Chúng con kính cung thỉnh ................ từ bi dẫn nhập chương trình hôm nay, Namo Buddhaya.
I- Giáo huấn của Đức Phật đối với các mối quan hệ trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái.
Một số người vẫn thường nghĩ rằng Đức Phật với giáo lý chủ trương giải thoát sanh tử luân hồi thì lời giảng dạy của Ngài chỉ dành cho những ai muốn đi con đường liễu sanh thoát tử, Ngài chỉ giảng giải, hướng dẫn những pháp hành nào đưa đến kết quả chứng đạt Niết Bàn tịch tịnh cho các hàng đệ tử của Ngài là những bậc ly gia cát ái, quay lưng lại với nếp sống thế tục, bỏ mặc trần gian vui ít khổ nhiều. Chính vì nghĩ như thế cho nên mới có những câu hỏi đại loại như "Nếu như ai cũng đi tu, ai cũng xuất gia hết thì xã hội sẽ ra sao, ai là người sản xuất tạo ra phương tiện tiêu dùng" v.v...
Nếu ai đó hiểu Phật Giáo và Đức Phật như thế thì thật là một điều đáng tiếc trước nhất cho chính bản thân của người ấy, vì đó là một sự thiếu sót, một sự thiệt thòi lớn lao, không chỉ cho bản thân người ấy mà cho cả gia đình, những người thân thuộc chung quanh của họ nữa. Vì sao gọi là một sự thiếu sót, sự thiệt thòi lớn lao ? Với những câu hỏi này, ta có thể hiểu rằng người ta đã không có được duyên may biết đến những lời vàng ngọc của Đức Phật nằm đâu đó trong tam tạng Pali hết sức gần gũi với đời thường, hết sức thiết thực cho một nền tảng đạo đức gia đình. Bởi vì không thông suốt nên không thể thực hành, không thể đem những lời giảng dạy của bậc đạo sư áp dụng vào đời sống hằng ngày nên không thể gặt hái những thành quả lợi lạc của nó, những thành quả mà tính chất tốt đẹp của nó đã tạo dựng nên một nền tảng văn hoá đạo đức hình thành một guồng máy gia đình thuận hoà hưng thịnh vững bền nếu như tất cả mọi thành viên của một gia đình đều thấm nhuần những lời giáo huấn này. Và không phải chỉ là những lời giáo huấn một cách khô khan, giáo điều cứng ngắt, Đức Phật còn hướng dẫn thêm cho chúng ta những phong cách ứng xử giữa con người với nhau một cách tinh tế phù hợp với bất cứ thời đại nào.
Một ví dụ nhỏ trong lời giáo giới thanh niên Thi Ca La Việt về năm điều người chồng nên đối đãi với vợ, khi nghe bậc đạo sư vĩ đại của nhân loại, từ 2500 năm trước, dạy rằng một trong năm điều mà người chồng nên đối đãi với vợ là hãy thường mua sắm nữ trang cho vợ (Kinh Giáo Giới Thi Ca La Việt) thì bất cứ người phụ nữ nào, bất cứ thời đại nào, và ở bất cứ vùng đất nào trên quả địa cầu nầy đều lấy làm hoan hỷ, Điều mà hiện nay các đức ông chồng trên thế giới đều cố gắng làm cho vợ, mọi người cứ ngỡ rằng đấy là nhu cầu của thời đại mới, không ai lại ngờ rằng Đức Phật đã nhắc nhở cho người cư sĩ tục gia của Ngài từ thưở xa xưa, ngày nay, khi đọc đến đoạn kinh này, người ta không khỏi kinh ngạc mà thốt nên lời tán thán, "Ôi! bậc đạo sư của con, Ngài thật là một nhà tâm lý vô cùng tinh tế". Con đề nghị các chùa nếu có nhận lời chứng minh hôn lễ cho thiện nam tín nữ thì nên tụng bài kinh Giáo Giới Thi Ca La Việt này.
