Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Giáo trình A Tỳ Đàm
25-6-2011

PHÂN LOẠI CHÚNG SANH THEO A TỲ ĐÀM


Còn gọi là chúng sanh, loài hữu tình, loài có tâm thức. Ðược chia làm 12 loại:

1) Người Khổ

Là những chúng sanh thiếu hạnh phúc, thường bị khổ đau. Người khổ được chia ra làm 4 loại:

- Ðịa ngục (Niraya): là những chúng sanh hằng bị mọi thống khổ, chẳng có sự an vui.

- Ngạ quỹ (Peta): là những chúng sanh hằng bị đói khát, chẳng thụ hưởng được các thực phẩm của Nhơn Thiên; do căn bỏn xẽn, hủy bán Tam Bảo, không tin Chánh Pháp, ...

- Bàng sanh (Tiracchāna): là loại chúng sanh đầu đuôi ngang nhau, từ ngữ căn Tiro: ngang + Acchāna: đi. Các súc sanh đi ngang, bò xuống, không đi thẳng như người. Có loại sanh bằng trứng (noãn sanh), có loại sanh con (thai sanh), có loại sanh nơi ẩm thấp (thấp sanh), không thấy nói tới hóa sanh.

- A-Tu-La (Asura): là những vị không có hoan lạc, thường rất hung dữ. Tục thường gọi là Thần, có đôi lúc vì quá sợ sệt, còn được tôn là Thánh như quan Công ... loại A-Tu-La này khác với loại A-Tu-La Thiên, đối thủ của trời Ðế Thích và sống ở Tam Thập Tam Thiên (trời Ðao Lợi), tục truyền ở dưới biển cũng có A-Tu-La vương và còn có một loại A-Tu-La căn duyên giống như Ngạ quỹ thường ở nơi cồn bãi, rừng núi hoặc hang động, ăn uống những vật nhơ nhớp

Tâm của những chúng sanh này thuộc bản năng và hành động của chúng bị Tham, Sân Si chi phối trong đời trước. Chúng tục sanh bằng tâm Quan Sát thọ Xã trong Dục giới Vô Nhân Bất Thiện tâm [thân thức thọ Khổ]. Những hạng người này không thể chứng thiền tâm.

2) Người Lạc

Người lạc là những người có nhiều hạnh phúc hơn những người khổ, họ không đến nổi chịu nhiều khổ đau như những người khổ. Những người này tục sinh bằng tâm Quan sát thọ Xã trong tâm Thiện Vô Nhân [thân thức thọ Lạc], hạng người này cũng không thể chứng thiền hay đạo quả được. Những người lạc ở cõi người thuộc về thai sanh, ở cõi Tứ thiên vương và vô tưởng thì hoàn toàn hóa sanh. Những người ở cõi Vô tưởng tục sinh bằng sắc pháp chứ không có tâm. Khi tục sinh làm người, những hạng người này thường thiếu trí tuệ, hay bị tàn tật.

Hai loại người kể trên vì tục sinh bằng tâm Quan Sát thọ Xã Vô Nhân, trong tâm Quả không có nhân nào, nên còn gọi là người Vô nhân (Ahetuka).

3) Người Nhị Nhân (Duhetuka)

Người Nhị nhân là người thiếu trí tuệ lúc tái sanh vì tâm tục sinh của người nhị nhân là một trong 4 tâm Quả Tịnh hảo ly trí (thiếu nhân Vô Si). Người nhị nhân cũng không thể đắc thiền hay đạo quả được. Những người này được tái sanh trong 7 cõi là: cõi người và 6 cõi trời Dục giới. Sở dỉ gọi là người Nhị nhân vì tâm Tục Sinh của những người này chỉ có Vô Tham và Vô Sân chi phối.

Những người Nhị nhân và Vô nhân không bao giờ có tâm Duy Tác hay Tâm An Chỉ, khi sanh làm người chúng không có tâm Quả Tịnh Hảo hợp trí (vì chúng không có tâm Thiện hợp trí đủ tam tư làm nhân trong đời trước).

4) Người Tam Nhân

Những chúng sanh nào có tâm mạnh mẽ và sáng suốt vì hành động của chúng trong quá khứ được Vô Tham, Vô Sân và Vô Si chi phối, được gọi là người Tam nhân. Những người này được tái sanh với đầy đũ trí tuệ, có thể tu thiền và chứng được các đạo quả của Siêu Thế tâm. Tâm Tục Sinh của người Tam nhân là 4 tâm Quả Tịnh hảo hợp trí hay 9 tâm Quả Ðáo Ðại. Trong 31 cõi, người Tam nhân có thể tái sanh được 21 cõi (trừ cõi Vô Tưởng, 4 cõi Ác thú và 5 cõi Tịnh cư).

