Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Không Nên Khinh Thường Tuổi Trẻ

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala (Kiều-tát-la) đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

-- Tôn giả Gotama có tự cho mình đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác không?

4) -- Thưa Ðại vương, nếu có ai có thể nói một cách chơn chánh là mình đã chứng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thời người ấy phải chính là Ta. Thưa Ðại vương, Ta đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

5) -- Thưa Tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn, Bà-la-môn là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng. Như ngài Purana Kassapa, Makkali Gosàla, Nigantha Nàtaputta, Sanjaya Belatthiputta, Kakudha Kaccàyana, Ajita Kesakambala. Khi con hỏi các vị ấy: "Có tự xem là đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không?", thời họ đã trả lời, không tự xem mình đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vậy làm sao Tôn giả Gotama, trẻ tuổi, sanh sau đẻ muộn, và chỉ mới xuất gia lại tự cho mình như vậy?

6) -- Thưa Ðại vương, có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường, hay không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thế nào là bốn?

-- Thưa Ðại vương, Khattiya trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ. Thưa Ðại vương, con rắn trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Thưa Ðại vương, ngọn lửa trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ. Thưa Ðại vương, Tỷ-kheo trẻ tuổi không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì họ là trẻ.

Thưa Ðại vương, bốn loại trẻ tuổi này không nên khinh thường hay không nên miệt thị vì chúng là trẻ.

7) Thế Tôn nói như vậy. Nói xong, bậc Thiện Thệ lại nói thêm như sau:

8)

Sanh dòng Sát-đế-lỵ,
Thuộc quý tộc, danh xưng,
Chớ khinh thường là trẻ,
Chớ miệt thị là nhỏ.
Vị Sát-đế-lỵ ấy,
Ðến thời lên ngôi vua,
Làm chúa tể loài Người,
Trị vì cả quốc độ.
Vị ấy nếu phẫn nộ,
Dùng vương phạt gia hình,
Ai bảo tồn mạng mình,
Hãy tránh né vị ấy.

9)

Ở làng hay là rừng,
Có thấy rắn bò qua,
Chớ khinh thường rắn trẻ,
Chớ miệt thị rắn nhỏ,
Cao thấp hình sai biệt.
Rắn sống đầy nhiệt khí,
Bị tấn công, nó cắn,
Kẻ ngu cả nam nữ,
Ai bảo tồn mạng mình,
Hãy tránh né loài rắn.

10)

Lửa cháy đầy khát vọng,
Lửa đốt thiêu, đốt cháy,
Chớ khinh thường lửa trẻ,
Chớ miệt thị lửa nhỏ.
Lửa được đồ bén cháy,
Liền cháy to, cháy lớn,
Bị tấn công, lửa đốt,
Kẻ ngu cả nam nữ,
Ai bảo tồn mạng mình,
Hãy tránh né lửa cháy.

11)

Khu rừng bị lửa đốt,
Lửa đốt thiêu, đốt cháy,
Sau nhiều đêm và ngày,
Rễ mầm lại mọc lên.

12)

Còn Tỷ-kheo trẻ giới,
Nồng cháy với nhiệt tình,
Nhưng không con, không cái,
Không của cải truyền thừa,
Không con, không thừa tự,
Như thân cây tala.

13)

Do vậy, người hiền trí,
Tự thấy hạnh phúc mình,
Ðối với rắn và lửa
Danh xưng Sát-đế-lỵ,
Vị Tỷ-kheo trì giới,
Với bốn vị kể trên,
Hãy biết cách cư xử,
Chơn chánh và tốt đẹp.

14) Khi nghe nói vậy, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

HT Thích Minh Châu dịch


Những điểm lưu ý

Già trẻ không phải là thước đo tuệ giác
Nói lên sự thực chứng không phải là thái độ thiếu khiêm tốn
Thấy được cái sai trong nhận thức của mình là bước đầu tiến tới hiểu biết sự thật

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Trước Những Khen Chê

Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ràjagaha (Vương Xá) và Nalandà, cùng với đại chúng Tỷ-kheo khoảng năm trăm vị. Lúc bấy giờ có Suppiya du sĩ ngoại đạo cũng đi trên con đường giữa Ràjagaha và Nalandà cùng với đệ tử, thanh niên Brahmadatta. Suppiya, du sĩ ngoại đạo dùng vô số phương tiện hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, còn đệ tử của du sĩ ngoại đạo Suppiya, thanh niên Brahmadatta, lại dùng vô số phương tiện tán thán Phật, tán thán Pháp, tán thán Tăng. Như vậy cả hai thầy trò nói những lời hoàn toàn tương phản nhau trong khi đi sau lưng đức Phật và chúng Tỷ-kheo.

