Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

GIÁO TRÌNH A TỲ ĐÀM
8-6-2011


PHIỀN NÃO



1. Làm quen với một số thuật ngữ


- Khi một vật khiến ta không ưa thích hoặc trở ngại sự thực hiện ý muốn của mình, chúng ta bắt đầu ghét vật ấy. Dần dần sự ghét ấy tăng lên một mức độ đến nỗi chỉ nghĩ đến vật ấy cũng khiến ta tức tối, chán ghét. Tâm trạng như vậy gọi là Domanassa. Domanassa thúc dục kích thích chúng ta muốn tiêu diệt, công phá vật ta chán bỏ, sự kích thích ấy gọi là Patigha hay hận. Tâm ấy là asankhàrika, nếu trong khi giận dữ, một người làm một tội ác không gì ngần ngại, không cần người xui giục khuyên bảo. Tâm ấy là sasankhàrika nếu có ngần ngại, cần có người xui giục sai bảo mới làm. Trong 2 tâm này, lẽ dĩ nhiên không có somanassa (hỷ), hay upekkhà (xả), cũng không tương ưng với tà kiến vì khi quá tức giận, không còn thì giờ mà suy nghĩ phải với trái nữa.


Lobha, dosa, và moha là ba bất thiện căn. Lobha từ ngữ căn Lubh nghĩa là nắm giữ, ôm ấp. Dosa từ ngữ căn Dus nghĩa là không bằng lòng. Patigha, Pati: nghĩa là đối, Gha (han) có nghĩa là đánh chạm nhau. Moha từ ngữ căn Muh nghĩa là mê lầm. Theo Abhidhamma, Moha có mặt trong tất cả bất thiện tâm. Lobha và Dosa không khởi ra một mình mà phải có Moha. Moha có thể khởi một mình và được gọi là Momùha.


Somanassa: Su là tốt, thiện. Mana: ý, nghĩa là thiện ý, hoan hỷ. Upekkhà: Upa là ngang, không thiên lệch; Ikkh: là thấy không thiên về hỷ và ưu, đứng ở giữa nên có nghĩa là xả. Ditthi từ ngữ căn dis nghĩa là thấy, nhận thức. Sankhàrika từ chữ san nghĩa là tốt và kar nghĩa là làm. Trong Abhidhamma, chữ Sankhàra có nhiều nghĩa, phải hiểu và phân biệt cho rõ ràng. Dùng với 5 uẩn, Sankhàra là hành uẩn, nghĩa là các tâm sở trừ thọ và tưởng. Dùng với mười hai nhân duyên, Sankhàra có nghĩa là mọi hành động cố ý, thiện hay ác. Sankhàra cũng có nghĩa là thay đổi, biến dịch và dùng chỉ cho các pháp hữu vi. Ở đây, Sankhàra có nghĩa là khuyến khích, sai bảo.



- Moha: Si, là một điều kiện tất yếu đối với các bất thiện pháp. Lobha và Dosa (tham, sân) không thể khởi lên nếu không có Moha (si). Nhưng nếu chỉ có Moha thôi, thời khiến cho tâm trí bị mê mờ. Nên tâm ấy được gọi là "Momùhacitta. Một tâm trí như vậy khó mà hiểu sự vật rất rõ ràng, có nhiều nghi ngờ, nên gọi là vicikacchàsampayuttam. Một si tâm cũng không thể chuyên nhất trên một đối tượng nào. Tâm ấy xao động, nếu xao động mạnh thì gọi là Uddhaccasampayuttam: tương ưng với trạo cử. Hai tâm này không thể có Somanassa (hỷ) hay Domanassa (Ưu). Chúng tương ưng với Upekkhà (xả). Nghi và trạo cử khởi lên do mê mờ, không thể tự dụng ý tạo lên được, vì mê mờ và hiểu biết tương phản. Lại không thể có ai xui giục để nghi ngờ và trạo cử nên không có asankhàrika và sasankhàrika.


Vickicchà: theo luận sớ có 2 nghĩa: 1) Vici: Vicinanto là tìm hiểu, điều tra + Kiccchati nghĩa là mệt mỏi, phật ý. Phật ý do suy tư, phân vân. 2) Vi: Không có + Cikicchà: phương thuốc của trí tuệ. Vicikicchà nghĩa là không có phương thuốc của trí tuệ. Uddhacca: U nghĩa cùng khắp + Dhu nghĩa là rung động. Tâm trạng của con người bị xúc động quá mạnh.









