Thứ Năm, 31 tháng 3, 2005
Chương III: Đạo Đức / Morality
3.3. Giới luật
A. Hai loại giới
Những điểm chính:
Giải thích về giới
Một nền tảng tu tập
Hai loại giới
Dẫn nhập:
“Giới luật” hay giới hạnh là một trạng thái tâm cố ý ngăn chận những ác pháp khởi sanh được thể hiện qua thân, khẩu, ý (hành động, lời nói và tư tưởng). Giới hạnh trong Phật giáo không chỉ kiêng tránh làm các việc ác mà sự giữ giới luật còn chủ yếu là cố tránh những ác pháp sanh khởi nơi tâm.
Trong Phật giáo, sự gìn giữ giới luật là nền tảng căn bản cho việc tu tập; đó là học pháp đầu tiên trong Tam học (Giới-Định-Tuệ).
Có hai loại giới: giới tự nhiên (pakatisīla) và giới chế định (paññattisīla).
Ở nhân loại Bắc câu-lưu châu, con người sanh ra tự nhiên có phẩm hạnh tốt không cần sự rèn luyện né tránh điều ác, đó gọi là giới tự nhiên. Những điều giới luật mà đức Phật đã ban hành cho tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni phải thực hành theo, đó gọi là giới chế định; một vài hình thức thuần phong mỹ tục mà con người định đặt để làm đẹp xã hội, đó cũng gọi là giới chế định.
Chánh kinh:
“Pakatisīla – Natural moral conduct in Humanism
Paññattisīla – Religious disciplinary code for followers to uphold. Some of them are manners, traditions, and customs. (Vism.10)
“Giới tự nhiên tức là những phẩm hạnh đạo đức tự nhiên ở nhân loại. Giới chế định tức là những giới luật được đức Phật cấm chế cho đệ tử hành theo. Trong giới chế định có một vài điều đạo đức thuần phong mỹ tục...” (Thanh tịnh đạo.10)
Thảo luận:
1. Sự khác biệt giữa giới hạnh và giới cấm thủ (tà kiến) là thế nào?
2. Nói rằng giới là nền tảng của sự tu tập, tức là có giới mới sanh định và đạt đến tuệ. Thế nhưng có người vừa nghe pháp Phật thuyết đã đắc quả a-la-hán, điều đó cần giải thích thế nào?
3. Sự tuân thủ giới luật có phải là một sự ràng buộc khiến cho người giữ giới mất sự thoải mái an vui chăng?
Câu đố vui:
1) Một người không sát sanh vì đời sống của họ không có điều kiện để buộc phải hành động như vậy, thế thì người ấy có gọi là người giữ giới không?
a. Người ấy không gọi là giữ giới, vì không có sự tác ý tránh điều ác.
b. Người ấy cũng gọi là giữ giới, vì họ không làm điều ác
c. Người ấy có thể gọi là giữ giới nếu hoàn cảnh đó họ có tác ý hiền thiện
d. Câu a và c đúng
2) Một người không hành động xấu nhưng có tư tưởng xấu, như vậy cũng gọi là phạm giới, điều này nếu nhận xét theo tinh thần Phật giáo thì:
a. Không phạm giới nhưng phạm vào ý ác nghiệp
b. Cũng gọi là phạm giới vì trong giới luật cũng có điều khởi ý cũng phạm tội
c. Không gọi là phạm giới vì chưa có thể hiện qua thân khẩu
d. Cả ba câu đều sai
3) Giới nói theo Bát chánh đạo chính là:
a. Chánh tinh tấn và chánh niệm
b. Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định
c. Chánh ngữ và chánh mạng
d. Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng
4) Một vị tỳ-kheo vào thời đức Phật đã chán nản cuộc tu vì cảm thấy nhiều giới luật ràng buộc, khi được dẫn đến đức Phật, Ngài đã giúp vị tỳ-kheo ấy trở lại tinh tấn tu tập và đắc đạo quả. Trường hợp này, đức Phật đã thuyết phục vị tỳ-kheo ấy bằng cách:
a. Khuyên vị ấy chỉ hãy giữ gìn tâm ý
b. Khuyên vị ấy hãy sống thoải mái đừng để tâm bị ràng buộc giới luật
c. Cho phép vị ấy không tuân thủ một số điều giới luật
d. Khuyên vị ấy huờn tục ra và tu lại
5) Đức Phật đã bắt đầu chế định giới luật cho Tăng chúng vào thời điểm sau khi Ngài thành đạo:
a. Bảy năm
b. Mười năm
c. Mười hai năm
d. Hai mươi lăm năm
Thứ Tư, 30 tháng 3, 2005
Lớp Giảng Giải Kinh Văn Nghi Thức Tụng Niệm
KINH VẠN PHÁP TỔNG TRÌ - DHAMMASAṄGINĪ
16.6. Thể tài phiền não
Những điểm chính:
· Trạng thái phiền não
· Pháp có tính chất phiền toái
· Pháp thành cảnh của phiền não
Dẫn nhập:
Phiền não là những thuộc tính khuấy đục tư tưởng, pháp làm cho tâm trở nên uế nhiễm. Phiền não có 10 thứ là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, hôn trầm, vô tàm, vô quý, phóng dật.
10 thứ phiền não này tương ưng với những pháp nào, thì pháp đó gọi là pháp phiền toái (saṅkiliṭṭha), tức là những pháp bị phiền não khuấy động, bị phiền não chủ trương, bị phiền não làm bẩn đục. Pháp phiền toái ở đây chính là các tâm bất thiện và các tâm sở hợp với tâm bất thiện.
Những pháp nào còn bị phiền não biết được, những pháp ấy gọi là pháp cảnh phiền não (saṅkilesika), tức là những pháp thành đối tượng của phiền não. Pháp cảnh phiền não ở đây chính là các pháp hiệp thế.
Trong thể tài phiền não này có 3 vấn đề:
“Các pháp phiền toái cảnh phiền não”, tức là nói đến những pháp vừa có tính chất phiền não vừa là cảnh của phiền não. Các pháp này là pháp bất thiện.
“Các pháp phi phiền toái cảnh phiền não”, tức là nói đến những pháp không thuộc tính chất phiền não nhưng cũng là cảnh của phiền não. Ở đây chính là các pháp hiệp thế ngoài bất thiện.
“Các pháp phi phiền toái phi cảnh phiền não”, tức là nói đến những pháp không thuộc tính chất phiền não mà cũng không thành cảnh của phiền não. Đây chính là các pháp siêu thế.
Chánh kinh:
Saṅkiliṭṭhasaṅkilesikā dhammā
asaṅkiliṭṭhasaṅkilesikā dhammā
asaṅkiliṭṭhāsaṅkilesikā dhammā
Có pháp tính phiền toáiCũng là cảnh phiền não,Có pháp phi phiền toáiNhưng là cảnh phiền não,
Có pháp phi phiền toái
Cũng phi cảnh phiền não.
Thảo luận:
1. Sự khác biệt giữa phiền não và pháp bất thiện như thế nào?
2. Nói rằng tâm thiện hiệp thế là cảnh phiền não, điều này có nghĩa là gì?
3. Vị a-la-hán đã sát trừ phiền não nhưng tại sao tâm của vị a-la-hán cũng gọi là cảnh phiền não?
Câu đố vui:
1. Một người gặp cảnh trái ý nghịch lòng, họ nói rằng họ đang gặp cảnh phiền não. Điều này nói theo lý pháp kinh điển thì nghịch cảnh ấy có phải là cảnh phiền não chăng?
a. Đúng, vì bất cứ cảnh nào là pháp hiệp thế cũng đều là cảnh phiền não
b. Sai, vì nghịch cảnh đối với người khéo tu tập thì không phải là cảnh trợ phiền não
c. Có thể đúng, vì người ấy gặp nghịch cảnh phát sanh lên phiền não
d. Đúng hay sai tuỳ theo cách định nghĩa cảnh phiền não là gì
2. Người làm việc thiện như bố thí cúng dường nhưng với tâm cầu danh, thế thì việc thiện của người ấy là phiền não hay phi phiền não?
a. Làm thiện bố thí tất nhiên là phi phiền não
b. Làm thiện với mục đích tham cầu tất nhiên là phiền não
c. Cũng có trường hợp bất thiện trợ thiện bằng cảnh duyên
d. Cả ba câu đều sai
3. Người làm phước với hoàn cảnh đau khổ. Sự kiện này là một điều đáng tán thán khích lệ chăng?
a. Không đáng khen, vì làm phước như vậy tâm bị chi phối bởi phiền não
b. Rất đáng khen, vì đây gọi là hành động hiện tại khổ tương lai quả an lạc
c. Vừa đáng khen vừa đáng chê, vì làm phước là thiện pháp mà tâm đau khổ là bất thiện pháp
d. Không đáng khen cũng không đáng chê
4. Một sự kiện giữa hai người, một người vì nhận thấy đời đau khổ mà tu tập; một người vì ưa thích đời sống phạm hạnh mà tu tập. Cả hai người ấy, ai là người dễ tu hành đạt đến kết quả?
a. Người chán đời, tu dễ đắc đạo
b. Người ưa thích phạm hạnh, tu dễ đắc đạo
c. Cả hai đều có thể tu đắc đạo, tuỳ thuộc vào trí tuệ nhận thức của người ấy
d. Cả hai đều không thể tu đắc đạo, vì thái độ bi quan hay lạc quan đều làm cho tinh thần suy sụp
5. Trong Phật giáo thời đức Phật, đã có bao nhiêu vị vua đi xuất gia trở thành một vị tỷ-kheo?
a. 1 vị vua
b. 2 vị vua
c. 3 vị vua
d. 4 vị vua
Thứ Ba, 29 tháng 3, 2005
Chương III: Đạo Đức / Morality
3.2 Làm sao để hướng dẫn người khác / How to instruct others
F. Tai hại của sự say sưa
Những điểm chính:
Tội lỗi sanh từ loạn tâm
Nguyên nhân của tâm loạn
Lợi ích của sự thu thúc không say sưa
Dẫn nhập:
Con người gây nên những tội ác, có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến hành động ác đó. Chung quy cũng chỉ do tâm trí mê loạn, thiếu sáng suốt; có thể vì phiền não chủ động, có thể vì dốt nát thiếu hiểu biết, cũng có thể vì tâm trí cuồng loạn.
Từ xưa, đức Phật đã nhận thấy sự say sưa rượu chè là nguyên nhân khiến cho chúng sanh tinh thần mê loạn và tạo nên nhiều tội ác, hoặc khó có thể định tâm để tu tập thiện pháp. Chính vì lẽ đó, đức Phật đã nghiêm khắc khuyến cáo chúng đệ tử chớ nên đi vào con đường nghiện ngập say sưa, và Ngài đã chế định thành một giới luật.
Khi con người không bị loạn tâm thì họ có thể bình tĩnh để suy xét việc lợi hại, điều tốt xấu, sẽ nhận thức được thế nào là lễ nghĩa... Hơn thế nữa, chính do sự bình tâm định trí mà một vị đệ tử tu tập có thể phát triển nội tâm với chánh niệm và tĩnh giác tuyệt vời.
Đoạn kinh sau đây là một lời khuyến cáo của đức Phật
Chánh kinh:
“The hoiseholder who delights in self-control, knowing that intoxicants result in loss, should not indulge in taking intoxicants nor should he cause others to do so nor approve of them doing so. (Sn.V.398)
Fool commit evil deeds as a result of drunkenness and cause other people, who are negligent, to act accordingly; this delusion, this delight of fools”. (Ibid.V.399)
“Người tại gia muốn kiểm soát được chính bản thân mình, biết rằng những chất say đưa đến kết quả mất mát, nên không được đắm nhiễm trong chất say, cũng không nên xúi người khác uống hay cũng không chấp nhận cho họ làm thế. (Kinh tập V.398)
Kẻ ngu phạm tội ác do hậu quả của sự say sưa và còn xúi người khác hành động theo như vậy; sự ảo tưởng này, sự thích thú này là của những kẻ ngu.” (Kinh tập V.399)
Thảo luận:
Người phật tử có nên chăng, uống rượu như là một nghi thức xã giao hoặc thuốc trị bệnh?
