Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012


Điềm Báo Cát Tường

Băn khoăn và mơ ước về tương lai khiến chúng sanh trong đời ra sức tìm hiểu những tín hiệu báo trước sự may mắn tốt lành. Khi Đức Thế Tôn ở ngự tại chùa Kỳ Viên, Xá Vệ, một vị thiên hiện đến trong đêm khuya bạch hỏi: Cái gì là điềm lành tối thượng. Câu trả lời của Đức Phật khiến nhiều người ngạc nhiên dù trải qua bao thế hệ. Ngay đến hôm nay cũng vậy.

Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Cúng dường bậc tôn đức
Là điềm lành tối thượng

Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm
Là điềm lành tối thượng

Ða văn nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện học tập
Nói những lời chơn chất
Là điềm lành tối thượng

Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương thiện
Là điềm lành tối thượng

Bố thí hành đúng Pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Hành vi không lổi lầm
Là phúc lành cao thượng

Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp
Là điềm lành tối thượng

Biết cung kính khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Ðúng thời nghe chánh pháp
Là điềm lành tối thượng
Nhẫn nhục tánh thuần hoá
Thường yết kiến sa môn
Tùy thời đàm luận pháp
Là điềm lành tối thượng
Thiền định sống phạm hạnh
Thấy được lý thánh đế
Chứng ngộ quả niết bàn
Là điềm lành tối thượng
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là điềm lành tối thượng
Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất
Khắp nơi được an toàn
Là điềm lành tối thượng

Những điểm lưu ý

1. Mangala có nghĩa là điềm lành, dấu hiệu cát tường. Thí dụ người ta nói chó đến nhà là hên. Nhiều người dịch là hạnh phúc, phúc đức, phúc lành là cách dịch thoát.

2. Mangalamuttaman - điềm lành tối thượng - chỉ cho cái đáng hoan hỷ, mong đợi nhất

3. Điềm lành tối thượng không phải chỉ có một mà được tính có đến 38 pháp trong bài kinh nầy

4. Tất cả điềm lành ở đây đều là những pháp liên hệ thiện tâm, thiện hạnh và thiện xão.

5. Điềm lành theo lời Phật dạy không nằm ở "hên xui" mà chính ở sự thể hiện thiện pháp

6. 38 pháp nằm trong 10 bài kệ. Không có một bản sớ giải nào giải thích tại sao những pháp đó được phân ra nằm chung trong một bài kệ. Tuy vậy có thể suy diễn là mỗi bài kệ có một chủ đề riêng.

7. Nói về nhân cách tốt đẹp:
Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Cúng dường bậc tôn đức

8. Nói về điều kiện thuận lợi :
Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm

9. Nói về sở đắc cá nhân:
Ða văn nghề nghiệp giỏi
Có đào luyện học tập
Khéo sử dụng ngôn từ

10. Nói về phương diện gia đình
Hiếu thuận bậc sanh thành
Chăm sóc vợ và con
Sống bằng nghề lương thiện

11. Nói về phương diện xã hội
Bố thí hành đúng Pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Hành vi không lổi lầm

12. Nói về phương diện tu thân
Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp

13. Nói về sự học hỏi
Biết cung kính khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Ðúng thời nghe chánh pháp

14. Nói về sự tu tập
Nhẫn nhục không bướng bĩnh
Thường yết kiến sa môn
Tùy thời đàm luận pháp

15. Nói về sự tu chứng
Thiền định sống phạm hạnh
Thấy được lý thánh đế
Chứng ngộ quả niết bàn

16. Nói về đời sống an lạc Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Tự tại và vô nhiễm


Thảo luận kệ ngôn 2

1. Chữ trú xứ thích hợp ở đây nên được hiểu là chỗ ở, môi trường, quốc độ ? (thí dụ ngôi chùa mình ở, láng giềng, quốc độ..)

2. Pháp thứ hai nên hiểu là "đời trước đã tạo thiện nghiệp" hay "bây giờ tạo phước để dành"?

3. Tại sao chúng sanh không lựa chọn con đường tốt đẹp mà đi?

4. Phải chăng chỉ có người "có nhiều điều kiện" mới có khả năng lựa chọn cái gì tốt cho mình?


Câu đố cho bài giảng kệ ngôn 2

Câu nào dưới đây không có ý nghĩa liên hệ tới kệ ngôn hôm nay:

a. Sanh trong thời có chiến tranh, hận thù là nguyên nhân bất lợi cho sự tăng trưởng trí tuệ

b. Nếu người ta ý thức được sự tranh chấp dẫn đến suy tàn thì mọi sự hơn thua sẽ lắng dịu

c. Tạo phước tức là cách cất giữ tài sản tốt nhất

d. Ở đời mạnh được yếu thua