Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Chùa Pháp Luân
Buddhist Culture Center
13913 S. Post Oak Rd Houston TX 77045 Tel. (713)433-4364 Fax (713)456-2606
Website: www.phapluan.net , email: phapluan@yahoo.com





Lá Thư Mùa Vu Lan


Mùa lễ nào cũng viết thư mời quí Phật tử xa gần với hình thức một thông báo. Năm nay đặc biệt viết như một bức thư bởi vì có nhiều việc cần nói. Tự nhiên khi viết những giòng chữ nầy chợt nhớ tới một kỷ niệm thời ở trại tị nạn Pulau Bidong. Lúc ấy là Rằm Tháng Chạp cùng hai vị thầy bạn lên núi hái hoa trang về cúng Phật. Tiện đường băng ngang khu G tới bãi biển bên kia đồi. Đang ngâm chân dưới nước biển trong mát chợt nghe vị thầy bạn hỏi: Sư cảm nhận thế nào về biển. Bất chợt không biết trả lời thế nào tôi đành cười trừ. Vị thầy ấy lại tiếp tục: Tôi chỉ cảm nhận được biển khi đứng dưới nước nghe từng cơn sóng đập vào chân. Đâu có chổ nào khác ngoài biển cả mà từng cơn sóng ập vào liên hồi bất tận như vậy. Một lần nữa tôi lại cười. Câu hỏi đã bất ngờ mà câu nói sau đó nghe cũng lạ.

Sáu tháng qua tôi cũng mang một cảm giác như vậy về việc xây cất chùa. Trước Rằm tháng Giêng năm nay tôi không hề nghĩ là sáu tháng sau, vào lễ Vu Lan nầy, việc chỉnh trang chùa Pháp Luân hoàn tất. Khởi đầu là tiền sảnh, rồi chánh điện, hội trường, tháp thờ cốt, Phật đài lộ thiên, cổng tam quan. Chỉ việc thiết kế họa đồ có thể mất chừng đó thời gian đừng nói chuyện xây cất, vận động gây quỹ. Chúng ta sẽ nói thêm về chuyện nầy sau, bây giờ hãy nói về đại lễ Vu Lan.


VU LAN


Năm nay chùa Pháp Luân tổ chức đại lễ Vu Lan vào ngày chủ nhật 14-8-2011. Vu Lan là ngày văn hóa truyền thống nói về thâm ân phụ mẫu và cầu siêu độ cho những người đã mất bằng năng lực thập phương Tăng. Tinh thần vu lan là tri ân và báo ân; người hiện tiền cầu nguyện cho người quá vãng; người trong chốn an vui khởi lòng bi mẫn với người trong khổ cảnh.

“Gìn giữ giá trị cao đẹp của truyền thống gia đình tại xứ người” là chủ đề của pháp hội vu lan năm nay. Chư tăng và quí Phật tử sẽ cùng nhau chia sẽ những thuận nghịch về quan hệ cha mẹ con cái trong cuộc sống tha hương. Ngày xưa người ta thường nói nhiều thế hệ sống dưới mái nhà. Bây giờ thường khi mỗi thế hệ một mái nhà và cũng lắm lúc nhiều văn hóa dưới một mái nhà.

Đàn tràng cầu siêu cho thân nhân quá vãng và hồi hướng cho những người đã nằm xuống vì quê hương hay trên đường vượt biên là phần nghi lễ chính của của Vu Lan. Biển Đông trong thời gian qua chứng kiến sự xâm lăng của Trung Quốc và sự hy sinh của những người bảo vệ đất nước. Nhiều năm trước biển Đông cũng chứng kiến làn sóng tị nạn của những người đi tìm tự do. Một số không nhỏ bỏ mình trong phong ba bão táp, hải tặc tấn công hay đói khát trên hoang đảo. Nhiều người ra đi không ai nhớ biết với lời nguyện cầu. Chúng ta không thể để ký ức phai mờ những trang sử bi hùng đó của dân tộc.

Đạo từ và thông điệp vu lan nhắc về hành trình của con Phật giữa đời đau khổ. Đạo từ của Đại lão Hòa Thượng Hộ Giác do chính Ngài ban bố trong ngày lễ. Thông điệp Vu Lan của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Hòa thượng viện Trưởng Thích Quảng Độ ký mang nội dung dấn thân của người Phật tử Việt Nam sẽ được tuyên đọc trong phần chánh lễ.


CÔNG TRÌNH TRÙNG TU CHÙA

Có một điều đáng nhắc về đại lễ Vu Lan năm nay là khi về chùa dự lễ quí Phật tử sẽ thấy kiến trúc ngôi chùa hoàn toàn mới. Khởi sự xây cất tiền sảnh từ Rằm tháng giêng rồi sau đó là chánh điện, pháp xá (hội trường), văn phòng, Phật đài lộ thiên, cổng Tam Quan và tháp thờ di cốt. Sáu tháng không phải là thời gian ngắn nhưng với việc trùng tu toàn bộ ngôi chùa thì quả là kỷ lục. Chỉ ba điểm sau đây cũng thấy là chúng ta đã đi một đoạn đường dài:

Làm xong phần nầy vẽ cho phần kế. Bác Nguyễn Hữu Bằng, kiến trúc sư toàn bộ công trình, đem tất cả tâm thành để xây dựng ngôi Tam Bảo không nhận chút thù lao nào (và còn cúng dường tịnh tài cùng với mọi người). Hơn 80 tuổi với cả đời trong ngành nghề bây giờ Bác dành trọn thì giờ hằng ngày để thiết kế ngôi chùa. Cái khó là làm sao xây được một ngôi chùa vừa mang nét Việt Nam vừa khế hợp với đường nét đặc trưng của Đạo Phật Nam Truyền. Tiền bạc rất giới hạn nhưng làm sao để toàn bộ cơ sở “lột xác”mới mẻ. Thời gian là một thách thức khác: hầu hết làm tới đâu vẽ tới đó. Sáu tháng thật là ngắn ngủi cho một đề án lớn như vậy.

Vận động tài chánh cho từng phần một. Toàn bộ kinh phí chỉnh trang khoảng 400 ngàn Mỹ kim. Chùa không nhiều tiền mà kinh tế đang trải qua giai đoạn suy thoái. Một Phật tử nói rằng phải chi mình sửa chùa thời tổng thống Clinton có lẽ tốt hơn. Tôi cười trả lời nhân duyên của mọi việc thường không nằm trong tính toán của mình. Gia đình đạo hữu Bùi Lang, Diệu Mai cúng dường phần tu sửa đầu tiên của chánh điện (và mái ngói sau nầy). Gd cô Cao Thị Hương cho mượn tiền xây tiền sảnh (chính công trình nầy là động lực đi tới toàn bộ đề án sau nầy). GD đạo hữu Nam ở Âu châu và nhiều Phật tử xa gần (nhiều vị ẩn danh) đã tích cực trợ duyên để hoàn tất. Lễ Thượng Nguyên trong đêm tu học nhiều Phật tử góp phần công đức. Tiệc gây quỹ trong dịp đại lễ Phật Đản kết quả khả quan. Vu lan nầy lại tiếp tục với chương trình vận động tài chánh. Có tiền tới đâu cất tới đó, cần xây cất phần nào thì thiết kế và xin phép phần đó.


Những thắng duyên ngoài dự liệu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì sự hưng vong của Phật Pháp nằm ở nhân sự hơn là chùa chiền. Trong ngôi chùa những bậc tôn túc trưởng lão là đại thọ che chở cho tất cả. Đầu năm nay sức khỏe Hòa Thượng Hộ Giác suy giảm đáng ngại trong lúc chùa đang bị bế tắc về việc xin giấy phép xây cất. Đó là một tỉ lệ nghịch. Thời gian chờ đợi trùng tu càng lâu trong khi sức khỏe của Hòa Thượng ngày càng đáng ngại. Nhờ DH Tiến, DH Trang giúp xin phép cuối cùng thành phố Houston cấp giấy phép cho toàn bộ cơ sở và công trình xây cất. Anh Phúc, Louis Construction, cũng nỗ lực để sớm hoàn thành. Bây giờ mọi thứ trôi chảy. Việc xây cất đạt mức độ kỷ lục mà sức khỏe của Hòa thượng bội phần khả quan.

Cái hiện tại làm nền tảng cho tương lai. Ngôi chùa là nơi tu học, tín ngưỡng mà cũng là trung tâm văn hóa. Tại các quốc gia Phật giáo, mái chùa là ngôi nhà chung của xóm làng. Kiến trúc chùa chiền tiêu biểu cho mỹ thuật dân tộc. Tiện nghi ngôi chùa đáp ứng nhu cầu tâm linh, văn hóa, giáo dục. Chùa Pháp Luân bây giờ tương đối đủ cho những phương diện như vậy. Tượng Phật trang nghiêm tôn trí bên trong chánh điện là biểu tượng của đại bi đại trí. Mái chùa mang dáng cách truyền thống Phật giáo từ ngàn xưa. Pháp xá (hội trường) đã được tân trang lại đủ tiện nghi cho các chương trình văn nghệ, hội họp, triển lảm. Những bức tranh trên chánh điện minh họa một số những giai thoại đặc trưng công hạnh hoằng hóa độ sanh của Đức Phật trong lúc những bức tranh tại hội trường tiêu biểu cho nét văn hóa Phật giáo của tứ chúng đệ tử Phật. Pháp xá sẽ được trang bị hệ thống multimedia và tranh tượng để khách thập phương lãnh hội những giáo lý căn bản như thập nhị duyên khởi, tứ diệu đế. Tháp thời di cốt và phòng thờ linh được xây cất trang nghiêm theo nguyện vọng tha thiết của Phật tử xa gần.


TIỆC GÂY QUỸ VÀ VĂN NGHỆ VU LAN

Vu lan là ngày lễ mang nhiều cảm xúc. Ân cha nghĩa mẹ. Sợi dây liên hệ âm dương. Tấm lòng nghĩ tưởng những người trong khổ cảnh. Tình tự đó đồng cảm qua thi ca, âm nhạc. Không ít chùa tổ chức văn nghệ Vu lan. Năm nay tại chùa cũng có chương trình đặc biệt của mùa Vu Lan đầu tiên sau khi hoàn thành việc kiết thiết ngôi chùa.

“Mái Chùa, Lòng Mẹ” là chủ đề của chương trình văn nghệ Vu Lan. Trong một lần nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh điện thoại hỏi thăm sức khỏe Hòa thượng, tôi nhân tiện đề nghị thực hiện chương trình văn nghệ ngày Rằm Tháng Bảy. Cô vui vẻ nhận lời rồi mời thêm các ca sĩ Chí Tâm, Phượng Liên, Giang Tử, Văn Đình, Mai Hoa và Liên Đoàn Hướng Đạo Pháp Luân góp phần. Có những danh ca của làng cổ nhạc tất nhiên có những trích đoạn cải lương cùng với những tiết mục tân nhạc. Cổ nhạc hòa quyện tinh thần ngày Vu Lan cho chúng ta cái đầm ấm, thiết tha của tình người, của công cha nghĩa mẹ. Văn nghệ chính thức bắt đầu lúc 1 giờ trưa.

Tiệc gây quỹ xây chùa. Với tổng số kinh phí gần 400 ngàn Mỹ kim trong thời gian sáu tháng chùa đã mượn của Phật tử 180 ngàn. Số tiền phải hoàn trả trong thời gian ngắn. Vì thế sau tiệc gây quỹ đại lễ Phật Đản bây giờ là tiệc gây quỹ đại lễ Vu Lan. Hình thức gây quỹ là chương trình văn nghệ có ăn uống mỗi vé 30 Mỹ kim. Chùa giữ một số vé bán tại chỗ trong ngày lễ. Công trình xây cất đã xong hiện chỉ cố gắng vận động hoàn trả số tiền đã mượn. Vu Lan nầy một số Phật tử ẩn danh cúng dường chi phí mua thực phẩm nấu cho đại lễ. Phật tử mua vé các bàn xem văn nghệ có dùng cơm mà Phật tử dự lễ không mua vé cũng có cơm khoản đãi trong sân chùa. Cơm trưa sẽ bắt đầu 1 giờ 30 Với những Phật tử đi chùa lâu năm đây là thời điểm lịch sử. Từ sự thao thức tạo cảnh tòng lâm trang nghiêm, u nhã bây giờ đã hiện thực. Nữa năm mà mọi sự thay đổi rất nhiều vượt ngoài tất cả kỳ vọng. Tôi bỗng nhớ lại cảm giác đứng trong nước biển ập vào chân liên tục từng hồi. Cũng như vị pháp lữ lâu ngày không gặp, tôi cảm nhận từng rung động của thắng duyên chạm vào đôi chân mình. Ân lành Tam Bảo vô lượng. Đạo tâm của chư thiện tín xa gần nói sao cho hết. Ôi biển công đức nhiệm mầu.
Ước mong mỗi chúng ta tích cực góp một bàn tay cho ngôi Tam Bảo hoàn thành mỹ mãn.

Vu Lan Tân Mão – viết trong ngày giỗ đầu của Mẹ

Trụ Trì
Tỳ kheo Giác Đẳng














Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Phật Pháp Ứng Dụng
25-7-2011

Bát Chánh Đạo



Con đường này được gọi là Trung đạo (Majjhimà Patipadà) vì nó tránh hai cực đoan: cực đoan tìm hạnh phúc bằng cách theo đuổi khoái lạc giác quan, một điều "thấp kém, tầm thường, không lợi ích, đường lối của những kẻ hạ liệt", và cực đoan tìm hạnh phúc bằng cách tự ép xác dưới nhiều hình thức khổ hạnh, điều này cũng "đau khổ, không xứng đáng, không lợi ích." Vì đã đích thân thử hai cực đoan ấy và thấy chúng vô dụng, Phật đã tìm ra Trung đạo bằng kinh nghiệm của chính ngài và thấy nó "đem lại tri kiến, đưa đến an tịnh, trí tuệ, giác ngộ, Niết-bàn." Trung đạo này thường được gọi là Bát chánh đạo (ariya attangika magga): con đường thánh tám ngành, vì nó gồm có tám phần:

Chánh kiến (sammàditthi): thấy đúng.
Chánh tư duy (sammàsankappa): nghĩ đúng.
Chánh ngữ (sammàvàca): nói đúng.
Chánh nghiệp (samm kammata): làm đúng.
Chánh mạng (sammààjiva): sống đúng.
Chánh tinh tiến (sammààyàma): siêng năng đúng.
Chánh niệm (sammà satti): nhớ đúng.
Chánh định (sammà samàdhi): tập trung đúng.

