Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

2600 NĂM THẾ TÔN THÀNH ĐẠO
30-4-2011

14

GIÁO DỤC: CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA


Trước hết, Đức Phật của chúng ta, dầu cho có chứng được thần túc thông, tha tâm thông, thiên nhĩ thông, đã không dùng thần thông để giáo hóa chúng sanh. Ngài lựa pháp môn giáo hóa để hóa độ chúng sanh. Nói cho đúng hơn, Ngài dùng thần thông một cách hết sức dè dặt, tế nhị, về hết sức kín đáo.

Trong suốt 45 năm thuyết pháp và như chúng ta được thấy rõ ngang qua các bài kinh được để lại, Ngài đi bộ từ làng này qua làng khác, từ thị trấn này qua thị trấn khác, đi vào nhà, đi vào giảng đường, đi vào hội chúng, với uy nghi bình thường của một bậc Đạo sư đi truyền đạo và đi giảng đạo. Ngài không dùng thần thông, phép lạ để làm hoa mắt, để làm choáng váng những người đến với Ngài, Ngài chỉ dùng lời nói từ hòa khiêm tốn, thuyết pháp độ sinh; Ngài chỉ dùng thân giáo và khẩu giáo để giáo hóa chúng sanh. Cử chỉ, hành động của Ngài khiêm tốn và tế nhị đến nỗi Pukkasati, một đệ tử của Ngài, gặp Ngài mà vẫn không biết Ngài là Đức Phật. Ngài tế nhị và khiêm tốn đến nỗi người giữ vườn cho ba vị tôn giả Anuruddha, Kimbila và Ananda không biết ngài là Đức Phật, đã ngăn cản Ngài không cho vào thăm ba vị đại đệ tử của Ngài.

Chính thái độ hóa thần thông để giáo hóa chúng sanh đã làm nổi bật giá trị tâm lý hoằng pháp mà Đức Phật của chúng ta đã dùng để hoằng hóa độ sanh.

Ưu điểm thứ hai trong sứ mệnh hoằng pháp độ sanh của Đức Phật chúng ta là Ngài luôn luôn giữ đúng vị trí của một bậc Đạo sư đối với các đệ tử. Trong kinh Ganaka Moggalana, Trung bộ kinh, Bà la môn Ganaka hỏi Đức Phật: "Có phải khi sa môn Gotama giảng dạy như vậy, thời tất cả đệ tử của Ngài đều chứng được cứu cánh Niết Bàn?" Đức Phật trả lời là một số chứng được cứu cánh Niết Bàn, một số không chứng được.

Đức Phật trả lời một cách rất nhẹ nhàng, khiêm tốn nhưng cũng rất thiết thực và tuyệt diệu, giữ đúng vị trí của bậc Đạo sư đối với các đệ tử:

"Cũng vậy, này Bà la môn, trong khi có một Niết Bàn, có một con đường đưa đến Niết Bàn và trong khi có mặt Ta là người chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh Niết Bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà la môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường". (Trung bộ kinh III, trang 105).

Câu trả lời của Đức Phật chúng ta nói lên trách nhiệm của một bậc Đạo sư là trình bày giảng dạy con đường giải thoát giác ngộ chớ không phải thay thế đệ tử tu hành giúp cho các đệ tử. Thái độ của đức Phật trong tư cách của môt bậc Đạo sư cũng nói lên lòng tin tưởng của mình đối với khả năng hiểu biết và tu chứng của các đệ tử của mình. Ngài chỉ dạy con đường, các đệ tử phải tự mình dấn bước trên con đường ấy. Chính nhờ Đức Phật ý thức rõ ràng vị trí của bậc Đạo sư và vị trí của người đệ tử, nên Đức Phật đã thành công rực rỡ trong sứ mệnh hoằng pháp độ sanh của Ngài.

Trích từ "Đức Phật của chúng ta" - Tỳ kheo Thích Minh Châu