Câu chuyện ngày xuân 15-2-2010
HOA
"Trong đạo lý của bậc thánh vẫn nói đến những cái đẹp"
LỜI HAY MÀ Ý LẠI ĐẸP GIỐNG NHƯ ĐOÁ HOA CÓ CẢ SẮC HƯƠNG
7. Vua Và Vua Các Vua
Như bông hoa đẹp tươi...
Thế Tôn dạy câu này liên quan đến cư sĩ Chattapàni khi ngài ngụ tại Xá-Vệ.
Cư sĩ Chattapàni ở Xá-vệ làu thông Tam tạng Kinh điển và đã chứng Nhị quả. Một sáng sớm, tuân giữ Bát quan trai giới, đến đảnh lễ Thế Tôn. Ðối với những vị chứng Nhị quả và các Thánh đệ tử của Phật, vì đã thệ nguyện trước, không cần giữ giới Bát quan trai. Những vị ấy, chỉ do công hạnh của đạo quả, sống đời thánh thiện, ăn ngày chỉ một bữa. Do đó, đức Thế Tôn nói: "Ðại Vương! Người thợ gốm Ghatikàra ăn ngày chỉ một bữa, sống đời phạm hạnh, thì đã là người đạo đức, chính thực." Do đó, những vị đã chứng Nhị quả đương nhiên ăn ngày một bữa và sống đời thánh thiện).
Nhưng Chattapàni cũng vẫn giữ giới Bát quan trai. Ông đến đảnh lễ Thế Tôn rồi cung kính ngồi xuống nghe pháp.
Lúc bấy giờ vua Ba-tư-nặc ở Kosala cũng đến để đảnh lễ Thế Tôn, Chattapàni trông thấy thoáng lo nghĩ không biết phải xử sự thế nào. Ông đang ngồi với sự hiện diện của Phật, tức vua của các vua, thì không thể đứng lên chào vua của một nước được. Thế rồi ông quyết định ngồi yên không đứng dậy, dù vua Ba-tư-nặc có bất bình cũng đành chịu. Quả nhiên, vua đảnh lễ Thế Tôn xong cung kính ngồi một bên, mặt không vui. Thế Tôn thấy vậy bèn bảo:
- Ðại vương, cư sĩ Chattapàni là bậc Thiện trí, hiểu biết giáo pháp và thông thuộc Tam tạng kinh điển, bình thản cả lúc thành công hay thất bại.
Vua nghe Ngài ca tụng đức hạnh của ông, lòng dịu lại hết giận.
Sau đó, một hôm, điểm tâm xong, vua đứng trên lầu hoàng cung thấy Chattapàni đi qua sân, tay cầm dù chân mang dép liền ra lệnh gọi ông đến. Ông bỏ dù, cởi dép đến chào vua và cung kính đứng một bên.
Vua hỏi ông:
- Tại sao ông bỏ dù và cởi dép?
Ông đáp:
- Khi thần nghe Ðại Vương cho đòi vào liền để dù và dép qua một bên trước khi đến gặp ngài.
- Thế thì, rõ ràng hôm nay ông mới biết ta là vua?
- Thần luôn luôn biết ngài là vua.
- Sao hôm trước gặp ta chỗ Thế Tôn, ông không đứng dậy?
- Ðại vương! Nếu đứng trước vua của các vua mà thần đứng dậy chào vua một nước thì thiếu cung kính với đấng Thế Tôn. Vì vậy thần đã không đứng dậy.
- Không sao, cái gì đã qua hãy cho qua. Ta nghe nói ông thông thạo những vấn đề liên quan đến đời này và đời sau, và thông thuộc Tam tạng kinh điển, vậy hãy đến cung cấm tụng đọc cho các cung phi.
- Thần không thể làm, Ðại vương!
- Tại sao vậy?
- Hoàng cung là nơi nghiêm mật. Ðúng hay sai đều nghiêm trọng, tâu bệ hạ.
