mời Ngài cộng tác với chính phủ Kampuchia mới thu hồi độc lập, hiện đang thiếu một vị Đại sứ tài ba như Ngài. Ông còn tế nhị nói rằng Tôn giả đã được Kampuchia nuôi dưỡng từ tấm bé, nay là lúc Ngài trả nghĩa với quốc gia cưu mang Ngài. Xa gần lại hứa hẹn gả công chúa cho Ngài. Chấp nhận tức Ngài phải xả y, hoàn tục.

« Đây là lần thứ ba Ngài đứng trước một sự chọn lựa đầy cám dỗ : Xả y làm đại sứ, con đường thế tục thênh thang mở rộng, hay về Việt Nam sống lặng lẽ trong ngôi chùa nơi thôn xóm, chẳng ai biết tới thân phận ẩn tu ? Trước sự thất vọng của Quốc trưởng Sihanouk, Ngài chọn theo bước chân Thái từ Tất Đạt Đa dấn thân vào cuộc đời đạo sĩ.

« Về Saigon dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, thời Phật giáo không được ưu đãi. Nhưng Ngài lại được ưu đãi. Do khoác áo Nam tông, lại giỏi các thứ tiếng Kampuchia, Thái, Miến, Anh, Phạn, Pali, gặp lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm có chính sách Miên vận, nên Ngài được trọng dụng đi Lục tỉnh thuyết giảng, thăm viếng tạo tình cảm trong các vùng đông đảo người Khmers. Ngài đã nhiều lần được Tổng thống Diệm mời vào Dinh Độc lập hội kiến.

« Thế rồi cuộc tranh đấu đòi hỏi bình bẳng tôn giáo, chống kỳ thị của Phật giáo nổ ra giữa năm 1963. Ngài lại đứng trước một cuộc chọn lựa sinh tử thứ năm : Theo phe thế quyền hùng mạnh, hay đứng vào hàng ngũ người đồng đạo thế cô ? Lương tri Ngài lại đẩy Ngài về phía đoạn trường của trùng trùng người Phật giáo đấu tranh. Đây là lần lựa chọn thứ năm.

Thượng tọa Thích Giác Đẳng nói về tiểu sử và hành trạng Đức Phó Tăng Thống – Hình PTTPGQT
« Năm 1964, Dụ số 10 từ thời thực dân Pháp bị hủy bỏ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời. Nhưng vận nước lại bồng bềnh, thời thế đảo điên khi Ngài được giao phó chức vụ Phó Giám đốc Tuyên úy Phật giáo quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đây là lúc Ngài có những giao tình sâu nặng với hai Hòa thượng Thích Tâm Giác, Thích Tâm Châu và tướng Nguyễn Cao Kỳ.

« Nhưng rồi vào ngày 18.7.1967, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký sắc luật công nhận Hiến chương của Hòa thượng Thích Tâm Châu. Vô hình trung phủ nhận Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất quy tụ đại đa số Tăng Ni, Phật giáo đồ toàn quốc.

« Ngài lại đứng trước ngã ba đường chọn lựa lần thứ sáu : Nhưng từ đáy tâm tư, Ngài đã biết đâu phải đâu trái, nên Ngài chọn con đường tuân thủ lòng dân và ý nước dưới sự lãnh đạo của Đức Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết. Dù những nghiệt ngã của Phật giáo và cá nhân Ngài đeo đẳng, tiếp tục. Trong đêm khuya vắng, lòng Ngài dậy lên mối quan hoài, Ngài nhẩm đọc mấy câu thơ của một thi sĩ :

« Thệ khách một đời dõi bóng nhau
« Lạnh lùng chi thế hỡi bể dâu
« Ta người sứ giả thưa dâu bể
« Chả lẽ hờn nhau đến bạc đầu ? »

«Sau năm 1975, Cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, công việc đầu tiên nhắm tới là giải tán Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để dựng lên Giáo hội Phật giáo Nhà Nước làm công cụ chính trị cho Đảng. Hầu hết hàng giáo phẩm bị nài ép, khuyến dụ, lôi kéo, hăm dọa. Chỉ riêng hai Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ cương quyết đi theo con đường Phật giáo dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu.

« Ngày Cộng sản tra tấn Hòa thượng Thích Thiện Minh đến chết ở Trại Nguyễn Trãi, Saigon, rồi để che mắt thế gian, chở thi hài Hòa thượng ra Trại Cải tạo Hàm Tân. Chỉ hai người được đến đây nhìn lần cuối di thể Hòa thượng Thích Thiện Minh nằm trong chiếc quan tài nửa kín nủa hở dưới ánh sáng nhờ nhờ hiu hắt, nhưng khách viếng thăm cũng đủ nhận ra bộ mặt bầm tím vì tra tấn. Đó là Hòa thượng Thích Trí Thủ và Hòa thượng Thích Hộ Giác.

