Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Phật Học Ứng Dụng

Giáo trình "Ứng dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày" gồm 28 đề tài trong tháng 7 năm 2011. Bài viết dưới đây là tài liệu cho ĐẠI HỌC HÈ PHẬT GIÁO 2011 tại miền nam California. Theo yêu cầu của một số Phật tử và nhận thấy cần thiết để xác lập vai trò chánh pháp trong đời sống chúng tôi lấy bài nầy làm bài 1 cho giáo trình.


Phật Học và Tinh Thần Đại Học

Đại học ngày nay được biết đến như một cơ cấu giáo dục mang đặc tính tự do. Từ hơn 5 thế kỷ qua người ta đã định nghĩa đại học như một “cộng đồng của những giáo sư và nghiên cứu sinh”. Học viên đứng trên vị thế của người tham cứu chứ không phải là thụ nhân được uốn nắn bởi nhà trường. Hiến chương Constitutio Habita ra đời thế kỷ thứ 16 khẳng định thần tự do của môi trường đại học. Khi ở vào tuổi không còn nằm trong qui định cưỡng bách giáo dục con người cần học hỏi bằng thái độ trưởng thành không phải qua sự nhồi nhét. Hơn thế nữa chỉ có sự hấp thụ trong tự do con người mới thắp sáng được tuệ giác chân thực.

Thật là thú vị tinh thần tự do đó vốn đã được khẳng định từ hơn hai thiên niên kỷ trước trong châu thổ sông Hằng, vùng Trung Ấn. Chính từ kim khẩu của Đức Phật những lời dưới đây được mô tả về giáo Pháp của Ngài:

Svākkhāto bhagavatā dhammo
Sandiṭṭhiko akāliko
Ehipassiko opanayiko
Paccattaṃ veditabbo viññūhī’ti.

Chánh Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền, vượt ngoài thời gian, đến để chứng nghiệm, hiệu năng hướng thượng, trí giả thân chứng.

Những lời cô đọng ấy là một mô tả sống động về những đặc tính của Phật Pháp.

Svakhato bhagavata dhammo – Pháp do Phật thiện thuyết hay giáo nghĩa trình bày có phương pháp.

Con người trưởng thành nhờ sự giáo dục có phương pháp. Chính ở đây đòi hỏi yếu tố “thiện thuyết” – khéo giảng. Bằng bạo lực người ta chỉ cần áp đặt. Bằng sự ru ngủ mị dân người ta chỉ cần sự ngây thơ nhẹ dạ. Bằng giáo điều người ta chỉ cần sự cuồng tín. Nhưng bằng sự giáo dục người ta cần có phương pháp dẫn nhập, phương pháp quảng diễn, phương pháp thẩm thấu. Chỉ có phương pháp giáo dục chân chính mới khiến con người trưởng thành thật sự, hiểu biết thật sự.
Kinh Kalama ghi lại những lời dạy nầy của Đức Phật cho người Kalama: “"Hỏi dân Kàlamas, các ngươi hoài nghi, hoang mang là phải, vì vấn đề ấy rất khả nghi. Hỏi dân Kàlamas, đừng để bị lôi cuốn bởi những lời thuật lại, hay bởi truyền thuyết, hay bởi những lời đồn. Ðừng để bị dắt dẫn bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suy diễn, hay bởi những bề ngoài đáng tin, hoặc bởi lạc thú tư duy về các quan điểm, hay bởi những gì có vẻ hữu lý, hay bởi ý nghĩ: "Ðây là thầy ta." Nhưng hỏi Kàlamas, khi nào các ngươi tự mình biết một việc gì là bất thiện, sai, xấu, thì hãy dứt bỏ... và khi các ngươi tự mình biết một điều gì là thiện, tốt, thì hãy chấp nhận, đi theo.”

Sanditthiko – thiết thực hiện tại hay tinh thần thực tiễn
Cho dù Phật pháp có dạy về quả dị thục, về kiếp sau, về cứu cánh niết bàn nhưng không nên quên rằng những pháp thực hành như giới, định, huệ .. với những kết quả thiết thực an lập tâm trí vẫn là những điều không thể thiếu. Nếu không có những pháp tu tập mang lại lợi ích thực tiển thì Phật Pháp không còn là Phật Pháp.