Hầu hết giáo lý Phật giảng dạy suốt 45 năm đều đề cập con đường ấy cách này hay cách khác. Ngài giảng giải nó theo nhiều hình thức khác nhau, dùng những danh từ khác nhau tùy người nghe, tùy trình độ phát triển và khả năng lãnh hội của họ. Nhưng tinh túy của hàng ngàn bài thuyết pháp rải rác trong các kinh điển Phật giáo đều nằm trong Bát chánh đạo.

Ðừng tưởng ta phải lần lượt tu tập tám loại hay tám ngành của con đường ấy theo thứ tự kể trên, mà nên cố tu tập đồng thời cả tám, tùy theo khả năng mỗi người. Vì tất cả tám ngành đều quan hệ lẫn nhau, mỗi ngành đều giúp cho sự tu luyện những ngành khác.

Tám yếu tố ấy nhằm mục đích giúp phát triển và kiện toàn ba khía cạnh cốt yếu trong sự tu tập và giới luật Phật giáo là Giới (sìla), Ðịnh (samàdhi) và Tuệ (pannà)[1]. Bởi thế ta sẽ hiểu rõ hơn về Bát chính đạo nếu phân nhóm và giải thích theo ba đề mục ấy.

Giới được xây dựng trên căn bản của đạo Phật là từ (tình yêu phổ quát) và bi (thương xót) đối với tất cả mọi sinh vật. Tiếc thay nhiều học giả đã quên đi lý tưởng vĩ đại này của Phật giáo, mà chỉ chuyên chú vào những phiêu lưu triết lý, siêu hình khi họ nói hay viết về đạo Phật. Ðức Phật ban bố giáo lý của Ngài, "vì lợi ích cho nhiều người, vì an lạc cho nhiều người, vì thương tưởng thế gian" (bahujanahitàya bahujanasukhàya lokànukampàya).

Theo Phật giáo, con người toàn thiện phải có hai đức tính cần phát triển song hành: bi (karunà) và trí (pannà). Ở đây, bi bao gồm lòng thương, bác ái, sự tử tế, bao dung và tất cả những đức tính của một tâm hồn cao thượng, đây là phương diện cảm xúc của trái tim; còn trí có nghĩa là phương diện tri thức hay những đức tính của khối óc. Nếu chỉ phát triển phần cảm xúc mà quên phần tri thức, người ta dễ trở thành một người ngu tốt bụng; nhưng nếu chỉ phát triển khía cạnh tri thức mà bỏ quên cảm xúc, người ta dễ trở thành một người trí có trái tim khô héo không chút cảm thương nào đối với tha nhân. Bởi thế muốn toàn thiện, người ta phải phát triển đồng đều cả hai khía cạnh. Ðấy là mục đích của lối sống theo đạo Phật, trong đó trí tuệ và từ bi liên quan mật thiết với nhau như ta sẽ thấy.

Giới căn bản trên từ và bi bao gồm 3 yếu tố của Bát chánh đạo: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng (số 3, 4, 5 trong bảng kê trên).

Chánh ngữ có nghĩa là:

- Không nói dối.

- Không nói xấu, vu khống, hay nói những lời có thể gây thù ghét, bất hòa, tan rã giữa những cá nhân hay những nhóm người.

- Không nói cứng cỏi, thô lỗ, vô lễ, ác độc, thóa mạ người.

- Không nói lời mách lẻo, vô ích, xuẩn ngốc.

Khi tránh được những hình thức ngôn ngữ sai quấy và có hại ấy, tất nhiên người ta phải nói sự thật, phải dùng những từ ngữ thân thiện, khoan hòa, êm ái, và nhã nhặn, có ý nghĩa và lợi ích. Người ta không nên nói năng bừa bãi, mà phải nói đúng lúc và đúng chỗ. Nếu không thể nói điều gì lợi ích, tốt hơn nên giữ sự "im lặng cao quý".

Chánh nghiệp nhằm phát sinh lối hành xử hợp đạo đức, khả kính và hòa bình. Chính nghiệp là nên từ bỏ giết hại sinh mạng, từ bỏ trộm cắp, bỏ việc buôn bán giao dịch bất lương, bỏ tà dâm và giúp kẻ khác sống một đời hòa bình đáng kính theo chính đạo.

Chánh mạng có nghĩa người ta nên từ bỏ sinh nhai bằng một nghề nghiệp có hại cho kẻ khác, như buôn bán khí giới, chất uống say sưa, độc dược, giết hại súc vật, lừa dối v.v.. và nên sống bằng nghề nghiệp đáng kính, vô tội, không có hại cho người, vật. Ở đây ta có thể thấy rõ đạo Phật cực lực chống đối bất cứ loại chiến tranh nào, khi lập nguyên tắc rằng buôn bán khí giới là một phương tiện sinh sống xấu xa bất chánh.

Ba yếu tố này (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng) của Bát chính đạo lập thành Giới. Cần nhận chân rằng giới luật Phật giáo cốt nhằm mục đích đem lại hạnh phúc, an lạc cho đời sống cá nhân và xã hội. Không thể có sự phát triển tâm linh nào nếu không có căn bản đạo đức ấy.

Kế đến là kỷ luật tâm linh bao gồm 3 yếu tố khác của Bát chánh đạo là chánh tinh tiến, chánh niệm và chánh định (số 6, 7, 8).

Chánh tinh tiến là ý chí mạnh mẽ để ngăn ngừa những điều xấu chưa sinh; để từ bỏ những điều xấu đã sinh; để làm phát sinh những điều thiện chưa sinh; và tăng trưởng những điều thiện đã sinh.

Chánh niệm (sự để ý, chú ý chân chính), là luôn luôn rõ biết, đầy đủ ý thức và chú ý về:

1. Những hoạt động của thân xác (kàya);
2. Những cảm giác hay cảm xúc (thọ,vedanà);
3. Những hoạt động của tâm (citta);
4. Ý tưởng, tư tưởng, quan niệm và sự vật (pháp, dhamma).

Sự thực hành pháp quán hơi thở ra vào (ànàpànasati) là một trong những pháp tập luyện nổi tiếng liên quan đến thân xác để phát triển tâm linh. Có nhiều cách khác để phát triển sự chú tâm liên quan đến thân xác, như các phương pháp thiền quán.

Về các cảm giác và cảm xúc, người ta phải ý thức rõ ràng tất cả mọi hình thái của chúng như vui, khổ, hoặc không vui, không khổ, cách chúng xuất hiện và tan biến trong ta.

Về những hoạt động của tâm, người ta phải ý thức xem tâm mình có tham hay không, có sân hay không, có ảo tưởng hay không, phân tán hay tập trung v.v..Với phương thức ấy, ta phải luôn luôn chú ý mọi động tác của tâm, xem chúng sinh và diệt ra sao.

Cuối cùng, về ý nghĩ hay tư tưởng, quan niệm và các pháp, ta phải biết tính chất của chúng, chúng sinh diệt ra sao, phát triển ra sao, bị áp đảo và tiêu diệt ra sao v.v..

Bốn hình thức tu tập hay thiền quán này được bàn chi tiết trong kinh Niệm xứ Satipatthàna-sutra[2].

Phần thứ ba cuối cùng của kỷ luật tâm linh là Chánh định, đưa đến bốn thiền (dhyàna). Ở sơ thiền đẩy lùi được tham dục, (tư tưởng không lành như nhục dục), sân, hôn trầm (ngủ gà ngủ gật), trạo cử (lo âu, bất an) và hoài nghi; nhưng duy trì những cảm giác hỉ và lạc, cùng với một vài hoạt động tâm linh (tầm, tứ). Ở thiền thứ hai, tất cả mọi hoạt động của tâm (tầm, tứ) biến mất, sự an tĩnh và nhất tâm được phát triển, cảm giác hỉ và lạc vẫn còn được giữ lại. Ở thiền thứ ba, hỉ cũng biến mất nhưng lạc vẫn còn, cùng với tâm xả. Ở thiền thứ tư, mọi cảm giác (thân) lạc khổ, (tâm) hỉ ưu đều tan biến, chỉ còn lại xả và sự nhất tâm thuần tịnh (xả niệm thanh tịnh).

Như thế tâm được huấn luyện, khép vào kỷ luật và phát triển nhờ chánh tinh tiến, chánh niệm và chánh định.

Chúng ta đã bàn qua sáu yếu tố của Bát chánh đạo (3,4,5,6,7,8) làm đối tượng cho Giới và Ðịnh. Hai yếu tố còn lại, Chánh tư duy và Chánh kiến, làm nên trí tuệ.

Chánh tư duy liên hệ đến những tư tưởng về từ bỏ, giải thoát, tình yêu vô ngã, bất bạo động trải đến muôn loài. Một điều thú vị và quan trọng cần chú ý ở đây là những ý tưởng về giải thoát, tình yêu vô ngã và bất bạo động được nhóm họp về phía trí tuệ. Ðiều này tỏ rõ rằng trí tuệ chân thật vốn có những đức tính cao quý ấy, rằng mọi tư tưởng về dục vọng vị kỷ, sân hận hay bạo động đều là hậu quả của sự thiếu trí tuệ trong mọi lãnh vực đời sống cá nhân, xã hội, chính trị.

Chánh kiến là sự thấy biết mọi sự đúng như thật, và chính Tứ diệu đế mới giải thích sự vật đúng như thật. Bởi vậy chánh kiến rốt cuộc là thấy, hiểu Tứ diệu đế. Sự hiểu biết này là trí tuệ cao cả nhất, thấy được thực tại tối hậu. Theo Phật giáo có hai loại hiểu biết: hiểu biết thông thường của chúng ta là kiến thức, trí nhớ tích lũy, sự lãnh hội dựa trên một số dữ kiện. Phật giáo gọi đấy là "hiểu biết tùy thuộc" (anubodha). Nó không sâu sắc lắm. Sự hiểu biết sâu sắc thật sự gọi là thâm nhập (pativedha), thấy biết sự vật trong bản chất của nó mà không cần tên và nhãn hiệu. Sự thâm nhập này chỉ có thể có khi tâm đã sạch mọi ô nhiễm và đã hoàn toàn phát triển nhờ thiền định[3].

Từ sự miêu tả sơ lược này về Bát chánh đạo, ta có thể thấy rằng đấy là một lối sống phải được mỗi người tuân theo, thực hành và phát triển. Nó là tự kỷ luật trong thân xác, lời nói và ý nghĩ, tự phát triển và tự thanh lọc. Nó không dính líu gì đến đức tin, cầu nguyện, thờ phụng hay nghi lễ. Trong nghĩa đó, nó không có gì có thể gọi là có tính cách "tôn giáo" thông thường. Nó là một con đường dẫn đến sự thực chứng chân lý tối hậu, dẫn đến tự do hoàn toàn, hạnh phúc và bình an nhờ sự hoàn thiện về đạo đức, tâm linh và trí thức.

Trong những xứ theo Phật giáo, có những thói tục và nghi lễ đơn giản và đẹp, vào những dịp lễ tôn giáo. Chúng không liên quan gì lắm đến Con Ðường thực sự. Nhưng chúng có giá trị ở chỗ làm thỏa mãn vài cảm xúc tôn giáo và nhu cầu của những người còn thấp kém, và giúp họ dần dần đi đến Con Ðường.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Phật Pháp Ứng Dụng
23-7-2011

BẢY GIÁC CHI
(Bojjhaṅga)
- tiếp theo -


4- Hỷ giác-chi (Pīṭi bojjhaṅga)

Thực-tính pháp của hỷ giác-chi là sở-hữu hỷ. Sở-hữu hỷ khác với thọ-hỷ, sở-hữu hỷ là trạng-thái vui thích đối với cảnh, còn thọ-hỷ là thọ lãnh sự vui thích.

Một người đi đường xe mệt mỏi, khát nước, y thấy hồ nước trong mát nên vui mừng, đến nơi y uống nước một cách thích-thú. Trạng-thái vui thích trước khi uống nước là Sở-hữu hỷ, còn uống nước một cách thích-thú là Thọ-hỷ.

Hỷ giác-chi ở đây là nói đến trạng-thái thích-thú, hân-hoan, không đắm-nhiễm trong đối-tượng, có mục-đích dẫn ra khỏi khổ. Hỷ là một đức-tính có ảnh hưởng sâu rộng, bao gồm cả thân tâm. Khi hỷ được tu-tập phát-triển, thân hành-giả có cảm giác nhẹ nhàng hay cảm thấy thân tràn đầy sinh lực, sẵn-sàng làm bất kỳ việc gì, không hề e-ngại khó khăn, mệt nhọc.

Người thiếu sự hân-hoan, không thể vượt qua con đường giác-ngộ để thành-đạt cứu cánh giải-thoát, vì không hân-hoan, nên không thể kham-nhẫn, chịu-đựng trước những chướng-ngại, khó khăn. Ví như người đi lạc trong rừng đầy hiểm-họa, chợt nhìn thấy con đường dẫn ra khỏi rừng, nếu y hân-hoan, sẽ nhanh chóng vượt ra khỏi rừng trước khi hiểm-họa xảy đến. Trái lại, nếu y không hân-hoan, sẽ uể-oải lê bước, y khó có thể ra khỏi rừng trước khi hiểm-họa xảy đến.

Một nỗi buồn man mác, một trạng-thái lãnh-đạm thờ ơ, một sự không hân-hoan thích-thú trước pháp thiền Chỉ hay thiền Quán sẽ dẫn đến một sự bất-mãn, không toại-nguyện. Ðó là hiển tướng của trạng-thái thiếu hay không có pháp hỷ. Như vậy, pháp hỷ là một điều rất cần thiết để bước vào một cuộc hành-trình chinh phục đau-khổ, thoát ra khổ luân-hồi.

