KUN WAN, Myanmar -- Khi một đoàn xe mang theo vật phẩm cứu trợ được dẫn đầu bởi chư Tăng chạy ngang qua các ngôi làng bị bão táp tàn phá, trẻ con đói khát và các bà mẹ không nhà quỳ mọp đảnh lễ trong thành khẩn và tôn kính.
"Khi tôi trông thấy những người ấy, tôi muốn khóc" Sitagu Sayadaw, 71 tuổi, một trong những lão tăng khả kính nhất Miến Điện nói như trên.
Tại bệnh xá dã chiến của Sư trong ngôi làng gần Bogalay, một thành phố trong vùng châu thổ Irrawaddy, cách 120 km phía tây nam Yangon, hàng trăm người dân đã rời bỏ làng thôn bị tàn phá bởi cơn giông Nargis, đến đây hàng ngày để tìm kiếm những cứu trợ mà họ không nhận được từ nhà cầm quyền hoặc nhân viên cứu hộ quôc tế.
Họ đã chèo chống hàng giờ trên những con sông đầy giông bão, hoặc cõng cha mẹ bị bệnh trên lưng đi trong bùn, dưới mưa- tất cả đã đi qua nhiều cây số để tìm đến một nguồn giúp đỡ mà họ biết họ luôn luôn có thể trông cậy được là Chư Tăng Phật Giáo.
Cơn giông hồi ngày 03 tháng 05 đã khiến 134,000 người chết hoặc mất tích và 2.4 triệu nạn nhân sống sót đang vật lộn với đói rét và màn trời chiếu đất.
Gần đây, những người đã chạy đến tạm trú tại các ngôi chùa hoặc tụ tập bên lề đường chờ đợi hàng cứu trợ một lần nữa phải tản cư đi nơi khác, lần này thì do nhà cầm quyền ra lệnh, nhà cầm quyền không muốn họ là một nỗi phiền toái cho chính phủ và bắt họ phải trở về làng để xây dựng lại.
Các viên chức Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu nói rằng những người tỵ nạn cũng đã bị đuổi ra khỏi những trại tạm cư do chính phủ điều hành.
Nhưng những người này đã không còn gì nhiều khi trở về nhà và họ hầu như đã bị lột sạch tận răng với những con trâu, bò đẫm bùn đất. Trong khi đó, cứu trợ từ bên ngoài được đưa đến quá chậm.
"Trong cuộc đời của tôi, tôi chưa từng trông thấy một bệnh viện nào. Tôi không biết văn phòng chính phủ ở đâu. Tôi không thể mua bán được gì ở ngoài chợ bởi vì tôi bị mất hết trong trận bão, cho nên tôi tìm đến chư tăng", một nạn nhân tên Thi Dar nói như trên.
Với nước mắt đoanh tròng, người phụ nữ 45 tuổi chấp tay lại trong niềm kính cẩn trước nhà sư đầu tiên mà bà trông thấy tại bệnh xá của Sư Sitagu và kể lại hoàn cảnh của bà. Tám người khác trong gia đình bà đã bị thiệt mạng trong trận bão, bà đã muốn tự vẫn vì chẳng còn ai để chuyện trò nữa. Rồi một ngày kia, có tiếng đồn rằng có một nhà sư đã dựng lên một bệnh xá cách làng khoảng 10 km trên thượng nguồn. Vì vậy bà đã thức dậy sớm và đón chuyến đò đầu tiên đi lên thượng nguồn hôm thứ Năm.
Nay Lin, một bác sĩ tình nguyện tại bệnh xá Kun Wan, một trong 6 trại tạm cư bệnh xá mà Sư Sitagu đã thành lập trong vùng châu thổ, nói "Bệnh nhân của chúng tôi khổ sở vì vết thương bị nhiễm trùng, ói mữa, đau bụng v.v... Họ cũng cần cố vấn cho các chứng trầm cảm, sợ hãi và khủng hoảng tâm lý"
Kể từ khi trận bão thổi qua, dân chúng Miến Điện trở nên gần gũi với chư tăng trong khi sự chán ghét của họ đối với nhà cầm quyền càng gia tăng. Đây là điềm gở cho nhà cầm quyền, bọn bạo quyền đã đàn áp tàn nhẫn
trên hàng ngàn tu sĩ khi họ xuống đường hồi tháng Chín năm ngoái để kêu gọi các tướng lãnh hãy cải thiện tình trạng đời sống dân chúng.
Từ làng này đến làng khác, sau trận bão, đã rõ ràng là ai đã lấy được lòng dân.
Một số tu sĩ đã tử vong cùng với dân chúng trong trận bão. Bây giờ thì một số tu sĩ khác làm công việc ủy lạo cho các nạn nhân sống sót trong khi cùng chia sẻ nỗi thiếu thốn khó khăn.
Trong khi nhà cầm quyền bị chỉ trích về việc cản trở các công tác cứu trợ, chùa chiền Phật Giáo, trung tâm đạo đức truyền thống uy tín trong hầu hết làng mạc tại đây, chứng tỏ là một tổ chức người ta có thể tin cậy vào việc cứu trợ.
Các tu viện trong vùng châu thổ - những ngôi vẫn còn đứng vững sau cơn bão - đã đầy nghẹt những người lánh nạn. Người ta tới đó với những phần quà tặng, cúng dường, đóng góp hoặc làm tình nguyện viên. Các tu viện phục vụ như những trung tâm tín ngưỡng, viện cô nhi, nhà dưỡng lão và bây giờ thì là trại tạm cư.
