I. Đại lược (TT Giác Đẳng biên soạn)
Hỏi: Xin cho biết đại lược về bài học.
Ðáp: Hiềm hận là một độc tố. Người tu tập từ tâm cần biết nhiều cách chế ngự hiềm hận. Có nhiều cách để tha thứ cho những người thù nghịch. Tất cả những phương cách nầy đều nằm trong pháp yoniso manasikāra - khéo suy nghĩ hay như lý tác ý. Những đề nghị nầy không hẳn có sức thuyết phục hoàn toàn nhưng nếu bạn thử áp dụng không chừng là phương linh dược. Nên nhớ rằng điều quan trọng đối với hành giả tu tập từ tâm là làm tan cơn giận chứ không phải là làm cho "hả giận".
Chúng con kính cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần I bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
II. Nội dung chính (bản dịch NS Thích Nữ Trí Hải)
Hỏi: Xin đơn cử những điểm chính của bài học hôm nay
Ðáp: A. Chiêm nghiệm gương lành của Đức Thế Tôn.
25. Nhưng nếu hiềm hận vẫn không nguôi trong hành giả, khi quán xét như trên, thì khi ấy nên quán những đức tính đặc biệt của Thế Tôn ngày xưa, trong lối hành xử của Ngài ... Cách quán như sau. Ngươi nay đã xuất gia há lại không nhớ rằng: Bậc đạo sư của ngươi khi còn là Bồ Tát, hành những hạnh ba-la-mật suốt bốn vô số kiếp và một trăm ngàn tiểu kiếp, Ngài đã không để cho sân làm ô nhiễm tâm, dù cho kẻ thù nhiều dịp cố hại mạng Ngài ?
B. Thử xét: khó có ai trước chưa từng là quyến thuộc.
26. Nhưng, nếu nghĩ những đức đặc biệt của Thế Tôn mà hiềm hận vẫn không lắng dịu, vì từ lâu vị ấy đã quen nô lệ cho phiền não, thì vị ấy nên đọc lại những kinh đề cập đến vòng sinh tử tiếp nối vô tận như "Này các tỷ kheo, không dễ gì tìm thấy một chúng sinh nào chưa từng là mẹ ngươi ... cha ngươi ... anh ngươi ... chị ngươi ... con trai ngươi ... con gái ngươi!" (S.ii,189). Bởi thế, hành giả nên nghĩ về người kia như sau: "Cái người này, khi còn làm mẹ ta, trong quá khứ đã từng cưu mang ta suốt mười tháng trong bụng, và tay rửa những phân, tiêu, sài, đẹn của ta không chút nhờm gớm, nâng niu ta trên gối, nuôi nấng ta, ẵm bồng ta bên nách. Và người này khi làm cha ta trong quá khứ, đã đi những con đường của bò dê đi, những con đường gập ghềnh hiểm trở để làm nghề lái buôn, vì ta mà liều mạng trong chiến trường, trên những con tàu lênh đênh ngoài biển khơi, và làm những việc gian nan khác. Người ấy đã kiếm tiền bằng đủ mọi cách để nuôi ta. Và người này, khi làm anh ta chị ta, con trai ta, con gái ta trong quá khứ, đã từng giúp đỡ ta. Bởi thế, thật không xứng đáng nếu ta ôm lòng thù hận người ấy.
C. Giận người làm tổn đức, tổn phước mình thì nên giận không ?
27. Nhưng nếu hành giả vẫn không dập tắt được hiềm hận bằng cách trên đây, thì nên xét đến những lợi ích của từ tâm như sau: "Này ngươi, kẻ đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, há không phải đức Thế Tôn đạo sư đã dạy rằng: "Này các tỷ kheo, khi từ tâm giải thoát được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm thành bánh xe, nền tảng, được an trú, được củng cố, và được tu tập thích đáng, thì sẽ có được mười một lợi ích. Ðó là những gì ? Người ấy ngủ trong an ổn, thức trong an ổn, không chiêm bao ác mộng, người ấy được người khác yêu mến, được phi nhân yêu mến, chư thiên hộ trì; lửa, khí giới và độc chất không làm hại được; tâm người ấy dễ định; nét mặt khinh an; người ấy chết tâm không rối loạn, và nếu không đắc quả gì cao thì vị ấy sẽ tái sinh vào Phạm thiên giới (A.v, 342). Nếu ngươi không chấm dứt những tư tưởng hiềm hận này, thì ngươi sẽ không được những lợi lạc ấy.