Rạng sáng hôm sau, một số lớn chư Tăng, sau khi thức dậy, đã ngồi họp tại một gian nhà hình tròn và nhắc lại chuyện hôm qua. Đức Thế Tôn đi đến, nghe vậy dạy rằng:

- Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng?

- Bạch Thế Tôn, không thể được!

- Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: - "Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi".

Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các ngươi hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các ngươi hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: "Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi".

Này các Tỷ-kheo, thật chỉ thuộc các vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai.

Những điểm lưu ý

  1. Khen chê là chuyện thường của thế gian
  2. Ngay cả Đức Phật cũng có người tán thán, kẻ chê trách
  3. Người phàm phu tán thán Đức Phật nhưng ít khi hiểu rõ Ngài

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011




Tháp chuông chùa Pháp Luân

Không Phải Chỉ Có Hai Đường

Lúc bấy giờ Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi một vị Thiên, khi đêm đã gần tàn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên ấy bạch Thế Tôn:

-- Thưa Tôn giả, làm sao Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-- Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

-- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?

-- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.

Tương Ưng Bô. Kinh Cây Lao
HT Thích Minh Châu dịch

Những điểm lưu ý

  1. Sự lựa chọn của chúng sanh nghèo nàn, cục bộ vì vô minh
  2. Không phải sự lựa chọn nào chỉ có hai hướng làm hoặc không.
  3. Đạo giải thoát vốn không nằm trong quan kiến thường tình


Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Một vài cách minh họa của Đức Phật


Trong cái nhìn và ngôn ngữ của một bậc Đại Giác, Đức Phật có những cách diễn tả rất khác thường nhưng đầy ý vị trong sự tả chân.

Nói về một thành phố sầm uất, phú cường :

Này Ananda, thuở xưa có vị vua tên là Mahà-Sudassana (Ðại Thiện Kiến). Vị này là Chuyển Luân vương trị vì như pháp, là vị Pháp vương, thống lãnh bốn thiên hạ, chinh phục hộ trì quốc dân, đầy đủ bảy báu. Này Ananda, đô thị Kusinàrà này là kinh đô của vua Ðại Thiện Kiến, tên là Kusàvati (Câu-xá-bà-đề), phía Ðông và phía Tây rộng đến mười hai do tuần, phía Bắc và phía Nam rộng đến mười bảy do tuần. Này Ananda, kinh đô Susàvati này rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên chúng sung mãn, thực thẩm phong phú. Này Ananda, cũng như kinh đô Alakamanda của chư Thiên rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên chúng sung mãn, thực phẩm phong phú. Cũng vậy này Ananda, kinh đô Kusàvati này cũng rất phồn thịnh, phú cường, dân cư đông đúc, Thiên chúng sung mãn. Này Ananda, kinh đô Kusàvati này ngày đêm vang dậy mười loại tiếng, tức là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiềng tỳ bà, tiếng hát, tiếng xập xỏa, tiếng chuông và tiếng thứ mười là lời kêu gọi: "Hãy uống đi, hãy ăn đi!".

Nói về một nữ nhân đẹp:

Này Ananda, nữ báu lại xuất hiện cho vua Ðại Thiện Kiến, mỹ miều, khả ái, cử chỉ đoan trang, màu da tuyệt mỹ, không quá cao, không quá thấp, không béo, không gầy, không quá đen, không quá trắng, vượt trên dung sắc loài Người, sánh đến dung sắc chư Thiên. Này Ananda, thân xúc nữ báu này êm mịn như bông, như nhung. Này Ananda, khi trời lạnh, chân tay nữ báu này trở thành ấm áp, khi trời nóng, trở thành lạnh mát. Này Ananda, thân nữ báu tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng tỏa mùi thơm hoa sen. Này Ananda, nữ báu này dậy trước và đi ngủ sau vua Ðại Thiện Kiến, mọi hành động làm vua thỏa thích, yên lành khả ái. Này Ananda, nữ báu này không có một tư tưởng nào bất tín đối với vua Ðại Thiện Kiến huống nữa là về thân thể. Này Ananda, như vậy là sự xuất hiện nữ báu của vua Ðại Thiện Kiến.