Nếu một người biết kềm chế tự chủ không quấy phá khi uống rượu, như vậy người ấy có được xem là tốt hay không?
Trong năm giới của người cư sĩ, giới kiêng uống rượu là quan trọng nhất phải chăng?
Câu đố vui:
1) Đức Phật khuyến cáo đệ tử không nên uống rượu và chất say, vì Ngài nhận thấy:
a. Uống rượu sẽ sanh ra bệnh hoạn
b. Uống rượu sẽ làm cuồng loạn tâm trí
c. Uống rượu là nguyên nhân đưa đến các tổn hại
d. Uống rượu làm cho người đam mê mà quên tu tập
2) Rượu là chất say làm cho con người mê đắm, nếu nói theo cảnh duyên của tâm thì rượu là:
a. Cảnh khí, mùi hương hấp dẫn
b. Cảnh vị, chất cay nồng quyến rũ
c. Cảnh xúc, cảm giác phiêu bồng êm dịu
d. Cả ba đều đúng
3) Trong giới luật, đức Phật cấm chế điều luật uống rượu do sự kiện nào dưới đây:
a. Vì Ngài thấy sự tác hại của việc uống rượu
b. Vì có một vị tỷ-kheo lầm lỗi bởi uống rượu
c. Không có nguyên nhân gì, chỉ tự nhiên đức Phật cấm
d. Câu a và b đúng
4) Câu chuyện một số người vì say rượu, họ đã có những hành vi tồi tệ trước mặt đức Phật, và Ngài đã dạy bài kệ Pháp cú “Cười gì hân hoan gì, khi đời mãi bị thiêu, bị tối tăm bao trùm, sao không tìm ngọn đèn”, những người say sưa ấy là:
a. Những người bạn của ông Cấp cô độc
b. Những người bạn của bà Visākhā
c. Những cung phi của vua Pasenadi
d. Những vũ nữ của công tử Yasa
5) Người ta cho rằng, uống rượu giải sầu. Tại sao người ta có được quan niệm ấy:
a. Vì thực tế người ta hết nỗi buồn do uống rượu
b. Vì uống rượu làm cho mê mẩn tâm trí quên sự buồn
c. Vì uống rượu sẽ tạo nên cảm giác bị đánh lừa không có chuyện buồn
d. Vì uống rượu sẽ làm kích thích hùng khí của con người đối mặt với chuyện buồn
Thứ Hai, 28 tháng 3, 2005
Lớp Giảng Giải Kinh Văn Nghi Thức Tụng Niệm
KINH VẠN PHÁP TỔNG TRÌ - DHAMMASAṄGINĪ
16.5. Thể tài thủ
Những điểm chính:
· Tính chất pháp thủ
· Pháp sanh ra do thủ
· Pháp thành cảnh cho thủ
Dẫn nhập:
Thủ tức là sự chấp trước, bám bíu; chính do thủ mới có hữu. Pháp thủ là một thứ phiền não: tham ái và tà kiến. Từ 2 chi pháp thủ này hình thành 4 pháp thủ là Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ và Ngã chấp thủ.
Ở đây, pháp bị thủ (upādinna) tức là pháp mà được sanh ra bởi nghiệp thủ, gồm có pháp quả hiệp thế và sắc nghiệp. Pháp bất bị thủ (anupādinna) tức là pháp sanh khởi mà không do nghiệp thủ tạo tác, gồm có pháp thiện, pháp bất thiện, pháp quả siêu thế, pháp duy tác, pháp sắc phi nghiệp.
Ở đây, pháp thành cảnh thủ (upādāniya) tức là pháp mà vẫn bị phiền não thủ biết được, gồm các pháp hiệp thế. Pháp phi cảnh thủ (anupādāniya) tức là pháp mà không bị phiền não thủ biết được, gồm các pháp siêu thế.
Khi nói đến “pháp bị thủ cảnh thủ” là nói đến những pháp sanh ra do thủ và cũng trở thành cảnh của thủ; tức là pháp quả hiệp thế và sắc nghiệp.
Khi nói đến “pháp phi bị thủ cảnh thủ” là nói đến những pháp không do thủ sanh ra nhưng cũng là cảnh thủ; tức là pháp bất thiện, pháp thiện hiệp thế, pháp duy tác và pháp sắc phi nghiệp.
Khi nói đến “pháp phi bị thủ phi cảnh thủ” là nói đến những pháp không do thủ sanh ra và cũng không thành cảnh của thủ; tức là pháp siêu thế.
Chánh kinh:
Upādinnupādāniyā dhammā anupādinnupādāniyā dhammā anupādinnānupādāniyā dhammā
Pháp bị thủ cảnh thủ,
Không bị thủ cảnh thủ,
Có pháp không bị thủ
Cũng không thành cảnh thủ
Thảo luận:
1. Vì sao gọi tham và tà kiến là pháp thủ (upādāna)?
2. Tâm của những bậc a-la-hán như tâm duy tác sao lại là cảnh thủ?
3. Phải chăng vì thân danh sắc này được hình thành bởi thủ nên mới có sự khổ đau?
Câu đố vui:
1) Điều nào dưới đây nói đúng ý nghĩa pháp thủ?
a. Sự bảo trì
b. Sự gìn giữ
c. Sự chấp trước
d. Sự tham muốn
2) Một người tu tập sống tuân thủ theo nguyên tắc giới luật của đức Phật đã ban hành. Điều đó có phải là một sự chấp thủ không?
a. Đúng, vì chấp thủ nghĩa là bám bíu một cái gì
b. Sai, vì tuân thủ giới luật không phải bằng tâm tham và tà kiến
c. Sự giữ giới luật là hành động của tâm thiện không phải là thủ
d. Câu b và c đúng
3) Một vị tỳ-kheo vào thời đức Phật là Ngài Nanda, nhờ dục thủ nên cố gắng tu tập phạm hạnh để được sanh cộng trú với chư thiên nữ. Sau đó vị ấy đã chuyển hướng mục đích phạm hạnh và trở thành vị a-la-hán. Nhân duyên sự này, đức Phật đã dạy bài kệ Pháp cú gì?
a. “Như mái nhà khéo lợp...”
b. “Ai tâm không an trú...”
c. “Ai nhiếp phục các căn...”
d. “Tâm không tràn đầy dục...”
4) Ai đã nhìn thấy tướng hảo của đức Phật, phát khởi niềm tin rồi chết sanh về cõi trời?
a. Thiện nam Dhammika
b. Công tử Maṭṭhakuṇḍali
c. Trưởng giả Anāthapiṇḍika
d. Ông bà-la-môn Vakkali
5) Có câu nói rằng: “Phật pháp nan văn (khó nghe được Phật pháp)” điều này có nghĩa là:
a. Pháp của đức Phật chỉ có người hữu duyên mới nghe được
b. Pháp của đức Phật chỉ có người có trí mới hiểu được
c. Pháp của đức Phật chỉ có người có nhiệt tâm mới hành được
d. Câu a và b đúng
Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2005
Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga)
Kệ ngôn 81 Bậc trí không giao động
Bản Việt văn của Tỳ khưu Giác Giớ:
Như đá tảng kiên cố
Không gió nào lay động
Cũng vậy, giữa khen chê
Người trí không giao động.
Bản Phạm Văn Palì và thích nghĩa:
Selo yathā ekaghano
vātena na samīrati,
evaṃ nindāpasaṃsāsu
na samiñjanti paṇḍitā.
Bản Anh văn của Ngài Bhikkhu Khantipàlo dịch:
Just as a mighty boulder
Stirs not with the mind,
So the wise are never moved
Either by praise or blame.
Bản Hán Văn của Pháp Sư Thường Bàn Ðại Ðịnh:
Do như kiên cố nham,
Bất vi phong sở diêu,
Huỷ bán dự tán dự,
Trí giả bất vi động.
Duyên khởi:
Đức Phật thuyết bài kệ này khi Ngài đang trú tại Jetavana_Sāvatthi, nhân câu chuyện của vị trưởng lão tên Lakuṇṭakabhaddiya.
Đại đức Lakuṇṭakabhaddiya có thân tướng lùn nên thường bị các tỳ-kheo, sa-di phàm tăng trêu ghẹo, họ béo tai, vẹo má, vò đầu... vì họ không biết Ngài là bậc a-la-hán. Những lúc họ trêu chọc Ngài như vậy, họ thấy Ngài vẫn tươi tỉnh thản nhiên xem như không có chuyện gì, không tỏ ra bực tức hay khó chịu chi cả. Chư tỳ-kheo lấy thái độ này của Ngài trưởng lão bàn tán, bình phẩm.
Đức Phật nghe sự việc ấy Ngài đã xác nhận cho chư tăng biết đại đức Lakuṇṭakabhaddiya là bậc vô lậu giải thoát nên vị ấy không bị dao động trước lời trêu chọc khen chê. Rồi Đức Thế Tôn thuyết bài kệ trên.
Ý chính:
Bậc trí nhất là bậc đã được giác ngộ thì tâm không bị giao động trước những thị phi khen chê.
Thảo luận:
Do nguyên nhân nào giúp cho bậc trí không bị dao động trước sự khen chê?
Bậc trí được nói đến trong bài kệ có thể hiểu bao gồm bậc trí trong đời chăng?
Có thể có trường hợp nào sự dao động với lời khen chê sẽ giúp cho người được tiến hoá không?
Câu đố vui:
1) Sự không dao động giữa lời khen chê. Đức tính này gọi là:
a. Nhẫn nại
b. Hành xả
c. Thiền định
d. Từ bi
2) Bậc trí có tâm kiên cố không giao động giữa thị phi, đó là do nguyên nhân:
a. Bậc trí hiểu rõ sự khen chê là hư vọng
b. Bậc trí nhận thức được sự vô ích khi tâm dao động
c. Bậc trí đã chế ngự được sự thương ghét
d. Cả ba câu trên đều đúng
3) Theo tinh thần tu tập thì ta nên bỏ ngoài tai những thị phi của cuộc đời. Thái độ đó:
a. Đúng, vì không giao động bởi tiếng thị phi sẽ làm cho bình tâm
b. Sai, vì đôi khi sự khen sự chê sẽ làm cho mình rút kinh nghiệm
c. Có thể đúng hoặc sai, tuỳ theo lời thị phi có giá trị hay không
d. Không thể nhận định được
4) Trong số các đệ tử của đức Phật thời xưa, có một vị rất thích được nghe lời quở trách, giáo hóa. Vị ấy là:
a. Tỳ-kheo Subhūti
b. Tỳ-kheo Rāhula
c. Tỳ-kheo Sārīputta
d. Tỳ-kheo Ānanda
5) Có một lần tôn giả Xá-lợi-phất bị một vị tỳ-kheo trẻ vu cáo Ngài đã đánh mình. Đức Phật truyền tụ họp tăng chúng để làm sáng tỏ vấn đề. Khi được hỏi chuyện hư thực thế nào thì tôn giả Xá-lợi-phất đã có thái độ:
a. Biện bạch cho mình không làm chuyện ấy
b. Giải thích đức tánh của một người khéo an trú pháp
c. Tỏ ra không hài lòng với lời vu cáo
d. Tránh mặt không tham dự Tăng hội
Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2005
19.3. Những đối tượng của tâm thức
Cảnh phân theo tính chất cao và thấp
Đối tượng của tâm thức chỉ nằm trong 6 cảnh là sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp, nhưng vì được phân theo nhiều khía cạnh nên kể có đến 21 cảnh. Từ trước đến nay, đã phân loại đối tượng theo giác quan, phân loại theo bản thể và chế định, nay nói đến cảnh phân theo tính chất cao và thấp.