- Ðừng nói thế. Ngày hôm kia, khi gặp ta ông thấy không cần đứng dậy chào mà. Ðừng làm thương tổn vết thương thêm nữa.
- Ðại vương, nếu một gia chủ làm nhiệm vụ của một Tỳ-kheo thì là phạm lỗi nặng. Xin thỉnh một Tỳ-kheo đến giảng kinh.
Vua chấp thuận, ra lệnh bãi hầu. Sau đó, vua sai sứ giả đến bạch với Phật, xin Thế Tôn đến hoàng cung thường xuyên với năm trăm Tỳ-kheo để nói pháp cho hai vương phi là Mallikà và Vàsabhakhattyyà. Vì như Phật không thể đến hoài một chỗ, nên Thế Tôn cử Trưởng lão A-nan đều đặn đến trùng tuyên giáo pháp cho hai bà. Mallikà học rất chăm chỉ, ôn luyện nghiêm túc và chú tâm đến lời giảng, còn Vàsabhakhattyyà thì không được như vậy. Ðược Thế Tôn hỏi thăm, Trưởng lão trình bày sự học của hai bà. Phật dạy:
- Này A-nan! Khi Ta thuyết pháp, ai không thành tâm lắng nghe, học tập, ôn luyện và giảng giải được thì không chút gì lợi lạc, như bông hoa có sắc mà không hương. Nhưng người nào nghe, học, lặp lại và giảng giải được sẽ hưởng nhiều lợi lạc.
Rồi Thế Tôn đọc Pháp cú:
(51) Như bông hoa đẹp tươi,
Có sắc mà không hương,
Cũng vậy, lòi khéo nói,
Không làm không kết quả.
(52) Như bông hoa đẹp tươi,
Có sắc lại thêm hương,
Cũng vậy, lòi khéo nói,
Có làm, có kết quả.
Khi Phật kết thúc bài giảng, nhiều người chứng sơ quả, Nhị quả và Tam quả. Hội chúng cũng được nhiều lợi lạc.
HOA DẠI KHÉO KẾT THÀNH TRÀNG HOA ĐẸP
8A. Lời Nguyện Của Tỳ-Xá-Khư
Các Tỳ-kheo, cách đây một trăm ngàn kiếp quá khứ, Phật Padumuttara xuất hiện ở thế gian, thọ mạng của Ngài là một trăm ngàn năm, có một trăm ngàn A-la-hán đệ tử. Thành của Phật là Hamsavatì, cha là Sunanda, mẹ là Sujàtà Devì. Ðệ tử nữ cư sĩ là đại thí chủ. Nữ cư sĩ đó được Tám thánh ân từ Ngài, và như một người mẹ, lo cho Phật tứ sự cúng dường, phục vụ từ sáng đến chiều. Nữ cư sĩ được chuyện trò thân mật với Phật và được Phật quý trọng, một hôm đánh bạo hỏi Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cô bạn tôi đối với Ngài là gì?
Phật đáp:
- Là đại thí chủ của Ta.
- Bằng cách nào cô ta được như vậy?
- Do lời nguyện trước đây trăm ngàn kiếp.
- Bạch Thế Tôn, một người có thể được địa vị ấy không, nếu phát nguyện bây giờ?
- Có thể được.
- Vậy thì, bạch Thế Tôn, xin nhận cho con cúng dường Ngài với trăm ngàn Tỳ-kheo trong bảy ngày.
Phật chấp thuận.
Ðến ngày cuối tuần cúng dường, cô ta đỡ lấy y bát của Thế Tôn, đảnh lễ và quỳ dưới chân Ngài phát nguyện:
- Bạch Thế Tôn, con không tìm cầu cho mình một vương quyền nào ở cõi trời, mà chỉ xin được Tám thánh ân của Phật, xin được như một người mẹ hơn giờ hết lo tứ sự cúng dường cho Ngài.