Hai lời mô tả trích nguyên văn từ Kinh Đại Thiện Kiến, Trường Bộ. HT Thích Minh Châu dịch

Những điểm lưu ý

  1. Không phải vì là một bậc giải thoát mà Bậc Thế Gian Giải không có cái nhìn khách quan về thế giới nầy.
  2. Phẩm vị nhận thức tuy tùy mỗi cá nhân nhưng cũng có những chuẩn mực nhất định
  3. Cái cái đẹp của tự nhiên thường thì cũng có cái “vừa phải” như trung đạo trong hành trình giác ngộ.

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Đức Phật là Người Chỉ Đường

Bà la môn Ganaka hỏi Đức Phật: "Có phải khi sa môn Gotama giảng dạy như vậy, thời tất cả đệ tử của Ngài đều chứng được cứu cánh Niết Bàn?" Đức Phật trả lời là một số chứng được cứu cánh Niết Bàn, một số không chứng được.

Đức Phật trả lời một cách rất nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng rất thiết thực và tuyệt diệu, giữ đúng vị trí của bậc Đạo sư đối với các đệ tử:

"Cũng vậy, này Bà la môn, trong khi có một Niết Bàn, có một con đường đưa đến Niết Bàn và trong khi có mặt Ta là người chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh Niết Bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà la môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường".

HT Thích Minh Châu

Những điểm lưu ý

  1. Đức Phật là bậc đạo sư hướng dẫn, ngườ Phật tử phải hành trì mới có kết quả
  2. Chỉ với niềm tin mà không thực hành Phật Pháp thì không đạt đến cứu cánh
  3. Phật Pháp là con đường giáo dục mà mỗi cá nhân sau khi hấp thụ phải tự mình chuyển hóa

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Lời khen của bậc Đại Giác


Một lần Thiên chủ Sakka muốn diện kiến và nghe Đức Phật giảng dạy. Thiên chủ gởi Càn Thát Bà Pancasikha đến gặp Đức Phật để xin phép. Càn thát bà ôm cây đàn beluva đến chỗ Đức Thế Tôn và hát bản thiên nhạc nầy:

Ôi Suriya Vaccasa!
Ta đảnh lễ Timbaru,
Bậc phụ thân của nàng,
Ðã sanh nàng thiện nữ,
Nguồn hạnh phúc của ta,
Như gió cho kẻ mệt.
Như nước cho kẻ khát,
Nàng là tình của ta.
Như pháp với Ứng Cúng,
Như thuốc cho kẻ bệnh,
Như đồ ăn kẻ đói,
Thiên nữ với nước mắt.
Hãy dập tắt lửa tình!
Như voi bị nắng thiêu,
Tẩm mình hồ nước mát,
Có cánh sen, nhụy sen.
Cũng vậy, ta muốn chìm,
Chìm sâu vào ngực nàng.
Như voi bị xiềng xích,
Hất móc câu, gậy nhọn,
Ta điên vì ngực nàng,
Hành động ta rối loạn.
Tâm ta bị nàng trói,
Di chuyển thật vô phương,
Rút lui cũng bất lực,
Như cá đã mắc câu.
Hiền nữ hãy ôm ta,
Trong cánh tay của nàng!
Hãy ôm ta, nhìn ta,
Trong ánh mắt dịu hiền.
Hãy ghì chặt lấy ta,
Thiện nữ! Ta van nàng!
Ôi Hiền nữ suối tóc,
Ái dục ta có bao!
Nhưng nay đã tăng bội,
Như đồ chúng La Hán!
Mọi công đức ta làm,
Dâng lên bậc La Hán,
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả cho ta.
Công đức khác của ta,
Ðã làm trên đời này!
Ôi Kiều nữ toàn thiện,
Nàng là quả của ta!
Vị Thích tử thiền tu,
Nhứt tâm và giác tỉnh,
Tìm cầu đạo Bất tử,
Cũng vậy ta cầu nàng!
Như người tu sung sướng,
Chứng Bồ Ðề tối thượng.
Kiều nữ, ta sung sướng,
Ðược nhập một với nàng,
Nếu Thiên chủ Sakka,
Cho ta một ước nguyện,
Ta ước nguyện được nàng,
Vì ta quá yêu nàng!
Như ta-la sanh quả,
Tuệ Nữ, phụ thân nàng!
Ta sẽ đảnh lễ ngài,
Vì sanh nàng vẹn toàn!