Đối tượng có tính chất thấp là cảnh dục giới. Gồm có tâm dục giới, tâm sở tương ưng và sắc pháp. Tâm biết cảnh dục giới có 56 tâm là 18 tâm vô nhân, 12 tâm bất thiện, 8 tâm đại thiện, 8 đại quả, 8 đại tố và 2 tâm thông.
Đối tượng có tính chất trung bình là cảnh đáo đại. Gồm 15 tâm sắc giới, 12 tâm vô sắc giới và tâm sở tương ưng. Tâm biết cảnh đáo đại là 37 tâm: 12 tâm bất thiện, 8 tâm đại thiện, 8 đại tố, 3 tâm thức vô biên xứ, 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ, tâm khai ý môn và 2 tâm thông.
Đối tượng có tính chất cao đẹp nhất là cảnh níp-bàn. Chính là pháp vô vi ngoại uẩn. Có 51 tâm biết cảnh níp-bàn là 8 hoặc 40 tâm siêu thế, tâm khai ý môn, 4 tâm đại thiện tương ưng, 4 tâm đại tố tương ưng và 2 tâm thông.
Câu đố vui:
1) Vị A-la-hán vẫn sanh khởi tâm dục giới bởi vì:
a. Các Ngài vẫn biết được 5 cảnh dục
b. Các Ngài sống trong cõi dục
c. Các Ngài vẫn có chút ít dục vọng
d. Ba câu trên đúng
2) Tâm của vị hành giả mà được gọi là cảnh đáo đại, tức là:
a. Tâm đang tu tập thiền
b. Tâm đang an trú thiền
c. Tâm đang sanh ở các cõi thiền
d. Ba câu trên đều sai
3) Níp-bàn là trạng thái vắng lặng, tịch tịnh. Trạng thái ấy được gọi là:
a. Cảnh níp-bàn
b. Cõi níp-bàn
c. Quả níp-bàn
d. Câu a và c đúng
4) Một người tu tập hướng đến sự giải thoát chấm dứt khổ luân hồi, tâm nguyện nào dưới đây là hợp lý nhất:
a. Nguyện đắc đạo
b. Nguyện đắc quả
c. Nguyện níp-bàn
d. Cả ba đều đúng
5) Trong kinh Pháp cú có câu: “Người nhặt các loại hoa, ý đắm say tham nhiễm, bị thần chết mang đi, như lụt trôi làng ngủ”. Loại hoa ở đây cần được hiểu là:
a. Hoa thơm cỏ lạ trên mặt đất
b. Dục vọng đối với thế lợi
c. Sự ngọt ngào của cảnh trần
d. Thủ đoạn để đạt mục đích
Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2005
Chương III: Đạo Đức / Morality
3.2 Làm sao để hướng dẫn người khác / How to instruct others
E. Thương mình chớ hại người
Những điểm chính:
Bản thân hay tự ngã thường thức
Thái độ yêu bản thân
Phương tiện giáo hoá
Dẫn nhập:
Nói theo thực thể thì ngũ uẩn chỉ là một tổng hợp pháp do duyên hình thành, không có cái đơn thuần, bản ngã, tự ngã. Nhưng nói theo thường thức chế định thì mỗi cá nhân gọi là bản thân, tự thân; nói như thế để hiểu.
Phàm chúng sanh ai cũng thương yêu bản thân, và không thương ai khác bằng thương chính bản thân; nói cho cùng, một người mẹ hy sinh vì con cái cũng là thương bản thân, bởi họ nghĩ đến ngã sở, con của ta. Cái gì bị ngã chấp thì đi hàng đầu.
Ở đây, đoạn kinh này Đức Phật muốn dùng cách nói thường tình để dạy con người không nên sát phạt chúng sanh khác; bởi vì chính mình rất yêu bản thân, rất sợ bản thân bị tổn thương, không muốn ai làm hại đến bản thân, chúng sanh khác cũng vậy. Do đó, thương mình thì chớ hại người.
Chánh kinh:
The whole wide world we travers with out thoughts and nothing find a man mor dear than self. Since e’er so dear the self to others is, let the man who loves himself harm no other man. (S.I.75)
Ta đi cùng khắp thế gian không tìm thấy người thân ái hơn chính mình. Đối với chúng sanh khác thì tự ngã cũng thân ái như vậy; bởi thế ai yêu chính mình thì chớ hại người khác. (Tương ưng I.75)
Thảo luận:
1) Thái độ yêu bản thân là nên hay không nên, theo tinh thần Phật giáo?
2) Ngoài cách trắc nghiệm bản thân, có cách nào khác để tu tập không hại người chăng?
3) Các bậc thánh không não hại người khác, đó có phải là do các vị ấy yêu tự ngã?
Câu đố vui
1) Điều nào dưới đây đúng nghĩa với tâm bi:
a. Không hại chúng sanh vì sợ gây oan trái
b. Không hại chúng sanh vì giữ giới luật
c. Không hại chúng sanh vì thông cảm nỗi đau
d. Không hại chúng sanh vì muốn tích đức
2) Người hiền được nhận xét theo tinh thần đạo Phật, đó là:
a. Người có tâm thương yêu chúng sanh
b. Người biết cứu giúp chúng sanh
c. Người sống không làm hại chúng sanh
d. Người có ba đức trên
3) Người bạn đáng để ta thân cận là người:
a. Người không hiếp đáp ai cũng không để ai hiếp đáp
b. Người tốt bụng mặc dù thiếu trí
c. Người có trí dù không tốt bụng
d. Người biết làm lợi mình lợi người
4) Người nhẫn nhục khi có người khác làm khổ mình, đó là người có tinh thần cao thượng. Điều đó:
a. Đúng vậy, vì người nhẫn nhục là người có sức chịu đựng
b. Không đúng, vì nếu người ấy nhẫn nhục chỉ vì thiếu khả năng chống trả
c. Có thể đúng, khi người ấy nhẫn nhục vì muốn rèn luyện tâm tánh nhu hoà
d. Cả ba câu trên đúng
5) Pháp cú kinh thi hoá, có câu: “Ví như ngọn núi kiên trì, gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển lay... không làm chao động đôi mày trí nhân”. Câu thứ ba trong bài thi hoá này là:
a. Tiếng đời chê dở khen hay...
b. Cuộc đời hạnh phúc đắng cay
c. Thói đời đen trắng đổi thay
d. Tình đời dù có nhạt phai
Thứ Tư, 23 tháng 3, 2005
KINH VẠN PHÁP TỔNG TRÌ - DHAMMASAṄGINĪ
16.4. Thể tài quả
Những điểm chính:
· Ý nghĩa nhân và quả trong đoạn pháp này
· Nhân quả chi phối trong đời sống
· Không phải vạn pháp đều là sản phẩm nghiệp quả
Dẫn nhập:
Nhân tức là điều kiện phát sanh hậu quả, Quả là sản phẩm của nhân. Trong đề tài quả của kinh Vạn pháp tổng trì, pháp nhân và pháp quả được nói đến là ám chỉ nghiệp dị thời và quả dị thục, không phải là nguyên nhân và hậu quả của duyên hệ.
Trong đời sống của loài hữu tình, sự vui hay khổ chính là hậu quả của nhân thiện hay ác; tâm thiện hay tâm bất thiện được gọi là pháp nhân, tâm quả của thiện hay bất thiện được gọi là pháp quả. Chính vì có pháp nhân và pháp quả nên mới hình thành một cuộc sống nhiều màu sắc.
Tuy nhiên, ở đây không hẳn vạn pháp đều nằm trong pháp nhân quả; có những pháp thành nhân, có những pháp thành quả, cũng có những pháp phi quả phi nhân. Với trí tuệ giác ngộ của Đức Phật, Ngài đã thấy rõ những pháp ấy, nên Ngài đã tuyên bố để phá vỡ kiến chấp của chúng sanh.
Chánh kinh:
Vipākā dhammā vipākadhammadhammā nevavipākanavipākadhammadhammā
Có pháp vốn là nhânCó pháp vốn là quảCó pháp không nhân quảVượt quan kiến thường tình
Thảo luận:
1. Có thể có sự kiện nào không phải là nghiệp báo nhưng lại là nhân quả chăng?
2. Tâm bất thiện được gọi là nhân tạo ra quả xấu, tâm thiện là nhân tạo ra quả tốt. Nhưng Đức Phật có dạy rằng có những hành động hiện tại khổ tương lai lạc, có những hành động hiện tại lạc tương lai khổ. Ở đây cần phải hiểu thế nào?
3. Tại sao níp-bàn được nói là pháp phi quả phi nhân?
Câu đố vui:
1) Một người lái xe sơ ý bị chết vì tai nạn giao thông, điều đó cần được nhận xét:
a. Cái chết ấy không phải do nghiệp quả mà do nguyên nhân bất cẩn
b. Cái chết ấy là quả báo của ác nghiệp quá khứ
c. Chỉ có bậc thiên nhãn thông mới biết rõ cái chết ấy là do nguyên nhân gì
d. Cả ba câu trên đều sai
2) Tâm thánh đạo cũng gọi là thiện nghiệp, điều này luận theo A-tỳ-đàm:
a. Đúng, vì tâm đạo là nhân tốt tạo quả siêu thế
b. Sai, vì tâm đạo không giống như tâm thiện hiệp thế
c. Đúng hoặc sai tuỳ theo cách dùng từ thiện nghiệp trong nghĩa nào
d. Cả ba câu trên đúng
3) Nói rằng chúng sanh phàm phu dễ làm ác khó làm thiện, điều đó bởi:
a. Chúng sanh thường sống với nhiều phiền não
b. Chúng sanh đã quen làm điều ác, ít làm điều thiện
c. Chúng sanh không nghe được Phật pháp
d. Câu a và b đúng
4) Để giải thích nghiệp quả thiện, Đức Phật đã minh hoạ thí dụ nào sau đây:
a. Như bóng không rời hình
b. Như bánh xe theo chân bò
c. Như lửa dưới đống tro tàn
d. Như sữa không đông ngay
5) Trong kinh Pháp cú có bài kệ rằng: “Kẻ khác không hiểu biết, chúng ta đây bị diệt; ai hiểu được điều ấy, tranh luận được lắng êm”, câu “chúng ta đây bị diệt” trong bài kệ này có nghĩa là:
a. Chúng ta tranh nhau sẽ có người thắng người thua
b. Chúng ta tranh nhau sẽ làm cơ hội cho kẻ thù tiêu diệt
c. Chúng ta đang bị già chết chi phối
d. Câu a và b đúng
Thứ Ba, 22 tháng 3, 2005
Chương III: Đạo Đức / Morality
3.2 Làm sao để hướng dẫn người khác / How to instruct others
D. Tự tốt đẹp trước
Những điểm chính:
Tự giác giác tha
Phương châm giáo dục
Giá trị thiết thực
Dẫn nhập:
Sau khi tìm được chân lý rồi, Đức Phật mới giáo hoá chúng sanh. Điều đó là sự kiện hợp lý. Bởi nếu Ngài chỉ dạy những gì mà Ngài chưa giác ngộ được thì không thể thuyết phục người khác, và cũng không thể giải thích thoả đáng những gút mắc. Cùng thế ấy, trước khi dạy người khác điều tốt, phải tự mình là người tốt. Tự mình tốt đẹp trước, sau mới giáo hóa ngưòi khác, đó là phương châm của Đức Phật đã nhắc nhở chư đệ tử.
Khi chính mình đã là người tốt thì mới khiến cho người khác có niềm tin với những gì mình khuyên nhắc họ; trong sự giáo dục, người dạy là người mô phạm, là tấm gương cho kẻ khác noi theo. Đó mới thật là lời khuyên giá trị.
Chánh kinh:
“Let one first establish oneself in what is proper, and then instruct others. Such a wise man will not be blamed by other”. (Dhp.158)
“Trước tiên hãy tự đặt mình vào lẽ chánh rồi mới giáo hoá kẻ khác. Bậc trí như vậy mới không bị trách cứ.” (PC. 158)
Thảo luận:
1) Nếu bậc trí sau khi giáo hoá người khác mới đem sự tốt đẹp ấy để tự răn cho mình, như vậy có tốt đẹp không?
