30-6-2011
Kayanupassana Satipatthana (quán thân trên thân)
Vedananupassana Satipatthana (quán thọ trên thọ)
Cittanupassana Satipatthana (quán tâm trên tâm)
Dhammanupassana Satipatthana (quán pháp trên pháp)
Kayanupassana Satipatthana có nghĩa là quán sát thân hay là tỉnh thức đối với bất kỳ một quá trình nào của thân ngay khi nó xuất hiện. Vedananupassana Satipatthana có nghĩa là sự tập trung vào các cảm giác hay cảm thọ. Cảm giác hay cảm thọ này có ba loại:
Cảm giác hay cảm thọ vui (lạc thọ)
Cảm giác hay cảm thọ khổ (khổ thọ)
Cảm giác hay cảm thọ không khổ không vui (si thọ)
Cảm giác vui hay cảm thọ vui được gọi là sukha-vedana (sukha có nghĩa là vui, hài lòng, vedana là cảm giác hay cảm thọ). Cảm giác hay cảm thọ không vui được gọi là dukkha-vedana trong tiếng Pali (dukkha ở đây có nghĩa là không vui, không hài lòng). Si thọ được gọi là upekkha-vedana (upekkha có nghĩa là trung lập - không vui cũng không khổ). Khi lạc thọ, khổ thọ hay si thọ nảy sinh, một thiền giả phải ý thức nó rõ ràng như nó là. Một vài thiền giả cho rằng không cần phải quan sát khổ thọ vì nó là khổ là khó chịu. Thực ra thì tất cả các cảm thọ phải được ghi nhận một cách chăm chú như chúng đang thực sự xuất hiện. Nếu chúng ta không quan sát hay ghi nhận cảm thọ vui hay khổ, chúng ta chắc chắn sẽ bị dính mắc vào nó hay bị nó đánh bại. Sự dính mắc hay tanhà đó phát sinh phụ thuộc vào cảm giác hay cảm thọ. Trong trường hợp này, cảm giác vui là nhân và tham ái là quả.
Nếu một thiền giả thực hành tích cực và kiên trì, định của anh ta sẽ trở nên sâu và mạnh. Khi định của thiền giả trở nên sâu và mạnh, anh ta cảm thấy hạnh phúc và kinh nghiệm được sự sung sướng vô ngần vì tại thời điểm đó tâm trí anh ta hoàn toàn thoát khỏi tất cả các nhiễm ô như tham lam, căm ghét, ảo tưởng, kiêu mạn và những thứ tương tự như thế. Và vị thiền giả kiên trì này đạt đến một giai đoạn phát triển tuệ giác khá cao bởi vì tâm anh ta lúc này tĩnh lặng, bình an và thanh thản. Nhưng nếu thiền giả thích thú trạng thái này và thoả mãn với những gì mình đang kinh nghiệm thì có nghĩa là anh ta bị dính mắc vào nó, và do đó anh ta không thể tiến lên những cấp độ cao hơn của tuệ. Kinh nghiệm đó có thể đạt được vào bước đầu của tuệ thứ tư. Nếu anh ta hiểu được điều đó, anh ta chỉ nên quan sát kinh nghiệm mà mình đạt được trong giai đoạn này. Dù anh ta đang kinh nghiệm được bất kỳ điều gì trong giai đoạn này, anh ta sẽ không dính mắc vào nó nếu anh ta quan sát kinh nghiệm của mính một cách chăm chú và mạnh mẽ. Khi thiền giả ghi nhận nó một cách chăm chú và kiên nhẫn, niềm hạnh phúc, bình an hay thanh thản đó sẽ không được biểu lộ trong tâm anh ta một cách rõ ràng. Cái mà anh ta nhận thấy tại thời điểm đó chỉ là cảm thọ sinh và diệt. Sau đó cảm thọ khác sinh và diệt. Anh ta không thể phân biệt cảm thọ khổ và vui, do đó, anh ta không bị dính mắc vào kinh nghiệm của mình và tiếp tục tiến lên thực hành cấp độ cao hơn của tuệ. Chỉ sau đó anh ta mới có thể vượt được qua tuệ này.