Trong phần đầu tiên của chủ đề hôm nay "Đức Phật trong đời sống hằng ngày của người Phật tử", nói về cách đối xử trong gia đình giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, chủ tớ chỉ một bài kinh Giáo Giới Thi Ca La Việt chúng ta hầu như đã thấy được đầy đủ nền tảng văn hóa đạo đức gia đình mà Ngài đã giảng dạy cho thanh niên Sigālovāda như được trích dẫn tóm lược dưới đây:
a- Trường hợp giữa cha mẹ và con cái
"Này Gia chủ tử, có năm trường hợp, người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Ðông: "Ðược nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời". Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Ðông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chận con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con.
b- Trường hợp giữa chồng và vợ
Này Gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ " Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ" Này Gia chủ tử, được chồng đối xử theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
c- Trường hợp giữa chủ nhân và nô bộc.
Này Gia chủ tử, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: Giao việc đúng theo sức lực của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia xẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép. Này Gia chủ tử, các hàng nô bộc được Thánh chủ nhân đối xử với năm cách như kia, có lòng thương tưởng đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ.
Ngài không phải là bậc đạo sư chỉ giảng dạy pháp hành diệt khổ, làm chủ sanh già bệnh chết, giải thoát sinh tử luân hồi cho các hàng đệ tử xuất gia tầm cầu chân lý mà còn quan tâm hướng dẫn chúng sinh một nền tảng luân lý đạo đức văn hoá rất tinh tế trong đời sống hằng ngày ở mọi lãnh vực từ cách đối xử với người thân trong gia đình như cha mẹ đối với con cái và ngược lại, chồng đối với vợ, vợ đối với chồng, chủ tớ , dạy dỗ cho thiếu nữ sắp về nhà chồng phải làm thế nào đễ giữ vững hạnh phúc gia đình như trong bài kinh Gia Chủ Ugga trong Tăng Chi Bộ Kinh được trích dẫn tóm tắt như sau.
- Này các thiếu nữ, các Con hãy học tập như sau: "Ðối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương".
- Các Con cần phải học tập "Những ai, chồng ta kính trọng, như mẹ, cha, Sa-môn, Bà-la-môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước".
- Các Con cần phải học tập "Phàm có những công việc trong nhà, chúng ta sẽ phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm".
Các Con cần phải học tập "Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình".
Các Con cần phải học tập "Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại".v.v...
II- Giáo huấn của Đức Phật đối với các mối quan hệ ngoài xã hội, tăng chúng, thầy tổ, bạn bè.
Đi ra khỏi ngưỡng cửa gia đình một chút, nói về cách đối đãi nhau giữa những mối quan hệ khác trong xã hội, đối với Tam Bảo Phật Pháp Tăng, về ơn thầy tổ, tình nghĩa bạn bè, v.v... nhất nhất, Đức Phật đều để lại cho chúng ta một lời giáo huấn kim chỉ nam hết sức chi li phù hợp với mọi thời đại, mọi xã hội. Chúng ta hãy nghe xem Đức Phật giảng dạy như thế nào trong phần trích dẫn tóm tắt thuộc bài kinh Giáo Giới Thi Ca La Việt.
a- Trường hợp tăng chúng và tín chúng
Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với các vị Sa-môn, Bà-la-môn :Có lòng từ trong hành động về thân; về khẩu; về ý; mở rộng cửa để đón các vị ấy; cúng dường các vị ấy các vật dụng cần thiết. Này Gia chủ tử, các vị Bà-la-môn, Sa-môn được vị thiện nam tử đối xử như phương Trên theo năm cách như vậy, có lòng thương tưởng vị thiện nam tử ấy theo năm cách sau đây: Ngăn họ không làm điều ác; khuyến khích họ làm điều thiện; thương xót họ với tâm từ bi, dạy họ những điều chưa nghe; làm cho thanh tịnh điều đã được nghe; chỉ bày con đường đưa đến cõi Trời.
b- Trường hợp thầy và trò
Này Gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng: Ðứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt.
c- Trường hợp bạn bè với nhau
Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè "Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt". Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử.
Thậm chí đến việc thế nào là một người bạn tốt, Đức Phật cũng hướng dẫn cho chúng ta thật rõ ràng cũng trong Kinh Giáo Giới Thi Ca La Việt.