2) Những gì tốt đẹp mà mình chưa làm được mà chỉ dạy kẻ khác làm, điều đó có đem lại kết quả chăng?
3) Phải chờ đến khi mình được tốt đẹp mới dạy người khác, như vậy có muộn màng lắm không ?
Câu đố vui:
1) Lời khuyên có giá trị là ở chỗ:
a. Lời nói ấy đã được nói bởi một người đã thực hành
b. Lời nói ấy được người nghe lãnh hội và làm theo
c. Lời nói ấy phù hợp với lẽ phải
d. Câu b và c đúng
2) Đức Phật thuyết pháp, người khác nghe xong liền đắc đạo quả. Sự thành tựu này có được là do:
a. Pháp được thuyết bởi vị giác ngộ nên người nghe giác ngộ
b. Pháp được thuyết, người nghe hữu duyên giác ngộ
c. Sau khi nghe pháp, người nghe ứng dụng với trí tuệ
d. Cả ba câu đều đúng
3) Điều nào dưới đây là quan trọng khi nghe pháp:
a. Nên nghe pháp từ nơi vị đã giác ngộ
b. Nên nghe pháp với niềm tin ở vị thuyết
c. Nên nghe pháp với trí tuệ khéo tác ý
d. Nên nghe pháp với mục đích học hỏi
4) Sau khi Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân, trong hội chúng năm thầy Kiều-trần-như có bao nhiêu vị đắc quả?
a. Có một vị đắc quả
b. Có hai vị đắc quả
c. Có bốn vị đắc quả
d. Cả năm vị đều đắc quả
5) Câu kinh Pháp cú 158 này Đức Phật đã thuyết đề cập đến ai?
a. Một vị Tỳ-khưu
b. Một nam cư sĩ
c. Một nữ cư sĩ
d. Một tu sĩ ngoại đạo
Thứ Hai, 21 tháng 3, 2005
KINH VẠN PHÁP TỔNG TRÌ - DHAMMASAṄGINĪ
16.3. Thể tài thọ
Những điểm chính:
· Ba loại cảm thọ
· Pháp tương ưng cảm thọ
· Cảm thọ trong đời sống tu tập
Dẫn nhập:
Đời sống gọi là có đau khổ và hạnh phúc. Điều này chính là cảm giác của tư tưởng tạo nên: cảm giác đau đớn, buồn bực gọi là khổ thọ; cảm giác êm dịu thoải mái gọi là lạc thọ; cảm giác không sướng khổ không buồn vui, bình thường, gọi là phi khổ phi lạc thọ hay xả thọ.
Pháp tương ưng khổ thọ chính là 2 tâm thọ ưu và thân thức thọ khổ. Pháp tương ưng lạc thọ tức là 62 tâm thọ hỷ và tâm thân thức thọ lạc. Pháp tương ưng phi khổ phi lạc thọ tức là 55 tâm thọ xả.
Tìm hiểu pháp tương ưng cảm thọ và nhận ra cảm thọ sanh khổ, đó là đề tài thiền quán: Thọ quán niệm xứ.
Chánh kinh:
Sukhāya vedanāya sampayuttā dhammā Dukkhāya vedanāya sampayuttā dhammā Adukkhamasukhāya vedanāya sampayuttā dhammā
Có pháp tương ưng khổCó pháp tương ưng lạcCó pháp tương ưng xả
Tức phi khổ phi lạc
Thảo luận:
1. Giữa sự khổ đau và sự hạnh phúc, điều nào khiến chúng sanh dễ tu tập hơn?
2. Sống với cảm giác phi khổ phi lạc, điều đó có phải là tinh thần cao quý không?
3. Người Phật tử nên có cách nhìn thế nào đối với sự khổ đau và hạnh phúc?
Câu đố vui:
1) Người Phật tử khi gặp hoàn cảnh sống khổ đau, nên có thái độ hợp lý để đối mặt với hoàn cảnh:
a. Nên chán nản, thấy đời là bể khổ
b. Nên vui mừng, vì phiền não tức cảnh bồ-đề
c. Nên chấp nhận, tuỳ theo số phận
d. Nên nhận thức rõ ràng, và tìm giải pháp
2) Cuộc sống hạnh phúc, đó là điều mà người Phật tử tu tập:
a. Chối bỏ, vì thấy là bẫy mồi của phiền não ma
b. Chấp nhận, vì thấy là thành quả của thiện nghiệp
c. Tuỳ theo đó là hạnh phúc vật chất hay hạnh phúc tinh thần mà bỏ hoặc nhận
d. Cả ba câu đều sai
3) Đức Phật luôn có tâm đại bi, thương xót chúng sanh, kể cả chúng sanh đang hưởng thụ hạnh phúc. Bởi vì:
a. Trong mắt của Đức Phật chỉ thấy đời là đau khổ
b. Ngài thấy chúng sanh đang đắm chìm trong hạnh phúc, sẽ khổ tương lai vì còn phiền não
c. Ngài thấy chúng sanh ấy chưa thật sự hạnh phúc, chưa thoát sự khổ đau
d. Câu b và c đúng
4) Tỳ-kheo Godhika quá chán nản vì tu hành đã lâu vẫn không kết quả, nên đã tự sát, và chứng A-la-hán trước khi tắt thở. Tại sao Đức Phật không khuyên giải mà để cho đệ tử tự sát:
a. Vì Ngài không biết Tỳ-kheo này sẽ tự sát
b. Vì Ngài biết rằng bị quả báo của nghiệp
c. Vì Ngài thấy đây là cơ hội giúp vị ấy đắc A-la-hán
d. Bậc Chánh Giác biết hành động hợp lý
5) Khi di mẫu Gotamī cùng 500 phu nhơn hoàng Thích đi đến xin Đức Phật cho phép họ xuất gia làm Tỳ-kheo-ni, Đức Phật không chấp nhận, khiến lịnh bà và các nữ nhân kia rất sầu muộn. Cuối cùng, tôn giả Ānanda đã thiết tha cầu xin giúp bà mới được Đức Phật chấp nhận. Sự kiện Đức Phật không nhận lời cho xuất gia các nữ nhân trong giáo pháp, bởi lý do:
a. Để có duyên cớ Ngài ban Trọng pháp ngăn ngừa sự rối loạn trong Tăng chúng
b. Xã hội Ấn Độ bấy giờ rất kỳ thị phụ nữ
c. Nữ nhân không thể xuất gia tu hành đắc đạo quả
d. Ngài không có lòng bi mẫn đối với nữ nhân
Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2005
Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga)
Kệ ngôn 80: Người trí biết tự rèn mình
Bản Việt văn của Tỳ khưu Giác Đẳng:
Người trị thủy dẫn nước
Kẻ làm cung chuốt tên,
Thợ làm mộc uốn gỗ
Bậc trí biết tự rèn
Bản Phạm Văn Palì và thích nghĩa:
Udaka.m hi nayanti nettikaa usukaaraa namayanti tejana.mDaaru.m namayanti tacchakaa attaana.m damayanti pa.n.ditaa.
*Attànam damayanti : Ðiều phục chính mình
Bản Anh văn của Ngài Bhikkhu Khantipàlo dịch:
Irrigators lead the waters;fletchers bend the shafts;carpenters bend the wood;the wise control themselves.
Bản Hán Văn của Pháp Sư Thường Bàn Ðại Ðịnh:
Thủy nhân điều thuyền;Cung công điều giác, Tài tượng điều mộc, Trí giả điều thân.
DUYÊN SỰ
Sa di Pandita Dàraka tuổi còn nhỏ sớm có duyên lành xuất gia. Một hôm theo thầy là Tôn Giả Xá Lợi Phất vào làng khất thực. Trên đường thấy một nông dân dẫn nước vào ruộng; một người làm cung đang chuốt tên; và một thợ mộc đang gọt đẽo bánh xe bò. Những cảnh tượng nầy khiến vị Sa di tò mò muốn biết họ đang làm gì. Sau khi nghe lời giải thích chú Sa di bất chợt nghĩ rằng những thứ vô tri mà có thể thay đổi cho tốt hơn sao mình không tự chuyển hoá tự thân. Nghĩ vậy vị nầy xin phép về chùa gia công thiền định và giác ngộ đạo quả không lâu sau đó. Ðức Phật dạy kệ ngôn trên để tán thán sự khéo nhận thức của một người hữu duyên hữu trí.
THẢO LUẬN
1. Phật pháp dạy gì về quan niệm "sống tự nhiên"?
2. Chánh tư niệm (yoniso manasikara) ở trong câu duyên sự nầy có phải làtuệ giác không?
3. Nếu không có cái thực hữu "tôi, ta" thì sao phải bận lòng "rèn luyện bản thân"?
Ý CHÍNH
Bậc trí ý thức rõ tầm quan trọng của sự tu tập bản thân vì thiện pháp, giác ngộ, giải thoát từ đó màthành tựu.
Câu đố vui: ngày 20-03-2005
1. Trong duyên sự kệ Pháp Cú 80, vị sa di nhìn thấy cảnh tượng người dẫn nước vào ruộng, người chuốc tên và người bào gỗ từ đó khai triển tuệ quán giác ngộ. Những hình ảnh đó, nói một cách chính xác là điều nào dưới đây:
a. Bản chất vô thường của cuộc sống
b. Khả tính thay đổi của nội tâm
c. Bổn phận của mỗi người dù là xuất gia hay cư sĩ
d. Sự thiện xảo của nghề nghiệp chuyên môn
2. Trên quan điểm của hành giả tu tập thì cái gọi là "bản chất tự nhiên" (chưa tu tập) của chúng sanh vốn là:
a. Tốt
b. Xấu
c. Với phần đông xấu nhiều hơn tốt
d. Với phần đông tốt nhiều hơn xấu
3. Khi một bậc giác ngộ lấy hình ảnh ngoại giới trong câu chuyện vị sa di nhìn hình ảnh người thợ mộ, thì những hình ảnh đó có thể gọi:
a. Đề tài thiền quán
b. Sự gợi ý
c. Công án
d. Thiên khải
4. Theo Phật Pháp thì trong các cõi, cõi người dễ tu tập nhất bởi vì:
a. Là cảnh giới sung sướng
b. Là cảnh giới khổ đau
c. Là cảnh giới có cả vui lẫn khổ
d. Là cảnh giới không khổ cũng không vui
5. Toại Khanh viết bài thơ nầy:
Lại Hẹn
Mai tóc bạc, chưa vẹn đời du sĩ
Đi trăm năm, sao hết những con đường
Dâu biển ơi, trước lúc về yên nghỉ
Xin một lần làm mây trắng muôn phương
Nói về nỗi lòng chưa thoả dù sống trăm năm nhưng vẫn muốn kiếm tìm. Nếu trên phương diện tuệ quán thì:
a. Thấy được một pháp có thể thấy được vạn pháp
b. Phải đắc đạo rồi để thấy được vạn pháp
c. Thấy một pháp hay vạn pháp không quan trọng, đủ công đức thì đắc đạo
d. Cả ba câu trên đều đúng
1. Bản Phạn Ngữ, Anh Ngữ lấy từ website Budsas.org của Dr. Bình Anson
2. Bản chữ Hán và Kinh Thơ do Phật tử Như Khanh đánh máy
3. Hình ảnh Dhammapada lấy từ trang Treasury of Truth của Ven Sarada Maha There
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2005
Bài 19.1: Cảnh (Àrammana) hay Đối Tượng Của Tâm Thức
B. Cảnh phân theo bản thể và thi thiết
8. Cảnh chơn đế. Là cảnh thuộc về bản thể tức là những gì nằm trong 4 pháp tâm, thuộc tánh, sắc pháp, niết bàn. Mặc dù đôi khi chữ chân đế (paramattha) được dịch là đệ nhất nghĩa đế hay cảnh của tuệ cao nhưng cảnh chơn đế được nói đến ở đây không phải là một đề tài thâm viễn cho tri thức mà thật tướng bản thể thí dụ tai nghe tiếng. Âm thanh đó vừa là cảnh thinh vừa là cảnh chơn đế. Theo sau đó là những khái niệm được định đặt như gọi đó là nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng ..v.v. đó thuộc vì qui ước. Tâm biết cảnh Chơn Ðế có 70 hoặc 102: Tâm chỉ biết Cảnh Chơn Ðế bằng cách Cố Ðịnh và trực tiếp là 8 hoặc 40 tâm Siêu Thế, 3 Tâm Thức Vô Biên, 3 Tâm Phi Tưởng Phi Phi Tươởng, 8 Tâm Quả Dục Giới và 17 tâm Vô Nhân (trừ Khai Ý Môn). Tâm biết cảnh Chơn Ðế Bất Ðịnh là 12 Tâm Bất Thiện, Tâm Khai Ý Môn, 8 Thiện Dục Giới 8 Duy Tác Dục Giới và 2 Tâm Diệu Trí.
