Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

II.15. MƯỜI PHƯỚC NGHIỆP SỰ

Đức Phật đã giảng về phước nghiệp sự (Puññakiriyavatthu), lã những cơ sở để tạo phước vật, phước đức và phước trí nhưng Ngài chỉ dạy căn bản có ba điều là cơ sở bố thí (dānamaya), cơ sở trì giới (sīlamaya) và cơ sở tu tiến (bhāvanāya) - D.III.218; A.IV.239; It.51.

Trong các bộ chú giải đã giải thích rộng thành mười điều tạo phước, thập hạnh phúc, đó là:

1- Bố thí (Dānamagga), là tạo phước bằng cách bố thí xả tài.

2- Trì giới (Sīlamaya), là tạo phước, bằng cách giữ giới, thọ trì những giới cấm.

3- Tu tiến (Bhāvanāmaya), là tạo phước bằng cách tu tập thiền định, chỉ và quán.

4- Cung kính (Apacāyanamaya), là tạo phước bằng cách kính lễ bậc trưởng thượng.

5- Phục vụ (Veyyāvaccamaya), là tạo phước bằng cách làm lợi ích cho người khác với công sức của mình.

6- Hồi hướng (Pattidānamaya), là tạo phước bằng cách hướng nguyện công đức đã làm, để tạo điều kiện cho người khác sanh tâm thiện.

7- Tùy hỷ (Pattānumodanāmaya), là tạo phước bằng cách vui thích theo công đức của người khác đã làm.

8- Thính pháp (Dhammassavanamaya), là tạo phước bằng cách nghe pháp của Đức Phật thuyết, hay các đệ tử của Ngài thuyết, thậm chí là nghe những bậc thiện trí dạy bảo.

9- Thuyết pháp (Dhammadesanāmaya), là tạo phước bằng cách nói pháp chân chánh cho người khác nghe, thậm chí chỉ là bàn luận Phật pháp, hoặc nói những lời hay lẽ phải.

10- Cải chánh kiến thức (Diṭṭhujukamma), là tạo phước bằng cách trau dồi kiến thức, làm cho tri kiến được ngay thẳng, chánh kiến.

Trong mười điều tạo phước ấy, điều bố thí, hồi hướng và tùy hỷ là chung một nhóm pháp tạo phước vật; điều trì giới, cung kính và phục vụ là chung một nhóm pháp tạo phưóc đức; điều tu tiến, thính pháp và thuyết pháp là chung một nhóm pháp tạo phước trí; riêng về điều cải chánh kiến thức là pháp hỗ trợ chín pháp kia và tạo được ba loại phước. -- D.A. III.999; Comp. 146