Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

GIÀ RỒI NÊN LÀM GÌ?

- Có hai vị Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, đi đến Thế Tôn, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Những Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng chúng tôi không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Tôn giả Gotama hãy răn dạy chúng tôi, Tôn giả Gotama hãy giảng dạy chúng tôi. Nhờ vậy, chúng tôi sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

- Thật vậy, các ông là những Bà-la-môn già yếu, trưởng lão, tuổi lớn, cuộc đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời, đã 120 tuổi, nhưng các Ông không làm điều lành, không làm điều thiện, không làm những điều để chấm dứt các sợ hãi. Thật vậy, này các Bà-la-môn, thế giới này đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn. Thế giới đã bị già, bệnh, chết dắt dẫn như vậy, này các Bà-la-môn, thời chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý trong đời này, đối với kẻ đã đi đến cõi chết, phải là chỗ nương tựa, là hang trú ẩn, là hòn cù lao (hay ngọn đèn), là chỗ quy y và là đích xứ nó đến.

Ðời sống bị dắt dẫn
Mạng sống chẳng là bao
Bị già kéo dẫn đi
Không có nơi nương tựa
Hãy luôn luôn quán tưởng
Sợ hãi tử vong này
Hãy làm các công đức
Ðưa đến chơn an lạc.
Ở đây chế ngự thân,
Chế ngự lời và ý,
Kẻ ấy dầu có chết,
Cũng được hưởng an lạc,
Vì khi còn đang sống
Ðã làm các công đức.

Những điểm lưu ý:
1. Nếu sợ hãi khi nghĩ đến cái chết hãy làm các công đức
2. Tu tập thân nghiệp thiện, khẩu nghiệp thiện, ý nghiệp thiện là điều phần lớn những vị cao niên có thể làm được.
3. Chính công đức là chỗ nương tựa tốt lành cho người lớn tuổi hơn là tài sản và con cháu

Thảo luận
1. Người ta thường nghĩ muốn tạo phưóc phải giàu (cho tài thí), hay khoẻ mạnh (để công quả) điều đó có đúng không?
2. Nếu chỉ tu tập cho ba nghiệp thân khẩu ý hiền thiện thì có quá ít và đơn giản cho sự tu tập?
3. Phải chăng đối diện với tử thần có người có nơi nương tựa, có người thì không?
4. Nghĩ nhiều về cái chết có làm tâm trí tiêu cực chăng?

Câu đố
Khi nói về sự tu tập tam nghiệp thiện (thân, khẩu, ý) thì hành giả có thể tìm thấy lợi điểm nào dưới đây:
a. Dễ nhớ (vì chỉ có ba chi pháp)
b. Trọn vẹn (vì không có sở hành nào khác ngoài ba nghiệp)
c. Khả thi (vì không đòi hỏi trình độ cao)
d. Cả ba câu trên đều đúng