2. Tâm Bất Thiện (Akusala citta)




Bất Thiện là Tâm chẳng lành, chẳng tốt, Tâm xấu, Tâm quấy, Tâm thấp hèn, Tâm hạ tiện, Tâm Bất Thiện có ba:



Tâm Tham.
Tâm Sân.
Tâm Si.


(*) Bất thiện có 5 nghĩa: 1) Bệnh hoạn. 2) Không tốt đẹp. 3) Không khôn khéo. 4) Tội lỗi và tạo ra nhân xấu. 5) Quả khổ. Trái lại với 5 điều kể trên là 5 nghĩa của Thiện.


Tâm Tham (Lobha citta)


Tâm Tham là ý ham muốn, Tâm nhiễm đắm, Tâm chấp trước, Tâm luyến ái, Tâm đắm nhiễm tức là trạng thái Tâm thu hút đối tượng. Tâm Tham có tám thứ:



Thọ hỷ hợp tà vô trợ.
Thọ hỷ hợp tà hữu trợ.
Thọ hỷ ly tà vô trợ.
Thọ hỷ ly tà hữu trợ.

Thọ Xả hợp tà vô trợ.
Thọ Xả hợp tà hữu trợ.
Thọ Xả ly tà vô trợ.
Thọ Xả ly tà hữu trợ.


(*) Nhân sinh Tham có 4: 1) Tục sinh có nghiệp tham liên hệ. 2) Nói từ đời trước đã tham. 3) Thường gặp cảnh tốt (chung). 4) Hay gặp cảnh vừa ý (riêng).


Tham Thọ Hỷ Hợp Tà Vô Trợ. (*)


Tham thọ hỷ hợp tà vô trợ là do lòng ham muốn một cách vui thích với một quan niệm sai lầm được khởi lên một cách nhanh chóng, không cần sự trợ giúp.


Thí dụ: Như một người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng, khởi lên lòng tham muốn, lấy một cách vui mừng và mau lẹ: do nghĩ rằng không tội. Lòng ham muốn lấy là tham, vui mừng là thọ hỷ, mau lẹ là vô trợ, cho là không có tội là tà kiến.



(*) Nhân sinh Thọ Hỷ có 4: 1) Tục sinh bằng tâm Thọ Hỷ. 2) Thiếu sự suy xét tế nhị. 3) Thường gặp cảnh tốt. 4) Không gặp sự suy vong.


Tham Thọ Hỷ Hợp Tà Hữu Trợ.


V- Thế nào là Tâm Tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ?


Tâm Tham thọ hỷ hợp tà hữu trợ là lòng ham muốn sanh chung với sự vui mừng và có sự hiểu lầm, nhưng Tâm này khởi lên một cách chậm chạp do ngoại cảnh hoặc nội tâm khởi lên đôi ba lần.


Thí dụ: Như người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng. Sau một lúc suy tư hay nhìn tượng Phật bằng vàng nhiều lần mới khởi lên lòng tham muốn lấy.


Tham Thọ Hỷ Ly Tà Vô Trợ.


Tham thọ hỷ ly tà vô trợ là lòng ham muốn có sự vui mừng nhưng chẳng có sự chấp sai và khi Tâm nầy khởi lên một cách mau lẹ không chần chờ.


Thí dụ: Như người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng liền vui mừng và lấy ngay, nhưng người ấy biết là có tội.


Chú thích: Biết có tội là ly tà.


Tham Thọ Hỷ Ly Tà Hữu Trợ.


Tâm tham thọ hỷ ly tà Hữu trợ là lòng ham muốn, có sự vui mừng không có sự hiểu lầm, nhưng khi khởi lên do lòng ngoại cảnh kích thích nhiều lần hay nội tâm nhiều lượt suy nghĩ.


Thí dụ: Như người vào chùa thấy tượng Phật bằng vàng lòng tham muốn khởi lên nên lấy một cách vui mừng, nhưng vì biết có tội nên chần chờ, sau nhiều lần suy tư mới lấy.