Thế Tôn muốn biết xem hạnh nguyện của cô ta có được viên mãn hay không, nên dùng Thiên nhãn nhìn về tương lai suốt một trăm ngàn kiếp và bảo:
- Một trăm ngàn kiếp sau, một đức Phật tên Cồ-đàm sẽ xuất hiện ở thế gian. Lúc đó ngươi là đệ tử nữ cư sĩ tên Tỳ-xá-khư, sẽ được Tám thánh ân từ Phật, sẽ được như một người mẹ đối với Phật, và sẽ là cư sĩ nữ xuất sắc nhất trong việc lo tứ sự cúng dường cho Ngài.
Như thế là chắc chắn trong tương lai, cô ta sẽ đạt được những điều này. Cô ta đã làm việc phước thiện trong suốt quãng đời còn lại của kiếp ấy và tái sinh trên cõi trời. Sau khi qua lại cõi trời và cõi người, nàng tái sanh trong thời Phật Ca-diếp, là con gái út của vua Kiki xứ Kàsi. Cô lập gia đình, sống bên nhà chồng, suốt thời gian rất lâu cúng dường và làm nhiều việc công đức khác cùng với các chị.
Một hôm cô ta quỳ dưới chân Phật Ca-diếp và phát lời nguyền giống như trước đây. Rồi cô ta cũng luân hồi từ cõi trời qua cõi người, và trong kiếp này tái sanh làm con chưởng khố Dhananjaya, cháu nội của chưởng khố Ram. Và trong kiếp này, cô đã tạo được nhiều đức qua các thiện sự cho giáo đoàn của Ta.
(Hết Chuyện Quá Khứ)
Và Thế Tôn giảng pháp cho các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, giống như từ một đống hoa đủ loại, người khéo léo sẽ kết nhiều kiểu vòng hoa, cũng như thế, tâm Tỳ-xá-khư hướng đến làm các việc công đức bằng nhiều cách.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(53) Như từ một đống hoa
Nhiều tràng hoa được làm
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều thiện sự.
HOA SEN TUY Ở CHỐN BÙN LẦY VẪN LÀ CAO KHIẾT
14. Sirigutta Và Garahadinna
Như giữa đống rác nhớp...
Phật dạy câu này liên quan đến Garahadinna, lúc ngụ tại Kỳ Viên.
Ở Xá Vệ có hai người bạn, Sirigutta đệ tử cư sĩ của đức Phật và Garahadinna môn đồ của ẩn sĩ lõa thể Ni-kiền-tử. Các ẩn sĩ này thường này thường bảo Garahadinna đến gặp Sirigutta hỏi những câu như:
- Tại sao bạn đến thăm Sa-môn Cồ-đàm?
- Bạn trông mong gì nơi ông ta?
Và họ còn bảo Garahadinna đến khuyên Sirigutta thế này thế nọ, để ông ta đến thăm và cúng dường các ẩn sĩ?
Garahadinna vâng lời, và bất kỳ gặp Sirigutta ở đâu, dù đang đứng hoặc ngồi, đều hỏi như thế. Sirigutta, vẫn cố gắng giữ im lặng nhiều ngày liên tiếp. Một hôm hết kiên nhẫn, ông đáp lời:
- Này bạn, mỗi lần gặp tôi là bạn cứ hỏi như thế... Vậy thì bạn hãy trả lời cho tôi biết các vị thầy cao quý của bạn biết được những gì?
- Ồ, bạn à. Không có điều gì mà các thầy tôi không biết. Các thầy tôi biết hết từ quá khứ, hiện tại đến vị lai. Biết cả ý, lời và hành động của mọi người. Biết hết những chuyện sẽ xảy ra và những chuyện không xảy ra.
- Bạn không có ý nói thế chứ?
- Tôi nói đúng thế.
- Nếu quả đúng như thế, bạn đã phạm một lỗi lớn, là đã không cho tôi biết từ trước các vị thầy cao quý của bạn có thần thông thần trí như vậy. Hãy mời các vị ấy đến, nhân danh tôi.