5) Người Sơ Ðạo

Là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết-Bàn lần đầu tiên. Người Sơ Ðạo diêt trừ được 3 phiền não đầu là: Thân Kiến, Hoài Nghi và Giới Cấm Thủ. Người Sơ Ðạo có thể có mặt trong 17 cõi là cõi người, 6 cõi trời Dục giới, 3 cõi Sơ Thiền, 3 cõi Nhị Thiền, 3 cõi Tam Thiền và cõi Tứ Thiền Quảng Quả.

6) Người Nhị Ðạo

Là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết-Bàn lần đầu thứ hai. Người Nhị Ðạo làm giảm nhẹ thêm hai phiền não kế là Tham Dục và Sân. Người Nhị Ðạo có thể có mặt trong 21 cõi là 4 cõi Vô Sắc và 17 cõi mà người Sơ Ðạo có thể sanh lên.

7) Người Tam Ðạo

Là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết-Bàn lần đầu thứ ba. Người Tam Ðạo dứt tuyệt hai thứ phiền não Tham Dục và Sân. Người Tam Ðạo có thể có mặt trong 21 cõi như người Nhi Ðạo.

8) Người Tứ Ðạo

Là người sát trừ phiền não và chứng ngộ Niết-Bàn lần đầu thứ Tư. Người Tứ Ðạo sát tuyệt 5 phiền não còn lại là Sắc Ái, Vô Sắc Ái, Ngã Mạn, Phóng Dật, Vô Minh. Như vậy 10 phiền não chỉ được diệt tuyệt hoàn toàn khi hành giả chứng đến Tứ Ðạo. Người Tứ Ðạo có thể có mặt trong 26 cõi là 31cõi trừ cõi Vô Tưởng và 4 cõi ác thú.

9) Người Sơ Quả

Người Sơ Quả là người đã chứng đắc Sơ Ðạo. Người Sơ Quả nếu không chứng chứng thêm Ðạo Quả cao hơn thì cũng không quá 7 kiếp sanh trở lại làm người nên còn gọi là Quả Thất Lai; người Sơ Quả không bao giờ sa đọa vào 4 cõi khổ (4 ác đạo) và chắc chắn sẽ được Niết-Bàn nên còn gọi là Dự Lưu hay Nhập Lưu. Người Sơ Quả có thể tục sinh trong 21 cõi là cõi người, 4 cõi Vô Sắc, 6 cõi trời Dục Giới, 3 cõi Sơ Thiền, 3 cõi Nhị Thiền, 3 cõi Tam Thiền và cõi Tứ Thiền Quảng Quả.

10) Người Nhị Quả

Người Nhị Quả là người đã chứng đắc Nhị Ðạo. Người Nhị Quả nếu không chứng Ðạo Quả khác thì chỉ tái sanh lại cõi Dục giới một lần nên còn gọi là Nhất Lai. Người Nhị Quả có thể tục sinh ở 21 cõi giống như người Sơ Quả.

11) Người Tam Quả

Người Tam Quả là người đã chứng đắc Tam Ðạo. Người Tam Quả nếu không đắc A-La-Hán Ðạo thì sẽ sanh về cõi Ngũ Tịnh Cư Thiên (5 cõi trời tịnh cư) chứ không trở lại cõi Dục giới nửa nên còn gọi là Bất Lai. Ở cõi trời Tịnh Cư được phân làm 5 cõi, người Tam Quả tùy theo lúc tu tập, phát triển chi thiền nào mạnh sẽ được tái sanh vào một trong 5 cõi đó: nếu vị Tam Quả có Tín căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Vô Phiền Thiên; nếu vị Tam Quả có Tấn căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Vô Nhiệt Thiên; nếu vị Tam Quả có Niệm căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Thiện Kiến Thiên; nếu vị Tam Quả có Ðịnh căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Thiện Hiện Thiên; nếu vị Tam Quả có Tuệ căn mạnh thì sẽ tục sinh ở cõi Sắc Cứu Cánh Thiên; vị Tam quả có thể có mặt trong 26 cõi là 31cõi trừ cõi Vô Tưởng và 4 cõi ác thú. Vị Tam Quả dù không đắc Thiền cũng được sanh về cõi Sơ Thiền.

12) Người Tứ Quả

Người Tứ Quả là người đã chứng đắc Tứ Ðạo. Người Tứ Quả ở cõi nào thì khi Ngũ Uần tiêu hoại sẽ Niết-Bàn nơi ấy chứ không còn tái sanh nên còn gọi là Vô Sanh; vì đã diệt trừ sạch các phiền não, hoàn toàn trong sạch, xứng đáng cho người trời cúng dường nên còn gọi là Ưng Cúng.