D. Họ là ai ? mình là gì ?
28. Nhưng nếu bằng cách đó, hành giả cũng không thể hết tức giận, thì hãy phân tích các yếu tố. Như thế nào ? (Vị ấy nghĩ): Ngươi, kẻ đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình kia, khi ngươi tức giận kẻ kia, thì cái gì nơi kẻ ấy làm ngươi tức giận ? Ngươi giận tóc ? hay lông ? hay móng ... hay nước tiểu. Hoặc, có phải ngươi tức giận địa đại ở trong tóc v.v... hay thủy đại ? hay hỏa đại ? hay phong đại ? ngươi tức giận ? Hay trong số năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới bởi đó vị tôn giả đó được gọi bằng tên đó, cái gì ngươi tức giận ? Ngươi tức giận sắc uẩn, hay thọ uẩn, hay tướng uẩn, hay hành uẩn, hay thức uẩn ? Ngươi tức giận nhãn xứ hay sắc xứ ? ... ý xứ hay pháp xứ ? Ngươi tức giận nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới ? ... ý giới, pháp giới ? hay ý thức giới ngươi tức giận ? Bởi vì khi hành giả cố phân tích thành các yếu tố như vậy, cơn giận của vị ấy không tìm thấy chỗ đặt chân, như một hạt tiêu đặt trên đầu cái mũi dùi hay một bức tranh treo giữa hư không.
E. Một món quà tặng cho người mình ghét ?
29. Nhưng nếu hành giả không phân tích được như trên, thì nên cố tặng một món quà. Món quà có thể hoặc là do hành giả tặng người kia, hay do hành giả nhận từ người kia. Nhưng nếu người ấy có mạng sống không thanh tịnh, và những vật dụng của vị ấy không đáng dùng, thì món quà nên do hành giả tặng. Và khi một người làm như thế, hiềm hận ở trong nó hoàn toàn lắng xuống. Và ở trong nơi người kia, dù đã kết oan gia từ một đời trước, lúc ấy oán giận cũng tiêu. Như trường hợp xảy đến cho vị trưởng lão nhận một cái bát từ nơi vị thượng tọa ăn đồ khất thực ở tu viện Cittapabbata, vị này đã ba lần khiến trưởng lão phải rời khỏi trú xứ, bây giờ tặng trưởng lão cái bát với những lời: "Bạch đại đức, cái bát này đáng giá tám đồng ducats, là do mẹ tôi cho tôi, bà là một tín nữ, và cái bát này kiếm được bằng phương tiện hợp pháp. Mong cho bà tín nữ ấy được phước đức. "Như vậy, hành vi bố thí thật là có hiệu quả lớn. Và điều này đã được nói:
"Một món quà điều phục kẻ chưa điều phục
Một tặng phẩm có đủ thứ tốt lành
Nhờ cho tặng phẩm mà người ta bớt gay cấn
Và chịu hạ cố mà nói những lời tử tế."
(Sự phá vỡ rào ngăn - Tướng)
Chúng con kính cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần II bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
III. Người Xưa Chốn Cũ (NS Liễu Pháp biên soạn)
Hỏi: Tôn giả Mahā Kaccāna là ai ? Cho biết một vài chi tiết về Avanti ?
Đáp: Tôn giả Mahā Kaccāna là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật, được Đức Phật khen là tối thắng trong việc thuyết giảng rộng rãi những điều được nói lên một cách vắn tắt. Tôn giả người xứ Ujjenī, và được gọi là Kaccāna vì có nước da sáng như vàng ròng, và đó cũng là dòng họ của ngài. Ngài thông hiểu kinh điển Vệ đà, và nối nghiệp cha làm quan tế lễ của vua Candappajjota. Theo lệnh nhà vua, ngài cùng 7 người khác đến thăm Đức Phật và thỉnh Đức Thế Tôn đến Ujjenī. Ngài nghe Đức Phật thuyết pháp, chứng đắc A-la-hán, và xuất gia. Khi Tôn giả chuyển lời thỉnh mời của nhà vua đến Đức Phật, Đức Phật bảo rằng chỉ cần Tôn giả trở về Ujjenī thuyết pháp cũng đủ rồi. Tôn giả vâng lời Đức Phật trở về quê hương. Về đến nơi, ngài nhiệt tâm thuyết pháp cho dân chúng và nhiều người đã xuất gia dưới sự hướng dẫn của ngài.Trong một số bài kinh, Đức Phật chỉ thuyết một cách vắn tắt, và người nghe đến gặp Tôn giả Mahā Kaccāna yêu cầu ngài giảng giải một cách rộng rãi và chi tiết. Những lời giảng của ngài đều được Đức Phật xác chứng và khen ngợi. Bộ Nettippakarana và bộ Petakopadesa được coi là tác phẩm của ngài, hay ít nhất là của một truyền thống bắt nguồn từ Tôn giả Mahā Kaccāna.