Tham Thọ Xả Hợp Tà Vô Trợ. (*)


Tâm Tham thọ xả hợp tà vô trợ là lòng ham muốn lấy một vật, vì thói quen nên không có sự vui mừng, chỉ lấy một cách thản nhiên với quan niệm cho rằng không tội và lấy một cách mau lẹ.


Thí dụ: Như một người tánh quen ăn cắp vặt, nên vào chùa thấy một cái chai liền ăn cắp một cách mau lẹ và cho rằng không tội nhưng vì lấy vật tầm thường và lấy do thói quen nên tâm thản nhiên.


Chú thích: Thản nhiên là thọ xả.



(*) Nhân sinh Thọ Xả có 4: 1) Tục sinh bằng tâm Thọ Xả. 2) Có sự suy xét tế nhị. 3) Thường gặp cảnh trung bình. 4) Không gặp sự suy vong tàn tạ.


Tâm Tham Thọ Xả Hợp Tà Hữu Trợ.


Tâm Tham thọ xả hợp tà hữu trợ là lòng ham muốn một cách thản nhiên, hợp với quan niệm sai lầm và khởi lên một cách chậm chạp do ngoại cảnh nhiều lần kích thích hoặc nội tâm nhiều lượt suy tư.


Thí dụ: Như người vào chùa thấy chiếc lọ bình (bằng sành), sau nhiều lần suy nghĩ mới lấy, nhưng lấy với tư cách bình thản (không vui mừng) và cho rằng vô tội.


Tâm Tham Thọ Xả Ly Tà Vô Trợ.




Tâm Tham thọ xả ly tà vô trợ là lòng ham muốn một cách thản nhiên, không có sự chấp sai, khởi lên một cách mau lẹ, không chần chờ.


Thí dụ: Như có người thấy tiền của người khác để liền lấy với tư cách thản nhiên, bình thường nhưng người ấy biết rằng có tội.


19- Tâm Tham Thọ Xả Ly Tà Hữu Trợ.


V- Thế nào là Tâm Tham thọ xả ly tà hữu trợ?


Ð- Tâm Tham thọ xả ly tà hữu trợ là lòng ham muốn một cách bình thường và khởi lên chậm trễ do ngoại cảnh nhiều lần kích thích hoặc có sự suy nghĩ nhiều lần.


Thí dụ: Như có người ăn no, gặp người khác mời ăn thêm, bị mời nhiều lần người ấy mới ăn, với tư cách thản nhiên, không có suy nghĩ sai lầm.


Tâm Sân (Dosa citta) (*)


V- Thế nào là Tâm Sân?


Ð- Tâm Sân là trạng thái nóng nảy, bực bội, khó chịu, bất bình, phiền muộn, bất toại nguyện. Tâm Sân có hai:



Tâm Sân thọ ưu hợp phấn vô trợ.
Tâm Sân thọ ưu hợp phấn hữu trợ.


(*) Nhân sinh Sân có 4: 1) Sân quen thành nết. 2) thiếu sự suy xét tế nhị. 3) thiếu học, ít nghe điều phải. 4) hay gặp cảnh xấu.


21- Tâm Sân Thọ Ưu Hợp Phấn Vô Trợ.


Tâm Sân thọ ưu hợp phấn vô trợ là lòng nóng nảy, khó chịu, phiền muộn một cách mau lẹ.


Thí dụ: Như một người bị kẻ khác vừa nói nặng một tiếng thì trong tâm đã nổi nóng. Nổi nóng đó là Tâm Sân thọ ưu hợp phấn. Vừa nghe nói lời nặng đã phiền là vô trợ.


Tâm Sân Thọ Ưu Hợp Phấn Hữu Trợ.


Tâm Sân thọ ưu hợp phấn hữu trợ là lòng nóng nảy, buồn bực, phẩn nộ khởi lên sau nhiều lần nghe thấy v.v..


Thí dụ: Như một người nọ bị kẻ khác dùng lời thô lỗ, mắng nhiếc. Khi mới nghe chưa giận, nhưng khi nghe nhiều lần mới phát Tâm Sân (nghe nhiều lần mới phát tâm sân là hữu trợ).


Tâm Si (Moha citta) (*).


Tâm Si là lòng tăm tối, mê mờ, thiếu trí tuệ, đồng nghĩa với Vô-minh. Tâm Si có hai loại:



Tâm Si Hoài Nghi.
Tâm Si Phóng Dật.