Hành-giả là người có nguyện vọng thành-đạt sự giác-ngộ, giải-thoát khỏi những ràng buộc vào cuộc lăn trôi vô định của luân-hồi, cần phải cố-gắng trau dồi pháp hỷ này. Không ai có thể ban hạnh-phúc cho ai cả, mỗi người tự xây hạnh-phúc bằng sự cố-gắng của chính mình, tích cực suy-niệm làm cho tâm an-trụ, chính sự an-trụ tâm, hỷ-lạc mới sanh lên.

Có hai loại hỷ: hỷ hướng về bên ngoài, hỷ hướng về bên trong. Hỷ hướng về bên ngoài là trạng-thái thích-thú trước năm trần-cảnh, đây là loại hỷ cần nên từ bỏ. Hỷ hướng về bên trong là trạng-thái thích-thú trước những pháp đáng hài lòng, đáng thích ý.

Loại hỷ này cũng có hai loại:

- Loại hỷ thích-thú trước pháp đáng thích-thú, liên-hệ đến dục, liên-hệ đến bất-thiện pháp, loại hỷ này cần xa lánh, cần từ bỏ, cần đoạn-trừ.

- Loại hỷ thích-thú trước pháp đáng thích-thú, liên-hệ đến thiện-pháp, loại hỷ này nên thân-cận, nên tu-tập, nên làm cho sung-mãn.

Và loại hỷ thân-cận với thiện-pháp, là điềm báo cho hỷ giác-chi sanh-khởi. Do đó, không nên tìm sự thích-thú, hân-hoan ở bên ngoài, cho dù chỉ chút ít nhỏ nhoi, cảnh vật bên ngoài cũng ảnh hưởng không ít đến tâm.

5- Tịnh giác-chi (passaddhi sambojjaṅga)

Chữ Passaddhi từ chữ Pa + ngữ căn Sambh, nghĩa là an-tịnh, đặc-tính của Passaddhi là làm dịu sự nóng bức do phiền-não dục (kilesadara vūpasam) gây ra. Passaddhi đối với tâm giống như bóng mát đối với người bị ánh-nắng mặt trời chiếu rọi.

Passaddhi là một sở-hữu đối trị với phóng-dật. Passaddhi có hai là: kāya passaddhi (tịnh-thân) và ciṭṭa passaddhi (tịnh-tâm). Kāya (thân) ở đây không có nghĩa là thể-xác, thân ở đây chỉ cho các sở-hữu, thành-phần của tâm. Nói cách khác, kāya chỉ cho thọ-uẩn, hành-uẩn (ngoại-trừ kāyapassaddhi) và tưởng-uẩn cùng có mặt với tâm.

Kāyapassaddhi (tịnh-thân) là trạng-thái an-tịnh của cácsở-hữu cùng hiện-hữu với tâm. Còn ciṭṭa passaddhi (tịnh-tâm) là trạng-thái an-tịnh của tâm.

Tịnh có thể ví như người đang bị nóng bức, được cơn mưa tưới xuống, trở nên mát-mẽ, thoải-mái, dễ chịu. Làm cho tâm an-tịnh là việc khó thực-hiện, tâm luôn luôn chao-động có khuynh-hướng không bao giờ ở yên một chỗ. Tâm ví như cá vớt ra khỏi mặt nước, ném trên mặt đất.

Vāriyo’va ṭhale khiṭṭo
Okamokaṭa ubhaṭo
Pariphandaṭi’ midaṃ ciṭṭaṃ
Māradheyyaṃ pahāṭave.

"Cá bị vớt lên khỏi nước và vứt trên đất khô như thế nào,
tâm dao-động cũng dường thế ấy.
Vậy phải cách xa cảnh giới của dục-vọng". (Pháp Cú 34)

Sở dĩ tâm không được an-tịnh là do có tham, sân, si ngự-trị, chính tham, sân, si làm cho tâm bất an. Nhưng tham, sân, si ngự-trị được tâm là do đâu? Do dục. Nói cách khác, tịnh có được là do xa lìa dục (vọng). Dục (vọng) được xa lìa khi hành-giả chứng được sơ-thiền, cho dù hành-giả có đạt đến cận-định, tâm tuy yên-lặng nhưng chưa an-tịnh hoàn toàn vì còn liên-hệ đến dục.

Cũng nên phân biệt dục-lạc và dục. Dục-lạc là những khoái-lạc do năm trần-cảnh mang lại, còn dục là những gì thuộc về năm trần-cảnh mà chúng-sanh muốn thụ-hưởng nó (kāma paribhuñjaṭi -paribhuñjaṭi là ăn uống). Ðược gọi là dục-vọng bởi vì những trần-cảnh có đặc-tướng vui ít nguy hại nhiều.

An-tịnh lại là một điều khác của căn-bản phạm-hạnh, chỉ khi nào tâm được an-tịnh, khi ấy tâm mới được điều-phục.

Tâm được an-tịnh khi được uốn nắn trong vòng trật-tự, trong sự tiến-bộ chân-chánh, khi ấy tâm mới trở nên hữu-ích cho mình và cho người. Cái tâm náo-động, bất-chánh, hành-xử vô trật-tự đó mới chính là hiểm-họa cho mình lẫn cho người. Như thế, không nên gọi là "tâm bị trói-buộc bởi pháp, bởi giới-hạnh" được.

Giả sử rằng: Nếu tâm bị trói-buộc như thế mà đưa đến giác-ngộ, đưa đến tịnh-lạc thì tâm cũng nên bị trói-buộc, còn hơn tâm tự-do phóng túng để rồi rơi vào đọa lạc.

Thật ra, chính đức Phật dạy rằng: "Chánh-pháp còn phải bỏ huống chi là tà-pháp". (Tăng-chi kinh)

Trong bài kinh Raṭṭhavivāṭa suṭṭa (kinh Trạm-xe) trong Trung-bộ, Ngài Punna manṭānipuṭṭa đáp lời của trưởng-lão Sārīpuṭṭa rằng:

"Anupādā pari nibbānaṭṭhaṃ kho āvuso.
Bhagavaṭī brahmacariyaṃ vussaṭīṭi:

- Này hiền-giả! sống đời sống phạm-hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ðức Thế-tôn với mục-đích không nắm giữ trước viên tịch (parinibbāna)".

Như vậy, tâm an-tịnh là giai đoạn tu tập, khi thành-đạt mục đích giải-thoát hoàn toàn, tâm tự nhiên không còn nắm giữ thiện hay bất thiện nữa.

Nhưng giữ được tâm an-tịnh trước những chướng-ngại quả là khó, chính cái đức-độ khó có được ấy, mới là điều đáng cho hành-giả tận-lực cố-gắng để thành-tựu.

6- Ðịnh giác-chi (Samàdhi sambojjhaṅga).

Ðịnh là sở-hữu ekaggaṭā (Nhất-hành) nghĩa là an-trú vào một cảnh, tương-tự như niệm, tinh-tấn, tùy công-năng của nó trong lãnh-vực nào, nó mang tên theo lãnh-vực ấy, như định-quyền, định-lực, định giác-chi, chánh-định.

Ðịnh đi theo tuệ Minh-sát có tên gọi là Không-định là loại định an-trú vào tướng vô-ngã, Vô-tướng định là loại định an-trú vào tướng vô-thường, Vô-nguyện định là loại định an-trú vào tướng khổ.

Thông thường, Định là dùng để chỉ cho thiền Chỉ, là loại định trong tám tầng thiền: 4 tầng thiền hữu-sắc và 4 tầng thiền vô-sắc. Trong lãnh-vực này có ba loại định là:

1. Tiên -khởi định.
2. Cận -định.
3. An-chỉ định.

Tiên-khởi định là loại định thông-thường, trụ vào ấn-tướng ban đầu (còn có tên gọi là sát-na định -khaṇa samādhi). Cận-hành định là loại định già mạnh có được bốn chi-thiền là: tầm, tứ, hỷ, lạc. An-chỉ định là chỉ cho tám tầng thiền mà hành-giả chứng đạt được.

Tiên-khởi định và cận-hành định có thể gom vào cận-định. Ðiều-kiện giúp cho định sanh-khởi tốt đẹp là sự an-tịnh (passaddhi), chỉ có tâm an-tịnh mới dễ-dàng trụ trong đề mục thiền.

Tâm có an-tịnh và trụ mới thấy sự vật đúng theo chân-tướng, như nước yên-lặng không còn xao-động, hành-giả mới thấy rõ những gì ở đáy chén nước.

Ðịnh là trạng-thái ổn-định vững-chắc của tâm, ví như ngọn lửa không chao-động ở nơi không có gió. Khi tâm đã trú-vững trong đề mục thì không thể có những ngọn gió năm trần-dục được, nên đức Phật gọi trạng-thái sơ-thiền là: "Trạng-thái hỷ-lạc có tầm có tứ, do ly-dục, ly bất-thiện pháp sanh". Trạng-thái nhị-thiền là: "Trạng-thái hỷ-lạc không tầm không tứ, do định sanh...".

Nhưng đó không phải là định giác-chi, vì nó không hướng về giải-thoát, bao giờ định hướng về giác-ngộ đạo-quả, hướng về Níp-bàn giải-thoát khổ, khi ấy mới gọi là định giác-chi.

Trong kinh tạng có ghi câu chuyện: Trưởng-lão Sārīpuṭṭa theo lời thỉnh-cầu của ông Bà-la-môn lâm trọng-bệnh sắp mệnh-chung. Trưởng-lão Sārīpuṭṭa thuyết-giảng pháp thoại hướng dẫn Bà-la-môn ấy an-trú vào sơ-định trước khi lâm-chung. Sau khi mệnh-chung ông Bà-la-môn tái-sanh về cõi sơ-thiền là vị phạm-thiên. Nghe được câu chuyện, đức Phật rầy Ngài Sārīpuṭṭa: Vì sao chỉ an-trú vị ấy vào cảnh giới phạm-thiên, trong khi vị ấy có khả-năng chứng-đắc đạo-quả.

Dĩ nhiên, hành-giả muốn tu-tập định giác-chi, trước hết phải tu-tập định-nhập, tức là phải lìa bỏ trong tâm những bất-thiện pháp, không đắm-nhiễm trong dục. Không có bất-thiện pháp, đồng nghĩa là thiện-pháp, là làm bạn với thiện. Làm bạn với thiện là điều báo hiệu cho định giác-chi sanh-khởi và tăng-trưởng.

Ðiềm báo hiệu định tu-tập xuất hiện (tức sơ-định, nhị-định...) là giới thanh-tịnh. Hành-giả muốn trau dồi tâm định, phải có sự quyết tâm trau dồi giới-hạnh được tinh nghiêm, chính giới-hạnh nuôi dưỡng đời sống tâm linh ngày càng trong sáng như vỏ ốc xa-cừ được đánh bóng. Tâm được trau dồi sẽ tiêu trừ những khát-vọng, thanh-lọc những ô-nhiễm làm tâm trở nên tinh-khiết. Tâm không bị năm trần-cảnh làm loạn-động, đó là tâm định. Khi định được phát-triển cao độ, dầu ở trong hoàn cảnh trái nghịch nào cũng không làm nó lay động, nghiêng ngã.

7- Xả giác-chi (Upekkhā sambojjhaṅga).

Upekkhā ở đây đồng nghĩa với ṭaṭra majjhaṭṭaṭā. Ðặc-tính của upekkhā là xem đối-tượng một cách vô-tư, không thiên-lệch, ví như người đánh xe khéo điều khiển cặp ngựa song hành luôn đi ngang hàng nhau.

Xả là trạng-thái quân-bình tâm, không phải là sự lãnh-đạm dững dưng. Trạng-thái tâm quân-bình là kết quả từ tâm định tĩnh.

Lẽ thường, phàm-nhân khó tránh khỏi chao-động khi phải va chạm thường xuyên vào những cảnh thăng-trầm của cuộc sống. Người trau dồi đức tánh xả này, sẽ không cảm thấy phiền-lụy nhiều trước những cảnh thăng-trầm của cuộc đời, bình thản trước cảnh được hay mất của thế-gian.

Nhiều người không chịu đựng nỗi trước những hạnh-phúc bất ngờ xảy đến khiến phải ngất lịm, cũng như vật-vả khóc than, phiền-muộn khi tài-sản vật-chất bất ngờ "đội nón ra đi". Thậm chí, một lời hứa hảo-huyền về lợi-đắc cũng làm cho họ ôm ấp hy-vọng, khi lời hứa ấy theo gió đi xa, họ lại sầu-khổ, ta-thán. Họ sầu-khổ vì mất món lợi tưởng-tượng, một lợi-lộc xét ra không do họ tạo ra, họ mất cái chưa có trong tay, thế mà họ còn phiền-muộn thì nói gì đến những tài-sản họ có được. Nếu mất những cái họ có trong tay, họ có cảm giác "Chết đi được". Một lời khen xã-giao gọi là, mang đến vui mừng hớn hở cho họ, một lời vô-tình chê trách, họ ôm trong lòng nổi hận-thù truyền-kiếp.

Tất cả những điều ấy, nói lên trạng-thái tâm không được quân-bình.

Trái lại, người có trau dồi tâm quân-bình, sẽ có cái nhìn vô-tư, thản-nhiên trước những biến chuyển của thế-gian, trầm-tĩnh trước những lời khen ngợi, tự-tại trong sự dè bỉu chê bai (nếu sự chê trách ấy không đúng và có ác ý). Ðó là người làm chủ được mình, làm chủ được tâm.

"Selo yaṭhā ekaghano
Vāṭena na samīraṭi
Evaṃ nindāpasaṃsāsu
Na samiñjanṭi paṇḍiṭā
.

Như tảng đá vững-chắc,
không rung chuyển trước gió.
Dường thế ấy, bậc thiện-trí không bị lời tán dương hay chê trách làm chao-động
".(Pháp Cú 81)


trích ĐƯỜNG ĐẾN GIÁC NGỘ. TK Chánh Minh

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

Phật Pháp Ứng Dụng
23-7-2011

BẢY GIÁC CHI
(Bojjhaṅga)


Danh từ Bojjhaṅga bao gồm hai phần: Bodhi + aṅga.
Bodhi ám chỉ chứng ngộ, giác-ngộ, nói một cách chính xác và rốt ráo là: Thông-đạt bốn chân lý tối thượng: chân lý về khổ, chân lý về nhân sanh khổ, chân lý về sự diệt khổ, chân lý về con đường đưa đến sự diệt khổ.
Aṅga nghĩa là yếu tố, thành-phần.
Bojjhaṅga nghĩa là thành-phần đưa đến sự giác-ngộ, chứng-đạt bốn sự-thật, thường được dịch là giác-chi.