9. Cảnh chế định. Là những gì được chế tác, định đặt chứ không phải là bản thể. Thí dụ như ngôn ngữ, trường phái hội hoạ, những giá trị văn hoá xã hội. Mặc dù đôi khi dịch là cảnh tục đế có nghĩa là sự thật của thường thức đối lại với sự thật của bản thể nhưng cảnh chế định ở đây không chỉ có nghĩa là tục đế mà nói chung là những ước lệ giả lập dù theo quan niệm thế tình đó là sự thật hay không phải sự thật. Tâm biết cảnh chế định có 21 là 15 Tâm Sắc Giới, 3 tâm Không Vô Biên và 3 Tâm Vô sở hữu. Còn Tâm cũng biết cảnh Tục Ðế nhưng bất định là 12 tâm Bất Thiện, Khai ý Môn, 8 Thiện Dục Giới, 8 Duy Tác Dục Giới và 2 Tâm Diệu Trí.
câu đố vui : ngày 18.03.2005
1. Cảnh nào dưới đây được gọi là cảnh chơn đế:
a. Âm thanh du dương
b. Thể loại của bản nhạc
c. Tính hay hoặc dở của bản nhạc
d. Cả ba câu trên đều đúng
2. Khi nói chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam đẹp hơn áo kimono của phụ nữ Nhật Bản thì giá trị nầy dựa trên:
a. Thị hiếu cá nhân
b. Sự quen thuộc có tính cách văn hoá
c. Bối cảnh đang có mặt
d. Ba câu trên đều đúng
3. Cũng thời phát tâm trong sạch đãnh lễ nhưng một người đãnh lễ cội bồ đề có khác với lễ tôn tượng Phật:
a. Đúng vậy. Cây bồ đề thuộc về thiên nhiên còn tượng Phật là một sản phẩm của sáng tạo của những nhà điêu khắc.
b. Sai. Cả hai đều là gợi nhắc về Đức Phật không thể nói là có sự khác biệt
c. Đúng. Chỉ có cây bồ đề được Đức Phật chính thức cho phép dùng để tưởng nghĩ đến Ngài
d. Sai. Tất cả đều là giả tướng, vì chúng sanh mê chấp tôn thờ ngẫu tượng nên mới lễ bái.
4. Khi Ông Sudatta vừa nghe anh mình nhắc đến tiếng "Phật Đà" thì dâng lên niềm hoan hỷ mãnh liệt. Tiếng Phật đà đó đối với ông:
a. Quen thuộc về âm thanh
b. Cao quí về ý nghĩa
c. Thôi thúc như túc duyên vốn có
d. Cả ba câu trên đều đúng
5. Người ta kể chuyện rằng: có một người chết xuống địa ngục gặp Diêm Vương. Nhờ có chút công đức trên trần gian nên được có phần được đãi ngộ. Diêm Vương hỏi muốn sanh làm người thế nào, người ấy trả lời: xin được giàu có muốn gì được nấy, mọi người chung quanh ai cũng yêu thương và được sống khoẻ, sống vui, sống lâu để tận hưởng. Diêm Vương nghe thế thở dài đáp: nếu trên trần gian có chuyện sung sướng như vậy thì ta đã đầu thai làm người đâu ngồi chi ở đây làm gì.
Đem câu chuyện trên so với tinh thần Phật Pháp thì câu nào dưới đây là hợp lý:
a. Con người được cái nầy thì phải mất cái kia
b. Không có cái gì hoàn hảo
c. Vui khổ vốn gắn liền vì thế chúng sanh thường nô lệ cho tham ái
d. Con người sanh ra để chịu khổ chứ không phải là hưởng sự vui thú
Thứ Năm, 17 tháng 3, 2005
Chương III: Đạo Đức / Morality
3.2 Làm sao để hướng dẫn người khác / How to instruct others
C. Other Ways to Practice Morality / Những Cách Tu Tập Khác
Dẫn Nhập:
Có nhiều cách tu tập được gợi ý trong kinh điển Phật Pháp. Trong Phật ngôn dưới đây đề ra một cái nhìn về hai con đường: một là sống với ác pháp thì ghồ ghề hiểm trở; hai là con đường chơn chánh thì trực tiếp, bằng phẳng, nhẹ nhàng, thênh thang. Chỉ cần một chút lắng đọng tâm tư, chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa hai lối sống nầy. Đức Phật dạy hãy đi theo con đường hướng thượng.
Chánh Kinh:
"Develop the will or mind to avoid the evil. Take effort to avoid evil as an uneven road. Walk along the even road of virtue.
An unskilled state of mind leads downwards, while a skilled state of mind leads upwards' so take the path upwards."
-M.I: 40-46
Hãy tu tập tâm ý để tránh ác pháp. Hãy nỗ lực tránh ác như tránh hiểm lộ. Hãy đi trên con đường bằng phẳng của chánh hạnh. Nội tâm không thiện xảo đưa vào thối đoạ trong lúc tâm thiện xảo dẫn đến thăng tiến. Hãy đi theo con đường hướng thượng.
Kinh Trung Bộ: 40-46
Thảo Luận:
1. Thiện xảo và không thiện xảo được hiểu thế nào trong Phật ngôn nầy?
2. Cái gì để phân biệt đâu là hướng thượng đâu là thối đoạ?
3. Hiểm lộ và con đường bằng phẳng được nhận thức thế nào trong đời sống tu tập?
Thứ Tư, 16 tháng 3, 2005
KINH VẠN PHÁP TỔNG TRÌ - DHAMMASAṄGINĪ
16.2 Thể Tài Thiện
Những điểm chính:
Ý nghĩa của thể tài
Pháp thiện
Pháp bất thiện
Pháp vô ký
Dẫn nhập:
Thể tài mở đầu nầy nói về thiện, bất thiện và vô ký. Một thể tài lớn tạng A Tỳ Đàm. Ở đây cũng như hầu hết những thể tài có ba chi phần, là sự thống kê toàn diện không nằm trong lưỡng biên: Có thiện có bất thiện nhưng cũng có cái không thiện không bất thiện. Không phải chỉ cần thiết để hiểu điều nầy hoặc điều đối lại mà còn phải hiểu cái nằm ngoài lưỡng cực để có được cái nhìn toàn diện. Thiện được ghi nhận là cái gì tốt, đẹp, khéo, lành mạnh, tạo quả an vui thì ngược lại bất thiện là cái gì xấu, bất hảo, vụng về, tạo quả khổ đau. Nhưng tất cả không phải chỉ có vậy, vai trò của các pháp vô ký cũng quan trọng không kém. Không thấy được hết góc cạnh của vấn đề khiến chúng sanh có những kiến chấp nguy hiểm.
Chánh kinh:
Kusalā dhammā akusalā dhammā abyākatā dhammā
Có thiện, có bất thiệnCó không thiện không ácNgười trí thông lẽ đạoKhông rơi vào biên kiến
Thảo luận:
1. Có phải chắc chắn những thiện pháp đều mát mẽ, vô nhiễm?
2. Phải chăng tất cả bất thiện pháp đều vụng về?
3. Có gì để tán thán trong pháp vô ký chăng?
1. Có bao nhiêu môn học trong room Diệu Pháp hằng tuần?
a. 1 môn
b. 2 môn
c. 3 môn
d. 4 môn
2. Có bao nhiêu vị giảng sư hiện hướng dẫn các chương trình trong room?
a. Trên 5 vị
b. Trên 4 vị
c. Trên 3 vị
d. Cả ba câu trên đều đúng
3. Thời gian sinh hoạt mỗi ngày là:
a. 1 giờ đồng hồ
b. 2 giờ đồng hồ
c. 3 giờ đồng hồ
d. 4 giờ đồng hồ
4. Có bao nhiêu tiết mục trong chương trình mỗi ngày?
a. 5
b. 4
c. 3
d. 2
5. Có bao nhiêu người đang phụ trách dịch và đọc tin tức Phật giáo trong room
a. 4 người
b. 7 người
c. 5 người
d. Cả 3 câu trên đều sai
Thứ Ba, 15 tháng 3, 2005
Chương III: Đạo Đức / Morality
3.2 Làm sao để hướng dẫn người khác / How to instruct others
B. Trau Dồi Giới Hạnh Bằng Sự So Sánh / Practicing Morality by Comparing
Dẫn Nhập:
Trong một thế giới mà cuộc sống chung quanh có quá nhiều tiêu cực, ác pháp thì một người có thể dùng hoàn cảnh đó để trau giồi đức hạnh. Thay vì bất mãn, khó chịu hay a tòng với hành vi ác xấu của người chung quanh thì người tu tập có thể xem đó đó là điều cần phải phản tỉnh: người ta làm vậy mình sẽ không làm vậy. Điều được lưu ý ở đây là sự thực hành bằng cách so sánh nầy phải được dựa trên thái độ tự hoá bản thân cùng với ước vọng mang lại lợi ích cho tha nhân để tránh sự rơi vào thái độ khen mình chê người.
Chánh Kinh:
One may compare one's behavior with that of others and practice good virtues. Others may be harmful; continue as to this, we will not be harmful. Others may kill living beings, we will avoid killing.
One compares following immoral practices of others and avoids doing them for oneself. Harming living beings, stealing, indulgence in sense pleasure, lying, harsh speech, rough speech, frivolous speech, covetousness, corruptness of mind, wrong view, wrong thought, wrong speech, wrong activity, wrong way of living, wrong endeavor, wrong mindfulness, wrong concentration, wrong knowledge, wrong freedom, sloth and torpor, being puffed up, doubtful, wrathful, rancorous, harsh, spiteful, envious, grudging, treacherous, deceitful, stubborn, proud, difficult to speak to, becoming friends with those who are evil, indolent, lacking in faith, shameless, reckless, of little learning, lazy, with muddled mindfulness, weak in wisdom.
One purifies one's mind from these immoral practices and develops positive virtues comparing other peoples' way of life with that of oneself
This way of morality is not at all strict individualism. For it is said that one must be good before one tries to purify others. Consideration for the good of others is always intrinsic in this moral practice. -Expositor: 92
Một người có thể so sánh hành vi của mình với người khác để trau giồi giới đức. Người khác não hại mình sống vô hại. Người khác sát hại sinh vật mình sẽ không sát sanh. Người ấy so sánh những ác hạnh của người khác rồi tự mình tránh không làm. Sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời độc ác, nói lời vô ích, tham ác, sân ác, tà kiến ác. Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Tri kiến sai lạc, giải thoát sai lạc, hôn trầm, thuỵ miên, kiêu căng, nghi hoặc, phẩn nộ., hiềm hận, lỗ mãng, gian ác, so đo, ganh tị, man trá, lừa đảo, cang ngạnh, tự mãn, khó nói, thận cận bạn xấu là những người thiếu niềm tin, thiếu tàm quý, phóng túng, thiếu học hiểu, biếng nhác, thất niệm, thiếu trí.