- Này Gia chủ tử, có bốn loại người được xem không phải là bạn. Người vật gì cũng lấy phải được xem không phải bạn với những điều như cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, làm vì mưu lợi cho mình. Người chỉ biết nói giỏi phải được xem không phải bạn với những điều như tỏ lộ thân tình việc đã qua; tỏ lộ thân tình việc chưa đến; mua chuộc cảm tình bằng sáo ngữ; khi có công việc, tự tỏ sự bất lực của mình. Kẻ nịnh hót phải được xem không phải bạn với những điều như đồng ý các việc ác; không đồng ý các việc thiện; trước mặt tán thán; sau lưng chỉ trích. Người tiêu pha xa xỉ phải được xem không phải bạn với những điều như là bạn khi mình đam mê các loại rượu; là bạn khi mình du hành đường phố phi thời; là bạn khi mình la cà đình đám hý viện; là bạn khi mình đam mê cờ bạc. Bốn loại người này được xem không phải là bạn.
- Này Gia chủ tử, bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ với những điều như che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu. Người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vuivới những điều như nói cho bạn biết điều bí mật của mình; giữ gìn kín điều bí mật của bạn; không bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn; dám hy sinh thân mạng vì bạn. Người bạn khuyên điều lợi íchvới những điều như ngăn chận bạn không làm điều ác; khuyến khích bạn làm điều thiện; cho bạn nghe điều bạn chưa nghe; cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên. Người bạn có lòng thương tưởng với những điều như không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn; hoan hỷ khi bạn gặp may mắn; ngăn chận những ai nói xấu bạn; khuyến khích những ai tán thán bạn. Bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật.
III - Giáo huấn của Đức Phật đối với sự nghiệp, sinh kế, an nguy của người Phật tử.
Vẫn có người nghĩ rằng Đạo Phật với giáo lý từ bỏ mọi tham ái, dục vọng, và vì tài sản vật chất thế gian khiến con người bị tham đắm dính mắc nên chẳng cần phải nỗ lực làm lụng gây dựng tài sản, chẳng cần phải làm giàu, và họ cứ sống lây lất trong nghèo khổ thiếu thốn triền miên. Thật ra điều này cũng đã được Đức Phật nghĩ đến và Ngài đã giảng dạy lý do và cách gầy dựng tài sản cùng cách sử dụng tài sản chân chính đúng pháp trong Kinh Tăng Chi Bộ phẩm Vua Munda.
- Này Gia chủ, có năm lý do này để gầy dựng tài sản. Thế nào là năm ?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn, thâu góp với sức mạnh bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi ra, thâu được một cách hợp pháp; tự làm mình an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho mẹ cha an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc; làm cho vợ con, người phục vụ, các người làm công được an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thứ nhất để gây dựng tài sản. Vị ấy làm cho bạn bè thân hữu an lạc, hoan hỷ và chơn chánh duy trì sự an lạc. Ðây là lý do thứ hai để gầy dựng tài sản. Các tai họa từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ kẻ thù hay từ các người thừa tự được chận đứng, và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Ðây là lý do thứ ba để gầy dựng tài sản. Vị ấy hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho hương linh đã chết (peta), hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Ðây là lý do thứ tư để gầy dựng tài sản. Vị ấy đối với các Sa-môn, Bà-la-môn nào ly kiêu mạn, ly phóng dật, an trú nhẫn nhục, nhu hòa, nhiếp phục tự mình, an tịnh tự mình, làm lắng dịu tự mình, đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, đưa đến cảnh giới chư Thiên, được quả dị thục, đưa đến cõi trời. Ðây là lý do thứ năm để gầy dựng tài sản.
Chúng ta cứ tưởng rằng chỉ có xã hội ngày nay mới đầy bất an, những phương pháp tránh né phiền toái cần được áp dụng để bảo đảm an nguy cho bản thân không ngờ rằng Đức Phật cũng đã giảng dạy từ hơn 2,500 năm trước, cho đến những trường hợp lớn lao hơn, từ chuyện làm cách nào để tạo dựng sự nghiệp chánh mạng và giữ gìn tài sản gia đình đến việc an nguy cá nhân khi phải đi ra khỏi nhà, cũng trong bài Kinh Giáo Giới Thi Ca La Việt, chúng ta hãy nghe Đức Phật dạy về sáu cửa suy vong (Apāyamukha), ngõ đi dẫn đến tai hại và tiêu hao tài sản:
1. Say sưa rượu chè (Surāmerayamajjapamādaṭṭhānānuyogo). Say sưa có sáu điều nguy là tài sản tiêu hao, gây sự tranh cãi, phát sanh bệnh tật, đánh mất danh dự, lõa lồ trâng tráo, trí tuệ suy giảm.