1- Niệm giác-chi (saṭi sambojjhaṅga).
Niệm là yếu tố đầu tiên của sự giác-ngộ, đó là phương tiện hữu hiệu nhất trong sự điều-phục tâm, làm chủ tâm. Bất luận người nào có duyên lành, khi hành pháp niệm một cách đúng đắn là người
Xuyên qua Tam-tạng kinh-điển Pāli, danh từ appamāda được dùng theo nghĩa saṭi, nhưng appamāda mang tính đậm đặc hơn saṭi, saṭi chỉ là sự ghi nhận bình thường, còn appamāda hàm ý "theo dõi sự ghi nhận". Nó giống như người quản đốc theo dõi sự làm việc của người thợ, nếu người quản đốc nhìn người thợ đang làm việc, y ghi nhận rằng: người thợ đang làm việc, đó là Sati, còn y biết rõ sự tiến triển công việc qua sự làm việc của người thợ ví như Appamāda.
Luôn luôn có sự ghi nhớ biết mình là trạng-thái của thức-tỉnh (sampajaññā), hành-giả không thể giữ được sự ghi nhận, nếu không có tỉnh-thức để biết rõ, biết đầy đủ hành động của thân, lời nói cùng ý nghĩ trong từng giây, từng phút.
Chỉ khi nào có được tỉnh-thức, hành-giả mới biết rõ những diễn tiến của thân, ngữ, ý. Khi ấy mới phân biệt được "đây là thiện, đây là bất-thiện", đây là đúng, đây là sai. Mà có được sự tỉnh-thức ấy, phải luôn luôn có sự biết mình, tức là không dể-duôi (appamāda).

2- Trạch-pháp giác-chi (Dhammavicaya sambojjhaṅga)
Là nhiệt thành suy xét pháp, hay suy ngẫm cao độ về giáo-pháp của đức Phật. Chữ vicaya nghĩa là tìm kiếm, sưu tầm.
Trước tiên, hành-giả cần phải có pháp để suy xét, nhưng đó là pháp nào? Là già-bệnh-chết, ba hiện tượng này đã thúc giục Bồ-tát Siddhaṭṭha lên đường, sống đời đạo hạnh giữa chốn rừng sâu và cuối cùng thành-đạt Vô-thượng Chánh-đẳng-giác dưới cội Bồ-đề. Già-bệnh-chết nằm trong thân năm uẩn.
Trong quá trình tu-tập, khi quán-xét về ba hiện tượng này, hành-giả sẽ gặp những suy-tư, những gút mắc, những nghi-vấn. Hành-giả tìm trong giáo-pháp của đức Phật những pháp môn nhằm mục-đích giải quyết những băn khoăn, nghi-hoặc ấy. Trong Phật-giáo không có sự cưỡng bức hay áp chế đức-tin, đức Phật không đòi hỏi hàng tứ chúng có một đức-tin mù quáng, cũng không tán thán loại đức tin này. Trái lại, Ngài tán thán loại đức-tin có suy-nghiệm kỹ, có thực chứng rõ ràng.
Trong Trường-bộ kinh bài kinh Tự-hoan-hỷ (sampasādaniya suṭṭa). Khi Ngài Sārīpuṭṭa bày tỏ lòng tin của mình đối với đức Phật, đức Phật hỏi vì sao có lòng tin đối với bậc Ðạo-sư như vậy? Ngài Sārīpuṭṭa trình-bày: Truyền-thống chánh-pháp do Ðức Thế-tôn thuyết-giảng, được Ngài nhận biết: như pháp đen pháp trắng đều được đối chiếu. Và pháp thiện (pháp trắng) được Ngài thâm hiểu trọn vẹn
Nhưng suy xét từng chi tiết nhỏ nhặt trên phương diện nào? Trên phương diện dẫn đến tác hại hay lợi-ích: tức là suy xét đến hậu quả (phala) của nó. Chính sự suy xét như thế, làm phát-sanh trí nhạy bén trong nhân phát-sanh, nhân đoạn-diệt của pháp (nào đó).
Như vậy, giáo-lý có tính phân-tích (vibhajjavāda) mà đức Phật hướng dẫn cho chư đệ tử, giáo-lý ấy không xây-dựng trên nền-tảng đức-tin mù quáng, giáo-lý này được xây-dựng trên nền-tảng suy-nghiệm và thực chứng. Ðó là giáo-lý hình thành qua trí-tuệ thực tiển.
Hành-giả thực tập điều này, gọi là tu-tập trạch-pháp giác-chi, nhưng phải dựa vào tác-ý đúng.
Trạch-pháp giác-chi là pháp giúp hành-giả có cái nhìn rõ ràng, nhận-thức được những gì đang bị che lấp bên trong, không còn quan điểm mù mờ về các hiện tượng của danh -sắc. Và hành-giả sẽ vượt lên trên mọi lầm-lạc nhờ có tuệ minh-sát sắc bén.

3- Tấn giác-chi (Viriya sambojjhaṅga)
Chi pháp bản thể của tấn là sở-hữu tinh-tấn, nhưng khi tấn hoạt động trong lãnh-vực nào, nó có tên gọi theo lãnh-vực ấy, như:
- Khi kiên-trì nỗ-lực ngăn chặn mọi ác pháp đang sanh hay chưa sanh, ủng hộ các thiện-pháp đang sanh, làm sanh-khởi những thiện-pháp chưa sanh, có tên gọi là Chánh-cần.
- Khi nỗ-lực nhiệt-tâm để thành-tựu những pháp cao-thượng, được mang tên Tấn như-ý túc.
- Trong lãnh-vực cai quản, kiểm-soát các pháp đồng sanh với nó, thì gọi là Tấn-quyền. Còn có sức mạnh, không rung động trước sự biếng nhác, gọi là Tấn-lực.
- Trong phương diện đưa đến giác-ngộ, thoát ra khổ luân-hồi gọi là Tấn giác-chi.
Hành-giả lúc thối chí, biếng nhác trong công việc tu-tập, hành-giả nên nhớ lại đời sống của Ðấng Ðạo-sư.
Ðời sống của đức Phật cho thấy rằng: Ngài không bao giờ có sự mệt mõi tinh-thần hay đạo-đức. Từ lúc thành-đạo Vô-thượng Chánh-giác cho đến phút cuối, trải qua nhiều năm mang lợi-ích đến chúng-sanh, thuyết-giảng những pháp nhằm mục-đích nâng cao phẩm hạnh con người, Ngài không bao giờ có sự dã-dượi biếng nhác tinh-thần, cho dù thân xác Ngài lắm khi phải mệt mõi vì ốm đau, đồng thời phải trải qua những sự chống đối, phỉ báng, ám hại của thế-gian, phải trải qua những nghịch-cảnh của đời sống.
Hành-giả suy nghĩ rằng: "Vì hạnh-phúc của chúng-sanh (chẳng phải vì lợi-ích của Ngài), Ðức Ðạo-sư không ngừng cố-gắng, không phải bao giờ Ngài cũng khoẻ mạnh nhưng Ngài không hề giảm sút nỗ-lực về mặt tinh-thần. Ta là môn đệ của Ngài, vì lợi-ích cho chính mình, tại sao ta lại biếng nhác chứ? Người có trí sẽ chê trách ta, không tán thán ta". Ðó là động cơ thúc giục sự tinh-
"Này chư tỳ-khưu! Ví như điềm báo trước mặt trời sắp mọc là rạng đông, cũng vậy, này các tỳ-khưu! điềm báo trước bảy giác-chi sanh-khởi là làm bạn với thiện ...".
Và:
"Này các tỳ-khưu! Ví như điềm báo trước mặt trời sắp mọc là rạng đông, cũng vậy, này các tỳ-khưu! điềm báo trước bảy giác-chi sanh-khởi là tác-ý đúng...". (Tương-ưng kinh)
Qua hai đoạn kinh trên, chúng ta thấy: Tác-ý đúng và làm bạn với thiện làm sanh-khởi bảy giác-chi.
Ở đây, bốn chánh-cần là thiện, là nhân sanh-khởi tấn giác-chi, nhưng mục-đích của chánh-cần là tích lũy thiện, không cho thiện bể vụn, hư hoại do ác pháp sanh-khởi, còn mục-đích của tấn giác-chi là đoạn tận nghiệp, dẫn đến đoạn tận khổ.
"Này các tỳ-khưu! Con đường nào, đạo lộ nào đưa đến đoạn tận khát ái. Hãy tu-tập con đường ấy.
Này các tỳ-khưu! Con đường, đạo lộ đưa đến đoạn tận khát ái, đó là bảy giác-chi ...
Này Udāyi! Như vậy, do khát ái đoạn tận, nên nghiệp đoạn tận. Do nghiệp đoạn tận nên khổ đoạn tận". (Tương-ưng kinh)
Ðể nhận định rõ ràng hơn vấn đề này, chúng ta xét qua kết quả của chánh-cần và tấn giác-chi. Chánh-cần tích lũy thiện, gìn-giữ thiện không cho hư hoại, bể vụn nên kết quả của chánh-cần là quả an lạc, quả trắng, còn Tấn giác-chi có kết quả như thế nào?
Do đó, trong sự tu-tập bảy giác-chi, hành-giả nên nhận-định rõ ràng về ý-nghĩa cùng mục-đích của giác-chi.
Chánh-cần được tu-tập đồng nghĩa là bảo tồn thiện-pháp, gần gũi thiện, làm bạn với thiện. Ðó là nhân để sanh-khởi tấn giác-chi.
Vấn đề được đặt ra là: Làm thế nào để bảo tồn thiện luôn luôn được tinh sạch? Chính là sự suy-tư đến thiện liên-hệ với thiện, nhờ đó các suy-tư liên-hệ đến dục, sân, si, ác bất-thiện pháp không thể sanh-khởi, đang sanh-khởi bị đoạn trừ. Tức là, hành-giả nỗ-lực trong sự suy-tư về thiện-pháp, khi có một tư-tưởng ác xấu sanh-khởi, nó sẽ bị tiêu diệt ngay.
"Ví như người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ, đánh bật ra, đánh tung ra cái nêm khác...". (Kinh Đình chỉ tư duy, Trung bộ kinh)
Ðối với người lười-biếng, không tinh-tấn, con đường trong sạch xem như bị khóa chặt.
Hành-giả là người có nguyện vọng thành-đạt giác-ngộ, phải tự nung đúc mình một ý chí dũng-mãnh với đức-tin không thối chuyển. Và sự giác-ngộ, giải-thoát khổ không nằm ở ngoài ta, nằm ở chính trong thân ngũ-uẩn.
"Này Rohiṭassa! Như-lai tuyên bố, chính trong thân ngũ-uẩn có sự khổ và sự diệt khổ". (Aṅguṭṭara-nikāya)
Hành-giả nên lập tâm rằng:
"Bổn phận của ta là phải nỗ-lực đạt cho được sự giải-thoát, cửa giải-thoát không hề đóng khóa chặt, chìa khóa mở cửa giác-ngộ không nằm trong tay ai cả, nên ta không cần phải van vái nguyện cầu để được ban bố.
Cánh cửa giải-thoát của ta không bao giờ cài khóa chắc, chỉ có ta là người cài khóa chắc bằng sự biếng nhác".
Ðức Phật có dạy rằng:
Uṭṭhānakālamhi anuṭṭhāno
Yuvā balī ālasiyaỵ upeṭo
Saṃsannasaṅkappamano kusīṭo
Paññāya maggaṃ alaso na vindaṭi.
"Người sống tiêu cực, uể-oải, không tinh-cần trong thời cần phải tinh-cần,
người tuy trẻ tuổi, khỏe mạnh vẫn lười-biếng với tinh-thần suy nhược,
sẽ không có trí-tuệ chứng ngộ con đường giải-thoát". (Pháp Cú 280)
Ðó là động cơ thúc giục sự nỗ-lực tinh-cần khởi lên trong tâm của hành-giả với ý chí mãnh-liệt.

(Còn tiếp)

Trích ĐƯỜNG ĐẾN GIÁC NGỘ. TK CHÁNH MINH

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Phật Pháp Ứng Dụng
22-7-2011

NGŨ LỰC
(Pañca-bala)


Gọi là lực (balāni) vì có khả-năng áp đảo các trạng-thái đối nghịch.

Trong Paṭisambhidāmagga có giải thích: "gọi là lực do ý-nghĩa: không bị rung động (akampaṭṭhena) trước pháp đối nghịch".

Tương-tự như năm quyền là năm lực.

1- Tín-lực (sadhā bala): với ý-nghĩa không rung động trước sự vô-tín.
2- Tấn-lực (vīriya bala): với ý-nghĩa không rung động trong sự biếng nhác.
3- Niệm-lực (saṭi bala): với ý-nghĩa không rung động trong sự dể-duôi (pamāda).
4- Ðịnh-lực (samādhi bala): với ý-nghĩa không rung động trong sự tán-loạn.
5- Tuệ-lực (paññā bala): với ý-nghĩa không rung động trong mê-muội, lầm lẫn.

Ở đâu có quyền ở đó có lực.

Trong Tương-ưng kinh, phẩm Tương-ưng quyền, đức Phật có dạy:

-"Này chư tỳ-khưu! cái gì là tín-quyền, cái ấy là tín-lực, cái gì là tín-lực, cái ấy là tín-quyền...
Cái gì là tuệ-quyền, cái ấy là tuệ-lực, cái gì là tuệ-lực, cái ấy là tuệ-quyền...
".

Ở đây, bản chất pháp thực-tính của năm quyền và năm lực là một, chỉ khác nhau về khía cạnh tác-dụng: quyền có ý-nghĩa là cai quản kiểm-soát, còn lực là sự không rúng động, áp đảo pháp nghịch. Ví như gạo tẻ nấu thành cháo cho người bệnh dùng, nấu thành cơm cho người khỏe mạnh dùng, cơm hay cháo tuy khác tên gọi, nhưng bản chất cũng là gạo tẻ, tuy bản chất như nhau nhưng công dụng khác nhau.

Năm lực cũng giống như năm dũng tướng đang nỗ lực, hăng say tiêu diệt vương-quốc đối nghịch là vùng tùy-miên, trước tiên là thành-trì thân-kiến.