Một người thanh lọc tâm tư của mình không còn những ác pháp trên và trau dồi thiện pháp bằng cách so sánh sở hành của người khác với mình.
Sự trau giồi giới hạnh bằng cách nầy không phải để đề cao tự ngã bởi vì muốn mang lại lợi ích cho người khác trước hết phải thanh lọc chính mình. Nghĩ về lợi lạc cho người khác là tâm niệm cần có trong cách thực hành nầy.
Tổng Thuyết: 92
Thảo Luận:
1) So sánh thế nào gọi là ngã mạn và thế nào là không ngã mạn?
2) Tại sao có những những lúc quan niệm "nhân ngã bỉ thử" tỏ ra đắc dụng trong sự tu tập?
3) Sự tu tập bằng cách so sánh nầy có thể gọi là một "pháp môn" tu không?
Câu đố vui:
1. Cũng cùng sống trong một môi trường mà có người lấy hoàn cảnh chung quanh để rèn luyện chính mình trong lúc người khác thì tập nhiễm. Yếu tố nào dưới đây được người tu Phật xem là nguyên nhân chính:
a. Do duyên nghiệp
b. Do khéo suy nghĩ hay vụng suy nghĩ
c. Do may rũi
d. Do xã hội có tổ chức tốt hay không
2. Câu nào dưới đây phù hợp với tinh thần Phật Pháp
a. Không có một bản ngã độc lập với nhân duyên nhưng vẫn có thể dùng quan niệm "tôi, ta" trong cách nói thường thức.
b. Tuyệt đối không thể dùng được các từ "tôi, ta" vì Đạo Phật chủ trương vô ngã
c. Vô ngã hay hữu ngã chỉ là phương tiện mà nói vốn không phải là cốt luỷ của Phật Pháp
d. Cả ba câu trên đều sai
3. Thời Phật trụ thế có một người xuất thân tầm thường thấy những người quý tộc đi xuất gia nên cũng từ bỏ bạc vàng để đi xuất gia người đó là:
a. Tôn giả Ananda (A Nan)
b. Tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất)
c. Tôn giả Upali (Ưu Ba Ly)
d. Tôn giả Angulimala (Ương Quật Ma)
4. Tam y của chư tỳ khưu đệ tử Phật có nghĩa là:
a. Mỗi vị được ba bộ y
b. Một bộ mặc thường ngày, một bộ mặc lúc hành lễ, một bộ mặc lúc đi ra đường
c. Y nội, y thượng, y kép
d. Nương vào thầy, nương vào pháp, nương vào tăng chúng
5. Trong tập vi tiếu có câu chuyện nầy:
Nghiệp Còn NặngThấy bà tín nữ đem một lồng chim đến chùa Ða Văn mừng rỡ đón lấy toan phóng sanh. Bà tín nữ giằng lại, nói:
- Không phải tôi phóng sinh ở đây đâu. Tôi chỉ gởi đây rồi mai trở lại lấy.
- Chứ bà định làm gì với lồng chim đó?
Bà tín nữ giải thích:
- Chú không biết sao, ngày mai có lễ ở chùa dưới phố, tôi sẽ đem đến đó phóng sinh.
Ða Văn thở dài ngẫm nghĩ: "Phố cách đây cả trăm cây số lại phải đợi đến ngày mai, chắc nghiệp của bầy chim này còn nặng".
Xét câu chuyện trên thì điều nào dưới đây là hợp lý:
a. Phóng sanh mà như vậy chỉ tạo thêm nghiệp xấu chứ không có phước
b. Phóng sanh mà có tụng kinh thì phúc đức mới viên mãn
c. Việc gì cũng phải xét nhiều phương diện, vấn đề không thể nhìn một khía cạnh là đủ
d. Cả ba câu trên đều đúng
Thứ Hai, 14 tháng 3, 2005
1. Phải chăng pháp chẳng phải thiện là bất thiện?
a. Đúng. Bất thiện có nghĩa là chẳng phải thiện
b. Sai. Có pháp chẳng phải thiện nhưng không là bất thiện
c. Đúng. Không bạn thì là thù
d. Sai. Chỉ có ít người hành thiện. Không thể vì vậy lên án số đông còn lại là ác
2. Phải chăng theo A Tỳ Đàm, có những điều tốt nhưng không gọi là thiện?
a. Đúng vậy. Tâm thiện phải là tốt mà cũng phải có khả năng sanh quả (tốt)
b. Sai. Hễ gọi là tốt thì ắt hẳn phải là thiện
c. Đúng. Sở hành tốt đẹp của bậc vô sanh không thể gọi là thiện
d. Câu a và c đúng
3. Người học Phật cần hiểu về pháp vô ký bởi vì:
a. Rất nguy hiểm nếu quan niệm rằng cái gì không thiện thì là ác hay ngược lại
b. Không có cái nhìn đúng đắn về sở của các bậc hoàn toàn giải thoát
c. Không thấy được cái gì là quả của quá khứ, cái gì là nhân hiện tại
d. Cả 3 câu trên đều đúng
4. Đức Phật từng dạy tôn giả Nanda rằng nếu trau giồi thiện pháp thì sẽ được sanh thiên sống chung với các tiên nữ. Điều nầy có thể được hiểu là:
a. Đức Phật khuyến khích sự tu tập hướng cầu thiên giới
b. Đức Phật dạy sắc dục trần gian không đáng tán thán nhưng thiên sắc thiên hương thì đáng hoan hỷ
c. Để giúp Nanda vượt qua căn bệnh phiền não trầm kha đang có
d. Đức Phật chỉ dùng phương tiện khuyến dụ trên thực tế không phải vậy
5. Trong câu dưới đây tìm một bình chú thích hợp với tinh thần học Phật:
Gió chiều nhè nhẹ trên non
Ta-la trước ngỏ vẫn còn nhởn nhơ
Cảnh Thiền cũng gợi hồn thơ
Dù không say đắm, cũng nhờ đôi khi
a. Sự uỷ mị đôi khi cũng có chỗ lợi lạc cho sự tu tập
b. Cảnh trí tươi đẹp chung quanh cũng có thể khiến lòng thảnh thơi miễn là không dính mắc
c. Thi ca và thiền học vốn là bạn đồng hành
d. Cảnh chùa thì cần phải thi vị
Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2005
Phẩm 06: Hiền Trí - Phẩm Hiền Trí (Pandita Vagga)
Kệ ngôn 79 : Người Trí Vui Trong Chánh Pháp
Bản Việt văn của Tỳ khưu Giác Đẳng:
Pháp hỷ tạo niềm vui
Với tâm tư an tịnh
Người trí luôn hân hoan
Pháp thuyết bởi bậc thánh
Bản Phạm Văn Palì và thích nghĩa:
Dhammapiiti sukha.m seti vippasannena cetasaaAriyappavedite dhamme sadaa ramati pa.n.dito.
Bản Anh văn của Ngài Bhikkhu Khantipalo dịch:
He who imbibes the Dhammaabides in happiness with mind pacified;the wise man ever delights in the Dhammarevealed by the Ariyas.
Duyên sự
Tôn giả Kappina vốn là một quân vương xuất gia theo Phật. Đôi lúc nữa đêm vị nầy thốt lời " hạnh phúc thay" khiến những bạn đồng phạm hạnh ngờ vực. Đức Phật gọi đến làm sáng tỏ câu chuyện rồi Ngài dạy kệ ngôn trên.
Thảo luận
1. Pháp hỉ ở đây được hiểu thế nào?
2. Làm sao để tạo được niềm hân hoan với chánh pháp?
3. Tu vì "vui" có tốt hơn tu vì "buồn"?
Ý Chính
Vui trong chánh pháp khiến lòng tịnh lạc vì vậy bậc thiện trí luôn hân hoan trong lời dạy của thánh nhân.
Đố Vui Trong Ngày
1. Muốn tu thì thì phải thấy đời là khổ không thể sống bằng niềm vui (dù vui trong chánh pháp).
a. Đúng vậy, tất cả niềm vui đều dẫn đến dính mắc
b. Sai, có những niềm vui nên có và những niềm vui không nên có
c. Đúng vậy, thuyền ngược gió xuôi gió đều trong biển khổ
d. Sai, mình tu vì vui mau đắc hơn tu vì khổ
2. Người nào dưới dây là người "vui trong chánh pháp"
a. Mình bố thí vui thấy rằng nhờ đó tạo thành tiếng thơm
b. Mình bố thí vui mà nghĩ đến đời sau giàu có
c. Mình bố thí vui thấy người khác được lợi lạc mà mình thì bớt được lòng ích kỷ
d. Mình bố thí vui thấy mình là người thi ân chứ không thọ ân
3. Phải chăng chính Đức Phật cũng kính trọng pháp mà Ngài giác ngộ?
a. Đúng vậy
b. Sai
c. Đúng một phần, sai một phần
d.Điều đó không có ghi trong kinh điển
4. Câu nào dưới đây là sai với lịch sử Phật giáo
a. Magadha (Ma Kiệt Đà) với kinh đô Rajagaha (Vương Xá) là nơi xuất thân nhiều thánh đệ tử lỗi lạc của Đức Phật
b. Kuru (Câu La) là nơi có nhiều người đặc biệt ưa thích tu tập tứ niệm xứ
c. Vương quốc Sakya với kinh đô Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) là nơi sản sinh nhiều bạo chúa d. Kosala (Kiều Tá La) với kinh đô Savatthi (Xá Vệ) là nơi có nhiều đàn tín quan trọng của Đức Phật
5. Một thi sĩ tiền chiến viết rằng:
Ta có chờ đâu có đợi đâu
Can chi xuân đến gợi thêm sầu
Với ta tất cả đều vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau
Tâm trạng đó có phù hợp với "tâm yểm ly" của người tu Phật chăng?
a. Đúng vậy, khi hiểu rõ thì tất cả đều là đau khổ
b. Sai. Cái nhìn đời là khổ của một thi sĩ, một hành giả vốn không giống nhau
c. Sai. Một người đã thật sự thấy được bản chất của đau khổ thì không có chuyện "gợi thêm sầu"
d. Câu b và c đúng
1. Bản Phạn Ngữ, Anh Ngữ lấy từ website Budsas.org của Dr. Bình Anson
2. Bản chữ Hán và Kinh Thơ do Phật tử Như Khanh thực hiện
3. Hình ảnh Dhammapada lấy từ trang Treasury of Truth của Ven Sarada Maha There
Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2005
a. Cảnh phân theo giác quan
1. Cảnh sắc là đối týợng của thị giác hay nhãn thức. Cảnh nầy bao gồm hình ảnh trực tiếp đập vào mắt nhý ánh sáng, màu sắc, chiều kích. Cảm quan về cái đẹp của cảnh sắc không phải là nhãn thức mà thuộc về ý thức.
2. Cảnh thinh là đối týợng của thính giác hay nhĩ thức. Cảnh nầy là âm thanh ghi nhận bởi tai.
3. Cảnh khí là đối týợng của khứu giác hay tỷ thức. Cảnh nầy là các mùi ghi nhận bỏi mũi.
4. Cảnh vị là là đối týợng của vị giác hay thiệt thức. Cảnh nầy là tất cả các vị mặn, ngọt, chua, cay .. ghi nhận bởi lýỡi.
5. Cảnh xúc là đối týợng của xúc giác hay thân thức. Cảnh nầy là tất cả những gì ghi nhận bởi thân nhý sự êm ái khi ngồi trên một chiếc ghế hay nhức răng ...
6. Cảnh ngũ là nói chung gồm năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc. Sở dĩ nêu lên cảnh ngũ vì 5 cảnh nầy thuộc ngoại giới. Trực tiếp xúc chạm ngũ quan. Chúng sanh thýờng lãnh hội thế giới chung quanh qua năm cảnh nầy. Trong năm cảnh thì cảnh đầu: sắc týớng và âm thanh có thể tồn tại trong cảnh giới tế nhị so với 3 cảnh còn lại týõng đối là thô. Năm cảnh nầy thýờng tạo nên sự lệ thuộc mang tính bản năng của chúng sanh nên đýợc gọi là ngũ dục. Một hành giả muốn đi sâu vào thế giới của thiền định phải có khả năng giảm thiểu sự ham thích năm cảnh nầy. Chính cảnh ngũ làm vẫn đục định tâm của của ngýời tu tập nên gọi là ngũ trần.