(*) Nhân sinh Si có 4: 1) Do nghiệp si mê đời trước. 2) sanh nhằm đời nhiều sân hận. 3) Thường gặp cảnh phiền não. 4) Pháp ngũ căn yếu. Trái lại với 4 điều trên là 4 nhân sinh Trí Tuệ.


Tâm Si Hoài Nghi.


Tâm Si Hoài Nghi là trạng thái mê mờ do nghi hoặc, phân vân, lưởng lự, không quyết tâm. Hoài nghi có hai cách:



a) Hoài nghi sự thông thường.
b) Hoài nghi sự tu hành.


- Hoài nghi sự tu hành (*) có tám cách:



1- Hoài nghi Phật.
2) Hoài nghi Pháp.
3) Hoài nghi Tăng.
4) Hoài nghi Tam Học.
5) Hoài nghi Ngũ Uẩn.
6) Hoài nhi mười hai xứ.
7) Hoài nghi mười tám giới.
8) Hoài nghi lý duyên khởi.


(*) Hoài nghi sự tu hành là hoài nghi những pháp đắc chứng.


- Hoài Nghi Phật có 5 điều:



1- Hoài nghi sự đắc toàn giác.
2) Hoài nghi hào quang sáu màu.
3) Hoài nghi hào quang chiếu sáng khi suy xét lý duyên sanh.
4) Hoài nghi về Thần Thông của Ðức Phật.
5) Hoài Nghi về nhứt thiết chủng trí của Ðức Phật.


- Hoài Nghi Pháp có 5 điều:



1- Hoài nghi Ðạo.
2) Hoài nghi Quả.
3) Hoài nghi Niết)bàn.
4) Hoài nghi Pháp)học.
5) Hoài nghi Tam-thế.


- Hoài Nghi Tam thế có 3:



Hoài nghi Quá-khứ.
Hoài nghi Vị-lai.
Hoài nghi Hiện-tại.


- Hoài Nghi Quá Khứ có 5 cách:



Ðời trước ta có không kìa?
Ðời trước không có ta phải không kìa?
Ðời trước ta giàu sang, nghèo hèn thế nào kìa?
Ðời trước ta có hình dáng như thế nào kìa?
Ðời trước ta từ đâu sanh lại?


- Hoài Nghi Vị Lai có 5 cách:



Ðời sau ta có phải không kìa?
Ðời sau không có ta phải không kìa?
Ðời sau ta giàu sang, nghèo hèn như thế nào kìa?
Ðời sau ta có hình dáng như thế nào kìa?
Ðời sau ta sanh ra như thế nào và chết sẽ sanh về đâu kìa?


- Hoài Nghi Hiện tại có 6 cách:



Ðây là ta phải chăng?
Ðây không phải là ta chăng?
Hiện giờ cái gì là ta?
Hiện giờ ta là cái gì?
Hiện giờ chúng sanh và ta từ đâu sanh lại?
Nếu ta và chúng sanh chết sẽ sanh về đâu?


- Hoài Nghi Tăng có 2 điều:



Thánh Tăng có thật hay chăng?
Phàm Tăng có sự đắc chứng thật hay không?


- Hoài Nghi Tam Học có 3 điều:



Hoài nghi Giới học.
Hoài nghi Ðịnh học.
Hoài nghi Tuệ học.


Tâm Si Phóng Dật.


Tâm Si Phóng Dật là trạng thái Tâm mù mịt, mê mờ, do sự loạn động, lao chao, toán loạn, phang duyên theo trần cảnh, bất nhất tâm, không an trú trong đề mục



III. THUỘC TÁNH BẤT THIỆN (Akusalacetasika)

Thuộc tánh bất thiện là những thuộc tánh chỉ hợp với các tâm bất thiện, gồm có 14 thuộc tánh tâm, được chia làm năm nhóm:

I. THUỘC TÁNH SI PHẦN:

Là những thuộc tánh làm cho Tâm mê mờ, thiếu sáng suốt (vô minh). Những thuộc tánh này được tìm thấy trong tất cả tâm bất thiện nên chúng còn được gọi là Thuộc tánh Bất Thiện Biến Hành và bao gồm bốn thuộc tánh sau:

1) Si (Moha):

Moha xuất phát từ ngữ căn Muh: bị sửng sốt, si mê, mê mờ, vô minh. Pāøli có chú giải: Mê mờ trong cảnh gọi là Si (Ārammane muyhathi: Moho). Si là một trong ba pháp căn bản phiền não và hiện hành trong tất cả các bất thiện tâm. Si trái với trí tuệ, nên không hiểu được lý nhân quả và Tứ Diệu Ðế.