Ðây là năm lực mà hàng xuất-gia cũng như tại gia cần tin cậy.

Tín-lực (saddhā bala)

Tương-tự như tín-quyền, tín-lực cũng có hai loại:

- Tín-lực thông-thường (pakaṭi saddhā).
- Tín-lực tu-tập (bhāvanā saddhā).

Sức-mạnh của đức-tin bình thường giống như cây yếu mọc trên đất mềm, dễ bị gió làm lay động, để rồi đánh bật cả gốc rễ. Cũng vậy, thường tín-lực không có sự tu-tập qua pháp-hành đặc biệt, thường tín-lực ấy dễ bị sức mạnh của ái-dục xuyên qua một trong năm trần-cảnh hay pháp khả-ái khả-lạc xâm nhập vào. Và thế là đức-tin ấy chỉ tạo những thiện-nghiệp bình thườnh như: bố-thí, trì-giới ...

Sự bố-thí với ước muốn được có nhiều tài-sản vật-chất hay trì-giới để được sống lâu, được an lạc... đó là do sức mạnh của ái-dục dẫn dắt.

Sức mạnh đức-tin loại này, không thể chống lại hay khắc-chế ái-dục được, ngược lại chính ái-dục điều khiển đức-tin bình thường, đức-tin bị dẫn dắt như thế gọi là đức-tin không có lực. Chính cái lạc trong vật-chất là vũ khí đắc lực của ái-dục dùng để khống chế đức-tin bình thường.

Những bài kinh Pāli nêu ra rất rõ ràng về bốn pháp-hành của bậc trí là truyền-thống của bậc Thánh (ariyavaṃsa):

- Tri-túc trong vật-thực.
- Tri-túc trong y phục.
- Tri-túc trong chỗ cư ngụ.
- Thỏa thích trong tu-tập (Chỉ hay Quán).

Bốn lãnh-vực này là vương quốc rộng lớn của đức-tin, đức-tin ẩn náu trong bốn lãnh-vực này.

Hiện-tại, chúng-sanh vui thích trong những điều-kiện vật-chất (paccayāmisa) như tiền tài, địa vị, quyền tước, danh vọng ... họ vui thích trong đời sống khoái-lạc vật-chất, tầm cầu tài-sản thuộc về thế-gian, quyền lực (vaṭṭāmisa) ... Và trong vương-quốc ái-dục có đầy đủ những loại này, vương-quốc ái-dục càng rộng mở thì vương-quốc đức-tin ngày càng thu hẹp, giống như nước đại-dương lấp dần hải-đảo, hải-đảo ngày càng thu nhỏ, trái lại đại-dương càng lúc càng nới rộng. Ðiều này cho thấy sự yếu ớt của đức-tin bình thường.

Chính đức-tin tu-tập qua pháp niệm như niệm hơi thở, niệm thân trong thân... đó là loại đức-tin cần phải trau dồi, làm cho sung-mãn, đức-tin ấy có sức mạnh áp-chế, khắc-phục những dao-động, bất-ổn của tâm, cho đến khi chúng biến mất.

Chính đức-tin có sức-mạnh như thế, mới có thể loại trừ ái-dục, không thích-thú hân-hoan trong lợi-dưỡng về vật-thực, y phục, trú-xứ ...

Dạ xoa Ālavaka hỏi đức Phật rằng:

Kaṭhamsu ṭaraṭi oghaṃ
Kaṭhamsu ṭaraṭi annavaṃ
Kaṭhamsu dukkhaṃ acceṭi
Kaṭhaṃ parisujjhaṭi.

Nghĩa là:

"Vượt qua bốn dòng nước xoáy bằng cái gì?
Vượt khỏi đại-dương bằng cái gì?
Giải-thoát khổ bằng cái gì?
Làm thế nào tâm được trong sạch".

Ðức Phật dạy rằng:

Saddhāya ṭaraṭi oghaṃ
Appamādena annavaṃ
Viriyena dukkha acceṭi
Paññāya parisujjhaṭi.

Nghĩa là:

"Ðức-tin vượt dòng nước lũ
Không dể-duôi thoát khỏi đại-dương
Giải-thoát khổ nhờ tinh-tấn
Trí-tuệ khiến tâm trong sạch".

Chính đức-tin tu-tập giúp cho hàng xuất-gia lẫn tại gia thoát ra bốn dòng nước xoáy quá sâu đậm (ogha) trong hiện-tại lẫn tương-lai, không còn bị bốn dòng nước ấy cuốn trôi vào đại dương khổ luân-hồi. Bốn dòng nước ấy là:

1) Kāmogha: bị ngũ-dục cuốn trôi (dục-bộc).
2) Bhavogha: bị cảnh giới cuốn trôi, là có ước vọng thụ-hưởng khoái-lạc ở những kiếp sau(hữu-bộc).
3) Diṭṭhogha: bị tà-kiến cuốn trôi (kiến-bộc).
4) Avijjogha: bị sự mê-muội, lầm-lạc cuốn trôi (vô-minh bộc).

Nói gọn hơn, chính đức-tin tu-tập giúp cho người có nguyện vọng giải-thoát cái khổ, ra khỏi ba loại ái là: dục-ái, hữu-ái và phi-hữu ái. Ái chính là nguồn gốc của đau-khổ, là nhân sanh ra mọi khổ-lụy trên đời, đức-tin tu-tập chính là hải đảo an-toàn vượt thoát khổ-cảnh.

Ðức-tin tu-tập được biểu hiện qua bốn pháp-hành thuộc truyền-thống ở trên.

Tấn-lực (vīriya bala) cũng có hai loại như tấn-quyền: Tinh-tấn thông-thường và tinh-tấn tu-tập.

Tinh-tấn thông-thường là loại tinh-tấn không đủ sức chế-ngự lười-biếng (kosajja), tuy tinh-tấn này vẫn tạo ra những thiện-nghiệp khi có cơ hội, có dịp thuận tiện, nhưng cũng chỉ là thiện-nghiệp thông-thường như bố-thí, trì-giới, nghiên cứu, học hỏi phật-pháp ... Loại tinh-tấn này chỉ thực-hiện trong những điều-kiện thuận lợi dễ-dàng mà thôi, nếu gặp phải chướng-ngại sẽ thối thất, sinh ra biếng nhác ngay.

Như vào ngày Uposaṭha (bố-tát) là ngày đến chùa nghe pháp, nhưng nếu gặp thời-tiết xấu như có mưa chẳng hạn, lập tức sẽ có lý do để không đi nghe pháp, hoặc đến thời tụng kinh, nhưng vừa làm xong việc gì đó, nại cớ là còn đang mệt, nghỉ khoẻ rồi hãy tụng kinh và thời tụng kinh ấy được gác lại cho đến hôm sau.

Tinh-tấn bình thường bị lười-biếng điều khiển do tám cách:

1. Kammaṃ kāṭabbaṃ hoṭi: sắp phải làm việc gì đó.
2. Kammaṃ kaṭaṃ hoṭi: Vừa làm xong việc gì đó.
3. Maggo ganṭabbo hoṭi: Sắp phải đi đường xa.
4. Maggo gaṭo hoṭi: Vừa đi xa về còn đang mệt mỏi.
5. Gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇdāya caronṭo hoṭi: Sắp phải đi vào thôn xóm để khất thực, nên mệt nhọc ...
6. Gāmaṃ vā nigamaṃ vā piṇdāya caronṭo alaṭihaṃ lākhassa vā paṇīṭassa vā hoṭi: đi khất thực vừa xong, còn mệt nhọc.
7. Uppanno hoṭi appamaṭṭako ābādho hoṭi: Vừa khỏi bệnh nên cần phải nghỉ cho khỏe.
8. Gilānā vuṭṭhiṭo hoṭi: Vừa khỏi bệnh xong, cần nghỉ ngơi cho khỏe.

Ðây là tám nhân sanh lười-biếng.

Chúng-sanh gặp được giáo-pháp của đức Phật, nên hiểu rằng: "Trong quá-khứ vô tận của luân-hồi, họ bị sa đọa vào bốn khổ-cảnh do thân-kiến cùng ác-nghiệp, tuy có ước muốn thoát khỏi bốn khổ-cảnh, nhưng nỗ-lực tinh-tấn để đạt ước muốn ấy lại không có".

Họ chỉ mong muốn được như bà Visākhā, ông Anāṭhapiṇḍika ... chỉ cần nghe một thời pháp, chứng đạt đạo-quả, nhưng họ không biết rằng: "Ðược như vậy, những vị này đã trải qua thời gian trăm ngàn kiếp trái đất và trong quá-khứ cũng từng tinh-tấn hành pháp".

Một số khác, hiểu được điều này, lại có sự thất vọng rằng: "có hành pháp tinh-tấn cho mấy cũng không đạt được đạo-quả, vì thiếu ba-la-mật". Những người này, làm sao biết mình thiếu ba-la-mật nhỉ?

Hai suy nghĩ trên là do vô-minh cùng sự lười-biếng điều khiển.

Ngay khi quyết định khai-thị pháp giác-ngộ đến những người có duyên lành, Ðức Thế-tôn tuyên bố rằng:

"Apāruṭā ṭesaṃ amaṭassa dvārā
Ye soṭavanṭā pamuñcaṭu saddhaṃ

Cửa vô sanh bất tử đã mở cho chúng-sanh,
cho những ai có tai muốn nghe, đặt trọn niềm tin".

Phương thưc loại trừ biếng nhác là thỏa thích trong pháp-hành.

Ðối với vị tỳ-khưu, vào lúc xuất-gia, có bốn pháp nên nương (nissaya dhamma) là:

- Nuôi mạng bằng cách đi khất thực.
- Mặc y phấn tảo.
- Ở dưới cội cây.
- Trị bệnh bằng nước tiểu bò đen.

Ðó là những vị thuốc trị bệnh lười nhác, ngoài ra còn có muời ba pháp đầu-đà, đây là sự tinh-tấn để loại trừ những bất-thiện phát-sinh lên từ sự dể-duôi, biếng nhác. Và đó cũng là những pháp được nêu trong lãnh-vực tinh-tấn.

Hiện-tại sự tinh-tấn nằm trong vùng lu mờ, chí đến vị tỳ-khưu hiện thời, tuy vẫn biết mình là hạng chúng-sanh còn thân-kiến, ác-nghiệp, không khéo sẽ rơi vào ác khổ địa. Thế nhưng, họ vẫn sống trong những trú-xứ nhộn nhịp của thành thị, thị trấn, họ vui thích thọ lãnh những vật thí có giá trị cao, hay những lễ nghi được tổ chức linh đình ... Họ không thể sống xa cách hội-chúng, càng lúc càng mong mỏi có đông đồ chúng. Tất cả những điều ấy là nơi ẩn náo của tâm trong ngôi nhà lười-biếng, cho thấy tính-chất yếu-đuối của tinh-tấn bình thường.

Chỉ có tinh-tấn tu-tập như: ít ngủ, tỉnh-giác, năng động, không e dè sợ-hãi, can đảm, thực-hành Chỉ hay Quán. Sự tinh-tấn này có năng-lực áp chế, khai trừ biếng nhác. Trong 37 pháp trợ giác-ngộ, tinh-tấn tu-tập là pháp cần đạt được.

Tương-tự như thế đối với niệm-lực, định-lực, tuệ-lực.

Niệm-lực (sati bala)

Niệm cũng có hai loại: Niệm thông-thường và niệm tu-tập.

Niệm thông-thường không thể khắc chế được vọng niệm hay thất niệm (muṭṭhasacca). Vọng-niệm là sự chú ý, ghi nhận không đúng phương-pháp.

Khi hành-giả tu-tập chỉ hay quán, trong giai-đoạn đầu, thường xuất hiện những ảo cảnh (māyārammaṇa), những cảnh này do tưởng tạo ra, với mục-đích đưa tâm trở lại vào vùng ngự-trị của chúng. Như có số hành-giả thấy mình giao tiếp được với chư-thiên, được chư-thiên trò chuyện ... để rồi tâm cứ bám theo những hình ảnh ấy, xa lìa đề mục ban đầu như hơi thở ... Ðó là vọng-niệm

Mặc dù những cảnh ấy là ấn-tướng của thiện-pháp bởi nương sanh lên từ đức-tin, nhưng nếu tâm dính mắc vào những cảnh ấy, tâm đang bị ái trói-buộc, khiến hành-giả quên đi mục-đích chính là: "đạt được cảnh Níp-bàn tịch tịnh". Nếu nhận thấy mình bị cảnh tốt đẹp ấy quyến-rũ, không muốn lìa nó, hành-giả cần hiểu rằng: "đang bị ái chi phối", đồng thời niệm-lực không đủ sức mạnh, vì rằng: "Niệm-lực có ý-nghĩa là không rung động trong sự dể-duôi". Tâm dính mắc trong cảnh tốt đẹp là tâm dể-duôi, bị ái dẫn dắt.

"Sabbe dhammā anaṭṭā’ṭi: Các pháp đều là vô-ngã".

Hành-giả cần tác-ý rằng: "Cảnh tốt đẹp ấy dù là cảnh thiện-pháp cũng chẳng phải của ta, đó là vật vay mượn của ái luân-hồi, hãy nhanh chóng lìa bỏ nó, hãy hướng tâm đến Níp-bàn". Nói gọn hơn: vọng niệm là do những cảnh thiện-pháp sanh-khởi, tâm dính mắc vào những cảnh ấy, nên xa lìa đề mục chính.

Còn thất niệm? Chữ muṭṭhasacca nghĩa là sự bỏ quên, lãng-quên. Thất-niệm là bất lực trong sự chú ý ghi nhận, không thể tập trung bằng sự kiểm-soát tâm, tâm chạy theo cảnh, quên-lãng đề mục thiền.

Niệm bình thường không có sức mạnh để áp đảo sức mạnh của phóng-dật, khiến niệm không thể khắn khít vào đề mục thiền, chính niệm tu-tập được làm cho sung-mãn mới loại trừ được vọng-niệm hay thất-niệm.

Ðịnh-lực (samādhi bala).

Ðịnh cũng thế, có hai loại là định thông-thường và định tu-tập.