Garahadinna đến các thầy ẩn sĩ, đảnh lễ và chuyển lời mời, họ vui mừng bảo nhau:
- Việc chúng ta đã xong. Một khi Sirigutta đặt niềm tin nới chúng ta thì lợi lạc khỏi chê.
Khu nhà ở của Siragutta rất rộng và giữa hai căn nhà có một khoảng đất trống dài. Anh ta cho đào hố nơi đó và đổ đầy phân và bùn. Ở hai đầu hố, anh ta chôn cọc xuống đất và lấy dây thừng cột vào cọc. Rồi anh ta đặt ghế ngồi với hai chân trước trên mặt đất và hai chân sau trên dây thừng. Ngay khi các ẩn sĩ ngoại đạo ngồi xuống sẽ bật ngửa ra sau, lộn đầu xuống hố. Một khăn trải giường được phủ lên chỗ ngồi để che miệng hố. Nhiều chậu bằng đất nung thật to được rửa sạch, miệng chậu phủ lá và khăn. Những chậu không đó được đặt phía sau nhà, bên ngoài bôi lên nào là cháo, cơm cục, mật, đường thô và bánh vụn.
Garahadinna đến ngay nhà bạn, hỏi thăm thức ăn đã nấu xong chưa, chỗ ngồi đã chuẩn bị rồi chưa. Ðược bạn chỉ cho thấy các chậu to đầy tràn cà ra ngoài, nào cháo, cơm, mật, đường thô và bánh cùng những chỗ ngồi tươm tất, anh yên tâm ra về.
Garahadinna vừa đi khỏi thì năm trăm ẩn sĩ lõa thể đến. Sirigutta ra khỏi nhà đón, và năm vóc gieo xuống đảnh lễ họ, rối đứng trước mặt chắp hai tay đưa cao tỏ dấu chào kính. Và anh ta nói thầm trong đầu với các ẩn sĩ rằng nếu họ thông suốt hết quá khứ, hiện tại, vị lai thì xin đừng vào nhà anh, vì anh không nấu nướng chuẩn bị gì đãi họ cả. Còn nếu họ chẳng hề thông suốt gì cả mà cứ đi vào nhà anh thì sẽ bị anh cho sụp hố phân rồi cho họ ăn gậy. Nói thầm vậy xong, anh dặn gia nhân khi khách sắp ngồi xuống ghế thì kéo tấm phủ ra khỏi dính bẩn.
Sirigutta mời các ẩn sĩ bước vào nhà. Họ định ngồi xuống ghế thì đám gia nhân bảo hãy khoan, mỗi người phải tìm đúng tên mình và đứng ngay tại đó, xong xuôi tất cả hãy ngồi một lượt. Sở dĩ phải làm như thế để không người nào bị té xuống hố trước một mình, và có thể báo động cho người đã ổn định đúng chỗ ngồi, đám gia nhân đồng thanh hô to:
- Mời các Ngài ngồi xuống một lượt nhanh lên!
Thấy họ sắp ngồi, đám gia nhân kéo mạnh tấm phủ, cùng một lúc các ẩn sĩ ngồi xuống một lượt. Chân ghế đặt trên dây thừng liền chệch ra ngoài, và họ bật ngửa ra sau đó, lộn đầu xuống hố bùn. Sirigutta đóng cửa lại. Họ vừa ngoi lên khỏi đám bùn liền lãnh gậy gộc tới tấp xuống lưng, kèm theo tiếng la hét:
- Nè, mấy ông biết hết quá khứ, hiện tại, vị lai!
Thấy trận đòn đủ cho các vị ẩn sĩ bài học, Sirigutta truyền mở cửa cho họ ra về. Họ ào ạt phóng chạy, nhưng khổ thay đường trơn trợt vì Sirigutta đã cho phết nước vôi, nên họ té lăn bò càng. Lại thêm trận đòn gậy gộc thứ hai. Họ vừa lết vừa than vãn:
- Sirigutta đã hại chúng ta!