Si là sự đam mê trong cảnh tượng, như người ngủ mê tưởng giấc chiêm bao là sự thật; như sương mù che áng tầm mắt, không cho ta nhìn rỏ được các cảnh vật ở xa.

- Chơn tướng của thuộc tánh Si là mờ ám, không có trí tuệ.

- Phận sự của thuộc tánh Si là ngăn che sự sáng suốt. Không hiểu được thấu đáo.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Si là tạo sự mờ ám, nhận thức sai đối với cảnh.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Si là không khéo dùng tâm (tác ý sai lầm).

2) Vô Tàm (Ahirika):

Là không biết hổ thẹn khi làm điều ác (Na hiriyatina lajjiyati: Ahiriko), với thuộc tánh Vô Tàm, người ta có thể làm tất cả các điều tội lỗi (các ác pháp) mà không hề do dự. Không biết hổ thẹn với lương tâm.

- Chơn tướng của thuộc tánh Vô Tàm là không ái ngại khi thực hiện các ác pháp.

- Phận sự của thuộc tánh Vô Tàm là làm tất cả các ác pháp.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Vô Tàm là tâm không lui sụt với cảnh tạo ác.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Vô Tàm là không biết tự trọng.

3) Vô Úy (Anottappa):

Không ghê sợ trước những hành động tội lỗi (Na ottappatīti: Anottappaṃ). Không biết hổ thẹn khi bị người khác chê cười. Như con thiêu thân bay vào lửa đỏ mà không sợ hải như thế nào, thì người Vô Úy cũng không hề sợ hải khi làm các pháp bất thiện như thế đó.

- Chơn tướng của thuộc tánh Vô Úy là cách không ghê sợ khi thực hiện các ác pháp.

- Phận sự của thuộc tánh Vô Úy là làm tất cả các ác pháp.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Vô Úy là tâm không lui sụt với cảnh tạo ác.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Vô Úy là không tôn trọng kẻ khác.

4) Phóng Dật (Uddhacca):

Từ ngữ căn U (trên) + Dhu: giao động nổi lên. Phóng dật là trạng thái loạn động của tâm thức dễ bị cảnh trần chi phối. Như một đống tro, khi ném một hòn đá vào, bụi sẽ tung bay lên như thế nào; thì khi tâm bị cảnh kích thích, phóng dật sẽ khởi lên như thế ấy. Hoặc như mặt nước bị gió làm nổi sóng như thế nào, thì tâm phóng dật (ví như gió) sẽ làm tâm bất thiện bị giao động như thế ấy. Pāøli có chú giải: Sự loạn động gọi là Phóng Dật (Uddha tassabhāvo: Uddhaccaṃ). Phóng dật là một trong ngũ triền cái (Nivarana) và được Lạc (Sukha) thay thế trong Sơ thiền. Trong vài trường hợp đặc biệt, phóng dật đồng nghĩa với kiêu mạn.

- Chơn tướng của thuộc tánh Phóng dật là cách không an tịnh.

- Phận sự của thuộc tánh Phóng dật là làm tâm không thể an trụ lâu trên một cảnh.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Phóng dật là tâm hằng giao động.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Phóng dật là không khéo tác ý.

II. THUỘC TÁNH THAM PHẦN:

Là những Pháp làm cho Tâm bị đối tượng thu hút, dính mắc theo trần cảnh, muốm gom mọi vật làm thuộc tánh cho chính mình; những thuộc tánh này chỉ hợp với tâm tham. Gồm ba thuộc tánh sau:

1) Tham (Lobha):

Là sự ôm ấp, bám víu những cảnh xuất hiện hợp với lòng ái dục, hợp với sở kiến. Từ ngữ căn Lubh: ôm ấp, níu lấy; nên Pāøli có chú giải: Ham muốn gọi là tham (Ubbhatīti: Lobho). Khi gặp cảnh tốt đẹp thì tâm tham khởi lên, chấp trớc trần cảnh, luyến ái đối tượng, say đắm theo ngủ dục. Thuộc tánh tham có thể ví như một cục nam châm hút sắt.