« Năm 1981, nhà cầm quyền Hà Nội chuẩn bị Đại hội thống nhất Phật giáo dưới chiếc thòng lọng của Đảng. Ngài được mời gọi vào Ban Vận động Thống nhất Phật giáo. Vé máy bay đã sẵn, vài người phụ tá Ngài đã được chỉ định. Chỉ cần Ngài gật đầu tuân lệnh như bao vị khác, thì con đường áo mũ, lọng che sẽ đưa Ngài về nơi thênh thang quyền qúy. Nhưng lương tâm thời đại lại thúc giục Ngài tỉnh thức. Khó có thể nói không với Cộng sản. Gương Hòa thượng Thiện Minh còn tươi rói. Nhưng ở lại hợp tác với Cộng sản là tự mình thảm sát tâm linh mình, lương thức mình, lại phụ lòng với hàng triệu Phật giáo đồ đang bị bánh xe chế độ đay nghiến. Phải ra đi thôi. Ra đi để giữ danh khí và tiết khái với Giáo hội. Ngài gọi Hòa thượng Bửu Phương căn dặn đôi lời rồi nhờ đưa Ngài ra bến xe. Từ đó âm thầm rời Saigon như một hành giả vượt biên sang Kampuchia, đến trại tị nạn Thái Lan.

« Đây là lần thứ bảy Ngài phải chọn lựa cho chính bản thân mình và Đạo.

« Đến Hoa Kỳ tạm dung từ năm 1982 đến 1992, Ngài không ngừng tham gia với chư Tăng để giữ gìn nền đạo nơi quê người. Kết hợp chư Tăng Nam tông, kết hợp chư Tăng Bắc tông trong Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Sang năm 1991 nhận được Tâm thư của Đức Đệ Tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu kêu gọi thống nhất Phật giáo để làm chỗ dựa cho Phật giáo trong nước. Ngài lại cùng với chư Tăng kết hợp thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, rồi được Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ký Quyết định năm 1992 công cử Giáo hội Hoa Kỳ thành lập Văn Phòng II Viện Hóa Đạo.
 
Lễ Tịch điện – Y Phật y Tổ trong đêm 15.12 – Hình PTTPGQT
Lễ Tịch điện – Y Phật y Tổ tại Chánh điện chùa Pháp Luân trong đêm 15.12 – Hình PTTPGQT
 
« Năm 2006, Hòa thượng Thích Minh Tâm tại Pháp ra một thư mời để thành lập tổ chức « Tăng Ni Hải ngoại ». Hòa thượng Hộ Giác Ngài hiểu là việc đó không nằm trong ý chí của Hội đồng Lưỡng Viện (Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo) trong nước. Nhất là Hội đồng Lưỡng Viện không được thông báo điều này, mà bản thân của Hòa thượng Minh Tâm còn là một thành viên của Văn phòng II Viện Hóa Đạo. Ngài đã cử chúng tôi sang Paris ba lần để thuyết phục, cốt làm sao sự việc ấy đừng diễn ra. Nhưng việc bất thành.

« Từ Đại hội Tăng Ni Hải ngoại của Hòa thượng Thích Minh Tâm tổ chức hai ngày 6 và 7.1.2007 tại thành phố Toronto ở Canada, cho đến Đại hội Về Nguồn ngày 21.9.2007, chúng tôi nhớ hai cú điện thọai cuối cùng, một Ngài gọi Hòa thượng Thắng Hoan, một Ngài gọi Hòa thượng Trí Chơn để nói về điều này hầu ngăn cản sự phân ly không mấy tốt đẹp vào lúc nhà cầm quyền Cộng sản còn đàn áp khốc liệt Giáo hội trong nước. Nhưng việc cũng không thành.

« Và cuối cùng Ngài làm một quyết định lớn, đó là tuân thủ sự chỉ định của Đức Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ trong việc duy trì Văn phòng II Viện Hóa Đạo theo tinh thần Giáo chỉ số 9 ban hành ngày 8.9.2007.

«Cuộc lựa chọn thứ tám và là cuộc lựa chọn cuối cùng trong đời Ngài.

« Thưa qúy vị, việc nói trên không dễ dàng chút nào hết. Đứng trên mặt tình cảm mà nói, thì chư Tăng trong tổ chức « Tăng Ni Hải ngoại » thật sự dành cho Ngài sự thương mến rất nhiều. Có thể là nhiều hơn các vị trong Văn phòng II do Giáo chỉ số 9 thành lập. Nhưng Ngài đã nói với chúng tôi rằng : Bằng giá nào cũng phải tiếp tục con đường mà Nhị vị Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ đã đi, đó là con đường dân tộc và đạo pháp đúng chính nhất. Và đó là lý do tại sao Ngài đã lựa chọn tuân hành các quyết định của Giáo chỉ số 9. Đây là lần lựa chọn cam go thứ tám trong cuộc đời lưu xứ nơi xa cách quê hương và Thầy Tổ.

« Thay vì đọc tiểu sử của Ngài, chúng con xin được nhắc lại từ những quyết định không dễ dàng trong cuộc đời của cố Đại lão Hòa thượng Thích Hộ Giác, từ lúc niên thiếu cho đến khi đi du học, cho đến lúc trở về Việt Nam rồi sang Hoa Kỳ.

« Từ đó chúng ta chiêm nghiệm rằng ở trong kiếp phù sinh này, ngay cả đời sống của một vị Tăng sĩ, một người dấn thân, nhưng khi quyết định phải lựa chọn thật không dễ dàng. Nhưng Hòa thượng đã quyết định, Ngài đã làm sự lựa chọn, và bản thân những lần lựa chọn đó là những dấu ấn nói lên cuộc đời và công hạnh của Ngài”.