Cuối cùng họ cũng đến được nhà người ủng hộ họ là Garahadinna. Thấy hoàn cảnh bi đát của các ẩn sĩ, anh ta nổi giận nghĩ rằng bạn mình đã hại mình; dù các vị thầy của mình đã đưa tay lên và lạy anh ta, họ cũng hứng gậy gộc tơi bời. Anh ta đã làm nhục các thầy cao quý của mình, phước điền của mình, những vị có thể tùy thích ban phước cho cả sáu cõi thiên giới. Anh ức lòng đi đến vua thưa bạn mình, đòi bồi thường một món tiền là một ngàn đồng. Vua cho trát đòi Sirigutta, anh đến chầu, xin vua cho điều tra trước khi xử phạt. Vua bằng lòng, và Sirigutta kể lại từ đầu đến đuôi. Vua hỏi lại Garahadinna có phải đúng thế không, anh xác nhận đúng. Vua buộc tội về phía Garahadinna vì đã chọn người quá kém cỏi làm thầy, mà còn khoe với đệ tử của Thế Tôn là biết tất cả. Vua còn phạt đòn các ẩn sĩ và trục xuất họ.
Căm hận chưa nguôi, hai tuần liên tiếp Garahadinna không nói chuyện với Sirigutta. Anh ta cũng nghĩ cách để làm nhục lại các Tỳ-kheo thường lui tới nhà bạn mình. Anh làm hòa trước với bạn và hai người trở lại đứng chung, ngồi chung như trước.
Một hôm Sirigutta gợi ý cho Garahadinna thỉnh Phật và các Tỳ-kheo đến nhà cúng dường. Ðúng là dịp anh chờ đợi từ lâu, như thể Sirigutta gãi đúng chỗ ngứa. Anh hỏi Thế Tôn hiểu biết đến đâu. Sirigutta đáp là không có điều gì ngoài tầm hiểu biết của Thế Tôn, từ quá khứ, hiện tại đến vị lai, Ngài đọc được tâm ý của chúng sanh dù kiểu nào đi nữa. Thế là anh bằng lòng nhờ Sirigutta mời thỉnh Thế Tôn cùng năm trăm Tăng chúng đến nhà cúng dường.
Ðến chỗ Thế Tôn và đảnh lễ Ngài xong, Sirigutta trình bày chuyện xảy ra cách đây bảy ngày về các ẩn sĩ thường lui tới nhà bạn mình, nhơn đó không đoan chắc là bạn mình có ý định trả thù hay không, cũng như lời mời thỉnh Thế Tôn không biết có phải thuần là cúng dường hay không. Nếu thấy ý đồ tốt, xin Thế Tôn nhận lời, nếu không xin từ chối. Thế Tôn thấy rõ mưu định của Garahadinna và hậu quả ra sao, và cũng thấy bổn phận phải tế độ chàng trẻ tuổi hiền thiện này, nên Ngài nhận lời.
Ðược tin Phật nhận lời, Garahadinna tiến hành ngay cho đào một cái hầm to lớn giữa hai căn nhà. Tám chục xe chất đầy cây keo được chở về và đổ xuống đầy hầm, sau đó đốt thành than, có cả ống bể thổi gió vào cho lửa cháy suốt đêm, đến khi đống cây keo biến thành một khối than nóng rực. Trên miệng hầm anh ta thả những khúc gỗ chưa đẽo và đậy lại với một tấm thảm phết phân bò. Một bên miệng hầm được chừa làm lối đi, có những cây nhỏ rất mong manh bắc qua lại. Anh ta thầm nghĩ họ mà bước lên lối đi, khung cây yếu ớt này sẽ gãy sụp, và chắc mẽm là sẽ té nhào xuống hầm than. Chậu đựng thức ăn cũng như chỗ ngồi cũng được soạn sẵn như Sirigutta đã làm trước đây.