Được nghe vậy, Thế Tôn nói với Pancasikha, con của Càn Thát Bà:
- Này Pancasikha, huyền âm của Ngươi khéo hòa điệu với giọng ca của Ngươi, và giọng ca của Ngươi khéo hòa điệu với huyền âm của Ngươi. Này Pancasikha, do vậy huyền âm của Ngươi không thêm mầu sắc cho giọng ca, hay giọng ca của Ngươi không thêm màu sắc cho huyền âm của Ngươi. Này Pancasikha, Ngươi học tại chỗ nào những bài kệ liên hệ đến Phật, Pháp, đến A La Hán, đến ái dục như vậy?

Những điểm lưu ý

  1. Cái đẹp của lời ca tiếng nhạc là cùng tiết tấu nhưng không lấn át nhau
  2. Một bậc đoạn tận lậu hoặc không có nghĩa là không có khả năng phân biệt tốt, xấu , hay, dở.
  3. Thái độ bao dung của Đức Phật với kẻ si tình Pancasikha là bài học đẹp trong cách xử thế.

Lời bản thiên nhạc và lời của Đức Thế Tôn do HT Thích Minh Châu dịch

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Cho cái cần thiết chứ không phải cái mong muốn

Đức Thế Tôn trở về cố hương Kapilavatthu lần đầu. Lúc ấy hoàng tử Rahula lên bảy tuổi. Công nương Yasodhara dắt tay con mình lên lầu cao rồi chỉ cho Rahula hình ảnh Đức Phật và chư tăng đang đi trì bình trong thành bảo rằng: “Con yêu, vị sa môn tướng hảo trang nghiêm thanh tú dẫn đầu các vị tu sĩ đó chính là cha con. Con hãy đi theo Ngài và xin Ngài trao truyền ngôi vàng và những kho châu báu”

Hoàng tử vâng lời mẹ đi theo Đức Phật. Khi Đức Thế Tôn về tới công viên Nirodha, nơi trú ngụ của Ngài, Rahula bạch Phật: Con thấy rất thích ở gần Ngài. Rồi hoàng tử cũng không quên lời mẹ dặn thưa rằng: Ngài là cha của con, con là con của Ngài. Xin Ngài cho con ngai vàng và báu vật. Đức Thế Tôn quay sang tôn giả Sariputta nói rằng: "Ta sẽ cho đứa con nầy tài sản của bậc thánh". Rồi dạy Tôn giả cho Rahula xuất gia làm một sa di.

Những điểm lưu ý

  1. Cái mà chúng sanh mong mỏi chưa hẳn là cái tốt nhất cho mình
  2. Trong sự nguyện cầu nên tự hỏi nếu Đức Phật hiện tiền ngài sẽ ban bố cho mình những gì?
  3. Có những giá trị lớn với thế gian nhưng hoàn toàn vô nghĩa với bậc thiện trí

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011


Dư luận và phản ứng

Đức Phật hóa độ hằng ngàn thiện nam tử xuất gia chỉ trong vài tháng đầu ngắn ngủi hoằng hóa tại xứ Magadha. Ngoại đạo và quần chúng bị tác động đã công kích Đức Phật khi gặp chư tăng đi khất thực. Nói nói rằng: “Chính do sa môn Gatama mà nhiều gia đình bị đổ vỡ; nhiều người vợ sống không chồng; nhiều gia tộc mất những đứa con cưng ưu tú”

Những tỳ kheo gặp sự công kích như vậy đến diện kiến bạch Phật. Đức Thế Tôn dạy rằng: Những chuyện đó sẽ chấm dứt trong bảy ngày. Nếu cần trả lời hãy nói rằng: Các đấng Như Lai là bậc đại hùng sống với chánh pháp, hành xử với pháp của bậc trí vậy nên phàn nàn với ai đây?

Những điểm lưu ý

  1. Khen chê thương ghét là sự thường không ai tránh khỏi
  2. Không phải sống với lòng bi mẫn cho đời mà không bị thế gian chỉ trích
  3. Bậc trí sống y cứ trên lẽ phải chứ không phải công luận

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Một lời như mở tấc lòng

Du sĩ Sariputta và du sĩ Moggallana là bạn đồng song thân thiết từ thuở thiếu thời. Lớn lên hai người đề có chí tầm đạo. Họ ước hẹn nếu một người tìm ra chân lý thì sẽ báo cho người kia biết. Một ngày du sĩ Sariputta gặp một sa môn với tướng hảo trang nghiêm, thanh tịnh, các căn trong sáng. Được hỏi thì vị sa môn nầy cho biết là đệ tử Phật, bậc đại giác dòng Thích Ca. Nói về giáo pháp của Đức Phật thì vị nầy khiêm tốn trả lời vì xuất gia chưa bao lâu nên không có kiến văn quảng bác nhưng có thể chia sẽ điều nẩy: Pháp sanh do duyên cũng do duyên mà diệt. Đức Phật, bậc đại sa môn, dạy như vậy.