"Vai trò của chư Tăng hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết", ArSein Na, 46, một tu sĩ làng That Kyar, nói như trên "Trong thời điểm thống khổ cùng tột như thế này, người ta không có nơi nào để đi ngoại trừ là đến với chư Tăng", Sư thêm.
Kyi Than, 38, nói cô phải đi đò qua đường sông dài 25 km để đến bệnh xá Sitagu, cô nói "Chư tăng làng chúng tôi đều tử vong trong cơn bão. Tôi cảm thấy rất hoan hỷ trong ngày hôm nay khi được thưa chuyện với chư tăng lần đầu tiên kể từ khi cơn bão đi qua. Chư Tăng giống như cha mẹ chúng tôi, nhà cầm quyền muốn chúng tôi câm miệng nhưng chư tăng thì lắng nghe chúng tôi
Đối diện với quốc nạn thiên tai chết chóc nặng nề nhất của quốc gia gần đây, chư lão tăng đã tự động tổ chức các chiến dịch cứu trợ riêng.
Mỗi ngày, các đoàn xe mang theo vật phẩm cứu trợ tràn ngập các con đường hướng về vùng châu thổ. Một tổ chức dẫn đầu trong những nỗ lực này là Sitagu, tên của người luôn được sùng kính hoặc là một biểu tượng đáng được tán thán.
Thiền định không thể xóa bỏ thiên tai này. Yểm trợ vật chất rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Hiện giờ trong đất nước chúng tôi, tinh thần và vật chất không được quân bình
Các xe vận tải chở gạo, đậu, hành, quần áo, vải vóc và các dụng cụ làm bếp, được đóng góp từ khắp nơi trên Miến Điện, đổ vào Trung Tâm Truyền Giáo Phật Giáo Quốc Tế tại Yangon từ sáng sớm. Mỗi ngày, sau buổi bình minh một chốc, một đoàn xe vận tải bắt đầu khởi hành về hướng vùng châu thổ với vật phâm cứu trợ và nhân viên thiện nguyện trên xe.
Giữa các làng mạc tại đây, Sư Sitagu xuất hiện điều hành mọi việc, quyền uy giống như một đức giáo hoàng trong các hội đoàn tòa thánh La mã. Sư ngồi trên một băng ghế gỗ trong trụ sở điều hành, dân chúng sắp hàng đảnh lễ tỏ lòng tôn kính. Nhiều dân làng đến để trình lên danh sách những thứ họ cần thiết nhất, chư tăng từ những ngôi làng khác đến để yêu cầu giúp đỡ sửa chữa những ngôi chùa của họ. Những gia đình giàu có từ nhiều thành phố quỳ trước mặt Sư xin cúng dường nhiều bó hiện kim.
Tuy nhiên, giống như những vị trưởng lão khác, Sư phải điều hành một sự quân bình thận trọng. Sư có trách nhiệm thay mặt những người bất hạnh nói lên tiếng nói bất bình, đồng thời sư phải bảo vệ cho nhưng chương trình xã hội, cứu tế, cung cấp những lợi ích y tế miễn phí đến cho những thành phần khó khăn cơ cực của quốc gia mà chính quyền coi những hoạt động riêng tư của Sư như một lời khiển trách.
Nhưng, phát biểu tại trại tạm cư trong một buổi chiều mưa đổ rầm rầm trên mái nhà, âm thanh của Sư đầy nỗi bất bình đối với nhà cầm quyền.
"Trong quốc gia của tôi, tôi không thấy được một nhà lãnh đạo chính trị chân chính nào. Phương hướng người Miến Điện tiến đến dân chủ của tướng Than Shwe ư?Sư nói, đề cập đến nhân vật số một trong guồng máy lãnh đạo.
Một nhà sư 40 tuổi tại trại tạm cư Sitagu nói"chư tăng rất giận dữ về việc nhà cầm quyền đã đuổi người tỵ nạn ra khỏi các ngôi chùa, các trại tạm cư và các lều trại bên đường trong khi cơ quan truyền thông của nhà nước cứ oang oang nhắc đi nhắc lại các hoạt động cứu trợ của chế độ "Chính phủ không muốn cho thấy sự thực", một vị sư trẻ khác từ tỉnh bang Mon State ở miền Nam Myanmar, đến để sắp xếp một chuyến vận chuyển hàng cứu trợ nói "Đối với chính quyền hiện nay, những người dân này không hơn một xác chết của một con thú trên những cánh đồng"
Một nhà sư khác từ Myo Thit, sau cơn bão, đã đi vòng quanh trong làng dùng loa phóng thanh mời nạn nhân đên chùa của ông để tạm trú và đồng thời cũng kêu gọi người khác giúp đỡ nhưng đã phải chấm dứt nửa chừng sau khi lãnh đạo địa phương hăm dọa sẽ tịch thu loa phóng thanh của ông.
Mối tương quan phụ thuộc lẫn nhau giữa chư tăng và tín chúng đã kéo dài hàng trăm năm. Chư Tăng nhận cúng dường thực phẩm, dược phẩm, y áo và thỉnh thoảng tiền mặt để mua sách vỡ, từ nơi tín chúng, để đáp lại, chư tăng ban bố cho tín đồ những niềm an lạc tâm linh. Trong những làng xóm không có trường học của chính quyền, những chương trình giáo dục trong các chùa thường là phương tiện duy nhất cho các em.
Desmond Chou, một học giả Miến Điện họat động tại New Delhi nói"Nếu một trận hỏa hoạn xảy ra trong một làng mạc Miên Điện, thường thường là chư tăng, không phải lính cứu hỏa, những người đến trước nhất để cúu giúp nạn nhân".