Nếu một thiền giả bước đi trong chính niệm, ghi nhận sáu phần của một bước chân:
Nhấc bàn chân,
Nâng các ngón chân,
Đưa bàn chân về phía trước,
Đạp bàn chân xuống,
Tiếp đất,
Và nhấn chân xuống,
Kết quả là sức tập trung trở nên tốt hơn, sâu và mạnh, anh ta sẽ không ý thức về hình thái của bàn chân. Anh ta cũng không ý thức về cơ thể hay hình thái của cơ thể. Cái mà anh ta biết chỉ là chuyển động của bàn chân. Cảm giác về chuyển động có thể nhẹ nhàng; anh ta có thể cảm thấy như thể anh ta đang bước đi trong không khí. Anh ta có thể cảm thấy như là anh ta đang được nhấc bổng lên không. Ở giai đoạn này, anh ta đang trải qua những kinh nghiệm thiền định tuyệt vời. Nếu anh ta không quan sát những kinh nghiệm này trong sự tỉnh thức, anh ta sẽ thích chúng và có thể mong ước chúng nhiều hơn nữa. Anh ta có thể rất thoả mãn với sự thực hành của mình và nghĩ rằng đây là Niết bàn bởi lẽ đây là kinh nghiệm tuyệt vời nhất mà anh ta từng có. Tất cả những điều này xảy ra vì anh ta không quan sát những kinh nghiệm dễ chịu của mình, và bị dính mắc vào chúng. Sự dính mắc này phát sinh phụ thuộc vào cảm giác hay cảm thọ dễ chịu, hài lòng về những kinh nghiệm tốt của anh ta.
Nếu một thiền giả thích thú với cảm giác hay cảm thọ dễ chịu do kinh nghiệm tốt của mình đem lại mà không ý thức rõ ràng chúng, anh ta chắc chắn sẽ dính mắc vào chúng. Vì thế anh ta nên quán sát và ý thức rõ ràng bất kỳ một kinh nghiệm nào mà anh ta gặp phải trong giai đoạn này. Anh ta không được phân tích nó hay nghĩ về nó mà phải nhận thức kinh nghiệm này như nó thực sự đang xuất hiện để nhận ra rằng kinh nghiệm này về quá trình tâm hay trạng thái tâm là vô thường. Bất cứ khi nào ghi nhận anh ta sẽ nhận thấy rằng kinh nghiệm này không tồn tại mãi mãi. Khi tâm ghi nhận trở nên liên tiếp, được duy trì và mạnh mẽ, nó sẽ nhìn thấu suốt bản chất kinh nghiệm của anh ta, có nghĩa là trạng thái tâm. Tâm ý bắt đầu nhận ra rằng kinh nghiệm đó đã biến mất. Bất kỳ khi nào cảm thọ đó phát sinh, tâm sẽ ghi nhận nó và nó lại biến mất. Anh ta cuối cùng kết luận rằng cảm giác dễ chịu này cùng với kinh nghiệm của anh ta là vô thường (anicca) bởi vì anh ta đã hiểu được bản chất vô thường nhờ kinh nghiệm của cá nhân mình về Pháp (Dhamma). Ở đây Dhamma có nghĩa là các quá trình về tâm cũng như về thân. Vì anh ta đã nhận ra rằng cảm giác hay cảm thọ dễ chịu cùng với kinh nghiệm tốt là vô thường nên anh ta sẽ không bị dính mắc vào nó. Sự dính mắc sẽ không nảy sinh nếu thiền giả hiểu đúng bản chất thật của các trạng thái tâm hay một kinh nghiệm dễ chịu.
Chuỗi nhân quả
Khi không ái thì tham chấp (ngã chấp) hay upadana cũng sẽ không phát sinh. Khi ngã chấp không nảy sinh thì sẽ không có bất kỳ một nghiệp thân, khẩu, ý thiện hay ác nào. Nghiệp tạo ra bởi ngã chấp được gọi là kàmma-bhava. Nó có thể là nghiệp lành hoặc dữ. Nghiệp lành của thân được gọi là kusala kaya-kamma. Nghiệp ác của thân là akusala kaya-kamma. Nghiệp khẩu thiện là kusala vaci-kamma. Nghiệp ác của khẩu là akusala vaci-kamma. Nghiệp ý thiện là kusala mano-kamma. Nghiệp ý ác là akusala mano-kamma. Những nghiệp hay kamma này phát sinh bởi ngã chấp hay tham chấp này là kết quả của sự dính mắc đối với cảc cảm thọ dễ chịu hay không dễ chịu.
