Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Cư Sĩ Giới Pháp
10-08-2011

CÁC PHÁP MÔN THUYẾT CHO CƯ SĨ



II.6. BỐN PHÁP ĐEM ĐẾN LỢI ÍCH TƯƠNG LAI

Bốn pháp lợi ích tương lai này cũng được Đức Phật thuyết cho thiện nam tử Dīghajānu, ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī.

1- Đầy đủ niềm tin (Saddhāsampadā), là thành tựu chánh tín; có đức tin đối với Tam bảo, nhất là tin tưởng sự giác ngộ của Đức Như Lai.

2- Đầy đủ giới hạnh (Sīlasampadā), là thành tựu giới đức; từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ uống rượu và chất say.

3- Đầy đủ bố thí (Cāgasampadā), là sống với tâm không bị cấu uế bởi xan tham, không bỏn xẻn, bố thí rộng rãi, thích chia sẻ khi được yêu cầu.

4- Đầy đủ trí tuệ (Paññāsampadā), là có trí tuệ, thành tựu trạch pháp, thấy rõ sự sanh diệt của các pháp, để thể nhập chánh kiến. -- A.IV. 284

II.7. BỐN ĐỨC HẠNH NGƯỜI TẠI GIA

Dạ xoa Ālavaka hỏi Đức Phật rằng, làm thế nào mà ra đi từ đời này đến đời khác con người không bị sầu muộn? Đức Phật đã dạy, người cư sĩ có bốn đức hạnh này nhất định không sầu muộn sau khi chết:

1- Chân thật (Sacca), nghĩa là lời nói và việc làm đều đúng với sự thật, không giả dối, không hư ngụy.

2- Tự chế (Dama), nghĩa là biết điều phục huấn luyện tâm, tự dạy tâm, tự cải tạo cho mình được tiến hóa.

3- Kham nhẫn (Khanti), nghĩa là có sức chịu đựng nhẫn nại trước nghịch cảnh, kiên nhẫn với mọi khó khăn.

4- Xả tài (Cāga), nghĩa là bố thí chia sẻ đến người khác, dứt bỏ lòng ích kỷ bỏn xẻn. -- S.I.215; Sn.188

II.8. BỐN PHÁP THỊNH CỦA GIA ĐÌNH

Đức Phật thuyết cho các tỳ kheo, những gia đình nào có được tài sản, muốn được tồn tại lâu dài, đều do nhờ bốn sự kiện này hay một trong bốn sự kiện này. Bốn sự kiện hưng thịnh cho gia đình là:

1- Biết tìm lại cái đã mất (Naṭṭhagavesanā), nghĩa là trong gia đình cái gì đã bị tiêu hao, đã bị mất mát, do đã ăn xài hoặc bị trộm cướp ... thì người trong gia đình biết làm cho có lại những gì đã mất.

2- Biết sửa chữa cái đã hư cũ (Jiṇṇapaṭisaṅkharaṇā), nghĩa là trong gia đình cái gì dùng xài đã lâu, nay đã cũ kỹ đã giảm chất lượng, như nhà cửa hoặc vật dụng ... người trong gia đình biết tu bổ cải thiện cho mới lại.

3- Biết độ lượng việc ăn uống (Parimitapānabhojanā), nghĩa là chi phí trong việc ăn uống, giải trí, phải có chừng mực, hợp lý, vừa với sự thu nhập của gia đình.

4- Đặt người đức hạnh vào vai trò chủ đạo (Adhipaccasīlavantaṭhapanā), nghĩa là trong gia đình, những vị trí lãnh đạo như gia chủ, quản gia, nội trợ ... phải do người có đạo đức giới hạnh đảm nhận.

Ngược lại, gia đình nào không có bốn sự kiện này, sẽ làm cho gia đình suy sụp, không hưng thịnh, không tồn tại lâu dài. -- A.II.249

II.9. TÁM NGUỒN CÔNG ĐỨC SANH TRỜI NGƯỜI

Đức Phật đã thuyết cho các tỳ kheo nghe về tám nguồn công đức, nhân sanh cõi người và trời, được khả ái, khả ý, khả hỷ, an lạc, hạnh phúc. Tức là ba qui y và năm vô úy thí.

1- Quy y Phật (Buddhaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về với Đức Thế Tôn bậc Ứng Cúng Chánh Biến Tri.

2- Quy y Pháp (Dhammaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về chánh pháp, giáo pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn.

3- Quy y Tăng (Saṅghaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về chúng Tăng đệ tử xuất gia của Đức Thế Tôn.

4- Vô úy thí từ bỏ sát sanh (Pāṇatipātā paṭivirato hoti abhayadānaṃ), nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sát hại mạng sống.

5- Vô úy thí từ bỏ trộm cắp (Adinnādānā paṭivi-rato hoti abhayadānaṃ), nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự cướp đoạt vật chưa cho.

6- Vô úy thí từ bỏ tà hạnh các dục (Kāmesu micchācārā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự tà dâm phi pháp.

7- Vô úy thí từ bỏ nói dối (Musāvādā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự dối trá lừa gạt.

8- Vô úy thí từ bỏ nghiện ngập rượu (Surāmerayamajjamapādaṭṭhānā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ uống rượu, say sưa.

Người cư sĩ qui y Tam bảo là đem lại sự an vui cho mình; thọ trì ngũ giới là đem lại sự an vui cho chúng sanh, làm cho chúng sanh khác không sợ hãi, không oán thù, không bị tai hại, nên cũng gọi là vô úy thí (abhayaṃ deti). -- A.IV.24


Trích CƯ SĨ GIỚI PHÁP. TK GIÁC GIỚI