Ðịnh thông-thường không thể áp chế được sự quấy nhiểu (vikkhepa) của phóng dật, đó là những tư-tưởng lang thang trong sự tưởng-tượng mông lung, hành-giả không thể gom tâm vào đề mục, không thể tập trung, kiểm-soát được tâm, tâm không thể yên-lặng khi hành thiền, nó chạy theo cảnh không dừng nghỉ.

Ðịnh thông-thường không thể loại trừ trạng-thái tán-loạn của tâm, chỉ có định tu-tập làm cho sung-mãn mới làm được điều ấy.

Tuệ-lực (paññā bala).

Tuệ cũng có hai là tuệ thông-thường và tuệ tu-tập.

Ðối tượng cần áp đảo của tuệ là mê-muội (sammoha), mê-muội là một chi nhánh của vô-minh. Vô-minh ngoài nghĩa mê tối, còn có ý-nghĩa là lầm-lạc. Không biết các pháp hữu-vi đều là vô-thường, khổ, vô-ngã đã là tai hại, nhưng lầm-lạc trong vô-thường cho là thường, khổ cho là hạnh-phúc, vô-ngã cho là ta, lại càng tai hại hơn nữa. Chẳng khác nào một người bị vết thương trên thân, dùng nước dơ nhiễm độc, cho rằng nước ấy là sạch, là tinh-khiết để rửa ráy, vết thương. Vết thương chẳng những không lành mà còn phát-triển khiến người ấy có thể mạng chung.

Trạng-thái mê-muội là bóng tối che phủ tâm, trí-tuệ bình thường không thể xua tan bóng tối ấy, ngay cả trí thông-suốt tam-tạng pháp-học cũng không thể loại trừ bóng tối ấy, trí bình thường cũng ví như ánh sáng đom đóm, ánh sáng đống lửa, nó không thể soi sáng cả vùng đen tối rộng lớn. Chỉ có ánh sáng thái dương mới đẩy lùi bóng tối đang bao phủ cánh đồng rộng mênh mông.

Ánh sáng mặt trời ví như trí tu-tập, chỉ có trí tu-tập mới đoạn trừ tận gốc rễ vô-minh ngủ-ngầm. Tuệ-lực là một sức mạnh xua đuổi tối tăm, giúp hành-giả nhận thấy rõ ba tướng: Vô-thường, khổ, vô-ngã của pháp hữu-vi, đồng thời áp chế được các pháp điên-đảo: thường -lạc -ngã -tịnh.

Năm pháp đối nghịch với năm lực là:

1. Ái đối nghịch với tín-lực.
2. Giãi-đãi (kosajja) đối nghịch với tấn-lực. Giãi-đãi là sự bất lực hay thiếu nhiệt-tâm trong sự hành pháp.
3. Thất-niệm đối nghịch với niệm-lực
4. Sự tán-loạn (vikkhepa) đối nghịch với định-lực.
5. Si-mê đối nghịch với tuệ-lực.

Trich DUONG DEN GIAC NGO. TK CHANH MINH

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Phật Pháp Ứng Dụng
21-7-2011

Ngũ căn
(Indriya)

Danh từ indriya được giải thích là:

Indassa kammam indriyam.

Có nghĩa: indriya là hành động thống trị hay kiểm soát, của người cai trị. "Hành động thống trị" có nghĩa là bất luận ở nơi đâu, người thống trị cũng có toàn quyền định đoạt, không ai có thể chống đối hay cưỡng lại.

Nơi đây, kiểm soát hay thống trị tâm mình là điểm chánh yếu của Ngũ Căn, tức năm khả năng kiểm soát tâm.

Có năm Khả Năng như thế ấy: [1]

1. Saddhindriya(Tín Căn)
2. Viriyindriya(Tấn Căn)
3. Satindriya (Niệm Căn)
4. Samàdhindriya (Ðịnh Căn)
5. Pannidriya(Tuệ Căn)

Tín Căn

Saddhindriya, (ở một mức độ nào) đồng nghĩa với saddhà, đức tin. Nhưng có hai saddhà, đức tin, là:

1. Pakati-saddhà, Ðức Tin thông thường, và
2. Bhàvanà-saddhà, Ðức Tin được Tu Tập (tức được trau giồi hay thuần thục hóa) do pháp hành thiền.

Ðức Tin và sự tín nhiệm (saddhà) dắt dẫn người thường thực hiện những hành động như Bố Thí (dàna), Trì Giới (sìla) và "bắt đầu tập tành" Hành Thiền (Bhàvanà) [2] -- được gọi là Ðức Tin Thông Thường. Nơi đây, như đã chỉ trong hình ảnh người mất trí (chương II), mặc dầu ở một mức độ nào, niềm tin (saddhà) ấy cũng là một Khả Năng Kiểm Soát, nó không tăng trưởng đến khả năng có thể kiểm soát cái tâm chao động của một người thường trong khi hành thiền (bhàvanà). Tầm mức kiểm soát chỉ đến mức độ kềm chế và hướng dẫn một cái tâm bất ổn đến hành động Bố Thí, Trì Giới và "bắt đầu" hành thiền.

Không có Ðức Tin và Tín Nhiệm (saddhà) tâm không bao giờ hướng về thiện nghiệp, kusala kamma (những hành động có tác ý trong sạch) bởi vì thông thường tâm chỉ thỏa thích trong những hành động bất thiện. Ðiều nầy đúng, trong nỗ lực thành đạt Giới Tịnh (sìla visuddhi) cũng như trong việc nghiên cứu học hỏi kinh điển. Bởi vậy cho nên những hành động thiện thông thường (pakati-kusala-kamma) cũng được tạo nên do Ðức Tin Thông Thường (pakati-saddhà), không phải được trau giồi qua pháp hành thật sự thích đáng (abhàvita).

Trong công trình theo dõi một đề mục hành thiền (kammatthàna) khi thực hành thiền Vắng Lặng và Minh Sát, Ðức Tin Thông Thường không đủ khả năng để kiểm soát tâm vì tâm có thể từ chối, thối lui và nhảy ra khỏi Ðức Tin sang một nơi khác. Trong công trình hành thiền, Ðức Tin Thông Thường không đủ.

Chính Ðức Tin được Trau Giồi chuẩn bị nền tảng để tâm thâu thập cường độ và năng lực qua pháp hành thiền, như Niệm Hơi Thở.

Trong phạm vi các "Phẩm Trợ Ðạo" (bodhipakkhiya-dhamma) chính "Ðức Tin được Trau Giồi" (bhàvanà saddhà) được gọi là saddhindriya, Tín Căn, hay đức tin có khả năng kiểm soát. Trong công phu hành thiền, Ðức Tin nầy một đàng tự biểu hiện qua sự biến dạng của tình trạng chú tâm bất ổn định và chao động và đàng khác tượng trưng cho sự xuất hiện của tâm sáng suốt và vững bền. [3] Trạng thái gom tâm chỉ có thể vững chắc tập trung vào những đề mục sáng tỏ không mù mờ. Pháp hành Niệm Thân (kàyagatà-sati) như Niệm Hơi Thở, chuẩn bị làm nền tảng cho bhàvanà-saddhà, Ðức Tin và Tín Nhiệm được công phu thực hành thiền tập trau giồi, phát triển và thuần hóa. Nếu gom tâm vào pháp Niệm Thân, như niệm hơi-thở-ra-và hơi-thở-vào, có nghĩa là đã có Ðức Tin được Trau Giồi. Chừng đó, nếu tiếp tục hành thiền Vắng Lặng (samatha) và Minh Sát (vipassanà), hành giả sẽ thành đạt khả năng tận diệt ba tầng lớp của Thân Kiến (sakkàya-ditthi) trong chính kiếp sống hiện tại. Công phu hành thiền Vắng Lặng và thiền Minh Sát cần phải được thực hành thích nghi. Hành giả phải nương tựa nơi một vị thầy thông suốt Giáo Pháp.

Tấn Căn

Viriyindriya, ở một mức độ nào, là đồng nghĩa với viriya, tinh tấn. Nhưng có hai loại, hay hai trình độ tinh tấn. Ðó là:

1. Pakati-viriya, Tinh Tấn Thông Thường, và
2. Bhàvanà-viriya, Tinh Tấn được Trau Giồi bằng pháp hành thiền.

Một cách phân loại khác là:

1. Kàyika-viriya, thân tinh tấn, và
2. Cetasika-viriya, tâm tinh tấn.

Tinh Tấn Thông Thường (pakati-viriya) có thể được nhận ra dễ dàng. Những người có nhiều Tinh Tấn Thông Thường trong những vấn đề thế gian cũng có thể dễ dàng đạt đến loại Tinh Tấn Trau Giồi (bhàvanà-viriya). Hạnh đầu đà (dhutanga) hay những giới luật nghiêm khắc của vị tỳ khưu là một thí dụ về Thân Tinh Tấn trong bản chất được trau giồi (kàyika-bhàvanà-viriya).

Nếu, sau khi vững vàng trau giồi "Thân Tinh Tấn" như giảm bớt ngủ nghỉ, tỉnh thức và cương quyết, mà vẫn không đạt đến "Tâm Tinh Tấn" (cetasika-viriya), như hăng say chăm chú hành thiền (bhàvanà-manasikàra), vững chắc định tâm vào đề mục hành thiền (kammatthàna), như Niệm Hơi Thở, và thời gian thực hành kéo dài mà không thành tựu trạng thái tâm sáng suốt, ta phải suy tư.

Bất luận làm việc gì, chỉ khi nào người thực hành công việc ấy nhanh chóng làm chủ vấn đề -- tức nắm vững, hiểu biết rõ ràng và cặn kẻ vấn đề -- mới hoàn thành thích nghi và đúng đắn. Công việc sẽ không được hoàn tất thích nghi và viên mãn nếu chính công việc ấy làm chủ người thực hành. Nói rằng "công việc làm chủ người thực hành" có nghĩa là công việc được thực hành một cách lơ đễnh dể duôi, không hăng say, không thật sự nhiệt tâm. Người thực hành sẽ không gặt hái kết quả thiết thực, rồi ngày qua ngày, tháng nầy kéo dài sang tháng kia, đâm ra chán nản (trong pháp hành) buồn phiền, rồi ngán ngao uể oải dẫn đến hôn trầm dã dượi. Vì hôn trầm dã dượi, pháp hành không tiến, rồi vì pháp hành không tiến triển, càng thêm dã dượi hôn trầm. Chừng ấy sẽ có ý nghĩ phát sanh thúc giục nên thay đổi phương pháp thực hành. Như vậy luôn luôn thay đổi pháp hành, và đó là "công việc làm chủ người thực hành kém tinh tấn".

Trong công phu hành thiền chỉ nhanh chóng thâu hoạch thành quả khi có đủ cả hai, thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Từ lúc nắm vững pháp hành Niệm Hơi Thở, hạnh tinh tấn ngày càng phát triển thêm lên là bhàvanà viriya (tinh tấn được phát triển do pháp hành thiền) và trong các Phẩm Trợ Ðạo (bodhipakkhiya-dhamma) được gọi là viriyindriya (Tấn Căn). Tinh tấn nầy được tiêu biểu bằng sự biến dạng tình trạng dã dượi hôn trầm và sự xuất hiện tình trạng nhiệt thành, hăng say và cương quyết, trong khi hành thiền. Tâm thỏa thích mạnh mẽ tập trung vào đề mục. Do đó, nhiệm vụ thiết lập "Tinh Tấn được Trau Giồi và Phát triển" do pháp hành thiền cũng giống như nhiệm vụ thiết lập "Ðức Tin được Trau Giồi và Phát Triển" do pháp hành thiền.

Trong các Phẩm Trợ Ðạo (bodhipakkiya-dhamma) Niệm Căn (satindriya) có nghĩa là vững chắc thiết lập chú niệm vào thân kàyagatà-sati, Niệm Thân, tức vào hơi-thở-ra và hơi-thở-vào và trau giồi pháp quán niệm (Bhàvanà-sati) gọi là Satipatthàna, (Niệm Xứ), cho đến Chánh Niệm Siêu Thế (lokuttara-sammà-sati), như là một chi của Ðạo siêu thế.

Ðịnh Căn và Tuệ Căn (samàdhindriya và pannindriya) cũng có thể được định nghĩa và mô tả cùng một thế ấy.

Ðịnh Căn loại trừ tình trạng tâm phóng dật khi được áp đặt vào pháp Niệm Xứ (Satipatthàna), như đề mục Niệm Hơi Thở. Tuệ Căn loại trừ tình trạng tâm rối loạn và mơ hồ.

Tín Căn, Tấn Căn và Niệm Căn -- đến trước Ðịnh và Tuệ -- cũng như những người hỗ trợ một vì vua lên ngôi. Tín, Tấn và Niệm hỗ trợ Ðịnh và Tuệ chí đến tuyệt đỉnh cao.

Sau khi đã kiên cố thiết lập pháp Niệm Thân và vững vàng làm chủ tâm, nếu đi con đường Vắng Lặng (samatha) thì Ðịnh Căn trở thành tám tầng Thiền (samàpatti hay jhàna) trong khi Tuệ Căn trở thành năm Tuệ Giác Cao Thượng (abhinna) [4] như thần thông, hay Năng Lực Siêu Thế v.v... Nếu đi con đường Minh Sát (Vipassanà), Ðịnh Căn trở thành tâm Ðịnh Hư Vô (sunnatà-samàdhi), Ðịnh Vô Ðiều Kiện (animitta-samàdhi) hay Ðịnh Vô Tác ý (appanihita-samàdhi), trong khi Tuệ Căn trở thành năm Thanh Tịnh (visuddhi) liên quan đến trí tuệ [5], Tuệ Giác về ba điều Quán Niệm (anupassanà-nàna) [6], mười Tuệ Minh Sát (vipassanà-nàna) [7], những Tuệ Giác liên quan đến bốn Ðạo và bốn Quả và mười chín Tuệ Ôn Duyệt (paccavekkhana-nàna) [8].

Phần trên đây cho thấy năm chi của Ngũ Căn đồng phát sanh chung như thế nào.
Quyền (Căn - Indriya) được giải thích như sau:

Indassa kammaṃ idriyaṃ - Hành động của vua chúa gọi là quyền.

Indriya mang ý-nghĩa trị vì hay kiểm-soát bởi người cai trị. Nghĩa là người đang trị vì, không có ai có thể đi ngược lại ý muốn của vị ấy..