7. Cảnh pháp là cảnh giới nhận thức của tâm ngoài 5 cảnh trên nhý sự suy tý, nhớ týởng, kiến thức .... Nếu năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc trở thành quá khứ thì cũng là cảnh pháp thí dụ nhý một hình ảnh đẹp đã thấy hôm qua chẳng hạn.
Đố vui trong ngày
Tìm một số từ bị "thất lạc" trong bài thõ dýới đây:
Gió mây biến đổi lẽ thường
Cõi đời vạn vật ___1___ luật chung
Dù ai gắng sức vẩy vùng
Nào đâu thoát khỏi khổ chung: sanh già...
Ðầu gành giọt nước vừa sa
Tinh sương biến dạng chiều tà bụi đông
Có nhà tăng sĩ NGUYÊN KHÔNG
Vân du hành cước chẳng lòng vương mang
Che thân có ____2___
Với bình bát nọ hành trang của Ngài
Nối truyền phẩm hạnh Như Lai
Bên trong Giới Ðịnh... bên ngoài bát y
Dù rằng giới luật hành trì
Nhưng không lập dị, chẳng khi người lầm
Dù hằng giảng giải ____3____
Nhưng không tự mãn, chẳng cầm rẽ ai
Chẳng phân bỉ thử ____4____
Ðêm đêm tịnh mặc, ngày ngày thiền cư
Sống đời Thánh thiện vô tư
____5____ từng bữa, ngụ nhờ từng đêm
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2005
Cảnh (Àrammana) hay Đối Tượng Của Tâm Thức
A Tỳ Đàm định nghĩa tâm là sự biết cảnh do vậy cái gì tâm biết đều là cảnh. Từ đó cho thấy cảnh ở đây bao gồm những đối tượng độc lập với tâm thức cũng như những đối tượng vốn là sản phẩm của tâm thức. Khi cảnh được phân theo giác quan hay sáu căn thì có sáu cảnh nhưng trong cách nói rộng rãi chi tiết thì A Tỳ Đàm nói đến 21 cảnh bao gồm mọi phạm trù của nhận thức. Ở đây không có nghĩa là một mỗi cảnh là đối tượng riêng biệt mà một đối tượng có thể gọi là nhiều cảnh khác nhau thí dụ một đối tượng vừa là cảnh sắc, vừa là cảnh dục giới, cảnh chơn đế, cảnh ngoại phần ..v.v. Chính cách nhìn vào gọi từ nhiều góc cạnh khác nhau cho thấy khái niệm hết sức quan trọng về sự hoạt dụng của tâm thức.
A Tỳ Đàm không nói là tâm tạo ra tất cả mà nói là tâm có thể biết tất cả cảnh. Dù là tục đế hay chơn đế, dục giới hay đáo đại, danh hay sắc, hữu vi hay vô vi đều nằm trong khả năng nhận thức của tâm thức. Điều nầy mở ra một cánh cửa lớn về tâm thức theo Đạo Phật. Chi tiết hơn, A Tỳ Đàm nói đến nhiều cái biết như của thức, của tưởng, của trí. Thuộc tánh tưởng (Sannacetasika) có mặt trong tất cả tâm được định nghĩa là "biết do từng biết" nhưng lại có mặt trong tâm sơ đạo được hiểu là "biết cái chưa từng biết" là một trong nhiều thí dụ cho thấy sự tinh vi của môn học nầy khi làm cơ sở thảo luận Phật học.
A Tỳ Đàm, qua sự phân tích về duyên hệ, đã không nói đến một yếu tố độc tôn quyết định tất cả. Tâm và cảnh đều có ảnh hưởng tự nhiên. Không thể nói tất cả do tâm hay tất cả do cảnh. Giáo lý vô ngã vốn là một hệ luận tự nhiên của lý nhân duyên. Mặc dù nhiều thế kỷ sau khi Phật viên tịch đã có những cố gắng để đưa ra cái nhìn ngược lại nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng quan niệm chân ngã vốn không thể tìm thấy trong A Tỳ Đàm.
Có tổng cộng là 21 cảnh được đề cập ở đây. Có thể phân thành 6 nhóm:
a. Cảnh phân theo giác quan hay căn môn gồm 7: cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh ngũ, cảnh pháp
b. Cảnh phân theo bản thể và thi thiết có 2: cảnh chơn đế, cảnh chế định
c. Cảnh phân theo thô tế có 3: cảnh dục giới, cảnh đáo đại, cảnh níp-bàn
d. Cảnh phân theo danh sắc có 2: cảnh danh pháp, cảnh sắc pháp
e. Cảnh phân theo thời gian có 4: cảnh quá khứ, cảnh hiện tại, cảnh vị lai, cảnh ngoại thời
f. Cảnh phân theo không gian (...) có 3: cảnh nội phần, cảnh ngoại phần, cảnh nội ngoại phần.
Đố vui trong ngày
1. Từ nào dưới đây có chữ cảnh đúng nghĩa với chữ "cảnh - àrammana" trong A Tỳ Đàm
a. Cảnh huống
b. Cảnh trí
c. Cảnh tỉnh
d. Cảnh sắc
2. Câu nào dưới đây đúng với giáo lý A Tỳ Đàm
a. Tất cả cảnh đều do duyên sanh
b. Tất cả cảnh đều do tâm tạo
c. Tất cả cảnh đều bị tâm nhận thức
d. Tất cả cảnh đều là thực tại
3. Có một lần người ta thuê người chửi mắng Đức Phật, tôn giả Ananda thỉnh Đức Thế Tôn đi nơi khác. Đức Phật đã hỏi lại rằng:
a. Đi nơi nào đây?
b. Đi nơi khác người ta vẫn chửi thì làm sao?
c. Có biết nơi nào tốt đẹp hơn chăng?
d. Ai đứng sau lưng những mạ lị hủy báng nầy?
4. Có một vị Càn Thát Bàn vâng lời Đế Thích đến khảy đàn cúng dường Đức Phật. Đức Phật khen là âm điệu hay. Điều nào dưới đây là hợp lý trong tinh thần học Phật:
a. Đức Phật cũng thích âm nhạc
b. Phẩm vị nghệ thuật không chỉ năm ở tham ái
c. Chỉ có nhạc của trời mới xứng đáng để cúng dường cho Phật
d. Cả ba câu trên đều sai
5. Tổ Bách Trượng đề ra nguyên tắc "nhất nhật bất tác bất thực" ( ngày nào không làm thì quyết không ăn). Khi tổ già yếu, đồ chúng không muốn tôn sư lao động cực khổ nên khuyên ngài nghỉ ngơi nhưng tổ không nghe. Khuyên không được nên một số đệ tử lập kế giấu đi những nông cụ khiến ngài không làm gì được đành quyết địn tuyệt thực. Thấy tổ nhịn ăn, chúng đệ tử hối hận quỳ trước am thất sám hối mong ngài tha thứ và tho thực. Nói thế nào tổ vẫn không đổi ý, cửa phòng vẫn khép kín. Bổng dưng một chú tiểu bước lên nói lớn rằng: Kính bạch phương trượng Ngài không ăn không sao nhưng bắt mọi người quỳ ở đây nhịn đói thì thật không từ bi chút nào. Cánh cửa mở ra, Tổ bằng lòng thọ thực.
Lý do nào tổ Bách Trượng đổi ý:
a. Tổ sợ đi kinh tế mới
b. Ở đây nhịn ăn là một nguyên tắc mà đồng ý ăn cũng là một nguyên tắc
c. Tổ thấy có yêu sách thì cũng chừng mực thôi
d. Có thể Tổ nghĩ là là giáo đa thành oán
Thứ Năm, 10 tháng 3, 2005
Part III: Morality / Đạo Đức
3.2 A. Tự giác mới giác tha
Những điểm chính:
Phải tự giác trước khi giác tha
Vấn đề thực tiễn
Làm sao để tự thanh lọc?
Dẫn nhập:
Một người đã tốt đẹp thì mới có thể làm cho người khác được tốt đẹp được.
Đức Phật là một điển hình, Ngài dạy chúng sanh cách thanh lọc phiền não để giải thoát, thì chính Ngài đã thanh lọc phiền não và đã giải thoát rồi. Nói những gì mà mình đã thực chứng thực nghiệm thì lời nói đó mới có giá trị và hữu hiệu bởi đã kinh nghiệm qua. Đức Phật thường khuyên dạy đệ tử phải tự giác trước khi giác tha.
Một thí dụ rất thực tiễn, khi chính mình đã đứng trên bờ thì mới kéo người khác ra khỏi bùn lầy được; nếu mình và người kia cùng đang bị lún sâu dưới bùn lầy thì làm sao có thể kéo người khác lên bờ được?
Hoan hỷ trong điều thiện, tinh tấn dẹp bỏ điều ác, biết tự giáo hoá và khắc phục những lỗi lầm, đó là những điều cơ bản để tự thanh lọc chính mình.
Chánh kinh:
It cannot be, Cunda, that one who is sunk in mud can pull out another who is sunk is mud. It is possible, Cunda, when one not sunk in mud will by himself pull out another who is sunk a mud. When one is not tamed, not trained, not quenehed (of defilements), one cannot make another utterly quenched (of defilements).
“Này Cunda, một điều không thể được đó là người đang bị lún trong bùn mà kéo lên người khác cũng đang bị lún trong bùn. Này Cunda, một điều có thể được là khi một người tự mình không bị lún trong bùn thì anh ta có thể kéo lên một người khác đang bị lún trong bùn. Khi một người chưa được nhiếp phục, chưa được huấn luyện, chưa được hoàn toàn giải thoát (khỏi cấu uế), người ấy không thể nhiếp phục, huấn luyện làm cho người khác giải thoát (khỏi cấu uế).
Thảo luận:
1) Một vị chưa tự mình chứng đạt quả giải thoát nhưng vị ấy có thể dựa trên kinh điển mà thuyết pháp giải thoát cho người khác nghe được không?
2) Ngưòi khác nghe pháp thanh tịnh từ nơi một người chưa được thanh tịnh, nếu người kia nỗ lực hành đúng pháp ấy thì có thể đạt kết quả không?
3) Nếu ai cũng nghĩ rằng mình chưa giải thoát nên không khuyên dạy người khác pháp giải thoát. Điều đó làm cho Phật pháp thịnh hay suy?