2. Du hành đường phố phi thời (Vikālavisikhācariyānuyogo). Đi chơi đêm có sáu điều nguy là không giữ được mình, không giữ được vợ con, không giữ được tài sản, dễ bị tình nghi, thành nạn nhân tin đồn, chuốc lấy ưu phiền.
3. La cà chốn du hí (Samajjhābhicaraṇaṃ). Đến hí trường có năm đều nguy là công việc đình trệ, thối thất siêng năng, mất nhiều thời gian, hao tốn tiền của, bận rộn tâm tìm chỗ vũ nhạc ca hát.
4. Đam mê cờ bạc. (Jūtappamādaṭṭhānānuyogo). Cờ bạc có sáu điều nguy là thắng sinh thù oán, thua bị khổ đau, tài sản bị tổn thất, lời nói không hiệu lực, bạn bè khinh miệt, người đời không dám gả cưới.
5. Giao du ác hữu (Pāpamittānuyogo). Chơi bạn xấu có sáu điều nguy là ảnh hưởng thói cờ bạc, ảnh hưởng thói điếm đàng, ảnh hưởng thói rượu chè, ảnh hưởng thói gian xảo, ảnh hưởng thói lường gạt, ảnh hưởng thói côn đồ.
6. Quen biếng nhác (Ālassānuyogo). Tính lười biếng làm cho không thu hoạch tài sản hoặc tiêu hao tài sản vì thối thác làm việc với sáu lý do là nghĩ rằng lạnh quá, nóng quá, sớm quá, trễ quá, đói quá, no quá. [31. Kinh Giáo Giới Thi-ca-la-việt (Sigālovāda sutta)]
Đối với vấn đề thọ mạng chúng sinh, Đức Phật không vì giáo lý vô thường, vô ngã mà không giảng dạy cho chúng ta những điều căn bản để giữ gìn thân thể được khỏe mạnh dài lâu, trong một bài kinh thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, Phẩm Bệnh, Đức Phật giảng dạy năm phương pháp làm tăng tuổi thọ (Āyussadhamma) như sau:
1. Làm việc thích hợp (Sappāyakārī), là làm việc không quá phí sức, làm việc điều hòa.
2. Tiết độ trong sự thích hợp (Sappāye mattaññū), là biết vừa phải trong việc ăn uống sao cho thích hợp.
3. Ăn đồ dễ tiêu hóa (Pariṇatabhojī), là tránh ăn những thức ăn khó tiêu hóa làm cho cơ thể mệt mỏi.
4. Sở hành hợp thời (Kālacārī), là sự đi, đứng, nằm, ngồi đúng lúc và điều hóa.
5. Sống phạm hạnh (Brahmacārī), là không trụy lạc, không đam mê sắc dục.
IV- Giáo huấn của Đức Phật đối với tình hình quốc gia, thuật trị nước.
Đức Phật không phải là bậc đạo sư chỉ thông suốt những gì nằm trong lãnh vực đạo pháp mà Ngài đã truyền trao, giáo pháp của Ngài không những thấm nhuần từ hạng thứ dân cùng khổ mà còn lan rộng đến các hàng ngũ vương giả, hàng ngũ cầm cân nẩy mực của một quốc gia, thậm chí trong lãnh vực thương mại, kinh tế, quân sự chính trị, nếu có thể đem áp dụng giáo pháp vào thuật trị nước, một quốc gia mà tất cả con dân trong nước dù phải hay không phải Phật tử, nếu sống đúng với nền tảng văn hoá đạo đức căn bản của Phật Giáo, chắc hẳn quốc gia đó sẽ là một quốc gia thái bình thịnh trị, không một nước thù nghịch nào có thể làm phương hại đến nền an ninh của quốc gia này, một ví dụ trong Kinh Tăng Chi Bộ Phẩm Bạt kỳ đã nói lên điều này được tóm tắt như sau:
Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), trên núi Gijjhakūta (Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Ajātasattu, con bà Videhi vua nước Magadha muốn chinh phạt dân chúng Vajjī. Vua nói với Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha:
- Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, và nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Ngài, vấn an Ngài có ít bệnh, ít não, khinh an, khỏe mạnh, lạc trú: "Bạch Thế Tôn, Ajātasattu con bà Videhi, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, vấn an Ngài ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú". Và khanh bạch tiếp: "Bạch Thế Tôn, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha muốn chinh phạt dân Vajjī. Vua tự nói: "Ta quyết chinh phạt dân Vajjī này, dầu họ có uy quyền, có hùng mạnh. Ta quyết làm cỏ dân Vajjī. Ta sẽ tiêu diệt dân Vajjī. Ta sẽ làm cho dân Vajjī bị hoại vong". Thế Tôn trả lời khanh thế nào, hãy ghi nhớ kỹ và nói lại ta biết. Các bậc Như Lai không bao giờ nói không như thật.