Ở đây, trọng tâm là sự kiểm-soát tâm bởi năm quyền:

Tín-quyền (saddhindriya).
Tấn-quyền (vīriyindriya).
Niệm-quyền (saṭindriya).
Ðịnh-quyền (samādhindriya).
Tuệ-quyền (paññindriya).

Trong bộ Paṭisambhidā magga, chương Quyền luận-giải (indriyakaṭhā) có giải thích rõ về năm quyền này, tóm lược như sau:

Tín-quyền do ý-nghĩa là hướng tâm tin, đoạn trừ sự vô-tín.
Tấn-quyền do ý-nghĩa là nâng đở, đoạn trừ sự biếng nhác.
Niệm-quyền do ý-nghĩa là trụ vững, đoạn trừ sự dể-duôi.
Ðịnh-quyền do ý-nghĩa là không tán-loạn, đoạn trừ phóng tâm.
Tuệ-quyền do ý-nghĩa là thấy rõ, đoạn trừ vô-minh.

Tín-quyền (saddhindriya)

Nói đến tín-quyền đồng nghĩa nói đến đức-tin nhưng đức-tin không phải là tín-quyền, bao giờ đức-tin lớn mạnh, sung-mãn, có khả-năng cai quản các pháp đồng sanh trong việc hướng tâm tin, khi ấy mới trở thành tín-quyền.

Ðức-tin có hai loại:

- Pakaṭi saddhā: Thường tín là đức-tin thông-thường.
- Bhāvanā saddhā: Tín tu-tập là đức-tin do tu-tập thiền Chỉ hoặc thiền Quán.

Thường tín.

Là loại đức-tin hướng dẫn thực-hành những pháp thiện như bố-thí, trì-giới hay tu-tập thiền với mục-đích gieo duyên, thực-hành thiền Chỉ hay Quán trong một lúc nào đó rồi thôi, quay trở về với đời thường, quay trở về với trần-cảnh, một loại thiền không đem lại sự định tâm nào đáng kể.

Loại đức-tin này ở mức độ nào đó, nó cũng có thể kiểm-soát các pháp hướng tâm tin: như tin quả tốt có từ việc làm như bố-thí, trì-giới... tức là tin vào nghiệp-báo. Nhưng sự kiểm-soát này không đạt đến mức độ an-trú tâm vào đức-tin, nó chỉ ở mức độ bình thường với bố-thí, trì-giới, thiền tập gieo duyên mà không tiến xa hơn nữa.

Nếu không có đức-tin, tâm không bao giờ thiên về những thiện-nghiệp, bản chất tự-nhiên của tâm là vui thích trong việc ác.

Loại thường-tín này luôn nương tựa vào kẻ khác, nương tựa vào kinh-điển, nên nhiều khi bị lạm dụng, dễ trở thành tà-tín, bị các tà-sư lợi dụng, sai sử làm những điều xằng bậy, tạo thành những ác-nghiệp, điển hình là nàng Ciñcā.

Trong thời hiện tại, phần lớn Phật-tử sống với thường-tín vì ít có thời gian học hỏi giáo-lý, đã ít học hỏi thì làm gì có sự chiêm-nghiệm giáo-pháp để phân biệt được "đây là thiện đây là bất-thiện, đây là chân lý đây là phi chân lý, đây là lời Phật dạy đây không phải là lời Phật dạy, lời Phật dạy này có ý-nghĩa như vầy như vầy...". Và thế là, sự bị lợi dụng cũng dễ-dàng phát-sanh.

Nhưng vì sao đức-tin vốn tốt đẹp lại có thể trở thành tệ hại như vậy?

Là vì do y cứ vào kẻ khác mà không có thực-chứng. Cũng ví như con suối trôi chảy về sông lớn do y cứ trên đất nếu đất có nhiều độc chất, nước trong sạch sẽ trở thành nước độc.

Trong Tăng-chi kinh, đức Phật có dạy:

"Này người Kālāma chớ vội tin những gì do bậc Ðạo Sư chỉ dạy.
Chớ vội tin những gì do kinh-điển lưu lại.
Chớ vội tin những gì do truyền-thống.
Chớ vội tin những gì hợp theo suy nghĩ ... hãy dùng trí-tuệ-quán-xét: đây là thiện, đây là bất-thiện ..."

Ngay cả niềm tin đặt vào đối-tượng là Tam-bảo: Phật-Pháp-Tăng cũng cần có trí-tuệ.

Hành-giả cần lưu ý rằng: Nếu tin vào ân-đức Tam-bảo mà không hiểu được ý-nghĩa các ân-đức ấy, thì cũng chỉ là đức-tin bình thường, tuy có quả tốt đẹp hơn so với các quả tốt khác, nhưng cũng chỉ là hạn hẹp.

Tin vào ân-đức Phật ở đây là tin vào trí giác-ngộ pháp giải-thoát của đức Thế-tôn.

Tin vào ân-đức Pháp là tin vào chân lý: Ðây là khổ, đây là nguyên-nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến sự diệt khổ.

Tin vào ân-đức Tăng là tin vào sự chứng-đắc Níp-bàn qua bốn quả: Dự-lưu quả, Nhất-lai quả, Bất-lai quả và Ứng-cúng quả.

Tướng của đức-tin là sự trong sạch và lướt tới, như lời Ngài Nāgasena nói với đức-vua Milinda:

"Tâu Ðại Vương! Ðức-tin có tướng là sự trong sạch và tư cách lướt tới".

Paṭisambhidā-magga có ghi rằng:

"Nên thấy tín-quyền do ý-nghĩa hướng tâm tin, là giới thanh-tịnh, tẩy sạch sự vô-tín ở giai-đoạn đầu".

Chính tin vào sự giác-ngộ, tìm thấy con đường tám chi của Ðức Thế-tôn, nương vào trí suy xét qua khía cạnh thiện, bất-thiện, hành-giả sẽ mạnh dạn đi vào thực-hành bát chánh-đạo, thanh-lọc dần những bất-thiện pháp.

Bấy giờ đức-tin ấy trở thành tín-quyền, đức-tin ấy gìn-giữ giới, hộ trì-giới không bị hư hoại, không bị ô-nhiễm, làm trong sạch giới.

Chính đức-tin bình thường cũng trợ giúp cho sự giữ giới, một người không tin vào quả báo tốt đẹp của bát quan giới, họ sẽ không thọ-trì tám giới.

Mặt khác, tuy tin vào quả lợi-ích của giới-hạnh như năm giới, tám giới, nhưng không giữ gìn năm giới nghiêm túc, cũng như không thọ-trì tám giới, đã nói lên sự thối thất tinh-tấn, đồng thời lui sụt đức-tin hay đức-tin bị ô nhiễm bởi cảnh trần, sự kiểm-soát tâm không còn vững mạnh.

Nói cách khác, sự kiểm-soát tâm do đức-tin bình thường không thể vững-chắc bằng sự kiểm-soát tâm do đức-tin tu-tập bởi pháp thiền.

Cũng ví như người có được hồ nước mát trong sạch, nhưng không hề chịu tắm rửa dù thân người ấy đầy bụi bặm, không hề uống nước dù họ đang khát cháy cổ.

Người ấy chỉ có niềm tin: "đây là nước thiêng đáng cung-kỉnh, cúng dường" và chỉ còn biết quì xuống lễ bái cầu nguyện mà thôi. Thế là, người này vẫn dơ bẩn và khát như bao nhiêu người không có hồ nước mát.

Ðức-tin do tu-tập

Là đức-tin được chứng nghiệm, nó trở nên vững-chắc vì đã thấy rõ, hiểu rõ kết quả của sự thực hành thiện-pháp.

Trong việc chú tâm vào đề mục nghiệp-xứ, tức là đề mục thiền Chỉ hay thiền Quán, đức-tin bình thường không hề có tác-dụng tốt trong sự kiểm-soát tâm, vì tâm luôn có khuynh-hướng chống lại đức-tin này, có khuynh-hướng chùn bước hay quay mặt sang chỗ khác.

Nói cách khác, niềm tin suông, niền tin không có trí-tuệ không ích lợi gì trong sự tu-tập.

Một người tin vào ân-đức tối-thượng nơi đức Phật, Giáo-pháp và đức Tăng, hằng ngày anh ta quì đảnh lễ cầu xin được thoát khổ, chắc chắn sự khổ ấy vẫn đến với anh ta.

Ðức Thế-tôn xác nhận rằng: "Như-lai chỉ là bậc Ðạo-sư, chỉ rõ con đường đi đến sự diệt khổ, người nào tin vào Như-lai, đi theo con đường ấy sẽ đến nơi diệt khổ". (Gaṇakamoggallāna suṭṭa)

Trong Tương-ưng kinh, có ghi lại mẫu đối thoại giữa Ðức Thế-tôn và trưởng-lão Sārīpuṭṭa tóm lược như sau:

- "Này Sārīpuṭṭa! Ngươi có tin không? tín-quyền được tu-tập, được làm cho sung-mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục-đích, lấy bất tử làm cứu cánh.

- Bạch Thế-tôn! Ở đây con không đi với lòng tin của Thế-tôn. Bạch Ðức Thế-tôn! Với những ai không thấy, không hiểu, không chứng ngộ, không đạt đến trí-tuệ, cần phải đi với lòng tin kẻ khác.

Bạch Thế-tôn! Còn những ai, đã thấy đã hiểu đã chứng ngộ, người ấy không còn nghi ngờ, không còn phân vân rằng: Tín-quyền được tu-tập, được làm cho sung mãn, thể nhập vào bất tử, lấy bất tử làm mục-đích, lấy bất tử làm cứu cánh.

- Lành thay! Này Sārīpuṭṭa".

Ðoạn kinh trên cho chúng ta thấy ý-nghĩa rằng: khi chưa chứng đạt Níp-bàn, đức-tin cần nương dựa vào kẻ khác (ở đây là Tam-bảo) đính kèm với trí-tuệ.

Ðức-tin ấy sẽ trở nên vững mạnh, không cần phải nương tựa vào người khác khi đã chứng ngộ Níp-bàn, trở hành tín-quyền kiên-cố bất-động.

Nhưng rõ ràng rằng: Người ấy phải tu-tập làm cho sung-mãn đức-tin ấy. Như vậy, chính đức-tin khi tu-tập, như thực-hành pháp niệm hơi thở chẳng hạn, mở đường cho việc đạt đến sức mạnh, có được năng-lực lớn, đi đến giải-thoát khổ.

Người nương theo đức-tin thực-hành pháp quán niệm-xứ chứng đạt Dự-lưu, được gọi là bậc Tùy tín-hành.

Trong ba mươi bảy pháp trợ-đạo, đức-tin do tu-tập chính là tín-quyền.

Trong lãnh-vực thực-hành những pháp thiền Chỉ hay Quán, đức-tin được hiển-lộ bằng trạng-thái ổn-định tâm khiến tâm không bị giao động do sự vô-tín, hay nghi-hoặc, phân-vân, lưỡng-lự xen lẫn vào.

Ðức-tin có năng-lực áp chế được hoài-nghi, khi niềm tin phát huy sức mạnh, sự nghi-hoặc không có cơ hội sanh lên.

Tướng của đức-tin là tẩy sạch uế nhiễm, hành-giả khi tu-tập có thể nhận biết tướng của đức-tin qua ấn-tướng của đề mục thiền, khi đức-tin an-trụ vững vàng, tâm không bị tán-loạn, ấn-tướng trở nên rõ ràng, không bị mờ nhạt, đó là tướng của đức-tin được hiển-lộ.

Ví như có người muốn dùng nước trong sạch, y múc nước ở hồ ao đem về, cho vào bình lọc với ba lớp đá lớn, đá nhỏ, cát. Lớp đá lớn giữ lại những vật bẩn lớn, , lớp đá nhỏ giữ lại những vật bẩn trung-bình, lớp cát sau cùng sẽ giữ lại những cặn bụi nhỏ li ti và nước chảy qua ba lớp lọc trở nên trong sạch.

Nước ví như tâm, tâm luôn luôn bị những cảnh trần quyến-rũ, xâm nhập vào làm tâm trở nên nhơ bẩn. Lớp đá lớn ví như giới thanh-tịnh, nhờ giới áp chế, ngăn chặn, nên nước thấm qua lớp đá lớn được trong sạch.

Ở giai-đoạn đầu tâm thoát ra những phiền-não thô-thiển do cảnh trần gây nên nhờ giới thanh-tịnh.

Lớp đá nhỏ ví như ý-giới, nước tâm thấm qua ý-giới, khiến các phiền-não khởi lên từ ý như ganh tị, bỏn xẻn, xan tham ... không có cơ hội xâm nhập, tâm lại trong sạch hơn.

Nhưng ý-giới là gì? Chính là sự cố ý (ceṭanā). đức Phật có dạy rằng:

"Ceṭanāhaṃ bhikkhave sīlaṃ vadāmi.

- Này chư tỳ-khưu! Như-lai dạy rằng: Sự cố ý là giới".

Tâm được ý-giới ngăn chặn, là do không có cố ý làm những điều ác, những tư-tưởng bất-thiện không có cơ hội sanh-khởi, hay sanh-khởi lên bị diệt trừ ngay. Lớp cát mịn ví như giới ở vùng tùy-miên, giữ lại những phiền-não vi-tế. Nói cách khác, những phiền-não tùy-miên được ngăn trừ và nước tâm trở nên tinh-khiết. Tư cách làm cho tâm trở nên trong sạch như thế là tướng của đức-tin. khi tâm trở nên trong sạch, các ấn-tướng thiền cũng trở nên trong sáng rõ ràng. Chính tư cách làm cho tâm trong sạch không còn uế nhiễm là tín-quyền.

Nếu hành-giả vẫn duy trì và phát-triển đức-tin tu-tập, ngày càng sung-mãn trong lãnh vực Chỉ hoặc Quán, khả-năng tiêu diệt thân-kiến, hoài-nghi ở vùng tùy-miên có thể đạt được ngay trong kiếp sống này.

Tấn-quyền (vīriyindriya).

