No. 1662 NEW (Minh Châu dịch)
Nepal đang lập kế hoạch
nhằm phát triển nơi Đức Phật đản sanh
Ngày 26 tháng 11, 2007
Kathmandu, Nepal -- Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sanh và là một trong các Di sản Văn Hóa Quốc Tế tại Nepal, không bao lâu nữa sẽ có một cơ cấu tổ chức cho những kế hoạch trong tương lai tại khu khảo cổ thiêng liêng, một trang web hàng đầu, THT Online đã tường trình hôm thứ Hai.
Do vì khu vực này, cách Kathmandu khoảng 300 cây số về hướng Tây, hiện là một trung tâm thu hút khách hành hương, giới sinh viên khảo cổ và các nhà kinh doanh thuộc ngành du lịch, Unesco sắp đề ra một cơ cấu tổ chức mà người ta sẽ dựa trên đó để thực hiện tất cả những kế hoạch mới lâu dài và các công trình phát triển khác, theo bản tường trình của trang web.
‘Cơ cấu tổ chức đã bắt đầu được phác họa. Nó sẽ ngăn chận chính phủ cũng như các tổ chức khác có những thay đổi vô ích trong khu vực này’, đây là lời của ông Kai Waise, cố vấn của Văn phòng Unesco tại Kathmandu trong viêc phác họa cơ cấu tổ chức, được đăng trên trang web.
Ông cho biết thêm rằng kế hoạch phân nhóm điều hành sẽ vạch rõ tầm quan trọng, mức độ và quyền hạn của những người có thẩm quyền trong những khía cạnh khác nhau. Đây là một hệ thống, tiến trình hoặc chức năng của khu vực, sẽ là đường lối chỉ đạo tối cao cho Lâm Tì Ni một khi đã được nội các chứng duyệt.
Mặc dù trọng tâm chính là mảnh đất rộng gần 2 mét vuông (1.92 sq m), là nơi Đức Phật đản sanh, cơ cấu tổ chức cũng sẽ góp ý về những khu vực xen kẻ và những khu vực đang phát triễn chung quanh, phù hợp với những đề nghị của Ủy ban Di sản Văn hóa Quốc tế để tránh việc khu thánh tích này hoàn toàn bị lấy tên ra khỏi danh sách Di sản văn hoá quốc tế.
Ông Waise nói tiếp ‘Chúng tôi cũng sẽ vạch ra những giới hạn để các hãng xưởng, công trình xây dựng sân bay quốc tế và các đập ngăn nước của các con sông lân cận sẽ không gây ảnh hưởng đến khu thánh tích. Chính phủ Nepal phải bảo đảm rằng công trình phát triển chung quanh sẽ không ảnh hưởng đến khu vực này.
Ông nói rằng kế hoạch này tự nó không phải là một kế hoạch lâu dài, nhưng một sự chỉ đạo bao quát và trường kỳ sẽ đưa tới việc lập ra các kế hoạch mới lâu dài và những khởi đầu khác cho sự bảo tồn hoặc phát tri ển khu thánh tích.
------------------------------------------------------------------------------------------No. 1663 NEW (Hạt Cát dịch)Ấn Độ: Lễ hội trưng bày xá lợi hai ngài
Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tại Sanchi
ANI Tuesday 27th November, 2007
By Ram Chand Sahu
Sanchi (Madhya Pradesh), Nov.27 -- Hằng trăm Phật tử cùng với du khách ngoại quốc đã kéo về Sanchi thuộc tỉnh bang Madhya Pradesh để chiêm bái, đảnh lễ xá lợi của hai Ngài Đại Đệ Tử của Đức Phật là Ngài Sariputta và Ngài Mahamodgilya, trong suốt thời gian lễ hội lần thứ 55 của Tu Viện Chetityagiri được tổ chức vào cuối tuần rồi.
Các thánh tích xá lợi này được trưng bày mỗi năm chỉ một lần, đặc biệt, vào ngày Chủ Nhật cuối cùng của tháng 11 trong suốt lễ hội hàng năm của tu viện Chetiyagiri Vihar. Truyền thống này đã được đeo đuổi trong 55 năm qua.
Lễ tưởng niệm sẽ được tổ chức tại Sanchi, một thôn nhỏ, cách 46km về phía đông bắc thành phố Bhopal ở tỉnh bang Madhaya Pradesh.