Khi bất kỳ một hành động nào của thân, khẩu hay ý được thực hiện, nó trở thành một nhân. Nhân này trổ quả ở đời này hoặc những đời sau. Vì thế theo cách này một sinh vật được tái sinh bởi nghiệp lành hay dữ của mình. Nghiệp đó được tạo ra bởi tham chấp, ngã chấp, thủ chấp mà gốc rễ là ái, là sự dính mắc. Ái lại được tạo ra bởi cảm giác hay cảm thọ, vedana. Theo cách này, một người phải tái sinh trong kiếp sau để phải trải qua những nỗi khổ khác nhau bởi vì anh ta đã không quan sát các cảm thọ dễ chịu cùng với kinh nghiệp của mình.
Vì thế nếu một thiền giả cho rằng không cần quan sát các cảm thọ thì anh ta sẽ bị dắt dẫn đi theo Vòng nhân duyên (paticcasamuppada) để tái sinh trong kiếp sau và chịu mọi nỗi khổ. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta tỉnh thức đối với bất kỳ một cảm giác hay cảm thọ nào dù là lạc thọ, khổ thọ hay si thọ.
Nhận diện các cảm thọ (quán thọ trên thọ)
Tỉnh thức đối với các cảm thọ hay quán sát các cảm giác được gọi là Vedananupassana satipatthana. Thường khi mới bắt đầu tập, thiền giả cảm thấy khó chịu về thân cũng như tâm. Ở đây chúng tôi cần giảng lại một lần nữa về hai loại cảm thọ:
Kayika-vedana
Cetasika-vedana.
Nếu cảm giác hay cảm thọ nảy sinh phụ thuộc vào các quá trình vật chất, nó được gọi là kayika-vedana. Chúng ta có thể dịch nó là cảm giác hay cảm thọ vật lý hoặc cảm giác hay cảm thọ của thân. Nếu cảm giác hay cảm thọ nảy sinh phụ thuộc vào các quá trình tâm, nó được gọi là cetasika-vedana. Chúng ta có thể dịch nó là cảm giác hay cảm thọ thuộc tâm. Thực ra thì mỗi cảm thọ hay mỗi cảm giác đều là một quá trình tâm, không phải là một quá trình vật chất. Tuy nhiên, đôi khi cảm giác hay cảm thọ phát sinh phụ thuộc vào quá trình không thoải mái của thân. Khi một thiền giả cảm thấy không thoải mái trong cơ thể thì sau đó cảm giác khó chịu sẽ xuất hiện. Cảm giác khó chịu đó được gọi là kayika-vedana bởi vì nó phát sinh phụ thuộc vào các quá trình thuộc thân.
Khi mới bắt đầu tu tập, thiền giả thường phải thọ nhận toàn những cảm giác khó chịu về thân và tâm. Nhưng dù anh ta kinh nghiệm bất kỳ cảm giác nào anh ta phải quan sát nó chăm chú, mạnh mẽ và chính xác để có thể nhận ra bản chất thật của cảm giác hay cảm thọ đó. Các đặc tính riêng và chung của cảm thọ đó phải được nhận diện hoàn toàn để anh ta không bị dính mắc vào nó hay bị nó đánh bại. Đây là Vedanaupassana Satipatthàna - sự tỉnh thức đối với các cảm giác hay cảm thọ. Bất kỳ khi nào cảm thọ sinh khởi nó phải được quan sát và ghi nhận như nó thực sự đang xuất hiện.
Một thiền giả e ngại cảm giác khó chịu về thân mà anh ta trải qua trong quá trình hành thiền là điều tự nhiên, nhưng cảm giác đau không phải là điều đáng lo ngại, và sợ hãi. Đau là một tiến trình tự nhiên cần phải được hiểu thấu đáo nhờ nhận thức nó như nó đang là. Khi một thiền giả có thể quan sát cái đau thành công với những nỗ lực không ngừng, anh ta sẽ có thể nhận ra bản chất thật của chúng - bản chất chung và riêng của cái đau. Sự hiểu biết sâu sắc, thấu đáo bản chất thật của cái đau hay cảm giác khó chịu đó sẽ dẫn thiền giả đến những cấp độ cao hơn của tuệ. Và cuối cùng, anh ta có thể đạt được giác ngộ nhờ nhận diện cảm thọ đau này.
