Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Cư Sĩ Giới Pháp

1-8-2011


NGƯỜI CƯ SĨ PHẬT TỬ


I.1. TỨ CHÚNG PHẬT GIÁO

Trong Phật giáo có bốn hội chúng (parisā) là hội chúng tỳ kheo (bhikkhu), hội chúng tỳ kheo ni (bhikkhunī), hội chúng nam cư sĩ (upāsaka), hội chúng nữ cư sĩ (upāsikā).

Hội chúng tỳ kheo là hội chúng của những nam tu sĩ Phật giáo gồm cả Sa di (sāmanera), đó là những vị đã xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Sa di là vị tu sĩ tập sự để trở thành vị tỳ kheo, vị sa di tuổi từ hai mươi trở lên mới được phép thọ cụ túc giới. Sa di bên Tăng chúng không buộc thời gian.

Hội chúng tỳ kheo ni là hội chúng của những nữ tu sĩ Phật giáo, gồm cả sa di ni và học nữ (sāmaṇerī, sikkhāmānā). Đó là những người nữ đã xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chấp nhận đời sống phạm hạnh độc thân. Người nữ mới gia nhập ni chúng phải qua hai năm thọ giới học nữ mới làm sa di ni, thọ giới sa di ni qua hai năm và tuổi đủ hai mươi mới được thọ đại giới tỳ kheo ni.

Hội chúng nam cư sĩ là chỉ cho những thiện nam tử ở gia đình, chưa xuất gia, vẫn còn hưởng dục lạc thế tục. Những người nam này có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.

Hội chúng nữ cư sĩ là những người nữ ở gia đình, còn hưởng dục lạc thế tục, chưa xuất gia thành ni chúng. Họ có niềm tin Tam bảo, sống hiền thiện và tạo các công đức.

Bốn hội chúng Phật giáo, trong đó, hội chúng tỳ kheo và hội chúng tỳ kheo ni, là hội chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật. Hội chúng nam cư sĩ và nữ cư sĩ là hội chúng đệ tử tại gia của Đức Phật.

I.2. Ý NGHĨA U-BÀ-TẮC VÀ U-BÀ-DI

Người sống đời sống gia đình không phải là vị tu sĩ của giáo hội, gọi là người tại gia (gahaṭṭha) hay cư sĩ (gihi).

Những cư sĩ theo đạo Phật được gọi là U-bà-tắc và U-bà-di. Đó là tiếng đọc âm của danh từ Phạn ngữ Upāsaka và Upāsikā.

Upāsaka (âm là U-bà-tắc), dịch là "Người phụng sự, người cận sự", danh từ này chỉ cho nam cư sĩ nên được gọi là "Cận sự nam". Người ta cũng thường gọi người nam cư sĩ trong Phật giáo là "Thiện nam", nhưng danh từ này không dịch đúng với tiếng Upāsaka.

Upāsikā (âm là U-bà-di), cũng có nghĩa là người phụng sự, người cận sự. Tiếng Upāsikā và Upāsaka đều có một gốc từ "Upa + ās". Danh từ Upāsikā dùng để chỉ cho nữ cư sĩ nên được gọi là cận sự nữ. Người ta thường gọi nữ cư sĩ trong Phật giáo là "Tín nữ", đó cũng không phải dịch đúng với tiếng Upāsikā.

Hai danh từ cận sự nam và cận sự nữ đúng nghĩa với tiếng upāsaka và upāsikā (U-bà-tắc, U-bà-di) hơn là gọi Thiện nam và Tín nữ.

Người ta quan niệm người nam làm điều thiện nhiều hơn người nữ, nên mới gọi là Thiện nam; và người nữ thì có đức tin mạnh hơn người nam, nên gọi là Tín nữ. Thật ra quan niệm này không đúng, vì nếu người không có đức tin thì làm sao tạo thiện sự được? Người nam cũng có đức tin mạnh. Cũng như đối với người nữ không những chỉ có đức tin, mà người nữ vẫn tích cực làm điều thiện vậy. Và đó gọi là cận sự nam và cận sự nữ đúng hơn.

Ý nghĩa cận sự nam và cận sự nữ, cần được hiểu là những cư sĩ có niềm tin nơi Phật-Pháp-Tăng, trọn đời nguyện phụng sự Tam bảo, luôn luôn sống theo sự hướng dẫn của Tam bảo.