Nói đến tấn-quyền nghĩa là nói đến sự tinh-tấn cai quản các pháp đồng sanh, làm chung công việc là nâng đở. Ở mức độ nào đó, tinh-tấn chưa trở thành quyền, tinh-tấn có hai loại là:

Pakaṭi vīriya: Tinh-tấn thông-thường.
Bhāvanā vīriya: Tinh-tấn tu-tập bằng pháp thiền.

Tinh-tấn tu-tập cũng có hai loại:

Kāyika vīriya: Tinh-tấn thuộc về thân, như thọ-trì hạnh đầu đà (dhuṭaṅga) chẳng hạn.
Ceṭasika vīriya: Tinh-tấn thuộc về tâm (là sở-hữu tinh-tấn).

Tinh-tấn bình thường và tinh tấn thuộc về thân có thể nhận ra dễ-dàng. Người có tinh-tấn trong những vấn đề thuộc thế tục, có thể dễ-dàng đạt được tinh-tấn tu-tập.

Nhưng nếu thực-hành thân tinh-tấn như bớt ăn, bớt ngủ nghỉ, kiên-trì theo một thời khóa biểu trong sinh hoạt tu-tập hằng ngày, nhưng không có tâm tinh-tấn, thì kết quả đạt được chẳng có gì đáng kể lắm.

Giống như một học sinh, lòng không muốn học nhưng hằng ngày vẫn cắp sáng đến trường, trong khi học, tâm cậu ta chểnh mảng, lơ đểnh trong các buổi học, cho dù học cả năm, kiến thức của cậu chẳng là bao, thậm chí không muốn nói là một học sinh dốt.

Cũng vậy, tinh-tấn tu-tập ở đây chủ yếu là tâm tinh-tấn, còn thân tinh-tấn là phần trợ giúp cho sự tu-tập càng lúc càng thêm dũng-mãnh.

Người có thân tinh-tấn, nhưng không có tâm tinh-tấn, sự định tâm trong các đề mục như niệm hơi thở ... không thể đạt được, cho dù thời gian thực-hành thiền có dài bao lâu chăng nữa cũng không đạt đến tâm thanh-tịnh.

Bất kỳ loại công việc nào, sẽ nhanh chóng thành-tựu với kết quả khả quan, nếu người thực-hành công việc đúng đắn và thích đáng. "Sự đúng đắn và thích đáng" nói lên ý-nghĩa làm chủ công việc. Trái lại, nếu công việc làm chủ người thực-hiện, công việc ấy khó làm xong, có xong chăng nữa cũng mất nhiều thời gian, "công việc làm chủ" có nghĩa là việc làm không có nhiệt-tâm thật sự, tức là không có tâm tinh-tấn.

Sự tu-tập thiền Chỉ hay Quán, thiếu vắng tâm tinh-tấn, tâm trạng của hành-giả sẽ rơi vào "không thích-thú", đôi khi mong mỏi khóa thiền tập mau kết thúc để trở về nhà, giống như một học sinh mong đến kỳ nghỉ hè để khỏi mang cực hình đi học.

Tâm trạng không thích-thú trong thiền, dẫn đến sự uể-oải trong các oai-nghi, thế là lười-biếng xuất hiện. Lười-biếng xuất hiện, việc thực-hành thiền ngưng đọng, lại làm tăng-trưởng sự lười-biếng.

Khi ấy, tâm hành-giả khởi lên ý nghĩ: "Có lẽ đề mục này không hợp với mình, nên thay đổi đề mục khác". Nhưng dù cho có thay đổi đề mục nào cũng vậy thôi, cũng chẳng có kết quả gì, nó cũng giống như sự khởi động cổ xe, để rồi cổ xe vẫn nằm ì ra đó. Vì sao? Vì nguyên-nhân cần thiết phải có là "Sự tinh-tấn của tâm", nhưng sự tinh-tấn của tâm lại không có.

Người đã thiếu tâm tinh-tấn, ngay cả công việc thế tục, dù có thay đổi từ việc này sang việc khác, từ việc khác sang việc khác nữa, những công việc ấy luôn luôn bị bỏ dở, chẳng có việc nào hoàn tất cả. Chỉ khi nào người ấy thích-thú một công việc nào đó, việc ấy mới chóng thành và có kết quả.

Việc tu-tập thiền cũng vậy, nếu người thực-hành có đủ tinh-tấn về thân lẫn tâm, sự tinh-tấn càng vững mạnh, trở nên sung-mãn, già dặn theo dòng thời gian tu-tập, điều này gọi là tinh-tấn tu-tập.

Và trong 37 pháp trợ giác-ngộ, tinh-tấn tu-tập này được gọi là tấn-quyền.

Tướng (lakkhaṇa) của tấn-quyền là làm biến mất sự uể-oải, dã-dượi, lười-biếng trong lúc hành thiền, đồng thời hiển-lộ ra sự hăng-hái nỗ-lực, thích-thú trong đề-mục và sự chú tâm vào đề-mục ngày càng khắn khít.

Hành-giả cần làm khởi dậy tinh-tấn tu-tập, vì phận-sự của tinh-tấn là trợ giúp, nâng đở các pháp đồng sanh được vững mạnh.

Niệm-quyền (satindriya).

Niệm-quyền với ý-nghĩa là trú-vững. Lẽ thường niệm được an-trú trong các đề mục thiền như: Niệm-xứ, niệm-thân (kāyagasaṭi)... Niệm cũng có hai loại là:

Pakaṭi saṭi: niệm thông-thường.
Bhāvanā saṭi: niệm tu -ập.

Tướng của niệm là sự chú yù. Ðối với các công việc thế tục bình thường, sự chú ý đến cũng là một yếu tố trợ lực cho kết quả tốt đẹp như người thợ thêu, chú ý đến mũi kim đường chỉ khiến các hoa văn của mẫu thêu trở nên xinh đẹp sắc sảo.

Nếu không có sự chú ý, tuy có cố-gắng hoàn tất công việc, công việc ấy cũng không có kết quả vững-chắc, kết quả ấy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn rồi trở nên hư hoại.

Không có sự chú ý đồng nghĩa có sự dể-duôi, ngay cả việc học kinh, tụng kinh nếu không có sự chú ý, sẽ không thể học thuộc bài kinh mau chóng, sự tụng kinh sẽ bị vấp váp hay nhầm lẫn.

Niệm thông-thường đã có lợi-ích như thế, nói gì đến niệm tu-tập. Chính bốn pháp niệm-xứ là niệm tu-tập, khởi đầu cho con đường đi đến giác-ngộ, đi đến sự thoát khổ, thành-đạt pháp siêu-thế.

Tướng của niệm sẽ hiển-lộ khi ấn-tướng thiền an-trụ vững, hành-giả thấy rõ từng chi tiết của ấn-tướng cũng như nhận biết từng trạng-thái tâm đối với ấn-tướng.

Gọi là niệm-quyền là sự cai quản, kiểm-soát các pháp-hành đang sanh-khởi trong sự chú ý, bằng trạng-thái trú-vững. Do đó, khi niệm luôn dán chặt vào đề mục khắn khít đến mức độ dường như không thể xa lìa đề mục, tâm luôn kề cận với đề mục, cho dù hành-giả không chú ý nhiều lắm, đề mục thiền vẫn hiển-lộ rõ ràng, đó là tướng của niệm-quyền, ví như sợi dây vàm xỏ mũi con bò được quấn nhiều vòng quanh cọc đóng cứng xuống đất, con bò luôn gần gũi cái cọc.

Cũng cần biết rằng: phận-sự của niệm là ghi nhớ, phận-sự của tưởng là nhớ lại.

Trong sự tu-tập niệm thiền Chỉ, hai pháp niệm -tưởng sẽ hỗ-trợ tích cực cho định, một đằng ghi nhớ (niệm) dấu ấn đề mục, một đằng nhớ lại (tưởng). Khi nhớ lại, rồi lại ghi nhớ, sự-kiện này được lập đi lập lại nhiều lần, khiến ấn-tướng thiền được thường xuyên cọ-xát, càng lúc càng rõ ràng hơn.

Ví như người họa sĩ vẽ tranh, trước tiên anh phát thảo những nét vẽ mờ nhạt, sau đó anh từ từ tô đậm những nét ấy, khiến những nét vẽ trở nên rõ ràng sinh động.

Hoặc ví như đứa bé học viết chữ, cô giáo viết những chữ mẫu cho đứa bé tập viết, đứa bé đồ chữ mẫu, vài chữ đầu tiên, có thể không trùng với nét chữ mẫu nhưng qua vài chữ, nó có thể đồ đúng theo nét chữ mẫu, càng về sau, nét chữ của đứa bé càng gọn, càng nhuần nhuyển và sắc sảo.

Cũng vậy, hành-giả giai-đoạn đầu tu-tập thiền, dấu hiệu của đề-mục chưa hiện rõ, chỉ mờ nhạt, nhờ có tưởng nhớ lại, niệm lại ghi nhớ, ghi nhớ rồi nhớ lại, sự-kiện này được lập đi lập lại nhiều lần, dấu hiệu đề mục thiền được trui rèn, trở nên hiện rõ với hành-giả, khi ấn-tướng thiền đã rõ ràng niệm an-trú vào đó. Khi ấy, tâm không còn loạn-động, không còn xa rời đề mục, đó là lúc niệm chiếm ưu thế, bấy giờ các pháp đồng sanh với niệm cũng trú-vững trong đề mục trở thành niệm-quyền.

Ðịnh-quyền (samādhindriya).

Ðịnh-quyền có ý-nghĩa: làm cho các pháp đồng sanh gom lại, không cho tán-loạn. Ðịnh chưa trở thành quyền, nó có hai loại:

Pakaṭi samādhi: định thông-thường.
Bhāvanā samādhi: định tu-tập.

Ðịnh thông-thường là loại định có trong sát-na tâm (khaṇa) nó gom các pháp trong tâm an-trú trong cảnh sắc, thinh, hương, vị, xúc, hay trong bố-thí, trì-giới ...

Ðịnh tu-tập là cận-định hay định kiên-cố. Ðịnh tu-tập có mãnh lực thiêu đốt các phiền-não nhất là các pháp chướng-ngại, ví như sức nóng mặt trời được gom lại trong tròng kính, có thể phát ra tia lửa thiêu đốt các vật khác.

Tướng của định-quyền được hiển-lộ khi tâm hoàn toàn yên-lặng, không bị xáo động, khi ấy vùng triền (saṃyojāna) yên-lặng, những phiền-não ở vùng triền bị áp chế không thể sanh-khởi.

Ðịnh có sự yên-lặng là thành-tựu, nên khi định phát huy sức mạnh, thì tâm yên-lặng, đồng nghĩa các pháp đồng sanh với định cũng yên-lặng.

Trong thiền Quán nhờ sự loại trừ tâm loạn-động của định, trí quán phát huy sức mạnh như người có mắt dùng mũi kim nhọn xuyên qua lớp vải tùy-miên để sát trừ chấy, rận thân-kiến, hoài-nghi ...

Nói cách khác, định-quyền tích cực trợ giúp cho trí quán xuyên qua một trong ba cửa giải-thoát là: Cửa Vô-tướng (animiṭṭa mukha), cửa Vô-lụy (appaṇihiṭa mukha), cửa Không-tánh (suññaṭa mukha) để sát trừ pháp ngủ-ngầm như thân-kiến, hoài-nghi ... tức là trí-quán xuyên qua một trong ba tướng vô-thường, khổ, vô-ngã để sát-trừ phiền-não.

Nhờ định-quyền phát huy sức mạnh, nước tâm trở nên yên-lặng, tùy theo phước ba-la-mật tích lũy một trong ba tướng hiển-lộ rõ nhất.

Người tích lũy phước ba-la-mật do nương theo đức-tin là bố-thí, trì-giới tướng vô-thường hiển-lộ rõ hơn hai tướng kia, người tích lũy phước ba-la-mật bằng cách tu-tập thiền Chỉ trong quá-khứ là nương theo định là trưởng (adhipaṭi) thì tướng khổ hiện rõ hơn hai tướng kia. Người tích lũy phước ba la mật bằng con đường thiền Quán, tức là dùng trí làm trưởng thì tướng vô-ngã rõ hơn hai tướng kia.

Tuệ-quán hiện-tại bám vào một trong ba tưởng ấy và định-quyền khi ấy trở thành bệ phóng giúp trí-tuệ nhảy vọt từ bờ này sang bờ kia, được gọi là goṭrabhū ñāṇa (tuệ Chuyển-tánh) thế là tuệ-đạo sanh-khởi vị ấy trở thành bậc Dự-lưu.

Tuệ-quyền (paññindriya).

Tuệ-quyền với ý-nghĩa là thấy rõ, trừ diệt sự tối tăm (vô-minh) giống như bốn quyền kia, trí hay tuệ có hai loại:

Pakaṭi ñāṇa: trí thông-thường.
Bhāvanā ñāṇa: trí tu-tập.

Chữ paññā nghĩa là PA + ÑĀ; PA là trọn vẹn hay đúng đắn. ÑĀ: sự biết. Paññā là sự hiểu biết trọn vẹn hay sự hiểu biết đúng.

Thường-trí là loại trí trong thế-tục, trí này rất đa dạng như trí về pháp-học, trí về các loại ngành nghề, trí về ngôn-ngữ ... các nhà khoa-học, các nhà nghiên-cứu ... phát-triển loại trí này ở mức độ cao và có kết quả tốt trong sự thành-đạt thế-tục.

Nói chung, thường-trí bao gồm trí-văn và trí-tư. Trí-tu (bhāvanāmayā paññā) là trí-tuệ sanh lên do tu-tập thiền Chỉ hay thiền Quán.

Tướng của trí-tu là thấu hiểu chân-tướng của pháp hữu-vi.

Tướng của tuệ-quyền được hiển-lộ khi hành-giả thấy được ba tướng vô-thường -khổ -vô-ngã. Trong đó, nếu trí-quyền phát huy sức mạnh thì tướng vô-ngã hiển-lộ rõ nhất so với hai tướng kia.

Nói gọn hơn, khi hành-giả đạt được tuệ Phổ-thông bấy giờ tuệ-quyền được hình thành, tuệ-quyền được hiển lộ khi tướng vô-ngã rõ ràng hơn hai tướng kia, hành-giả nỗ-lực tinh-tấn phát-triển tuệ-quyền càng lúc càng sung-mãn, cuối cùng thành-đạt được giải-thoát khổ.