Nhận diện ý thức (quán tâm trên tâm)
Nội dung thứ ba của Tứ Niệm Xứ là Cittanupassana Satipatthana có nghĩa là tỉnh thức đối với ý thức và các trạng thái (cetasika, tâm sở) nảy sinh cùng với ý thức. Theo luận Abhidhamma (Vi diệu pháp), mỗi "tâm" được tạo nên bởi ý thức và các thứ đi cùng nó (concomitants, tâm sở). Concomitants ở đây có nghĩa là các nhân duyên. Ý thức không bao giờ nảy sinh một cách riêng lẻ mà nó sinh khởi cùng với các nhân duyên của nó. Tóm lại, bất kỳ ý thức nào hoặc "tâm" hay trạng thái tâm nào xuất hiện đều phải được tỉnh thức ghi nhận hay quan sát như nó đang thực sự xuất hiện. Đây là Cittanupassana Satipatthana. Các trạng thái của tâm có thể tốt, và các trạng thái cảm xúc có thể dễ chịu hơn. Dù như thế nào, nó cũng phải được ghi nhận như nó thực sự đang là. Vì thế, khi bạn nảy ý tham lam và dính mắc, bạn phải tỉnh thức nhận diện nó như nó đang là. Nếu bạn nảy ý sân hận, bạn phải ghi nhận nó là sân hận. Lòng sân hận có thể được ghi nhận là "sân hận" hay "sự sân hận" theo kinh Maha Satipatthàna Sutta. Khi sức tỉnh thức chính niệm trở nên mạnh mẽ, sự sân hận sẽ biến mất. Thiền giả sẽ nhận ra là sự sân hận không tồn tại mãi mãi - nó sinh và diệt. Thiền giả có hai lợi ích nhờ việc quan sát sự sân hận:
1) Vượt qua được sự sân hận.
2) Nhận ra bản chất thực của sân hận (tính chất sinh diệt của sân hận hay bản chất vô thường của sân hận).
Sân hận là một trong những trạng thái của tâm có thể dẫn thiền giả đến chấm dứt khổ đau nếu biết ghi nhận nó với sự tỉnh thức.
Nhận diện các Pháp (quán pháp trên pháp)
Nội dung thứ tư của Tứ Niệm Xứ là Dhammanupassana Satipatthana có nghĩa là quán chiếu các Pháp hay sự tỉnh thức đối với Pháp (dhamma). Ở đây dhamma bao gồm nhiều phạm trù về các quá trình của thân và tâm. Phạm trù đầu tiên là năm nivarana (ngũ cái):
1) Kamacchanda: Tham - tham sắc, thanh, hương, vị, xúc (tham).
2) Vyapada: Sân hận hay ác ý (sân).
3) Thina-middha: Giải đãi và hôn trầm - ngủ gục, lờ đờ, chậm chạp uể oải chán nản (thuỵ miên).
4) Uddhacca-kukkucca: Hối hận, lo lắng hay không vui vì những hành động đã qua. Không vui vì không làm được những việc nên làm trong quá khứ là khía cạnh đầu tiên. Khía cạnh thứ hai là không vui vì việc mình đã làm mà đáng ra không nên làm, có nghĩa là một hành động không trong sạch sẽ mang lại kết quả xấu ( trạo hối)
5) Vicikiccha: Nghi ngờ.
Một khi tâm còn nhiễm ô thì thiền giả không thể nhận ra bất kỳ một tiến trình thân hay tâm nào. Chỉ khi nào tâm tập trung tốt vào đối tượng của thiền (các quá trình thân hoặc tâm), nó mới thoát khỏi mọi nhiễm ô hay chướng ngại. Do đó tâm trở nên trong sáng và sâu sắc; nó sâu sắc đến mức độ có thể nhận ra bản chất thực của các tiến trình thân và tâm như chúng thực sự là. Vì vậy, bất cứ khi nào một trong năm triền cái nảy sinh trong tâm thiền giả, anh ta phải nhận diện chúng một cách rõ ràng.