Avanti là một trong 4 vương quốc hùng mạnh thời Đức Phật, 3 vương quốc kia là Magadha, Kosala và Vaṃsa. Thủ đô của Avanti là Ujjenī. Vào thời Đức Phật, vị vua trị vì Avanti là Pajjota, một người có tính khí nóng nảy, vì vậy được gọi là Caṇḍa Pajjota. Khi nghe danh Đức Phật, nhà vua phái Kaccāna và phái đoàn đến thỉnh ngài về Avanti. Sau đó thì Tôn giả Mahā Kaccāna đã quy hướng nhà vua về với Phật giáo. Tuy vậy Phật giáo không phát triển mạnh ở Avanti, vì ngài Mahā Kaccāna phải chờ 3 năm mới tìm đủ số 10 vị tỷ kheo để làm lễ xuất gia tỳ kheo cho Soṇa Kuṭikaṇṇa. Sau này, khi Soṇa viếng thăm Đức Phật ở Sāvatthi, đã xin Đức Phật 5 điều liến quan đến giới luật để tiện cho việc hành đạo của các tỳ kheo ở Avanti và các vùng hẻo lánh, trong đó có việc cho phép làm lễ xuất gia tỳ kheo với 5 vị tỳ kheo, trong đó có một vị tinh thông về Luật.
Vào kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ hai ở Vesali, Avanti đã trở thành một trung tâm của Phật giáo chính thống, và đã cử 88 vị A-la-hán tham dự kỳ kết tập.
Chúng con kính cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần III bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
IV. Chữ và nghĩa (TT Tuệ Siêu biên soạn câu trả lời)
Hỏi: Người đời thường nói chữ phước đức. Từ phước dùng nhiều trong kinh Phật còn từ "đức" thì sao ? Thí dụ có từ nào trong tiếng Phạn để dịch chữ "đức" trong câu "sống để đức cho con" ?
Ðáp: Trong kinh điển pālī khi nói đến phước đức, chỉ là nói theo lý của phước được tạo bằng giới hạnh “sīlamayapuññakiriyāvatthu”; tức là phước sẽ thành tựu sự may mắn thuận duyên trong cuộc sống ...
Nếu bàn về chữ đức trong chữ đức hạnh, đức độ, ân đức thì có từ pālī như là guṇa, guṇadhamma, guṇātireka, sadācāra ... riêng về chữ đức trong phước đức hay trong câu “để đức cho con cháu” thì không có chữ Pālī dùng cho từ nầy, mà chỉ nói chung là phước (puñña). Vả chăng từ ngữ “có đức, để đức” đều là ám chỉ đức độ, đức hạnh ? hoặc xài theo cách nói của dân gian mà thôi ?
Chúng con kính cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần IV bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
V. Học và hỏi (Sư Tuệ Minh biên soạn câu trả lời)
Hỏi: Bao dung cho người ác quấy có phải là gián tiếp khuyến khích họ tiếp tục sai lầm ?
Ðáp: Bao dung ở đây được hiểu theo 2 ý nghĩa, 1 nghĩa tích cực và 1 nghĩa tiêu cực.
1 người bao che đối với người làm điều ác rồi sau đó khuyến khích họ tiếp tục làm điều bất thiện, đây là cách bao dung tiêu cực vì cách bao dung đó không giúp chúng sanh hướng thiện.
Đối với 1 người bao dung người làm ác để từ đó giúp họ tránh những sai lầm, hướng họ làm điều tốt như Đức Phật đã bao dung cho kẻ giết người khét tiếng Angulimāla, kỷ nữ lừng danh Ambapāli, để cuối cùng đã giúp họ "cải tà quy chánh" trở thành bậc thánh nhân.
Cho nên bao dung có làm cho người ác phạm sai lầm tiếp hay ngăn họ không phạm sai lầm giúp họ hướng thiện là do chủ ý của người chở che bảo bọc.
