Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012


PHẬT HỌC CƠ BẢN

33. Kinh Phúng tụng
(Sangìti sutta)

 http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-truongbo/truong33.htm

Như vầy tôi nghe.
Tụng phẩm I
1. Một thời Thế Tôn du hành giữa dân tộc Mallà cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Ngài đến tại thành của dân chúng Mallà tên là Pàvà và trú tại đấy. Thế Tôn trú tại Pàvà trong rừng xoài của thợ rèn Cunda.
2. Lúc bấy giờ, một hội trường tên là Ubbhataka mới được dựng lên giữa dân chúng Mallà, trú ở Pàvà, và hội trường này chưa có vị Sa-môn, Bà-la-môn, hay một người nào khác an trú. Dân chúng Mallà ở Pàvà được nghe: "Thế Tôn du hành giữa dân tộc Mallà, cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Ngài đến tại Pàvà, trú tại đấy, trong rừng xoài của thợ rèn Cunda". Rồi các vị Mallà ở Pàvà đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các vị Mallà ở Pàvà bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, ở đây một hội trường tên là Ubbhataka mới được dựng lên giữa dân chúng Mallà ở Pàvà, và hội trường này chưa có vị Sa-môn, Bà-la-môn, hay một người nào khác an trú. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn là người đến dùng hội trường này trước tiên. Nhờ Thế Tôn dùng trước tiên, dân chúng Mallà ở Pàvà sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Thế Tôn im lặng nhận lời.
3. Rồi các vị Mallà ở Pàvà, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng đến Ngài, từ tạ đi đến hội trường. Sau khi đến, liền dùng đệm trải khắp tất cả, sửa soạn các ghế ngồi, đặt sẵn một ghè nước, treo cây đèn dầu, rồi đến chỗ Thế Tôn ở. Sau khi đến, các vị này đảnh lễ Ngài và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, các vị Mallà ở Pàvà bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, hội trường đã được trải nệm tất cả, các ghế ngồi đã được sửa soạn, ghè nước đã được đặt sẵn, cây đèn dầu đã được treo lên, Thế Tôn hãy làm gì Ngài nghĩ là phải thời.
4. Rồi Thế Tôn đắp y, cầm y bát cùng với chúng Tỷ-kheo đến tại hội trường. Khi đến xong Ngài rửa chân và vào hội trường. Thế Tôn ngồi dựa trên cột chính giữa, mặt hướng về phía Ðông. Chúng Tỷ-kheo sau khi rửa chân, vào hội trường, ngồi dựa trên bức tường phía Tây, mặt hướng về phía Ðông, sau lưng Thế Tôn. Các vị Mallà ở Pàvà cũng rửa chân, đi vào hội trường, và ngồi xuống, dựa vào bức tường phía Ðông, mặt hướng phía Tây, trước mặt có Thế Tôn. Rồi Thế Tôn, cho đến đêm thật khuya, thuyết pháp cho dân Mallà ở Pàvà, giảng dạy, giải thích, khích lệ, làm cho hứng khởi rồi bảo các vị ấy về:
- Này Vàsetthà, đêm đã quá khuya. Các Ngươi hãy làm những gì các Ngươi xem là phải thời.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Các vị Mallà ở Pàvà vâng lời Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Ngài, thân phía hữu hướng về Ngài và ra đi.
5. Thế Tôn, khi dân Mallà đi chưa bao lâu, nhìn chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, rồi bảo tôn giả Sàriputta:
- Này Sàriputta, chúng Tỷ-kheo không có hôn trầm thụy miên. Này Sàriputta, hãy thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo. Ta cảm thấy đau lưng! Ta muốn nằm nghỉ.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! - Tôn giả Sàriputta vâng lời Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn, xếp y Sanghàti (Tăng-già-lê) gấp bốn và nằm xuống như cách nằm con sư tử, thân phía hữu, hai chân để trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, với tâm nghĩ đến lúc ngồi dậy.