1) Một người hành theo Phật pháp có được kết quả là nhờ vào:
a. Sự nỗ lực tự bản thân hành đúng pháp
b. Sự hướng dẫn của một vị thầy đã đạt đến giải thoát
c. Sự tinh tấn chính mình và sự hướng dẫn chân chính của vị thầy
d. Nhân duyên hội đủ
2) Sự kiện nào là tốt đẹp, khi một người nghe vị khác thuyết pháp:
a. Nhìn vào vị thầy để làm gương
b. Chỉ cần lắng nghe và chấp nhận lời dạy của vị thầy
c. Suy xét pháp của vị ấy thuyết, nếu đúng thì thọ trì
d. Câu a và c đúng
3) Phật pháp có hiệu năng đến chúng sanh, ở đây hiệu năng của Phật pháp là y cứ:
a. Người thuyết pháp là bậc thanh tịnh
b. Người nghe pháp có thực hành theo
c. Tự chánh pháp đã có hiệu năng
d. Câu a và b đúng
4) Một người đã giác ngộ giải thoát nhưng không đem pháp giải thoát ấy dạy cho người khác.
a. A-la-hán Độc giác
b. A-la-hán chỉ thích sống độc cư
c. A-la-hán không đắc tuệ phân tích
d. Cả ba câu đều đúng
5) Hình ảnh một con voi bị sa lầy nghe tiếng trống trận đã tự mình rút chân khỏi đầm lầy, thí dụ này Đức Phật dạy với ý nghĩa:
a. Vị Tỳ-kheo phải nỗ lực, tinh tấn đạt đến giải thoát
b. Vị Tỳ-kheo phải biết lựa chọn pháp môn để thực hành
c. Vị Tỳ-kheo phải thức tỉnh giữa chúng sanh đang say ngủ
d. Vị Tỳ-kheo hãy tự giác không trông cậy vào ai
Thứ Ba, 8 tháng 3, 2005
KINH VẠN PHÁP TỔNG TRÌDHAMMASAṄGINĪ
16.1. “Giới thiệu Kinh Vạn pháp tổng trì”
Những điểm chính:
· Xuất xứ kinh Vạn pháp tổng trì
· Nội dung kinh Vạn pháp tổng trì
· Tác dụng suy niệm kinh
Dẫn nhập:
Xưa Phật dạy Thắng PhápVề bản thể chân đếNhờ nghe Vi Diệu TạngPhật Mẫu chứng thánh quả. Nay đệ tử chúng con Trì tụng Ma Ti KaNguyện uy đức vô cùngÐộ chúng sanh thoát khổ. Kinh Vạn pháp tổng trì được trích từ bộ thứ nhất của tạng Vi Diệu Pháp, bộ Pháp tụ (Dhammasaṅginī). Bộ Pháp tụ này dẫn giải các đầu đề tổng trì vạn pháp, gồm có đầu đề tam, đầu đề nhị và nhị đề kinh. Ở đây, chư Tăng thường tụng đọc kinh Vạn pháp tổng trì theo đầu đề tam; đầu đề tam là những pháp đề có ba câu tổng hợp ý nghĩa các pháp. Giá trị của kinh Vạn pháp tổng trì là nêu rõ đặc tính của vạn vật vũ trụ, trình bày hai khía cạnh danh sắc. Tụng đọc kinh Vạn pháp tổng trì và hiểu được nghĩa lý sẽ làm cho trí tuệ nhạy bén, phân tích khía cạnh pháp mỗi trường hợp được rõ ràng không có sự nhầm lẫn.
Chánh kinh:
Bản thể pháp gồm bốn
Tâm, tánh, sắc, niết bàn
Phân biệt theo chức năng
Ðồng dị tuỳ thể loại
Thảo luận:
1. Có ý nghĩa gì khi truyền thống chư Tăng Phật giáo Nam tông lấy kinh Vi Diệu Pháp đưa vào nghi thức kinh tụng cầu siêu?
2. Tại sao gọi là kinh Vạn pháp tổng trì (Dhammasaṅginī)?
3. Kinh Vạn pháp tổng trì, đối với người sống còn khó lãnh hội thế thì làm sao người chết hiểu được?
Part III: Morality / Đạo Đức
3.1E Những tâm trạng thao thức
Những điểm chính :
. Sức mạnh tư duy ức chế thần kinh
. Thao thức bồn chồn và tỉnh táo
. Nên hay không nên thao thức ?
Dẫn nhập :
Tư duy thuộc tâm lý, hệ thần kinh thuộc vật lý; rất nhiều trường hợp xảy ra trong đời sống, tâm lý tác động đến vật lý, tư duy có thể ức chế thần kinh. Một người quá vui hay quá buồn, quá lo lắng hay quá suy tư có thể làm cho người ấy ít ăn ít ngủ.
Trong đoạn kinh sau đây, Đức Phật đã nêu rõ vấn đề ấy, có năm trường hợp mà tâm lý ức chế thần kinh làm cho người ấy ít ngủ. Trong năm trường hợp ấy có ba trường hợp thao thức vì tâm trạng bồn chồn. Một trường hợp thao thức vì tâm suy nghĩ nhiều và một trường hợp ít ngủ vì tỉnh thức.
Trường hợp ít ngủ với tâm trạng tỉnh lặng an lành thì nên vì không hại sức khỏe, nếu ít ngủ với tâm trạng ray rức bồn chồn thì không nên vì có hai cho sưc khỏe và cũng làm cho tinh thần suy sụp.
Chánh kinh :
Monks, these five sleep little by night, they are much awake. What five ? A woman longing for a woman; a thief longing for booty, minister bent on official business, and a monk longing for release from the bondage of defilements sleeps little at night, is much awake.
A.III, 152
Này các Tỳ kheo, có năm hạng người này ban đêm thao thức ít ngủ. Thế nào là năm ? Người nữ khao khát người nam, ban đêm thao thức ít ngủ; người nam khao khát người nữ, ban đêm thao thức ít ngủ, kẻ trộm mong mỏi vật trộm, ban đêm thao thức ít ngủ, quan nhân lo nghỉ công vụ, ban đêm thao thức ít ngủ, vị Tỳ kheo tầm cầu ly hệ phược, ban đêm thao thức ít ngủ. (A.III.152)
Thảo luận :
1/ Việc ăn ngủ là vấn đề tự nhiên của cơ thể, để cân bằng sinh thái, nếu người tu hành hạn chế việc ăn ngủ, điều đó có ảnh hưởng xấu không ?
2/ Một vị A la hán có ngủ nghỉ không ? và phải chăng giấc ngủ của ngài cũng đến bằng trạng thái buồn ngủ dả dượi ?
3/ Giữa hai danh từ "Tỉnh ngủ" và "Tỉnh thức", có ý nghĩa khác nhau không ?
1/ Đối với vị tu hành, ít ngủ là điều tốt :
a. Bởi ngủ ít làm cho cơ thể nhẹ nhàng không biếng nhác.
b. Bởi ngủ ít làm cho tâm trí tỉnh táo linh hoạt.
c. Bởi ngủ ít không phí thời gian tu tập.
d. Cả ba câu đúng.
2/ Theo Phật pháp, Đức Phật đã dạy trong việc ăn ngủ của vị Tỳ kheo :
a. Ngài khuyến khích ăn ngủ, để có sức khoẻ.
b. Ngài chê trách sự ăn no ngủ kỷ sẽ làm trí tuệ lui sụt.
c. Ngài khuyên hạn chế việc ăn ngủ, hãy sống điều độ theo trung đạo.
d. Ngài không khuyến khích cũng không ngăn cản việc ăn ngủ.
3/ ý nghĩa về con đường trung đạo tránh xa hai cực đoan, điều này đã được Đức Phật thuyết trong bài kinh
a. Kinh chuyển pháp luân
b. Kinh vô ngã tướng
c. Kinh pháp an lành
d. Kinh Tứ Niệm Xứ.
4/ Hình ảnh nào dưới đây gợi lại cho ta nhớ về Đức Phật :
a. Một vị Sa môn tỉnh tọa dưới tàn cây trong đêm trăng.
b. Một vị Sa môn đang ngồi thiền trong am thất giữa rừng vắng.
c. Một vị Sa môn đang khất thực giữa làng mạc.
d. Một vị Sa môn đang ẩn cư trong hang động.
5/ Có một bài kệ Đức Phật đã dạy trong kinh pháp cú "Người ăn no, ngủ kỷ / nằm lăn lóc qua lại / như heo mập nuôi cám / đần độn tái sanh mãi". Bài kệ này được thuyết cho ai ?
a. Vua Udena
b. Vua Pasenadi
c. Vua Bimbisàra
d. Một vị Tỳ kheo
Thứ Hai, 7 tháng 3, 2005
15. NĂM PHÁP QUÁNPAÑCA ABHIṆHAPACCAVEKKHAṆA
Những điểm chính:
· Công phu suy quán
· Năm điều cần suy quán
· Tác dụng suy quán
Dẫn nhập:
Dù không có điều kiện để tu tập thiền định, nhưng không phải vì vậy mà người Phật tử buông thả tâm để cho trí tuệ lu mờ và phiền não chi phối. Đức Phật đã dạy cho năm pháp thường suy quán, nếu thực hành hằng ngày vẫn đem lại ích lợi cho nội tâm, vẫn gọi là tâm có tu tập.
Năm điều nên suy quán ấy là quán xét sự già, quán xét sự bệnh, quán xét sự chết, quán xét sự biệt ly, quán xét nghiệp quả. Năm điều ấy dù là bậc xuất gia hay cư sĩ cũng phải nên thực hành quán tưởng.
Chúng sanh có sự dể duôi trong thiện pháp và buông lung trong ác pháp bởi do tâm thường kiêu mạn, kiêu mạn tuổi trẻ, kiêu mạn sức khoẻ, kiêu mạn tuổi thọ, chấp thủ ái luyến, bất chấp hậu quả. Khi tu tập thường xuyên về năm pháp quán này thì không còn sự kiêu mạn, ái chấp và quên mình nữa. Đó là tác dụng lợi ích của pháp môn này.
Chánh kinh:
Jarādhammomhi jaraṃ anatīto Byādhidhammomhi byādhiṃ anatītoMaraṇadhammomhi maraṇaṃ anatītoSabbehi me piyehi manāpehinānābhavo vinābhāvoKammasakomhi kammadāyādo kammayoniKammabandhu kammapaṭisaraṇoYaṃ kammaṃ karissāmi kaḷyāṇaṃ vāPāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi.
Phật xưa rằng kiếp nhân sinhLắm điều khổ lụy chẳng dành riêng aiXuân xanh rồi cũng tàn phaiThời hoa mộng tựa sương mai đầu cànhTấm thân tứ đại hiệp thànhốm đau tật bệnh thường tình xưa nayDù cho thọ mạng ngắn dàiCổ kim nào kẻ thoát tay tử thầnNgười thân ly biệt người thânTrăm năm bao lượt khó ngăn lệ nhoàMỗi người riêng nghiệp thiểu đaRừng mê bể khổ phải qua một mìnhTử sinh nối tiếp tử sinhTrầm luân khởi tự vô minh cội nguồnTrí nhân hiểu lẽ vô thườngTinh cần tu tập thẳng đường vô sanh.
Thảo luận:
1. Năm pháp tu quán tưởng này có thể tu đến giải thoát chăng?
2. Một vị đang tu tập thiền quán có cần thiết phải tu tập quán tưởng thêm những điều này trong mỗi ngày chăng?
3. Có nhiều thiện pháp khác cũng có tác dụng lợi ích tiến hoá, tại sao pháp suy quán ở đây chỉ nói đến năm điều?
Câu đố vui:
1. Hạng người nào dưới đây có thể đạt đến hiệu quả tu tập?
a. Hiểu nhiều nhưng không thực hành
b. Không hiểu nhưng thực hành
c. Hiểu ít nhưng thực hành nhiều
d. Hiểu nhiều nhưng thực hành ít
2. Trong việc tu tập, yếu tố để đạt được kết quả, đó là:
a. Hành đúng phương pháp dù không ước nguyện
b. Có ước nguyện dù hành sai phương pháp
c. Cả hai đều không đạt kết quả
d. Cả hai đều đạt được kết quả
3. Vị hành giả tu tập quán niệm sự chết, trí quán niệm ấy thuộc về:
a. Trí văn
b. Trí tư
c. Trí tu
d. Gồm cả ba loại trí
4. Có vị Tỳ-kheo nhờ suy quán thân khổ lúc bạo bệnh mà đắc quả A-la-hán, đó là:
a. Tỳ-kheo Girimānanda
b. Tỳ-kheo Godhika
c. Tỳ-kheo Cunda
d. Tỳ-kheo Pūtigattatissa
5. Thuở xưa Đức Phật khuyến khích các vị Tỳ-kheo sống ở rừng bởi lý do:
a. Rừng là nơi cô tịch, giúp cho tu thiền định dễ dàng
b. Các vị Tỳ-kheo thời ấy quá đông không thể ở thành thị
c. Sống ở rừng sẽ tự do thoải mái hơn ở làng mạc
d. Bản thân Ngài tìm được chân lý giải thoát từ nơi cảnh rừng