Sáng sớm Sirigutta cũng đến nhà bạn mình xem xét, và nhận thấy rằng mọi sự đều tốt. Khi ngoại đạo thỉnh Phật, người ta tụ tập rất đông. Nhóm tà kiến sẽ bảo:
- Ta sẽ chứng kiến sự thất bại của đạo sĩ Cồ-đàm.
Phái chánh kiến lại nói:
- Hôm nay đấng Ðạo sư sẽ thuyết pháp rất hùng hồn, và chúng ta sẽ thấy oai lực cũng như ân huệ của Phật.
Ngày hôm sau, Thế Tôn đến cùng năm trăm Tăng chúng, Garahadinna cũng tiếp đón y như Sirigutta đã tiếp đón các ẩn sĩ lúc trước. Sau khi nói thầm trong đầu những lời như Sirigutta đã nói thầm với các ẩn sĩ, anh ta đỡ bình bát của Thế Tôn và thỉnh Ngài vào nhà, không quên dặn Thế Tôn vào trước một mình, khi nào Ngài ngồi xuống rồi những vị khác mới vào sau. Anh ta còn nghĩ thêm nếu những vị sau thấy Thế Tôn vào trước và rớt xuống hầm than, chắc sẽ không dám tới gần, như vậy chỉ một mình Ngài bị bẽ mặt vì té xuống hầm. Anh ta tiến đến tận hầm than rồi bước lùi phía sau một bước, và dừng lại cách một khoảng, bảo Thế Tôn:
- Xin mời Ngài tiến bước, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bước đi, đặt chân ngay trên hầm than. Ngay lúc ấy tấm thảm biến mất, và những đóa hoa sen to bằng bánh xe mọc lên tách hầm than ra làm hai. Thế Tôn đặt chân lên đài sen, tiến thẳng tới và ngồi xuống Phật tòa đã sắp sẵn do thần lực. Các Tỳ-kheo cũng đi theo và ngồi xuống. Lòng nôn nóng như bị lửa thiêu đốt Garahadinna tiến đến Thế Tôn cầu xin:
- Bạch Thế Tôn, cho con quy ngưỡng.
Phật hỏi:
- Nghĩa là sao?
- Không có cháo, không có cơm hay thức ăn nào trong nhà cho năm trăm Tỳ-kheo. Con không biết phải làm sao?
- Nhưng ngươi đã làm gì?
Anh ta kể lại mưu đồ làm hại Thế Tôn. Phật hỏi tiếp:
- Ngươi vừa mới chỉ cho Ta đây là chậu đựng cháo, rồi cơm và các thứ, không phải thế sao?
- Con đã nói dối, thưa Ngài toàn là chậu không.
- Không sao, hãy đến nhìn, đầy cháo và thức ăn khác trong chậu.
Kim khẩu Thế Tôn vừa thốt "cháo" thì tức khắc chaó đày chậu, các thức ăn khác cũng thế.
Thấy được sự mầu nhiệm, lòng Garahadinna tràn ngập vui sướng và phát khởi tín tâm. Trong niềm tôn kính vô cùng, anh ta hết lòng phục vụ Tăng chúng do Phật lãnh đạo. Thọ thực xong, anh ta đỡ lấy bát của Phật và mong muốn ngài hồi hướng công đức. Phật thuận tình và nói rằng:
- Những chúng sanh này, vì không được tuệ nhãn nên không biết công đức của Ta, của các đệ tử và Giáo đoàn Ta. Bởi vì không được tuệ nhanõ nên họ mù. Chỉ có người trí mới có mắt.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(58) Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chổ áy hoa sen nở,
Thơm sạch đẹp ý người.
(59) Cũng vây giữa quần sanh,
Uế nhiễm mù, phàm tục,
Ðệ tử, bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với tuệ trí.
Cuối câu kệ, tám mươi ngàn người được Pháp nhãn thanh tịnh. Cả Garahadinna và Sirigutta đều chứng quả Tu-đà-hoàn, và cúng hết sự sản cho Giáo đoàn của Phật.