- Chơn tướng của thuộc tánh Tham là cách bị cảnh thu hút.

- Phận sự của thuộc tánh Tham là làm tâm bị vướng mắc vào cảnh.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Tham là không dứt bỏ cảnh.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Tham là ưa gặp các pháp ràng buộc, hợp sở kiến.

2) Tà Kiến (Diṭṭhā):

Là hiểu sai sự thật. Từ ngữ căn Dit: thấy, nhận thức. Nhưng sự nhận thức ở đây là sai lầm, không đúng với sự thật. Thấy biết trái với sự thật, gọi là Tà Kiến (Micchā Passatīti: Diṭṭhi). Như một trái ớt cay mà lại cho là ngọt; coi thế gian là thường (thay vì vô thường), cho khổ não là an vui, cho vô ngã là hữu ngã (chơn tâm), coi bất tịnh là tịnh, ... những nhận thức kể trên được gọi là Tà Kiến vì không đúng với chơn đế.

Tà kiến khác với Si; vì trong khi Si che phủ đối tượng, thì Tà kiến là những nhận thức sai lầm trên đối tượng.

- Chơn tướng của thuộc tánh Tà Kiến là cách cố chấp vào những nhận thức (sở kiến) không đúng với chơn lý.

- Phận sự của thuộc tánh Tà Kiến là suy xét sai lầm.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Tà Kiến là chấp cứng lấy sự sai lầm.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Tà Kiến là không được gặp các bậc thiện tri thức.

3) Ngã Mạn (Māna):

Là kiêu ngạo, tự đắc, tự phụ; lúc nào cũng cho mình hơn người. Từ ngữ căn Man: kiêu ngạo, tự đắc, hay so sánh mình với kẻ khác. So sánh mình với người gọi là Ngã Mạn (Seyyomasmīti ādinā maññatīti: Mano).

- Chơn tướng của thuộc tánh Ngã Mạng là cách kiêu căn, tự phụ.

- Phận sự của thuộc tánh Ngã Mạng là làm cho được lừng lẩy.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Ngã Mạng là cống cao, tự kiêu.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Ngã Mạng là phải có đối tượng để so sánh.

III. THUỘC TÁNH SÂN PHẦN:

Là những Pháp làm cho tâm nóng nảy, bực bội, khó chịu. Những thuộc tánh này chỉ thích hợp với tâm Sân. Gồm có bốn thuộc tánh như sau:

1) Sân (Dosa):

Từ ngữ căn Dus: phật ý, không bằng lòng. Khi có cảnh trái ý, nghịch lòng thì tâm Sân hay khởi lên. Nếu tâm Tham là sự gom vào, sự ôm ấp, gìn giữ đối tượng thì trái lại tâm Sân là sự đẩy ra, sự phá hoại, hủy diệt đối tượng. Sự hung ác, độc hại ... gọi là Sân (Saya meva dussatīti: doso). Sân là một trong ba căn bản phiền não.

- Chơn tướng của thuộc tánh Sân là cách nóng nảy, thô tháo.

- Phận sự của thuộc tánh Sân là làm cho tâm ta và tâm người nóng phừng lên.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Sân là phá hoại.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Sân là cảnh bất như ý (do tác ý sai lầm).

2) Tật (Issa):

Là sự đố kỵ. Từ ngữ căn i + su: ganh ghét, tật đố. Như khi thấy có người giàu sang, thành công hơn mình thì sanh lòng ganh ghét, đố kỵ, ganh tỵ, vì không muốn người khác hơn mình; không muốn có người hơn mình gọi là Tật (Issayanā: Issā). Tật trái với Tùy Hỷ (Muditā).

- Chơn tướng của thuộc tánh Tật là sự đố kỵ với kẻ khác.

- Phận sự của thuộc tánh Tật là sự không bằng lòng vì thấy người khác hơn mình.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Tật là tránh né để khỏi thấy kẻ khác hơn mình.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Tật là những ưu điểm của kẻ khác (so với mình).

3) Lận (Macchariyaṃ):

Lận là sự keo kiệt, bỏn xẻn, không chịu chia sớt cho ai (Macchera bhavo: Macchariyaṃ).