"Đây là một địa danh tôn giáo nổi tiếng đối với tất cả Phật tử trên toàn thế giới. Ngọc xá lợi của hai Ngài Sariputa và Mahamodgilya được trưng bày chỉ một ngày trong suốt một năm, và vì thế tín chúng đến đây rất đông. Chúng tôi cảm thấy vinh hạnh được là một thành phần trong lễ hội hàng năm này, một Phật tử thuần thành từ Sri Lanka, NIlami Virsingha, nói như trên.
"Hàng ngàn Phật tử tụ tập về nơi đây tầm cầu phước lành từ hai vị thánh đệ tử Đức Phật mỗi năm trong suốt lễ hội này. Những mẫu ngọc xá lợi sẽ được trưng bày trong suốt ngày hôm đó để cho tín đồ được nhiều lợi lạc", một Phật tử thuần thành khác, Chandra Boudhi Patil, nói thêm như trên.
Người ta nói khoảng một thế kỷ trước, Tướng Cunninghanm, một viên chức Anh Quốc, có hứng thú sưu tập xá lợi nghệ thuật đã đánh cắp xá lợi của Ngài Sariputta và Ngài Mahamodgilya từ Tháp Sanchi.
Một năm sau, Hội Đại Bồ Đề Tích Lan, với lòng tôn kính thâm sâu bởi các Phật tử, nhận trách nhiệm truy tầm các xá lợi này, và đã thu hồi lại được với sự giúp đỡ của chính phủ.
Vào năm 1952, Thủ Tướng đương thời Jawaharlal Nehru đã tôn trí các xá lợi của hai Ngài Sariputta và Mahamodgilya vào một ngôi Bảo Tháp thứ ba tọa lạc tại khu tổng thể đài kỷ niệm lịch sử Phật Giáo ở Sanchi.
Hội Đại Bồ Đề Tích Lan dẫn đầu thành lập Tu Viện Chaityagiri tại ngôi Bảo Tháp thứ ba này. Kể từ năm 1952, Hội Đại Bồ Đề đã tổ chức lễ hội hàng năm này, với sự tham dự của tín đồ từ các quốc gia như Nhật, Tích Lan, Đại Hàn, Thái Lan và những nơi khác.
"Tu Viện Chaityagiri này được thành lập vào ngày 29 tháng 11, 1952 để tôn trữ thánh tích xá lợi thiêng liêng của hai bậc Đại Đệ Tử Thượng Thủ Thinh Văn của Đức Phật, bởi một danh tăng của Hội Đại Bồ Đề Tích Lan", một thành viên khác nói như trên.
Các đền đài kỷ niệm Phật Giáo có xuất xứ từ thế kỷ thứ Ba trước Tây Lịch cho đến thế kỷ thứ 12 sau Tây Lịch đều toạ lạc tại đây. Nó được xây dựng theo kiến trúc hình mái vòm, giống như một chiếc dù, kiến trúc biểu tượng hạng mục cao cấp, vốn được dùng dành riêng cho việc vinh danh và tôn trữ các di vật thánh tích thiêng liêng.
Các Bảo Tháp tại Sanchi cũng trở thành những nơi tôn thờ xá lợi của vô số các bậc đệ tử khác của Đức Phật. Phật tử đến đây vô cùng hoan hỷ khi chiêm bái xá lợi của những bậc thánh khả kính của họ.
"Khi chúng tôi chiêm bái xá lợi của hai Ngài Sariputta và Mahamodgilya, chúng tôi cảm thấy như là đã được hai Ngài ban rải phước lành, điều này khiến chúng tôi vô cùng hoan hỷ", một nhà sư tại tu viện Chaityagiri nói như trên.
Hội Đại Bồ Đề Tích Lan điều hành ngôi tu viện Chaityagiri cũng chứng tỏ là có hứng thú trong việc phục hồi các đền, tháp cổ Phật Giáo tại Bodh Gaya, Sarnath và Kushinara.
Mặc dù không liên hệ trực tiếp đến cuộc đời Đức Phật, Sanchi trở thành một địa điểm hành hương sau khi Đại Đế A Dục Vương dựng lên một Bảo Tháp vào giữa thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch.
Sau khi Phật Giáo suy tàn tại Ấn Độ, các phế tích nằm trơ trọi mãi cho đến thế kỷ thứ 19, khi bọn người săn lùng báu vật tìm đến nơi chiếm đoạt. Các hoạt động phục hồi được bắt đầu vào đầu thế kỷ thứ 20 với sự xây dựng lại các ngôi tháp chính và sáng tạo thêm viện bảo tàng cũng như công viên hiện hữu.
Sanchi cũng là một khu vực di sản văn hóa của UNESCO.