6. Lúc bấy giờ, Niganthà Nàthaputta vừa mới tạ thế ở Pàvà. Sau khi vị này tạ thế, các vị Niganthà chia ra làm hai phái, chia rẽ nhau, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau với binh khí bằng miệng: "Ngươi không biết Pháp và Luật này, ta biết Pháp và Luật này. Sao Ngươi có thể biết Pháp và Luật này? Người theo tà hạnh, ta theo chánh hạnh. Lời nói ta tương ưng, lời nói Ngươi không tương ưng. Ðiều đáng nói trước, Ngươi nói sau; điều đáng nói sau, Ngươi nói trước. Ðiều Ngươi quan niệm trình bày đã bị đảo lộn. Quan niệm của Ngươi đã bị thách đố. Ngươi đã bị đánh bại. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ngươi! Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ngươi có thể làm được". Hình như các đệ tử của Niganthà Nàthaputta muốn tàn hại lẫn nhau. Chính các đệ tử cư sĩ mặc đồ trắng của Nigantha Nàthaputta cũng chán ngấy, cơ hiềm và phản đối các vị Nigantha, vì Pháp và Luật của họ đã được trình bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, tháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.
7. Rồi tôn giả Sàriputta bảo các Tỷ-kheo:
- Này Hiền giả, Niganthà Nàthaputta vừa mới từ trần không bao lâu. Sau khi vị này từ trần, các Nigantha (Ni-kiền-tử) chia làm hai phe... và không có chỗ y chỉ.
Nhưng với chúng ta, này các Hiền giả, pháp này được Thế Tôn khéo giảng dạy, khéo trình bày, một Chánh pháp có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác trình bày. Ở đây, tất cả mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không cãi cọ nhau, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Này các Hiền giả, thế nào là Pháp được Thế Tôn chúng ta khéo giảng dạy, khéo trình bày, một pháp có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh do vị Chánh Ðẳng Giác trình bày? Ở đây, tất cả cần phải cùng nhau tụng đọc không cãi cọ nhau, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Này các Hiền giả, có một pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị này đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Một pháp
8. Thế nào là một pháp? Tất cả loài hữu tình do các món ăn (àhàra) mà an trú, tất cả loài hữu tình do các hành (samkhàrà) mà an trú. Này các Hiền giả, đó là một pháp được Thế Tôn, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thuyết giảng một cách chơn chánh. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Hai pháp
9. Này các Hiền giả, có hai pháp được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là hai pháp?
i) Danh và sắc.
ii) Vô minh và hữu ái.
iii) Hữu kiến và vô hữu kiến.
iv) Vô tàm và vô quý.
v) Tàm và quý.
vi) Ác ngôn và ác hữu.
vii) Thiện ngôn và thiện hữu.
viii) Nhập tội thiện xảo và xuất tội thiện xảo.
ix) Ðẳng chí thiện xảo và xuất khởi đẳng chí thiện xảo.
x) Giới thiện xảo và tác ý thiện xảo.
xi) Xứ thiện xảo và duyên khởi thiện xảo.
xii) Thiện xảo về xứ và thiện xảo về phi xứ.
xii) Chơn trực và tàm quý.
xiv) Kham nhẫn và nhu hòa.
xv) Lời nói nhu thuần và tiếp đón thân tình.
xvi) Vô hại và từ ái.
xvii) Thất niệm và bất chánh tri.
xvii) Chánh niệm và tỉnh giác.
xix) Các căn không được chế ngự và ăn uống không tiết độ.
xx) Các căn được chế ngự và ăn uống có tiết độ.
xxi) Tư duy lực và tu tập lực.
xxii) Niệm lực và định lực.
xxiii) Chỉ và quán.
xxiv) Chỉ tướng và tinh cần tướng.
xxv) Tinh cần và không dao động.
xxvi) Giới thành tựu và kiến thành tựu.
xxvii) Giới suy khuyết và kiến suy khuyết.
xxxiii) Giới thanh tịnh và kiến thanh tịnh.
xxix) Kiến thanh tịnh và tinh cần theo tri kiến ấy.
xxx) Dao động đối với các pháp bị dao động và chánh tinh cần của người bị dao động ấy.
xxxi) Không tri túc với các thiện pháp và không thối thất trong tinh cần.
xxxii) Minh tri và giải thoát.
xxxiii) Tận tri và vô sanh trí.
Này các Hiền giả, hai pháp này được Thế Tôn chơn chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.