- Tâu Ðại vương, xin vâng.
Bà-la-môn Vassakāra, đại thần nước Magadha vâng theo lời dạy của Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên, đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, vấn an Ngài có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú. Thưa Tôn giả Gotama, vua nước Magadha muốn chinh phạt dân xứ Vajjī", và vị đại thần lập lại những lời nói của Vua Ajātasattu.
Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda đứng quạt phía sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn hỏi Tôn giả Ananda bảy điều như sau:
- Này Ānanda, Thầy có nghe dân Vajjī thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không ? Thầy có biết dân Vajjī tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết không ? Thầy có nghe dân Vajjī không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjī như đã ban hành thời xưa không ? Thầy có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjī, và nghe theo lời dạy của những vị này không ? Này Ānanda, Thầy có nghe dân Vajjī không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjī phải sống với mình không ? Thầy có nghe dân Vajjī tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjī ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp không ? Thầy có nghe dân Vajjī bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajjī, khiến các vị A-la-hán chưa đến sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc không ?
Và tôn giả Ānanda tuần tự hồi đáp Đức Phật rằng người dân Vajjī có tụ họp đông đảo và tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán và làm việc trong niệm đoàn kết, có tuân thủ những luật lệ được ban hành, có sống đúng truyền thống, có tôn sùng, có cúng dường và tuân theo giáo huấn của các bậc trưởng lão, người dân Vajjī không có bắt cóc, không có cưỡng hiếp phụ nữ Vajjī, có tôn sùng, có cúng dường các tự miếu đúng quy pháp của Vajjī, có bảo hộ che chở đúng pháp các vị A La Hán tại Vajjī.
Đức Phật cũng tuần tự nói với tôn giả Ānanda rằng dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm khi họ sống đúng theo bảy pháp không bị suy giảm như trên.
Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Vassakāra đại thần nước Magadha:
- Này Bà-la-môn, một thời, Ta sống ở Vesāli, tại tự miếu Sārandada, Ta dạy cho dân Vajjī bảy pháp không bị suy giảm này. Này Bà-la-môn, khi nào bảy pháp không bị suy giảm, được duy trì giữa dân Vajjī, khi nào dân Vajjī được giảng dạy bảy pháp không bị suy giảm này, thời này Bà-la-môn, dân Vajjī sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm.
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Vassakāra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, nếu dân Vajjī chỉ hội đủ một pháp không bị suy giảm này, thời dân Vajjī nhất định được lớn mạnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ các bảy pháp không bị suy giảm. Thưa Tôn giả Gotama, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vajjī ở chiến trận, trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián. Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng con phải đi, chúng con có nhiều việc và có nhiều bổn phận. [-Tăng chi Bộ Phẩm III. Phẩm Vajjī ( Bạt Kỳ)]
________________________________________
Phần II: Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng).
Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con .......... thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con, đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,
Ngày mai chúng ta sẽ có Chương trình đặc biệt - Đề Án mùa Khánh Đản 2551 (tiếp theo): Đức Phật đối với Chiến tranh và Hòa bình, do TT Giác Đẳng hướng dẫn. Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.
Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhaya
mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Ban điều hành room Diệu Pháp xin phép được đóng room trong vài giây tới. Kính chào tạm biệt tất cả hẹn ngày mai sẽ trở lại trong giờ thường lệ. Namo Buddhaya.