Akaliko – Vượt ngoài thời gian hay giá trị chân thực không nằm trong hạn cuộc.
Lịch sử và văn hóa nhân loại cho thấy các hình thái xã hội thường đóng khung trong những hạn chế địa phương hay tùy theo giai đoạn. Giáo nghĩa Veda (Phệ Đà) của Ấn giáo đặc biệt y cứ vài bốn giai cấp xã hội là ba la môn, sát đế lỵ, phệ xá và thủ đà là. Ra khỏi ranh phận Ấn độ thì những thứ nầy hoàn toàn vô nghĩa. Một học giả Anh Quốc, bà I. B. Honer, khi đọc kinh Thi Ca La Việt đã viết: Những gì Đức Phật đã dạy cho Singala trong bài kinh nầy trong lưu vực sông Hằng hơn hai ngàn năm trước vẫn có giá trị trọn vẹn với những người sống hai bên bờ sông Thames ngày nay.

Ehipassiko – đến để thấy hay tinh thần tôn trọng sự thật.
Nếu là chân lý thì chỉ cần cái nhìn khách quan là nhận thức được không phải nhờ vào sự thuyết phục để tin tưởng. Từ thời kỳ phục hưng của Âu Châu, phương Tây đã chấp nhận chỉ có sự hiểu biết chân xác về đại tự nhiên mới cho con người những tri thức hữu ích về điều mà ngày nay người ta gọi là khoa học kỹ thuật. Thời Trung Cổ thì ngược lại, người ta xem nặng tín lý hơn tất cả.
Phật Pháp luôn nhấn mạnh hai điểm: thực tướng và trí tuệ lãnh hội chân tướng các pháp. Dù trong pháp học hay pháp hành thì điều nầy không có gì khác biệt.

Opanayiko – hiệu năng hướng thượng hay khả năng thăng hoa
Mặc dù học vấn với nhiều người là phương cách thỏa mãn nhu cầu tri thức nhưng nói một cách rốt ráo thì giáo dục chân chính phải có mục đích thăng hoa và lợi lạc cho nhân loại. Tất nhiên không ai bảo đảm rằng những tài năng được đào tạo từ học đường sẽ chắc chắn giúp xã hội đi xa hơn trong cả ba lãnh vực chân, thiện và mỹ. Nhưng một nền giáo dục không mang tôn chỉ cao đẹp không bao giờ có giá trị đáng được xây dựng.
Đức Phật nhiều là khẳng định rằng giáo pháp của Ngài phải mang tính “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc” như Phật ngôn: Như lai chỉ tuyên thuyết về sự khổ và diệt khổ” (Trung Bộ II).

Paccattam veditabbo vinnuhi – trí giả thân chứng hay dành cho người hiểu biết.
Con người cần sự giáo dục để có được tri thức. Dù vậy trước khi hấp thụ những điều hay đẹp thì cần thái độ của bậc trí: cởi mở, khách quan, tôn trọng sự thật. Trong thương trường ngày nay người ta cần số đông. Trong chính trường người ta cũng nói số phiếu. Nhưng trong lãnh vực tri thức thì không phải số lượng quần chúng mà đối tượng là bậc thức giả. Không có ai chối bỏ sự thật lại có khả năng lãnh hội sự thật.

Những đặc tính kể trên có thể nói là cơ sở để so sánh giữa tinh thần học Phật và đại học. Tinh thần đó không phải chỉ tìm thấy trong những khuôn viên đại học mà có thể trong thâm sơn cùng cốc cho đến làng mạc thị thành của bao thế hệ thừa tiếp hành trạng của Đức Phật. Ngài Walpola Ralula viết trong quyển What The Buddha Taught: Tự buộc mình phải tin tưởng và chấp nhận một điều mình không hiểu gì hết, là một thái độ chính trị, không phải thái độ tâm linh hay trí thức. Nhận định đó có thể dùng là mẫu số chung khi so sánh giữa Phật học và đại học.

California, hè 2011
Tỳ kheo Giác Đẳng