Ví dụ, khi một thiền giả nghe thấy một bài hát ngọt ngào từ bên ngoài và không ghi nhận nó, anh ta có thể mong ước được nghe bài hát đó. Anh ta muốn nghe đi nghe lại bài hát này và trở nên say mê nó. Mong ước được nghe bài hát này chính là sự tham đắm lục trần - Kamacchanda. Vì vậy, khi anh ta nghe bất kỳ bài hát ngọt ngào nào, anh ta phải ghi nhận là "đang nghe, đang nghe”. Mặc dù thế anh ta vẫn có thể bị chìm đắm trong bài hát nếu sự tỉnh thức của anh ta không đủ mạnh. Nếu anh ta biết quán xét rằng sự tham đắm bài hát của các căn có thể dẫn anh ta đến những sự việc không mong muốn hay những tai nạn, hoặc nó có thể là trở ngại cho sự tiến bộ trong hành thiền của anh ta, anh ta sẽ ghi nhận nó là "mong ước, mong ước" cho đến khi nó bị diệt bỏ nhờ sự tỉnh thức mạnh mẽ. Khi sự tỉnh thức trở nên liên tục và mạnh mẽ, mong ước đó có thể biến mất. Lòng tham đắm này biến mất bởi vì nó đã được quan sát một cách chăm chú và mạnh mẽ. Khi một thiền giả quan sát như thật hay nhận diện được sự ham muốn của giác quan, dùng tâm ghi nhận "mong ước, mong ước" có nghĩa là anh ta đang thực hành một cách nghiêm túc những điều Đức Phật dạy trong Maha Satipatthana Sutta (Tứ Niệm Xứ). Tỉnh thức theo cách này là Dhammanupassana Satipatthana - sự quán sát các đối tượng của tâm, tức là quán chiếu các triền cái (nivaranas).
Thina-midda, lười biếng và uể oải, thực ra có nghĩa là thụy miên. Lười biếng và uể oải là người bạn rất đỗi quen thuộc của các thiền giả. Khi một thiền giả cảm thấy buồn ngủ anh ta thích thú nó. Nếu một cảm giác dễ chịu nào đến anh ta có thể quan sát nó nhưng nếu cơn buồn ngủ đến anh ta không có khả năng nhận thức nó rõ ràng vì anh ta thích nó. Đó là lý do tại sao lười biếng và uể oải hay trầm thụy là người bạn cũ của thiền giả. Nó khiến anh ta ở mãi trong vòng luân hồi. Nếu anh ta không có khả năng quan sát sự buồn ngủ, anh ta sẽ không thể vượt qua nó. Nếu anh ta không nhận ra bản chất thật của giải đãi và uể oải hay buồn ngủ, anh ta sẽ dính mắc vào nó và thích thú nó.
Khi chúng ta cảm thấy buồn ngủ chúng ta phải nỗ lực tích cực hơn trong thực hành; điều đó có nghĩa là chúng ta phải quan sát chăm chú hơn, mạnh mẽ hơn và chính xác hơn để chúng ta có thể làm tâm năng động và cảnh giác hơn. Khi tâm trở nên năng động và cảnh giác hơn, nó sẽ thoát khỏi sự buồn ngủ. Thiền giả sẽ vượt được qua cơn buồn ngủ.
Uddhacca-kukucca là chướng ngại thứ tư. Uddhacca là bồn chồn hay tán loạn, kukucca là hối hận. Ở đây uddhacca có nghĩa là sự tán loạn của tâm, sự bồn chồn không yên của tâm, tâm lăng xăng. Thay vào việc ghi nhận đối tượng của thiền, tâm lại lăng xăng hay nghĩ về một điều gì khác thì đó là tán loạn (uddhacca). Khi tâm của bạn lăng xăng, bạn phải ý thức nó rõ ràng như nó thực sự là. Khi mới bắt đầu tập, một thiền giả có thể không quán sát được nó. Thậm chí anh ta không biết rằng tâm đang lăng xăng. Anh ta cứ nghĩ là tâm đang chú vào đối tượng của thiền, tức là sự chuyển động của bụng hay sự thở. Khi anh ta ý thức rằng tâm đã lăng xăng, anh ta phải ghi nhận “đăng lăng xăng, đang lăng xăng” hay “đang nghĩ, đang nghĩ”. Như thế có nghĩa là uddhacca-kukkucca đang được quan sát.
Chướng ngại thứ năm là Cicikiccha hay nghi ngờ. Bạn có thể nghi ngờ Phật, Pháp, Tăng hay về phương pháp thiền. Bất kỳ mối nghi nào khởi lên đều phải được quán sát chăm chú, bạn phải nhận diện nó rõ ràng như nó đang thực sự là.
Đây là Dhammanupassana Satipatthana - tỉnh thức về Pháp. Như vậy, trên đây đã trình bày bốn nội dung của Tứ Niệm Xứ:
Kayanupassana Satipatthana: quán sát thân hay các hiện tượng vật lý.
Vedananupassana Satipatthana: quán sát cảm thọ.
Cittanupassana Satipatthana: quán sát ý thức cùng những vọng tưởng.
Dhammanupassana Satipatthana: quán chiếu các pháp (dhamma) hay đối tượng của tâm.
Sayadaw U Janakabhivamsa
Diệu Tâm Phan Minh Nguyệt dịch Việt