- Chơn tướng của thuộc tánh Lận là cách gìn giữ tài sản của mình.

- Phận sự của thuộc tánh Lận là không chịu chia sớt cho ai.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Lận là bón rít, không cho ra.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Lận là phải có tài sản.

4) Hối (Kukkuccaṃ):

Là hối tiếc, hối hận, ân hận việc đã qua (dù tốt hay xấu). Kukalassa bhàvo: trạng thái của một người có hành động sai lầm. Trạng thái của một người hối tiếc một hành động bất thiện đã làm, hoặc một hành động thiện đáng làm lại bỏ qua, hoặc một hành động thiện đã làm nhưng sau lại hối tiếc. Như một người hành động bố thí, giúp đở cho một người khác, sau được nghe kể về hành động xấu sa của người nhận bố thí thì sanh lòng ân hận vì cho rằng mình giúp lầm người. Hoặc một người lúc sân hận , mắng nhiếc kẻ khác, sau ân hận việc đã làm của mình. Hoặc một người không giúp đở người tàn tật, sau ân hận sự vô tâm của mình, ... Pàli có chú giải: "Kataṃ me pāpamakataṃ me puññaṃ kukkaccaṃ = ân hận tội đã làm, phước lại bỏ qua, nên gọi là hối".

- Chơn tướng của thuộc tánh Hối là hối tiếc, ân hận việc đã qua.

- Phận sự của thuộc tánh Hối là làm cho tâm bực bội với việc đã qua.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Hối là sự ân hận trong tâm.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Hối là tội đã làm hay phước không làm.

IV. THUỘC TÁNH HÔN PHẦN:

Là những thuộc tánh tâm yếu đuối, muôïi lược, chỉ thích hợp với những tâm Bất Thiện Hữu Trợ. Gồm có hai sở hữu, chúng luôn luôn xuất hiện cùng lúc, là một trong ngũ cái, và chỉ có tâm sở Tầm mới trừ diệt được chúng.

1) Hôn Trầm (Thīna):

Từ ngữ căn The là co rút lại như lông gà gặp phải lửa. Thīna là trạng thái co rút của tâm.

- Chơn tướng của thuộc tánh Hôn trầm là sự lười biếng.

- Phận sự của thuộc tánh Hôn trầm là làm cho không còn tinh tấn.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Hôn trầm là cách lui sụt.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Hôn trầm là không khéo dùng tâm.

2) Thụy Miên (Middha):

Là trạng thái hèn yếu, muội lược của các tâm sở. Tâm bắt cảnh không tươi tỉnh. Từ ngữ căn Middh: thiếu khả năng, lười biếng, không thích hoạt động, buồn ngủ.

- Chơn tướng của thuộc tánh Thụy Miên là sự dã dượi.

- Phận sự của thuộc tánh Thụy Miên là hạn chế lộ trình tâm, làm chúng giảm từ từ cho đến khi chỉ còn lại Hộ Kiếp.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Thụy Miên là tâm lui sụt (buồn ngũ).

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Thụy Miên là không khéo dùng tâm.

Hôn trầm được xem là sự đau yếu của các thuộc tánh tâm (Vedanā, Saññā và Sađkhāra: Thọ, Tưởng và Hành); Thụy miên được xem là sự đau yếu của tâm (Citta).

V. THUỘC TÁNH NGHI PHẦN:

Thuộc tánh Hoài Nghi (Vicikichā) là sự nghi hoặc, không tin sự thật. Từ ngữ căn Vici là tìm hiểu, Kicchati là chán nản, mệt mỏi; vậy Hoài Nghi là chán nản trong việc tìm hiểu (vì không có kết quả). Hay Vi: không; Cikicchā: thuốc đối trị. Vậy Vicikichā có nghĩa là hết thuốc chữa. Thuốc chữa ở đây là Tri Kiến chơn chánh. Pāli có chú giải "Vicikicchātīti = do dự là hoài nghi".

- Chơn tướng của thuộc tánh Hoài Nghi là cách nghi hoặc.

- Phận sự của thuộc tánh Hoài Nghi là làm cho lưởng lự, phân vân.

- Sự thành tựu của thuộc tánh Hoài Nghi là không thể quyết đoán.

- Nhân cần thiết của thuộc tánh Hoài Nghi là không khéo dùng tâm.