Nghe lời ấy, du sĩ Sariputta chứng sơ đạo. Khi gặp bạn thân của mình ngài thuật lại những gì được nghe. Du sĩ Moggallana cũng ngộ đạo giải thoát. Về sau cả hai trở thành nhị vị thượng thủ thinh văn trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Những điểm chính

  1. Bậc trí dù nghe được giáo pháp trong một câu ngắn cũng thay đổi cả cuộc đời.
  2. Chính nhân sanh cũng là nhân diệt. Chúng sanh không nhận thức được điều nầy
  3. Mấu chốt của giáo pháp là khai thị để thấy được chân tướng vạn pháp

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011


Phải đợi nói thẳng



Đức Phật độc hành hướng về Uruvela với chủ tâm độ ba đạo sĩ Kassapa. Ngài ngõ ý muốn ngụ qua đêm tại cổ miếu mà ai cũng ngại đến vì có một mãng xà vương sống trong ấy. Những đạo sĩ can ngăn nhưng không được. Hôm sau mọi người vui mừng thấy chẳng những Đức Thế Tôn bình an mà còn thu phục được mãng xà. Nhiều ngày sau đó các đạo sĩ mục kích nhiều năng lực thần thông của Đức Phật cùng với những lần thăm viếng của chư thiên và phạm thiên. Đạo trưởng của nhóm là Uruvela Kassapa mỗi lần chứng kiến như vậy đề nghĩ là: “Sa môn trẻ nầy quả là đại uy lực. Dù vậy vẫn không phải là A la hán như ta.”

Cuối cùng, trong một cơn lũ lụt Đức Thế Tôn hiển hóa thần thông thành một con đường kinh hành khô ráo. Vị đạo trưởng vẫn có suy nghĩ như những lần trước. Đức Phật nói thẳng rằng: “Hởi Kassapa, người không phải là A la hán, cũng chẳng biết hành trình dẫn đến quả vị A la hán. “ Lời nói thấu tâm can đó của Đức Phật khiến đạo sĩ tĩnh ngộ và xuất gia theo Phật cùng tòa thể đồ chúng đệ tử.

Những điểm lưu ý

  1. Sở chấp chúng sanh trong đời kiên cố hơn người ta nghĩ
  2. Con người có đạo hạnh cao dễ rơi vào “tăng thượng mạn”
  3. Những lời nói “trúng tim đen” thường có tác dụng thay đổi cái nhìn

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011


Câu hỏi mang sức thuyết phục


Sau ngày thành đạo Đức Phật quyết định thuyết bài pháp đầu tiên tại Lộc Uyển, Isipatana cho 5 đạo sĩ Kondanna. Những vị nầy vốn từng theo Đức Phật trong thời gian khổ hạnh nhưng đã bỏ Ngài ra đi vì thất vọng rằng Đức Phật không đủ sức kiên trì với pháp tu hành xác. Trong giây phút tái ngộ đầu tiên năm đạo sĩ có thái độ ân cần trước phong thái siêu phàm của Đức Phật nhưng gọi Ngài bằng avuso – hiền hữu, một cách xưng gọi với bạn ngang hàng.

Đức Phật thấy cần thiết để thay đổi lối xưng hô đó nên nói rằng: Như lai đã giác ngộ, các thầy không nên gọi như vậy. Lời đó không làm thay đổi ngôn ngữ của các đạo sĩ. Đức Phật lập lại đến lần thứ ba rồi Ngài hỏi rằng: Trước đây có bao giờ Như Lai nói như vậy với các thầy chưa?. Câu hỏi đó mang đầy sức thuyết phục. Cả năm cung kính đón nhận huấn từ và trở thành những đệ tử xuất gia đầu tiên của Đức Điều Ngự.

Những điểm lưu ý:

  1. a. Bằng tâm ngạo mạn chúng sanh khó lãnh hội pháp mầu.
  2. b. Con người thường dùng thành kiến để phán xét sự việc
  3. c. Không nên đáng giá bậc cao nhân bằng lý lẽ thường thức