Chúng con kính cung thỉnh ............ từ bi thuyết giảng Phần V bài học hôm nay. Namo Buddhaya.
VI. Đố Vui (TT Giác Đẳng biên soạn)
1. Chúng ta tuy biết mọi việc rồi sẽ qua nhưng vẫn giận với điều trái ý trong hiện tại. Điều đó bởi vì:
a. Thói tật nhiều đời.
b. Phiền não chưa đoạn.
c. Trí giác chưa đủ.
d. Cả ba điều trên.
2. Nếu nói rằng "khó có ai chưa từng là quyến thuộc của mình trong nhiều đời quá khứ" vậy thái độ nào dưới đây là hợp lý nhất:
a. Phải kính trọng tất cả.
b. Đối với tất cả bằng từ tâm.
c. Thân thiết với tất cả bằng tình quyến thuộc.
d. Xã thân đền đáp cho tất cả.
3. Chuyện xưa kể rằng có một con rắn thuần tính sống quấn quít hằng ngày với vị đạo sĩ. Ngày kia rắn trong lúc ra ngoài gặp phải bà lão đi nhặt củi. Vì mắt mờ bà cụ tưởng rắn là sợi dây nên dùng để quấn bó củi. Con rắn cuối cùng cũng tìm được cách thoát thân. Trở về gặp đạo sĩ, con rắn hiền lành kể lại tự sự. Vị thầy khuyên rằng: Sau nầy gặp trường hợp như vậy thì con nên "khè" thì tốt hơn.
Vị đạo sĩ muốn khuyên con rắn điều gì:
a. Không nên hiền lành mà mang họa.
b. Nên cho người khác biết "oai phong của mình".
c. Hiền thì hiền nhưng cũng không nên khiến lụy mình lụy người.
d. Không nên giúp người khác một cách gián tiếp.
________________________________________
Phần II: Hồi Hướng này đọc khi kết thúc phần đố vui và giảng sư mời Pt MC lên hoàn mãn buổi học. Giới thiệu bài học hôm sau/ Hồi Hướng (Tri Chúng lên hồi hướng)
Sadhu! Sadhu ! Lành Thay!
Con .......... thay mặt đại chúng trong room, chúng con kính tri ân Chư Tôn Đức đã mở lòng bi mẫn giảng dạy Phật pháp hữu ích cho chúng con , đã hướng dẫn, dìu dắt chúng con tiến bước trên hành trình tu tập hầu mong đem lại an lạc trong đời sống và hướng đến đạo quả giải thoát luân hồi. Nguyện hồi hướng phước báu pháp thí đến Ni Sư Diệu Tịnh được nhiều an lạc, tùy tâm mãn nguyện. Cám ơn đại chúng đã lắng tâm thanh tịnh thính pháp. Kính cám ơn quý chủ nhiệm, Ops, xướng ngôn viên đã yểm trợ cho các phần hành trong lớp học được hoàn tất mỹ mãn. Chúng con kính chúc chư Tôn Đức thân tâm thường lạc, đạo hạnh trang nghiêm, tâm bồ đề viên đắc, Phật đạo chóng viên thành, chúc quý đạo hữu luôn an lạc cát tường trong chánh pháp nhiệm màu của Đức từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Kính Bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý đạo hữu,
Ngày mai chúng ta sẽ có Lớp A Tỳ Đàm do TT Tuệ Siêu đảm trách phần II Nội Dung Chính và chư Tôn Ðức giảng sư trong room Diệu Pháp ở các phần khác, với sự điều hợp chương trình của các Ops và MC. Để kết thúc chương trình xin chúng ta nhất tâm hồi hướng.
Nguyện công đức đã làm
Kết duyên lành giải thoát
Nguyện hồi hướng chư thiên
Hàng thiện thần hộ pháp
Nguyện các bậc hữu ân
Ðồng thừa tư công đức
Nguyện chánh pháp trường tồn
Chúng sanh cầu giải thoát
Namo Buddhaya
mở kinh tụng và nhạc, (đóng room)
Kính thưa đại chúng, chương trình sinh hoạt hôm nay đến đây đã kết thúc. Ban điều hành room Diệu Pháp xin phép được đóng room trong vài giây tới. Kính chào tạm biệt tất cả hẹn ngày mai sẽ trở lại trong giờ thường lệ. Namo Buddhaya.